Nhật Ký Biển Đông: Ô. Hun Sen Trước
Cơn Sóng Gió
Nhật
Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Mười Một ghi nhận những biến chuyển quan trọng
như sau:
Tình hình Hoa Kỳ:
-Fox News ngày 21/11/2017: “Ba quân nhân làm việc tại Tòa Bạch Ốc vừa được chỉ
định làm việc khác sau khi có báo cáo họ đã có cuộc tiếp xúc không thích hợp
với phụ nữ nhân chuyến công du Á Châu của Tổng Thống Donald Trump. Các quân
nhân này làm việc tại Nha Thông Tin Phủ Tổng Thống đang bị điều tra vì đã vi
phạm lệnh cấm lúc Tổng Thống Donald Trump còn ở Việt Nam. Vào Tháng 8,
bốn quân nhân làm việc cho Nha Thông Tin Phủ Tổng Thống cũng đã bị thuyên
chuyển sau khi họ đem gái vào khách sạn trong chuyến công du Panama của Phó
Tổng Thống Mike Pence. ”
-Newsweek ngày 25/11/2107: “Một mục sư ở Virginia đã bắn chết vợ, con gái của
vợ cùng bạn trai của cô này ngay trong bữa tiệc Thanksgiving tại nhà, có thể do
cãi cọ chuyện gì đó trong gia đình.”
Thật kinh hoàng! Những bữa cơm tụ họp gia đình trong ngày Lễ Thanksgiving của
người Mỹ linh thiêng như ngày Tết của người Việt Nam. Tại sao thảm họa lại xảy
ra, nhất là trong gia đình của một vị mục sư? Có những chuyện trên đời này
chúng ta không sao hiểu được. Sân hận, nóng nảy và bạo lực đang lan tràn khắp
thế giới. Cách đây hơn hai tuần lễ, vào ngày 5/11/2017, tại Sutherland Spring
-một thị trấn nhỏ của Tiểu Bang Texas, Devin Kelley
một thanh niên Da Trắng 26 tuổi
bị tòa án quân sự sa thải khỏi không quân, đã bước vào nhà thờ nơi đang
có 50 tín đồ hành lễ, nổ súng giết chết ít nhất 26, làm bị thương 20 người.
Hung thủ đã bị bắn chết sau đó. Đây là một vụ thảm sát rất đáng sợ vì trong số
nạn nhân có những em bé và phụ nữ có thai.
-Good Morning America ngày 29/11/2017:”Dân chúng Thái Lan phẫn nộ sau khi hai
thanh niên Da Đen Hoa Kỳ bị bắt vì đã đưa lên/ trưng bày tấm hình họ lộ mông
đít trước Chùa Rạng Đông hay
Đền Wat Arun/Temple of Dawn. Travis và Joseph, cả hai đều 38 tuổi, đã bị cảnh
sát Sở Di Trú bắt giữ tại Phi Trường Quốc Tế Mueang khi họ định rời Thái Lan.
Viên chức Thái Lan nói rằng hành vi này có thể bị tù dài hạn vì đó là hành động
khiếm nhã ở nơi thờ phượng và là một nhắc nhở cho mọi người cần phải tôn
trọng văn hóa và tín ngưỡng Thái Lan. Theo giới chức Hoa Kỳ tại San Diego,
California thì hai “ông” này đã từng đưa lên Facebook những tấm hình lộ mông
đít chụp ở nhiều thánh tích trên thế giới.”
Tôi không hiểu hai thanh niên Da Đen này hành động như thế để làm gì? Kỳ thị
tôn giáo? Thiếu giáo dục bản thân? Hay đây chỉ là phản ứng ngông cuồng của một
thanh niên trưởng thành trong một xã hội quá phóng túng và tưởng đó hay-đẹp mà
cần cho cả thế giới biết? Theo tôi nghĩ, nếu hai “ông” này làm thế tại một đền
thờ Hồi Giáo thì đã nổ ra cuộc biểu tình cả triệu người, hò hét đòi treo cổ chứ
không chỉ bắt giữ, đưa ra tòa như Thái Lan.
Tình hình thế giới:
-Fox News ngày 16/1/2017: “Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc với đa số áp
đảo (135 phiếu thuận, 10 phiếu chống,
26 không bỏ phiếu) đã chấp thuận một nghị quyết kêu gọi Miến Điện chấm dứt
những cuộc hành quân chống lại người Hồi Giáo Rohingya, bảo đảm việc tình
nguyện hồi hương và ban cấp cho họ đầy đủ quyền của một công dân. Trong số
những quốc gia láng giềng của Miến Điện bỏ phiếu chống gồm có Trung Quốc, Nga,
Phi Luật Tân, Việt Nam và Lào. Nghị quyết này sẽ phải đưa ra Đại Hội Đồng vào
Tháng 12 và chắc chắn sẽ được thông qua. Nghị quyết được bảo trợ bởi 57 quốc
gia thuộc Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo (Organization of Islamic Cooperation).
Cùng ngày, Reuters cho biết Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Quốc sẽ viếng
thăm Miến Điện và Bangladesh vì cuộc khủng hoảng người Hồi Giáo Rohingya. Cho
tới nay đã có khoảng 600,000 người Rohingya chạy qua Bangladesh và chưa chắc họ
đã muốn trở lại Miến Điện. Vào ngày 15/11/2017 Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Tillerson đã
có chuyến thăm vội vàng tới Miến Điện và kêu gọi mở cuộc điều tra về hành vi
ngược đãi người Rohingya của quân đội. Theo AP ngày 22/11/2017, Hoa Kỳ tuyên bố
những bạo động đang tiếp diễn chống lại người Hồi Giáo Rohingya tại Miến Điện
là cuộc thanh lọc chủng tộc, như thế tạo áp lực lên quân đội xứ này phải ngưng
cuộc đàn áp thô bạo. Theo CNN ngày 27/11/2017, Miến Điện và Bangladesh đã đạt
thỏa thuận tự nguyện hồi hương cho người tỵ nạn Rohingya. Vào ngày 28/11/2017
Giáo Hoàng Francis đã viếng thăm Miến Điện, hội kiến với Bà Suu Kyi nhưng nghe
theo lời khuyến cáo của các giới chức Thiên Chúa Giáo địa phương, đã không đề
cập tới vấn đề người Rohingya.
-AP ngày 21/11/2017: “Tổng Thống Mugabe của Zimbabwe từ chức và công bố có hiệu
lực từ ngày hôm nay sau 37 năm “hy sanh” làm tổng thống, ngay sau khi quốc hội
tiến hành việc truất phế ông. Trong bức thư gửi cho quốc hội ông nói rằng việc
tình nguyện từ chức là do quan tâm tới phúc lợi của đất nước và cũng là mong
muốn chuyển giao quyền hành một cách êm thắm và không đổ máu.”
Như vậy thế giới thở phào nhẹ nhõm và chờ đợi xem ông phó tổng thống lưu vong
Mnangagwa điều hành đất nước Zimbabwe như thế nào hay lại giống như “ông già
cũ” thấy chức vụ tổng thống “thơm” quá bèn bắt vít vào ghế, sửa hiến pháp ngồi
lì thêm vài chục năm rồi lại bị đảo chính lật đổ như ông cũ. Ôi quyền lực!
Miếng mồi ngon câu nhử cả nhân loại, không một ai mà không ham muốn và nắm chặt
lấy cho đến ngày bị đảo chính hay nhắm mắt lìa đời!
-Newsweek ngày 22/11/2017: “Các chiến hạm của Ba Tư đang chuẩn bị rời Vịnh Ba
Tư để để thực hiện một vòng quanh thế giới và một vùng biển khác đó là Vịnh Mễ
Tây Cơ nằm giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ. Giữa lúc Ba Tư đang nhắm mở rộng và hiện
đại hóa quân đội trước sự gia tăng đe dọa từ phía Hoa Kỳ. Vị tư lệnh hải quân
vừa được bổ nhiệm Hossein Khanzadi đã tổ
chức cuộc họp báo vào ngày hôm nay, loan tin rằng hạm đội của Ba Tư sẽ sớm khởi
hành đi Đại Tây Dương và Vịnh Mễ Tây Cơ trên đường thăm viếng một số quốc gia
Nam Mỹ. Hành động này được coi như một phần của nỗ lực đưa quân đội Ba Tư lên
tầm mức toàn cầu và thiết lập liên hệ quốc tế trong lúc Tổng Thống Donald Trump
và đồng minh, kể cả Do Thái, Ả Rập Sê-út tìm cách cô lập cường quốc thuộc hệ
phái Hồi Giáo Shiite này.”
Không còn nghi ngờ gì nữa, Ba Tư đang trỗi dậy để trở thành một cường quốc tại
Trung Đông giữa lúc Ô. Trump đe dọa hủy bỏ thỏa hiệp hạt nhân ký kết giữa Ba Tư
và sáu cường quốc Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga…để gia tăng cấm vận, cô lập
Ba Tư. Chuyển động cũng cho thấy Nam Mỹ cũng đang chuyển mình để theo đuổi
chính sách ngoại giao đa phương chứ không thuần túy chỉ là “Sân sau của Mỹ” nữa. Hiện nay Ba
Tư đang có mối liên hệ chặt chẽ về quốc phòng với Nga và Hoa Lục.
Theo Telegraph ngày 26/11/2017, Ba Tư tuyên bố sẽ nâng tầm bắn của hỏa tiễn lên
hơn 2000km nếu Âu Châu đe dọa họ.
-Reuters ngày 24/11/2107: “Trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Nhật tại
Moscow, Ngoại Trưởng Sergei Lavrov của Nga bày tỏ lo ngại chuyện Nhật Bản cho
phép sử dụng lãnh thổ của mình như là một căn cứ quân sự của Mỹ tại Bắc Á dưới
chiêu bài chống lại Bắc Triều Tiền.”
-Newsweek ngày 26/11/2017, trong bài viết, “Trung Quốc phô diễn sự bành trướng
toàn cầu với thao diễn quân sự tại Phi Châu” (China Displays Global Expansion With
Military Showcase in Africa) đã đưa lên hình ảnh lính Trung Quốc diễn tập bắn
đạn thật tại sa mạc Djboutit, căn cứ quân sự hải ngoại duy nhất của Hoa
Lục tại đông Phi Châu.”
-Yahoo News ngày 29/11/2017: “Nga sẽ chi tiêu 500 tỉ rúp (8.6 tỉ Mỹ Kim) để
khuyến khích người dân đẻ thêm con, bao gồm hỗ trợ tiền mua nhà và các gia đình
đông con. Hiện nay Nga đất thì rộng mà dân số chỉ vào khoảng 144 triệu và đang
có khuynh hướng kế hoạch hóa gia đình, đẻ it hoặc không đẻ.”
Nhân loại sao nhiều nỗi khó khăn? Đông dân và đẻ sòn sòn thì không tạo kịp nhà
cửa, công ăn việc làm, chăm sóc sức khỏe. Còn không đẻ thì dân số giảm đi, khó
lòng phát triển. Hiện nay Nhật Bản đang báo động về nạn sụt giảm dân số. Người
già thì tăng nhanh còn trẻ con thì ít đi.
Tình hình Trung Đông:
-CNN ngày 16/11/2017:”Một bản báo cáo chung của Liên Hiệp Quốc cùng các thanh
tra quốc tế về hóa học vào tháng rồi đã xác định chế độ của Ô. Assad phải chịu
trách nhiệm về cuộc tấn công bằng hóa chất giết chết hơn 80 người. Nghị quyết
đã được 11 thành viên của Hội Đồng Bảo An thông qua nhưng Nga đã dùng quyền phủ
quyết để bác bỏ nghị quyết này.”
-Good Morning America ngày 21/11/2017: “Tổng Thống Assad của Syria đã gặp Tổng
Thống Nga Putin tại khu nghỉ mát Sochi vào ngày 20/11/2017 trong đó ông đã cám
ơn Ô. Putin đã nỗ lực cứu giúp đất nước ông khi nói rằng cách đây hai năm khi
tôi gặp Tổng Thống Putin tại Moscow, cuộc chiến mới bắt đầu Trong hai năm đó,
thành công đã đạt được và cám ơn sự trợ giúp của Không Lực và Không Gian Nga.
Cám ơn Nga và các đồng minh mà người dân Syria có thể quay trở lại nhà của họ.
Trong cuộc tiếp xúc này, Ô. Putin nói rằng Nga sẽ chấm dứt chiến dịch can thiệp
quân sự vào Syria. Sau đó Ô. Putin cũng gọi điện thoại nói chuyện cả tiếng đồng
hồ với Ô. Trump về tương lai của Syria, Bắc Triều Tiên và những khu vực sôi
động khác.
-Newsweek trích dẫn Reuters ngày
21/11/2017: “Trong một chương trình trực tiếp truyền hình, Tổng Thống Ba Tư
Rouhani nói rằng cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria đã kết
thúc.”
- Aljazeera ngày 23/11/2017: “Tổng
Thống Nga Putin nói rằng các tổng thống Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ cho đề
nghị triệu tập một ‘Nghị Hội Syria’ để đưa chính phủ và phe đối lập ngồi chung
lại với nhau. Tổng Thống Putin đã tiếp Tổng Thống Ba Tư Rouhani và Tổng Thống
Thổ Erdogan tại Sochi giữa lúc một vài nhóm phiến quân Syria gặp nhau tại Thủ
Đô Riyadh của Saudi Arabia trước khi cuộc đàm phán do LHQ bảo trợ mở màn tại
Geneve. Nghị Hội Syria sẽ xem xét những câu hỏi mấu chốt về từng bước cho
Syria.”
Tình hình Biển Đông:
Trong hai tuần vừa qua Biển Đông tương đối yên tĩnh kể từ chuyến công du Á Châu
10 ngày của Ô. Trump. Có thể đây là một thỏa hiệp giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh
Đốn nhưng cũng có thể là “bước lùi chiến thuật” của Hoa Lục sau khi đã xây dựng
thành công 10 hòn đảo nhân tạo, đưa vũ khí phòng không vào đây và nhất là tạo
được ảnh hưởng khá lớn lên Phi Luật Tân là quốc gia đồng minh chí cốt của Hoa
Kỳ.
Thế
nhưng theo JapanTimes ngày 23/11/2017, “Úc Châu trong cuốn bạch thư về chính sách,
đã cảnh báo Hoa Kỳ về ý định không can dự vào Á Châu giữa lúc Hoa Lục gia tăng
sức mạnh. Quốc gia đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ này đã trở nên bực bội về
chính sách co cụm của Ô. Trump. Cuốn bạch thư phác thảo một đường hướng về
một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” giữa lúc cán cân lực lượng thay đổi. Tài liệu
136 trang nói rằng Hoa Kỳ đã là sức mạnh khống chế khu vực suốt thời kỳ hậu Thế
Chiến II. Nhưng ngày nay Hoa Lục đang thách thức vị tri đó của Hoa Kỳ. Việc lưu
thông trên đường biển này sẽ khó khăn trong thập niên tới bởi vì sức mạnh quân sự
của Hoa Lục gia tăng. Cả khu vực đang thay đổi theo chiều hướng chưa từng có
trong lịch sử cận đại của Úc Châu.”
Không
ít người vẫn còn giữ quan điểm cách đây hơn nửa thế kỷ, nhìn Hoa Lục qua hình
ảnh của những ông Ba Tàu cửi trần, mặc quần xà lỏn bán hủ tíu, dầu chéo quẩy,
bánh bao, lợn quay ở Chợ Lớn hay Cựu Kim Sơn. Nào là “Mỹ tính hết cả rồi”, cứ yên tâm
ngồi uống cà-phê coi football, Mỹ muốn bóp mũi Tàu lúc nào cũng được. Nào là,
Mỹ làm như vậy để các quốc gia Đông Nam Á sợ quá phải bám vào Mỹ và mua vũ khí
Mỹ.
Từ một đất nước không có khả năng phòng thủ khi
chiến hạm Mỹ áp sát bờ biển 3km vào năm 1958. Nay Hoa Lục đã có 2 HKMH, chuẩn
bị đóng chiếc thứ ba, khoảng 68 tàu ngầm trang bị vũ khí nguyên tử, 35 khu trục
hạm, 51 tuần dương hạm, 35 khu trục hạm nhỏ, 31 tàu vét mìn, 220 tàu tuần tra
và hệ thống hỏa tiễn Đông Phong mang đầu đạn nguyên tử có thể bắn tới Hoa Kỳ
trong vòng 58 phút với quân số hiện dịch khoảng 2.3 triệu…thì thử hỏi ai có thể
là đối thủ của “Ông Trời Con” này đây? Nếu Hoa Kỳ do dự và dồn nỗ lực để chống
Nga, lún sâu vào những cuộc chiến như Iraq, Syria, A Phú Hãn, Yemen, Libya,
Nigeria, Sudan và cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Ba Tư…thì chắc chắn mười năm
nữa thôi, Hoa Lục sẽ chia đôi vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với Hoa Kỳ, tức
Hoa Kỳ không còn “độc quyền” là sức mạnh toàn cầu nữa. Và khi đó Đông Nam Á, để
tránh thảm họa “ trâu bò húc nhau
ruồi muỗi chết” sẽ trở thành khu vực “phi liên kết” tức vừa theo Mỹ,
vừa theo Tàu chứ không thể theo Mỹ 100% và khuynh hướng đó đang từ từ hình
thành.
Nhận Định:
Vào ngày 16/11/2017 The Telegraph loan tin, “Căm Bốt bị cáo buộc là giết chết
nền dân chủ sau khi Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết giải tán đảng đối lập và
đặt ra ngoài vòng pháp luật 100 chính trị gia trước cuộc bầu cử vào năm tới.”
Bên
lề cuộc họp Thượng Đỉnh Đông Á tại Phi Luật Tân tuần vừa qua, Thủ Tướng Hun Sen
đã gặp Thủ Tướng Nga Medvedev và hai bên đồng ý việc Nga gửi một toán giám sát tới
Căm Bốt để theo dõi tính cách tự do và công bằng của cuộc bầu cử. Ô. Hun Sen
còn cho biết Nhật Bản, Liên Hiệp Âu Châu và Trung Quốc đã yểm trợ 21 triệu Mỹ Kim
cho cuộc bầu cử. Vào Tháng Chín năm nay, chính quyền đã đóng cửa tờ báo Anh Ngữ
Cambodia Daily và các đài phát thanh Á Châu Tự Do (Radio Free Asia), Đài Tiếng Nói
Hoa Kỳ (VOA) với lý do các đài
này thiên vị chỉ nói xấu chính quyền mà không nói tới các thành tích của chính
quyền.
Reuters
ngày 20/11/2017 cho biết Ô. Hun Sen đã thách thức Hoa Kỳ hãy cắt mọi khoản viện
trợ sau khi Hoa Kỳ loan báo ngưng tài trợ cho cuộc bầu cử vào năm tới. Còn Thụy
Điển cũng loan báo sẽ ngưng những khoản viện trợ mới cho Căm Bốt ngoại trừ lãnh
vực giáo dục và khảo cứu. Chưa biết viện trợ - tức tiền bạc- có làm Ô. Hun Sen
nao núng hay không? Theo US News & World Report ngày 26/11/2017, Ô. Hun Sen lại kêu gọi đóng
cửa luôn một tổ chức nhân quyền chính ở Căm Bốt với lý do tổ chức này do lãnh
tụ đối lập Kem Sokha tài trợ.
Có điều trớ trêu là trong khi nền dân
chủ Hoa Kỳ đã trưởng thành trên 200 năm và là gương mẫu cho bao quốc gia trên
thế giới noi theo. Thế nhưng ngày nay nó lại nguyên do chia rẽ và hận thù dân
tộc. The
New York Post ngày 28/10/2017: “Kết quả của cuộc thăm dò mới nhất phổ biến ngày
hôm nay cho thấy một con số khiến giật mình là 70% dân chúng Hoa Kỳ tin rằng
đất nước đang chia rẽ dữ dội giống như thời Chiến Tranh Việt Nam.” Còn CBS
Sacramento cho biết “71% dân chúng Hoa Kỳ nói rằng nền chính trị Hoa Kỳ xuống
tới mức thấp nguy hiểm.” (71% Of Americans Say Politics Has
Reached A Dangerous Low Point). Còn Ô. Bernie Sanders (cựu ứng cử viên tổng thống Đảng Dân
Chủ) nói rằng chưa bao giờ người ta lại thù ghét nhau như bây giờ. Thế nhưng
Hoa Kỳ vẫn cứ ép các quốc gia khác phải có một nền dân chủ như mình. Một nền
dân chủ mà: Cái gì cũng chống, làm đúng cũng chống, đem đầu lâu máu giả của
tổng thống ra diễu cợt, đòi nổ tung Tòa Bạch Ốc, đòi ám sát tổng thống, xé cờ,
không chào cờ, đái lên cờ… và ngày nay đòi hủy bỏ bài quốc ca Star Sprangle…có
phải là biểu tượng mà thế giới cần noi theo và vươn tới không? Theo tôi nghĩ,
người Hoa Kỳ nên “chữa bệnh ” của mình trước khi nói đến “bệnh” của người khác.
Trong một bài trước tôi đã nói, “dân chủ quá trớn sẽ đưa đến độc tài”
và “độc tài khắc nghiệt sẽ đưa đến dân
chủ”. Đó là cái vòng luẩn quẩn như “bánh xe luân hồi”. Chỉ có con đường
“trung đạo” là trường tồn.
Theo
World Bank ngày
22/11/2017, đà tăng trưởng kinh tế của Căm Bốt năm 2017 là 6.8 và dự đoán năm
tới sẽ là 6.9 cho dù đang có sự lộn xộn về chính trị. Nếu kinh tế Căm Bốt cứ
trên đà phát triển như vậy thì đối với người dân, tự do, dân chủ, nhân quyền là phụ còn nồi cơm hũ gạo,
vui chơi giải trí, yêu đương, ca hát, quần nọ áo kia, iphone, ipad, nhảy múa,
đá banh, đá bóng, ăn nhậu sẽ thắng. Khi kinh tế suy sụp
thì dân chủ, tự do, nhân quyền có thừa thãi ra đó…thì chính quyền nào cũng bị
lật đổ chứ không riêng gì chế độ độc tài. Đời là vậy. Quy luật bao tử và bản năng
thắng bất cứ quy luật nào. Vào tuần này Ô. Hun Sen sẽ đi Bắc Kinh, gặp
Ô. Tập Cận Bình và các nhà đầu tư Trung Quốc để tạo thêm công ăn việc làm cho
Căm Bốt.
Từ
những thực tế nói trên, ai muốn “cưa
ghế” của Ô. Hun Sen thì phải bước qua xác chết của ông. Vào sinh ra tử từ
năm 26 tuổi, thảnh lập mặt trận chống lại Khmer Đỏ, trải qua bao nhiêu dông bão
chính trị mới ngoi lên ngôi vị thủ tướng. Ông đã xây dựng đất nước Căm Bốt từ
“Vùng Đất Chết” (The Killing
Fields), dù còn tham nhũng …nhưng không dễ “nhường ngô” cho những chính trị
gia chưa có công trạng gì với đất nước mà chỉ lấy “nước bọt” và dựa vào ngoại
bang để xây dựng sự nghiệp của mình…thì chỉ có Thánh Nhân đời xưa mới chịu làm
như vậy. Chúng ta chờ xem phản ứng của Hoa Kỳ và Tây Phương như thế nào. Chứ
còn Á Châu thì theo chính sách “Đèn
ai nhà nấy rạng”. Can dự vào chuyện nhà người ta, lợi đâu không thấy mà chỉ
thấy hại. Giữa nhân quyền và quyền lợi quốc gia, chúng ta lựa cái nào? Nếu tôi
là người dân thường, tôi lựa nhân quyền. Nếu tôi là lãnh đạo một cường quốc hay
một siêu cường, tôi phải vô cùng đắn do, suy nghĩ. Liên minh vì lợi ích quốc
gia là sách lược kinh bang tế thế của Phạm Lãi, Quản Trọng, Nhạc Nghị, Tô Tần,
Trương Nghi. Liên minh vì đạo đức là sách lược thất bại của Khổng Tử và Lão Tử.
Cho nên Khổng Tử chỉ là thày dạy học Vạn Thế Sư Biểu chứ không thể làm chính
trị gia hay quân sư được. Hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ đang là cái gai đâm vào mắt Âu
Châu và Hoa Kỳ thế mà họ vẫn cứ phải nhẫn nhục chứ không dám tống xuất Thổ ra
khỏi NATO cũng chỉ vì lợi ích chiến lược chống Nga.
Ô.
Hun Sen đang được ông khổng lồ Trung Quốc đỡ đầu cho nên chẳng ngán sợ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên khác với Ô. Kim Jong Un, Ô. Hun Sen là người rất khôn ngoan. Sau khi
thắng cử vào năm 2018, có lẽ ông lại đổi giọng và làm hòa với Mỹ vì chống Mỹ
cũng “mệt cầm canh”.
Còn
đối với Việt Nam, sự kiện Căm Bốt thu hồi giấy tờ của cả chục ngàn người Việt hiện
đang sinh sống ở Xứ Chùa Tháp cho thấy Ô. Hun Sen đang phải chật vật đối phó
với chiến dịch phun nọc độc “bài Việt” vào đầu óc người dân Căm Bốt của đảng đối
lập để kiếm phiếu. Theo tôi nghĩ Ô. Hun Sen làm thế chỉ để thoa dịu dư luận chứ
trong thâm tâm, ông không có tinh thần bài Việt. Xin đừng đánh giá thấp Ô. Hun
Sen.
Đào Văn Bình
(California ngày 30/11/2017)
__._,_.___
Posted by: Binh Dao