Chờ đợi một phán quyết
Lê Phan
Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc được chờ đợi trong
một ngày gần đây sẽ có phán quyết về vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa
Philippines và Trung Cộng ở Biển Đông.
Tuy phán quyết này không ấn định chủ
quyền của những lãnh thổ đang tranh cãi, nó sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến việc
Trung Cộng đòi dành chủ quyền trên một trong những hải lộ quan trọng nhất và
đang ngày càng trở thành nóng bỏng nhất của thế giới.
Trung Cộng, như chúng ta đều biết, dành chủ quyền trên hầu như là toàn
thể 3.5 triệu cây số vuông của Biển Đông qua cái gọi là “đường chín đoạn,” mà
họ nói dựa trên các văn bản và đồ bản từ thời cổ đại (sic). Vùng lãnh thổ mà
Trung Cộng đòi chủ quyền đó không những trùng với lãnh hải của Philippines, mà
còn của Brunei, Đài Loan, Malaysia và Việt Nam, chưa kể cả đến vùng biển quanh
quần đảo Natuna của Indonesia nữa. Nhiều những vụ tranh chấp này kéo dài nhiều
thập niên nay, hay có khi cả nhiều thế kỷ nay. Nhưng căng thẳng chỉ tệ hại
trong những năm gần đây khi Bắc Kinh bắt đầu đòi chủ quyền trên những vùng lãnh
thổ này.
Và đó chính là lý do mà Philippines quyết định đưa đơn lên kiện
trước tòa Trọng Tài Thường Trực của Liên Hiệp Quốc ở La Haye hồi Tháng Giêng năm
2013.
Manila lý luận là những tranh dành lãnh thổ của Bắc Kinh và những hành
động gây hấn gần đây của họ ở Biển Đông vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật
Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea-UNCLOS), một hiệp ước
quốc tế mà cả Philippines lẫn Trung Cộng đều đã ký kết.
Trung Cộng từ chối tham gia vào vụ tranh tụng, lý luận là họ không
có trách nhiệm phải làm vậy theo UNCLOS cũng như bảo là tòa không có quyền tài
phán trong vụ này. Bắc Kinh sau đó nhiều lần cả quyết là họ sẽ không công nhận
điều mà họ đoán sẽ là một phán quyết thiên vị, tức là một phán quyết chứng tỏ
Bắc Kinh sai và Philippines đúng. Trong khi đó, để củng cố cho việc dành chủ
quyền, họ tiếp tục xây dựng các hòn đảo nhân tạo và các tiền đồn trong vùng
biển tranh chấp, trong cố gắng tạo nên “một sự thật tại hiện trường.”
Philippines đưa ra tổng cộng 15 điều trong đơn kiện của họ đối với
Trung Cộng. Điều quan trọng nhất là điều thứ nhì của đơn kiện vốn nói là “con
đường chín đoạn” của Trung Cộng là vi phạm UNCLOS. Cho đến nay, tòa chưa quyết
định là họ có thẩm quyền để đưa phán quyết về điều đó hay không.
Thay vì vậy tòa loan báo vào cuối năm ngoái là họ sẽ cứu xét bảy
vấn đề quan trọng. Đây là những khiếu nại về những hành động cụ thể của Trung
Cộng quanh một số những địa điểm được nêu rõ. Tòa cũng chờ đợi sẽ chính thức
sắp xếp những địa hình nào là đá, đảo, hay chỉ là đá lồi khi thủy triều xuống -
những danh hiệu sẽ ảnh hưởng đến quyền của quốc gia nào sở hữu.
Trên nguyên tắc phán quyết của tòa có tính cách ép buộc. Nhưng
trên thực tế, UNCLOS không có cách nào để áp đặt phán quyết của họ cả, bởi tòa
không có một lực lượng cảnh sát, một quân đội, hay một cách nào áp đặt trừng
phạt đối với những quốc gia bất chấp những quyết định của tòa. Từ trước đến
nay, các phán quyết của tòa đã được tôn trọng khi hai quốc gia đồng ý chấp
nhận.
Malaysia và Indonesia chẳng hạn đã chấp nhận phán quyết của tòa đối với
tranh chấp giữa hai quốc gia liên quan đến quần đảo Natuna và những quyền lợi
về dầu khí ở đó.
Một số các nhà bình luận đề nghị vấn đề có thể được đưa ra trước
hội đồng bảo an, nhưng với chính Trung Cộng và Nga, đều là thành viên thường trực
của hội đồng thì chắc chắn là họ sẽ sử dụng quyền phủ quyết.
Nhưng nếu phán quyết của tòa sẽ không được áp đặt hay thi hành thì
chuyện gì mà Trung Cộng phải tìm đủ mọi cách trong mấy tháng gần đây để đi vận
động tất cả những ai họ có thể vận động, mua chuộc những quốc gia nào họ mua
chuộc được, và đe dọa nếu cần để nay có thể tuyên bố là trên 40 quốc gia hay
quyền lực công nhận chủ quyền của họ trên Biển Đông.
Khi ông tổng thư ký của
Chính quyền Palestine lên tiếng công nhận là “Trung Quốc không có âm mưu bá chủ
Biển Đông,” thì sự nực cười đã khiến Phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh đã bực tức
chỉ trích lại các nhà báo Tây phương khi họ chế diễu những cố gắng này, bảo là
“kỳ thị” và “thiên vị” nếu coi “kích cỡ dân số và diện tích đất đai và tài sản”
làm thước đo cho sự quan trọng của một quốc gia.
Nếu, như được chờ đợi, tòa đưa ra một phán quyết một phần có lợi
cho Philippines, thì nó sẽ là một sự mất mặt cho Bắc Kinh và một áp lực ngoại
giao quan trọng. Nó cũng cung cấp một thứ chiến thắng biểu tượng cho các lãnh
tụ Á Châu vốn nói là Trung Cộng đã bất chấp luật lệ quốc tế khi họ thách thức
và áp đặt quyền hành của họ trong vùng. Một phán quyết không thuận lợi cho
Trung Cộng cũng là một tiền lệ pháp lý và nó sẽ trở thành một phần của công
pháp quốc tế. Nó cũng sẽ khuyến khích các quốc gia khác vốn có tranh chấp lãnh
hải với Trung Cộng có thể cũng đi theo con đường pháp lý đó.
Hoa Kỳ cho đến nay vẫn nói là không có bênh vực phe nào về các
tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng đồng thời, từ Tổng Thống Barack Obama trở xuống, các
viên chức đều chỉ trích những hành động của Trung Cộng ở Biển Đông là ăn hiếp
và bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn và khuyến khích Trung Cộng hãy chấp nhận
phán quyết của tòa dầu thế nào chăng nữa. Tuy nhiên, bất cứ một cố gắng nào của
Washington để công khai chỉ trích Bắc Kinh cũng bị giới hạn bởi sự việc là cho
đến nay, mặc dầu sự yêu cầu của nhiều chính phủ, Quốc Hội vẫn chưa thông quan
Công Ước Luật Biển UNCLOS.
Phản ứng của chính Trung Cộng cho một phán quyết bất lợi cho họ
vẫn còn là một câu hỏi. Một số người nói là họ có thể làm dữ, tuyên bố rút khỏi
Hiệp ước UNCLOS. Nhưng họ chỉ có thể làm như vậy sau khi đã báo trước một năm,
để cho các quốc gia khác có đủ thời giờ để nộp những đơn kiện phút chót. Hành
động này cũng sẽ làm cho Trung Cộng mất mặt với các quốc gia khác vì lâu nay họ
vẫn nói họ là một quốc gia trọng pháp và chơi đúng luật chơi quốc tế.
Cho đến nay, Trung Cộng bảo họ muốn chọn giải quyết tranh chấp
lãnh thổ qua điều đình song phương, nhưng họ vẫn chưa dụ dỗ được quốc gia nào điều
đình song phương với họ, vì ai cũng sợ nguyên tắc bẻ đũa cả nắm thì khó chứ bẻ
từng cái đũa một thì dễ. Thái độ hiện thời của Bắc Kinh có vẻ coi như là không
có tranh chấp và nhất định tiếp tục con đường của họ, tiếp tục xây và củng cố
những hòn đảo nhân tạo tức là những pháo đài ở những vị trí chiến lược. Có
nguồn tin còn nói họ sẽ tuyên bố thành lập một khu nhận diện phòng không trên
Biển Đông như họ đã làm trên Biển Hoa Đông.
Với Philippines mới có một tân tổng thống, Bắc Kinh có thể nghĩ là
họ có thể dễ lung lạc hơn, nhất là khi ông Rodrigo Duterte nói là ông sẵn lòng điều
đình song phương với Trung Cộng nếu cuộc đối đầu không được giải quyết trong
hai năm nữa. Điều đó nếu đúng là một thay đổi chính sách đối với người tiền
nhiệm của ông, Tổng Thống Benigno Aquino. Nó cũng đi ngược lại lập trường của
hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á-ASEAN, vốn đòi điều đình tập thể với Trung
Cộng.
Vả lại ông Duterte có nhiều điểm giống ông Donald Trump. Ông cũng
đã tuyên bố là ông sẽ không nhượng bộ, rằng khu vực lãnh thổ tranh chấp là “của
chúng tôi” và bảo Trung Cộng “Quý vị không có quyền có mặt ở đây.” Ông còn dọa
sẽ đi jet ski ra các hòn đảo tranh chấp để khẳng định chủ quyền.
Phán quyết của tòa trọng tài như vậy sẽ giúp các quốc gia Đông Nam
Á có một chính nghĩa hơn, nhưng sẽ không ngăn cản Trung Cộng tiếp tục dành Biển
Đông. Và với ông Tập Cận Bình nay ở trong cái thế cưỡi cọp. Nếu nhượng bộ ở
Biển Đông, mà tuyên truyền của nhà nước Bắc Kinh đã đặt nó thành một “quyền lợi
bất khả nhượng,” thì sẽ bị những đối thủ trong đảng lợi dụng để chống lại.
Nhưng nếu không nhượng bộ thì có thể đi đến chiến tranh.
No comments:
Post a Comment