Sàn giao dịch bất động sản Biển Đông

Sàn giao dịch bất động sản Biển Đông

>

Wednesday, 14 May 2014

Biểu tình 11/5, rồi sao nữa?

 
Và tiếp tục biểu tình cho đến khi đảng cộng sản trao quyền lãnh đạo đất nước lại cho dân.
Lúc bấy giờ dân mới thực sự tự do chọn người tài đức ra điều hành đất nước.
katumtran.

2014-05-14 9:50 GMT+02:00 hung vu  [DienDanCongLuan] <>:
 

Biểu tình 11/5, rồi sao nữa? Chúng ta hãy biểu tình tiếp mỗi CN cho đến khi TQ rút giàn HD981 khỏi biển VN!

Biểu tình lớn nhất ở Hà Nội sau ...


Phan Châu Thành (Danlambao) - Sau khi gửi DLB post bài “Biểu tình 11/5: Công nghệ cướp cờ, cướp diễn đàn và phá biểu tình của CSVN” tôi cứ suy nghĩ mãi hai câu hỏi: “Chỉ thế thôi sao?” vì tôi biết trước sau biểu tình 11/5 tình hình ngoài Biển Đông cũng sẽ chẳng thay đổi gì, giàn HD981 của TQ sẽ vẫn lù lù đó và lực lượng thực thi pháp luật của VN cũng sẽ không thể tiếp cận nó chứ chưa nói làm gì nó khiến nó phải dời đi, và câu hỏi: “Làm sao cho biểu tình chống TQ xâm lược như biểu tình 11/5 vừa qua hiệu quả hơn?”

Trả lời câu hỏi thứ nhất, tôi nghĩ trong tình hình hiện nay người Việt Nam chúng ta cần tiếp tục biểu tình chống TQ ở khắp mọi miền đất nước và mọi nơi trên thế giới, ít nhất hàng tuần, cho đến khi TQ phải rút giàn HD981 của họ khỏi vùng biển Việt Nam. Đây là cuộc đấu tranh hào bình nhưng không nhân nhượng và dài lâu, cần kiên trì bền bỉ đến mục tiêu cuối cùng, hoặc đến những chuyển biến lớn khác mở ra cơ hội mới. 

Vì vây, tôi rất mong DLB và 20 tổ chức dân sự vừa qua và các tổ chức khác nữa hãy tiếp tục đứng ra vân động ủng hộ những cuộc biểu tình tiếp theo (vào các buổi sáng CN như 11/5 vừa qua) để những người dân thể hiện và giữ vững đòi hỏi TQ rút giàn HD981 khỏi biển VN đến cùng, không chấp nhận dừng lại để chính quyền CSVN chỉ dùng biểu tình 11/5 để đàm phán ngầm với CSTQ.

Như vây, khi trả lời câu hỏi thứ nhất là “Người Việt chúng ta sẽ biểu tình tiếp hàng tuần cho đến khi TQ rút khỏi Biển Đông của Việt Nam!”, thì trả lời câu hỏi thứ hai tất nhiên sẽ là:Chúng ta sẽ làm cho các cuộc biểu tình chống TQ sau ngày càng qui tụ được nhiều tiếng nói của nhân dân hơn, làm biểu tình hiệu sẽ quả hơn!

Qua biểu tình 11/5 chúng ta đã thấy lực lượng “biểu tình quốc doanh” thực chất muốn làm gì “chống TQ xâm lược” rồi, thấy họ đã làm gì, họ có thể làm gì, và họ đã chuẩn bị cho việc đó kỹ càng đông đảo thế nào…

Qua biểu tình 11/5 chúng ta thấy để thể hiện được tinh thần phản đối TQ xâm lược của mình đến đông đảo nhân dân còn chỉ đang quan sát và lo ngại, đến toàn xã hội VN, cho TQ và cả thế giới biết, chúng ta trước hết phải vượt qua sự phá hoại và cản trở ngầm của các lực lượng “biểu tình quốc doanh” đông đảo cũng sẽ đi biểu tình cùng chúng ta.

Trong buổi biểu tình ngày 11/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang A nói đại ý: “Chính quyền và nhân dân đang đi cùng chiều với nhau là tốt rồi”, nhưng chúng ta thấy, cũng qua biểu tình 11/5, rằng thực sự tình hình rất chưa tốt, vì bên ngoài là đi cùng chiều đó nhưng trong lòng “người biểu tình bên nhà nước và đảng” vẫn hướng về phía khác (chỉ có 1 phía khác là phía Tàu), không thể hiện nhất quán với bên ngoài của họ. Nhưng lòng dân và hành động của dân luôn nhất quán. Thế mới có những vụ cướp cờ, cướp diễn đàn, giải tán biểu tình, cản trở và theo dõi người đi biểu tình như ngày 11/5 vừa qua và trước đó, mà nếu không phải người trong cuộc bị hại là chính những người đi biểu tình không theo tổ chức của đảng - thì khó nhìn thấy rõ…

Vì thế mỗi người dân chúng ta đi tham gia biểu tình từ sau 11/5 cũng phải chuẩn bị kỹ hơn để không bị các “bạn biểu tình” của mình cướp xé cờ, cướp diễn đàn và chia cắt đoàn ra nữa!

Thứ nhất, chúng ta nên chuẩn bị tinh thần rằng, có thể quá nửa số người sẽ cùng đi biểu tình với chúng ta sẽ là những người đi biểu tình ăn lương đảng (và tất nhiên cùng hầu như toàn bộ những CAM, những DLV, những AN…), và họ có việc phải làm để xứng đáng nhận lương đó. Việc của họ là bằng mọi cách cản trở chúng ta – những người đi biểu tình chỉ theo tiếng gọi của lòng yêu nước, là bằng mọi cách cướp khẩu hiệu, xé biểu ngữ của chúng ta (nếu chúng không đúng định hướng của đảng), là bằng mọi cách cướp diễn đàn biểu tình của chúng ta, cướp tiếng nói của chúng ta, bằng mọi cách lấn át các câu khẩu hiệu chống TQ của chúng ta bằng âm thanh hay hình ảnh, bằng mọi cách phân tán chia rẽ chúng ta về đội ngũ khi đi biểu tình…

Thứ hai, chúng ta không nên dễ dãi tin ai và cho ai mượn biểu ngữ. Ai đã thực sự đi biểu tình thì phải thực sự chuẩn bị và có biểu ngữ của mình. Những kẻ xin “cầm hộ biểu ngữ cho chú đỡ mỏi tay” cũng không đáng tin, chừng nào bạn không biết họ đích thực là ai…Tất cả, để bạn không bị cướp cờ. Tôi tin họ sẽ có nhiều chiêu lừa đảo khác, hơn cả bọn lừa đảo ngoài đường phố, ngoài chợ. Hãy nhớ, bọn lừa đảo để cướp xé cờ biểu tình chống TQ đó chúng thô bỉ hơn, vì chúng có lý tưởng cộng sản và có đảng lãnh đạo, và vì chúng sẽ được đảng tưởng thưởng bằng tiền và chức!

Thứ ba, chúng ta nên chuẩn bị một số dụng cụ thiết yếu để có thể nhanh chóng sửa chữa, phục hồi các biểu ngữ nếu bị họ làm hỏng, xé rách (như băng keo, bút màu, dây nhợ, kẹp ghim, kéo nhỏ…). Nếu có các khẩu hiệu dự phòng gấp gọn trong ba lô càng tốt. và nếu biểu ngữ dán trên vải chứ không chỉ trên giấy thì càng tốt, vì khó xé hơn. Chúng ta cũng nên chuẩn bị sao cho có thể dùng gậy tre/gỗ để giương cao biểu ngữ thay vì giơ cao bằng hai tay rất mỏi mà giơ thấp thì trông không khí thế như tinh thần khẩu hiệu… Gậy/tre gỗ chỉ nên dài 80cm nhưng có thể nối nhanh hay tháo rời hai gậy với nhau là rất đủ rồi. 

Nhận xét của tôi ở đây về dụng cụ biểu tình, sau ngày 11/5 là: tuy có nhiều người nổi tiếng thường xuyên đi biểu tình nhưng biểu ngữ họ chuẩn bị thì rất sơ sài, nhỏ bé và nguệch ngoạc, làm biểu tình mất khí thế và mất tác phong nghiêm túc. Dường như, đối với họ, việc họ có mặt ở biểu tình, trên hàng đầu, chính là biểu ngữ chính của cuộc biểu tình của họ rồi? Nói chung, quan sát các cuộc biểu tình trên thế giới thì hình như người Việt chúng ta đi biểu tình ít chuẩn bị nhất về cả dụng cụ, con người, tổ chức và kế hoạch, trong khi lực lượng phản biểu tình của đảng lại chuẩn bị rất rất kỹ càng về lực lượng, dụng cụ, thiết bị, chiến thuật…

Thứ tư, chúng ta nên có chiến lược, chiến thuật để tìm ra nhau và hộ trợ nhau, phối hợp nhau giữa các nhóm biểu tình tự phát, để có thể tụ hợp thành đoàn biểu tình lớn hơn, hành động thống nhất hơn, dù đó là chỉ đi tuần hành và hô khẩu hiệu. Chẳng phải tinh thần của biểu tình là liên kết và biểu dương sức mạnh liên kết đó của người dân biểu tình? Tất nhiên đảng rất ợ khi chúng ta làm việc này, vì nó sẽ tăng sức mạnh chúng ta gấp bội.

Thứ năm, chúng ta phải có chiến lược bảo vệ những ngọn cờ, những biểu ngữ khẩu hiệu chính lúc đó là tượng trưng của chúng ta, và bảo vệ những người dẫn đầu trong suốt thời gian biểu tình. Bảo vệ trước ai? Không phải trước công an và những người mặc sắc phục khác mà trước những kẻ trà trộn vào đoàn biểu tình – những biểu tình viên ăn lương đảng đủ mọi thành phần, “binh chủng” - với nhiệm vụ phá biểu tình bằng mọi cách, mà chúng ta đã biết. Bảo vệ bằng cách nào? Bảo vệ bang nhiều cách các bạn có thể nghĩ ra, nên làm nhiều việc cần thiết khác nhau.Việc thứ nhất, nên có những người cùng đi biểu tình của chúng ta đi sau và đi hai bên để quan sát và ngăn cản những kẻ phá hoại đó kịp thời, bắt quả tang và đuổi họ ra. Việc thứ hai, những người đi sau và đi hai bên đó nên có một số dùng máy quay nhỏ để ghi ngay lại những hành động phá hoại biểu tình của họ để tung lên mạng tố cáo bộ mặt thật của họ và làm bằng chúng kết tội họ trước cộng đồng (nếu không họ sẽ chối biến). Việc thứ ba, quan sát các nhóm biểu tình khác để tìm ra người cùng tuyến, liên lạc và chia sẻ thông tin biểu tình cần thiết với họ, phối hợp hành động với họ khi cần thiết. Việc thứ tư, nên tự có tổ chức phân công nhau trong từng nhóm nhỏ vài ba người trở lên, rồi có thể đổi vai nhau trong thời gian biểu tình, và chia sẻ thông tin… Chúng ta chỉ có thể vượt qua cạm bẫy của các tổ chức phá biểu tình bằng sự tự tổ chức của người đi biểu tình, dù đó chỉ là nhóm 3 người tự phát biểu tình.

Và thứ sáu, chúng ta nên có những kế hoạch trước cho việc kết thúc và giải tán biểu tình, để không bị bị động giải tán như ngày 11/5 vừa qua, và để có thể ngồi lại thỏa thuận và hẹn ước nhau đến với cuộc biểu tình sau sao cho phối hợp tốt hơn. Chẳng phải một mục đích của người đi biểu tình chống TQ là tìm đến với những người cùng chống TQ như mình để liên kết lại và lần sau không còn đi biểu tình đơn lẻ nữa, mà đã có liên kết nào đó để biểu tình mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn? Thế thì tại sao đã gặp nhau rồi ở biểu tình, chúng ta -những người đã chung một nhịp đập trái tim - lại vội xa nhau dễ dàng thế, bỏ lỡ những cơ hội liên kết ngàn vàng của những trái tim vàng… 

Nhất là, nhiều kẻ rất sợ những cái bắt tay, những ánh mắt, nụ cười thân thiện chúng ta trao nhau đó trong khi hay sau khi đã cùng nhau biểu tình. Đó chính là sức mạnh của chúng ta, mà chúng ta cần có nhiều hơn, để đi biểu tình tiếp, cho đến khi TQ rút khỏi Biển Đông…

Như vậy, nếu chúng ta quyết tâm biểu tình hàng tuần mà TQ không rút giàn HD981 do áp lực của nhân dân ta và thế giới thì đến 15/8 – ngày mà TQ đã tuyên bố sẽ rút giàn về - họ sẽ phải rút giàn HD981, chỉ là tên tư thế nào thôi, nhưng họ đã không thể được yên, đã bị chúng ta nguyền rủa và không đón chào trong suốt thời gian xâm lược đó cũng như họ sẽ khó triển khai màn kịch tiếp theo hơn.

Khoảng thời gian sắp tới đến 15/8 đó có 13 ngày chủ nhật nữa, có nghĩa là chúng ta sẵn sàng biểu tình chống TQ xâm lược liên tục suốt 13 tuần nữa bắt đầu từ ngày 18/5! Chúng ta có làm được không? Tôi tin nhân dân ta sẽ làm được! Và tôi tin chúng ta sẽ còn làm tốt hơn ngày 11/5 vừa qua nữa, vì chúng ta đã lớn lên!

Chúng ta có thể không đợi phải được đảng “bật đèn xanh” cho phép biểu tình yêu nước!

Còn nếu chúng ta không thể cống hiến cho đất nước 13 ngày chủ nhật tới thì chúng ta có thể tự nhìn mình trong gương để tự nhủ mình là người yêu nước Việt được sao?

Và tôi còn tin khi cùng nhau đi qua 13 cuộc biểu tình xuất phát từ chính những trái tim yêu nước của người Việt sắp tới đó, nhân dân ta, đất nước ta sẽ nhìn nhận ra nhiều điều! Và mong sao người Việt sẽ tìm ra sức mạnh đích thực của mình để bảo vệ non sông đang bị cướp bởi phương Bắc và đang bị CSVN bán ngầm cho phương Bắc!





Lần đầu đi biểu tình

Anh Pham - Đã mấy hôm liền tôi suy nghĩ đi biểu tình hay không đi. Trong suy nghĩ của tôi "biểu tình" chỉ đơn giản là người dân có quyền tập hơp nhau lại để biểu đạt, nói lên tiếng nói của mình để phản đối hoặc ủng hộ một vấn đề nào đó bằng hình thức bất bạo động. Ở các nước dân chủ việc biểu tình là chuyện rất bình thường vì nó được pháp luật cho phép và phải đăng ký với chính quyền.

Còn ở Việt Nam tuy đã quy định trong Hiến pháp nhưng lại chưa có Luật cho nên gần như biểu tình là điều cấm kỵ mặc dù trong thực tế đã xảy ra ở một số nơi chủ yếu liên quan đến vấn đề đền bù đất đai hoặc các vấn đề bức xúc như quyền lợi của người lao động tại các công ty , ngoài ra có các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Từ "biểu tình" chỉ được dùng trên các phương tiện truyền thông khi nói về... các nước khác, người ta ngại động chạm đến từ này (nhạy cảm), bản thân tôi tuy muốn bày tỏ chính kiến cá nhân và muốn được tham gia những cuộc biểu tình ủng hộ việc chống Trung Quốc xâm lược nhưng thực sự chưa bao giờ dám, đọc và nghe thấy việc những người khởi xướng, hoặc tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc có thể bị bắt bớ và theo dõi mà tôi rất e ngại.

Tuy nhiên tin tức về việc Trung Quốc hạ giàn khoan 981 lên thềm lục địa Việt Nam tại Biển Đông tôi chỉ được đọc trên báo mạng, gần như không hề thấy truyền thông nhà nước nhắc đến, mọi người mỗi lúc một lo lắng, bản thân tôi thấy loạn cả đầu lên khi không biết các nguồn tin có độ chính xác đến đâu và khi thấy nhà nước không đưa tin, mãi đến cách đây mấy ngày mới thấy mấy truyền thông nhà nước nhắc tới một cách dè dặt, trong khi đó báo mạng liên tục cập nhật tin tức, rồi sau đó mới thấy báo đăng có cả những tin các nhân viên kiểm ngư bị thương và tàu của Việt Nam liên tục bị tàu Trung Cộng đâm va. Không biết thực chất dã tâm của họ là muốn xảy ra chiến tranh thật ở biển Đông hay mục đích chiếm trọn các đảo và vùng lãnh hải của Việt Nam hay gì khác nữa.

Đúng lúc đó tôi đọc được lời kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Lãnh hải Việt Nam trên mạng trong lòng tôi lại nhen nhóm mong muốn được tham gia, tuy vậy trong đầu cũng lo sợ biết đâu mình sẽ bị theo dõi, bị để ý, gia đình có thể bị ảnh hưởng, đi hay không đi biểu tình có lẽ là câu hỏi rất dễ trả lời từ những người có lòng dũng cảm, với tôi sao khó thế.

Một số người tôi quen biết tuy họ rất tốt, rất tử tế nhưng hầu như ai cũng thờ ơ với chính trị nên thờ ơ với việc biểu tình và có lẽ cũng sợ như tôi nữa, mọi người bảo tôi đi thì giải quyết được việc gì, cẩn thận nọ kia,... Kệ tôi chỉ nghĩ đơn giản trong khi tôi đang ở đây được sống bình thường như bao người ở cái thành phố này và trên đất nươc Việt Nam này thì có biết bao người nơi đầu sóng ngọn gió có thể bị hy sinh bất cứ lúc nào, gia đình họ đang vô cùng lo lắng cho chồng mình, cha mình, con em mình trên các quần đảo và trên các con tàu, tôi đi có thể chả giúp được việc gì ngay nhưng tôi không thể ở ngồi nhà.

Trên mạng trong bên cạnh có các cuộc kêu gọi biểu tình rầm rộ từ các nhà hoạt động dân chủ thì cũng có một số người hoạt động dân chủ rất tích cực khuyên mọi người không nên tham gia cuộc biểu tình lần này (theo ý hiểu của tôi theo họ cuộc biểu tình tuy được 20 Tổ chức Dân sự đứng ra phát động nhưng đã được biết trước và sẽ có những người được sắp đặt đi biểu tình nên sẽ sảy ra những vấn đề không mong muốn, hi hi khái niệm biểu tình quốc doanh )

Tôi thoáng nghĩ trước đây khi nước mình có chiến tranh người dân ở các nước dân chủ và đặc biệt là các nước gây chiến cũng tổ chức biểu tình ủng hộ Việt Nam, gây áp lực lên chính phủ dẫn đến chính phủ các nước gây chiến tranh có thể sẽ thay đổi các quyết định có lợi cho Việt Nam, biết đâu hình ảnh các cuộc biểu tình tại Việt Nam hôm nay sẽ đến được với thế giới.

Mặt khác tôi nhớ cách đây vài tháng tôi vẫn thấy những bài phát biểu trên ti vi của những nhà lãnh đạo của Việt Nam: "Phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt" với Trung Quốc nên những người dân bình thường như chúng tôi không có nhiều thông tin, chúng tôi đi biểu tình sẽ gây áp lực lên chính các cấp lãnh đạo đòi hỏi phải họ công khai minh bạch hơn với dân trước hết là vấn đề với Trung Quốc (He he mình là quái gì đâu mà áp lực, yêu cầu với cả đòi hỏi... nghe kinh nhỉ, chỉ giỏi tưởng tượng).

Sau khi quyết định đi tôi liên lạc với người bạn thân mà chúng tôi hay trao đổi và rất đồng quan điểm và cách nhìn nhận với các vấn đề xã hội, thật bất ngờ bạn đồng ý luôn, mừng quá vì dù sao nếu có một mình tôi cũng đi nhưng tâm lý sẽ khác, cảm ơn bạn tôi lắm lắm bạn ơi. Tôi biết trong số bạn bè tôi trên FB có vài người đã tham gia biểu tình vài lần tôi vô cùng cảm phục họ, tôi lấy đó làm động lực cho mình, nhưng tôi cũng không dám nhắn tin cho họ bởi biết đâu một trong hai đứa chúng tôi có vấn đề gì trục trặc mà không thể đi được, mãi khi cảm thấy thật chắc chắn tôi mới liên lạc với một bạn mà tôi tin tưởng và quý mến nhờ cô ấy in hộ khẩu hiệu vì tôi quyết định cận ngày nên không kịp chuẩn bị. Sắp xếp công việc gia đình xong xuô, tôi hồi hộp chờ tới sáng Chủ nhật, cả đêm hồi hộp không biết sáng hôm sau thế nào. Trên đường đón bạn tôi mua tạm tờ giấy A0 và cái bút dạ, nếu cần thì có thể viết khẩu hiệu lên đây. Lúc khoảng 8g 30 hai đứa đã đến khu vực đường Hoàng Diệu, đoạn giữa phố đã bị chặn lại, hai đứa phải vòng vèo qua công viên, đi đường có thoáng lúc cũng lo lắng về việc bị theo dõi, nhưng tự dưng đến nơi thấy không khí cuộc biểu tình tôi bỗng dưng quên mất việc lo lắng thường trực, mặc dù thỉnh thoảng thấy bóng dáng những người mà tôi đoán là các nhân viên an ninh, ờ mà mình có làm gì sai đâu nhỉ :)

Theo kế hoạch thì phải đến 9 giờ mới có biểu tình, nhưng khi chúng tôi đến đã thấy mọi người hô vang các khẩu hiệu, tôi lần đầu đi biểu tình nên thấy cũng rất lạ, có cả các em bé cũng tham gia biểu tình đặc biệt có một em bé lớp 5 luôn giữ trên tay khẩu hiệu, có lẽ có rất nhiều nhóm khác nhau tham gia đứng trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc, thỉnh thoảng chúng tôi bị chụp ảnh, tôi thoáng chốc băn khoăn nhỡ biết đâu hình ảnh của mình lên báo nào đó bị gia đình nhìn thấy lại gây ra những lo lắng không cần thiết cho cha mẹ tôi, nhưng sau đó không khí của cuộc biểu tình khiến tôi quên mất sự băn khoăn lo lắng. Lúc đầu tôi có khẩu hiệu do bạn in sẵn, nhân lúc mọi người chưa hô chúng tôi đứng chụp ảnh, có bạn mượn khẩu hiệu chúng tôi chụp ảnh, sau tự dưng ngại tôi không đòi lại, thế là tôi giở tờ giấy mang đi ra để viết, hai đứa giương hai cái khẩu hiệu viết tay trên đầu (kể ra không đẹp lắm), hai tay cầm khẩu hiệu mồm thì hô, giữa những dịp nghỉ thì lôi ra chụp ảnh mọi người, thỉnh thoảng lại xảy ra các cuộc đụng độ giữa các nhóm biểu tình với nhau nhưng được giải quyết ổn thỏa, buồn cười nhất tôi gặp một bác đứng tuổi chắc gần 60 bảo đại ý việc gì đến các anh chị phải đi biểu tình, câu tôi nhớ nhất là: Đã có Đảng và nhà nước lo, thế là mọi người lại xông ra tranh luận với bác kia một trận, bác đứng tuổi mặt nghệt :D

Xen lẫn trong cuộc biểu tình là các cuộc phỏng vấn của các báo nước ngoài với những người biểu tình, tôi nhớ rõ nhất có một bác tóc muối tiêu trả lời phóng vấn, bác nói rât hăng về tình hình biển Đông , về sự xâm lăng của Trung Quốc lên thềm lục địa Việt Nam, bác ấy bảo bác ấy đã gửi xe ở cổng BV Xanh - Pôn, bác ấy đã dặn vợ là nếu tối nay bác ấy không về thì coi như bác ấy đã ở đồn công an làm tôi vô cùng kính phục.

Các khẩu hiệu thì như mọi người đã thấy trên báo mạng, có cả của các hội nhóm trông rất chuyên nghiệp và cả viết tay của những người dân tự phát như tôi, cả của biểu tình quốc doanh hi hi đủ loại, nhưng những khẩu hiệu tập trung chủ yếu vào việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, khẩu hiệu Yêu cầu Trung Quốc xâm lược rút khỏi Việt Nam, Đả đào Trung Quốc được mọi người hưởng ứng và hô rất to. Tôi rất ấn tượng với một bạn thanh niên áo xanh ngọc có khuôn mặt sáng, lúc đứng bên dưới bạn ấy luôn giơ cao biểu ngữ, và khi trèo lên xe của các Cựu chiến binh thì bạn ấy hô cực to.

Lúc nghỉ giữa các lần hô thỉnh thoảng tôi lại phải đi tìm bạn tôi vì cô ấy gặp người quen và bận ra nói với các cháu thanh niên tình nguyện, cô ấy bức xúc với việc các cháu đứng đối mặt với người biểu tình mà không tỏ một thái độ gì, cô ấy bảo tại sao các cháu không đứng về phía nhân dân mà lại đứng thế kia phản cảm,...xem ra bạn tôi còn hăng hơn tôi nhiều hi hi.

Hô mãi khát quá chúng tôi đi tìm nước uống, mãi mới thấy một chị đem đến bán với giá 10.000đ / chai, chúng tôi mua uống, lúc sau có một bác đem cả thùng nước đến phát cho những người biểu tình, mọi người bảo trả tiền bác không lấy vì bác mua để ủng hộ thật cảm động, chúng tôi bảo mình có rồi mời bác đem vào khu vực bên trong.

Sau một hồi ở khu vực bên trái chúng tôi không biết đoàn biểu tình trước cổng Đại sứ quán TQ đã chia làm 2, một hướng đi về phía hồ Hoàn Kiếm và Nhà hát lớn đến khi gọi lại cho một người bạn thì đoàn đã đi gần tới hồ Hoàn Kiếm rồi, chúng tôi có việc riêng phải về thật tiếc.

Cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ngày 11 tháng 5 đã qua đi, đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy lòng đầy cảm xúc, bạn tôi có một số bảo tôi là sao tôi dũng cảm thế, tôi nói thật là tôi không dũng cảm lắm đâu, với những người biểu tình khác có thể là việc rất bình thường, có thể người bạn đi cùng tôi cũng cảm thấy bình thường và quyết định nhanh chóng khi tôi hỏi là bạn có đi không, nhưng tôi tôi đã đấu tranh tư tưởng mất mấy hôm mới quyết định được và thực sự chúng tôi đã may mắn khi đúng vào thời điểm việc biểu tình có thể gần như ngầm được "bật đèn xanh" vì không thấy các nhân viên an ninh hay cảnh sát ngăn cản mà chỉ có tiếng loa kêu gọi là người dân hãy bình tĩnh, mọi việc đã có đảng và nhà nước lo,... (trên phương tiện thông tin đại chúng vẫn được gọi là cuộc mit tinh, diễu hành)

À có một điều cực vui với tôi là có một chị bạn mà tôi rất quý mặc dù tôi chỉ nhờ chị tư vấn vài việc qua inbox, đọc các bài viết của chị về việc dạy con và chỉ mới gặp và chỉ kịp chào hỏi chị trong một buổi hội thảo về giáo dục con cái chứ chưa nói chuyện lâu bao giờ, chị là người rất thông minh và tử tế, tôi vô cùng ngưỡng mộ cách sống và cách dạy con của chị, tuy vậy tôi biết chị không muốn nhắc đến vấn đề chính trị vì nhiều lý do (có thể tôi chưa hiểu chị hoặc chưa đủ gần để chị tâm sự) thì chị cũng tham gia biểu tình, điều làm tôi vô cùng bất ngờ.

Tôi nghĩ là một người Việt Nam có lương tri dù ở bất cứ nơi nào cũng có lòng yêu nước, yêu Tổ quốc nhất là những lúc đất nước lâm nguy, có thể sự thể hiện sẽ khác nhau, người thì suy nghĩ những điều lớn lao để thay đổi đât nước này, người thì cầm súng bảo vệ Tổ quốc, có những nhà báo dũng cảm ra nơi chiến sự, có người ủng hộ về vật chất, có người ủng hộ về tinh thần, có người làm thơ, và có những người mẹ, người cha lo dạy dỗ những đứa con khỏe mạnh thông minh và tử tế để sau này thành những công dân tốt của đất nước, ... và có cả những người đi tham gia biểu tình như tôi (tôi rất ngại nói đến từ yêu nước, yêu Tổ quốc, những từ đó có vẻ rất to tát với tôi)

Riêng với việc biểu tình chống giặc Trung Quốc xâm lược, tôi nghĩ chắc chắn sắp tới sẽ có những cuộc biểu tình tiếp theo vào các ngày Chủ nhật, thôi thì cứ cho là có cả dân chủ với quốc doanh hay với dân tự phát hay gì gì đi nữa, hy vọng những đốm lửa nhỏ sẽ làm thổi bùng lên ngọn lửa lớn, cứ mỗi người đã tham gia biểu tình lại có thêm những người bạn tiếp tục tham gia. Một người phụ nữ bình thường như tôi mà còn dám tham gia hy vọng mọi người sẽ không thờ ơ. Kiểu này chắc sẽ sớm có Luật Biểu tình thôi.

Hy vọng cùng với các biện pháp ngoại giao, quân sự,.. của những người có trách nhiệm thì những bức ảnh và video về các cuộc biểu tình diễn ra trên cả nươc Việt Nam sẽ đến được khắp nơi trên thế giới giúp chúng ta có thêm hy vọng Hòa bình để chúng ta không phải nhìn thấy liên tục những ông bố bà mẹ tiễn những cậu con trai ra Trường Sa, Hoàng Sa trong nước mắt.

Và biêt đâu đấy bắt đầu từ những cuộc biểu tình thế này xã hội sẽ tiến bộ... Hic tôi lại hy vọng :)



Giặc đã vào nhà, bây giờ ai ra đánh?

Thục Quyên (Danlambao) - Với thái độ ngang nhiên lấn chiếm biển bằng giàn khoan HĐ-981 rồi đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam, Trung Hoa đã tỏ rõ thái độ khinh thường của họ đối với một nước láng giềng mà họ tự tin đã kiểm soát gần như trọn vẹn.

Không một người Việt nào, dù trong hay ngoài nước, dù lúc trước khăng khăng Trung Hoa là “nước bạn”, là “đàn anh” cũng không thể thiếu thông minh đến mức không nghi ngờ chuyện này có thể xảy ra. Từ ý muốn, trở thành âm mưu, rồi phát triển thành một chiến lược, Bắc Kinh đương nhiên đã phải liên tục chuẩn bị, làm kế hoạch, tổ chức... v. v... ròng rã nhiều năm, và chậm nhất thì cũng đã công khai thực hiện từ năm 2011 khi ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh2. 

Tóm lại, việc xảy ra không phải là không thể đoán trước, và ngay cả về vấn đề thời gian, từ nhà cầm quyền đến người dân Việt Nam cũng đã có tối thiểu là 3 năm để suy nghĩ, sửa soạn và hành động nhằm ngăn chận. Thêm vào đó Việt Nam lại cũng là một nước nhược tiểu tuy đầy kinh nghiệm đau thương nhưng cũng không thiếu kinh nghiệm về cách xử thế đương đầu với mộng bành trướng của Trung Quốc. 

Vậy mà nay giặc đã vào nhà. 

Là người Việt dù đang sống trong nước hay đang sống an toàn, no đủ tại một quốc gia khác, nghe tin giặc đã đánh vào và máu Việt đã đổ thì phản ứng đầu tiên chắc chắn là đau sót và căm giận. 

Điều này đang được thể hiện khắp mọi nơi trên thế giới, dù nơi đó có ít hay nhiều người Việt đang sinh sống. 
Nhưng để dân tộc còn có một tương lai, chúng ta cũng phải nhìn lại chính người dân và nhà cầm quyền Việt Nam trong ba năm qua đã làm gì và tình trạng nước ta ra sao?

Chúng ta bây giờ mới lồng lộn lên vì Trung Quốc cắm giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng chúng ta đã yên lặng khi “thực dân Vàng” nắm trọn đời sống kinh tế đất nước. 

Yên lặng trong khi nhiều vùng đất trên lãnh thổ Việt đã lọt vào tay người Hoa: Mười tỉnh (1) Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Dương. đã cho các các doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích dự kiến là 305. 353 ha, trong đó các doanh nghiệp từ Hong kong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới, bất kể đến vấn đề an ninh quốc phòng. 

Yên lặng khi Sa Vĩ, địa đầu tổ quốc, bị công ty Hoa thuê 50 năm làm sân Golf. 

Yên lặng khi thành phố Móng Cái với 25 dự án đầu tư nước ngoài, số vốn đạt gần 300 triệu USD thì trong đó, có tới 3/4 là dự án này của các nhà đầu tư Trung Quốc, còn lại là hình thức liên doanh giữa nhà đầu tư Trung Quốc và doanh nghiệp tại địa phương. 

Có ai, cơ quan nào đã lưu tâm tìm cách xác định con số những người Trung Hoa đang chính thức và không chính thức có mặt tại VN hay không? Có còn bao giờ những người Hoa này trả lại những vùng đất của ta mà họ đang giữ?

Tại sao ta yên lặng đằng đẵng bấy nhiêu năm?

Nghe tin lãnh hải bị xâm chiếm lần này người Việt đâu có thờ ơ với vận mệnh mất còn của dân tộc?

Vậy thì tại sao một quốc gia có chính phủ, có gần chín triệu dân, có cơ quan truyền thông, truyền hình... mà để Trung Hoa xâm nhập dễ dàng như vào nhà vô chủ cho tới ngày nay? 

Đất, rừng, mỏ, đảo. Một phần giang sơn đắp xây bằng xương máu ông cha từ bao ngàn năm bây giờ đã được đánh đổi lấy chút cơm thừa canh cặn. Cho ai?

Những câu hỏi này mỗi cái đầu Việt Nam phải suy nghĩ và trả lời trước những thế hệ tiếp nối. Con đường tương lai đầy sỏi đá, phải suy nghĩ tường tận, đừng vấp ngay ở cục sạn con đầu tiên là như vậy có phản động không, có chống chế độ không rồi sợ hãi dừng lại? Nếu bây giờ còn chưa dám nhìn vào sự thật thì làm sao gỡ mối nguy?

Nhưng cũng đừng dừng lại ở chỗ bắt lỗi, kết tội. 

Phải tích cực tìm đường gỡ mối nguy. 

Giặc đã vào nhà và đang ra tăng tốc độ xâm chiếm. 

Mọi sự việc Trung Hoa đã sắp đặt kỹ càng và tiến hành đều đặn. 

Vẫn chỉ một giọng điệu, một phương cách: khi đánh giá nước đàn em không có những dấu hiệu trên đường phố của sự đoàn kết chú tâm của dân chúng, không có sự chống cự quyết liệt về mặt ngoại giao và pháp lý, cũng không có một lực lượng quân sự khổng lồ, thì dại gì mà không nuốt? Những bước trước đã trót lọt, trơn tuột, tại sao không đi tiếp?

Vừa cướp, vừa la làng chửi rủa, vừa tỏ ra mình là kẻ cả: mọi bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể được giải quyết thông qua “đàm phán hòa bình” (Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình). Đã đàm phán kín hở mấy chục năm rồi nên mới ra nông nỗi!

Dù sao cũng nên ghi nhận nhà cầm quyền Việt Nam lần này đã anh dũng không “đàm phán hoà bình” với giặc trong khi đất nước còn đang bị xâm phạm. Nhưng tại sao phải chờ đến giờ phút này, sau khi đã ngăn cản mọi sửa soạn từ tinh thần đến sức lực của người dân để chống trả mộng bành trướng của họ? 

Mất bao thời gian, bao cơ hội. Tại sao vậy?

Chủ nhà tỉnh giấc, giặc đã đứng đầu giường. 

Hai năm sau những cuộc biểu tình của vài trăm ngàn người trên các đường phố Nhật Bản và Philippines chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc, người dân Hà Nội -Saigon đã xuống đường. Vài trăm nơi này, vài ngàn nơi khác, với sự mừng rỡ không bị đánh, đạp vào mặt hay ăn mưa dùi cui. Một người sống trong một đất nước tự do dân chủ không bao giờ có thể tưởng tượng được điều này. Vậy mà một hành động tự nhiên để tỏ bày ý kiến của người dân như đi biểu tình tại Việt nam đã là một hành động đầy can đảm sau nhiều suy tư cân nhắc, chấp nhận hy sinh. Để cuối cùng thì chỉ một việc đơn giản là đứng trên chính mảnh đất cha ông mình để lại để tỏ thái độ bằng vài cái biểu ngữ, hô to vài câu chống đối, cách xa tòa đại sứ Trung Quốc vài trăm thước, mà đã tốn bao lo lắng, năng lượng, của cả người đi biểu tình lẫn nhà cầm quyền kiểm soát biểu tình, thì bao giờ cho đủ sức để chống lại và đuổi được giặc ra khỏi lãnh thổ và lãnh hải của mình?

Điều này Trung Quốc thấy. Họ biết. Và họ đã đưa vào sự tính toán của họ. 

Chỉ còn một bộ phận nhỏ người Việt là Trung quốc chưa đánh giá được hoàn toàn: đó là những người Việt ở hải ngoại. 

Người Việt tại hải ngoại đang làm gì?

Trong những ngày tháng sắp tới có thể nào thái độ của người Việt hải ngoại sẽ là một đóng góp định hướng cho kế hoạch chống Trung Quốc của Việt Nam?

Người Việt hải ngọai nói đây có thể là những người đúng nghĩa với chữ kiều bào, nghĩa là những người Việt sống ở nước ngoài, vẫn hoàn toàn tùy thuộc Đại sứ quán nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, hoặc đó là những người công dân các nước tự do nhưng có gốc Việt. Cần định nghĩa rõ vì sự khác biệt giữa hai nhóm người này đưa đến những hình thức phản ứng khác nhau đối với sự xâm chiếm trắng trợn mới đây của Trung Quốc.

Cũng những xúc động, cũng những căm giận, nhưng ngay trong phản ứng đầu là đi biểu tình đa số vẫn chưa thể đứng bên nhau. Tình trạng này có những khía cạnh tiêu cực nhưng ứng dụng một cách thông minh cũng có những khía cạnh tích cực. 

Khác với những cuộc biểu tình trong nước mà sự hiện diện của Cờ Đỏ Sao Vàng đã thưa đi, nhóm kiều bào nhấn mạnh vào lá cờ này mà đối với họ là lá cờ Tổ quốc. Mặc dù lá cờ này rõ ràng chỉ đồng thời xuất hiện với đảng Cộng sản Việt Nam và ông Hồ Chí Minh (chính theo lời ông Võ Nguyên Giáp) và đánh dấu quãng thời gian dài 69 năm ràng buộc, nợ nần, vay trả với đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa tới sự mất kiểm soát chủ quyền ở một số vùng đất nước vì đã trao quyền khai thác hoặc cho thuê dài hạn, hoặc bị chiếm cứ. Và cũng đưa tới những lặng câm, nhu nhược suốt 3 năm nay, không dám mạnh dạn đứng vào hàng ngũ những quốc gia dân chủ để hợp tác kinh tế, ngoại giao, quân sự với họ. Sự gắn bó của những kiều bào với lá Cờ Đỏ là một gắn bó tình cảm mà lý trí cũng khó cắt rời. Chỉ có một tình cảm mạnh mẽ hơn, đó là tình cảm thiêng liêng đối với dân tộc một mai mới có thể giúp con người có cái nhìn sáng suốt vào lịch sử để tách Tổ quốc là trên hết. 

Đảng Cộng sản chỉ là một đảng phái chinh trị, chỉ có thể thăng trầm theo sự lợi ích hay phương hại của nó cho Tổ quốc, không thể đem đánh đồng với Tổ quốc. Sau cuộc sụp đổ của Cộng sản quốc tế, từ gần 100 quốc gia chỉ còn sót lại có 5 nước còn tự tuyên bố trong tên gọi hoặc hiến pháp là nước Xã hội Chủ nghĩa, mà Trung Hoa là nước đứng đầu. 

Đó là thế kẹt của đảng Cộng Sản Việt Nam. 

Nhưng đừng để nó trở thành thế kẹt của dân tộc Việt !

Không kém cương quyết lá cờ của mình mới là lá cờ Tổ quốc, những người gốc Việt (đã là công dân các nước khác) giương cao lá Cờ Vàng ba sọc đỏ trong những cuộc biểu tình chống mưu toan xâm lược của Trung quốc. Lá Cờ Vàng có vị thế một lá cờ của toàn Quốc gia Việt Nam, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, trước khi trở thành cờ của Đệ Nhất và Đệ Nhị Việt nam Cộng Hòa, và đã được những người Việt tỵ nạn cộng sản mọi nơi trên thế giới mang theo khi rời đất nước, để làm biểu tượng cho lý tưởng Tự do Dân chủ, không cộng sản của họ. Khác với Cờ Đỏ, lá Cờ Vàng chưa bao giờ bị ràng buộc vào chỉ riêng một đảng phái chính trị, nhưng vì những người Việt sống ở miền Bắc và cả những người sanh trưởng ở miền Nam sau 1975 chưa bao giờ sống với lá cờ này nên cũng khó có thể có sự lựa chọn nhanh chóng Cờ Vàng là cờ Tổ quốc. Đây là một sự thật hiển nhiên. Phải chấp nhận. 

Lẽ dĩ nhiên từ khi người dân trong nước nhận rõ sự hiểm nguy của mưu đồ Hán hóa, và ngay cả nhà cầm quyền Việt nam đương thời cũng mong mỏi được kết thân với nước Mỹ, thì những “ người Cờ Vàng” đã mời Mỹ làm đồng minh trước kia đã có cơ hội phục hồi danh dự cho cuộc tranh đấu cho lý tưởng Tự do Dân chủ của họ. Hơn lúc nào hết họ có quyền tin rằng lá Cờ Vàng là cờ chính nghĩa vì những “người Cờ Vàng” chưa bao giờ chịu luồn phục Trung Hoa đỏ. 

Nhưng lý lẽ hay phải trái rồi cũng chỉ là một góc nhìn. 

Khi tàu cảnh sát biển Việt Nam bị đâm, nhìn những người lính kiểm ngư bị thương nằm trên sàn tàu thì ai còn nghĩ gì tới phân bì cờ quạt? Đó là những con dân Việt chỉ biết làm phận sự của mình trong những bộ quân phục có gắn Cờ đỏ sao vàng, tàu của họ mang lá cờ Đỏ, như một điều tự nhiên, không suy nghĩ hay thắc mắc, vì cũng không có lựa chọn. 

Cờ Đỏ là của đảng Cộng Sản VN thật nhưng Cờ Đỏ không thể làm người lính biển không còn là người anh em trong lòng những người không chấp nhận Cờ Đỏ. Cờ Đỏ không có đủ sức mạnh chia rẽ làm cho đứa trẻ mồ côi người cha vừa ra biển không về, không còn cùng giòng máu Việt. 

Chế độ chính trị sẽ thay đổi. Màu cờ sắc áo sẽ thay đổi. Chỉ có Tổ quốc mới trường tồn. Hãy giữ cho giang sơn gấm vóc cha ông ta để lại được toàn vẹn. Chúng ta chỉ có thể an tâm và hãnh diện khi giương cao một Bản đồ Tổ quốc không suy suyển. 

Giặc đã vào nhà, bây giờ ai ra đánh?

Trước mắt, chỉ có những người lính biển phải tìm cách đối đầu với một kẻ thù hung hãn mạnh gấp chục lần. Họ phải đứng mũi chịu sào vì cả một dân tộc Việt Nam vì lý do này vì lý do khác đã thất bại không thoát ra được quỹ đạo độc hại của Trung Quốc. Lẽ dĩ nhiên đó là những người con anh dũng của Mẹ Việt Nam, nhưng nếu thương nhau thật tình thì không phải là những huy chương hay những lời hoan hô suông mà phải là những hành động khôn ngoan có trách nhiệm để giảm thiểu tối đa sự hy sinh xương máu của họ. 

Không biết khai thác tình thế để giữ sự tranh chấp trong phạm vi pháp lý và ngoại giao, giới lãnh đạo Việt Nam mang trách nhiệm rất nặng khi sự tranh chấp chuyển qua phạm vi quân sự. Nhà cầm quyền Việt Nam đã không khôn khéo dứt khoát dĩ vãng trong những năm qua để hội nhập vững vàng với khối ASEAN, và công khai thiết lập phòng tuyến chung với Philippines, Malaysia, Singapore, là những quốc gia chủ trương chống sự bành trướng của Trung Quốc. 

Những quốc gia dân chủ có quyền lợi trực tiếp ở Đông Nam Á và Biển Đông như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Nam Hàn... v. v… cần một Việt Nam dân chủ đáng tin cậy, để hợp tác. Và còn những quốc gia như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan... v.v… luôn sẵn sàng bênh vực những đồng minh cùng theo lý tưởng Tự do, Dân chủ với họ. 

Đánh giặc trong thế kỷ 21 là như vậy. 

Người Việt tại hải ngoại có khả năng và trọng trách huy động hậu thuẫn của thế giới tự do để mặt trận chống ngoại xâm của Việt Nam trở thành một mặt trận toàn cầu, yểm trợ cho những lực lượng dân tộc trong nước, tiết kiệm xương máu cho đồng bào. 
Người Việt trong nước là phần chính của dân tộc sẽ phải chịu mọi khổ cực cam go để gánh vác trách nhiệm. Không thể giao trắng tiền đồ đất nước cho một nhóm người nhỏ. 

“Toute nation a le gouvernement qu'elle mérite” là một nhận xét bất hủ của Bá tước Joseph de Maistre (1753-1821)

Mối quan tâm của người Việt ngày hôm nay là phải dùng sự hiểu biết để tích cực lựa chọn những người lãnh đạo quốc gia có đạo đức và khả năng giữ toàn vẹn lãnh thổ, không đẩy dân tộc bằng những huyền thọai tâng bốc vào những hy sinh đẫm máu không có tương lai. 



Biếm họa Kuoc Kuoc


No comments:

Post a Comment

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List