Cựu đại sứ: ‘Việt Nam bị Trung Quốc bao vây
chiến lược’
“Việt Nam sẽ không đi với nước này để
chống nước kia, cũng không cho nước này sử dụng căn cứ quân sự để chống nước
kia. Nhưng Việt Nam sẽ sử dụng tất cả các đòn bẩy chiến lược và chiến thuật
mình có để nâng cao năng lực bảo vệ an ninh quốc gia, với những liên kết rất
linh hoạt và đa dạng”. Thôi đi ông TS Trường. Mưu mẹo nhất là CS nhưng kiêu
ngạo đến ngu xuẩn cũng là họ. Thế bao vây đã bị anh bạn vàng đẩy tới sát chân
rồi mà vẫn còn ngồi đấy nói những lời sáo mép. Chỉ sợ như cô gái về già mất
chút duyên sẵn có thì đành giơ hai tay nhìn lũ Tàu cộng xí xố qua lại thả cửa
ngay ven bờ biển nước mình nữa thôi.
Bauxite Việt Nam
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm
Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược
và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 24/10
với An Tôn của VOA rằng Trung Quốc đã và đang có những động thái không khác gì
bao vây Việt Nam. Và vì vậy, Việt Nam phải có đối sách.
Là người từng nắm các nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam ở 5 quốc gia, Tiến sĩ
Trường nêu ra nhận định về những điều Việt Nam có thể làm trong bối cảnh đang
hình thành “tứ giác kim cương” gồm Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ có mục đích bảo
đảm hòa bình, thịnh vượng, tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình
Dương, còn gọi là vòng cung Ấn-Thái.
VOA: Ngoại trưởng Mỹ Tillerson tuần trước
tuyên bố sẽ ưu tiên xây dựng quan hệ đối tác với Ấn Độ hơn là với Trung Quốc
trong cả thế kỷ tới, như lời ông nói. Đây có thể coi là sự xoay trục mới trong chính
sách ngoại giao của Mỹ?
TS. Nguyễn Ngọc Trường: Cái mới ở đây là chính quyền của ông Trump đã xác định một nội
hàm quan trọng của chính sách châu Á-Thái Bình Dương, đó là xây dựng, thúc đẩy
quan hệ với Ấn Độ, coi như là một trọng tâm của chiến lược đối ngoại của chính
quyền mới. Đó là một sự nhấn mạnh rất quan trọng.
… không có nghĩa là chính sách với Ấn Độ sẽ quan trọng hơn chính
sách đối với Trung Quốc. Bởi vì, tôi nghĩ, ở châu Á-TBD, chính sách đối với Trung
Quốc vẫn là điểm nhấn quan trọng nhất – TS. Nguyễn Ngọc Trường
Việc ông ấy nói sẽ coi trọng quan hệ với Ấn Độ hơn quan hệ với
Trung Quốc đấy là sự nhấn mạnh về tập hợp lực lượng về liên minh, đồng minh và đối
tác. Ấn Độ là đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ ở khu vực vòng cung Ấn-Thái.
Điều đó không có nghĩa là chính sách với Ấn Độ sẽ quan trọng hơn chính
sách đối với Trung Quốc. Bởi vì, tôi nghĩ, ở châu Á-TBD, chính sách đối với
Trung Quốc vẫn là điểm nhấn quan trọng nhất.
VOA: Trong diễn văn tuần trước, Ngoại
trưởng Mỹ Tillerson có nói Mỹ muốn 4 nước chủ chốt là Mỹ, Nhật, Ấn Độ và
Australia như những mỏ neo giữ cho khu vực châu Á được hòa bình, ổn định và
được thông suốt trên biển ở cả Ấn Độ Dương lẫn Thái Bình Dương. Đây có phải là
bước mới để thu hút Ấn Độ vào một trục mới, một liên minh mới để kiềm chế, kiểm
soát Trung Quốc hay không?
TS. Nguyễn Ngọc Trường: Cái này là sự tiếp tục xu hướng chính sách của Mỹ là xem trọng
quan hệ với Ấn Độ. Cái mà phóng viên vừa đề cập chính là “tứ giác kim cương”.
Cái đấy đã được đề cập từ thời chính quyền Obama. Nhưng lần này có sự nhấn mạnh
mới như thế, đấy là cái điểm rất đáng lưu ý và quan trọng của chính quyền Trump
đối với châu Á-TBD.
Trong khi về mặt toàn cầu, Mỹ chưa đưa ra những nét hài hòa, nhưng
đối với chính sách châu Á-TBD thì những điểm nhấn ngày càng rõ rệt. Chính sách
đối với châu Á-TBD về cơ bản đã định hình những hướng ưu tiên của chính quyền
Trump.
VOA: Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần
phải hành động, tham gia như thế nào vào tứ giác kim cương đó, hay Việt Nam là
ngư ông đắc lợi?
TS. Nguyễn Ngọc Trường: Có cái gì mà ngư ông đắc lợi. Việt Nam có vị trí địa chiến lược
rất quan trọng. Đồng thời, ở nơi này Mỹ có nhiều lợi ích, trong đó có đảm bảo
thông thương hàng hải. Và những hoạt động gần đây của tàu chiến Mỹ trên Biển
Đông còn cho thấy Mỹ rất chú trọng đến cuộc đối đầu về tàu ngầm ở dưới lòng
Biển Đông. Bởi vì Biển Đông là nơi Trung Quốc ẩn giấu những lực lượng tàu ngầm
chiến lược của họ.
Việt Nam phải bình tĩnh, tham gia vào các cái có thể nói là tập
hợp lực lượng theo hướng bảo vệ tự do hàng hải và thông qua đó bảo vệ chủ quyền
biển và các quyền lợi an ninh biển của Việt Nam – TS. Nguyễn Ngọc Trường
Ở Biển Đông, Trung Quốc đã đẩy biên giới biển của mình ra khoảng
hơn 1.000 cây số về phía nam Biển Đông.
Cái đấy nó đang tạo nên một tình hình phức tạp trong tương quan
lực lượng các nước trên Biển Đông. Thế thì Việt Nam phải bình tĩnh, tham gia vào
các cái có thể nói là tập hợp lực lượng theo hướng bảo vệ tự do hàng hải và
thông qua đó bảo vệ chủ quyền biển và các quyền lợi an ninh biển của Việt Nam.
Việt Nam sẽ không đi với nước này để chống nước kia, cũng không
cho nước này sử dụng căn cứ quân sự để chống nước kia. Nhưng Việt Nam sẽ sử dụng
tất cả các đòn bẩy chiến lược và chiến thuật mình có để nâng cao năng lực bảo
vệ an ninh quốc gia, với những liên kết rất linh hoạt và đa dạng.
VOA: Như vậy Việt Nam vẫn sẽ có những tính toán và
những bước đi rất khó khăn để cân bằng giữa các nước lớn và để bảo vệ lợi ích của
mình?
TS. Nguyễn Ngọc Trường: Bây giờ với việc Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh chiến lược ở khu vực
này càng ngày càng gay gắt, các nước nhỏ và vừa ở khu vực đều phải có tính toán
như thế nào cho phù hợp
… với sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông tăng lên với 7 đảo
nhân tạo, và sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc ở Campuchia, sự hiện diện ngày
càng mạnh ở Lào, thì Trung Quốc đang thực hiện sự bao vây chiến lược đối với
Việt Nam – TS. Nguyễn Ngọc Trường
Trước đây, một số nước đi với Mỹ về an ninh, đi với Trung Quốc về kinh
tế. Nhưng ngày nay, khi mà Tổng thống Trump tuyên bố nước Mỹ trên hết và có
những chính sách quay về củng cố bên trong nước Mỹ, thì cái này tác động quá
lớn đến tính toán chiến lược và chiến thuật của tất cả các quốc gia ở khu vực
Đông Á. Việt Nam cũng nằm trong tình hình chung đó, và rõ ràng là phải tính
toán.
Phải nói là với sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông tăng lên
với 7 đảo nhân tạo, và sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc ở Campuchia, sự hiện
diện ngày càng mạnh ở Lào, thì Trung Quốc đang thực hiện sự bao vây chiến lược
đối với Việt Nam.
Trong tình hình đó, Việt Nam phải có những động thái, đối sách
thích hợp. Trong đó cân bằng quan hệ với các nước lớn cũng là một phương pháp mà
các nước nhỏ và vừa cần phải thực hiện trong điều kiện hiện nay.
VOA: Trong tất cả những diễn biến như
vậy, việc Việt Nam tới đây trong năm 2018 sẽ đón tiếp tàu sân bay Mỹ trong một
cảng của Việt Nam sẽ có ý nghĩa hay thông điệp thế nào?
TS. Nguyễn Ngọc Trường: Về phía Mỹ, Mỹ muốn khẳng định sự hiện diện mạnh của Mỹ ở khu vực
Biển Đông. Còn Việt Nam cũng chú ý thúc đẩy quan hệ với Mỹ.
Mỹ đóng vai trò rất quan trọng ở khu vực Đông Á, châu Á-TBD hay
vòng cung Ấn-Thái. Cho nên Việt Nam hoan nghênh tàu sân bay của Mỹ vào thăm các
cảng biển chiến lược của Việt Nam. Cái đấy là sự phát triển phù hợp với thực tế
của tình hình ở trên biển, đồng thời cũng phù hợp với sự phát triển, nâng cao
chất lượng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.
Nhưng đồng thời Việt Nam cũng sẵn sàng mở các cảng biển chiến lược
của mình để đón các tàu có vai trò lớn của các nước khác.
Việt Nam thực hiện không những là đa dạng hóa về chính sách đối
ngoại mà cũng đa dạng hóa về các quan hệ an ninh nữa.
VOA: Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Ngọc
Trường!
A.T.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/cuu-dai-su-viet-nam-bi-tq-bao-vay-phai-tap-hop-luc-luong/4083964.html
__._,_.___
No comments:
Post a Comment