Sàn giao dịch bất động sản Biển Đông

Sàn giao dịch bất động sản Biển Đông

>

Tuesday, 16 May 2017

Nhật Ký Biển Đông: Ô. Trump Bất Định hay Quyền Biến?


Kính chuyển để tùy nghi.
On Monday, May 15, 2017 9:23 AM, "Binh Dao  [VN-TD]" <> wrote:

 
Nhật Ký Biển Đông: Ô. Trump Bất Định hay Quyền Biến?


Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Năm ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình thế giới:
             -Washington Post ngày 2/5/2017: “Một nhóm các nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng đã thúc giục Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis xem xét lại sự hỗ trợ của ông cho một cuộc tấn công sắp xảy ra của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu, tấn công vào một thị trấn cảng trọng yếu Hodeida. Trong bức thư, các nhà lập pháp viết: Giữa thảm kịch nhân đạo thậm vô lý, nơi mà 19 triệu dân đang cần hỗ trợ khẩn cấp, chúng tôi căn cứ vào thẩm quyền do Hiến Pháp quy định để xác định quyền giám sát lớn hơn đối với sự can dự của Hoa Kỳ vào các cuộc xung đột và đòi hỏi một sự thảo luận công khai về sự tham dự của Hoa Kỳ vào cuộc nội chiến ở Yemen mà chưa bao giờ được Quốc Hội cho phép. Bức thư do 55 nhà lập pháp ký tên đã tới tay Tổng Thống Donald Trump và Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions - nhấn mạnh rằng bất cứ một sự can dự trực tiếp vào Yemen phải được đưa ra Quốc Hội thảo luận và chấp thuận.” 

Theo tin tức mới nhất, cựu tổng thống Saleh liên minh với lực lượng Houthis chống lại chính phủ do Ả Rập Sê-út hỗ trợ nói rằng ông sẵn sàng đối thoại với chính phủ Ả Rập Sê-út để giải quyết cuộc nội chiến Yemen. Cuối tháng này Ô. Trump sẽ thực hiện ba chuyến công du tới Ả Rập Sê-út, Vatican và Do Thái. Để làm “dễ dàng” cho chuyến đi, Hoa Kỳ hứa bán 100 tỉ đô-la vũ khí cho Ả Rập Sê-út và đổi lại Ả Rập Sê-út sẽ đầu tư 40 tỉ vào hạ tầng cơ sở Hoa Kỳ. Thế mới hay đôi khi tình đồng minh, tình bạn, kể cả tình nghĩa vợ chồng nếu “cột” bằng đồng đô-la có lẽ bền chặt hơn. Chưa một nước nào mua nhiều vũ khí của Mỹ bằng Ả Rập Sê -út, kể cả vũ khí tối tân nhất. Một lần mua, số chi phí lớn hơn cả ngân sách quốc phòng của Nga 95 tỉ đô-la một năm. Đúng là ”Có tiền mua Tiên cũng được”.

-AFP ngày 2/5/2017: Xuất hiện trước diễn đàn của Ủy Hội Âu Châu. Bà San Suu Kyi- lãnh đạo trên thực tế của Miến Điện đã bác bỏ một quyết định của ủy ban nhân quyền LHQ đòi tiến hành cuộc điều tra về nghi ngờ cho rằng lực lượng an ninh Miến Điện đã chống lại sắc tộc thiểu số Hồi Giáo. Bà cho rằng quyết định chỉ làm chia rẽ thêm hai cộng đồng chứ không giúp giải quyết vấn đề. Hiện nay Bà San Suu Kyi đang bị các người ngưỡng mộ và ủng hộ mô tả bà là nhà độc tài, không thèm lắng nghe ai và đối xử với thuộc cấp như cô giáo với học trò.

Âu cũng là thói thường. Giữa một người đấu tranh cho nhân quyền bị giam cầm tại nhà (house arrest) và nay trở thành tổng thống trong thực tế hoàn toàn khác nhau. Giữa một cô Kiều làm “con ở”  Hoa Nô trong nhà Hoạn Thư và cô Kiều ngồi bên Từ Hải với tư cách của một “bà lớn” có thể trở thành mẫu nghi thiên hạ, hoàn toàn khác nhau. Giữa một Tây Thi - cô gái giặt lụa ở Bến Trữ La với một Tây Thi được Ngô Phù Sai sủng ái. Ai ngu dại không biết mà nhắc lại quá khứ nghèo hèn ngày xưa thì coi chừng “tru di tam tộc” đó nghe. Muôn đời, quyền thế, sự thành công về tiền bạc, tăm tiếng sẽ làm cho con người trở nên “vĩ đại” (grandiose).
oa


-Tổng Hợp ngày 4/5/2017: “Nomehi 23 tuổi- con gái của Gonzales - là công dân Hoa Kỳ duy nhất bị giết trong những vụ nổ súng vì tôn giáo quá khích và đánh bom tự sát tại Paris. Giờ đây Gonzales đâm đơn kiện ba công ty  khổng lồ này đã hỗ trợ cho việc tuyên truyền cho quân khủng bố tức nhóm ISIS tại Iraq và Syria. Theo đơn kiện tại tòa, Gonzales tin rằng ba đại công ty nói trên đã biết và cho phép nhóm khủng bố tuyển người, quyên tiền và phổ biến các tin tức của họ. Nếu không có các diễn đàn Twitter, Facebook và Youtube (Google) thì Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) không thể lớn mạnh ghê gớm như những năm vừa qua và biến thành một nhóm khủng bố đáng sợ trên thế giới. Sự hỗ trợ cần thiết và quan trọng này là dụng cụ  khiến ISIS nổi lên và đã tiến hành hàng loạt những vụ tấn công khủng bố bao gồm cả cuộc tấn công ngày 13/11/2016 tại Paris khiến 125 người chết trong đó có cô con gái Nomehi Gonzales.”

Nếu nói ba đại công ty này biết trước và cho phép các nhóm khủng bố loan truyền tin tức, tuyển người, quyên tiền và tổ chức tấn công khủng bố thì không đúng. Thế nhưng ba diễn đàn toàn cầu khổng lồ này “vô tình” trở thành khí cụ hữu hiệu cho sự sống còn và phát triển của các nhóm khủng bố. Hầu hết các diễn đàn trên hệ thống liên mạng toàn cầu ngày hôm nay đã trở nên một thứ gì đó vô cùng nguy hiểm. Thay vì là một mạng lưới thông tin, chia xẻ tin tức tốt lành…nó trở thành một thứ “đấu trường” ngày đêm tràn ngập thư chui vào tận nhà để bỏ thuốc độc, tung tin giả, ngụy tạo hình ảnh giả, chia rẽ, chống đối lẫn nhau đưa tới thù hận và là phương tiện tốt nhất cho sự phát triển của bạo lực, dâm ô và khủng bố. Tin mới nhất ngày 12/5/2017 cho biết hai học sinh ở Tiểu Bang Utah đã dùng súng bắn vào đầu một cô gái 14 tuổi chỉ vì những hình ảnh và lời nói gửi lên Snapchat gây bực bội cho hai cậu. (A pair of schoolboys who allegedly shot a 14-year-old girl in the head because her Snapchat messages were annoying.) Hai cậu bé vị thành niên này sẽ bị xét xử như người lớn vì đầy đủ trí khôn để nhận định đúng-sai và đủ khôn ngoan để tiến hành cuộc thanh toán (1). Còn ở Việt Nam, trước đây, hai cô gái đón đường túm tóc, đánh tả tơi một cô gái khác chỉ vì những lời bình luận trên Facebook.

Đây là sự phát triển tột bực của “tự do ngôn luận” vì ai cũng có tiếng nói. Với một trang tin (website) ai cũng có thể trở thành chủ nhiệm, chủ bút, nhà bình luận, nhà tuyên truyền... Thế nhưng nó lại trở một thứ “tự do ngôn luận” vô tội vạ, vô trách nhiệm, dấu mặt, không biết người người viết, người đưa tin, người bình luận là ai…và đang gây thảm họa cho nhân loại. Ôi, chính sự thông minh của con người đang hủy diệt tất cả những gì tốt đẹp của con người. Biết làm sao đây? Nhà vật lý Stephen Hawking nói rằng chính cái nền “văn minh software” này sẽ hủy diệt lương tâm của con người.
-ABC News ngày 5/5/2017: “Một binh sĩ người nhái Hoa Kỳ chết cùng với hai binh sĩ khác bị thương trong một cuộc tấn công của nhóm Al-Shabaab tại Somalia là nhóm lớn nhất đang chiến đấu để lật đổ chính quyền Somalia để thành lập một quốc gia Hồi Giáo với giáo luật Sharia tại đây.”
Hiện nay Hoa Kỳ đã gửi khoảng 50 binh sĩ thuộc Sư Đoàn 101 Nhảy Dù tới làm cố vấn, huấn luyện và tổ chức hành quân chống khủng bố giúp chính quyền Somalia. Như vậy Hoa Kỳ đang can dự vào năm cuộc chiến: Iraq, Syria, Afghanistan, Yemen và Somalia.

Theo tôi nghĩ, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) có thể bị tiêu diệt hoặc tan vỡ nhưng các tổ chức khủng bố thì không bao giờ có thể tiêu diệt được vì nó liên hệ tới xung đột sắc tộc, thánh chiến và đụng độ văn minh Tây Phương-Ả Rập. Chỉ cần bất cứ một chính quyền Trung Đông hay Phi Châu nào bất ổn chính trị vì xung đột sắc tộc, tham nhũng, đảo chính lật đổ v.v..khiến đất nước mất kiểm soát - là các tổ chức khủng bố có cơ hội bắt rễ và phát triển ngay lập tức và khi đó Hoa Kỳ lại phải gửi quân tới giúp. Mới đầu chỉ gửi biệt kích, sau bộ binh, rồi tăng quân và rồi sẽ lún sâu thêm năm, mười năm nữa gỡ không ra.

            -AP ngày 5/5/2017: Trong một bài viết nhan đề “Ở Ukraine, cảm nghĩ lớn dần rằng miền đông đã mất vào tay Nga” (In Ukraine, feeling grows that the east is lost to Russia) trong đó có những đoạn, “Leonid Androv là thợ điện ở Kiev, gia nhập quân đội Ukraine và trải qua một năm chiến đấu với quân ly khai tại đông Ukraine sau khi cuộc xung đột bùng phát năm 2014. Giờ đây, giống như đa số những người khác, anh chấp nhận vùng đất ấy đã mất vào tay Nga.” Rồi, “Sergi Garmash là một trong số 2 triệu dân đã phải rời bỏ nhà cửa ở  miền đông Ukraine. Anh nói rằng hầu như Ukraine không còn gì tại Donetsk là nơi mà người dân đã dùng đồng tiền rúp của Nga, coi truyền hình Nga và cám ơn sự trợ giúp của Nga mà sống sót.” Bài báo kết luận, “Thế nhưng không một chính trị gia Ukraine nào dám công khai từ bỏ Crimea và vùng Donbass và chấp nhận đây là một phần lãnh thổ của Nga.”

            Đúng như lời tiên đoán đất nước Ukraine sẽ tan nát khi nhóm chính trị gia có lập trường quốc gia quá khích, nghe theo lời xúi dại của CIA và Âu Châu tiến hành cuộc biểu tình khổng lồ để lật đổ Tổng Thống Yanukovych hầu xin gia nhập EU và NATO. Nhưng NATO và EU chưa đến, bán đảo Crimea đã mất về tay Nga và hai vùng Donetsk và Luhanks gọi chung là Donbass đứng dậy tuyên bố ly khai. Đã mất Crimea rồi nhưng các chính trị gia quá khích ở Kiev chưa biết sợ. Tổng Thống Porochenko thay vì dùng giải pháp chính trị để giữ người anh em Donbass ở lại với mình, lại dùng giải pháp quân sự, kêu gọi Mỹ và NATO đem quân vào. Cuộc chiến kéo dài ba năm với 10,000 chết nhưng cuối cùng vẫn không thể lấy lại vùng này. Trên thực tế, Donbass đang là một vùng hoàn toàn độc lập, nhưng về lâu về dài họ có thể trưng cầu dân ý sát nhập vào Nga. Như thế vĩnh viễn vùng đất này không bao giờ trở lại với Ukraine nữa.

            Đây là bài học cho tất cả các nước nhỏ nằm bên cạnh một đại cường chớ có ngu dại liên minh với một đại cường khác ở xa để chống lại láng giềng của mình. Đó là nguyên tắc, hay một quy luật gọi là “Địa Lý Chính Trị” (Geopolitics). Nếu muốn sống yên, Ukraine muôn đời phải là một vùng trái độn, một vùng trung lập tức vừa chơi với Nga vừa chơi với Âu Châu và tuyệt đối không có quân ngoại bang đóng trên đất nước mình. Ngu dốt, không hiểu biết gì cả chỉ làm cho đất nước tan nát, tuy nói yêu nước nhưng thực tế lại là phản quốc. Nói một cách cụ thể và gần gũi nhất, Mễ Tây Cơ và Gia Nã Đại sẽ tan nát và chia cắt ra từng mảnh nhỏ nếu hai nước này liên kết với Nga hay Hoa Lục để chống Mỹ. Muôn đời Mễ Tây Cơ và Gia Nã Đại phải ngoan ngoãn nằm trong quỹ đạo của Mỹ. Nói độc lập tự chủ là nói cho vui vậy thôi. Ngày mai tổng thống Mễ Tây Cơ mời Ô. Putin hay Ô. Tập Cận Bình tới thăm thử coi phản ứng của Mỹ như thế nào?

            Muốn lãnh đạo một đất nước, trước hết phải biết đất nước của mình nằm ở đâu? Láng giềng của mình là ai? Đất nước có nằm trên một hải lộ chiến lược không? Hay một vùng mà các đại cường đều muốn tranh giành để phòng thủ hoặc bành trướng ra ngoài? Rồi còn phải biết tình hình thế giới bây giờ ra sao? Ai đang là các “ông kẹ” có khả năng khuynh đảo toàn cầu về cả quân sự lẫn tài chính. Các liên minh kinh tế, tài chính, quân sự mới hình thành là gì và có ý nghĩa gì? Ai sẽ là người đỡ đầu cho mình? Ai sẽ là đồng minh chiến lược của mình? Sức mạnh quân sự của mình bao nhiêu? Và còn rất nhiều điều phải “biết” nữa. Nếu không “biết” mà mưu đồ “lãnh đạo” sẽ đưa đất nước tới thảm họa và chính mình sẽ mang họa “sát thân”…cuối cùng là phản quốc chứ không phải yêu nước.

Muốn lãnh đạo và thực sự yêu nước, điều tối quan trọng vẫn là tránh không để đất nước dính líu vào bất cứ một cuộc chiến tranh nào. Chiến tranh một năm, mười năm chưa hồi phục. Chiến tranh tàn phá đất nước, nhân tâm ly tán, cô nhi quả phụ, tử sĩ…sẽ là gánh nặng về cả các mặt vật chất và tinh thần kéo dài. Cứ thử nhìn xem các nước như Iraq, Syria, A Phú Hãn, Libya, Yemen…bao giờ mới hồi phục , cả về cả kinh tế lẫn tình người. Xin nhớ, chiến tranh sẽ xé nát lương tâm của con người. Nếu là thánh chiến hay nội chiến thì hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc.
            Nhìn vào bản đồ thế giới chúng ta thấy Việt Nam, Lào, Thái Lan và Miến Điện là láng giềng nhưng cũng là “Vùng Trái Độn” tức “Vùng  An Toàn” của Hoa Lục. Nếu một trong 5 quốc gia này lọt vào vòng ảnh hưởng quân sự của Mỹ tức có căn cứ quân sự Mỹ thì Trung Quốc lâm nguy. Khi đó, bằng mọi giá Hoa Lục sẽ quậy nát bấy các quốc gia này giống như Nga đang làm ở Ukraine. Do đó nếu muốn sống yên, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Miến Điện phải cân bằng được ảnh hưởng giữa Hoa Lục và Hoa Kỳ. Đó là thực tế chính trị của thế kỷ này. Còn thế kỷ tới sẽ tính sau.

            -AP (Puerto Rico) ngày 5/5/2017: “Puerto Rico sẽ đóng cửa 184 trường học công lập để cứu vãn cả trăm triệu Mỹ Kim giữa cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề đã khiến một làn sóng người tràn vào đất liền (Hoa Kỳ) trong thập niên qua. Khoảng 27,000 học sinh sẽ được di chuyển đi đến một nơi nào khác vì trường học của các em sẽ đóng cửa vào cuối Tháng Năm.” Puerto Rico là lãnh địa hải ngoại của Hoa Kỳ, có quyền bầu cử thống đốc, quốc hội nhưng lãnh đạo tối cao là tổng thống Hoa Kỳ.

            -International Business Times ngày 9/5/2017: “Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kêu gọi thế giới Hồi Giáo gia tăng thăm viếng thánh đường mang tính biểu tượng Al-Aqsa ở Jerusalem nhằm bảo vệ bản sắc Hồi Giáo. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tỏ lời khinh miệt Do Thái và gán chính sách của quốc gia mà Do Thái Giáo là đa số - giống như Chủ Nghĩa Phân Biệt Chủng Tộc  (Apartheid) của Nam Phi trước đây. Nói chuyện tại một cuộc hội thảo về Jerusalem ở Istanbul, Ô. Erdogan công kích những chương trình định cư của Do Thái tại Tây Ngạn và Jerusalem. Mỗi một ngày mà Do Thái còn chiếm đóng Al-Quds (Jerusalem của tiếng Ả Rập) là mối sỉ nhục của chúng ta. Nhân đó ông cũng cảnh cáo Hoa Kỳ chớ di chuyển tòa đại sứ Hoa Kỳ về Jerusalem mà phải có sự quân bình rất tế nhị về thánh địa này.” (2)

Trong khi Ả Rập Sê-út muốn liên minh với Do Thái để chống lại Ba Tư và hệ phái Shiite thì Thổ Nhĩ Kỳ lại nổi bật lên như một thủ lĩnh Hồi Giáo chống lại Do Thái. Nếu thật sự Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm chuyện này thì Do Thái sẽ “mệt cầm canh” vì về mặt quân sự Thổ Nhĩ Kỳ rất mạnh mà lại đứng trong NATO. Liên Minh Bắc Đại Tây Dương có một điều khoản là - nếu một quốc gia hội viên bị tấn công- tức toàn liên minh bị tấn công. Do đó Do Thái sẽ không bao giờ dám dùng hỏa tiễn hay máy bay tấn công Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Reuters ngày 21/4/2017, Bộ Trưởng Quốc Phòng Fikri Isik của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những cuộc thương thảo giữa Nga và Thổ đã bước vào giai đoạn cuối cùng để mua hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 tối tân nhất của Nga có thể là để phòng ngừa một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Do Thái. Tình hình thế giới biến chuyển thật nhanh và thật bất ngờ.

-The Quint ngày 11/5/2017: “Thủ Tướng Modi của Ấn Độ đã thực hiện chuyến công du hai ngày tới Tích Lan để tham dự Ngày Quốc Tế Vesak (Tam Hợp: Phật Đản Sinh,Thành Đạo và Nhập Niết Bàn) là ngày lễ lớn nhất của hàng Phật tử và nói chuyện với cộng đồng Tamil gốc Ấn. Chuyến công du nhằm tăng cường mối liên hệ truyền thống giữa hai quốc gia giữa lúc Hoa Lục đang tìm cách xâm nhập vào đảo quốc này. Đây là chuyến thăm viếng thứ hai sau chuyến thăm vào Tháng Ba, 2015. Mặc dù là quốc gia theo Ấn Độ Giáo nhưng Ô. Modi lại muốn cùng chia xẻ gia tài chung của Phật Giáo với Tích Lan. Trong buổi lễ dâng hoa cúng Phật tại Seema Malaka Temple cùng với tổng thống và thủ tướng Tích Lan, Ô. Modi nói rằng, “Thách thức lớn đối với hòa bình thế giới bền vững hiện nay không nhất thiết là do mâu thuẩn giữa các quốc gia, đó là từ những suy nghĩ, dòng tư tưởng, các thực thể và phương tiện bắt nguồn từ sự hận thù và bạo lực.”

-AP ngày 14/5/2017: Cuộc hội thảo tại Bắc Kinh ngày hôm nay, tập trung vào sáng kiến Một Vành Đai, Một Trục Lộ của Ô. Tập Cận Bình quy tụ nguyên thủ từ 29 quốc gia và lãnh đạo các tổ chức toàn cầu bao gồm Liên Hiệp Quốc và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Dưới đây là một số trích dẫn lời phát biểu trong hội nghị liên quan đến dự án của Bắc Kinh làm sống lại Con Đường Tơ Lụa thuở xa xưa nối liền Á Châu, Âu Châu và Châu Phi bằng các dự án về hạ tầng cơ sở và giao thông:
-Bà Christine Lagarde (Thống Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế): “Đây là sự nối kết văn hóa. Nó cũng là sự nối kết các cộng đồng làm phong phú thêm kinh tế và cải thiện đời sống của con người”

-Tổng Thống Nga Putin: “Nghèo đói, hỗn loạn xã hội...chênh lệch phát triển của các quốc gia và toàn vùng…tất cả những thứ này tạo ra mảnh đất nuôi dưỡng khủng bố quốc tế, cực đoan và di dân một cách bất thường. Chúng ta không thể sống theo những thách đố này nếu chúng ta không vượt qua được sự bế tắc của phát triển kinh tế toàn cầu.”
-Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres: “Chúng ta chia xẻ quan tâm chung là kinh tế toàn cầu có thể phục vụ dân chúng toàn thế giới.”

-Matt Pottinger- Giám Đốc Đặc Trách Đông Á của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ: “Hoa Kỳ có nhiều đề nghị ở đây. Các công ty Hoa Kỳ có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ có phẩm chất tốt cho dự án. Các công ty Hoa Kỳ đã có thành tích lâu dài và thành công trong sự phát triển hạ tầng cơ sở toàn cầu và Hoa Kỳ sẵn sàng tham gia dự án Một Vành Đai, Một Trục Lộ.”

            Theo ý kiến của tôi, nếu “Con Đường Tơ Lụa Mới” hoàn thành, ngoài vấn đề giao thương, Hoa Lục có thể vận chuyển nguyên liệu chiến lược từ Phi Châu mà không cần thông qua các hải lộ quốc tế hiện nay hoàn toàn do Hoa Kỳ khống chế.
Tình hình Syria:
            -AP ngày 5/5/2017: “Nga, Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý thiết lập Vùng Giảm Leo Thang/Vùng An Toàn được ký kết trên một phi cơ của Nga theo đó không quân của Ô. Assad sẽ ngưng các chuyến bay trên các vùng được quy định khắp lãnh thổ. Theo một phái đoàn của Nga, thỏa hiệp sẽ có hiệu lực vào ngày 6/5/2017 -là nỗ lực mới nhất nhằm giảm bạo động tại quốc gia Hồi Giáo này. Thế nhưng chưa ai biết chi tiết của thỏa hiệp như thế nào và viễn tượng của nó có vẻ ảm đạm.” Trong khi đó theo Reuters, phe phiến quân bác bỏ thỏa hiệp này và gọi đó là đe dọa cho sự toàn vẹn lãnh thổ và cũng còn ghi nhận Ba Tư như là một người đứng ra bảo đảm cho bất kỳ cuộc ngưng bắn nào. Theo Washington Post, thỏa hiệp vẫn cho phép các phe bảo đảm như Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tấn công lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo và al-Qaeda có liên hệ với một vài nhóm phiến quân tại Vùng An Toàn. Và cả máy bay quân sự Mỹ cũng bị cấm trên vùng an toàn này.

            -Los Angeles Times ngày 10/5/2017: “Một giới chức cao cấp của lực lượng người Kurd YPG tại Syria hoan nghênh quyết định của Tổng Thống Donald Trump trang bị vũ khí nặng cho lực lượng này và nói rằng nó sẽ chính thống hóa cho lực lượng để chuẩn bị tiến chiếm Raqqa- thủ đô trong thực tế của Nhà Nước Hồi Giáo nhưng  phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng việc trang bị vũ khí này là không thể chấp nhận được.”
            -AP ngày 11/5/2017: “Liên minh chống Nhà Nước Hồi Giáo do Hoa Kỳ dẫn đầu nói rằng lực lượng người Kurd đã chiếm được thị trấn quan trọng gần một con đập ở Syria trong tay của Nhà Nước Hồi Giáo làm suy yếu khả năng phòng thủ Raqqa- thủ đô trên thực tế của lực lượng ISIS.”
            -Reuters ngày 13/7/2017: “Theo cơ quan truyền thông của chính phủ, quân đội Syria và đồng minh gần như đã chiếm trọn khu vực Qaboun ven biên của thủ đô Damacus sau hai tháng oanh kích và nã pháo không ngừng nghỉ vào vị trí của phe phiến quân khiến quân chính phủ hầu như kiểm soát hoàn toàn thủ đô.”

Tình hình Biển Đông:
            -Washington Post ngày 11/5/2017: “Một giới chức Phi Luật Tân cho biết họ bắt dầu chuyển binh sĩ và đồ tiếp liệu tới Đảo Thị Tứ để chuẩn bị cho việc tân trang, kéo dài một phi đạo và xây dựng một bến đậu cho tàu bè.” Rõ ràng qua hành động này, Phi Luật Tân tuy hòa dịu với Hoa Lục nhưng cương quyết bảo vệ biển đảo của họ.
Nhận Định:
Theo tin Tổng Hợp ngày 2/5/2017: Trong khi Tổng Thống Doanld Trump nói rằng ông có thể rất hân hạnh gặp Ô. Kim Jong Un vào một thời điểm thích hợp thì Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa) nói rằng lời tuyên bố của Ô. Trump rất đáng lo sợ và chỉ làm tăng uy tín cho nhà độc tài này.
            Đồng ý là như thế, nhưng giả dụ trên cương vị tổng thống, Ô. McCain làm thế nào để giải quyết vấn nạn Bắc Triều Tiên đây? Làm thượng nghị sĩ có quyền phê bình, chỉ trích, đôi khi vô tội vạ. Còn làm tổng thống là giải quyết chuyện của đất nước. Vậy phải làm sao? Xét cho cùng chỉ có ba giải pháp: 

1) Cấm vận mạnh mẽ hơn nữa? Xin thưa đã làm rồi. Chưa có một quốc gia nào trên thế giới bị cấm vận nghiệt ngã như Bắc Triều Tiên nhưng chế độ vẫn sống nhăn. 

2) Dùng hỏa tiễn Tomahaw bắn phá các địa điểm nghi ngờ là cơ sở chế tạo vũ khí nguyên tử. Thế nhưng giải pháp này sẽ đưa đến chiến tranh nguyên tử. Bắc Triều tiên có thể bị san bằng nhưng Mỹ cũng có thể lãnh vài hỏa tiễn nguyên tử. Ô. McCain có dám làm không hay đứng ngoài tuyên bố vô trách nhiệm? 

3) Khi đánh không được thì phải tìm giải pháp ngoại giao tức thương thảo. Mà muốn thương thảo thì phải tôn trọng người ta dù trong bụng mình không thích. Chẳng lẽ Mỹ cứ mãi lún sâu vào vũng lầy Bắc Triều Tiên? Năm cuộc chiến ở Trung Đông, cuộc chiến chống khủng bố và ISIS, Chiến Tranh Lạnh với Nga, tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á với Hoa Lục chưa làm Mỹ lo sợ và mệt mỏi sao? Trong lúc tranh cử, Ô. Trump hứa giải quyết cuộc chiến ở Trung Đông. 

Chưa chắc giải pháp của Ô. Trumg là xấu. Hãy cứ để ông làm. Khi ông chìa “cành ô-liu” ra với Bắc Triều Tiên thì chính nghĩa sẽ ngả về phía Mỹ. Nếu Ô. Kim Jong Un từ chối, lúc đó Mỹ có làm mạnh thì thế giới sẽ không có lý do gì phiền trách Mỹ. 

Theo tôi nghĩ Ô. Kim Jong Un sẽ chụp lấy cơ hội ngàn năm một thuở vì từ trước đến giờ không có ông tổng thống Mỹ nào chịu gặp Ô. Kim Chính Nhất và Ô. Kim Jong Un cả. Chính vì thế mà Thượng Nghị Sĩ Rand Paul (Cộng Hòa) nói rằng “Thật may mắn Ô. John McCain không phải là tổng thống”. 

Tin mới nhất cho biết hai phái đoàn Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ đã bí mật gặp nhau tại ngoại ô của thủ đô Oslo, Na Uy vào ngày 8/5/2017 và sẽ lại gặp nhau vào 9/5/2017. Và vào ngày 13/5/2017, Bình Nhưỡng nói rằng họ sẵn sàng gặp bộ tham mưu của Ô. Trump nếu thỏa mãn một số điều kiện. Ít ra cũng phải như thế chứ. Nếu có điên khùng thì cũng điên khùng vừa vừa thôi. Xin đừng “đùa giỡn” với Mỹ.

Rồi theo Reuters ngày 2/5/2017, “Tổng Tống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng Thống Nga Putin đã có cuộc  điện đàm vào ngày hôm nay và là lần đầu tiên kể từ khi Hoa Kỳ bắn hỏa tiễn Tomahaw vào một phi trường Syria khiến tình hình trở nên căng thẳng và họ nói rằng cả hai muốn tìm kiếm một cuộc ngưng bắn cho cuộc nội chiến Syria. Bản công bố của cả Tòa Bạch Ốc lẫn Điện Cẩm Linh đều mô tả cả hai vị lãnh đạo đã có cuộc nói chuyện tích cực/khích lệ và bao gồm luôn cả vấn đề Bắc Triều Tiên và cuộc chiến chống các nhóm vũ trang Hồi Giáo khắp Trung Đông. Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Stuart Jones đặc trách Cận Đông Sự Vụ sẽ lên đường tham dự cuộc thảo luận về ngưng bắn tại Thủ Đô Astana của  Kazakhstan.”

Dĩ nhiên đây chỉ là bước khởi đầu nhưng là dấu hiệu đáng mừng mà hai bên đã chờ đợi từ lâu. Nếu tiếp theo là cuộc họp của bộ trưởng ngoại giao hay quốc phòng của cả hai bên, thì chuyện thỏa hiệp hay hợp tác Nga-Mỹ có cơ may hình thành. Theo Washington Post, vào ngày 3/5/2017, trong buổi nói chuyện với nhân viên tại Bộ Ngoại Giao, Ngoại Trưởng Tillerson nói rằng sự sói mòn của hợp tác và tin cậy giữa hai cường quốc nguyên tử hàng đầu Nga-Mỹ là nguy hiểm và không thể chấp nhận được và Hoa Kỳ sẽ kiến tạo một đường lối xem có cách nào làm việc chung với nhau không.” Vào ngày 10/5/2017, Ô. Trump đã tiếp Ngoại Trưởng Lavrov của Nga tại Tòa Bạch Ốc. 

Trong cuộc họp báo cùng ngày tại tòa đại sứ Nga tại Hoa Thịnh Đốn, Ô. Lavrov nói rằng việc Nga nhúng tay vào cuộc bầu cử tổng thống chỉ là “lố bịch và giả tạo” tại một nơi có một hệ thống chính trị phát triển rất cao như Hoa Kỳ. Còn về mối bang giao giữa hai nước Ô. Lavrov nói rằng, “Hiển nhiên, chúng ta không thể nói hết mọi chuyện qua một đêm. Thế nhưng cả hai mong muốn hướng tới việc giải quyết những khác biệt và xung đột.”

            Trong khi “bóng ma” của việc Nga can dự vào cuộc bầu cử tổng thống vẫn còn bị ám ảnh mà Ô. Trump dám có những chuyển động ngoại giao xích lại gần Nga. Cộng thêm với việc đề nghị gặp Ô. Kim Jong Un, dám mời thủ tướng Thái Lan, tổng thống Phi Luật Tân và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là những nhà lãnh đạo đang bị lên án là vi phạm nhân quyền viếng thăm Tòa Bạch Ốc, cho thấy Ô. Trump là người can đảm, dám làm những gì mà ông cho rằng đúng. Người ta cứ phê phán ông là con người bất định, nhưng so với Ô. Obama thì Ô. Obama cứng nhắc và dè đặt quá. Suốt nhiệm kỳ tám năm, Ô. Obama không giải quyết được những vấn đề trọng đại của nước Mỹ. 

Qua những hành động kể trên, trong lãnh vực ngoại giao, Ô. Trump tỏ ra linh động, quyền biến, bất chấp lý tưởng nhân quyền, miễn sao đem lại lợi ích cho đất nước. Thái Lan đã ngả vào tay Bắc Kinh. Phi Luật Tân đang hòa hoãn với Hoa Lục. Nếu Ô. Trump tiếp tục lên án tướng Prayut Chan-O-cha và Ô. Duterte về nhân quyền thì sớm muộn hai quốc gia này sẽ trở thành thù nghịch của Hoa Kỳ.

Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ là an ninh toàn cầu. Nó không thể bị lèo lái hay điều khiển bởi một số tổ chức nhân quyền. Cũng trong buổi nói chuyện với toàn thể viên chức ngành ngoại giao, Ô. Tillerson nói rằng, “Hoa Kỳ sẽ giảm nhẹ những quan tâm về nhân quyền trong một vài liên hệ với những quốc gia khác. Trong một số trường hợp nếu chúng ta điều kiện hóa những nỗ lực về an ninh quốc gia bằng cách buộc những quốc gia khác phải chấp nhận hệ thống giá trị của chúng ta thì có lẽ chúng ta không đạt được mục tiêu.” (The United States would de-emphasize human rights concerns in some of its interactions with other countries. In some circumstances, if you condition our national security efforts on someone adopting our values, we probably can't achieve our national security goals.)

Được tiếng là “quán quân” bảo vệ nhân quyền nhưng mất hết đồng minh và bè bạn. Đó là thực tế đang diễn ra trên vũ đài chính trị thế giới ngày hôm nay. Nhân quyền và quyền lợi tối thượng của đất nước luôn luôn đối chọi nhau. Tự do của một cá nhân rất quý nhưng sự tồn vong của quốc gia lại còn quý hơn. Khổng Tử chuyên nói về Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín có thể là “Vạn Thế Sư Biểu” nhưng nếu ông lãnh đạo đất nước thì đất nước sẽ suy vong. Chính vì thế mà  suốt thời Xuân Thu Chiến Quốc ông không được vua nào trọng dụng, lang thang hết chỗ này tới chỗ kia, cuối cùng trở về quê viết sách dạy học trò.

Chúng ta chờ xem những bước đi ngoại giao táo bạo của Ô. Trump đưa tới thành quả như thế nào. Một cách công bằng nhất, chúng ta chưa thể đánh giá sự nghiệp của một tổng thống qua 100 ngày làm việc mà phải là bốn năm hay tám năm.
Đào Văn Bình
(Califonia ngày 15/5/2017)


(1) Trước đây tại Miền Nam, thanh thiếu niên phạm tội sẽ được xét xử tại Tòa Án Thiếu Nhi. Nhưng tại Hoa Kỳ người ta xét xử theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Thí dụ: Năm, sáu tuổi cầm súng vô tình giết người thì khác. Còn ăn cắp súng rồi qua nhà hàng xóm bắn chết người sẽ bị xét xử như người lớn với tội sát nhân.
(2) Jerusalem là nơi mà ba tôn giáo Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo coi đây là Thánh Địa của họ.




__._,_.___

Posted by: Dan Vo 

No comments:

Post a Comment

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List