Căng thẳng Mỹ-Trung trên Biển Đông đang ngày càng ‘khó kiểm
soát’?
Tàu chiến đấu Littoral USS Fort Worth thực hiện các cuộc
tuần tra thường xuyên ở vùng biển Quốc tế gần quần đảo Trường Sa khi tàu khu
trục dẫn đường của Hải quân Trung Quốc Yancheng theo sát ở phía sau. (Hải quân
Hoa Kỳ / Conor Minto)
Sự đối đầu quân sự
Mỹ-Trung ở Biển Đông rất nguy hiểm. Với các sự cố leo thang và lời lẽ hiếu
chiến ở cả hai phía, nó có thể đang trên bờ vực vượt khỏi tầm kiểm soát, theo
nhà phân tích Mark J. Valencia trên Eurasia Review.
Tuần này, người lãnh đạo Hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc John
Richardson, đang tới Trung Quốc để gặp Phó Đô đốc Shen Jinlong và các nhà lãnh
đạo của Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc để thảo luận về việc giảm rủi ro
và tránh tính toán sai lầm.
Đối tác thành đối đầu
Điều này nghe có vẻ tương đối vô hại. Nhưng các nhà lãnh đạo hải
quân thực sự sẽ phải “vật lộn” với những khác biệt thâm căn cố đế và khó có thể
đạt được tiến bộ lớn.
Gợi ý về tầm quan trọng của cuộc đối thoại sắp tới này, Đô đốc
Richardson cho biết một cuộc “trao đổi quan điểm” là rất cần thiết, đặc biệt
trong thời kỳ nhiều “ma sát” như hiện nay.
“Đối thoại thẳng thắn và chân thành có thể cải thiện mối quan hệ
theo cách xây dựng, giúp khám phá các khu vực nơi chúng tôi chia sẻ lợi ích
chung và giảm rủi ro trong khi chúng tôi làm việc thông qua sự khác biệt của
mình”, Đô đốc Richardson nói.
Đô đốc John Richardson phát biểu trong một cuộc họp báo với tướng Philippines
Carlito Galvez Jr., sau cuộc họp hôm thứ Hai tại Aguinaldo ở ngoại ô thành phố Quezon, phía đông bắc Manila, Philippines.
Mặc dù Đô đốc Richardson đầy tinh thần lạc quan, nhưng tình hình
có vẻ khá nghiêm trọng. Tranh chấp Mỹ-Trung ở Biển Đông được thúc đẩy bởi cuộc
đua thâm trầm nhằm giành quyền thống trị trật tự khu vực châu Á trong tương
lai.
Mỹ muốn duy trì sức mạnh chiến lược hàng đầu ở châu Á, trong khi
Trung Quốc muốn thay thế vai trò đó của Mỹ. Với những người theo chủ nghĩa dân
tộc trong nước đều có sức ảnh hưởng lớn, không có khả năng lãnh đạo quốc gia
nào có thể lùi bước.
Bối cảnh chiến lược là cả hai đều coi nhau là mối đe dọa tiềm
tàng và là đối thủ. Hoa Kỳ đã công khai tuyên bố Trung Quốc là “đối thủ cạnh
tranh chiến lược” và là một quốc gia “cần xét lại”. Người tin rằng Hoa Kỳ và
Trung Quốc đang tham gia vào “một cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa tầm nhìn tự
do và đàn áp của trật tự thế giới” ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Trung Quốc có quan điểm thù địch với Hoa Kỳ và ý định của họ. Bắc
Kinh tin rằng Hoa Kỳ muốn kiềm hãm sự trỗi dậy chính đáng của họ trong khu vực
và trên thế giới.
Quan điểm này được phản ánh trong các tuyên bố như bài phát biểu
của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không bị đẩy
ra bên lề, “không ai có thể ra lệnh cho người dân Trung Quốc những gì nên hay
không nên làm”. Những phát ngôn này được hiểu nhắm đến Hoa Kỳ và các hành động
gần đây của nó ở Biển Đông, cũng như trong các lĩnh vực khác.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nói rằng những động
thái gần đây của Washington đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” thành tựu đạt được
trong bốn thập kỷ xây dựng quan hệ Mỹ-Trung. Sự căng thẳng và khả năng xảy ra đụng
độ ở Biển Đông là có thể cảm nhận được.
Góp phần vào sự căng thẳng ngày càng tăng, Hoa Kỳ đã tăng cường
tần suất của các hoạt động Tự do Hàng hải (FONOPs) của mình nhằm thách thức các
yêu sách của Trung Quốc
Gia tăng
thách thức
Washington cũng tỏ dấu gia tăng sự hỗ trợ cho Đài Loan bằng cách
phê duyệt ba lần đi qua eo biển Đài Loan nhạy cảm trong một năm bằng tàu chiến,
sau một năm gián đoạn trước đó, và khiến Trung Quốc tức giận khi phê duyệt hợp
đồng bán vũ khí mới cho Đài Bắc.
Lầu Năm Góc cũng đã tăng tần suất bay qua vùng trời Biển Đông bằng
máy bay ném bom B52 có khả năng hạt nhân.
Rõ ràng Hoa Kỳ đã công khai thách thức Trung Quốc về hành vi
“quân sự hóa” các đảo do Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông, và về việc họ
sử dụng sự “cưỡng bức và đe dọa” đối với các đối thủ trong khu vực.
Để đưa ra quan điểm của mình, Hoa Kỳ đã khiến Trung Quốc “ê mặt”
bằng cách rút lại lời mời tham gia cuộc tập trận hàng hải đa phương lớn nhất thế
giới, EDRIMPAC 2018. Và Washington đã tiếp tục “dội nước lạnh” vào Trung Quốc bằng
tuyên bố sẽ lái máy bay, đi tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế
cho phép.
Rõ ràng Hoa Kỳ gần đây đã có một sự thay đổi, chuyển sang gia
tăng mạnh mẽ về sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Chủ nghĩa an ninh gia tăng của
quân đội Hoa Kỳ có khả năng tương thích với quan điểm của cố vấn an ninh quốc
gia John Bolton, vì đã chấp nhận rủi ro lớn hơn những người tiền nhiệm gần đây.
Ông Bolton dường như đã tập trung kiểm soát các vấn đề an ninh.
Ít nhất trong tương lai gần, ông Bolton sẽ có ảnh hưởng gia tăng đối với chính
sách và hành động an ninh của Mỹ. Liệu Bộ trưởng Quốc phòng mới sẽ có tác động
cá nhân và mối liên hệ đối trọng với ông Bolton về các vấn đề Biển Đông hay
không là một câu hỏi mở.
Tàu chiến Trung Quốc (bên phải) áp sát nguy hiểm gần tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur của hải quân Mỹ trên Biển Đông hôm 30/9 (Ảnh: BI)
Chủ nghĩa an ninh gia tăng của Hoa Kỳ đã thúc đẩy Trung Quốc
nâng cao đánh cược vào các tính toán sai lầm. Vào tháng 9/2018, một tàu chiến
Trung Quốc đã chặn USS Decatur, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường, trong khi
nó đang tiến hành một hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.
Theo Lầu Năm Góc, tàu chiến Trung Quốc đã thực hiện các hành động
hung hăng kèm theo lời cảnh báo thúc giục Decatur rời khỏi vùng biển, mà họ gọi
là hành động “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”.
Ngay sau đó, Đại úy Hải quân Trung Quốc Zhang Junshe cảnh báo rằng
Hoa Kỳ mới là bên có lỗi trong bất kỳ cuộc đụng độ quân sự nào giữa hai nước.
Vào tháng 1, sau khi một tàu chiến khác của Mỹ tiến hành FONOP gần
quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp, truyền thông nhà
nước Trung Quốc đã đưa tin về việc triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26
tiên tiến của quân đội. Tên lửa này có tầm bắn tối đa khoảng 3.400 hải lý, khiến
phần lớn Biển Đông trong tầm ngắm của nó.
Tiên hạ thủ vi cường?
Mối đe dọa này được củng cố bởi Chuẩn đô đốc Trung Quốc Lou
Yuan, người đã hô hào kêu gọi một cuộc tấn công tên lửa vào các tàu sân bay Mỹ ở
Biển Đông. Ông tuyên bố rằng những gì Hoa Kỳ lo sợ nhất là thương vong.
Ông Luo được ví như Đại tướng Không quân Hoa Kỳ Curtis Le May,
Tham mưu trưởng Không quân khi đó chủ trương ném bom các địa điểm tên lửa của
Liên Xô ở Cuba trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, một hành động có thể khởi động
chiến tranh hạt nhân.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. (Ảnh: AFP)
Những gì làm cho tình hình này trở nên nghiêm trọng là điều David
Gompert, cựu quan chức tình báo cấp cao thứ hai trong Chính quyền Obama, gọi là
“sự bất ổn khủng hoảng”.
“Điều này xảy ra khi cái giá của việc không tấn công trước đối
thủ có nghĩa là thất bại. Mỗi bên đều biết bên kia đang suy nghĩ theo cùng một
cách và vì vậy, tất cả đều có động cơ để hành động phủ đầu nếu chiến tranh dường
như sắp xảy ra. Hoặc có thể xảy ra. Hoặc có thể chỉ là có thể. Không hạ thủ trước
sẽ bị thất thế, tư duy như vậy có thể biến cuộc đối đầu thành sự hỗn loạn”, ông
Gompert nói.
Theo ông Gompert, Trung Quốc đặc biệt lo lắng về một cuộc chiến
kéo dài, trong đó các lực lượng vượt trội về mặt kỹ thuật của Hoa Kỳ sẽ thắng
thế.
Vì vậy, quân đội của họ đang phát triển các kế hoạch và chiến
thuật cho các cuộc tấn công sớm và nhanh chóng để đánh bại các tàu sân bay, căn
cứ không quân và mạng lưới chỉ huy và kiểm soát của Mỹ, bao gồm cả các vệ tinh.
“Tình hình có thể đang đạt đến một điểm bùng phát hoặc thậm chí
là một điểm kích hoạt, và cần được giải quyết khẩn cấp”, ông Gompert nói.
Trung Dung
__._,_.___
Posted by: Truc Chi