Cách Trung Quốc khai thác kẽ hở
trong luật quốc tế để hùng bá ở Đông Á
James Kraska, FPRI
(1/2015)
Phan Văn Song dịch
Lê Vĩnh Trương hiệu đính
James Kraska là một Thành viên Cao cấp trong Chương trình về An ninh
Quốc gia của FPRI. Ông là Giáo sư Luật và Chính sách Đại dương tại Trung tâm
Nghiên cứu về Luật quốc tế Stockton tại US Naval War College; Nghiên cứu viên
ưu tú tại Viện Luật Biển, trường Luật Berkeley Đại học California; Thành viên
Cao cấp Trung tâm Luật và Chính sách Đại dương tại trường Luật Đại học
Virginia; và Thành viên Cao cấp tại Trung tâm Luật và An ninh Quốc gia tại
trường Luật Đại học Virginia.
Ai “quan tâm tới kẽ hở” ở Biển Đông? Kẽ hở, được tạo ra trong luật
pháp quốc tế liên quan đến việc dùng vũ lực hay cưỡng ép và quyền tự vệ của các
quốc gia nạn nhân. Trung Quốc khai thác lỗ hổng này trong luật pháp quốc tế khi
sử dụng vũ lực để buộc các nước láng giềng chấp nhận quyền bá chủ của Trung
Quốc ở Đông Nam Á. Với việc sử dụng các lực lượng trên biển không đối xứng (chủ
yếu là các tàu cá và tàu hải cảnh), Trung Quốc thôn tính Biển Đông và Biển Hoa
Đông một cách chậm và chắc. Bằng cách khai thác kẽ hở trong luật pháp quốc tế
do Tòa án Quốc tế (ICJ) tạo ra, họ đã tiến hành việc này khiến các quốc gia
trong khu vực khó có thể phản ứng một cách hiệu quả. Phương diện pháp lí này
của chính trị quốc tế về các tranh chấp biển ở Đông Á không được nhiều người
hiểu biết, nhưng đó là cốt lõi của chiến lược của Trung Quốc trong khu vực.
Chiến lược của Trung Quốc
Trong mưu đồ lớn này, Trung Quốc phải vượt qua kháng cự từ ba nhóm
đối kháng. Thứ nhất, Trung Quốc phải áp đảo Nhật Bản và Hàn Quốc ở Biển Hoa
Đông và Hoàng Hải. Kế hoạch: chia để chinh phục. Phải chắc chắn rằng Nhật Bản
và Hàn Quốc ghét nhau nhiều hơn là họ ghét Trung Quốc. Chừng nào mà Nhật và Hàn
còn ấp ủ nỗi đau lịch sử thì Trung Quốc còn thủ lợi.
Thứ hai, Bắc Kinh phải “Phần Lan hoá” các quốc gia xung quanh Biển
Đông bằng cách đưa vùng biển nửa kín này vào quỹ đạo của nó. Kế hoạch: sử dụng
một bộ cà rốt và gậy để đưa các “bạn ngoài mặt” (frenemies) yếu hơn nhiều – như
Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei – vào vòng thần phục. Tương
tự như vậy, sự chia rẽ trong nhà ASEAN làm lợi cho Trung Quốc. Chiến lược này
tự thân là một cách tiếp cận mạnh mẽ, và 150 năm đầu Mỹ gieo rắc thống trị và
chia rẽ ở Nam Mĩ đã mở ra một con đường tuyệt vời cho một đế quốc đang hình
thành tiếp bước.
Cuối cùng, Bắc Kinh phải thủ thế để ngăn ngừa khả năng can thiệp
và ngăn trở của hai cường quốc biển lớn bên ngoài khu vực. Chỉ có Hoa Kì và Ấn
Độ là ở trong vị thế cản phá tham vọng của Trung Quốc. Kế hoạch: gây sức ép
trong khu vực mà không liều tới mức biến thành chiến tranh trên biển giữa các
cường quốc. Đặc biệt, tránh né sự cố dễ kích hoạt các thỏa thuận an ninh của Mĩ
với Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc Philippines.[1] Trong mưu đồ
ba kế hoạch này, Trung Quốc gây sức ép qua hết các thang bậc của cưỡng ép mức
thấp, song cẩn thận không đến mức bị xem là “tấn công vũ trang” trong luật pháp
quốc tế, và do đó mở đường cho quyền tự vệ của cá nhân và tập thể.
Ví dụ, bắt đầu vào năm 1999, Trung Quốc tuyên bố “lệnh cấm đánh bắt cá” theo mùa khắp Biển Đông, dù họ không có thẩm
quyền pháp lí để quy định việc đánh cá ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí
(EEZ) của mình. Chỗ xa nhất mà lệnh cấm của Trung Quốc vươn tới cách mũi phía
nam của đảo Hải Nam hơn 1000 hải lí. Lệnh cấm đánh bắt cá nhằm quản lí nguồn cá
trong vùng EEZ của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, và Brunei. Hãy
tưởng tượng điều tương tự nếu như Hoa Kì bắt đầu kiểm soát các tàu đánh cá và
các giàn khoan dầu trong EEZ của Mexico.
Trung Quốc cũng đã không ngơi nghỉ đề cao quyền lịch sử đối với
các đảo và các thể địa lí, và hầu như tất cả các vùng biển, của toàn bộ Biển Đông.
Thế giới đều mất kiên nhẫn với yêu sách lạnh lùng và ngang ngược của Trung Quốc
về “vùng nước lịch sử” ở Biển Đông. Yêu sách biển được dựa trên các nguyên tắc
được quy định trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (LOSC) mà Trung
Quốc tham gia năm 1996. Tuy nhiên, yêu sách quá mức của Bắc Kinh là dựa trên
đường 9 (bây giờ 10) đoạn vốn được Trung Hoa Dân Quốc công bố năm 1947.
Dù một
quy tắc cơ bản của các nguồn của pháp luật quốc tế là cái “mới nhất chiếm ưu
thế” Trung Quốc vẫn trắng trợn nêu ra yêu sách đường nhiều đoạn như con át chủ
bài để bỏ qua nghĩa vụ pháp lí trong Công ước Luật biển.[2] Trung Quốc
cũng đã làm mới yêu sách lịch sử ở Biển Hoa Đông đối với quần đảo Senkaku, và ở
Hoàng Hải. Yêu sách biển tạo thành “lỗi tự gây ra” [unforced error] lớn nhất
của Trung Quốc trong khi mạo nhận rằng mình là nước lớn “đang trỗi dậy một cách
hoà bình”.
Chiến thuật của Trung Quốc
Bắc Kinh triển khai nhiều loại ở số lượng đáng kinh ngạc các tàu
và máy bay chấp pháp dân sự và thương mại nhằm áp đặt yêu sách của mình và hù
dọa nước khác. Tàu đánh cá và ngư chính là đội tiên phong của chính sách này,
dẫn đến các cuộc đụng độ thường xuyên với tàu tuần tra an ninh biển trong EEZ
của các nước láng giềng.[3] Defense News
gọi đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc là những “kẻ thực thi chân gỗ” (proxy
enforcer) hoạt động phối hợp với Cảnh sát biển và Hải quân Giải phóng Nhân dân
Trung Quốc (PLAN) để “khoanh vùng một khu vực tranh chấp tranh giành hoặc tạo
ra một hàng rào phong tỏa” đối với lực lượng hải quân của các đối thủ.
Chẳng
hạn, tàu Hải giám Trung Quốc đã đóng kín hoàn toàn lối vào đầm phá rộng lớn của
bãi ngầm Scarborough, nằm bên trong EEZ của Philippines và cách Tây Philippines
125 hải lí. Đôi khi, những sự cố này biến thành chết người. Ví dụ như trong
tháng 12 năm 2011, một ngư dân Trung Quốc giết chết một cảnh sát biển Hàn Quốc khi
anh này cố tìm cách bắt giữ tàu Trung Quốc vì đánh cá bất hợp pháp.
Đoàn tàu đánh cá là “đám được thuê phản đối” (rent-a-mobs) trên
biển, tuy nhiên chúng đặt ra một tình thế lưỡng nan nhạy cảm đối với các nước trong
khu vực. Nếu tàu đánh cá bị lực lượng thực thi pháp luật biển của các nước láng
giềng hạch hỏi đuổi đi thì có vẻ như ngư dân Trung Quốc đang bị đối xử nặng
tay. Yếu tố chính trị này cũng hâm nóng chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Mặt
khác, nếu các quốc gia ven biển im lặng đối với những hoạt động của các tàu
đánh cá thì có nghĩa họ nhường thẩm quyền và quyền chủ quyền trong EEZ của mình
cho Trung Quốc.
Trung Quốc bắt đầu sử dụng tàu cá làm lực lượng không chính quy
lần đầu tiên vào đầu thập niên 1990 cho hai đảo Mã Tổ [Matsu] và Kim Môn [Jinmen]
để tạo sức ép lên Đài Loan trong những lúc có căng thẳng chính trị.[4]
Hiện nay Trung Quốc sử dụng chiến thuật này chống Nhật ở Biển Hoa Đông và chống
lại Philippines, Việt Nam và Malaysia ở Biển Đông. Trung Quốc cũng sử dụng các
đoàn tàu cá đối với Hàn Quốc ở Hoàng Hải. Năm 2009, lúc đối đầu với tàu đặc
nhiệm USNS Impeccable khi tàu này tiến hành khảo sát quân sự cách Đảo Hải Nam
75 hải lí, Trung Quốc đã sử dụng một đội tàu gồm một tàu tình báo hải quân, một
tàu ngư chính, một tàu hải dương học và hai tàu chở hàng nhỏ hoặc tàu đánh cá.
Một số tàu có vẻ được bố trí với người thuộc lực lượng đặc biệt Trung Quốc.[5]
Để thống nhất các nỗ lực mạnh mẽ hơn trong chính phủ, Bắc Kinh
nhập năm cơ quan riêng biệt thành một lực lượng Hải Cảnh duy nhất hồi tháng 3 năm
2013. “Năm con rồng” đó là Tuần duyên Trung Quốc thuộc Công an Biên phòng, Cục
An toàn Hàng hải Trung Quốc thuộc Bộ Giao thông vận tải, Hải giám Trung Quốc
thuộc Cục Quản lí Đại dương Quốc gia, Lực lượng Ngư chính Trung Quốc thuộc Bộ
Nông nghiệp và lực lượng thuế trên biển thuộc Tổng cục Hải quan.
Năm ngoái, Trung Quốc nhét thêm giàn khoan dầu vào rọ các lực
lượng bán quân sự trên biển khi giàn khoan HD 981 thuộc Tổng công ty Dầu khí Ngoài
khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đặt gần quần đảo Hoàng Sa trong EEZ của Việt
Nam. Giàn khoan này đã được bảo vệ với một đoàn khoảng 30 tàu đánh cá, tàu bán
quân sự, tàu chiến của PLAN cho đến khi rút đi một tháng sau đó. Sự cố giàn
khoan dầu đưa quan hệ Trung-Việt xuống điểm thấp nhất tính từ năm 1979. Lực
lượng Việt Nam bị thủy quân lục chiến Trung Quốc đẩy khỏi quần đảo Hoàng Sa
trong cuộc xâm lược đẫm máu năm 1974.
Khi khu vực này đang chờ phán quyết của trọng tài theo đơn kiện
của Philippines để bảo tồn quyền chủ quyền trong EEZ của mình, việc Trung Quốc
phiêu lưu trên biển trong khu vực xeo một lỗ hổng trong luật nhân đạo quốc tế
do một số luật gia hàng đầu thế giới soạn thảo trong vụ kiện trước ICJ 1986 về
các hoạt động quân sự và bán quân sự chống lại Nicaragua (Nicaragua kiện Hoa
Kì).
Trung
Quốc “lưu tâm đến kẽ hở” trong Luật quốc tế
Để cho chiến lược của mình có tác động, Trung Quốc phải ép buộc
dần các nước láng giềng chấp nhận bá quyền của Bắc Kinh, nhưng tránh đối đầu quân
sự. Trung Quốc sử dụng vũ lực thông qua các tàu hải cảnh, tàu đánh cá, và bây
giờ cả giàn khoan để thay đổi cảnh quan chính trị và pháp lí trên biển ở Đông
Á, nhưng họ vẫn có ý giữ tàu hải quân xa ngoài chân trời để tránh nguy cơ kích
động chiến tranh.
Hiến chương của Liên Hiệp Quốc điều chỉnh luật về việc sử dụng vũ
lực trong quan hệ quốc tế. Mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là nhằm ngăn chặn “các
hành vi xâm lược và vi phạm hoà bình khác.”[6] Trong khi Hiệp
ước Kellogg-Briand 1928 nổi tiếng đặt ngoài vòng pháp luật các hành vi “chiến
tranh”, và thỏa thuận này bây giờ được coi là đỉnh cao của sự ngây thơ giữa hai
cuộc chiến, việc ngăn cấm vũ lực trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc thậm chí còn
rộng hơn. Theo Điều 2 (4) của Hiến chương, “tấn công vũ trang” (hay chính xác
hơn, xâm lược vũ trang hoặc aggression
armée trong bản dịch tiếng Pháp chính thức) là trái pháp luật. Điều
2 (4) cũng nói rằng đe dọa sử dụng vũ lực cũng là vi phạm như chính việc sử
dụng vũ lực.
Các quốc gia có thể làm gì nếu họ bị tấn công vũ trang hoặc xâm
lược vũ trang? Điều 51 của Điều lệ công nhận quyền tự thân về tự vệ cá nhân và
tập thể của tất cả các nước để đối phó với một cuộc tấn công. Cho đến nay điều
này vẫn ổn – bất kì việc sử dụng vũ lực bất hợp pháp nào đều được coi là tấn
công vũ trang, và tấn công vũ trang kích hoạt quyền tự vệ của nước nạn nhân,
đúng thế không? Sai, ít nhất là theo Tòa án Công lí Quốc tế. Phán quyết trong
vụ Nicaragua kiện ở toà ICJ năm 1985 mở ra một “kẽ hở” giữa việc tấn công vũ
trang của một nước và quyền tự vệ của nước nạn nhân.
Vụ kiện phát sinh từ các cuộc chiến tranh ở Trung Mĩ trong thập
niên 1980.
Chế độ Sandinista ở Nicaragua nắm quyền vào năm 1979, và bắt tay vào
một chiến dịch Marxist “giải phóng” Honduras, El Salvador và Costa Rica.
Nicaragua yểm trợ phong trào kháng chiến manh mún ở El Salvador với vũ khí, đạn
dược, tiền bạc, đào tạo, tình báo, chỉ huy và kiểm soát, cũng như cung cấp nơi
trú ẩn ngoài biên giới. Với sự trợ giúp này, lực lượng du kích làm tê liệt nền
kinh tế El Salvador và biến bất mãn của thiểu số thành một cuộc nổi dậy toàn
diện. Dân chúng trong vùng gánh chịu đau khổ, và cả hai bên đều phạm các hành
vi tàn bạo.
Để ổn định El Salvador, Tổng thống Ronald Reagan đã kí Chỉ thị
Quyết nghị an ninh quốc gia 17 (NSSD 17) vào ngày 23 tháng 11, 1981. NSSD 17 cho
phép CIA xây dựng lực lượng phiến quân Contra tiến hành hành động bí mật để lật
đổ chế độ Sandinista ở Nicaragua. Viện trợ quân sự đổ vào Honduras và El
Salvador để giúp họ chống lại phiến quân cộng sản. Quyết định này phản ánh một
trong những chương trình đầu tiên của chủ thuyết Reagan đối lại việc mở rộng
ảnh hưởng của Liên Xô.
Năm 1984, Chính phủ Nicaragua đã khởi kiện Hoa Kì trước ICJ, lập
luận rằng các hoạt động bí mật của Mĩ chống Nicaragua, bao gồm việc trang bị vũ
khí cho phiến quân Contra và thả mìn các cảng của Nicaragua, là vi phạm chủ
quyền của Nicaragua. Hoa Kì phản biện rằng các hoạt động của Mĩ là thực hành
quyền tự vệ cố hữu của cá nhân và tập thể theo theo Điều 51 của Hiến chương
Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Duarte của El Salvador nói với giới truyền thông vào
ngày 27 tháng 7 năm 1984:
“Như tôi đã tuyên bố, theo quan điểm của Salvador, là chúng tôi
đứng trước vấn đề bị xâm lược bởi một nước tên là Nicaragua bên trong El Salvador,
rằng bọn họ đang đưa vũ khí, huấn luyện, con người, đạn dược và và bao nhiêu
thứ nữa vào El Salvador. Xin khẳng định, ngay vào giờ phút này họ đang sử dụng
tàu đánh cá ngụy trang, đưa vũ khí vào El Salvador vào ban đêm.
Trước tình hình này, El Salvador phải tìm cách ngăn chặn. Phe
Contra … đang tạo ra một loại rào cản ngăn chặn không để Nicaragua tiếp tục đưa
những thứ đó vào El Salvador qua đường bộ
Họ thay thế bằng cách chuyển hàng vào bằng đường biển, và thâm
nhập được qua ngã Monte Cristo, El Coco, và El Bepino.”[7]
Tòa đã bác bỏ lập luận của Mĩ và El Salvador về tự vệ chống lại
tấn công vũ trang của Nicaragua. Trong một quyết định tạm thời về vụ kiện này,
ICJ phán quyết với số phiếu 15-0 rằng Hoa Kì phải “ngay lập tức ngừng và từ bỏ
mọi hành động hạn chế, phong tỏa, hoặc gây nguy hiểm cho việc ra vào các cảng
của Nicaragua ….”. Trong phán quyết cuối cùng dựa trên chứng lí [ruling on
Merits], qua một cuộc bỏ phiếu 14-1 ICJ khẳng định rằng quyền chủ quyền của
Nicaragua không bị các hoạt động bán quân sự của Mĩ hủy hoại. Huấn luyện, cung
cấp vũ khí, trang thiết bị, và tiếp tế cho lực lượng Contra là vi phạm luật
pháp quốc tế, và không phải là một biện pháp tự vệ tập thể hợp pháp mà Hoa Kì
và các đồng minh thực hiện trong khu vực của mình để đối phó với sự xâm lăng
của Nicaragua.
ICJ phán rằng cưỡng ép mức thấp hoặc can thiệp, như “việc đưa các nhóm/toán
vũ trang, không chính quy, hoặc lính đánh thuê thay mặt cho hoặc từ một nước”
vào một nước khác cấu thành một “cuộc tấn công vũ trang”, nhưng quyền tự vệ chỉ
được kích hoạt khi sự can thiệp như thế đạt tới “quy mô và hậu quả” hay có
“trọng lựợng” tới mức như một cuộc xâm lược. Không thể dùng quyền tự vệ chống
lại xâm hại hoặc tấn công vũ trang mức thấp bằng quân chính quy hay quân nổi
dậy khi mức xâm hại chưa tăng đến mức quan trọng hoặc ở quy mô và hậu quả nào
đó.
Trong khi cả Nicaragua lẫn Hoa Kì đều đã tài trợ cho quân du kích
và tham gia vào các hành vi làm mất ổn định khu vực, sự phân biệt của ICJ mở ra
khái niệm “kiểm soát hiệu quả”. Nicaragua được Toà xác định là chưa có “kiểm
soát hiệu quả” đối với những người nổi dậy lật đổ chính phủ ở El Salvador và
Honduras, trong khi Hoa Kì được coi là thực hiện “kiểm soát hiệu quả” đối với
việc thả mìn các cảng Nicaragua và quân Contra.
Tòa án không cho El Salvador cơ hội can thiệp vào vụ kiện, đảm bảo
chuyện ông Thiện đối đầu với ông Ác [nguyên văn: David chống Goliath]. ICJ cũng
chấp nhận phiên bản của Sandinista về các sự kiện và bỏ qua việc Nicaragua xâm
lược vũ trang chống các nước láng giềng.
[8] Thẩm phán
Schwebel, một người Mĩ trong Tòa án, đưa ra phát biểu bất đồng duy nhất: “Nói
vắn tắt Tòa có vẻ cung cấp – gần như cho không – một đơn thuốc để các chính phủ
hung bạo lật đổ các chính phủ yếu trong khi từ chối không cho các nạn nhân tiềm
năng… một hi vọng duy nhất để tồn tại.” Vụ kiện tiêu biểu cho một trong những
mảng sơ suất lớn nhất của luật pháp quốc tế trong lịch sử và không đáng ngạc
nhiên rằng phán quyết này bây giờ hậu thuẫn việc xâm lấn trên biển của Trung
Quốc (cũng như các hành vi tai quái của Nga tại các nước láng giềng từ Georgia
đến Ukraine đến vùng Baltic – nhưng đó là một câu chuyện khác).
Dù vụ kiện của Nicaragua có là nỗ lực nhằm đánh bại Mỹ về tố tụng,
hoặc một nỗ lực trí tuệ cao nhưng định hướng yếu về mặt công bằng trong cộng
đồng quốc tế (như tôi đã gợi ra ở đây) hay không, kết quả là một lỗ hổng mở ra
giữa xâm lược vũ trang và quyền tự vệ. Bằng cách sử dụng sự xâm phạm ở mức thấp
thông qua nhiều hành vi nhỏ nhưng không có hành vi nào trong đó đủ để kích hoạt
quyền tự vệ, những kẻ xâm lược chơi trên cơ.
Nhận thức rõ về mặt pháp lí và mặt
chính trị vụ Nicaragua, Trung Quốc đang kiếm được nhiều điều lợi chiến lược
trên biển với cái giá các nước láng giềng phải trả mà không tạo nguy cơ làm nổ
ra chiến tranh.
Hơn nữa, việc Trung Quốc sử dụng có tính chiến lược đội tàu đánh
cá như là một thành phần của “chiến tranh pháp lí” vượt khỏi việc khai thác lỗ
hổng giữa sử dụng vũ lực và tự vệ trong luật về sử dụng vũ lực (jus ad bellum); điều đó
cũng ảnh hưởng đến luật trong chiến tranh (jus
in bello). Tàu cá có khả năng sẽ được sử dụng làm các tàu chiến
trong bất kì cuộc chiến tranh khu vực nào. Một số người nghi ngờ Trung Quốc đang trang bị máy dò sonar cho
hàng ngàn tàu đánh cá để tích hợp chúng vào các hoạt động tác chiến chống tàu
ngầm của hải quân vốn có nhiệm vụ tìm và đánh chìm tàu ngầm của Mĩ và đồng
minh.
Kể từ vụ kiện cột mốc Paquette Habana 1990, phát sinh từ việc Hoa
Kì bắt giữ tàu đánh cá Cuba trong cuộc chiến Mĩ-Tây Ban Nha, tàu đánh cá ven
biển và ngư dân được loại ra khỏi mục tiêu tấn công hoặc miễn bị bắt giữ trong
xung đột vũ trang. Với việc đặt máy dò sonar trên tàu đánh cá như một phép nhân
tăng lực lượng cho các hoạt động chống tàu ngầm, Bắc Kinh ngay lập tức có nguy
cơ làm các tàu này bị coi là mục tiêu hợp pháp trong các sự cố xung đột.
Nhưng
cáp quang của Hải quân Mĩ làm chìm tàu đánh cá Trung Quốc là tuyên truyền thực
hiện theo đơn đặt hàng. Trong mọi sự cố, Sam Tangredi, một chiến lược gia có
tiếng, tự nhủ Hải quân Mĩ sẽ dám xài bao nhiêu ngư lôi trong số có hạn khi mà
số lượng tàu đánh cá là vô thiên lủng.
Vậy phản ứng đối với tất cả điều này có thể là gì? Nhiều nước từ
lâu đã sử dụng các cuộc tấn công không đối xứng như cách không lực bay dưới tầm
radar. Cái khác biệt hiện nay là chiến tranh không chính quy được dùng như một
công cụ của kẻ mạnh chứ không phải kẻ yếu để thay đổi hệ thống an ninh khu vực.
Hơn nữa, các khía cạnh pháp lí quốc tế của tình thế hiện tại phải quen với lợi
thế của Trung Quốc. Do đó, rủi ro hệ thống là lớn tới mức đó và chỉ có thể so
sánh với chiến dịch Liên Xô gây bất ổn định các nước thời Chiến tranh Lạnh. Ai
nói luật pháp quốc tế là chẳng có gì quan trọng?
J. K.
FPRI, 1528 Walnut Street, Suite 610, Philadelphia, PA 19102-3684
Để biết thêm thông tin, liên hệ với Eli Gilman tại 215-732-3774, ext. 103, email
fpri@fpri.org, hoặc ghé thăm chúng tôi tại www.fpri.org
Dịch giả gửi BVN.
[1] Hoa Kì có thoả thuận quốc phòng với 5 nước
ASEAN: Thailand, Philippines, Japan, South Korea, và Australia. Một số trong
các thoả thuận này và Đạo luật về quan hệ với Đài Loan là chủ đề của một pod
cast của FPRI năm ngoái, có thể truy cập ở đây: http://www.fpri.org/multimedia/2014/06/us-security-commitments-asias-changing-strategicenvironment-look-japan-taiwan-korea-and-philippines-audio.
[2] Những nước có yêu sách đánh cá lịch sử thể tìm
kiếm quyền truy cập từ các quốc gia ven biển quản lí những khu vực đó theo Điều
62 của Công ước Luật Biển.
[3] Lyle J. Goldstein, “Chinese fisheries
enforcement: Environmental and strategic implications,” 40 Marine Policy 187
(2013).
[4] Wendell Minnick, Fishing Vessels in China Serve
as Proxy Enforcers, Defense News, August 18, 2014, p. 15.
[5] Một số “ngư dân” có vẻ không là ngư dân làm ăn
chân chính- trẻ, ăn mặc đàng hoàng, thể thao, liên tục trên biển trong khu vực
Đông Nam Á mà da không bị rám nắng, và không thể vận hành thiết bị đánh cá (!).
Quan sát này đã được một cựu đô đốc 2 sao ở Đông Nam Á và một trưởng Hải quân
đã nghỉ hưu của một trong những quốc gia xung quanh Biển Đông cho tôi biết.
[7] Họp báo của Tổng thống Duarte, Sam Salvador
Radio Cadena YSKL (tiếng Tây Ban Nha) 1735 GMT 27 July 1984 in San Salvador
(July 27, 1984) reprinted in FBIS Daily Reports Latin America, 1, 4 (July 30,
1984). 8 See, e.g. John Norton Moore, The Secret War in Central America –
Sandinista Assault on World Order (1987).
[8] Xem, chẳng hạn. John Norton Moore, The Secret
War in Central America – Sandinista Assault on World Order (1987). John Norton
Moore từng là Phó Đại diện của Hoa Kì vào giai đoạn pháp lí của vụ án. Hoa Kì
đã không tham gia trong giai đoạn đối chứng (Merits phase) của vụ kiện. Toàn
văn tiết lộ: Tôi thực hiện nghiên cứu tiến sĩ dưới hướng dẫn của John Norton Moore
tại School of Law Đại học Virginia, ở đó tôi cũng làm việc với tư cách Nghiên
cứu viên cao cấp. Giáo sư Moore đã viết rất nhiều về những thiếu sót của pháp
luật trong vụ này trong John Norton Moore, Jus
Ad Bellum before the International Court of Justice, 52 Virginia
Tạp chí Luật quốc tế 903, 919-935 (Hè 2012).
__._,_.___