Biển Đông : Nhật Bản
và Singapore kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) và đồng cấp Nhật Bản
Shinzo Abe tại Tokyo ngày 28/09/2016.REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Nhân chuyến công du Nhật Bản trong vòng 4 ngày khởi sự từ đầu
tuần, vào hôm qua, 28/09/2016, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã hội đàm với
đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo. Hồ sơ Biển Đông là một trong những chủ
đề thảo luận và hai bên đã gián tiếp nhắc nhở Trung Quốc về sự cần thiết phải
tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong buổi họp báo chung sau cuộc họp, hai thủ tướng Nhật Bản và
Singapore đã xác nhận là tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông có nằm trong chương
trình thảo luận giữa hai lãnh đạo. Theo thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thì ông
và đồng nhiệm Singapore Lý Hiển Long đã nhất trí về «
tầm quan trọng của luật pháp và sự hợp tác trong cộng đồng quốc tế ».
Riêng thủ tướng Lý Hiển Long thì khẳng định rõ là dù không phải là
một nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, và không thiên vị bên tranh chấp
nào, nhưng Singapore cũng có « những lợi ích then chốt để bảo vệ
».
Đó là quyền tự do hàng hải và hàng không, cũng như một «
trật tự khu vực và thế giới dựa trên luật pháp, một trật tự cần thiết để duy
trì và bảo vệ các quyền, đặc quyền của mọi nước cũng như thể hiện sự tôn trọng
đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao trong việc giải quyết tranh chấp ».
Hai thủ tướng Shinzo Abe và Lý Hiển Long được cho là đã muốn nhắc
nhở Trung Quốc về sự cần thiết phải tôn trọng luật lệ quốc tế, điều mà Bắc Kinh
đã coi thường khi phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye
ngày 12/07/2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ngoài hồ sơ Biển Đông, lãnh đạo Nhật Bản và Singapore cũng nêu bật
sự cần thiết của hiệp định tự do mậu dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà
ông Lý Hiển Long xem là một thỏa thuận «
chiến lược quan trọng ».
Thủ tướng Singapore đã khuyến khích Tokyo sớm phê chuẩn hiệp định
này và cho rằng : « Sự tham gia của Nhật Bản (trong
TPP) rất quan trọng vì Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai trong khối và là nền
kinh tế lớn thứ ba trên thế giới ».
Trung Quốc cảnh cáo
Nhật Bản tham gia tuần tra Biển Đông
Tàu chiến Mỹ USS Mustin ( trái) và chiến hạm Nhật Bản JS Kirisam
trong một lần thao dượt chung tại Biển Đông ngày 21/04/2015.U.S. Navy/Handout
via REUTERS
Nhật Bản đang « đùa với lửa » qua dự án tăng cường mạnh mẽ
các hoạt động tại Biển Đông, tham gia tuần tra chung trên biển với Mỹ. Bộ Quốc
phòng Trung Quốc hôm nay 29/09/2016 tuyên bố như trên, cảnh cáo rằng Bắc Kinh sẽ
không khoanh tay đứng nhìn trước tình hình này.
Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân (Yang Yujun)
nói : « Chúng tôi phải long trọng tuyên bố với Nhật Bản rằng
đó là một sai lầm. Tiến hành các cuộc tuần tra chung hoặc các cuộc tập trận
trên vùng biển thuộc về Trung Quốc, là Nhật đang đùa với lửa. Quân đội Trung
Quốc sẽ không đứng khoanh tay nhìn ». Tuy nhiên phát ngôn viên này
không nói chi tiết sẽ hành động như thế nào.
Reuters nhắc lại, Trung Quốc yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông và
nhiều lần tố cáo điều mà Bắc Kinh gọi là sự can thiệp của Hoa Kỳ và đồng minh
Nhật Bản tại vùng biển này.
Tokyo củng cố quan hệ trong khu vực, đặc biệt là với Việt Nam và
Philippines vốn phản đối những đòi hỏi chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Washington tháng này, bộ trưởng Quốc phòng Nhật, bà Tomomi
Inada đã cho biết Nhật Bản muốn giúp đỡ các nước láng giềng tăng cường năng lực
để đối phó với tham vọng của Bắc Kinh.
Hồi tháng Bảy, Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye sau khi xem
xét đơn kiện của Philippines đã ra phán quyết khẳng định yêu sách chủ quyền
Biển Đông dựa trên đường lưỡi bò tự vẽ của Bắc Kinh là không có cơ sở pháp lý.
Bắc Kinh lập tức bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài.
TT Duterte: Vấn đề
Biển Đông cần giải quyết theo luật pháp quốc tế
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang ( phải) đón tổng thống
Philippines Rodrigo Duterte tại phủ chủ tịch, Hà Nội trước khi hội đàm ngày
29/09/2016.REUTERS/Luong Thai Linh/Pool
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gặp gỡ các lãnh đạo Việt
Nam hôm nay 29/09/2016, nhằm thúc đẩy một liên minh đang nảy nở nhưng bấp bênh,
do thái độ nghi kỵ Mỹ và cởi mở với Trung Quốc của tân tổng thống. Ông Duterte
khẳng định vấn đề Biển Đông cần được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế.
Sáng nay tại Hà Nội, chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã hội
đàm với tổng thống Rodrigo Duterte. Về vấn đề Biển Đông, trang web chính phủ
cho biết hai bên cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và
hàng không cũng như thương mại trong khu vực.
Đàm phán song phương hay đa phương với Trung Quốc?
Việt Nam và Philippines kêu gọi các bên kềm chế, không sử dụng vũ
lực ; tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý ; giải quyết tranh
chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước
Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hai bên cũng tái khẳng định ủng hộ triển khai
Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và hợp tác nhằm đạt được Bộ
quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).
Tin mới nhất từ trang rappler.com cho biết, phía Philippines cho
rằng đàm phán song phương với Trung Quốc là cần thiết, nhưng có vẻ phía Việt
Nam hướng về đàm phán đa phương trong vấn đề Biển Đông.
Hà Nội và Manila ủng hộ lẫn nhau nhằm hoàn thành tối vai trò nước
chủ nhà ASEAN 2017 của Philippines và APEC 2017 của Việt Nam, phát huy vai trò
trung tâm của ASEAN trong khu vực.
Tổng thống Philippines mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến
lược với Việt Nam, trong đó an ninh quốc phòng là trụ cột ; và phát huy các cơ
chế hợp tác song phương hiện có, nhất là cơ chế đối thoại chính sách cấp thứ
trưởng quốc phòng.
Hai bên sẽ chia sẻ kinh nghiệm chống các loại tội phạm ma túy,
buôn người, công nghệ cao, chống khủng bố. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân
dịp này cũng đề nghị Philippines xem xét trả tự do cho các ngư dân Việt Nam
đang bị giam giữ.
Cùng ngày, ông Duterte đã đến chào tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng,
hội kiến thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tiếp đoàn đại biểu doanh nghiệp Việt
Nam.
Manila rời xa, Hà Nội xích lại gần Mỹ
Việt Nam và Philippines đã xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh
cùng bị Trung Quốc ức hiếp khi hung hăng xác quyết chủ quyền Biển Đông. Nhưng những
phát biểu thô bạo của ông Duterte đối với đồng minh Mỹ và ngược lại rất tích
cực về Trung Quốc, theo Reuters, có thể không phù hợp với các lãnh đạo Việt Nam
vốn điềm đạm và chừng mực hơn.
Trước cuộc hội đàm, ông Duterte đã gây hồi hộp khi trong cuộc gặp
cộng đồng người Philippines tại Hà Nội tối qua, tuyên bố rằng cuộc tập trận sắp
tới với Hoa Kỳ sẽ là lần cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông, và sẽ chấm dứt tuần
tra chung.
Hôm nay ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói rằng sẽ tập
trận chung với Mỹ năm 2017, nhưng vấn đề này sẽ được xem xét lại trong năm
2018. Ông khẳng định Philippines không muốn có một đồng minh quân sự nhưng muốn
là bạn bè với tất cả các nước.
Reuters nhận định, trong khi quan hệ giữa Philippines và Hoa Kỳ
đang chao đảo - ông Duterte giận dữ vì bị Mỹ chỉ trích về cuộc chiến chống ma
túy đẫm máu, quan hệ Việt-Mỹ lại nhanh chóng tiến triển, sau vụ Bắc Kinh cho
kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đến vùng biển Hoàng Sa năm 2014. Tổng thống
Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Năm đã loan báo dỡ bỏ lệnh
cấm vận vũ khí có từ nửa thế kỷ qua.
Chuyên gia Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc
tế ở Washington cho rằng tính khí bốc đồng của ông Rodrigo Duterte khiến Việt
Nam e ngại cho quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập dưới thời người tiền nhiệm
Benigno Aquino.Theo ông Hiebert, ông Duterte có thể tham khảo các lãnh đạo Việt
Nam về cách xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản hiện đang trong
« bối
cảnh rất phức tạp ».
Còn nhà phân tích Lê Hồng Hiệp nhận định : «
Việt Nam không muốn ông Duterte đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc về Biển
Đông, làm phương hại đến Việt Nam và các nước khác có liên quan ».
__._,_.___