Biển Đông: Mỹ cứng rắn với Trung Quốc nhưng còn mâu thuẫn nội bộ
- inShare
Trong những ngày qua, tình hình Biển Đông sôi động hẳn lên với
quyết định có phần cứng rắn của Mỹ, ngày 26/10/2015 đã cho khu trục hạm USS
Lassen tiến sâu vào bên trong vùng 12 hải lý bao quanh Đá Xu Bi (Subi Reef) thuộc
vùng quần đảo Trường Sa. Hành động của Mỹ ngay lập tức đã bị Trung Quốc phản
đối dữ dội, theo đó Washington đã khiêu khích Bắc Kinh, đã vi phạm chủ quyền và
lãnh hải Trung Quốc, đã làm cho tình hình căng thẳng.
Về phần mình, Hoa Kỳ tái khẳng định tính chất chính đáng của hành
động đưa tàu vào bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo Xu Bi, một công việc mà Mỹ
thường xuyên tiến hành từ trước đến nay ở mọi nơi để bảo vệ quyền tự do hàng
hải.
Đối với trường hợp Biển Đông, các quan chức Mỹ liên tiếp lên tiếng
xác định rằng hải vụ do khu trục hạm USS Lassen thực hiện nhằm nêu bật quan
điểm của Mỹ phủ nhận mọi yêu sách chủ quyền, lãnh hải quá lố, không tuân thủ
luật lệ quốc tế. Hải quân Mỹ còn xác định đó chỉ là bước khởi đầu, sắp tới đây
họ cũng sẽ thực hiện các hải vụ tương tự trong vùng, có thể là theo nhịp độ hai
lần mỗi ba tháng.
Sau hành động có thể nói là cứng rắn và rất cụ thể của chiếc tàu
Lassen, các quan chức Mỹ đã tiếp tục có những phát biểu theo chiều hướng cứng
rắn kể trên mà điển hình là các tuyên bố được lập đi lập lại của chính Bộ
trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, kèm theo một cử chỉ đầy tính biểu tượng.
Ngày 05/11 cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, nước hiện là
Chủ tịch luân phiên của khối ASEAN, ông Carter đã đích thân lên thăm chiếc tàu
sân bay Mỹ Theodore Roosevelt đang hoạt động trên Biển Đông, dù không phải là
cận kề quần đảo Trường Sa. Ngay từ đó, Bộ trưởng Mỹ đã nêu bật quyết tâm của Mỹ
bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, và chống lại việc quân sự hóa vùng
Trường Sa thông qua việc bồi đắp đảo nhân tạo.
Thông
điệp cứng rắn lại bị nhiễu
Toàn cảnh nêu trên lẽ ra không có gì đáng nói, nếu không có những
tiết lộ về những điều mà khu trục hạm USS Lassen đã thực hiện trong hải vụ tuần
tra bảo vệ quyền tự do hàng hải quanh Đá Xu Bi, theo đó chiếc tàu đã di chuyển
bên trong vùng 12 hải lý của thực thể này theo thủ tục gọi là “đi qua vô hại”,
áp dụng trong trường hợp quá cảnh lãnh hải của một nước khác, chứ không hề có
những hành động bình thường của một chiến hạm khi đi trên vùng biển quốc tế.
Trong một bài phân tích ngày 6/11 vừa qua, hãng tin Anh Reuters đã
trích dẫn Greg Poling, Giám đốc bộ phận Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á
(Asia Maritime Transparency Initiative AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến
lược và Quốc tế CSIS ở Washington cho rằng: “Nếu chiếc Lassen không làm bất cứ
điều gì khác ngoại việc quá cảnh, thì hải vụ Bảo vệ Quyền Tự do Hàng hải do
chiến hạm này thực hiện đã không khẳng định những gì mà nó muốn chứng tỏ: Đá Xu
Bi không thể có lãnh hải”.
Các chuyên gia phân tích đều nhìn thấy bàn tay của Nhà Trắng trong
việc buộc chiếc Lassen không được có những hoạt động có thể bị Trung Quốc đáng
giá là khiêu khích.
Trả lời phỏng vấn của ban Việt ngữ RFI, Giáo sư chính trị quốc tế
Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường Đại học George Mason (Hoa Kỳ), hiện là Chuyên
viên Khách mời Cao cấp (visiting senior fellow) của Viên Nghiên cứu Đông Nam Á ở
Singapore, đã phân tích các nguyên do thúc đẩy Mỹ phải cứng rắn với Trung Quốc
trên vấn đề Biển Đông, nhưng vấn đề là giữa Nhà Trắng với giới Quân đội hay
Quốc hội Mỹ, vẫn còn mâu thuẫn trên mức độ các phản ứng cần có.
Sau đây mời quý vị nghe bài phỏng vấn Giáo sư Hùng dành cho RFI.
GS. Nguyễn Mạnh Hùng,
Đại học George Mason (Hoa Kỳ) 09/11/2015 Nghe
Mỹ
cứng rắn vì Trung Quốc lấn lướt
Nguyễn
Mạnh Hùng: Thái độ cứng rắn đó xuất
phát từ nhiều lý do.
1) Vì hành động lấn lướt của Trung Quốc. Với những đảo nhân tạo
xây trên đá chìm (submerged reefs) hay lúc nổi lúc chìm (low-tide elevations), Trung
Quốc không những đã tạo được một thế chiến lược áp đảo ở Biển Đông đối với các
nước Đông Nam Á có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, mà còn đơn phương thay
đổi nguyên trạng, vi phạm luật quốc tế và vi phạm ngay cả bản Tuyên bố về quy
tắc ứng xử (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN.
2) Vì không hành động là chấp nhận cho Trung Quốc quyền sửa đổi và
giải thích luật quốc tế theo ý mình.
3) Để trấn an các đồng minh Thái Bình Dương rằng Mỹ tiếp tục can
dự và có khả năng duy trì tự do hàng hải tại vùng biển quan trọng này.
4) Để đối phó với tình trạng chia rẽ của ASEAN và khuynh hướng bỏ
giải pháp tập thể để đi tìm giải pháp cá nhân cho quyền lợi an ninh của riêng mình.
Thí dụ như trường hợp của Philippines.Trong khi ASEAN muốn đứng trung lập trước
cạnh tranh Mỹ-Trung, nhưng Phi, vì thất vọng trước sự bất lực của ASEAN trong
vụ Scarborough năm 2012, đã dùng mọi cách để vực dậy liên minh quân sự sẵn có
với Mỹ.
Một nước khác là Indonesia - nước lớn nhất trong khối ASEAN - cũng
chán cảnh phải đứng chung với tổ chức vừa yếu vừa chia rẽ, đã bàn đến chính
sách “hậu-ASEAN”, nhấn mạnh vai trò cường quốc biển của Indonesia trong “tứ trụ
Á châu” (Asian fulcrum of four) bao gồm cả Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương.
Trong bối cảnh đó, một số nước khác nếu thấy thế Mỹ đang xuống và
thế Trung Quốc đang lên trong khu vực, có thể quyết định ngả theo ngay Trung
Quốc trước khi quá muộn.
RFI:
Có người nói là khi chọn tuần tra đá Xu Bi (Subi
Reef), Mỹ đã chọn một cách làm yếu: Đá Xu Bi thuộc diện nửa chìm nửa nổi, trong
lúc có tin là chiếc USS Lassen lại áp dụng thủ tục đi qua vô hại. Nhận xét của
Giáo sư như thế nào ?
Nguyễn
Mạnh Hùng: Có thể có 2 lý do. Thứ
nhất, đá Xu Bi chỉ cách đảo Thị Tứ (Thitu) do Philippines kiểm soát 16 hải lý
và tranh chấp chính là giữa Trung Quốc và Phi, một đồng minh quân sự của Mỹ, đã
cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự trên đất mình khi cần thiết.
Thứ hai, Trung Quốc đã xây xong sân bay ở đá Chữ Thập mà chưa xong
ở đá Xu Bi. Mỹ làm thế để hy vọng ngăn xây cất thêm, xem ông Tập Cận Bình có
giữ lời hứa “không quân sự hóa” trong cuộc họp báo chung với ông Obama tháng 9
ở Washington, DC. hay không.
Đó chỉ là những suy đoán của tôi thôi.
(Về hoạt động của chiếc USS Lassen), trong các tuyên bố chính thức
thì đó là hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (Freedom of navigation
operations hay FONOPS) và chiến hạm USS Lassen của Mỹ đã đi vào bên trong vùng
12 hải lý của đá Xu Bi để chứng tỏ Mỹ không công nhận quyền lãnh hải của các
đảo nhân tạo xây dựng bất hợp pháp.
Theo luật quốc tế thì đá chìm hay lúc nổi lúc chìm không có lãnh
hải (territorial sea) 12 hải lý mà chỉ có vùng an toàn 500 thước thôi. Ngoài khu
vực 12 hải lý, kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế, thương thuyền hay chiến hạm
đều có quyền đi lại tự do, kể cả quyền khảo cứu, và thám sát. Chỉ trong vùng
lãnh hải, chiến hạm nước ngoài mới phải tuân thủ thủ tục “đi qua vô hại.”
Hạm trưởng chiến hạm USS Lassen cho biết chiến hạm của ông đi vào
gần đá Xu Bi khoảng 6 hay 7 hải lý, như vậy là còn xa vùng an toàn 500 thước.
Mà theo tiết lộ của những “nguồn tin từ Hải quân, Bộ quốc phòng, và Quốc Hội
Mỹ” thì chiến hạm USS Lassen đi vào vùng này theo thủ tục “đi qua vô hại”
(innocent passage), được mô tả là “các hệ thống radars kiểm soát phát hỏa đều
tắt và không có trực thăng hộ tống", trong khi một máy bay trinh sát hải
quân P-8 Poisedon cũng có mặt trong vùng, nhưng “không vượt qua lằn ranh 12 hải
lý.”
Câu hỏi đặt ra là nếu không công nhận quyền lãnh hải của đảo nhân
tạo, tại sao USS Lassen phải hành động theo thủ tục “đi qua vô hại” khi đi vào
trong vùng 12 hải lý của đá Xu Bi ? Điều này có thể bị Trung Quốc hay là người
khác giải thích lầm, cho rằng Mỹ mặc nhiên chấp nhận là đảo hay đá đó có 12 hải
lý.
Thái
độ không cứng rắn đủ đã để lộ mâu thuẫn nội bộ
Điều này còn để lộ ra một điểm khác mà theo tôi là rõ ràng có mâu
thuẫn về chính sách Biển Đông giữa Nhà Trắng với Quân đội và môt số nhà lãnh
đạo Quốc Hội.
RFI:Mâu
thuẫn như Giáo sư vừa nói là như thế nào?
Nguyễn
Mạnh Hùng: Mâu thuẫn là Quốc hội
bảo vệ rõ rệt quyền tự do hàng hải, nhưng mà trường hợp đi theo kiểu “đi qua vô
hại" này là một hành động rất rón rén.
Hiện nay chưa có tuyên bố chính thức, nhưng các nguồn tin được
tiết lộ ra đều xuất phát từ Hải quân, từ Bộ Quốc phòng. Và gần đây nhất, ta
thấy là sau chuyến “đi qua vô hại” đó, lập tức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã lên
hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia,
đứng trên đó và lại tuyên bố là Mỹ có thể đi bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào
để bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Về phía quân đội, có rất nhiều áp lực để bắt Tổng thống Obama phải
quyết định (cho tàu tiến vào bên trong vùng 12 hải lý) , mà phải chờ nhiều tuần
lễ thì ông Obama mới quyết định, nhưng lại ra lệnh cho tàu chiến đi một cách
rón rén như vậy.
Có lẽ vì phía Quân đội bất mãn (trước thái độ dè dặt Nhà Trắng)
cho nên họ mới leak (tiết lộ) ra những chuyện đó
RFI:
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cũng lên tàu
Theodore Roosevelt: Tín hiệu mạnh từ phía Malaysia ?
Nguyễn
Mạnh Hùng: Malaysia trong nhiều
năm tháng vừa qua rất rón rén. Nhưng kể từ vụ Trung Quốc xây đá chìm thành đảo
nổi, Malaysia bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ hơn. Cả Malaysia lẫn Singapore đều ủng
hộ quyền tự do hàng hải, tức là gần như gián tiếp ủng hộ Mỹ.
Lần này, Malaysia là Chủ tịch ASEAN, mà ASEAN lại ở trong tình
trạng quá yếu. Cuộc họp ở Malaysia giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các
đối tác trong đó có cả Mỹ lẫn Trung Quốc đã lại thất bại, không ra được thông
cáo chung vì có sự bất đồng ý trong đó, mà ASEAN thì muốn có được thông cáo
chung thì phải có đồng thuận.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia ra hàng không mẫu hạm Mỹ củng
là để chứng tỏ là Chủ tịch Đông Nam Á cũng ủng hộ việc này (bảo vệ quyền tự do
hàng hải).
RFI:
Trong hiệp đấu Mỹ-Trung lần này về Biển Đông,
Trung Quốc có vẻ như đang ở trong thế bị động. Có thể nói thế hay không ?
Nguyễn
Mạnh Hùng: Đúng nhưng chỉ một phần
thôi. Trung Quốc đã khiến cho Mỹ và các nước có liên hệ đã không cản được những
“sự đã rồi” (fait accompli) mà Trung Quốc đã làm, nhất là việc xây đá chìm
thành đảo nổi tạo thế thương phong áp đảo đối với các nước tranh chấp chủ quyền
và lãnh hải với Trung Quốc.
Sự chống đối của một số nước trong khối ASEAN và phản ứng tương đối
quyết liệt của Mỹ là một thử thách mới cho Trung Quốc. Dù sao Trung Quốc đã
thắng được một keo rồi, bây giờ là lúc ngưng lại chờ cơ hội khác, điều mà Trung
Quốc thường làm trong quá khứ.
Triệu chứng rõ ràng là Tập Cận Bình cam kết không quân sự hóa, chỉ
trích việc đưa tầu chiến Mỹ vào Biển Đông là hành động quân sự hóa, và tiến
hành một chiến dịch thu phục nhân tâm mới (new charm offensive) qua cuộc họp thượng
đỉnh Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc và chuyến viếng thăm Việt Nam và Singapore.
Mục đích của họ là vừa hứa hẹn hợp tác hòa bình, vừa mua chuộc
kinh tế, vừa chứng tỏ thế đang lên của Trung Quốc, song song với sự bất lực của
Mỹ trong việc ngăn chặn thế đang lên ấy và mức khả tín của Mỹ trong cam kết bảo
vệ tự do hàng hải.
Có một điều bất lợi cho lý luận pháp lý của Trung Quốc là, cùng
lúc ấy, Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế xác định có quyền thụ lý và ra
phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa.
Tuy quyết định này có thể là một bất lợi nhất thời của Trung Quốc,
nhưng nó cũng giúp cho Trung Quốc một đường lùi khi cần. Nhưng điều đó không
thể kể là một thắng lợi của Mỹ vì nó không phải là kết quả của chính sách Mỹ.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment