Sức mạnh về kinh tế và quân sự của hai loại Hoa này tràn lan trên khắp thế gian. Lợi ích quốc gia hay còn gọi là cốt lõi của họ, dính chùm với quốc tế; nên sự phát triển của từng quốc gia trên thế giới, không nhiều thì ít, đều có sự liên quan hỗ tương với Hoa-Kỳ và Trung-Hoa đủ cả trên 4 phạm trù văn-kinh-chính-giáo trong xã hội. (Trong bài này, tôi sẽ dùng tên Trung-Hoa hay Tàu hay Hoa-Lục, và Hoa-Kỳ hay Mỹ, một cách hoán chuyển tùy theo văn cảnh hoặc định kiến thích hợp).
Bài luận này nhắm tới sự so sánh, tương sinh và tương khắc, về sách lược của hai xứ Hoa để có thể thấy được thực chất của đất nước Việt Nam đang nằm trong thế gọng kềm, trên-đe-dưới-búa. Không riêng gì Việt Nam, mấy xứ khác cũng vậy! Cũng phải chịu ảnh hưởng của cả hai, Mỹ và Tàu. Nhưng tương lai của toàn cầu, của thế giới và của cả loài người không phải chỉ dành riêng cho lãnh đạo Tàu hay Mỹ trả lời; và định đoạt một cách đơn phương hay song phương. Tương lai là chuyện của thiên hạ. Thiên hạ là bất cứ con người nào sống dưới vòm trời này. Ông hay bà là con người và tôi cũng thế. Chúng ta đều có ít/nhiều cảm tưởng/nghĩ về tương lai của thế giới.
Có 4 điều cảm nghĩ trong nội dung của bài luận này: 1. Những điểm tương đồng của Trung-Hoa và Hoa-Kỳ; 2. Những điều dị biệt của chúng; 3. Ta theo Hoa nào?; và 4. Thế giới đi về đâu?
NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG CỦA TRUNG-HOA VÀ HOA-KỲ
Bành trướng, bành trướng và bành trướng! Sự bành trướng là con đường sinh tồn của bất cứ một tổ chức quốc gia nào trên thế giới. Đây là diễn trình toàn-cầu-hóa từ xưa đến nay, kể từ khi loài người thiết lập nên cơ chế quốc gia. Hiện tại, thế giới có trên 200 quốc gia hiện hữu. Hoa-Kỳ và Trung-Hoa được kể là hai quốc gia siêu cường trong thế kỷ 21, dựa vào sức mạnh kinh tế và chính trị, nhất là mặt quân sự. Hãy lướt qua lịch sử Hoa-Kỳ trước.
◙ Lịch sử Hoa-Kỳ tuy mới có trên 200 tuổi nhưng đã thừa hưởng được truyền thống văn minh của Tây-phương từ thời Hy-La (Hy-Lạp và La-Mã) qua Âu-châu cả mấy nghìn năm. Sau khi giành được độc lập khỏi tay đế quốc Anh và vượt thắng khỏi ảnh hưởng của đế quốc Pháp và Tây-ban-nha (Spain), Mỹ quốc đã bành trướng và làm chủ cả một lục địa rộng lớn với tài nguyên thiên nhiên phong phú, mà mấy ngàn năm trước đó cư dân da đỏ (Native American, thật ra là da vàng như Á-châu) vẫn cứ để nằm yên. Dân Mỹ bản địa đã không đủ khả năng để bảo vệ sự sinh tồn, cũng như trình độ khoa học cần thiết để vận dụng cho sự tiến hóa xã hội (Toynbee, 1973. Half the World).
Sự giàu sang và phát triển của Mỹ-quốc cũng không phải được khám phá (discovered) chỉ bởi đất và nước, mà được xây dựng (built) nên bởi các nhà tư bản xuất chúng như Ford, Rockefeller, Carnegie, Morgan, Vanderbilt… (www.history.com, 2012) với tư tưởng sinh lợi và thực dụng (thành ra truyền thống Mỹ sau này). Mỹ đã qua mặt Âu-châu và dẫn đầu thế giới sau hai cuộc thắng trận (Đại chiến I và II) về mọi mặt sinh hoạt trong xã hội. Trong thế kỷ 20 với sự du nhập của nhiều dân tộc thiểu số khác từ mọi phương trời đến lập nghiệp, tỵ nạn, với ‘Giấc Mơ Người Mỹ’ (The American Dream), di dân đã tạo nên một tấm thảm lụa đủ muôn màu sắc thái (tapestry) chứa nhiều khả năng thực hiện (competencies) mà ít xứ nào sánh nổi. Thế kỷ 20 là ‘thế kỷ của người Mỹ’. Thế kỷ 21 Mỹ sẽ ra sao? Bây giờ hãy lướt qua lịch sử sơ lược của Trung-Hoa.
◙ Lịch sử Trung-Hoa dày cộm trên 5000 năm với 15 triều đại quân chủ thống nhất như: Đường, Ngu, Hạ, Thương, Châu; Tần, Hán, Tấn, Tùy, Đường; Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Dân. Riêng hai đời Nguyên và Thanh là của hai tộc người Mông-cổ và Mãn-châu, còn lại đều tự hào là dân Hán. Vậy, dân Hán là dân nào? Lá cờ 5 sao của Trung-cộng (một sao to và 4 sao nhỏ vây quanh) mang nhiều cách giải thích. Một trong những lý giải là: dân Hán là chính, ở vị thế cao thượng, còn 4 dân tộc Mãn, Mông, Hồi, Tạng là phụ, với tư thế thấp hạ, vây quanh. Điều này chỉ minh chứng cho sự kỳ thị chủng tộc của dân Hán. Văn minh của Trung-Hoa là văn minh hợp chúng, giống như của Hoa-Kỳ, ngoại trừ giới lãnh đạo xử dụng sự ép buộc bằng bạo lực để cưỡng bức các người/tộc dân bị trị. Khi nghiên cứu về nhân chủng và khảo cổ học, không có dân Hán, nòi giống Hán hay Hán-tộc, mà chỉ có triều đại Nhà Hán (-206 đến 220).
Nhà Hán đã bành trướng biên cương rộng tứ phía, nhờ tiếp tục nối gót các thời quân chủ phong kiến của Nhà Châu (-1122 đến -222) và quân chủ độc tài của Nhà Tần (-255 đến -207), dựa vào bạo lực ‘trên đầu gươm giáo’. Nhưng bạo lực chỉ là quyền lực cứng (hard power), không tạo nên sự tăng trưởng bền vững và chuyển hóa thâm sâu bằng quyền lực mềm (soft power) hay còn gọi là chủ thuyết/nghĩa (ism) hoặc mô hình phát triển (development model). Nhà Hán gồm đủ cả hai lực, cứng lẫn mềm.
Lực mềm của Nhà Hán chính là Hán-Nho, dựa trên Khổng-Nho, do Khổng-Tử (Confucius, -551 đến -479) thu thập, san định và chủ trương để cải tạo xã hội bá quyền thời chiến tranh Xuân-thu Chiến-quốc (-722 đến -222). Nhưng vua quan đời Hán đã bẻ quặt Khổng-nho, biến cái học làm người của Khổng-Tử trở thành Hán-chế (Hanism), một loại chủ nghĩa bất nhân, độc tài toàn trị khắc nghiệt, bắt dân làm nô lệ để phục vụ cho vương/quân quyền lãnh đạo. Các triều đại quân chủ của Tàu sau đó (Đường, Tống, Minh, Thanh) vẫn luôn tự hào mình là Hán-nhân (người Hán) với não trạng theo mô hình của chủ nghĩa Đại-Hán, lấy quyền lực và quyền lợi của giới lãnh đạo triều đình (vua, quan) làm trung tâm bành trướng bá quyền.
Vì thiếu căn bản triết học và diễn trình minh biện (argumentation) mà một số học-giả (scholars) và hành-giả (practitioners) của Tây, Tàu và Ta đã lầm lẫn giữa các loại Nho-học như: Việt-nho, Khổng-nho, Hán-nho, Đường-nho, Tống-nho, Minh-nho, Thanh-nho và Cộng-nho, nên không nhận dạng và phân biệt được thể và tướng của các loại nho-học khác nhau. Giới cầm quyền cai trị của mỗi thời đại Tàu trong quá khứ đã bẻ quặt và trá hình dưới vỏ bọc tư tưởng để dễ bành trướng. Cụ thể thời nay là Trung-cộng lại đưa ra chiêu bài ‘xã hội hài hòa’ theo lối Khổng-Tử (ta nên gọi chúng là ‘Cộng-nho’). Do đó, các nhà tranh đấu cho tiến trình dân chủ hóa, Tàu và Ta, cần nắm vững thực chất của nho-học nguyên thủy (tức là Việt-nho thuở ban đầu), mới có thể lật tẩy được Tàu hầu ‘thoát Trung’.
Tóm lại, bản chất của chế độ Trung-cộng, hay ‘đặc thù Trung-quốc’ theo cách gọi của cộng sản Tàu là một tổng hợp của chủ nghĩa Cộng-sản (communism) và chủ nghĩa Hán-chế (Hanism) mà các xứ cộng sản khác không thể so sánh hay bì kịp.
Lợi ích quốc gia là mục đích cốt lõi của Hoa-Kỳ để giữ sự bền vững từ trước đến giờ. Lợi ích cốt lõi là mục đích quốc gia của Trung-Hoa để trỗi dậy theo truyền thống bá quyền từ xưa đến nay (www.seasfoundation.org). Cả hai Hoa-Kỳ và Hoa-Lục đều giống nhau là đặt lợi ích của xứ mình lên hàng đầu, mặc dầu chính sách cùng rêu rao vì sự an bình của thiên hạ. Cả hai Hoa-Lục và Hoa-Kỳ đều giống nhau là luôn đề cao nền thái hòa của nhân loại. Cả hai đều muốn cầm lá cờ đại nghĩa và văn minh thời đại mới của nhân loại, nhưng khi hành động, mỗi xứ thi hành mưu lược lôi kéo các xứ khác một cách khác nhau. Giống nhau: cả hai đều nói và làm khác nhau.
NHIỀU ĐIỀU DỊ BIỆT CỦA TÀU VÀ MỸ
Cách ảnh hưởng (quảng cáo, tuyên truyền) và lôi kéo (chính sách, mưu thuật) của Mỹ và Tàu khác nhau. Sau Thế Chiến Hai (1945), thế giới bị chia đôi bởi ảnh hưởng giữa tư-bản và cộng-sản. Giờ đây, sự chia đôi bị biến tướng, thay đổi thành Tiền Mỹ và Quyền Tàu. Tiền bạc là lối sống của tư-bản Mỹ (theo chủ nghĩa tư-bản), nên gọi là ‘Tiền Mỹ’. Quyền lực là lối sống của cộng-sản Tàu (theo chủ nghĩa cộng-sản), nên gọi là ‘Quyền Tàu’. Hai đặc tính này: ‘tiền’ và ‘quyền’ đang choảng nhau hay cần nhau, tùy thuộc vào thời cơ lợi-hại với sự chọn lựa quyết định của hai giới lãnh đạo đôi bên. Quyết định thuận-nghịch là nương theo bóng thời-không của Game Theory (Thuyết Trò Chơi) theo bài bản của John von Neumann (1903-1957).
Muốn ra khỏi cơn khủng hoảng tiền bạc như của Mỹ hiện nay, chính phủ cần vay thêm nhiều trỉ USD nữa trong vòng hai ba năm tới. Một trỉ (trillion) bằng 1000 tỉ (billion) đôla. Nhà nước Mỹ phải mang nợ thiên hạ nhiều như vậy để tài trợ và bảo quản cho lối sống sung túc mà ta gọi là mức sống. Mức sống của tư-bản là phải xài tiền nhiều như vậy. Cần hiểu rõ cái công thức tiêu xài GDP = C + I + G + (X-M) trong kinh tế học vĩ-mô (MacroEconomics) với 60-70% của GDP dựa trên C (consumption expenditures) mới thấy mức tiêu thụ của dân chúng Mỹ trong sự tăng trưởng kinh tế. Chúng ta thường suy nghĩ: ăn-quen-nhưng-nhịn-không-quen! Giới tài-phiệt lãnh đạo của Mỹ nói kiểu khác: giàu-quen-nhưng-bớt-giàu-chưa-quen. [Mời bạn đọc tìm bài ‘Mua Xài, Mua Sắm, Mua Khoe …’ trên mạng VN-Share-News của cùng người viết để biết thêm về bản chất của GDP (Gross Domestic Product, Tổng sản lượng nội địa) của một quốc gia].
Mức sống (Standard of living) khác với Lối sống (Way of living). Lối sống thuộc văn hóa, của con tim, khối óc và của suy tư, tinh thần; chứ không phải chỉ thuần vấn đề bao tử và khúc ruột như mức sống vật chất. Sự lựa chọn của các nhà lãnh đạo đất nước và sự lựa chọn của nhân dân khác nhau ở mô thức và cấp độ mà người đời gọi là vĩ-mô (macro) hay là vi-mô (micro); nhưng giống nhau ở cách quân bình (trung đạo) giữa mức sống và lối sống (giữa kinh tế và văn hóa).
Xứ nào cũng nuôi mộng dân-giàu-nước-mạnh. Riêng tình trạng của xứ Mỹ là ‘dân-sang-giàu, nước-nợ-ngập-đầu’. Vì Mỹ mượn nợ của Tàu cả trỉ đôla, nên các vụ vi phạm nhân quyền của Tàu đều được chính phủ Mỹ gác tạm qua một bên. Mỹ đâu dám la làng! Lãnh đạo Mỹ đang xài chiến-thuật biết-rõ-mà-tỏ-ra-khờ (minh tri cố muội) để tiến tới chiến-lược ‘vay tiền’ của Tàu để tài trợ cho mức sống Mỹ. Hết tiền thì bớt tiêu xài và bước lần đến tiêu vong. Bên ngoài, bác Mỹ chỉ còn cách lập mưu thần chước quỷ, xúi mấy chú xứ nhỏ phá đám, bao vây ngầm bác Tàu! Tàu cũng ngại ngùng khi Mỹ xuống/tuột dốc, vì lấy ai để trả nợ và có chỗ để đầu tư?
Kể từ ngày Tần Thủy Hoàng-Ðế thiết lập xứ China (Tần-quốc, năm -221) theo dòng họ của mình (âm Chin/Sin nghĩa là Tần); rồi nhà Hán (-202 đến 220) nối gót bành trướng cả vùng trung nguyên của Bắc-Á thành ra Trung-quốc vĩ đại với những mỹ từ Pax Sinica (trật tự kiểu Hoa), Ðại-Hán, Hán-chế (Hanism) … Lịch sử Tàu biểu tỏ thực chất và văn minh Trung-quốc chỉ là diễn trình của sự bá quyền.
Ðến khi cộng-sản tây phương du nhập vào Á-châu, vua Dinh-Chính (Thủy Hoàng) đời Tần tái hiện dưới hình tướng Mao Trạch Ðông (1893-1976) và vua Lưu Bang đời Hán tái thế dưới hình tướng Ðặng Tiểu Bình (1904-1997) thì Trung-cộng mới hiện rõ bản chất độc bá thiên hạ thời hiện đại. Nếu trả lại đất cho Mãn-Châu, Mông-Cổ, Tây-Tạng, Tân-Cương, Thanh-Hải, thì xứ Tàu chỉ còn bằng một phần tư. Hai đời lãnh đạo thứ nhất và nhì của Mao và Ðặng đã làm nền tảng vững chắc cho Trung-cộng bành trướng đến ngày hôm nay. Hai tay Mao và Đặng này chưa bao giờ biết và cần đến thể chế chính trị dân chủ liên-bang mà Âu-Mỹ đã tiến bộ xử dụng.
Lãnh đạo Tàu chưa hiểu và học được bài giải của Liên-Âu: đối thoại, đồng thuận và chung sống hòa bình giữa mọi giống, nên Tàu vẫn xử dụng chiêu bài dân tộc cực đoan dưới nhãn hiệu ‘giấc mơ Trung-quốc’. Chiêu bài cũ kỹ này đã được xài vài lần dưới thời Nhà Đường (618-907) qua khẩu hiệu ‘tứ-hải-giai-huynh-đệ’ (bốn biển đều là anh em) mà ‘Trung-quốc’ đóng vai anh (huynh) đứng trên cao, và bốn biển trong vai em (đệ) vây hầu chung quanh. Nước Vạn Xuân (tiền thân của Việt Nam) bị Tàu xâm lấn và đô hộ, được gọi là An-Nam đô hộ phủ, còn nước Cao Ly (tiền thân của Đại Hàn) bị cai trị thành An-Đông đô hộ phủ. Giở trang sử cũ sẽ thấy rõ thủ đoạn này.
Thời nay trong lục địa, muốn bành trướng thì Tàu phải dùng quyền lực để bó buộc mọi giống dân khác trong đất liền phải tuân theo. Còn bên ngoài biển đảo thì Tàu tìm cách lấn áp và cướp giật lân bang. Trường-Sa, Hoàng-Sa của Việt Nam và các đảo khác của Philippines làm bằng chứng.
Tóm lại: Trung-cộng chủ trương bạo lực bá quyền. Mỹ khôn ngoan hơn, theo hệ thống mở, dù có vấn đề nhưng biết đối thoại và thương lượng, hy vọng còn có thể giải quyết, vượt thoát vươn lên. Tàu ngược lại, đầu đuôi khép kín, khó bề xoay trở, nội-ưu-ngoại-hoạn, như trái bom nổ chậm!
Quan sát bề ngoài thấy Tàu giàu mạnh, dư tiền dư của, nhưng bề trong phân phối về sản xuất/tiêu thụ chưa được đồng đều, tham nhũng từ trên xuống dưới, bất công xã hội tràn lan, hệ thống an-sinh vá víu, ô nhiễm đầy trời, dân tộc lân bang thù nghịch. Không biết mấy anh Tập Cận Bình (Xi Jin-ping) và Lý Khắc Cường (Li Ke-quiang) – lãnh đạo của Trung-cộng đương thời, trước đây đã được học-giả Cheng Li diễn tả như ‘nhóm của những kẻ kình địch’ (China’s Team of Rivals) – có khả năng giải quyết mâu thuẫn nội bộ ra sao? Chỉ thấy chủ tịch Xi đang ra tay thanh toán đám cựu thần Bạch Lai Hy và Giang Trạch Dân để thu tóm quyền lực cai trị, cố leo lên tột đỉnh. Mây đen đang vần vũ khắp cả bầu trời Hoa-lục.
TÀU SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
Đầu tiên chỉ là vùng đất Trung-nguyên, sau biến thành Trung-bang, rồi Trung-Hoa và cuối cùng là Trung-cộng). Trước đó, tại Trung-nguyên đã có một thời kỳ thanh bình thịnh trị của nền văn minh nông nghiệp theo sách lược đồng thuận của đa nguyên, tổng thể, theo hệ thống Bách-Việt. Sở dĩ có cái tên Bách-Việt cách đây nhiều ngàn năm, trước khi Trung-Hoa ra đời là vì có nhiều dân tộc (bách nghĩa là một trăm, chỉ số nhiều) đồng thuận theo lối sống Việt (sinh tồn riêng và tiến hoá chung, như Âu-Việt, Lạc-Việt, Mân-Việt, Điền-Việt, U-Việt …). Nhưng các đời Châu, Tần và Hán (bắt đầu từ năm -1122) từ hướng tây bắc của văn minh du-mục dùng sách lược bạo lực (sức mạnh trên đầu ngọn giáo) đã bành trướng và phá nát hệ thống Bách-Việt. Và hiện nay, chính sách của Trung-cộng muốn phá nát hệ thống LHQ.
Sách lược bành trướng của Trung-cộng xem mình như trung tâm của vũ trụ, tưởng là truyền thống, cũng có nhược điểm của nó. Điểm yếu đó là sự tiến hóa của nhân loại và công luận của quốc tế sẽ chận đứng tham vọng thiên triều Trung-cộng. Thiên hạ không thể để cho Trung-cộng tác oai tác quái. Bằng chứng là các liên minh an ninh, đối tác thương mại giữa Mỹ, Âu, Úc, Nhật và từng phần của ASEAN đang thành hình để bao vây Tàu (như TPP), ép Tàu cần phải theo khuôn phép ứng xử hòa bình (peaceful codes of conduct), tuân hành bởi tiêu chuẩn và luật lệ quốc tế (như UNCLOS). Trung-cộng biết rất rành về phản ứng của thiên hạ.
Dù thấu rõ tâm lý của người ngoài, nhưng tại sao Trung-cộng vẫn hung hăng với đường-lưỡi-bò, với hải-đăng-đá-ngầm, với phi-trường-trên-cát (đều là công Dã-Tràng) trực tiếp đối với Việt Nam và Philippines, và gián tiếp đối với Mỹ, Nhật, Úc và Liên-Âu? Bởi do mộng tham chiếm quyền lực (quyền Tàu) làm trùm thế giới nên tự gây mâu thuẫn nội tại. Và vì cố tranh giành sự lãnh đạo tuyệt đối bên trong nội bộ (như Tần Thủy Hoàng, như Mao Trạch Đông) hầu tạo đủ lực lượng để thực hiện mộng đế quốc. Đó cũng chính là lộ trình sẽ đưa Trung-cộng trên đường tiêu vong.
Điểm tệ hại nhất là, Trung-cộng không dại gì đụng độ trực tiếp cùng Mỹ-Nhật, nhưng lại thừa sức dạy cho Việt-cộng bài học thứ nhì, y như Đặng Tiểu Bình đã làm trong lần dạy cho bài học thứ nhất (1979). Để tiêu diệt nội bộ (phe Hoa Quốc Phong), Tiểu Bình phải cho quân tràn qua ngoài biên giới. Để đàn áp nội bộ (phe Giang Trạch Dân), Cận Bình phải xua lính xây thành tấn chiếm hải đảo. Hai tên Bình này, thật lòng chưa hòa bình! Kế sách bành trướng của Trung-cộng trên biển Đông-Nam-Á sẽ dồn độc đảng Việt-cộng trên đường tiêu vong (Chu Chi Nam, 2015).
RỒI MỸ SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
Tuy Mỹ đầy dẫy những vấn đề nội bộ như: ngân sách thiếu hụt, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tranh giành quyền lực trong nghị trường đến nỗi nhà nước sắp sửa thiếu tiền trả cho công chức; nhưng đâu cũng sẽ vào đấy. Trong ngắn hạn, nhờ vào hệ thống mở và cơ chế thông thoáng nên Mỹ vẫn thoát hiểm trên nhiều phương diện. Trong dài hạn về kinh tế, Mỹ sẽ phải tập làm quen với lối sống giữa 2 đến 3% cho mức tăng trưởng của GDP mà cả nửa thế kỷ nay luôn nhắm tới 4% (target of growth rate).
Trong dài hạn về chính trị, Mỹ cần sắp xếp lại qui chế bầu cử của mình. Thử hỏi: Mỹ theo lưỡng đảng (Cộng hòa hay Dân chủ) hay đa đảng (có trên 40 chính đảng hiện hữu)? Thế thì tại sao nhà nước chỉ tài trợ và nuôi nấng chỉ hai con voi và lừa? Cần có đảng thứ ba để quân bình (Trần Bình Nam, 2010). Lần đầu tiên, Mỹ đã có tổng thống da đen. Trước sau gì Mỹ cũng sẽ có tổng thống đàn bà. Tổng thống Obama, tuy có nhiều người chưa quen và không thích, nhưng trước khi rời khỏi chính trường ông đã để lai hai đặc sản thời đại: ObamaCare và TPP.
Thứ nhất là ObamaCare: chính sách xã hội hóa dịch vụ y tế mà Kennedy và Clinton đã theo đuổi bấy lâu nay. Tài phiệt y tế Mỹ vì giàu-quen-nhưng-bớt-giàu-chưa-quen nên luôn dèm pha và phá đám. Hãy ngó sang Canada, hoặc Liên-Âu, hoặc Nhật để học bài: vì lợi ích chung cho người dân cả nước hơn là lợi ích riêng cho vài nhóm tư bản (giới bảo hiểm và y sĩ). Thứ nhì là Trans-Pacific Partnership Agreement (Hiệp Ước TPP, xem lại các bài xã luận trước). Đây là chỉ dấu lượng định về khả năng giới hạn của Mỹ trong việc giữ gìn an ninh thế giới. Thế kỷ 20 đã là của riêng Mỹ, và bước sang thế kỷ 21 sẽ là của chung khu vực Thái-Bình-Dương (chứ không phải của riêng Á châu như nhiều bình luận gia đã nhận xét trước đây). Đây là cơ hội có một không hai cho tương lai của ViệtNam nếu giới lãnh đạo cộng sản biết khôn ngoan hơn trước. Hãy học bài của Singapore, Malaysia và Chile trong những ngày sắp tới để chuẩn bị.
Tóm lại, Hoa-Kỳ đang trên đường tự chỉnh lấy mình để bước theo đà tiến hóa của thế kỷ và nhân loại. Hãy đọc và suy tư như vợ chồng ông bà Toffler (Alvin và Heidi, 1994: Creative A New Civilization – The Politics of The Third Wave) cho sự vững bền của nền văn minh trong tương lai.
VÀ THẾ GIỚI NẦY ĐI VỀ ĐÂU?
Kể từ khi loài người áp dụng sách lược bành trướng vào khái niệm phát triển cơ chế quốc gia trên con đường sinh tồn thì diễn trình toàn-cầu-hóa bắt đầu hiện hữu. Lịch sử chiến tranh và hòa bình của mỗi quốc gia tùy thuộc vào khả năng bành trướng của quốc gia đó đối với lân bang. Hòa bình là chứng minh của sự đồng thuận giữa các quốc gia qua con đường bất-bạo-động. Chiến tranh là bằng chứng của sự bất phục tòng giữa các quốc gia, khi nước này dùng bạo lực quân sự để tấn chiếm nước kia. Và nước kia có lý lẽ dùng chiến tranh để tự vệ. Tình hình địa-chính trị (geopolitics) vẫn còn tác động trong ngoại giao và khái niệm địa-kinh tế (geoeconomics) đang thành hình sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc lựa chọn chính sách của từng quốc gia nói riêng, cũng như quan hệ quốc tế nói chung (Lê Hồng Hiệp, 2015).
Sau hai đại chiến thế giới long trời lở đất giữa các đế quốc tranh giành thuộc địa, rồi bị ảnh hưởng bởi mô hình phát triển theo sách lược bành trướng vì lợi ích quốc gia của mình, nên phe thắng trận chịu ngồi xuống với nhau để vẽ lại ranh giới của mọi quốc gia liên hệ, cũng như thành lập nên tổ chức quốc tế với hy vọng kéo dài sự hiện hữu của nền hòa bình trên thế giới. Sự ra đời của tổ chức Quốc-Liên (League of Nations, 1920) sau Thế Chiến I (1914-1918) là minh chứng hướng thiện của loài người. Nhưng sự mất quân bình và thiếu công minh của giới lãnh đạo các siêu cường đã phá vỡ khả năng thích ứng để gìn giữ sự hợp tác quốc tế, bảo vệ hoà bình và an ninh thế giới của Hội Quốc-Liên (sau 1930), đã mở màn cho một cuộc đại chiến khác (Nguyễn Hồng Bảo Thi, 2015; www.nghiencuuquocte.net).
Sau Thế Chiến II (1939-1945), tổ chức Liên-Hiệp-Quốc (hay còn gọi là Liên-Hợp-Quốc, LHQ) ra đời với viễn tượng (visions) và khả năng thực hiện (competencies) cao độ hơn Hội Quốc-liên trước đó (https://vi.m.wikipedia.org). Thành tích của LHQ tương đối khá tốt trong việc giải quyết các cuộc chiến tranh nhỏ và chiến tranh lạnh giữa hai khối tư-bản và cộng-sản. Nhưng sự hạn chế của các thành viên trong Hội Đồng Bảo An (Security Council) [chỉ có 5 thành viên thường trực với quyền phủ quyết (veto) tuyệt đối] cũng như quyết tâm thực hiện sau khi có quyết định chung. Và LHQ cũng chưa đầy đủ phương tiện đóng góp một cách công bằng giữa 193 thành viên, để có thể giải quyết mọi vấn đế quốc tế trong thế gian này. Nên cuộc đọ sức giữa hai siêu cường Tàu-Mỹ kỳ này trong thế kỷ 21 sẽ là bài toán gay gắt, rất mâu thuẫn cũng chỉ vì, không những lợi ích quốc gia (hay cốt lõi) của hai bên Mỹ-Tàu, mà phải còn của cả những quốc gia liên hệ khác. Ví dụ như lò lửa Biển Đông-Nam-Á trong hiện tại đang sục sôi. Do đó, còn có nhiều cách động não cho sự suy nghĩ về cách thức giải quyết để đem thế giới đi về đâu (Paul Kennedy, 2000).
◙ Một trong những cách giải quyết giả định cho lợi ích riêng của từng quốc gia liên hệ là tìm đến lợi ích chung của toàn vùng, do một tổ chức quốc tế có bề thế hơn LHQ hiện tại. Nếu không tạo ra được một tổ chức mới hữu hiệu hơn thì phải cải cách tổ chức cũ cho được hiệu năng hơn. Hệ quả là LHQ phải tự sửa đổi và điều chỉnh lại cơ cấu Hội Đồng Bảo An, như có thêm sự hiện diện của các hội viên thường trực khác như Ấn Độ, Nhật, Đức, Brazil,...(Kofi Annan, 2011).
◙ Một cách giải quyết khác, theo kiểu mì-ăn-liền, là Tàu và Mỹ đi đêm với nhau, trả giá lợi-hại, để đạt lưỡng lợi trong đường ngắn, nhưng sẽ thất lợi cho an ninh toàn cầu trong đường dài một khi siêu cường vẫn còn rêu rao và bám vào lý tưởng hướng thượng của nhân loại. Và vì các quốc gia khác đã đánh mất sự tin tưởng vào giá trị của siêu cường, nói-mà-không-làm như Tàu và Mỹ. Sự tin tưởng vẫn là mấu chốt cho ngoại giao quốc tế trong tiến trình toàn-cầu-hóa. Do đó cả hai đều phải tự xét và quán chiếu. Đi đêm sẽ bị cháy khi ra ban ngày.
◙ Một cách giải quyết khác nữa là: hải quân Tàu và Mỹ thử đọ sức với nhau trên biển cả Thái-Bình-Dương, ngay đoạn giữa hai xứ (không phải trong khu vực Đông-Nam-Á), nếu cả hai đều có gan! Tàu hiện đang hù dọa (vì biết rằng công nghệ quốc phòng còn thua xa Mỹ cả thập niên), còn Mỹ thì đợi Tàu ra tay trước. Giống như trong các cuộc thế chiến trước đó, Mỹ ra tay sau cùng khi các đấu thủ đã hụt sức. Cả hai loại Hoa đều biết tẩy của nhau như thế!
Lý luận tròn đầy về giá trị, ý nghĩa, cũng như sự sinh tồn và tiến hóa của đất nước Việt Nam (như một Hệ thống Đích nhắm, Target system) không thể thông suốt nếu không đặt nó vào sự an ninh và nền hòa bình chung của thế giới (như một Hệ thống Dung chứa, Containing system), một cách tương đối. Chính cách suy tư thống hợp (systems thinking) mới hy vọng nảy sinh ra bài giải thích đáng/hợp cho tương lai của Việt Nam. Việt Nam đang đứng giữa ngã ba đường chọn lựa!
VIỆT NAM THEO HOA NÀO?
Giữa hai cái tệ, thông thường ta chọn cái ít tệ hơn. Và sự lựa chọn của Việt Nam cần dựa vào ý thức và tri thức của mình trên tiêu chuẩn quân bình và toàn diện, cũng như xét về hậu quả thực tế của cả bốn mặt sinh hoạt văn-kinh-chính-giáo trong xã hội. Câu hỏi “ngả theo phe Hoa nào?” (Hoa-Kỳ hay Hoa-Lục) lại tùy thuộc vào tìm bãi đáp an toàn nào cho các nhóm lợi ích riêng trong giới lãnh đạo cộng sản. Đảng Việt-cộng đang đứng trước sự chọn lựa: theo Tàu hay theo Mỹ? Theo Tàu thì mất nước, theo Mỹ thì mất đảng; nhưng đấy chỉ là cách nhìn chung chung, còn thô thiển, mang tính cách tuyên truyền chính trị. Tàu đâu có dại gì đem quân xâm lấn Việt Nam một cách toàn diện như các kiểu đánh nhau dưới thời quân chủ. Chúng chỉ dùng mồi lợi để nhử, hoặc phô trương hù dọa, hoặc nắn gân chọc phá, và lấn lướt từng phần sao cho Việt-cộng thần/thuần phục theo kiểu tằm-ăn-dâu. Muốn chận Tàu thì phải ỷ vào Mỹ. NHƯNG:
Hãy nhìn vào sự thật. dù cay đắng, bẽ bàng để tìm sinh lộ cho dân tộc mà không nên dựa vào ngôn ngữ tuyên truyền , theo bình luận gia Đại-Dương (Ảo tưởng và Thực tế về Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, 12/10/2015). Những quan sát đúng đắn của các nhà nghiên cứu ở hải ngoại như: Ngô Vĩnh Long (USA), Lưu Tường Quang (Australia), Vũ Đức Khanh (Canada),
và những khuyến cáo của các viên chức trong nước như: Nguyễn Đức Thành, Vũ Huy Hoàng, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan (2015) đều đi đến chung một kết luận là: nên dựa vào Mỹ và phảitự thay đổi để chống lại sách lược tằm thực của Tàu. Càng sớm càng tốt!
Sức Mình Là Chính, Dựa Người Là Khinh!
Sinh lộ cho dân tộc phải là sức của dân tộc. Sức mình là sức chung của dân tộc, không phải của riêng độc đảng cộng sản. Mưu thuật của Việt Nam là nên dựa vào Hoa-Kỳ để cân bằng với Hoa-Lục, ta gọi là đu dây. Đu dây là ‘khinh’, là thứ yếu. Chính yếu phải là lý, lý lẽ và lý tưởng: giúp cho dân được khai trí, khí lực được hưng chấn, và mức sống được nồng hậu. Bãi đáp an toàn của cộng sản là còn dân thì còn đảng. Vì lợi ích chung cho dân thì lợi ích riêng cho mình vẫn còn.
Thuật là ngắn hạn, Lý là dài hạn. Sức của Việt Nam là sức của dân chủ và dân tộc. Với kỹ năng của các mạng truyền thông xã hội, sức của dân tộc trong-ngoài Việt Nam sẽ tiến hành đại cuộc dân chủ hóa như một khẳng định tự nhiên (Nguyễn Hưng Quốc, 2015).
Trương Như Thường