Sàn giao dịch bất động sản Biển Đông

Sàn giao dịch bất động sản Biển Đông

>

Sunday, 30 April 2017

ASEAN ra tuyên bố chung nêu việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông


ASEAN ra tuyên bố chung nêu việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

media
Ảnh chụp các lãnh đạo ASEAN dự hội nghị thượng đỉnh tại Manila (Philippines) ngày 29/04/2017.REUTERS/Mark Crisanto/Pool

Hôm nay, 29/04/2017, tại cuộc họp thượng đỉnh ở Manila, thủ đô Philipines, các lãnh đạo ASEAN đã đạt được một bản tuyên bố chung trong đó có nêu lên vấn đề Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này, mặc dù Bắc Kinh đã nỗ lực gây tác động để gạt bỏ những vấn đề đó ra khỏi văn kiện của ASEAN.

Tuy nhiên, cũng như tại thượng đỉnh năm ngoái ở Lào, các lãnh đạo ASEAN không nêu đích danh Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của khối này. Bản tuyên bố cũng không nói đến việc Bắc Kinh bị thua trước Tòa Trọng tài Thường trực. Xử đơn kiện của Philippines, tòa này đã ra phán quyết đầu tháng 7 năm ngoái cho rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.

Hồ sơ Biển Đông quả là đã được thảo luận sôi nổi trong hậu trường hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Manila. So sánh khác biệt về cách nói về Biển Đông giữa bản dự thảo ban đầu về tuyên bố chung đúc kết hội nghị với bản cuối cùng vào hôm nay, 29/04/2017, thì thấy ngay điều đó.

Trong bản dự thảo đầu tiên được chủ tịch hội nghị là Philippines đưa ra thảo luận, đã có hai vấn đề bị bỏ qua : Việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông và phán quyết tháng Bẩy năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông. Tuy nhiên, ngay từ trưa nay, trong một bản dự thảo mới mà các hãng thông tấn ngoại quốc đọc được, vấn đề quân sự hóa các đảo nhân tạo đã được ghi nhận trở lại, dù theo thông lệ, Trung Quốc không hề bị nêu đích danh.

Theo hãng tin Anh Reuters, hai nguồn tin ngoại giao ASEAN đã tiết lộ rằng có bốn quốc gia thành viên ASEAN không đồng ý với việc xóa bỏ các từ ngữ « cải tạo đất và quân sự hóa », đã có trong bản tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào vào năm ngoái..

Hãng Reuters đã dẫn hai nguồn tin ngoại giao ASEAN cho biết là trong những ngày qua, đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã tăng cường vận động các quan chức Philippines để tìm cách thay đổi nội dung của bản tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Một nguồn tin xác nhận rằng phía Philippines đã bị phía Trung Quốc áp lực rất dữ dội.

Theo hãng tin Anh, Bắc Kinh không muốn thấy bất cứ điều gì mà họ cho là nói đến việc Trung Quốc mở rộng bảy hòn đảo nhân tạo mà họ chiếm giữa tại quần đảo Trường Sa, và xây dựng trên đó nào là phi đạo, nhà chứa máy bay, đài radar, bệ phóng tên lửa… Trung Quốc cũng không muốn thấy nhóm từ « các tiến trình ngoại giao và pháp lý », gợi đến phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye mà Bắc Kinh phủ nhận.

Nhưng một số nước ASEAN đã không chịu khuất phục. Theo hãng tin Pháp AFP, giới ngoại giao tại Manila khẳng định rằng trong các cuộc họp, các nước này đã cố tìm cách làm cho bản tuyên bố cứng rắn hơn đối với các hành động của Bắc Kinh, dẫn đến việc đưa một số từ ngữ trở lại vào văn kiện.

Một nhà ngoại giao đã tiết lộ với AFP rằng chính Việt Nam đã yêu cầu đưa trở lại nhóm từ liên quan đến hành động quân sự hóa và cải tạo đất vào trong dự thảo tuyên bố chung.
Một nhà ngoại giao khác đã nói với AFP rằng : « Không thể cho rằng ASEAN đã hoàn toàn đầu hàng trước sức ép của Trung Quốc ».

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc thượng đỉnh Manila, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã không đả động gì đến Biển Đông, mà chỉ nói đến Hồi giáo cực đoan, cướp biển, chống ma túy và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau… Đặc biệt ông kêu gọi các lãnh đạo ASEAN hợp lực chống ma túy để tiêu diệt tệ nạn này « trước khi nó tiêu diệt xã hội chúng ta ». Chiến dịch bài trừ ma túy do ông Duterte phát động bị quốc tế phản đối, do đã có hàng ngàn người bị sát hại trong thời gian qua.

Trước cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, trả lời hãng tin Reuters, tổng thư ký ASEAN, ông Lê Lương Minh cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông ( COC ) cần phải mang tính ràng buộc pháp lý để ngăn chận « những hành động đơn phương »). ASEAN và Trung Quốc hy vọng là trong năm nay sẽ đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc nói trên. Nhưng theo Reuters, một số nhà ngoại giao ASEAN tỏ vẻ hoài nghi về thực tâm của Bắc Kinh trên vấn đề này.


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Saturday, 29 April 2017

Việt Nam thua to nếu Hoàng Sa nằm ngoài bộ Quy Tắc Ứng Xử COC



Việt Nam thua to nếu Hoàng Sa nằm ngoài bộ Quy Tắc Ứng Xử COC

mediaVị trí quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ của tạp chí National Geographic, với tên gọi "Tây Sa-Xisha" theo Trung Quốc.

Họp tại Manila tuần này, lãnh đạo 10 thành viên ASEAN thảo luận về khả năng hợp tác trong hoà bình tại Biển Đông. Mục tiêu của các nước Đông Nam Á là hoàn tất bộ Quy Tắc Ứng Xử COC từ năm 2018, để phòng ngừa xung đột giữa các bên tranh chấp. Tuy nhiên, do Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích vùng biển chiến lược và nhiều tài nguyên này, COC sẽ làm Việt Nam thiệt hại nhiều nhất, đặc biệt là sẽ mất vĩnh viễn Hoàng Sa, theo nhận định của một số chuyên gia.
Trong bài phân tích về cố gắng dài hơi của ASEAN nhằm tránh xảy ra chiến tranh tại Biển Đông và bảo vệ chủ quyền trước tham vọng biển đảo của Trung Quốc tạp chí kinh tế Mỹ Forbes tỏ ra bi quan cho Việt Nam.

Từ nay đến tháng 06/2017, ASEAN và Trung Quốc, theo dự kiến, sẽ đạt được một thỏa thuận khung về bộ Quy Tắc Ứng Xử COC để được ký kết vào cuối năm hay vào năm 2018. Theo các nhà phân tích thì bộ quy tắc này sẽ có lợi cho ASEAN nếu phủ nhận đường « 9 đoạn » của Trung Quốc, bao trùm hơn 80% diện tích Biển Đông mà Bắc Kinh gọi là Nam Hải. Tính kế lâu dài,Việt Nam muốn quần đảo Hoàng Sa cũng phải được nằm trong quy định của COC.
Tháng 7/2016, theo yêu cầu phân xử của Philippines, Tòa Trọng Tài La Haye đã phủ nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên một số đảo trong vùng Trường Sa.Thế nhưng, Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này và càng không có lý do gì để nhượng bộ ASEAN, chấp nhận quy tắc ứng xử COC ở Hoàng Sa.

Do vậy, một khi ASEAN ký với Trung Quốc thỏa thuận COC thì Việt Nam sẽ là nước bị thiệt hại nhiều nhất : mất hẳn quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc đã không để cho tàu chiến, tàu cá của bất cứ nước nào lai vãng đến Hoàng Sa mà họ đã chiếm của Việt Nam, sau một trận hải chiến với Việt Nam Cộng Hoà, vào đầu năm 1974.
Từ đó đến nay, cho dù chính phủ Việt Nam thống nhất vẫn khẳng định chủ quyền, nhưng Trung Quốc từng bước lấn chiếm Biển Đông xuống tận Trường Sa, xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự.

Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia quốc phòng Úc, không một nước ASEAN nào đủ sức « trục xuất » Trung Quốc ra khỏi Hoàng Sa. Bốn ngày họp tại Philippines, cho đến thứ Bảy, cho dù Việt Nam có muốn đưa Hoàng Sa vào COC cũng khó mà làm được vì ASEAN chia rẽ. Trong ASEAN, Trung Quốc mua chuộc được Cam Bốt và Lào. Dùng vũ khí kinh tế và đầu tư, Bắc Kinh thuyết phục được Manila để tranh chấp chủ quyền qua một bên.

Cũng theo giáo sư Carl Thayer, chuyện gọi là « khả thi » nhất mà Hà Nội có thể làm được là đưa hồ sơ Hoàng Sa ra Tòa Trọng Tài La Haye. Tuy nhiên, cho dù dân chúng Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông, nhưng Hà Nội lại thảo luận vấn đề xung khắc với Bắc Kinh ngoài khuôn khổ ASEAN để được những lợi ích về thương mại và lượng du khách Trung Quốc.
Một khi Hoàng Sa bị loại ra khỏi COC thì Trung Quốc tha hồ củng cố « chủ quyền » sau khi đã xây một thành phố nhỏ trên đảo Phú Lâm và căn cứ quân sự, trong thế cô đơn của Việt Nam.
Chuyên gia Collin Koh, đại học Nam Dương ở Singapore đoán chắc là « không một thành viên ASEAN nào ủng hộ lập trường Việt Nam » vì họ xem Hoàng Sa là « yếu tố phiền toái vô ích ».

Để vuốt ve ASEAN, Trung Quốc đem viện trợ và đầu tư ra làm bửu bối. Áp lực duy nhất mà Bắc Kinh phải đối đầu là chính phủ Hoa Kỳ, theo nhận định của Forbes trong bài « Việt Nam sẽ mất nhiều nhất vì bộ Quy Tắc Ứng Xử COC ở Biển Đông ».


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Biển Đông: Bàn tay Trung Quốc tại ASEAN 2017 ?



Biển Đông: Bàn tay Trung Quốc tại ASEAN 2017 ?

mediaLogo ASEAN logo trước Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế tại Manila (Philippines), nơi diễn ra Thượng Đỉnh ASEAN 2017. Ảnh chụp ngày 25/04/2017.TED ALJIBE / AFP
Ngày 28/04/2017, ngoại trưởng 10 nước ASEAN bắt đầu họp lại tại Manila (Philippines) để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 sẽ mở ra ngày 29/04. Trong những ngày qua, rất nhiều tín hiệu cho thấy là Philippines trong vai trò chủ tịch ASEAN năm nay sẽ cố tránh đụng chạm Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, mà dấu hiệu rõ nhất là một bản thông cáo chung sẽ chỉ đề cập đến vấn đề Biển Đông một cách thoáng qua
Trả lời phỏng vấn của ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) đã nêu bật một số sai lầm của tổng thống Philippines khi chạy theo Trung Quốc.
Trước hết giáo sư Long xác định tầm quan trọng của ASEAN đối với an ninh Đông Nam Á, và đặc biệt là của các hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay.
Ngô Vĩnh Long : ASEAN hiện nay là tổ chức đa phương duy nhất có các cơ chế để 10 nước Đông Nam Á trao đổi với nhau cũng như với các nước ngoài khu vực về các vấn đề an ninh và hoà bình chung. Hoa Kỳ đã thấy rõ tầm quan trọng của tổ chức này cho nên từ thời Tổng thống Obama đã cố gắng củng cố quan hệ với ASEAN trên nhiều mặt, đặc biệt là trên mặt trận an ninh.
Năm 2009 Obama là tổng thống đầu tiên của Mỹ đã gặp lãnh tụ của tất cả 10 nước ASEAN trong một cuộc họp thượng đỉnh và sau đó đã đi thăm một số nước này sáu lần nữa. Năm 2010 Mỹ là nước đầu tiên ngoài hiệp hội này đã thiết lập văn phòng thường trực cấp đại sứ ở trụ sở ASEAN tại Jakarta để có thể thường xuyên và trực tiếp tham gia các hoạt động của các cơ chế mà Mỹ đã được làm thành viên. Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Mỹ cũng hàng năm tham gia các cuộc họp của ASEAN.
Hội Nghị Thượng Đỉnh năm nay có tầm quan trọng đặc biệt, vì đang có nhiều vấn đề an ninh nổi cộm cần đem ra thảo luận mà sẽ được sự chú ý của dư luận nhiều hơn các năm trước vì đây cũng là dịp kỷ niệm 50 năm thành lập của hiệp hội này.
Manila 2017 sẽ giống như Phnom Penh 2012?
RFI : Mỗi lần ASEAN họp là mỗi lần hồ sơ Biển Đông nổi cộm lên, với mối quan ngại là Trung Quốc sẽ tìm cách thao túng nội bộ khối Đông Nam Á để tránh bị vạch mặt chỉ tên là kẻ hung hăng đang lấn chiếm biển đảo của các láng giềng Đông Nam Á. Căn cứ vào những tuyên bố thuận thảo theo Trung Quốc, thậm chí là khiếp nhược trước Trung Quốc, của tổng thống Duterte của Philippines, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, theo ý giáo sư, liệu Manila có lại chơi một vố theo kiểu Phnom Penh năm 2012 là áp đặt một cái gì đó theo ý Bắc Kinh hay không ? Câu hỏi này được đặt ra vì lẽ bản dự thảo thông cáo chung của các lãnh đạo ASEAN có vẻ rất thuận lợi cho Trung Quốc ?
Ngô Vĩnh Long : Chưa có thể biết chắc là Tổng thống Duterte của Philippines lại chơi một vố theo kiểu Campuchia năm 2012 hay không trong việc áp đặt ý kiến của Trung Quốc. Tuy ông ta rất muốn thu hút thêm đầu tư của Trung Quốc cũng như tăng cường quan hệ mậu dịch giữa hai nước, đến nay những tuyên bố của vị tổng thống này cho thấy ông ta không có lập trường kiên định. Có thể ông sẽ thay đổi thái độ đối với Trung Quốc nếu bị áp lực hay phản ứng mạnh hơn của người dân trong nước và của dư luận từ các nước trong khu vực và các nơi khác trên thế giới.
Tuy nhiên ta có thể nhận định rằng bản dự thảo nghị quyết của ASEAN hiện nay rõ ràng là rất mềm mỏng và thuận lợi cho Trung Quốc. Dự thảo đó không đề cập gì đến phán quyết tháng 7 năm 2016 của Toà Trọng Tài Thường Trực (PCA) về việc Trung Quốc không có cơ sở lịch sử hay nền tảng pháp lý để đòi chủ quyền ở Biển Đông. Phán quyết cũng phê phán việc Trung Quốc phá hoại môi trường để bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực này. Thêm vào đó phán quyết cũng nói rõ rằng Trung Quốc không có quyền cấm đoán ngư dân các nước khác hành nghề trong khu vực đánh bắt truyền thống của họ như Trung Quốc đã và đang làm.
Sai lầm lớn của Duterte: Tuyên bố rằng PCA là việc riêng giữa Trung Quốc và Philippines
Phán quyết của PCA là một thắng lợi lớn về mặt pháp lý và ngoại giao cho Philippines, nói riêng, và cho các nước ven Biển Đông, nói chung, trong việc đối phó sự bành trướng và đe doạ an ninh của Trung Quốc. Không dựa vào phán quyết này để vận động sự hợp tác của các nước trong khu vực và sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới để bảo vệ lợi ích chung là một thiếu sót lớn.
Hơn thế nữa, Duterte đã rất sai lầm khi tuyên bố nhiều lần là Trung Quốc quá mạnh cho nên Philippines không thể làm gì được ngoài việc gác lại phán quyết PCA để khỏi mất lòng Trung Quốc. Ông ta tại càng sai lầm lớn hơn khi tuyên bố trước thềm hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này là phán quyết PCA chỉ là vấn đề riêng giữa Philippines và Trung Quốc chứ không phải là vấn đề chung với ASEAN.
Trong khi đó thì Duterte đã công khai nguyền rủa Mỹ đã không can thiệp khi Trung Quốc đánh chiếm các đảo hay đã không ngăn chặn việc Trung Quốc bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo. Không những Duterte đã đổ thừa Mỹ về các hành động chiếm đóng của Trung Quốc mà ông ta lại còn đã chửi đích danh cựu Tổng thống Obama làm như Mỹ là một nước nhược tiểu dễ bắt nạt. Nhưng không có sự hỗ trợ và hiện diện của Mỹ về lâu về dài, thì Trung Quốc sẽ gặm nhấm dần hết các vùng biển đảo của Philippines cũng như đe đoạ trầm trọng an ninh toàn khu vực.
RFI : Giáo sư thấy chiều hướng Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào nếu Manila áp đặt văn kiện đó ?
Ngô Vĩnh Long : Nếu Manila áp đặt được văn kiện như dự thảo hiện nay thì điều này chứng tỏ rằng Việt Nam đã chưa vận động tích cực đủ, hoặc là vì có cản trở trong nội bộ hay là vì có áp lực từ bên ngoài. Hoặc là cả hai. Cho nên khi văn kiện này được công bố thì có thể chiều hướng là Việt Nam sẽ tuyên bố rằng đang có “quan ngại sâu sắc về những diễn biến leo thang gần đây” như đã thường phát biểu trước đây.
COC: Thủ thuật giúp Trung Quốc mua thời gian
RFI : Về bộ Quy Tắc Ứng Xử COC giữa ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông mà cả Philippines lẫn Trung Quốc đều tỏ vẻ sốt sắng, giáo sư nghĩ sao ? Có người cho rằng Bắc Kinh vẫn giả vờ sốt sắng để « câu giờ » ?
Ngô Vĩnh Long : Cả Philippines lẫn Trung Quốc đều tỏ vẻ sốt sắng, nếu không nói là hồ hởi, về bản Quy Tắc Ứng Xử (COC) hiện nay là vì nó chưa có gì thật sự cụ thể và thực tế. Nó chỉ rất chung chung cho nên có thể sẽ được thoả thuận chung là đến tháng 6 sắp tới sẽ có bộ khung của COC.
Nhưng từ bộ khung chung chung đó đi đến việc cụ thể hoá thì còn sẽ mất nhiều năm nữa. Trung Quốc sẽ dùng việc này để chứng tỏ là Trung Quốc thực sự có thiện chí. Trong khi đó thì thật ra đây là một thủ thuật giúp Trung Quốc mua thời gian cho việc bồi đắp và xây dựng thêm để thực thi việc đòi hỏi chủ quyền của mình trên Biển Đông như là việc đã rồi.
Những nước có quyền lợi lớn ven Biển Đông, như Philippines và Việt Nam, nên có chiến lược đối phó rõ ràng và cương quyết trước mưu đồ thâm hiểm của Trung Quốc. Không thể làm như Duterte gần đây là khi thấy nguy thì tuyên bố bừa là sẽ đưa quân ra bồi đắp và củng cố các thực thể ở Trường Sa. Nhưng ngay sau khi Trung Quốc lên tiếng lại vội vàng rụt cổ. Làm như thế không khác nào là vừa chấp nhận sự chiếm đóng trái phép của Trung Quốc và vừa thừa nhận sự bất lực và hèn nhát của chính mình.
Phải có chiến lược đối phó với Trung Quốc
RFI : Giáo sư vừa nói là "Những nước có quyền lợi lớn ven Biển Đông, như Philippines và Việt Nam, nên có chiến lược đối phó rõ ràng và cương quyết trước mưu đồ thâm hiểm của Trung Quốc " .Riêng đối với Việt Nam thì chiến lược đối phó đó phải như thể nào ?
Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ vì Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất ở khu vực Biển Đông và là nước đã phải chịu đựng nhiều nhất trước những hành động đánh chiếm và đe doạ an ninh của Trung Quốc thì ít ra Việt Nam cũng có thế để vận động các thành viên ASEAN cũng như những nước đã gia nhập tổ chức Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việc Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi tổ chức này không có nghĩa những quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên còn lại đã hoàn toàn bị triệt tiêu. Trump và Duterte càng thụ động thì Việt Nam lại càng có cơ hội để năng động hơn.
GS Ngô Vĩnh Long 28/04/2017 Nghe

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh

Thursday, 27 April 2017

Thượng đỉnh ASEAN: Philippines bị tố chiều ý Bắc Kinh về Biển Đông



Thượng đỉnh ASEAN: Philippines bị tố chiều ý Bắc Kinh về Biển Đông

mediaTổng thống Philippines Rodrigo Duterte (P) và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) trong một bức ảnh chụp chung tại thượng đỉnh ASEAN+3 tại Vientiane, Lào, 07/09/2016.REUTERS/Soe Zeya Tun
Các cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối tuần này đã mở ra hôm nay, 26/04/2017, tại Manila dưới quyền chủ tọa của Philippines, nước làm chủ tịch luân phiên Hiệp Hội Đông Nam Á năm nay. Bản dự thảo thông cáo chung dự trù công bố cuối hội nghị đã bị cho là có lời lẽ quá « nhẹ » đối với các hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Nước chủ nhà bị dư luận tố là đã « chiều ý » Bắc Kinh.
Theo một bản sao bản dự thảo mà các hãng thông tấn Reuters, AP hay AFP có được, lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á dĩ nhiên sẽ bày tỏ những « quan ngại sâu sắc » về tình hình « leo thang các hoạt động » trong khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Vấn đề là bản dự thảo đã phớt lờ hay chỉ nói gián tiếp về nhiều điểm thiết yếu liên quan hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hãng tin Mỹ AP đã ghi nhận việc bản dự thảo không đề cập gì đến phán quyết vào năm ngoái của Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Hãng Reuters thì chú ý đến việc bản dự thảo không nói đến việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Theo các chuyên gia được hãng tin Anh tham khảo, thì bản dự thảo lần này còn nhẹ nhàng đối với Bắc Kinh còn hơn cả bản Thông cáo chung đã được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm ngoái ở Lào.
Hãng tin Pháp AFP cũng thấy rằng văn kiện do chủ tịch ASEAN năm nay là Philippines chuẩn bị chỉ đề cập bóng gió đến việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo trong nhóm từ « diễn biến gần đây và leo thang các hoạt động ». Tên Trung Quốc cũng không được nêu lên.
Lời lẽ nhẹ nhàng trên đây được lồng vào trong bối cảnh tổng thống Philippines Duterte đã quay ngoặt với chính sách của người tiền nhiệm, chạy theo Trung Quốc để tìm kiếm hợp đồng kinh tế, và dịu giọng hẳn với Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông.
  • Đọc thêm : Biển Đông : Trung Quốc « bứng chốt » Philippines bằng đôla
Lập trường của ông Duterte đã tạo ra phản ứng bất bình. Cựu ngoại trưởng Alberto del Rosario vào hôm qua đã không ngần ngại lưu ý chính quyền Duterte là nên tranh thủ hội nghị ASEAN để nêu bật việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Theo ông : « Vai trò lãnh đạo của Philippines sẽ bị mất ảnh hưởng đáng kể nếu bỏ lỡ cơ hội này ».
Một cựu quan chức chính quyền Philippines còn nặng lời hơn khi so sánh Philippines năm nay với Cam Bốt vào năm 2012 Phnom Penh khi đó đã bị tố cáo là ngả hẳn theo Trung Quốc và chống lại các đồng minh trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông.
Trả lời hãng Reuters, quan chức xin giấu tên này nhận định : « Mọi chú ý đang dồn vào Philippines, và điều chờ đợi là Trung Quốc sẽ thông qua Duterte để gởi thông điệp đến ASEAN. Philippines đang hành động như là tay sai của Trung Quốc ».


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh

Wednesday, 26 April 2017

BẮC HÀN BẮN 300 ĐẾN 400 QUẢ TRỌNG PHÁO LOẠI TẦM XA ĐỂ MỪNG 85 NĂM THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI


MỜI ĐỌC TIN CỦA HẠNH DƯƠNG TẠI LINK:

BẮC HÀN BẮN 300 ĐẾN 400 QUẢ TRỌNG PHÁO LOẠI TẦM XA ĐỂ MỪNG 85 NĂM THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI
Monday, April 24, 2017:
Image result for Bắc Hàn bắn 300 đến 400 đạn trong pháo hạng nặng để đánh dấu 85
Bắc Hàn bắn 300 đến 400 đạn trong pháo hạng nặng để đánh dấu 85 năm ngày thành lập quân đội


VietPress USA (24/4/2017): Hôm nay kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội Bắc Hàn, chế độ Cộng sản Bình Nhưỡng đã cho bắn ít nhất từ 300 đến 400 quả đạn trọng pháo loại tầm xa có thể bắn đến thủ đô Seoul của Nam Hàn nằm cách khu phi quân sự ở phía nam lối 35 Dặm (Miles = 56 Km).


Đây là cuộc diễn tập bắn trọng pháo qui mô nhất của Bắc Hàn từ trước đến nay. Tin nầy do báo Yonhap của Nam Hàn theo tiết lộ của giới chức quân sự vào hôm Thứ Ba giờ địa phương cho hay vụ bắn trọng pháo xảy ra tại vùng gần cảng phía tây của thành phố Wonsan tỉnh Kangwon.


Cuộc bắn trọng phap ào ạt nầy bất chấp tình hình đang leo thang căng thẳng giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ cùng với Nam Hàn và Nhật Bản đối với việc Bắc Hàn thử tên lửa đạn đạo và thử bom nguyên tử mà Liên Hiệp Quốc cấm cũng như trừng phạt.


Báo Yonhap cũng nói rằng vụ bắn biểu diễn tập trọng pháo nầy để kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội Bắc Hàn và hình như có lãnh tụ trẻ Kim Jong-un tham dự.


Bắc Hàn nay không dùng ngày nghỉ lễ để bắn thử tên lửa hay thử nghiệm nguyên tử nữa. Bắc Hàn vừa cho bắn thử một loạt các tên lửa để thử nghiệm trong vài tháng qua và các nhà phân tích quân sự tin rằng việc thử nghiệm ngên tử sắp xảy ra.


Vụ bắn trọng pháo hôm nay của Bắc Hàn diễn ra sau khi TT Donald Trump gọi điện nói chuyện với các nà lãnh đạo các nước Nhật, Trung Quốc và Đức để hảo luận việc Bắc Hàn đang xúc tiến chương trình Ngyên tử. 


Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ chủ tọa hội nghị các Bộ trưởng của Liên Hiệp Quốc vào ngày Thứ Sáu tới để thảo luận về Bắc Hàn.


Bắc Hàn cho bắn trọng pháo lớn để kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Bắc Hàn, trong khi Tàu ngầm của Hoa Kỳ đã vào neo đậu tạ cảng Nam Hàn. Chiếc Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH) USS Carl Vinson cũng đã vào hải phận của Nam Hàn     


Trong khi TT Donald Trump tuyên bố đưa HKMH Carl Vinson dẵn đầu đoàn tàu tấn công đến bán đảo Triều Tiên và sẽ có thái độ đáp trả nếu Kim Jong-un tiếp tục cho thử nguyên tử hay dạn pháo tầ xa, tên lửa hành trình.. Bắc Hàn đáp trả là không ai ngăn được việc thử nghiệm vũ khí nguyên tử hay tên lửa của Bắc Hàn và sẽ tiếp tục thủ theo định kỳ hằng tuần, hằng tháng.. hoặc hằng năm...


MỜI ĐỌC TIẾP TẠI LINK:


__._,_.___

Posted by: VietPress USA News Agency 

TQ Đấu Giá Mỏ Dầu...



 
TQ Đấu Giá Mỏ Dầu...    

Trần Khải

Biển Đông có thể sắp sôi động hơn... Vì Trung Quốc ra độc chiêu, sẽ đấu giá quyền thăm dò và khai thác 22 lô dầu và khí đốt ở Biển Đông.

Báo Oil Price cho biết rằng công ty quốc doanh China National Offshore Oil Corp của chính phủ TQ cho đấu giá quyền thăm dò và khai thác 22 mỏ dầu và khí ở Biển Đông.

Dự kiến tham dự thầu sẽ có nhiều công ty ngoại qu6c sẽ giúp TQ khai thác, nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng.

Hiện thời đã có một thương lượng: công ty Husky Energy của Canada sẽ khoan 2 giếng thăm dò ở lô 16/25 vào năm tới.

Vấn đề là, lãnh hải ở Biển Đông do TQ vẽ ra lại bị tranh chấp, và tòa quốc tế The Hague năm ngoái đã nói rằng một vùng Biển Đông mà TQ đang giành thực ra là của Philippines.

Thêm vấn đề là, khi một công ty ngoaị quốc xin vào tham dự đấu giá, Trung Quốc sẽ chỉ vào các lô nằm nơi vùng biển tranh chấp, hoặc với Việt Nam hoặc với Philippines.

Như thế, khi CNOOC rao đấu giá 22 lô dầu khí, công ty quốc tế nào vào khi tranh chấp là sẽ tự động đứng về phía TQ...

Trong khi đó, bản tin RFA ghi nhận rằng đôi tàu biển của Việt Nam được cảnh báo có thể bị đưa trở lại danh sách đen do có nhiều tàu không bảo đảm an toàn cũng như tỷ lệ bị lưu giữ tại nước ngoài cao hơn tàu của những nước khác.

Tổ chức Chính quyền Cảng biển các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đưa ra cảnh báo như vừa nêu.

Thống kê cho thấy trong quí 1 năm nay, số tàu biển của Việt Nam chạy tuyến quốc tế bị lưu giữ ở nước ngoài khi bị kiểm tra về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm được cho biết tăng với tỷ lệ cao nhất so với trung bình trong 3 năm qua ở mức gần 5%.

Lý do tàu Việt Nam bị lưu giữ được cho biết vì bị hư hỏng về an toàn chống cháy nổ, trang thiết bị cứu sinh, tình trạng kín nước, các hệ thống sử dụng trong trường hợp có sự cố, an toàn hàng hải, hệ thống quản lý tàu…

Đội tàu biển của Việt Nam trước năm 2014 bị Tổ chức Chính quyền Cảng biển Các nước Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương liệt vào danh sách đen.

Cục Hàng Hải Việt Nam thừa nhận từ đầu năm đến giữa tháng tư vừa qua, có hơn 300 lượt tàu biển của Việt Nam bị kiểm tra tại các cảng biểng nước ngoài.

Bản tin của VOA lại cho thấy tình hình TQ hung hăng gây quan ngại: Thượng nghị sĩ Philippines, Leila de Lima, tuyên bố việc Trung Quốc quấy nhiễu ngư dân Philippines ở Biển Đông là “một diễn biến đáng ngại.”

Bà Lima, hiện đang bị giam cầm, nhấn mạnh hải quân, chứ không phải như tin nói trước đây là tuần duyên Trung Quốc, tấn công ngư dân Philippines cho thấy “sự táo bạo và quyết tâm của Bắc Kinh không dùng tuần duyên theo thông lệ để thực thi tuyên bố lãnh thổ.”

“Việc leo thang tình hình tại quần đảo Trường Sa phải bị chính phủ Philippines lên án mạnh mẽ,” bà Leila de Lima viết trong một bức thư gửi ra từ phòng giam tại trụ sở cảnh sát quốc gia.

VOA nhắc rằng tuần duyên Trung Quốc xua đuổi ngư dân Bataan khi họ đến gần bãi Union Reef, theo tin tức tuần qua.

Union Reef nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đang kiểm chứng vụ này.

Bà De Lima cũng chỉ trích “sự do dự” của chính phủ Duterte trong việc giải quyết những đe dọa của Trung Quốc, và cảnh báo là Philippines có thể mất quyền trên biển trong khu vực tranh chấp.

Có nghĩa là, mất biển... Vấn đề là, bà đang bị giam, theo bản tin:

“Bà De Lima, một người thường lên tiếng chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte trong thời gian bà giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền, bị giam tại Trại Crame vì các cáo buộc liên quan đến ma túy. Tổng thống Duterte là người đầu tiên công khai tố cáo bà dính líu đến ma túy.

Thượng nghị sĩ De Lima đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc này, cho rằng “đây là một vụ đàn áp chính trị.”..”

Trong khi đó, báo Pháp Luật cho biết tàu lặn Giao Long của Trung Quốc vừa trải qua đợt thử nghiệm tại tỉnh Hải Nam để chuẩn bị cho hoạt động thám hiểm ở biển Đông.

Trang tin ECNS (Trung Quốc) ngày 24-4 đưa tin Bắc Kinh hôm 22-4 vừa cho thử nghiệm tàu lặn có người lái mang tên Giao Long ở TP Tam Á, tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc để chuẩn bị cho một cuộc thám hiểm sâu ở biển Đông.

Tàu lặn Giao Long đã được thử nghiệm dưới mặt nước trong 18 phút hôm 22-4 trước khi trở về tàu mẹ Hướng Dương Hồng 09, hoàn thành các nhiệm vụ bao gồm huấn luyện dưới nước.

Và bản tin BBC kể về hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ và các cuộc tập trận chung.

Thông cáo trên trang Facebook USS Carl Vinson (CVN 70) nói rằng nhóm tàu hàng không mẫu hạm Carl Vinson và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) bắt đầu tập trận chung từ hôm 23/4.

Cuộc tập trận định kỳ nhằm "tăng cường khả năng chiến đấu và phản ứng hàng hải chung, tăng cường hiệu quả thao diễn kết hợp, và đảm bảo các lực lượng hải quân sẵn sàng bảo vệ khu vực khi được yêu cầu", thông cáo này viết.

Hai tàu khu trục của Nhật tham gia các hoạt động cùng nhóm tàu của hải quân Mỹ, Reuters tường thuật.

Các quan chức quốc phòng Nam Hàn hôm thứ Hai 24/4 nói rằng hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sẽ tham gia một cuộc tập trận chung với các tàu chiến của Nam Hàn gần bán đảo Triều Tiên, theo hãng tin Nam Hàn Yonhap.

"Các cuộc bàn thảo đang diễn ra (giữa hai bên) về cuộc tập trận chung này," ông Moon Sang-gyun, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nam Hàn phát biểu tại cuộc họp báo hôm 24/4.

Ông Moon không nói rõ vị trí nhưng có nhiều đồn đoán rằng cuộc tập trận sẽ diễn ra ở vùng Biển Hoa Đông.

Thắc mắc vẫn chưa rõ, trong 22 lô dầu khí hãng quốc doanh TQ rao thầu thăm dò và khai thác, có bao nhiêu lô nằm ở vùng biển VN?
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <

Monday, 24 April 2017

Trung Quốc: Từ siêu cường hàng hải đến đại cường hải quân ?.

 

Trung Quốc: Từ siêu cường hàng hải đến đại cường hải quân ?.

media
Ảnh minh họa : cảng Djibouti.Nigel Pavitt/Getty Images

Tuần báo Pháp Courrier International ngày 02/02/2017 đã đăng phóng sự điều tra của nhật báo Anh Financial Times về chiến lược trở thành bá chủ trên biển của Trung Quốc qua hai bước : làm chủ về mặt kinh tế, thương mại rồi áp đặt quyền thống trị bằng Hải Quân. RFI đã giới thiệu phần đầu của bài phóng sự nói về việc Trung Quốc đã thành công trong việc trở thành siêu cường thế giới về hàng hải. Phần hai hôm nay sẽ đề cập đến cách thức Trung Quốc biến ưu thế hàng hải thành sức mạnh quân sự.

Như báo Financial Times đã phân tích, ưu thế hàng hải của Trung Quốc thể hiện rõ nhất qua quyền kiểm soát hàng chục thương cảng lớn nhỏ trải rộng trên thế giới, nhưng tại những vị trí chiến lược. Quyền kiểm soát các hải cảng này cho phép Trung Quốc dễ dàng dùng các cơ sở đó cho mục tiêu quân sự.

Chuyên gia Ấn Độ Abhijit Singh, thuộc viện nghiên cứu Observer Research Foundation tại New Delhi đã vạch trần ý đồ này khi thẩm định rằng những cơ sở mà Trung Quốc thiết lập ở các cảng nước ngoài, về hình thức thì nhằm mục tiêu dân sự, nhưng tất cả đều có thể được điều chỉnh nhanh chóng để dùng vào mục tiêu quân sự.
Ngoài các cơ sở có sẵn, Trung Quốc đã không ngần ngại thiết lập các cơ sở mới, bồi đắp một loạt đảo nhân tạo trên nền của các bãi đá và rạn san hô như ở Biển Đông. Theo nhật báo Anh, các cơ sở này đóng một vai trò lớn trong chiến lược hải quân của Bắc Kinh.
Tuy Trung Quốc cố giảm nhẹ tầm quan trọng các mục tiêu chiến lược này, nhưng ở Bắc Kinh, người ta luôn nhấn mạnh trên sự cần thiết tăng cường an ninh trên biển.

Một bài viết năm 2015 trên một tờ báo thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc, còn tiến thêm một bước khi kêu gọi Trung Quốc « sử dụng tất cả những phương tiện ngoại giao, kinh tế trong tay để thiết lập những điểm hậu cần tiếp liệu và căn cứ quân sự tại những nơi có tính chất chiến lược, để bảo vệ những tuyến hàng hải chiến lược ».
Trong thực tế, những đề nghị này của giới khoa học đang được thực hiện. Các khoản đầu tư vào các cảng thường được biện minh bằng chiến lược « Một vành đai, một con đường », một đề án lớn mà ông Tập Cận Bình bảo vệ để làm sống lại những con đường thương mại thời xa xưa gọi là « Con đường tơ lụa », thúc đẩy đầu tư, trao đổi thương mại giữa hơn 60 quốc gia châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu.

Vị trí chiến lược ở Nam Á và Ấn Độ Dương
Trong chiến lược này, Financial Times ghi nhận Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự tại Nam Á và Ấn Độ Dương qua những đề án cảng lúc đầu thuần thương mại.
Tờ báo nêu ví dụ Cảng Gwadar ở Pakistan được mô tả như là một yếu tố then chốt của hành lang kinh tế 54 tỷ đô la, nối liền Pakistan với Trung Quốc.

Ban đầu cam kết của Trung Quốc chỉ giới hạn ở việc tài trợ và xây dựng cảng, nhưng vào năm 2015, Pakistan đã nhượng cảng lại cho một tập đoàn Trung Quốc - China Overseas Ports Holding Company - mà hợp đồng chỉ kết thúc vào 2059.

Trung Quốc cho đến nay luôn khẳng định rằng đó chỉ là một đề án thuần túy thương mại. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn nói rằng việc chuyển nhượng đó là một « hoạt động thương mại » nhằm tạo điều kiện cho « hợp tác hữu nghị giữa hai nước ». Phía Pakistan, qua lời bộ trưởng Kế Hoạch Ahsan Iqbal, vào tháng 11/2016, trả lời báo Financial Times, cũng nhấn mạnh rằng « sẽ không có sự hiện diện quân sự Trung Quốc » tại cảng Gwadar.

Nhưng một viên chức ngoại giao Pakistan, đã giải thích : « Với sự phát triển của Gwadar, việc các tàu Trung Quốc qua lại, thương thuyền cũng như tàu chiến, sẽ gia tăng trong khu vực. Dù không có dự án xây dựng một căn cứ Hải Quân Trung Quốc thường trực, nhưng quan hệ hai bên đang mở rộng qua lãnh vực biển ».
Theo Financial Times, kịch bản Gwadar đang được tái hiện ở một vùng đất xa hơn về phía Tây, tại Djibouti, bên bờ một eo biển hẹp vùng Sừng Châu Phi.
Lúc đầu thì mối quan tâm của Bắc Kinh ở đây có vẻ thuần túy thương mại với việc tập đoàn nhà nước CMG - China Merchants Group, đầu tư vào cảng container của Djibouti năm 2012, mở đường cho một khoản đầu tư lớn 9 tỷ đô la bao gồm việc xây dựng một bến cảng cho tàu chở khí hóa lỏng, một bến cảng đón gia súc và một khu hậu cần.

Nhưng vào năm ngoái, 2016, Trung Quốc công khai thừa nhận là đầu tư ở Djibouti có một tầm vóc mới, với việc xây dựng cảng Hải Quân đầu tiên của Trung Quốc ở hải ngoại, cho phép sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ít ra cho đến năm 2026, với một đạo quân có thể lên đến 10.000 người. Trong khi đó thì truyền thông chính thức Trung Quốc vẫn gọi căn cứ hải quân này là « trung tâm hậu cần ».
Sức mạnh tài chính : Vũ khí uy hiếp
Theo các nhà phân tích, thật ra rất khó cưỡng lại một Trung Quốc nắm trong tay những phương tiện tài chính hùng mạnh. Một ví dụ điển hình là Sri Lanka.
Sau khi lên nắm quyền năm 2015, tổng thống Sri Lanka, Maithripala Sirisena, đã cố đình chỉ một đề án xây dựng ở Colombo « một thành phố cảng » trị giá 1,4 tỷ đô la do các tập đoàn Trung Quốc đứng thầu.
Tổng thống Sirisena đã rất bất bình trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, thấy rõ qua vụ một tàu ngầm và một tàu chiến Trung Quốc đã đột nhiên ghé cảng container ở Colombo vào cuối năm 2014. Phần cảng này là do một tập đoàn nhà nước Trung Quốc nắm giữ.

Theo ông Brahma Chellaney, giáo sư về chiến lược ở Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị Delhi, điều trên đã chứng minh cho khả năng một đề án kinh tế có thể nhanh chóng biến thành quân sự.
Sau khi tổng thống Sirisena tỏ thái độ chống đối, Bắc Kinh đã lập tức gây sức ép, bắt bí bằng các khoản nợ to lớn của Sri Lanka với các ngân hàng Trung Quốc. Tháng 7 vừa qua, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị viếng thăm chính thức Sri Lanka, mang theo thông điệp không khoan nhượng. Theo một viên chức Colombo xin giấu tên, ông Vương Nghị đã nói thẳng : « Hoặc là chính quyền Sirisena cố thúc đẩy đề án, hoặc là Trung Quốc hoàn toàn bỏ rơi Sri Lanka ».

Vì nợ Trung Quốc 8 tỷ đô la, chính phủ Sri Lanka đã phải lùi bước, và một tháng sau đã phải ký thỏa thuận với tập đoàn cảng Trung Quốc CHEC - China Harbour Engineering Company - mở đường cho việc tiếp tục lại công trình sau 18 tháng gián đoạn.
Cũng trong khuôn khổ vụ việc này, một tập đoàn khác của Trung Quốc đã chiếm đa phần vốn của một cảng khác, Hambantota, ở phía nam của Sri Lanka, với 1 tỷ đô la.
Điều đó đã cho phép Trung Quốc có thêm một cảng hiện đại ở vùng Ấn Độ Dương, với hạ tầng cơ sở do một tập đoàn xây dựng Trung Quốc đảm trách với tín dụng Trung Quốc.
Những vùng khác quanh Ấn Độ Dương cũng trở nên quan trọng trong cái nhìn của Trung Quốc muốn thống trị mặt biển : Theo một thỏa thuận quân sự song phương với Seychelles, tàu Trung Quốc có thể sử dụng cảng của Seychelles như địa bàn để tuần tra chống hải tặc.
Ở Maldives, chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2014, đã chính thức đưa chuỗi đảo nhỏ chỉ có 350.000 dân này, vào chương trình « Một vành đai, một con đường », với những cam kết đầu tư vào hạ tầng cơ sở.

Châu Âu không ngoài tầm nhắm
Trung Quốc đã không bỏ lỡ một dịp nào để mở rộng mạng lưới cảng, nắm lấy cơ hội ở Hy Lạp, bị nợ nần chồng chất, thâu tóm cảng Pirée, tăng cường hiện diện tại châu Âu.
Trung Quốc đã đầu tư và nắm đa số phần vốn của một trong những cảng lớn nhất châu Âu này vì hai mục tiêu : thương mại và chiến lược.
Khi thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tiếp đón vào đầu năm 2015 các sĩ quan cao cấp của Hải Quân Trung Quốc cùng một chiến hạm, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho là ông Tsipras ủng hộ việc bán cảng cho công ty Trung Quốc. Không đầy một năm sau, cảng được nhượng với giá 420 triệu đô la.

Financial Times ghi nhận là quan chức Trung Quốc lúc đó rất phấn khởi vì nhớ lại việc chính quyền Bắc Kinh bị hoàn toàn bất ngờ và bị động vào năm 2011 khi phải di tản 36.000 người lao động Trung Quốc khỏi Libya và đã phải nhờ đến thương thuyền Hy Lạp trợ giúp.

Một viên chức Trung Quốc xin giấu tên đã nhận định : « Nếu tình trạng đó tái diễn, thì chúng tôi sẽ được chuẩn bị tốt hơn. Có thể sử dụng tàu chiến Trung Quốc để di tản người đến cảng Pirée của chúng tôi. »


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Biển Đông : Mỹ dự trù hành động mới thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc

 

Biển Đông : Mỹ dự trù hành động mới thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc

media
Ảnh minh họa : Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson rời cảng North Island, Coronado, California, Hoa Kỳ, ngày 05/01/2017.REUTERS/Mike Blake
Trang mạng Navy Times hôm qua, 12/02/2017, trích dẫn nhiều quan chức cho biết là Hải quân Mỹ và Bộ Chỉ Huy lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ đang chuẩn bị những hoạt động mới để thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, bằng cách điều thêm chiến hạm đến sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng và quân sự hóa ở vùng biển này.
Các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải, viết tắt là FONOPS, sẽ do các tàu thuộc cụm tấn công của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson thực hiện. Đó là tàu tuần dương tên lửa USS Lake Champlain CG-57 và hai tàu khu trục USS Wayne E. Meyer và USS Michael Murphy. Đội tàu này hiện đang ở Thái Bình Dương và đang tiến về hướng Biển Đông, theo lời 3 quan chức quốc phòng nói với Navy Times, nhưng xin miễn nêu tên. Chưa rõ là khi nào đội tàu nói trên sẽ đi vào khu vực Biển Đông.
Theo Navy Times, kế hoạch của Hải quân Mỹ chắc là sẽ đưa các chiến hạm xâm nhập khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa, một hành động mới thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, mà trong quá khứ đã từng gây căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh.
Navy Times cho biết các kế hoạch nói trên sẽ được chuyển theo từng cấp chỉ huy, lên tới tổng thống Donald Trump để phê chuẩn và sẽ phần nào phản ánh chính sách của chính quyền Trump về Biển Đông.
Trả lời Navy Times, chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ( CSIS ) ở Washington, cho rằng “không thể nào buộc được Trung Quốc rút khỏi các đảo nhân tạo mới xây ở Trường Sa” Nhưng theo bà Glaser, Hoa Kỳ “có thể thi hành một chiến lược nhằm ngăn chận Bắc Kinh bồi đắp thêm đảo và quân sự hóa, đồng thời ngăn chận Trung Quốc sử dụng những tiền đồn mới để dọa nạt hoặc cưỡng ép các nước láng giềng”.


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh

Chính sách Biển Đông của tân chính quyền Mỹ đang ở bước đầu


Chính sách Biển Đông của tân chính quyền Mỹ đang ở bước đầu

Từ ngày 8/11/2016 tức là lúc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, những ai quan tâm đến Biển Đông đều chú ý đến nhất cử nhất động của tân chủ nhân Nhà Trắng và những nhân vật trọng yếu trong ê kíp sắp cầm quyền tại Washington để xem chính sách Biển Đông của chính quyền mới tại Hoa Kỳ sẽ ra sao.

Ba tháng đã trôi qua, nhưng thực tế cho thấy là nếu « chính sách Trung Quốc » đã tương đối có da có thịt, thì đối sách Biển Đông của chính quyền Trump vẫn chưa định hình rõ nét, về căn bản vẫn tạm đi theo hướng mà cựu tổng thống Obama đã vạch ra. Đây cũng là ý kiến của giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Biển Đông tại trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) khi trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI
Ghi nhận đầu tiên là cho đến lúc này, bản thân tổng thống Donald Trump có dấu hiệu chưa quan tâm lắm đến vấn đề Biển Đông. Dĩ nhiên, dư luận đã từng chú ý đến lời chỉ trích nặng nề của ông đối với các hành vi của Trung Quốc « xây pháo đài » giữa Biển Đông, nhưng nhìn chung, đây không phải là điều mà tân lãnh đạo Mỹ quan tâm. Trong buổi họp báo chung với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 10/02/2017 tại Washington chẳng hạn, khi được một nhà báo Nhật Bản của tờ Sankei Shinbum hỏi thẳng về phản ứng của ông đối với « lập trường cứng rắn của Trung Quốc » tại Biển Đông sẽ như thế nào, ông Trump đã trả lời vòng vo mà quên hẳn câu hỏi. Trong cả cuộc họp báo, chỉ có thủ tướng Abe là nói đến Biển Đông mà thôi.
Tổng thống Trump không quan tâm, còn hai nhân vật trụ cột là tân ngoại trưởng Rex Tillerson và tân bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis thì sao ? Cả hai đều đã có những tuyên bố khá khúc triết về Biển Đông, ông Tillerson nhân buổi điều trần tại Thượng Viện Mỹ ngày 11/01 và ông James Mattis trong buổi họp báo chung với đồng nhiệm Nhật Bản tại Tokyo ngày 04/02 vừa qua.
Vấn đề là nội dung hai phát biểu lại có vẻ mâu thuẫn với nhau trong cách đối phó với các hành vi quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, ông Tillerson thì cứng, trong lúc ông Mattis lại rất mềm mỏng.
Nội dung tuyên bố của ông Tillerson có thể tóm tắt như sau : Không thể để Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, vì làm như vậy, toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ bị tác hại. Do vậy, Mỹ cần phải, một là buộc Trung Quốc dừng quân sự hóa Biển Đông, dừng các hoạt động xây dựng trên đảo nhân tạo; hai là chặn đường không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo.
Thế nhưng, gần một tháng sau, trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Nhật Bản Tomomi Inada, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ lại khẳng định tình hình chưa đến nỗi buộc Mỹ phải « tiến hành các hoạt động quân sự lớn », mà chỉ cần có những nỗ lực ngoại giao, đối thoại để giải quyết vấn đề.
Nội dung tuyên bố trên đây đã khiến một số quan sát viên cho rằng giữa hai bộ của Mỹ đang xẩy ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược về chính sách Biển Đông.
Tuy nhiên trong một bài phân tích ngày 06/02, nhà báo Ankit Panda của tờ The Diplomat đã cho rằng phát biểu của ông Mattis về nhu cầu thúc đẩy ngoại giao chỉ nhằm giải tỏa một số hiểu lầm đến từ lời lẽ quá đanh thép của ông Tillerson, chứ chính sách Biển Đông của Mỹ về căn bản vẫn cứng rắn đối với các hành vi chiếm hữu phi pháp và bức hiếp các láng giềng của Bắc Kinh tại Biển Đông.
The Diplomat đã nêu bật một số tuyên bố của ông Mattis tại Tokyo, chẳng hạn như khi ông cho rằng « Trung Quốc đã phá nát lòng tin của các quốc gia trong khu vực, và dường như đang tìm cách áp đặt quyền phủ quyết (của Trung Quốc) trên các vấn đề về ngoại giao, an ninh và kinh tế của các nước láng giềng. »
Đối với tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, các nước không có quyền giải quyết tranh chấp bằng cách sử dụng « phương tiện quân sự và chiếm đóng các khu vực là đang là đối tượng tranh chấp ».
Dựa trên các tuyên bố của ông James Mattis, được cho là « một sự trình bày mạch lạc chính thức cấp cao đầu tiên » của những ưu tiên về Biển Đông mà tân chính quyền Hoa Kỳ theo đuổi, The Diplomat đã xem đấy là « một tin tốt đẹp cho các quốc gia trong khu vực - và không mấy tốt cho Trung Quốc ». Tốt đẹp là vì chính sách của Hoa Kỳ đối với Biển Đông trước mắt dường như không thay đổi so với thời Obama.
Tuy nhiên, The Diplomat cũng rất thận trọng, cho rằng những gì tướng Mattis nêu lên chỉ là những ý kiến đưa ra trong một cuộc họp báo. Ngoài ra, chính sách ngoại giao của nước Mỹ cũng không phải là do bộ Quốc Phòng ấn định.
Để hiểu rõ thêm về chính sách châu Á của tân chính quyền Mỹ, đặc biệt là về Biển Đông và Việt Nam, RFI đã phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ). Đối với giáo sư Long, chính sách riêng của chính quyền Donald Trump thực ra chưa định hình, trước mắt chỉ mới có vế Trung Quốc là tương đối có phối hợp. Trả lời câu hỏi của RFI về khác biệt trong tuyên bố hòa dịu gần đây của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ so với phát biểu cứng rắn trước đó của đồng nhiệm ở bộ Ngoại Giao, giáo sư Long cho rằng đó chỉ nhằm mục đích trấn an các đồng minh của Mỹ tại châu Á.
Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ trong chuyến đi Nhật và Hàn Quốc vừa qua bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis có sứ mạng là trấn an các đồng minh của Mỹ trong khu vực bằng cách công bố rằng Mỹ muốn tận dụng ngoại giao để giải quyết các vấn đề nổi cộm trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Nhưng ông ta cũng tuyên bố tiếp rằng các hoạt động quân sự là để tiếp sức cho các nhà ngoại giao; và trong hiện tại ông chưa thấy cần thiết có những “động thái quân sự ấn tượng nào cả” (any need for dramatic military moves at all.)
Còn ông Rex Tillerson, khi điều trần trước Quốc Hội Mỹ nói cứng là Mỹ nên bủa vây các đảo mà Trung Quốc đã xây đắp để Trung Quốc khỏi đưa quân lính và vũ khí lên đó, một phần là vì ông ấy muốn được Quốc Hội thông qua việc ông ấy được đề cử làm ngoại trưởng. Nay, được chính thức làm ngoại trưởng rồi thì ông ấy có vẻ cũng mềm dẻo hơn.
Theo các báo lớn của Mỹ, như tờ Washington Post và tờ New York Times, thì ngoại trưởng Tillerson có đóng góp quan trọng trong lá thư của tổng thống Trump cho Tập Cận Bình mà ngày 08/02, chính Cố Vấn An Ninh Michael Flynn đã tận tay đưa cho đại sứ Trung Quốc ở Hoa Thịnh Đốn. Thư đó có nói rằng Trump muốn làm việc cùng với Tập Cận Bình để “phát triển một quan hệ xây dựng cho lợi ích của cả Mỹ và Trung Quốc.”
Sau đó, chiều ngày 09/02 (giờ Hoa Thịnh Đốn), Trump và Tập có cuộc trao đổi bằng điện thoại mà Nhà Trắng tuyên bố là vừa rất lâu và vừa “cực kỳ thân mật” (extremely cordial). Một số nội dung cuộc nói chuyện điện thoại này đã được các báo chí tường thuật với nhiều chi tiết cho nên tôi không lập lại ở đây làm gì.
Tôi chỉ muốn lưu ý ở đây là sau một thời gian lập cập thì hiện nay chính sách Mỹ đối với Trung Quốc đang có vẻ được phối hợp giữa bộ trưởng Quốc Phòng, bộ trưởng Ngoại Giao, và một số nhân vật trong Nhà Trắng.
RFI :Dựa theo những gì ta được biết về các nhân vật trong chính quyền Trump, có thể thấy là chính sách Biển Đông của Washington sẽ như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long : Mặc dầu hiện nay đang có cố gắng phối hợp chính sách đối với Trung Quốc, nói riêng, và đối với Á châu, nói chung, tôi nghĩ thật ra chưa có đồng thuận. Ngay trong Nhà Trắng còn có tranh giành ảnh hưởng của các cố vấn đối với Trump và còn có những khác biệt quan trọng giữa những nhân vật chủ chốt như là Michael Flynn, Stephen K. Bannon và Jared Kushner, con rể của Trump và được Trump nghe lời nhất.
Chính sách Biển Đông chỉ là một khía cạnh của chính sách lớn của Mỹ đối với Á châu cho nên khi nào thấy có một sự đồng thuận giữa các cố vấn của Trump với ít ra hai bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng thì người ta mới rõ chính sách Biển Đông của Mỹ như thế nào.
Trong khi đó thì có một số tin tức cho rằng người đứng đầu chính sách về Trung Quốc của Trump là Kushner, con rể của ông. Do đó, tôi nghĩ sẽ có sự hợp tác chặt chẽ giữa bộ Quốc Phòng và bộ Ngoại Giao, để cộng tác với Kushner hay là để đối phó khi cần.
RFI : Trung Quốc sẽ lợi dụng thời cơ hiện nay như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long : Trung Quốc đang dùng những đòn bẩy kinh tế, trong đó có các quan hệ làm ăn với chính con gái của Trump và gia đình con rể của Trump. Đây là cách các nhà làm chính sách Trung Quốc đã “nhảy cóc” qua rất nhiều rào cản để đến tận tai của Trump.
Trump là một “tay buôn” nên có thể hiểu những vấn đề lợi ích kinh tế rõ hơn là những vấn đề an ninh tầm cỡ quốc tế mà ông ta rất mơ hồ. Những cuộc gặp gỡ của Trump với các tỷ phú đô la Trung Quốc và những phát biểu về “an ninh” của Trump gần đây đã một phần nào cho thấy nhận định trên có thể là đúng.
RFI :Và quan hệ đối với Việt Nam có thể ra sao ? Sẽ khác với thời Obama như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ quan hệ đối với Việt Nam sẽ không khác thời tổng thống Obama là mấy. Mỹ đã bỏ ra mấy thập kỷ để xây dựng quan hệ với Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó có lý do an ninh cho khu vực. Mỹ sẽ tiếp tục cộng tác với Việt Nam trên vấn đề an ninh, và lẽ dĩ nhiên là trong đó Biển Đông là vấn đề mấu chốt
Có khác chăng thì nỗ lực của thời Obama để củng cố và xây dựng các hệ thống an ninh đa phương đã bị Trump làm suy yếu, trong đó có việc Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
RFI : Đâu là những điểm Việt Nam cần chú ý để có thể vận động Chính quyền Mỹ ?
Ngô Vĩnh Long : Hiện tại thì Việt Nam không cần có chú ý đặc biệt để vận động chính quyền Mỹ. Việt Nam nên cố gắng vận động các nước trong khu vực qua việc thúc đẩy các quan hệ song phương và đa phương như ASEAN. Cần thiết nhất là vận động sự ủng hộ của dân chúng trong nước.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List