Trung Quốc lại cảnh cáo Mỹ về Biển Đông
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi)
trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ngày 08/03/2016REUTERS
Trung Quốc khẳng định không « quân
sự hóa » Biển Đông bằng những nước khác, đồng thời cảnh cáo Mỹ sẽ
trả giá đắt như đã từng bị trong chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên.
Trên đây là tuyên bố của ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc họp
báo bên lề kỳ họp của Quốc Hội Trung Quốc hôm nay, 08/03/2016, được Tân Hoa Xã trích
dẫn.
Ông Vương Nghị tuyên bố rằng đòi hỏi của một quốc gia khác về tự
do hàng hải ở Biển Đông không có nghĩa là cho họ quyền muốn làm gì thì làm ở
vùng này. Rõ ràng là ngoại trưởng Trung Quốc ám chỉ Hoa Kỳ, sau khi Washington
gởi nhiều chiến hạm, và gần đây nhất là hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis
đến vùng Biển Đông.
Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Bắc Kinh có
chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông và sẽ không cho phép những nước khác
xâm phạm các quyền của Trung Quốc trên vùng biển này.
Ông Vương Nghị còn bác bỏ lời cáo buộc rằng Trung Quốc đang quân
sự hóa Biển Đông khi xây dựng các cơ sở trên những đảo nhân tạo và khẳng định
những công trình đó hoàn toàn mang tính phòng thủ.
Theo lời ngoại trưởng Trung
Quốc, chính những nước khác mới quân sự hóa Biển Đông.
Vào tháng trước, Việt Nam đã phản đối Trung Quốc sau khi có thông
tin về việc Bắc Kinh triển khai các tên lửa địa đối không trên đảo Phú Lâm,
Hoàng sa. Nhưng theo quan điểm của Bắc Kinh, hành động quân sự hóa vùng này có
thể bao gồm việc Hoa Kỳ cấp tàu chiến cũ cho Philippines để tăng cường khả năng
của lực lượng hải quân nước này và việc Manila ký hiệp định tương tự với Tokyo.
Hôm qua, báo chí loan tin là vào tháng tới, một tàu ngầm của Nhật sẽ ghé thăm Philippines
lần đầu tiên từ 15 năm qua. Vào tuần trước, Hoa Kỳ thông báo là Ấn Độ sẽ tham
gia tập trận chung với Mỹ và Nhật ở gần Biển Đông trong năm nay.
Cũng trong ngày hôm nay, tờ The Straits Times của Singapore trích
dẫn lời của đại sứ Trung Quốc tại Washington tuyên bố rằng Mỹ có thể sẽ trả « một giá rất đắt », như
đã từng hứng chịu trong chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Triều Tiên, nếu ở
vùng Biển Đông, Hoa Kỳ lại phạm những sai lầm như trước đây.
Tàu ngầm Nhật ghé thăm cảng Philipines trong
tháng Tư
Tàu ngầm Nhật Bản lớp Oyashio đi vào cảng Pearl Habor, Haiwai, Hoa
Kỳ (ảnh chụp ngày 30/01/2006)(wikipedia.org)
Reuters ngày hôm nay, 07/03/2016, dựa trên một nguồn thạo tin cho
biết, một tàu ngầm cùng với các tàu hộ tống của Nhật Bản sẽ tới thăm
Philippines trong tháng Tư. Sau đó, các tàu hộ tống của hải quân Nhật Bản ghé
vào Việt Nam. Động thái này nhằm bày tỏ sự ủng hộ của Nhật Bản đối với hai nước
đang chống lại các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông.
Lần đầu tiên kể từ 15 năm nay, một tàu ngầm của Nhật Bản, vốn
thường được dùng vào huấn luyện, tới thăm một cảng của Philippines. Cùng đi với
tàu ngầm còn có hai khu trục hạm. Sau Philippines, các khu trục hạm Nhật Bản sẽ
ghé vào vịnh Cam Ranh của Việt Nam.
Vẫn theo nguồn tin, xin ẩn danh, thì qua chuyến thăm này, Tokyo
muốn đưa ra một thông điệp là Nhật Bản luôn « hiện diện » trong khu vực.
Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nhật Bản từ chối bình luận về thông
tin này, và chỉ khẳng định là hải quân Nhật vẫn thường xuyên tiến hành các
chuyến ra khơi luyện tập trong tháng Ba và tháng Tư. Hiện nay, mọi việc vẫn chỉ
ở giai đoạn chuẩn bị, nên chưa thể cung cấp các thông tin chi tiết.
Hôm qua, tờ Sankei cũng đã loan tin về chuyến đi của tàu ngầm Nhật
Bản.
Trong cuộc họp báo thường kỳ, khi được hỏi về thông tin này, phát
ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng, trong đệ nhị thế chiến,
Nhật Bản đã chiếm đóng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Do vậy, Bắc Kinh đang trong
tình trạng « báo động cao », theo dõi các hoạt động quân sự của Tokyo.
Trong khi đó, phát ngôn viên quân đội Philippines nói rằng, Manila
được biết một cách không chính thức là một tàu ngầm của Nhật Bản sẽ ghé vịnh
Subic vào tháng Tư.
Thay vì đối đầu trực diện với Trung Quốc, Nhật Bản tìm cách giúp
đỡ các nước trong khu vực nâng cao khả năng tuần tra, theo dõi các hoạt động
của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo kế hoạch, trong tháng Tư, bộ trưởng Quốc
Phòng Nhật Bản công du Philippines, để thảo luận các biện pháp hợp tác song
phương.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Nhật Bản và Việt Nam đã ký thỏa thuận tiến
hành tập trận chung trên biển.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment