Sàn giao dịch bất động sản Biển Đông

Sàn giao dịch bất động sản Biển Đông

>

Thursday, 31 December 2015

Nhật Ký Biển Đông: Hòa Bình Cho Syria - Thực Tiễn hay Ươc Mơ?


Nhật Ký Biển Đông: Hòa Bình Cho Syria - Thực Tiễn hay Ươc Mơ?

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Mười Hai ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:
Tình hình thế giới:
            -Reuters (Doha) ngày 16/12/2015: “Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar cho biết Thổ sẽ thiết lập một căn cứ quân sự tại Qatar theo một thỏa thuận nhằm giúp họ chống lại ‘những kẻ thù chung’. 3000 lính Thổ sẽ đóng ở đây. Câu hỏi đặt ra là “những kẻ thù chung” đó là ai? Ba Tư hay còn ai nữa? Coi chừng lợi dụng vị trí trong NATO và được Mỹ cưng chiều, Thổ có thể biến thành một cường quốc khu vực với nhiều tham vọng chứ không phải là một thành viên “nhũn nhặn” trong NATO đâu.

The World Post ngày 18/12/2015 trong bài viết “Tống Tân Đế Quốc Ottaman ra khỏi NATO: Thổ là đồng minh nguy hiểm khi bắn rơi máy bay Nga” (Dump New Ottomans from NATO: Shoot Down of Russian Plane Shows Turkey to be Dangerous Ally) đã có đoạn, “Hành động thiếu suy nghĩ của Thổ khi bắn rơi máy bay Nga không gây ra Đệ III Thế Chiến nhưng cho thấy lập trường của Ankara như thế nào. Thổ về phe IS và chống lại Tây Phương. Lý do để Thổ ở trong NATO và được sự bảo đảm về an ninh của Mỹ đã qua. Hành động thiếu trách nhiệm củaThổ khiến Thổ không thể là đồng minh của Hoa Kỳ.” (Turkey's rash decision to shoot down a Russian plane for violating its airspace hasn't triggered World War III. But Ankara demonstrated where it stands. With the Islamic State and against the West. The justification for Turkey's membership in NATO and America's defense guarantee for Ankara long ago passed. Turkey's irresponsible action proves that it is no U.S. ally.)
Ngoài ra, liên minh Ả Rập gồm 34 quốc gia theo hệ phái Sunni mới thành lập do Mỹ “bật đèn xanh” , nói là chống khủng bố, coi chừng có thể biến thành một liên minh Ả Rập toàn cầu chống Tây Phương…lúc đó sẽ là thảm họa cho Mỹ và Âu Châu. Coi chừng “Phù thủy lụy âm binh” (*) hay “Mưu cao thì họa càng cao” đó nghe. Hiện đã có một số quốc gia lo ngại và bàn tán về liên minh này.

-Sputnik News ngày 17/12/2015: “Washington thừa nhận rằng can thiệp vào Libya nhưng không thành lập được chính phủ hợp pháp trong cả nước sau khi lật đổ Muammar Gaddafi là sai lầm. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố điều đó khi trả lời phỏng vấn nhà báo Sergey Brilev, BTV chương trình “Thời sự thứ Bảy”.

-AFP (Moscow) ngày 17/12/2015: “Tổng Thống Putin mô tả ứng cử viên tổng thống Donald Trump như là “một người tài năng, xuất chúng và hoan nghênh lập trường của ông đối với Nga. Còn giá trị như thế nào thì còn tùy cử tri Mỹ”. Trong khi đó Tướng Anh David Cameron lại coi những lời tuyên bố của Ô. Trump là chia rẽ, ngu xuẩn và sai lầm.”

Theo tôi, lời tuyên bố của Ô. Cameron mới là sai lầm. Mình là lãnh đạo một đất nước không nên can dự vào chuyện nội bộ của nước khác, nhất là Hoa Kỳ đang là “xếp” của mình. Về mặt thực tiễn ngoại giao, sau cuộc bầu cử, mọi quốc gia trên thế giới sẽ phải làm việc với ông tổng thống Mỹ mới - dù tốt hay xấu, dù thích hay không thích. Nếu  Ô. Trump đắc cử tổng thống thì sao? Chắc chắn Ô. Cameron phải từ chức hoặc Đảng Bảo Thủ Anh sẽ phải truất phế ông đề bầu một thủ tướng mới…thì lúc đó mới có thể nói chuyện với Tổng Thống Donald Trump. Theo dõi hành động của Ô. Cameron từ lúc ông làm thủ tướng tới giờ, tôi nhận thấy Ô. Cameron chẳng khác nào  “ngựa non háu đá”. Tôi còn nhớ sau vụ Charlie Hebdo, Giáo Hoàng Francis nói rằng tự do ngôn luận phải có giới hạn thì ông đốp chát và phê phán lại ngay. Theo tôi, mình là nguyên thủ của một quốc gia không nên làm thế. Chuyện này nên để báo chí và các nhà bình luận làm. Ông “kê tủ đứng” vào miệng giáo hoàng như vậy thì làm sao có thể hợp tác với Vatican trong những vấn đề quốc tế sau này?

 Nước Anh bây giờ chẳng là gì cả trên chính trường quốc tế mà chỉ “dựa hơi” Mỹ, nay lại khúm núm với Trung Quốc chứ không còn là đế quốc khổng lồ như xưa. Không có gì nịnh bợ và lố bịch cho bằng khi Ô. Cameron nói rằng ông và ông Obama coi nhau thân thiết như anh em. Mình là lãnh đạo một đất nước, dù là nước yếu, nhưng không thể là “anh em” với ai cả. Nếu có thân thiết thì chỉ là đồng minh chứ không thể là anh em. Nếu là “anh em” thì ai là anh, ai là em? Chắc chắn Ô. Obama phải là anh rồi. Vậy ông Cameron là em sao? Thật đáng buốn cho nước Anh có một thủ tướng như Ô. Cameron.

-BBC News ngày 17/12/2015: “Tối thiểu 5,870 người đã chết kể từ Tháng Ba khi liên minh do Saudi Arabia chỉ huy tiến hành cuộc chiến để khôi phục chính quyền Yemen hầu tiêu diệt nhóm nổi dậy Houthis và đồng minh. Theo ước lượng của Liên Hiệp Quốc, 60% dân sự thương vong từ khi khởi đầu cuộc chiến là do các cuộc không kích của liên minh này.”

-AP (Moscow) ngày 17/12/2015: “Nga sẵn sàng cải thiện bang giao với Hoa Kỳ và làm việc với bất cứ tân tổng thống sắp tới. Tổng Thống Putin nói rằng cuộc nói chuyện với Ngoại Trường John Kerry mới đây cho thấy Hoa Thỉnh Đốn sẵn sàng tiến tới để giải quyết những vấn đề cần phải thông qua nỗ lực chung.”

Theo tôi, nếu Ô. Trump đắc cử, chính sách của Hoa Kỳ đối với Nga sẽ thay đổi. Còn nếu Bà Hillary Clinton đắc cử thì chinh sách đó vẫn giữ nguyên. Trong suốt thời gian làm bộ trưởng ngoại giao, Bà Clinton chủ trương kiềm chế Nga, hòa dịu với Trung Quốc và thậm chí muốn lật đổ Ô. Putin. Bà Clinton không phải là người sâu sắc về chính sách đối ngoại, hành động theo cảm tính thương-ghét nhiều hơn và thường có những phát ngôn gây tranh cãi. Hiện bà đang bị các ứng viên Đảng Cộng Hoa công kích vì bà tuyên bố, “Ông ta đang trở thành người tuyển mộ tốt nhất cho ISIS. Họ đang trưng cho mọi người thấy những đoạn băng mà Donald Trump nhục mạ Hồi Giáo và người Hồi Giáo để tuyển mộ thêm quân cho thánh chiến cực đoan.” (He is becoming ISIS’ best recruiter,” Clinton said. “They are going to people showing videos of Donald Trump insulting Islam and Muslims in order to recruit more radical jihadists.) Tôi đồng ý rằng những lời tuyên bố và đề nghị của Ô. Trump là cực đoan có thể gây chia rẽ tôn giáo tại Hoa Kỳ và bất bình cho các nước Hồi Giáo ôn hòa khác trên thế giới. Nhưng nếu bảo Ô. Trump trở thành người tuyển mộ cho ISIS là chụp mũ và vu khống vì hiện giờ chưa thấy một đoạn băng nào như vậy từ ISIS.

-Bloomberg News ngày 17/12/2015: “Công Ty Hàng Không China Shouthern Airlines chuyên chở hành khách lớn nhất đã đặt hàng 110 máy bay dân sự trị giá khoảng 10 tỉ đô-la với hãng Boeing làm tăng thêm số lượng máy bay đã có sẵn khiến công ty trở thành thị trường chuyên chở hành khách lớn nhất thế giới trong 20 năm tới.”

-YahooNews ngày 18/12/2015: Trong một cuộc phỏng vấn mới đây Ô. Chuck Hagel- cựu bộ trưởng quốc phòng cho biết một số người trong Tòa Bạch Ốc muốn hủy diệt “destroy” ông. Dù không chỉ đích danh nhưng mọi người biết ông muốn ám chỉ Bà Susan Rice- cố vấn an ninh củaTổng Thống Obama. “

Chuyện cung đình, ngàn đời bao giờ cũng thế. Tể tướng, nguyên soái, tướng quân ở xa không uy quyền bằng hoạn quan, thái giám, quân sư và có khi là ái phi kề cận bên vua. Nhiều khi các ông bộ trưởng muốn kế hoạch của mình được tổng thống OK cũng phải “thông qua” tức “biết điều” với các ông bà cố vấn. Hiện nay người lãnh đạo thứ nhì nước Mỹ chính là Bà Susan Rice -Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của Tổng Thống Obama, tín cẩn và uy quyền tương đương với Kissinger thời Nixon. Mọi chiến lược ngoại giao toàn cầu của Mỹ đều do bà này quyết định. Bà kề cận và theo sát Ô. Obama trong tất cả các cuộc họp thượng đỉnh- từ NATO, ASEAN, Phi Châu, Trung Đông, LHQ tới cuộc họp với Tổng Thống Putin. Ai nói đàn bà là “phái yếu” phải coi lại đó nghe. Đàn bà vừa có sắc đẹp lại vừa có uy quyền nữa thì mình chỉ có nước “chào thua”. Đụng vào thì “từ chết tới bị thương”. Ông Obama đã thay ba bộ trưởng quốc phòng: Từ Robert Gates, Leon Panetta tới Chuck Hagel. Không biết Ô. Ashton Carter chịu đựng được bao lâu?

-Reuters (Afghanistan) ngày 18/12/2015: “Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter đã cảnh báo về nguy cơ Nhà Nước Hồi Giáo tại A Phú Hãn trong chuyến viếng thăm bất ngờ sau khi Ngũ Giác Đài đưa ra một hình ảnh nghiêm trọng về an ninh của xứ sở này.Theo Fiscal Times, ” Báo cáo mới nhất cho biết Hoa Kỳ đã đổ vào đây 17 tỉ đô-la của người thọ thuế cho những dự án không bao giờ tiến hành hoặc thất bại hoàn toàn vì bất lực, hoặc thiếu tu bổ/bảo trì trong một đất nước tan nát vì chiến tranh.”

-Huffington Post ngày 18/12/2015: Trong bài báo, “Các nhóm Vô Thần và Đạo Thờ Quỷ Satan trỗi dậy bên cạnh tượng Chúa Hài Đồng năm nay” (Atheists And Satanists Are All Up In Your Nativity Scenes This Year) cho biết khắp nơi trên nước Mỹ các nhóm Vô Thần và Đạo Satan đã đồng loạt kiện ra trước tòa để không cho hình ảnh Chúa Hài Đồng được trưng bày ở đất công và cũng đòi dựng biểu tượng của Đạo Satan, Gay Pride Flag, con rắn quấn trên thập tự giá (a snake on a cross) v.v..bên cạnh những hình ảnh về Noel. Điều mà họ nại ra vẫn là “vi phạm nguyên tắc tách biệt giữa tôn giáo và quốc gia”  (violate the separation of church and state)

-AFP ngày 18/12/2015: “Các nước thành viên của Liên Hiệp Âu Châu quyết định gia hạn cấm vận Nga thêm sáu tháng do Nga can dự vào cuộc khủng hoảng Ukraina.” Thế nhưng theo tạp chí Forbes ngày 23/12/2015, Bà Merkel- thủ tướng Đức, phớt lờ lệnh cấm này.

-CNN ngày 18/12/2015: “Khi Joe Scarborough hỏi về việc Ô. Putin bị nghi ngờ giết hại báo chí và đối thủ chính trị, ông Trump nói rằng đất nước chúng ta cũng có đầy rẫy những vụ giết hại, Joe thấy đó. Có rất nhiều chuyện điên rồ trên thế giới ngày hôm nay, quá nhiều vụ giết nhau, quá nhiều điên khùng. Ô. Putin ít ra cũng điều hành đất nước như một lãnh đạo, không giống như đất nước chúng ta.“ (He's running his country and at least he's a leader, unlike what we have in this country," Trump said when asked by "Morning Joe" Republican host Joe Scarborough about Putin's alleged killing of journalists and political opponents. "I think our country does plenty of killing also, Joe, so you know. There's a lot of stupidity going on in the world right now, a lot of killing, a lot of stupidity," he said.).

Khi Ô. Trump nói điều này tức ông ám chỉ Ô. Obama chẳng có khả năng lãnh đạo gì cả mà chỉ “rách đâu vá đó”. Tôi còn nhớ trong kỳ tranh cử lần đầu, ứng cử viên Obama mới ra, chưa ai biết thành tích thế nào, ngoại trừ phục vụ cộng đồng như quét rác, nấu ăn cho người vô gia cư, đi xóa các chữ vẽ bậy trên tường…thế mà báo chí đã ví ông như Abraham Lincoln. Còn khi thăm dò về khả năng điều hành kinh tế giữa Ô. McCain và Ô. Obama thì kết quả cho biết Ô. Obama hơn điểm dù Ô. McCain làm thượng nghị sĩ lúc Ô. Obama còn là sinh viên. Thế mới hay truyền thông Mỹ có thể dựng bất kỳ ai làm tổng thống Hoa Kỳ cũng được.

-Business Insider ngày 19/12/2015: “Hơn hai mươi trường công lập tại Virginia phải đóng cửa vì một bài tập ở nhà (home work) trong đó yêu cầu các em vẽ lại/tập viết đúng như vậy một dòng chữ Ả Rập ngoằn ngoèo nhưng dịch ra có nghĩa là “ Không có Thượng Đế gì cả mà chỉ có Đấng Allah và Mohammed là thiên sứ của Allah” (There is no god but Allah, and Mohammed is the messenger of Allah) khiến gây phẫn nộ cho phụ huynh. Còn  Bộ Giáo Dục Tiểu Bang sau khi xem xét bài làm này cho rằng nó không vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của học sinh mà chỉ dạy cho học sinh biết một vài chữ viết tay phức tạp, rắc rối hoặc khéo léo như thế nào.” Tình hình nước Mỹ hiện nay vô cùng phức tạp và nhạy cảm/dễ đụng chạm. Theo tin tức của AP hầu hết các nhà thờ Thiên Chúa Giáo và Tin Lành tại Hoa Kỳ đều lo lắng và đã tính đến chuyện thuê mướn cảnh sát để bảo vệ an ninh vì tinh thần bài Hồi Giáo đã đưa tới những vụ phóng hỏa và phá phách.”

-AFP (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 20/12/2015: “200 thành viên của tổ chức vũ trang Kurdistan Workers' Party (PKK) đã bị giết trong cuộc hành quân quy mô của Thổ chống lại lực lượng này trong năm ngày qua tại Thị Trấn Cizre và Silopi thuộc Tỉnh Sirnak và Diyarbakir - vùng đông nam biên giới với Iraq và Syria . 10,000 binh sĩ Thổ hộ tống bởi thiết giáp đã tham gia cuộc tổng tấn công này.” Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu gọi nhóm này là “quân khủng bố”, thực chất đó là nhóm ly khai đòi độc lập của sắc tộc người Kurd. Cuộc xung đột cho đến nay đã khiến 40,000 người chết và gây bất ổn trong nội bộ chính trị của Thổ, nhưng Mỹ không lên tiếng vì Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh chí cốt của Mỹ.

-AFP ngày 20/12/2015: “Sau cuộc bầu cử, với sự lớn mạnh của các đảng Ciudadanos và Podemos, Tây Ban Nha chính thức giã từ chế độ lưỡng đảng- đó là sự thống trị của Đảng Thân Dân (Popular Party) và Đảng Xã Hội (Socialist Party) thay nhau lãnh đạo đất nước hơn 30 năm.” Âu cũng là lẽ biến thiên của Tạo Hóa. Trước những vấn đề lớn của đất nước mà lưỡng đảng không giải quyết được thì đa đảng, chục đảng ra đời.  

-AP (A Phú Hãn) ngày 21/1/2/2015: “Sáu binh sĩ Hoa Kỳ chết và ba bị thương trong một cuộc đánh bom tự sát gần phi trường quân sự lớn nhất Bagram do Mỹ điều hành. Taliban xác nhận họ thực hiện vụ đánh bom này. Hiện Taliban đang kiểm soát khoảng 65% vùng Helmand- trung tâm thuốc phiện.” Theo Reuters cùng ngày, “Ba hỏa tiễn sau đó vài giờ đã bắn vào làm rung chuyển khu vực ngoại giao và cơ sở chính quyền ở Thủ Đô Kabul.”

-Reuters ngày 22/12/2015: “Theo phát ngôn viên quân sự của đơn vị chống khủng bố, quân đội Iraq đã tràn vào trung  tâm của Ramadi trong một nỗ lực đẩy lui lực lượng IS khỏi căn cứ địa mà họ chiếm giữ từ Tháng Năm.” Ngày 27/12/2015, chính phủ Iraq chính thức loan tin chiến thắng.
-Reuters ngày 23/12/2015: “United Launch Alliance - một công ty hợp tác giữa Lockheed và Boeing nói rằng họ sẽ đặt mua 20 động cơ hỏa tiễn RD-180 của Nga, đứng đầu 29 động cơ hỏa tiễn đã đặt mua trước khi Nga tiến vào Crimea năm ngoái.”

-Newsweek ngày 26/12/2015” Theo các giới chức Mỹ, Nga đang phát triển tàu ngầm không người lái có thể mang đầu đạn hạt nhân hay bom bẩn (phá hoại hệ thống điện tử) tại vùng duyên hải Hoa Kỳ. Các giới chức Nga đã xác nhận một chương trình như vậy mà Ngũ Giác Đài gọi là Kanyon sau khi hình ảnh trên một tài liệu chi tiết được trình chiếu trên đài truyền hình của chính phủ.”
-AFP (Beirut) ngày 27/11/2015: “Naji Jerf - một nhà hoạt động và làm phim người Syria, có khuynh hướng chống lại Nhà Nước Hồi Giáo, tác giả của những phim tài liệu có tên Raqa is Being Slaughtered Silently đã bị ám sát tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày hôm nay.”

Tình hình Biển Đông:
            -Reuters (Xuân Mai,Việt Nam) ngày 17/12/2015: “Việt Nam kiên quyết chuẩn bị cho cuộc xung đột với Trung Quốc khi gia tăng nỗ lực hiện đại hóa quân đội trong một thập niên, xây dựng một sức mạnh quân sự lớn nhất kể từ cao điểm của Chiến Tranh Việt Nam. Triển khai Sư Đoàn 308 tinh nhuệ để bảo vệ biên giới phía bắc…Ấn Độ và Nga đang là nguồn cung cấp những vũ khí tối tân, huấn luyện và hợp tác tình báo. Hà Nội cũng còn liên kết với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu và đồng minh Phi Luật Tân kể cả Âu Châu và Do Thái. Theo Ô. Carl Thayer, nếu nổ ra chiến tranh, Việt Nam có thể tấn công các tàu chở hàng và chở dầu của Trung Quốc ở Biển Đông. Hiện nay tàu ngầm Hố Đen Kilo thứ năm mua của Nga đang lên đường về Việt Nam.”

            -Reuters ngày 17/12/2015: “Quân đội Trung Quốc thực hiện cuộc tập trận giả trên Biển Đông với chiến hạm, tàu ngầm và phi cơ chiến đấu giả bộ tấn công tàu bằng hỏa tiễn hành trình. Trước đó Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã báo động về một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.”
            -AP ngày 19/12/2015: “Bộ Quốc Phòng Trung Quốc lên án Hoa Kỳ đã khiêu khích quân sự nghiêm trọng bằng cách đưa pháo đài bay B-52 vào không phận đảo nhân tạo do Hoa Lục kiểm soát ở Biển Đông và sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ lãnh thổ của mình.” Còn Hoa Kỳ thì đấu dịu khi phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng nói rằng máy bay Mỹ không có ý định bay vào đó. Có lẽ viên phi công này lạc đường (the mission may have strayed off course)

Tại sao Hoa Kỳ không nói rằng, “Đảo xây dựng trái với  Công Ước Luật Biển cho nên không phận của nó bất hợp pháp, phi cơ của bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền bay vào đây” để cho xứng đáng với địa vị siêu cường lãnh đạo thế giới. Ô. Ashton Carter ơi, sao ông “yếu” quá vậy? Ngày 21/12/2015, Reuters cho biết Ô.Vương Nghị đã gọi điện thoại cho Ô. John Kerr yêu cầu Hoa Kỳ phải tôn trọng những lợi ích cốt lõi/ quyền lợi sinh tử của Trung Quốc và chấm dứt những chuyến bay tuần thám gần các đảo nhân tạo của Hoa Lục.

-Reuters ngày 19/12/201: Trong bài viết nhan đề, “Bên Trong Việc Hiện Đại Hóa Quân Sự Việt Nam” (Factbox: Inside Vietnam's military modernization), sau khi điểm qua các máy bay, tàu ngầm, tầu chiến, hỏa tiễn phòng không và hỏa tiễn phòng thủ bờ biển Greg Torode  nói rằng, “Các chuyên gia về an ninh nước ngoài cho rằng Trung Quốc có thể phải trả giá đắt nếu đưa hải quân vào phạm vi từ 200-300 hải lý của Việt Nam- một sức mạnh mà Việt Nam không có trước đây mười năm.” Greg Torode cho biết thêm, Việt Nam hiện đang thương thảo để mua phi cơ chiến đấu, tầu tuần tra, máy bay không người lái từ Âu Châu và Hoa Kỳ và hỏa tiễn siêu âm diệt hạm BrahMos tối tân nhất thế giới do Ấn Độ và Nga hợp tác chế tạo.

-The Washington Free Beacon ngày 21/12/2015 cho biết: “ Trung Quốc vừa thử nghiệm hỏa tiễn tầm xa Đông Phong -41 mà dàn phóng chạy trên đường xe lửa, có khả năng bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tình hình Syria:

                -AP (Beirut) ngày 16/12/2015: “Quân chính phủ và dân quân ủng hộ chính phủ đã chiếm được Noba- một ngọn đồi chiến lược, nhích gần tới căn cứ địa của phiến quân tại vùng duyên hải Tỉnh Latakia. Chiếm được ngọn núi này giúp giảm thiểu đe dọa vùng lãnh địa an toàn của Tổng Thống Assad.”
            -AP (Hoa Thịnh Đốn) ngày 16/12/2015: “Hoa Kỳ rút 12 máy bay ra khỏi căn cứ không quân Thổ Nhĩ Kỳ chỉ một tháng sau khi được triển khai tới đây để giúp Thổ bảo vệ không phận và tiến hành không kích chống lại lực lượng IS tại Syria và Iraq.”
            -AFP ngày 18/12/2015: “Phát ngôn viên quân sự của Hoa Kỳ tại Baghdad phủ nhận việc Nga triển khai hệ thống hỏa tiễn địa-không /đất đối không S-300 đã làm cản trở việc oanh kích Nhà Nước Hồi Giáo. Một vài hãng thông tin nói rằng các hệ thống phòng không này đã theo dõi các máy bay của Mỹ và liên quân.”

-Sputnik News ngày 18/12/2015: “30 binh sĩ thuộc Lữ Đoàn 55 của quân đội Iraq đã thiệt mạng và còn 20 người khác bị thương sau cuộc không kích của máy bay Mỹ vào thành phố En Naimiyya ở tỉnh Fallujah". Đó là tuyên bố của nghị sĩ Al-Zamlyu.” Ngày 19/12/2015, theo Reuters,  Bộ Trưởng Ashton Carter cho biết cuộc không kích nhầm này là do lỗi của cả hai phía.”

-AP (Hoa Thịnh Đốn) ngày 18/12/2015: “Trong một cuộc điện đàm, Tổng Thống Obama đã thúc giục tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt căng thẳng giữa hai quốc gia hợp tác của Hoa Kỳ. Ô. Obama yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi một trại huấn luyện và tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq- một quốc gia có chủ quyền.”  Theo AP ngày 30/12/2015, “Iraq nhắc lại yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân khỏi vùng Bashiqa ở phía bắc là doanh trại mà Thổ dùng để huấn luyện các chiến binh Sunni chống lại Nhà Nước Hồi Giáo và cánh báo sẽ có hành động quân sự nếu binh sĩ Thổ còn ở đó.”

Hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp rắc rối với Nga, Iraq, Syria, Ba Tư, phong trào đòi độc lập của người Kurd và âm thầm trong nội bộ của NATO và Hoa Kỳ. Tin mới nhất cho biết Nga yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ phiến quân đã giết chết viên phi công Nga khi ông này nhảy dù ra ngoài. Một vị tướng không quân Mỹ hồi hưu nói rằng bắn vào phi công nhảy dù thoát nạn là tội phạm chiến tranh.

-AP (Moscow) ngày 23/12/2015:”Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga Sergi Lavrov tiếp Ô. Selahattin Demirtas lãnh tụ Đảng Dân Chủ Nhân Dân Thổ ủng hộ sắc tộc Kurd để thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria và Moscow có khả năng ủng hộ nhóm sắc tộc Kurd chống lại Nhà Nước Hồi Giáo. Ankara chỉ trích chuyên đi này và cẩn trọng theo dõi liệu Nga có tăng cường mối liên hệ với những phe phái người Kurd không.”

Đây là đòn hiểm chơi lại Thổ Nhĩ Kỳ. Nga lấy cớ chống khủng bố để ủng hộ nhóm Kurd đòi ly khai thì Thổ sẽ mệt cầm canh và chiến tranh Thổ-Kurd có nguy cơ lan rộng. Coi chừng tình hình Thổ cũng sẽ rối beng như Syria khi Ô. Lavrov nói rằng, “Nga sẵn sàng hợp tác tích cực với những lực lượng diện địa đang chống lại mối đe dọa .” Cái trớ trêu ở đây là Mỹ sợ mất lòng Thổ cho nên không hỗ trợ lực lượng người Kurd, dù cuộc tranh đấu của họ đầy chính nghĩa. Nay Thổ bắn rơi máy bay Nga làm Nga tức giận và hỗ trợ cho người Kurd – vừa chống ISIS hữu hiệu, vừa có khả  năng thành lập một vùng tự trị riêng tức chia cắt lãnh thổ. Theo Reuters ngày 27/12/2015, các nhóm người Kurd tại đông nam Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu  gọi tự trị giữa lúc giao tranh ác liệt đang diễn ra. 

Đúng là “Sai một li, đi một dặm”. Làm lãnh đạo mà thiếu suy tính sẽ gây thảm họa cho đất nước. Ngày 28/12/2015, The World Post trong bài viết, “Thực Tế Của Ngươi Kurd”  (The Reality of Kurdistan) Philip Seib nói rằng, “Công nhận nền độc lập của người Kurd là thực hiện một trách nhiệm tinh thần cho một dân tộc đã chịu đau khổ quá lâu và chiến đấu chống lại IS rất quyết liệt.” (Recognizing an independent Kurdistan would fulfill a moral obligation  to people who have suffered so long and fought so hard.)
-AFP ngày 25/12/2015: “Theo Justin Welby- lãnh đạo giáo phái Anglican Anh Quốc thì Thiên Chúa Giáo đang có nguy cơ bị loại trừ (elimination) khỏi Trung Đông bởi Nhà Nước Hồi Giáo mà giáo phái này gọi là một sự tái sinh hiện nay của vị vua độc tài Herod trong thánh kinh.” Trong khi đó theo AP ngày 18/11/2015,

“Tổng Thống Assad và vợ viếng thăm một nhà thờ Thiên Chúa Giáo ở Thủ Đô Damascus, tham gia buổi chuẩn bị cho Lễ Noel - một sự xuất hiện trước công chúng rất hiếm hoi.”
            -Washington Post ngày 30/12/2015: “Bộ Quốc Phòng Nga cho hay họ đã tiêu diệt một vài thủ lĩnh Nhà Nước Hồi Giáo tại căn cứ địa Raqqa, Syria. “ Theo đánh giá của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Syria vừa hữu hiệu vừa ít tốn kém cho nên Nga có thể chịu đựng được lâu dài.
            -Reuters ngày 31/12/2015: “Quân đội Syria và chí nguyện quân đã mở cuộc tấn công vào Cao Nguyên Golan -biên giới với Do Thái vào ngày hôm nay mà phe phiến quân gọi là cuộc tấn công lớn để giành lại phần đất bị mất cách đây ba năm.”

Theo AP ngày 18/12/2015, khoảng 20 bộ trưởng ngoại giao các quốc gia đã phải đối đầu với những vấn đề khó khăn nhất để có thể chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria, như chọn lựa xem nhóm nào sẽ đại diện cho phe ly khai tham dự cuộc hòa đàm vào năm tới và nhóm nào bị coi là khủng bố. Số phận của Tổng Thống Assad vẫn là vấn đề thách đố nhất. Nhóm phiến quân mạnh nhất cho rằng thời biểu ngày 1/1/2016 phải hoàn tất là quá tham vọng. 

Theo Bloomberg News 19/12/2015 , Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết đề nghị Tổng Thư Ký Liên Quốc Ban Ki-moon triệu tập các đại diện của chính phủ Syria và phe đối lập để mau chóng tổ chức các cuộc đàm phán chính thức về tiến trình chuyển tiếp chính trị dự trù vào 25/1/2016.Trong vòng một tháng phải báo cáo về những giải pháp giám sát lệnh ngừng bắn trên phạm vi cả nước, mở hành lang không hạn chế cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo; trong vòng sáu tháng phải thiết lập nền quản trị toàn diện, không giáo phái và thiết lập lịch trình xây dựng dự thảo hiến pháp mới và tổ chức bầu cử tự do, công bằng trong vòng 18 tháng dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. 

Nghị quyết đặt ra rất nhiều vấn đề nan giái:
-Nghị quyết không nói việc Ô. Assad đi hay ở, do đó Ô. Assad vẫn có mặt trong tiến trình chuyển tiếp và có thể ra ứng cử tùy theo quy định của hiến pháp mới. Nếu vậy, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ có đồng ý không?
-Trong 40 nhóm phiến quân, nhóm  nào được gọi là “ôn hòa” để được LHQ chọn trong cuộc đàm phán với chính phủ Syria?
-Các nhóm bị loại có tuân thủ nghị quyết không? Nếu không thì Mỹ và Đồng Minh cũng như Nga phải làm gì?
-Ai giữ vai trò chuyển tiếp chính trị, tức ai tạm thời cai trị đất nước Syria? Một chính phủ liên hiệp chăng? Ai cầm đầu chính phủ liên hiệp đó? Ô. Assad hay thủ lĩnh của phe nổi dậy?
-Hiến pháp mới do ai thảo? Do Mỹ, Nga hay Liên Hiệp Quốc hay do hai phe chính phủ và phiến quân thào? Và có cần trưng cầu dân ý không? Nếu không trưng cầu dân ý thì hiến pháp đó có giá trị không?

-Trong thời gian đàm phán, các nhóm phiến quân có bị giải giới không? Theo tin tức mới nhất, đại diện thường trực của Syria tại Liên Hiệp Quốc là Bashar Jaafari tuyên bố vì hòa giải dân tộc, quân đội chính phủ sẵn sàng ngừng bắn. Đổi lại, Damascus yêu cầu các đối thủ hạ vũ khí..” Thế nhưng yêu cầu này chỉ là ảo vọng. Tin tức ngày 26/12/2015 cho biết một cuộc chạm súng dữ dội giữa quân chính phủ và phe phiến quân nằm ở phía bắc Aleppo với số thương vong rất cao của cả hai bên.

- Nga có còn không kích vào lực lượng phiến quân nữa không? Tin tức ngày 20/12/2015 cho biết, dưới sự hỗ trợ của các cuộc không kích và lực lượng đồng minh, quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát thị trấn Khan Tuman, một trong những căn cứ địa chính của phiến quân miền bắc Tỉnh Aleppo gần sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ mà AFP gọi đó là thắng lợi chiến lược. Rồi theo AP ngày 25/12/2015 , “Một cuộc không kích gần thủ đô Damascus đã giết chết Zahran Allouch - chỉ huy của nhóm phiến quân  mạnh nhất do Saudi Arabia hỗ trợ chống lại chính quyền của Ô. Assad.”  Biến cố này có thể làm gián đoạn hoặc phá hủy tiến trình hòa đàm. Rồi vào ngày 29/12/2015, 

AFP cho biết, bằng không trợ của Nga, quân chính phủ đã tái chiếm căn cứ Trung Đoàn 82 bên ngoài Sheikh Miskeen của Daraa- được gọi là cái nôi của cuộc nổi dậy chống Tổng Thống Assad.  Như vậy thỏa hiệp ngưng bắn do LHQ bảo trợ có ý nghĩa gì?

-Lính biệt kích Mỹ có rút đi không? Mỹ có còn hỗ trợ tiền bạc, vũ khí, huấn luyện, tuyển mộ phiến quân không? -Saudi Arabia có còn tiếp tục gửi tiền bạc và vũ khí cho các nhóm “thánh chiến” không? Theo tin tức mới nhất, Saui Arabia đang vận động một số quốc gia Hồi Giáo Sunni gửi biệt kích tới Syria. Trong cuộc gạp gỡ ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/12/2015, ngoại trưởng Saudi Arabia nói rằng việc giết hại thủ lĩnh phe phiến quân vừa rồi không giúp gì cho tiến trình hòa bình.

-Thổ Nhĩ Kỳ có còn tiếp tục hỗ trợ và là nơi ẩn náu an toàn cho phiến quân không? Theo Reuters ngày 22/12/2015, Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu lên án cuộc oanh kích vào thành phố Idlib của Syria có thể là do máy bay Nga thực hiện và nói rằng lãnh thổ của Syria không phải là một phần của những mục tiêu đế quốc của Nga. Ông còn nói rằng những cuộc oanh kích cùa Nga vào phe phiến quân ôn hòa đã giúp cho lực lượng IS.

Theo AP ngày 29/12/2015, Tổng Thống Thổ Nhi Kỳ Erdogan đã gặp Quốc Vương Saudi Arabia để tỏ tình đoàn kết, lật đổ Ô. Assad và công kích việc can thiệp quân sự của Nga là rồi “cũng chẳng đi tới đâu”.

-Trong khi đó Trung Quốc bắt đầu nhúng tay vào. Ngày 22/12/2105, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi, trích lời phát biểu của Ngoại Trưởng Vương Nghị tại Liên Hợp Quốc, cho biết Bắc Kinh sẽ "sớm" mời các đại diện của chính phủ và phe đối lập Syria tới Trung Quốc. Và Ô.Vương Nghị đã gặp ngoại trưởng Syria trong chuyến thăm Trung Quốc ba ngày và một nhân vật cao cấp của Ba Tư cũng đã kêu gọi Hoa Lục đóng vai trò tích cực trong việc chống khủng bố tại Syria. 

Trong khi đó, theo Reuters ngày 19/12/2015, Tổng Thống Putin nói rằng, “Quân đội Nga chưa sử dụng hết sức mạnh của mình tại Syria và có thể dùng nhiều phương tiện quân sự khác nếu thấy cần thiết.” Tại sao ông đưa ra lời tuyên bố như vậy vào lúc này? Phải chăng ông muốn ám chỉ nếu giải pháp hòa bình không thành thì Nga sẽ phải dùng biện pháp quân sự? Còn Ngoại Trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier trong cuộc họp báo chung với Ngoại Trưởng Vương Nghị, nói rằng, “Vẫn còn nhiều khó khăn trước mặt cho Syria cho dù Hội Đồng Bảo An LHQ đã chấp thuận nghị quyết vạch ra một lộ trình hòa bình cho Syria.” Theo The Hill ngày 19/12/2015, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Afghanistan năm 2011 - Ryan Crocker dưới thời Tổng Thống Obama cho rằng lộ trình chính trị cho Syria rồi chẳng đi đến đâu hết khi Tổng Thống Assad do Nga hậu thuẫn nghĩ rằng ông thắng thế trong cuộc nội chiến kéo dài đã 5 năm.”

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của Ô. Ryan Crocker. Chỉ khi nào Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh kiểu Iraq hoặc Lybia, thành lập Vùng Cấm Bay, dùng phi cơ và hỏa tiễn hành trình không kích, bắn phá tất cả các cơ sở quân sự, phi trường, nơi đóng quân, kể cả dinh tổng thống Syria. Và khi quân chính phủ Syria tan vỡ, hoặc Ô. Assad chết thì phiến quân, không phải một nhóm - mà 40 nhóm cộng thêm với lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo sẽ cùng tiến về Thủ Đô Damascus. 

Cuộc chiến đẫm máu tiếp theo sẽ là giữa 40 nhóm phiến quân với nhau và với Nhà Nước Hồi Giáo. Chứ còn Ô. Assad với sự hỗ trợ của Nga mở rộng vòng đai an toàn, tái chiếm lãnh thổ thì…cuộc hòa đàm chỉ là chiến thuật tranh thủ chính nghĩa, kéo dài vài ba năm cũng chưa đi đến đâu chứ không phải sáu tháng như mong đợi. Quân LHQ, giám sát LHQ nào dám vào Syria vào lúc này trong lúc bom đạn tơi bời, đánh bom tự sát bất cứ lúc nào. Liệu LHQ có dám đến vùng của Nhà Nước Hồi Giáo để “giám sát” ngưng bắn không?  Biết đâu lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo lợi dụng cuộc ngưng bắn để tấn công tiêu diệt cả hai phe chính phủ lẫn phiến quân không biết chừng?

Tình hình khó khăn và phức tạp như thế, câu hỏi đặt ra là Mỹ có biết không? Theo tôi thì Mỹ biết. Nhưng do áp lực chính trị từ trong nước về sự sai lầm trong sách lược từ Ô. Bush Con tới Ô. Obama đối với Trung Đông nói chung và Syria nói riêng, Ô. Obama làm vậy để chứng tỏ mình “có làm” để câu giờ và tìm cách “thoa dầu cù-là” thay vì chữa trị tận gốc. Theo UPI ngày 27/12/2015, ký giả Seymour  Hersh - người được giải thưởng Pulitzer tường trình rằng bộ tham mưu của  Tổng Thống Obama, đặc  biệt là CIA, đã cố tình cung cấp vũ khí cho các chiến binh Hồi Giáo ở Syria, bao gồm cả Nhà Nước Hồi Giáo.” ( Pulitzer-prize-winner journalist Seymour Hersh reports that the administration of President Barack Obama, in particular the CIA, has knowingly armed militant Islamists in Syria, including the Islamic State.)

Theo Reuters ngày 21/12/2015, trả lời cuộc phỏng vấn trong lúc đang nghỉ mát tại Hạ Uy Di, Ô. Obama nói rằng, “Bộ tham mưu của ông sẵn sàng đón nhận những chỉ trích chính đáng (legitimate criticsm) vì đã không giải thích một cách thỏa đáng chiến lược đối phó với Nhà Nước Hồi Giáo nhưng ông chê trách các ứng viên Cộng Hòa chỉ trích chính sách của ông nhưng chẳng đưa ra được giải pháp thay thế. Ông nói rằng Mỹ đã oanh kích lực lượng ISIS 9000 lần rồi, thử hỏi xem họ làm gì khác hơn. ”

Theo tôi, tiến trình thương thảo càng kéo dài càng có lợi cho Ô. Assad một khi ông vẫn tiếp tục được Nga hỗ trợ. Với thực tế nan giải đó, giải pháp chính trị cho Syria dù là thiện chí nhưng khó có cơ may thành tựu. Có thể máu xương của dân Syria sẽ phải đổ thêm nhiều nữa, như cuộc ngưng bắn tại Yemen đang khiến binh sĩ hai bên chết nhiều hơn. Tôi hoàn toàn đồng ý với Ô. Henry Kissinger và một số học giả nghiên cứu chính trị là: “Một nhà nước độc tài Syria mạnh lên khiến Nhà Nước Hồi Giáo co cụm lại rồi bị tiêu diệt, vẫn tốt hơn là Ô. Assad bị tiêu diệt để ISIS chiếm lĩnh toàn bộ Syria rồi lan rộng toàn cầu.” Chúng ta có thể chuyển hóa một nhà nước độc tài nhưng khó lòng chuyển hóa ISIS/ISIL hay Daesh.
Đào Văn Bình
(California ngày 31/12/2015)

(*) Theo lời truyền khẩu trong dân gian thì phù thủy dùng mấy hình nhân bằng giấy, để ít cháo dưới chân để làm âm binh sai khiến. Âm binh cũng giống như “người máy” (robot) ngày nay. Dưới sự sai khiến, âm binh đánh phá lung tung. Khi được thầy pháp gọi về, có khi chúng nó không chịu và quay lại tấn công luôn thầy phù thủy…hộc máu, lăn ra chết. Trong một tương lai rất gần, các lính robot sẽ ra trận. Các chú lính người máy này được điều khiển bằng các tín hiệu (signal) từ xa. Nếu đối phương “cao tay ấn” hơn, nắm được tín hiệu này, điều khiến các chú linh người máy quay ngược trở lại bắn phá…lúc đó sẽ là thảm họa cho chủ nhân của nó.
Đạo học của Đông Phương nói rằng, “ngoài trời còn có trời” tức không có cái gì gọi là siêu đẳng cả. Siêu đẳng rồi lại có cái siêu đẳng hơn, đế quốc này sẽ bị đế quốc kia tiêu diệt, anh hùng lại có anh hùng hơn, lưu manh lại có lưu manh hơn, hiền đức lại có hiền đức hơn, mỹ nhân xưa bị mỹ nhân ngày nay đè bẹp. Tiến trình cứ như thế kéo dài cho đến ngày tận thế.

__._,_.___

Posted by: Binh Dao

Trung Quốc lại đưa giàn khoan HD 981 đến Biển Đông


Trung Quốc lại đưa giàn khoan HD 981 đến Biển Đông

mediaGiàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang ở ngang vùng biển Quảng Bình của Việt Nam Petrotimes

Báo chí Việt Nam ngày 29/12/2015 loan tin là Cục Hải sự Trung Quốc vừa thông báo là giàn khoan Hải Dương 981 sẽ khoan thăm dò tại một khu vực ở Biển Đông từ ngày 28/12/2015 đến ngày 10/02/2016.

Trả lời trang mạng Zing.vn, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển của Việt Nam cho biết, theo như thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc ngày 28/12, hiện giàn khoan Hải Dương 981 đang ở vị trí ngang vùng biển Quảng Bình của Việt Nam, cách đường trung tuyến (ranh giới phân định trên vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc) 70 hải lý về phía Đông.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Cảnh sát biển của Việt Nam “sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ“ các hoạt động của giàn khoan này ở Biển Đông. Về phía chính phủ Việt Nam, hiện chưa có phản ứng chính thức gì về hoạt động mới này của giàn khoan Hải Dương 981.
Vào tháng 05/2014, Trung Quốc đã từng hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa, tại khu vực mà Hà Nội khẳng định là nằm trong thềm lục điạ, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vụ này đã gây căng thẳng nghiêm trọng cho quan hệ Việt-Trung, và đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam. Đến tháng 07/2014, Bắc Kinh đã rút đi giàn khoan Hải Dương 981.
Về hoạt động mới của giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nhận định:
Hải Dương 981 là giàn khoan rất đắt tiền, với chi phí xây dựng được ước tính là khoảng 6 tỷ nhân dân tệ (hơn 900 triệu đôla). Xét trên phương diện thương mại, Trung Quốc sẽ không thể để công trình này nhàn rỗi". 

Vị trí hạ đặt giàn khoan mà Cục Hải sự Trung Quốc thông báo hôm 28/12 nằm phía bắc quần đảo Hoàng Sa và phía đông nam đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí. Nó nằm bên phía Trung Quốc nếu xét theo đường trung tuyến, nơi mà vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc nằm chồng lấn lên nhau.
Trên phương diện này, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc chỉ đơn thuần thực hiện các hoạt động thương mại và không đe dọa tới chủ quyền của Việt Nam như thời điểm giàn khoan này hoạt động ngoài khơi đảo Tri Tôn từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2014.

Trả lời câu hỏi về ý đồ của Bắc Kinh khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 trở lại Biển Đông ngay trước khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 12 vào tháng 01/2016, giáo sư Carl Thayer nói:
Với những thông tin hiện có, tôi không nghĩ có mối liên hệ nào giữa việc Hải Dương 981 hoạt động trên Biển Đông với Đại hội Đảng lần thứ 12, sẽ diễn ra từ ngày 20/01 đến 28/01/2016. 

Hiện giờ Trung Quốc đang nỗ lực giành lại niềm tin từ phía Việt Nam, để ngăn Việt Nam ngả thêm về phía Mỹ. Nếu Hải Dương 981 được đưa tới Biển Đông tới nhằm mục đích khiêu khích, hành động này sẽ phản tác dụng và gây nên tâm lý chống Trung Quốc ở Việt Nam.”

Như vậy, chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Chuyên gia Carl Thayer dự báo : “Bộ Ngoại giao Việt Nam chắc là sẽ đưa ra lời phản đối thông thường, rằng việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, không có gì đáng báo động.”



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Tuesday, 29 December 2015

Biển Đông 2016: Việt Nam cần làm gì với Lào, Chủ tịch ASEAN ?

 

Biển Đông 2016: Việt Nam cần làm gì với Lào, Chủ tịch ASEAN ?

Vào năm 2016, một trong những sự kiện đáng chú ý liên quan đến Biển Đông là việc Lào lên nắm quyền Chủ tịch ASEAN. Là một quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, trong thời gian những năm gần đây, Lào có những dấu hiệu ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, chỗ dựa kinh tế lớn nhất cho Vientiane.

Có hai câu hỏi được đặt ra. Trước hết là liệu nước Lào có ngả theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông hay không và tìm cách nhận chìm hồ sơ này trong thời gian đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN ? Câu hỏi tiếp theo là Việt Nam có thể làm gì để tác động được trên Lào, để hồ sơ Biển Đông nằm trong chương trình nghị sư của Hiệp hội ASEAN ?

Kịch bản Cam Bốt nhận chìm hồ sơ Biển Đông năm 2012 sẽ không tái diễn.

Về điểm thứ nhất, đã xẩy ra tiền lệ của Cam Bốt vào năm 2012 đã không ngần ngại dùng quyền chủ tịch ngăn chặn không cho ra một bản Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN có nêu lên vấn đề Biển Đông không hợp ý Trung Quốc.

Gần đây hơn, trong một bài viết ngày 12/11/2015 trên báo Nhật Bản The Diplomat, hai nhà nghiên cứu Zachary Abuza and Cynthia Watson cũng nêu lên vai trò theo đuôi Trung Quốc của Cam Bốt nhân Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng tại Kuala Lumpur tháng 11 vừa qua :
« Đặc biệt là ảnh hưởng của Trung Quốc trên Cam Bốt, và trong một chừng mực nào đó trên Miến Điện, Lào, và bây giờ là Thái Lan, đã giúp đảm bảo rằng không có tuyên bố về Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM +) »

Tuy nhiên, theo nhận định của rất nhiều nhà phân tích, Lào không phải là Cam Bốt, và rất ít có khả năng Vientiane bắt chước Phnom Penh để mù quáng theo đuôi Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn riêng của Ban Việt ngữ RFI, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) cho rằng kịch bản như tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 2012 thời Cam Bốt làm Chủ tịch khó có thể tái diễn. 

Ông phân tích :
« Trong năm 2012, theo một bản ghi chép lại diễn tiến các cuộc thảo luận tại cuộc Họp kín của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (ASEAN Ministers’ Meeting Retreat) được tiết lộ cho tôi biết, thì Lào hầu như không đóng một vai trò gì trong các cuộc thảo luận về vấn đề Biển Đông. Lào đã tuyên bố là họ sẽ đi theo sự đồng thuận trong cuộc họp, và đã giữ im lặng khi các cuộc thảo luận trở nên nóng bỏng.
Trong tư cách là Chủ tịch ASEAN, Lào có rất nhiều khả năng là sẽ tiếp tục theo đuổi cùng một con đường. Có rất ít khả năng là Lào sẽ bắt chước những gì Cam Bốt đã làm vào năm 2012 và ngăn chặn một tuyên bố chung về Biển Đông.
Lào sẽ phải chịu áp lực từ mọi phía. Trong số các quốc gia quan ngại về tình hình Biển Đông, đã xuất hiện một sự thất vọng rất lớn vì sự thiếu vắng tiến bộ về một Bộ Quy tắc Ứng xử COC. Các nước đó sẽ phản công chống lại bất kỳ áp lực nào của Trung Quốc trên Lào.
Ngoài ra, vai trò của Tổng thư ký ASEAN (ông Lê Lương Minh) và Singapore, nước được ASEAN giao trách nhiệm điều phối quan hệ với Trung Quốc, sẽ rất quan trọng trong việc duy trì hồ sơ Biển Đông trong chương trình nghị sự của ASEAN ».

Đối với Giáo sư Thayer, quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Lào sẽ là một nhân tố tích cực giúp thúc đẩy hồ sơ Biển Đông trong thời gian Lào làm Chủ tịch ASEAN :
« Việt Nam có quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo Lào ; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Vientiane vào năm nay. Các nhà ngoại giao Việt Nam có thể vận động Lào đóng vai trò Chủ tịch ASEAN bằng cách thể hiện sự đồng thuận trong khối về Biển Đông.

Hầu như Lào không muốn, cũng như không có nguồn lực để có một lập trường chủ động trên vấn đề Biển Đông. Một ví dụ : ASEAN yêu cầu có hai hội nghị thượng đỉnh được tổ chức hàng năm. Lào đã xin được gộp cả hai làm một vào năm 2016 do những hạn chế về nguồn lực.

Lào sẽ muốn đóng một vai trò khiêm tốn, và do đó sẽ hành động sao cho phản ánh được sự đồng thuận trong ASEAN, đồng thời để cho các nước khác vươn lên dẫn đầu. Cam Bốt có vẻ sẽ là nước tiếp tục thay mặt Trung Quốc, đóng vai trò phá rối ».
Việt Nam có thể vừa mềm vừa cứng đối với Lào
Về phần mình, giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine (Hoa Kỳ), một người theo dõi rất sát hồ sơ Biển Đông, công nhận là hiện nay, Trung Quốc chiếm một vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế Lào, hơn xa Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam vẫn có thể sử dụng đến vấn đề kinh tế để tranh thủ Vientiane, chẳng hạn như đẩy mạnh đề án mở ngõ thông thương ra Biển Đông cho Lào có từ thời cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt.
« Lào là một nước nhỏ không có ngõ ra biển, chỉ có con sông Mêkông dẫn ra biển nhưng phải qua Thái Lan và Cam Bốt. Với tổng số dân khoảng 6,5 triệu người thì Lào cũng khó tự mình khai thác rừng và làm nông nghiệp để phát triển một cách hữu hiệu. Do đó, đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là trong các khu vực khai thác mỏ và thủy điện, đóng vai trò rất lớn trong trong một nền kinh tế chỉ có khoảng trên dưới 9 tỷ Mỹ kim năm 2014.
Bốn nước có đầu tư lớn nhất ở Lào năm 2014 là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Pháp. Tổng số đầu tư trực tiếp là 730 triệu Mỹ kim. Năm 2015, một phần vì hiệp ước thương chung ASEAN vừa mới ký, đầu tư từ các nước khác trong khu vực và ngoài khu vực sẽ tăng thêm. Tỷ phần đầu tư từ năm 1989 đến năm 2014 tại Lào là 33% của Trung Quốc, 27% của Thái Lan, 21% của Việt Nam, và 3% của Pháp.
Do đó, đứng trên bình diện kinh tế mà nói, Việt Nam có thể thúc đẩy hồ sơ Biển Đông sau khi Lào nắm quyền chủ tịch nếu Việt Nam khéo vận động và mở đường thông thương cho Lào ra Biển Đông như ông Võ Văn Kiệt đã từng có cố gắng... ».
Ngoài biện pháp kinh tế, giáo sư Ngô Vĩnh Long còn cho rằng Việt Nam cũng có thể vận động quốc tế gây thêm sức ép trên Lào về những con đập trên sông Mêkông có hệ quả phá hoại sinh thái mà chính quyền Vientiane đang xây dựng với sự tiếp tay rất lớn của Trung Quốc. Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, Trung Quốc đang áp dụng chiến lược « ba mũi giáp công » để ép Việt Nam, trong đó Lào và Cam Bốt là một mũi, do đó Việt Nam cần phải có chiến lược đối phó :
« Ngày xưa, quan hệ Lào-Việt Nam có thể nói là 'to lớn nhất', đặc biệt cho đến thời ông Võ Văn Kiệt còn quyền hành. Nhưng mà bây giờ, tôi nghĩ rằng ngoài việc trực tiếp mở đường thông thương cho Lào ra Biển Đông và qua đó tăng quan hệ kinh tế và mậu dịch với Lào để chiếm thêm thị phần, Việt Nam nên vận động các nước trên thế giới làm áp lực Lào về những đập Lào xây với Trung Quốc trên sông Mêkong vốn đã và sẽ gây thiệt hại rất lớn cho hai nước hạ lưu là Campuchia và Việt Nam.
Ở phía bắc, Lào đập Xayaburi xây sắp xong với chi phí xây khoảng hơn 3,5 tỷ Mỹ kim. Ở phía nam, Lào bắt đầu xây đập Don Sahong với chi phí khoảng 300 triệu Mỹ kim. Thái Lan định mua 90% điện phát từ đập Xayaburi và phần lớn điện từ đập Don Sahong để cung cấp cho việc phát triển của Thái Lan.
Hiện nay có chương trình xây thêm 11 đập thủy điện trên sông Mêkong mà 3 nước được hưởng lợi nhất là Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Trong khi đó nước bị thiệt hại lớn nhất là Việt Nam.
Trung Quốc đang củng cố quan hệ với Lào, Thái Lan và Campuchia để ép Việt Nam từ phía Tây trong khi đang ép Việt Nam từ Biển Đông vào và từ biên giới phía Bắc xuống với bao nhiêu chiêu độc hại.

Nếu muốn vận động Lào, Việt Nam phải làm sao cho Lào biết rằng quan hệ với Việt Nam sẽ có lợi cho Lào, đồng thời cũng cho Lào thấy là nếu quan hệ không tốt với Việt Nam, thì Việt Nam có thể vận động thế giới để cho người ta thấy là quan hệ giữa Lào với Trung Quốc, và Lào với Thái Lan có hại không chỉ cho Việt Nam và Cam Bốt, mà còn có hại cho sinh thái toàn khu vưc.

Thành ra nếu Việt Nam muốn tác động về Biển Đông vào lúc Lào làm chủ tịch ASEAN, Việt Nam phải có chiến lược rõ ràng và dài hạn để đương đầu với cái tôi tạm gọi là “ba mũi giáp công” của Trung Quốc... »

Năm sự kiện và một loạt câu hỏi về Biển Đông 2016
Sự kiện Lào lên nắm quyền chủ tịch ASEAN là một trong những yếu tố sẽ có liên quan đến Biển Đông cần phải theo dõi. Bên cạnh đó, giáo sư Carl Thayer đã nêu bật 5 sự kiện thiết yếu cần chú ý, từ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về đơn Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, cho đến mức độ quân sự hóa 7 hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp ở Trường Sa. 

Ông nói:
« Trong năm 2016, có năm vấn đề chính cần theo dõi.
(1) Phán quyết của Tòa án Trọng tài (Thường trực tại La Haye), dự kiến sẽ được đưa ra trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu, và phản ứng của Trung Quốc cùng các quốc gia khác có đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông. Bất kỳ phán quyết nào có lợi cho Philippines đều sẽ bị Trung Quốc bác bỏ. Hành động đó của Trung Quốc sẽ đặt họ ra ngoài vòng luật pháp quốc tế. ASEAN sẽ làm gì ? Các cường quốc hàng hải lớn sẽ làm gì ?

(2) Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải và hàng không (FONOP), được cho là sẽ diễn ra ít nhất mỗi quý một lần, bắt đầu từ tháng Giêng. Liệu Mỹ có sẽ tiến hành những chiến dịch tuần tra FONOP bén nhọn hơn hay không ? như cho tàu áp sát các hòn đảo nhân tạo, hay cho phi cơ P-8 Poseidon và B-52 bay qua không phận trên các đảo ? Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào ?

(3) Khả năng đúc kết một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc, mà một số nhà quan sát ASEAN đã coi năm 2016 như là một thời điểm 'cấp bách' do việc Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo. Nếu các cuộc tham vấn bị kéo dài mà không mang lại bất kỳ kết quả nào, liệu ASEAN có sẽ mở một cuộc tấn công ngoại giao hay không ?

(4)Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng và củng cố các cơ sở hạ tầng trên bảy hòn đảo nhân tạo của họ. Tiếp theo đó sẽ là gì ? Ai sẽ cư ngụ trên các thực thể đó ? Thiết bị nào sẽ được bố trí trên đó ? Loại phi cơ hay tàu biển nào sẽ đồn trú ở đó ? Liệu Trung Quốc có đặt căn cứ của lực lượng Hải cảnh của họ ở đó và sẽ hung hăng hơn trong việc khẳng định quyền tài phán đối với Philippines và Việt Nam hay không ? Liệu Trung Quốc có quân sự hóa các đảo nhân tạo hay không bằng cách đặt radar tầm xa, hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, pháo binh, thiết bị chiến tranh điện tử và cầu cảng cho tàu khu trục ?

(5) Bầu cử ở Đài Loan và Philippines sẽ ảnh hưởng ra sao đến các động lực chính trị-ngoại giao của các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông ? Tại Đài Loan, đảng Dân Tiến DPP liệu có nhấn mạnh hơn trên đòi hỏi chủ quyền và tách xa hơn khỏi Trung Quốc hay không ? Một Tổng thống mới của Philippines có hòa hoãn hơn với Trung Quốc so với đương kim Tổng thống Aquino hay không ? »

Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, diễn biến vụ Philippines kiện Trung Quốc cũng là sự kiện cần theo dõi, các hành vi của Trung Quốc cũng vậy. Nhưng quan trọng nhất là các động thái của các nhà lãnh đạo Việt Nam liên quan đến Biển Đông.
« Vấn đề cần theo dõi trong năm 2016 là vụ kiện của Philippines. Việt Nam có thể dùng tiến triển cũng như kết quả của vụ kiện này để vận động dư luận thế giới cũng như lập thế trận cho Việt Nam.

Việc này rất quan trọng trên cả lãnh vực pháp lý lẫn chính trị. Thành ra trên chiều hướng này, cũng nên theo dõi tình hình chính trị ở Mỹ trước cuộc bầu cử để có thể có những thúc đẩy đúng lúc và đúng mức.

Trung Quốc cũng có thể lợi dụng việc Mỹ chú ý vào những chuyện trong nước để tăng áp lực trong khu vực Biển Đông, nói riêng, và khu vực Đông Nam Á, nói chung.
Nhưng vấn đề lớn nhất cần theo dõi, là thái độ và hành động của các lãnh tụ và các nhà làm chính sách Việt Nam. Nếu họ không năng động, thì các nước khác, trong đó có Mỹ, khó có thể có những hoạt động tích cực hơn nhiều so với năm 2015 ».


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List