Trung
Quốc lại vi phạm luật quốc tế với lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông
Ảnh minh họa : Tàu cá Philippines chuẩn bị ra vùng biển bãi đá
Scarborough, ngày 03/11/2016.Reuters
Ngày 27/02/2017, Trung Quốc lại ban hành «
lệnh » cấm đánh bắt cá ở nhiều khu vực trên Biển Đông, từ ngày
01/05 đến ngày 16/08. Sự kiện này thu hút sự chú ý vì đây là quyết định « cấm
biển » đầu tiên của Bắc Kinh sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La
Haye ra phán quyết (12/07/2016) về Biển Đông trong đó ghi nhận là một lệnh cấm đánh
cá tương tự mà Trung Quốc đưa ra năm 2012 đã vi phạm luật biển quốc tế và phớt
lờ chủ quyền của nguyên đơn Philippines trong việc bảo vệ sinh kế trong vùng
đặc quyền kinh tế của mình.
Trong một bài phân tích đăng trên trang web Mỹ Lawfare ngày
07/03/2017, Julian Ku và Chris Mirasola, hai chuyên gia về luật quốc tế, đã
phân tích quyết định vừa ban hành của Trung Quốc để kết luận rằng Bắc Kinh rõ ràng
vẫn vi phạm những yếu tố rất quan trọng của luật biển nói chung và phán quyết
của Tòa Trọng Tài nói riêng. Đối với hai chuyên gia này, thì lệnh cấm đánh cá
mới của Trung Quốc cũng đe dọa tiến trình xích lại gần nhau giữa Manila và Bắc
Kinh về tranh chấp Biển Đông.
Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc có hiệu lực trên một vùng rộng lớn
ở Biển Đông nằm ở phía bắc vĩ tuyến 12, được áp dụng cho cả ngư phủ Trung Quốc
lẫn nước ngoài, và không có ngoại lệ nào cho các vùng biển trong vùng đặc quyền
kinh tế Philippines hay nước khác.
Đòi cấm đánh cá ở vùng cách đất liền Trung Quốc 600 hải lý !
Là một quần đảo, Philippines có một vùng đặc quyền kinh tế trải
rộng trên phần lớn Biển Đông ở phía bắc vĩ tuyến 12 và chồng lấn lên những vùng
Trung Quốc mà đòi chủ quyền.
Tòa Trọng Tài La Haye đã đánh giá rằng yêu sách của Trung Quốc về
chủ quyền và quyền quản lý nguồn cá ở bên trong « đường
chín đoạn » đều không phù hợp với luật biển quốc tế UNCLOS, vốn chỉ
tính chủ quyền và quyền quản lý trong một giới hạn nhất định tính từ bờ biển
quốc gia.
Điều 56 của luật biển UNCLOS quy định vùng đặc khu kinh tế mà các
quốc gia ven biển có quyền khai thác, quản lý nguồn hải sản là 200 hải lý. Phần
lớn bờ biển Trung Quốc đều nằm cách vĩ tuyến 12 - được ghi trong lệnh cấm đánh
cá - hơn 600 hải lý về phía bắc.
Lệnh cấm của Trung Quốc không nói rõ về đòi hỏi chủ quyền của họ
trong khu vực mà chỉ nói chung chung là lệnh cấm áp dụng cho vùng biển «
Nam Hải ở phía bắc vĩ tuyến 12 ».
Luật Đánh Cá Trung Quốc dùng làm cơ sở cho quyết định cấm cũng mơ
hồ vì quy định việc quản lý hoạt động đánh bắt trong « tất
cả các vùng biển khác thuộc thẩm quyền của Trung Quốc » - tức là
bao gồm vùng bên trong đường lưỡi bò.
Từ sau phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, hai tác giả viết trên
Lawfare đã cố tìm hiểu xem Trung Quốc có tuân thủ phán quyết quốc tế trong thực
tế hay không, bất chấp các tuyên bố phủ nhận công khai. Kết luận của hai chuyên
gia này rất rõ : Trong số 15 khuyến cáo của Tòa, Trung Quốc chỉ tuân thủ 2
điểm, trắng trợn vi phạm 3 điểm, còn 10 điểm còn lại thì giữ thái độ mơ hồ.
Lệnh cấm đánh cá có thể phá đà cải thiện quan hệ Manila-Bắc Kinh
Với lệnh cấm đánh cá tương tự như những gì áp dụng năm ngoái sau
phán quyết La Haye, Trung Quốc như vậy vẫn theo đuổi chính sách cũ và vẫn coi thường
luật quốc tế.
Đối với hai tác giả bài phân tích, việc thông báo lệnh cấm đánh cá
2017 có thể đe dọa những diễn biến tích cực bắt đầu từ mùa thu qua, khi vào hạ
tuần tháng 10, quan chức Trung Quốc và Philippines đã đạt trong thực tế thỏa
thuận cho phép ngư dân Philippines đến đánh cá vùng biển chung quanh bãi
Scarborough ở Biển Đông và phía bắc vĩ tuyến 12. Đây là một nguyên nhân gây
căng thẳng dai dẳng giữa hai nước.
Nếu thực thi lệnh cấm đánh cá ở vùng này, nơi mà Tòa Trọng Tài đã
xác định rằng ngư dân Philippines có quyền đánh bắt truyền thống, Trung Quốc
không những vi phạm trắng trợn phán quyết quốc tế, mà còn phá hoại công cuộc
hợp tác giữa Trung Quốc và chính quyền mới ở Philipppines.
Điều đó cũng gây bất lợi cho kế hoạch đúc kết một cái khung cho Bộ
Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN mà Philipppines muốn có
vào cuối năm 2017.
Tóm lại, cho dù lệnh cấm đánh cá năm nay không phải là một cái gì
mới trong hành động của Trung Quốc, nhưng việc thực thi lệnh này sẽ xóa bỏ một
số kết quả hợp tác hiếm hoi về Biển Đông có được từ năm ngoái.
Nhưng nếu Trung Quốc bất ngờ không áp đặt lệnh cấm đánh cá đối với
ngư dân nước ngoài – như Philippines chẳng hạn - ở gần khu vực Scarborough
Shoal, giới quan sát sẽ xem đấy là một dấu hiệu cụ thể về ý muốn nhượng bộ từ
phía Bắc Kinh.
Cho đến giờ, Trung Quốc không thấy có những dấu hiệu này, nhưng
cách Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông năm nay cần được theo dõi
kỹ.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment