PHILIPPINES - TRUNG QUỐC -
Bài đăng : Thứ hai 16 Tháng Sáu 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 16 Tháng Sáu
2014
Manila
tố cáo Bắc Kinh tăng tốc bành trướng tại Biển Đông
Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đề nghị các bên tranh chấp đình chỉ việc xây cất trên các hòn đảo hay bãi đá tại Biển Đông - REUTERS /Department of Foreign Affairs
Trọng Nghĩa
Ngoại trưởng Philippines vào hôm nay 16/06/2014 xác định rằng ông muốn đề nghị các bên tranh chấp đình chỉ mọi hoạt động xây dựng trên
các hòn đảo hay bãi đá tại Biển Đông. Theo ông Albert del Rosario, đây
là điều cần thiết trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng tốc độ hoàn tất kế hoạch « bành trướng » tại Biển Đông bằng cách tăng gia
các hoạt động xây cất cơ sở trên các địa điểm mà họ đã chiếm đóng.
Trả lời phỏng vấn của hãng truyền thông
Philippines ABS-CBN, Ngoại trưởng Albert del
Rosario cho biết là ông sẽ đề xuất một lệnh cấm xây dựng trong khu vực Biển Đông, và sẽ nói chuyện với cả Hiệp hội Đông Nam Á ASEAN lẫn Trung Quốc về việc này.
Ngoại trưởng Philippines đã
nêu rõ ý định trên hai ngày sau khi Trung Quốc khởi công xây dựng một trường học trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà họ đánh chiếm từ tay Việt Nam từ năm 1974. Công việc xây trường này nằm trong chiến lược áp đặt chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông rộng lớn mà Trung Quốc cho là của họ.
Theo ông Albert del Rosario, cần phải có một lệnh cấm mọi « hoạt động làm căng thẳng leo thang » trên các vùng biển tranh chấp, một đề xuất từng được ông Danny
Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông
Á-Thái Bình Dương đưa ra, theo đó các
bên nên tránh những hành vi gây căng thẳng trong khi chờ đợi bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông.
Đối với Ngoại trưởng Philippines, gợi ý của phía Mỹ là một « cách tiếp cận hợp lý », và ông muốn « khởi xướng điều đó ».
Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Philippines
không ngần ngại tố cáo điều được ông gọi là việc Bắc Kinh đang tăng tốc hoàn tất « kế hoạch bành trướng » tại Biển Đông trước khi các nước ASEAN và Trung
Quốc đúc kết xong Bộ Quy tắc Ứng xử để ngăn ngừa sự cố đáng tiếc.
Theo ông Albert del Rosario, Trung Quốc phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng trên các đảo đang tranh chấp để tạo nên tình trạng đã rồi, không vi phạm các quy định trong bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông trong tương lai vì lẽ bộ Quy tắc này không có hiệu lực hồi tố. Trong tình hình
đó, các hành vi xây cất mới trên Biển Đông từ phía Trung Quốc được cho là sẽ gia tăng.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các công trình
xây dựng cơ sở trên các hòn đảo và bãi đá mà họ chiếm đóng tại Biển Đông, mà quyết định khởi công xây trường học trên đảo Phú Lâm (Hoàng
Sa) vào hôm 14/06 vừa qua chỉ là hành vi mới nhất, bên cạnh việc bị Philippines tố cáo là xây phi đạo trên đảo Gạc Ma ở vùng Trường Sa, hay nhiều cơ sở khác tại một số nơi khác.
Theo hãng tin Mỹ AP, đề nghị cấm xây cất tại Biển Đông được cho là sẽ bị Bắc Kinh làm ngơ hay thẳng thừng bác bỏ, do vậy, ông del Rosario
cho rằng cần phải vận động và thúc đẩy cộng đồng quốc tế lên tiếng về sự cần thiết phải « quản lý những căng thẳng ở Biển Đông trước khi tình hình vuột khỏi tầm tay ».
MỸ - TRUNG -
Bài đăng : Thứ hai 16 Tháng Sáu 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 16 Tháng Sáu
2014
Hoa Kỳ mời sĩ quan Trung
Quốc tham quan hàng không mẫu hạm
Hàng không mẫu hạm USS George
Washington ghé cảng Hồng Kông - REUTERS
/Bobby Yip
Trọng Nghĩa
Vào hôm qua, 15/06/2014,
bốn sĩ quan quân đội Trung Quốc, trong
đó có viên tướng chỉ huy lực lượng quân sự Trung Quốc tại Hồng Kông đã được mời lên tham quan tàu sân bay Mỹ USS George Washington ở ngoài khơi Hồng Kông.
Chuyến thăm xã giao vẫn được tổ chức cho dù trong thời gian gần đây, khẩu chiến liên tục nổ ra giữa Washington và Bắc Kinh sau hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan
HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.
Theo ghi nhận của một nhà báo của hãng tin Pháp
AFP, các sĩ quan Trung Quốc, và nhiều vị khách khác, đã được một chiếc phi cơ C-2 Greyhound chở ra hàng không mẫu hạm Mỹ nằm cách Hồng Kông 200 hải lý về phía nam. Theo kế hoạch, tàu sân bay Mỹ sẽ ghé cảng Hồng Kông kể từ hôm nay.
Nhân chuyến tham quan tàu sân bay Mỹ, các sĩ quan Trung Quốc đã có dịp quan sát một loạt phi vụ cất cánh và hạ cánh của loại chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet trên boong tàu của chiếc George
Washington.
Chuẩn Đô đốc Mark C.
Montgomery, chỉ huy trưởng tiểu hạm đội của tàu sân bay USS George Washington, cho biết là ông chờ đợi lời mời từ Bắc Kinh để lên tham quan chiếc Liêu Ninh - tàu
sân bay độc nhất của Hải quân Trung Quốc. Theo nhân vật này : « Trong một nỗ lực tăng gia sự minh bạch trong quan hệ đối tác song phương Mỹ Trung, việc Mỹ lên tham quan (tàu sân bay Trung Quốc) là một sự kiện thích hợp ».
Nhân vật này cũng nhận định rằng quan hệ quân sự Mỹ-Trung Quốc đã được « cải thiện vừa phải » trong vòng sáu
tháng qua. Lời thẩm định này được đưa ra sau khi Trung
Quốc xác nhận hồi tuần trước là sẽ lần đầu tiên tham gia một cuộc tập trận hải quân đa quốc gia to lớn do Mỹ tổ chức vào cuối tháng này.
Các dấu hiệu hòa hoãn Mỹ Trung kể trên xuất hiện vào lúc Trung Quốc đang có một loạt các tranh chấp lãnh thổ gay gắt với các láng giềng châu Á, từ Việt Nam, cho đến Nhật Bản và Philippines,
hai nước đều là đồng minh thân cận của Washington,
trong lúc bản thân Hoa Kỳ cũng lo ngại về chi tiêu quân sự tăng cao của quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đã có ngân sách
quốc phòng đứng hàng thứ hai trên thế giới, cho dù vẫn thấp hơn nhiều so với nước đứng thứ nhất là Mỹ đáng kể. Vào năm 2013,
ngân sách quốc phòng Trung Quốc là 119,5 tỷ đô la theo số liệu chính thức - và trên 145 tỷ theo ước tính của Lầu Năm Góc – trong lúc ngân sách quốc phòng Mỹ lên đến 495,5 tỷ.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment