Đăng
ngày 15-07-2015
Biển Đông : Bắc Kinh vẫn phản đối vụ kiện của
Philippines
Trụ sở Tòa án Trọng tài Thường trực, La Haye, Hà LanẢnh :
wikipedia.org
Trung Quốc nhắc lại lập trường của nước này là sẽ không bao giờ
chấp nhận bất cứ một quyết định nào của một bên thứ ba trên vấn đề tranh chấp chủ
quyền Biển Đông.
Trong cuộc họp báo hôm qua, 14/07/2915, tại Bắc Kinh, phát
ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng nước này vẫn chống
lại việc Philippines đưa tranh chấp Biển Đông ra trước Tòa án Trọng tài của
Liên hiệp quốc.
Bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố : « Trên
các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích trên biển, Trung Quốc sẽ
không bao giờ chấp nhận bất cứ giải pháp áp đặt nào, hoặc bất cứ một giải pháp
nào từ một bên thứ ba. »
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Manila quay trở
lại đàm phán song phương với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển
Đông. Bà Hoa Xuân Oánh còn khẳng định chính Trung Quốc mới là « nạn nhân » của tranh chấp
Biển Đông, cáo buộc Philippines đã chiếm đóng « trái phép » một số đảo của quần đảo Trường
Sa mà Bắc Kinh xem là thuộc chủ quyền của mình.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố như trên
sau khi Tòa án Trọng tài Liên hiệp quốc tại La Haye, Hà Lan, vừa kết thúc các
phiên điều trần về vụ Manila kiện Bắc Kinh trên hồ sơ Biển Đông.
Trong phiên điều trần thứ nhất, từ ngày 7 đến 8/07, Philippines đã
giải thích vì sao tòa cần phải xét xử vụ kiện này. Trong phiên thứ hai ngày
13/07, Manila đã trình bày những luận cứ để giải đáp những câu hỏi bổ sung mà tòa
đặt ra. Theo lời một phát ngôn viên phủ Tổng thống Philippines, từ đây đến ngày
23/07, Manila phải nộp các văn bản trả lời cho từng thành viên của tòa án.
Ngoài việc xác định các quyền trên biển của Philippines ở vùng
Biển Đông, Manila còn yêu cầu Tòa án Trọng tài Liên hiệp quốc ra phán quyết xem
bản đồ đường chín đoạn, còn được gọi là bản đồ « đường lưỡi bò », do Trung Quốc tự đề ra là
vô giá trị.
Ngoại trưởng Philippines đã nói rõ với tòa án là Manila không yêu
cầu xét xử về chủ quyền lãnh thổ trong tranh chấp với Trung Quốc. Dầu sao, mọi
tranh chấp chủ quyền phải là do Tòa án Công lý Quốc tế xét xử, với điều kiện là
toàn bộ các bên có liên quan đều đồng ý tham gia.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment