Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ,
Malaysia sẽ lên chiến hạm đến Biển Đông
Trực thăng hải quân Mỹ đáp xuống boong hàng không mẫu hạm USS
Theodore Rossevelt.
04.11.2015
Một giới chức Quốc phòng Hoa Kỳ cho hay Bộ trưởng Quốc phòng
Hoa Kỳ Ashton Carter và người tương nhiệm phía Malaysia, ông Hishammuddin
Hussein, sẽ lên một chiến hạm của Hoa Kỳ đến Biển Đông vào ngày mai giữa tình
hình căng thẳng ngoại giao vì hành động bành trướng của Trung Quốc trong vùng
biển này,
Hai vị sẽ lên hàng không mẫu hạm USS Theodore Rossevelt của Hoa Kỳ
khi tàu này lên đường đến Biển Đông ở ngoài khơi Malaysia.
Chuyến đi chớp nhoáng của hai ông Carter và Hussein sẽ diễn ra vài
ngày sau khi một chiến hạm có phi đạn hướng dẫn của Hoa Kỳ đến khu vực nằm
trong phạm vi 22 kilomet gần bãi đá Subi trong quần đảo Trường Sa.
Bắc Kinh đã khởi động dự án xây dựng hồi năm ngoái để biến những
bãi đá chìm thành những hòn đảo có thể xây phi đạo và các cơ sở khác, làm lơ
trước các khẳng định chủ quyền đối nghịch nhau của Philippines, Việt Nam, Đài
Loan và các quốc gia Á châu trong khu vực. Chính phủ Obama tuyên bố việc điều
động chiến hạm này là một cuộc diễn tập thường kỳ nhắm bảo vệ quyền tự do đi
lại trên biển.
Vụ tranh chấp này làm lu mờ cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng
ASEAN ngày hôm qua tại Kuala Lumpur, với sự tham dự của ông Carter và các đối
tác của Trung Quốc, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Các vị bộ trưởng đã không đưa
ra được một thông cáo chung như thường lệ vào cuối diễn đàn, sau khi Trung Quốc
vận động chận mọi sự đề cập đến vấn đề Biển Đông gây tranh cãi.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter tuyên bố: “Tôi không
trông đợi là tất cả mọi người sẽ đồng ý về Biển Đông hay bất cứ vấn đề nào
khác. Đó là lý do để diễn đàn này thảo luận các vấn đề, vì thế tôi không trông
đợi sẽ có thỏa thuận ở đó. Còn về thông cáo chung, đó là điều mà các thành viên
ASEAN phải thảo luận. Rõ ràng họ đã không đi đến được sự đồng thuận, và điều đó
phản ánh trong cuộc đối thoại về các hoạt động ở Biển Đông.”
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng họ cảm thấy tiếc là không có
tuyên bố chung được đưa ra, và quy lỗi cho "một số nước" bên ngoài Ðông
Nam Á phải chịu trách nhiệm về việc bãi bỏ tuyên cáo đó.
Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc ngưng hoạt động xây dựng trên Biển Đông,
và mô tả hoạt động đó là gây bất ổn trong khu vực. Các giới chức Trung
Quốc bênh vực việc xây dựng là một nỗ lực hòa bình, nhằm hỗ trợ cho tàu
bè qua lại thủy lộ này.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment