Sàn giao dịch bất động sản Biển Đông

Sàn giao dịch bất động sản Biển Đông

>

Friday 16 October 2015

Từ hai ngọn hải đăng, Trung Cộng sẽ kiểm soát Trường Sa nay mai

Từ hai ngọn hải đăng, Trung Cộng sẽ kiểm soát Trường Sa nay mai

Phạm Nhật Bình

        Cùng tác giả:

        xem tiếp
Tham vọng chiếm trọn Biển Đông của Trung Cộng thực sự bắt đầu từ Bản tuyên bố ngày 4/9/1958 ấn định “bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý”. Trong đó Điều 1 của Bản tuyên bố ghi rõ “bao gồm quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa” nói theo cách Trung Cộng, nhưng đó chính là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Bản tuyên bố do Chu Ân Lai ký và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lúc ấy nhanh chóng tán thành. Điều này đã mở đường cho Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988 trước sự thờ ơ của thế giới.


Năm 2009, với bản đồ “đường 9 đoạn” chính thức đưa ra Liên Hiệp Quốc, Trung Cộng liên tiếp có những hành động nhằm khẳng định chủ quyền ngụy xưng trên Biển Đông, bất chấp luật pháp thế giới và phản ứng của các nước liên quan. Bắc Kinh cho thành lập thành phố Tam Sa, tăng cường lực lượng quân sự trú đóng, mở tuyến du lịch tới Hoàng Sa, cấm các nước đánh cá hàng năm và thường xuyên diệu võ giương oai bằng tàu chiến.
JPEG - 27.5 kb
Trung Cộng đã loan báo việc hoàn thành hai ngọn hải đăng trên Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Mai Thanh Hải.

Từ đầu năm 2015, Bắc Kinh âm thầm nhưng ráo riết biến quần đảo Trường Sa chiếm được của Việt Nam thành những căn cứ hỏa lực kiên cố trên mặt biển, nhằm khống chế hiệu quả sự kháng cự nếu có của Việt Nam và Philippines. Ít nhất 7 bãi đá được bồi đắp, nới rộng thành những hòn đảo nổi với 3 đường băng dài 3000 mét đủ cho những phi cơ quân sự sử dụng.
Tình trạng quân sự hóa Biển Đông ấy bộc lộ ý đồ của Bắc Kinh, chẳng những thôn tính hết vùng biển phía Nam mà còn biến hải lộ quan trọng này hoàn toàn nằm trong ao nhà Trung Cộng. Nhưng những thách thức ấy chỉ được đáp ứng thận trọng trong chiến lược xoay trục lâu dài của Hoa Kỳ và phản ứng chiếu lệ của Việt Nam là nước chịu nhiều thiệt hại nhất. Bao giờ người ta cũng chỉ nghe phát ngôn viên chính phủ Việt Nam “mạnh mẽ khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi” như một lời thu băng cũ rích.
Mới đây nhất, Trung Cộng đã loan báo việc hoàn thành hai ngọn hải đăng trên Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) và Đá Gạc Ma (Johnson Reef) trên quần đảo Trường Sa mà họ chiếm của Việt Nam trong trận hải chiến năm 1988. Phát ngôn viên của Bắc Kinh còn hứa hẹn sẽ tiếp tục xây dựng thêm những cơ sở dân sự trên các đảo trong mục đích hòa bình.
Cho dù Bắc Kinh tuyên bố rằng hoạt động của hai ngọn hải đăng đó chỉ nhằm mục đích giúp các tàu bè các nước qua lại trên Biển Đông cũng như gia tăng vấn đề an toàn hàng hải quốc tế, nhưng không ai không hiểu nó chỉ là những lời trấn an vô giá trị.
Đối với Việt Nam, việc Bắc Kinh xây hai ngọn hải đăng ở Trường Sa chẳng khác nào đóng hai cây cọc để đi thêm một bước nữa trong việc mạnh mẽ xác định chủ quyền của họ trên biển Đông. Nó khiến cho người Việt phải nhớ lại chiếc trụ đồng mà Mã Viện ngang ngược để lại vùng biên giới năm 42 sau khi đánh bại Hai Bà Trưng.
Ngày nay, sự xác định chủ quyền trên biển của Trung Cộng không chỉ là một hành động thách đố cả Dân tộc Việt Nam sau khi bồi đắp các đảo nhân tạo mà còn đặt Hoa Kỳ và các nước ASEAN vào sự đã rồi.
Hoa Kỳ là nước có quyền lợi thiết yếu trên Biển Đông nhưng luôn nhấn mạnh “quyền tự do lưu thông hàng hải” và coi tranh chấp đất đai là việc của các nước có liên quan. Dù trong tương lai nào đó, Hoa Kỳ có cho tàu chiến đi vào vùng 12 hải lý chung quanh các đảo mà Trung Cộng mới xây dựng để thách thức, điều đó cũng không có nghĩa là để bảo vệ chủ quyền cho một đồng minh.
Bảo vệ chủ quyền đất nước là trách vụ thiêng liêng của bất cứ chính quyền nào, nhưng từ lâu Hà Nội không làm được điều đó. Mà ngược lại họ đã tỏ ra khắc nghiệt trước các cuộc biểu tình yêu nước bày tỏ thái độ kiên quyết chống bá quyền Trung Cộng.
Ngay cả những buổi tưởng niệm các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trong hai cuộc hải chiến Hoàng Sa và Trường Sa cũng bị chính quyền sai công an và côn đồ đến phá rối. Kiểu hành xử như thế không có gì khác hơn để minh chứng lòng thần phục đồng thời thi hành chỉ thị của ông chủ Bắc Kinh.
Đảng CSVN luôn tự hào là lịch sử giao phó cho họ cầm quyền, nhưng không ai biết đó là thứ lịch sử nào. Trước nạn ngoại xâm càng ngày càng lộ rõ, chủ quyền biển đảo mất dần, chưa thấy đảng có một hành động hay lời nói nào tỏ ra mạnh mẽ để bảo vệ. Mà cứ mỗi lần Trung Cộng ngang ngược trên Biển Đông người ta chỉ nghe những giọng điệu phản đối chiếu lệ của một bầy tôi quỳ gối xưng thần.
Ngay cả việc giải quyết cuộc tranh chấp trong khuôn khổ luật pháp quốc tế theo con đường của Philippines, Hà Nội cũng chỉ đánh trống bỏ dùi, đôi khi còn lộ rõ thái độ lo sợ quan thày Trung Cộng mất lòng.
Trong tình hình hiện nay, nếu người dân Việt Nam không nhìn thấy dã tâm của Trung Cộng và sự ươn hèn của Hà Nội, không dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ để cảnh tỉnh chính quyền thay vì một thái độ bàng quan… Thì mai đây, Trung Cộng lấy cớ chính phủ Việt Nam không phản đối hoặc chỉ phản đối lấy lệ, họ sẽ tiến hành nhiều bước xâm lăng khác.
Các cuộc đấu tranh, vận động của những người Việt yêu nước trong tương lai sẽ bị Trung Cộng coi thường do sự tiếp tay của Hà Nội.
Hơn lúc nào hết, đây là lúc mà cả đại khối dân tộc Việt Nam phải mạnh mẽ lên tiếng, biến thành một phong trào dân sự chống hiểm họa Bắc Triều.
Lý do là sau khi bồi đắp 7 đảo nhân tạo, hoàn tất hai ngọn hải đăng, Trung Cộng sẽ tiến chiếm những đảo, bãi đá còn lại đang nằm trong tay kiểm soát của Hà Nội ờ Trường Sa. Đây là viễn cảnh sẽ xảy ra trước mắt.
Do đó, vì công ơn tổ tiên đổ ra biết bao xương máu dựng nước và giữ nước, vì lòng tự trọng, con cháu Việt ngày nay đừng để lòng yêu nước lụi tàn.
Hãy cùng nhau hành động để không tiếp tục mất Trường Sa vào tay Trung Cộng.
Phạm Nhật Bình

Cái chết của em Đỗ Đăng Dư

Trung Điền

Cùng tác giả:

Dư luận đang quan tâm về cái chết bí ẩn của em Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, tại bệnh viện Bạch Mai hôm mồng 10 tháng 10, sau khi được đưa đến từ trại giam của bộ Công an vào chiều mồng 8 tháng 10.
Mặc dù đoàn pháp y của quân đội đã đến khám nghiệm, nhưng cho đến nay nhà cầm quyền CSVN chưa công bố nguyên nhân gây ra cái chết cho em Dư.
Trong khi đó, công an lại ngăn cản mẹ em, bà Đỗ Thị Mai, vào thăm con tại bệnh viện. Đến lúc em Dư mất, bà Mai cũng không nhận được bất cứ giấy tờ gì về vụ tử vong của con trai mình. Sự kiện này đã gây ra một làn sóng phẫn nộ rất lớn trong cộng đồng mạng không chỉ tại Hà Nội mà ở khắp mọi nơi.
Khi hay tin em Dư mất tối mồng 10 tháng 10, đã có hàng trăm người gồm các nhà đấu tranh cho dân chủ, bà con dân oan rủ nhau tụ họp tại bệnh Bạch Mai để hỗ trợ tinh thần cho bà Đỗ Thị Mai.
Đặc biệt hiện có 3 văn phòng luật sư và 5 luật sư tham gia tố tụng để giúp cho bà Đỗ Thị Mai đi tìm công lý cho cháu Dư.
Mãi cho đến ngày 13 tháng 10, báo công an và đài truyền hình Việt Nam mới đưa tin về vụ tử vong của em Đỗ Đăng Dư; nhưng nội dung lại dựa theo “kịch bản” của công an Hà Nội.
Báo Công An loan tải rằng em Dư đã bị tạm giam 2 tháng vào ngày 7/8/2015 vì đã ăn trộm số tiền 1 triệu 500 đồng của nhà hàng xóm ở Thôn Đông Cựu, xã Đông Phương Yên, Huyện Chương Mỹ; nhưng em đã trả lại.
Ngày 13/8, công an Chương Mỹ đã chuyển em Dư lên trại tạm giam số 3, thuộc công an Hà Nội. Khi vào trại giam này, em Dư bị nhốt chung với 3 bị can khác là Vũ Văn Bình (SN 1998), Nguyễn Nam Trường (SN 1998), Lê Đức Anh (SN 1998).
Sáng ngày 4/10, Dư, Bình, Trường và Đức ăn sáng tại buồng giam. Theo lịch phân công, sau khi ăn xong, Dư phải rửa bát cho các bị can cùng buồng. Vì em Dư rửa bát bẩn nên Bình đã đánh và đá Dư khiến em bị xỉu. Cán bộ quản giáo phát hiện và đưa em Dư cấp cứu ở bệnh viện Hà Đông. Sau một ngày nằm ở đây, bệnh tình em Dư có vẻ nguy kịch, công an đã đưa lên bệnh viện Bạch Mai và em đã tử vong vào ngày 10/10.
Theo báo Công an thì tất cả những diễn tiến nói trên, công an Huyện Chương Mỹ đều báo cáo cho công an Thành phố Hà Nội và Bộ công an. Đặc biệt là Bộ trưởng công an Trần Đại Quang – dù đang bận tham dự Hội nghị lần thứ 12 Trung ương đảng – cũng đã chỉ thị điều tra vụ em Dư bị đánh. Ngày 8/10 công an thành phố Hà Nội đã khởi tố bị can Vũ Văn Bình về tội cố ý gây thương tích, 2 ngày trước khi em Dư tử vong.
Qua nội dung tường thuật như trên của báo Công an và đài truyền hình Việt Nam đã nảy sinh 3 nghi vấn:
Thứ nhất là trong suốt thời gian em Dư được đưa vào bệnh viện Hà Đông sáng mồng 4/10 rồi bệnh viện Bạch Mai mồng 6/10 và cho đến lúc tử vong mồng 10/10, công an đã không cho gia đình, nhất là mẹ em Dư là bà Đỗ Thị Mai gặp mặt, trong khi lại âm thầm xúc tiến việc truy tố bị can Vũ Văn Bình. Phải chăng Bình đang trở thành một nạn nhân thứ hai - bị dùng như một con dê tế thần để che đậy các hành vi sát nhân của công an? Dựa vào các thương tích trầm trọng trên cơ thể Dư, một người như Bình khó có thể tạo ra những vết thương chết người như vậy.
Thứ hai là khi em Dư tử vong vào ngày 10/10, công an Hà Nội đã không có bất cứ một thông báo nào về sự kiện này. Mãi đến ba ngày sau, khi mà cộng đồng mạng lên tiếng phản đối mạnh mẽ và các luật sư nhập cuộc, thì báo công an mới loan tin và đổ hết trách nhiệm cho Vũ Văn Bình về tội danh “cố ý gây thương tích”. Phải chăng Bộ công an đã coi thường sự kiện này ngay từ đầu và ngụy tạo kịch bản em Dư bị đánh để trốn trách nhiệm.
Thứ ba là trước sự kiện dư luận cả nước quan tâm về cái chết của em Đỗ Đăng Dư mà công an Hà Nội không hề có một cuộc họp báo chính thức, hoặc tỏ ra một hành động tối thiểu nào để xoa dịu nỗi đau của người mẹ mất con là bà Đỗ Thị Mai. Trong khi báo công an lại viết những lời hoa mỹ nào là công an Hà Nội phối hợp với Viện kiểm sát thành phố chỉ đạo các đơn vị khẩn trương điều tra, một mặt phối hợp cơ quan y tế và gia đình tích cực cứu chữa, điều trị cho em Dư (sic).
Trách nhiệm gây ra cái chết của em Đỗ Đăng Dư đang nằm trong ban quản lý trại giam 3, công an Hà Nội.
Ngoài những truy cứu về hình sự gây ra cái chết của em Dư, vấn đề then chốt nhất chính là sự coi thường công luận của công an Hà Nội nói riêng và bộ máy công an nói chung, khi có gần 300 người đã chết trong lúc tạm giam, tạm giữ trong thời gian qua.
Điều này cho thấy là sự bạo hành của công an đã và đang đe dọa sinh mệnh của các công dân khi bị bắt giữ vì bất cứ lý do gì.
Việc các luật sư và cộng đồng mạng đứng lên đòi công lý cho em Đỗ Đăng Dư hiện nay chính là bước đầu khơi dậy tinh thần đấu tranh chống lại sự bạo hành của công an - trong trại giam lẫn bên ngoài xã hội.
Trung Điền


No comments:

Post a Comment

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List