Friday, 31 March 2017

Chiến hạm lớn nhất của Nhật từ thời Đệ nhị thế chiến sẽ thăm Philippines

  

Chiến hạm lớn nhất của Nhật từ thời Đệ nhị thế chiến sẽ thăm Philippines

Thanh Phương
media
Tàu chở trực thăng Izumo tại Yokohama, Nhật Bản. Ảnh chụp ngày 22/03/2017.Mandatory credit Kyodo/via REUTERS
Tàu chở trực thăng lớn nhất của Nhật từ thời Thế chiến thứ hai sẽ ghé thăm Philippines vào tháng 6 tới đây, theo tiết lộ của một đô đốc Philippines với báo chí hôm nay, 27/03/2017.
Theo trang mạng của nhật báo Inquirer, trung tướng hải quân Joseph Mercado cho biết họ đang chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của tàu chở trực thăng Izumo, nhưng chưa thể cho biết chi tiết vì còn đang phối hợp với hải quân Nhật.
Trước đó hãng tin Reuters cho biết là tàu Izumo sẽ đi một vòng Biển Đông trong ba tháng, bắt đầu từ tháng 5 và Vịnh Subic của Philippines sẽ là một trong những chặng dừng của tàu này. Tàu Izumo cũng sẽ ghé Indonesia, Singapore và Sri Lanka, trước khi tham gia tập trận chung với các chiến hạm của Ấn Độ và Hoa Kỳ ở vùng Ấn Độ Dương vào tháng 7.
Với trọng tải 27 ngàn tấn, được trang bị để chống tàu ngầm và đổ bộ, chiếc Izumo đã được đưa vào hoạt động từ năm 2005. Tuần trước, Nhật cũng đã đưa vào hoạt động tàu chở trực thăng lớn thứ hai, chiếc Kaga, nâng cao khả năng của quân đội Nhật triển khai lực lượng ra bên ngoài, nhằm đối lại với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Á châu .
Trong khi đó, hải quân Philippines hôm nay đã tiếp nhận 2 trong số 5 máy bay huấn luyện TC-90 mà chính phủ Nhật đã đồng ý cho Manila thuê để tuần tra trên biển. Những chiếc TC90 này sẽ giúp tăng cường khả năng của hải quân Philippines trong các chiến dịch cứu trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai, cũng như trong việc tuần tra bảo đảm an ninh và bảo vệ chủ quyền lãnh hải.
Nhật Bản đã đồng ý cho Philippines thuê các máy bay huấn luyện này vào năm 2016, với hy vọng sẽ giúp Manila xác quyết chủ quyền trên Biển Đông trước những hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở vùng biển này. Hiện giờ Tokyo chỉ có thể cho thuê các máy bay TC90 trong khi chờ có một đạo luật cho phép Nhật Bản bán các thiết bị quân sự cho nước ngoài.

Viện Công Tố Hàn Quốc yêu cầu bắt giữ cựu tổng thống Park Geun Hye

Thanh Phương
media
Cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tới Viện Công Tố tại Seoul, ngày 21/03/2017.REUTERS/Kim Hong-Ji
Hôm nay, 27/03/2017, Viện Công Tố Hàn Quốc yêu cầu bắt giữ cựu tổng thống Park Geun Hye, vài ngày sau khi bà bị thẩm vấn trong vụ tai tiếng tham nhũng và hối mại quyền thế đã khiến bà bị mất chức.
Trong một thông cáo công bố hôm nay, 27/03/2017, Viện Công Tố Hàn Quốc cho rằng Park Geun Hye đã lợi dụng những quyền hạn rất lớn cũng như quy chế tổng thống để nhận hối lộ từ các doanh nghiệp và đã để lộ những thông tin mật của Nhà nước.
Theo Viện Công Tố, họ đã thu thập được nhiều bằng chứng, nhưng cựu tổng thống Hàn Quốc vẫn bác bỏ các cáo buộc và có nguy cơ là các bằng chứng nói trên bị phá hủy, cho nên họ phải yêu cầu bắt giữ bà ngay. Hơn nữa, theo các nhà điều tra, bạn thân của bà Park Geun Hye là bà Choi Soon Sil cũng đã bị bắt rồi, không bắt giữ cựu tổng thống Hàn Quốc sẽ là điều trái với nguyên tắc công bằng.
Một tòa án ở Seoul vào thứ năm tới sẽ mở phiên tòa để quyết định có bắt giữ cựu tổng thống Hàn Quốc hay không. Quyết định sẽ được công bố ngay tối hôm đó hoặc sáng thứ sáu.
Theo hãng tin AFP, nếu toà án ở Seoul làm theo yêu cầu của Viện Công Tố Hàn Quốc, bà Park Geun Hye sẽ là cựu tổng thống thứ ba ở nước này bị bắt trong một vụ tham nhũng. Hai cựu tổng thống Chun Doo Hwan và Roh Tae Woo đã từng bị kết án tù vì tội tham nhũng vào thập niên 1990. Còn tổng thống Roh Moo Hyun, được bầu lên một cách dân chủ, thì đã tự sát vào năm 2009 trong lúc đang bị điều tra về tội tham nhũng.
Quốc Hội Hàn Quốc tháng 12 năm ngoái đã thông qua quyết định truất phế tổng thống Park Geun Hye và đầu tháng 3 vừa qua Tòa Bảo Hiến đã phê chuẩn quyết định này.
Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn vào ngày 09/05 tới. Hiện giờ, ông Moon Jae In, cựu lãnh đạo Đảng Dân Chủ, đảng đối lập chính, được xem là nhân vật có triển vọng đắc cử nhất.

Đông Timor: Một biểu tượng phong trào kháng chiến đắc cử tổng thống

Trọng Thành
media
Ủng hộ viên của tân tổng thống Đông Timor Francisco Guterres - bí danh Lu-Olo - tại cuộc mít tinh tranh cử ngày 17/03/2017 ở Dili (Đông Timor)EUTERS/Lirio da Fonseca
Hôm qua, 25/03/2017, ủy ban bầu cử của quốc gia  Đông Timor ở vùng Đông Nam Á công nhận chiến thắng của ông Francisco Gutteres, 63 tuổi, bí danh « Lu-Olo », một hình tượng tiêu biểu của cuộc kháng chiến chống Indonesia để giành độc lập. Tthắng cử với 57% phiếu bầu, tân tổng thống Đông Timor sẽ phải đối mặt với tình trạng kinh tế khó khăn, do dự trữ dầu mỏ cạn kiệt.
Thông tín viên RFI Joel Bronner trở về từ Dili, thủ đô Đông Timor, cho biết cụ thể:
Ngón tay trỏ vẫn còn thấm mực và nụ cười rạng rỡ, ngay sau khi bỏ phiếu hôm thứ Hai vừa qua, ứng cử viên Lu-Olo đã dự báo sẽ chiến thắng ngay sau vòng một. Việc được ủng hộ từ hai đảng chính trị chính yếu yếu của Đông Timor, đảng Fretilin và đảng CNRT, cuối cùng đã cho phép ông Luo-Olo đắc cử.
Tại Đông Timor, vai trò của tổng thống về cơ bản mang tính nghi thức, tuy nhiên tân tổng thống có sứ mạng lớn trong việc củng cố sự đoàn kết của đất nước. Độc lập từ năm 2002, Đông Timor, đảo nằm giữa Indonesia và Úc, đang nỗ lực tìm cách đa dạng nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào dầu mỏ của nước này, dự kiến sẽ cạn kiệt ngay trong những năm tới.
Thách thức chủ yếu của chính quyền Đông Timor nhiệm kỳ tới, sau cuộc bầu cử dự kiến vào mùa hè này, là dùng tiền thu được từ dầu mỏ để mỏ để tiếp tục phát triển kinh tế. Đông Timor hiện là một trong những nước nghèo nhất Á châu .
Kể từ đầu năm 2017, Đông Timor bắt đầu đàm phán với Úc để thông qua một thỏa thuận về phân định biên giới trên biển Timor và quyền khai thác các mỏ dầu khí ở khu vực Greater Sunrise, sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực tại La Haye (Hoà Lan).
Đông Timor hiện đang thương lượng để gia nhập Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN).

Miến Điện : Tư lệnh quân đội biện minh cho chiến dịch ở Rakhine

Trọng Nghĩa
media
Tướng Min Aung Hlaing duyệt binh trong Ngày Quân Lực thứ 72 tại thủ đô Naypyitaw, Miến Điện ngày 27/03/2017.REUTERS/Soe Zeya Tun
Tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing vào hôm nay, 27/03/2017 đã lên tiếng bảo vệ chiến dịch quân sự tiến hành ở bang Rakhine sau khi Liên Hiệp Quốc tỏ ý muốn mở điều tra về hành vi của quân đội bị tố cáo là đã tra tấn và sát hại người Hồi Giáo Rohingya tại đây.
Phát biểu trước đám đông tại thủ đô Miến Điện nhân Ngày Quân Lực Miến Điện, tư lệnh Min Aung Hlaing đã cho rằng người Rohingya ở bang Rakhine không phải là công dân Miến Điện mà là những người Bangladesh nhập cư, trong lúc những cuộc tấn công khủng bố tháng 10 /2016 xuất phát từ động cơ chính trị.
Trong thời gian qua, hơn 70.000 người sắc dân thiểu số Rohingya ở Rakhine đã phải chạy sang Bangladesh lánh nạn sau khi quân đội Miến Điện mở chiến dịch càn quét truy tìm thủ phạm vụ tấn công đồn biên phòng vào tháng 10/2016.
Giới điều tra Liên Hiệp Quốc tin chắc là quân đội Miến Điện đã phạm tội ác đối với người Rohingya. Tuần qua Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã đồng ý thành lập một phái bộ, cử qua Miến Điện để xác định rõ ràng trách nhiệm và « trao trả công bằng cho nạn nhân ».
Chính quyền dân sự Miến Điện ngày 25/03 đã không tán thành quyết định Liên Hiệp Quốc về phái bộ điều tra, cho rằng việc cử phái đoàn này đến Miến Điện « chỉ làm cho tình hình sôi sục thêm hơn là giải quyết vấn đề ».
Trong tháng Ba này, một ủy ban tìm giải pháp cho tình hình Rakhine dưới sự lãnh đạo của cựu tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, đã đề nghị đóng cửa các trại tị nạn của người Rohingya và bãi bỏ các hạn chế tự do đi lại đến khu vực.
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment