Đại sứ Nga tại Manila
: Phải tôn trọng luật quốc tế ở Biển Đông
Đại sứ Nga, Igor Khovaev
(trái) phát biểu trên chiếm hạm Admiral Tributs ở Philippines. Ảnh ngày
04/01/2017.Reuters
Vào lúc Matxcơva muốn thắt chặt thêm quan hệ quốc phòng với
Manila, đại sứ Nga tại Philippines ngày 04/01/2017 đã lên tiếng tái khẳng định
quan điểm của Nga về Biển Đông : Các bên tranh chấp phải tôn trọng luật quốc tế,
trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Phát biểu trong buổi họp báo ngay trên quân hạm Đô đốc Tributs neo
đậu tại cảng Manila từ ngày 03/01/2017 trong một chuyến ghé cảng hữu nghị hiếm hoi
của Hải Quân Nga tại Philippines, đại sứ Nga tại Manila Igor Khovaev đã kêu gọi
một giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông, liên quan đến Trung Quốc, Đài
Loan và 4 nước Đông Nam Á trong đó có Philippines : « Chúng tôi không đứng về
phía nào trong các tranh chấp. Nhưng với tư cách là một thành viên của Hội Đồng
Bảo An Liên Hiệp Quốc, Liên Bang Nga từng lên tiếng ủng hộ một giải pháp hoàn
toàn hòa bình cho những tranh chấp này. Sử dụng các mối đe dọa hoặc đe dọa sử
dụng vũ lực là điều không thể chấp nhận được ».
Trung Quốc là bên đã khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ
Biển Đông, dựa trên một tấm bản đồ 9 đoạn do chính họ vạch ra. Philippines đã
kiện Trung Quốc về điều này, và ngày 12/07/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực ở La
Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung
Quốc.
Bắc Kinh đã từ chối công nhận phán quyết của tòa, đồng thời tiếp
tục quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp ở Trường Sa và tiến hành tập
trận thương xuyên trong khu vực.
Đối với đại sứ Nga, tất cả các bên liên quan đến tranh chấp phải
ngồi lại với nhau và thương thảo với nhau càng sớm càng tốt.
Ông Khovaev cho là : « Không gì có thay thế cho các cuộc đàm phán.
Tất nhiên giải pháp cho tranh chấp cần được các bên chấp nhận và dựa trên luật
pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982. Đó là
lập trường cơ bản xuyên suốt của chúng tôi ».
Khi được hỏi về cuộc tập trận hải quân chung Nga-Trung ở Biển Đông
vào tháng 09/2016, với sự tham gia của nhiều chiến hạm, tàu ngầm và chiến đấu
cơ, đại sứ Khovaev xác định rằng cuộc tập trận đó không diễn ra trong vùng có
tranh chấp và sự kiện đó không mang tính chính trị.
Giới hạn trong quan hệ
quân sự Nga-Philippines
Chiến hạm Nga ghé thăm
Philippines. Ảnh ngày 03/01/2017.Reuters
Với việc hai tàu chiến Nga ghé cảng Manila từ ngày 03/01/2017, thông
tin về khả năng Nga và Philippines tăng cường quan hệ quân sự liên tiếp được tung
ra, từ việc Matxcơva sẵn sàng cung cấp vũ khí hiện đại cho Manila, đến tin Nga
muốn tập trận chung với Philippines… Câu hỏi được đặt ra là liệu quan hệ quốc phòng
Nga-Philippines có thể tiến xa hay không ? Đâu là những cản lực cho đà
phát triển này ?
Câu hỏi kể trên được đặt ra vì lẽ trái với Việt Nam, Indonesia,
thậm chí cả Malaysia, Philippines trong thời gian qua là nước hầu như không hề
có quan hệ quốc phòng với Nga. Lý do cũng dễ hiểu : Manila cho đến nay là đồng
minh kết ước của Hoa Kỳ, gắn bó với Washington bằng một Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ
Tương, trang thiết bị và vũ khí đều do Mỹ cung cấp.
Chỉ mới từ tháng 6/2016, từ khi ông Rodrigo Duterte lên làm tổng
thống Philippines, vấn đề liên minh với Nga, cả về quân sự lẫn quốc phòng, mới được
đặt ra, trong bối cảnh ông Duterte muốn xa rời đồng minh Mỹ. Đối với tổng thống
Putin, đề nghị hợp tác của ông Duterte đến thật đúng lúc.
Bị phương Tây cô lập, Nga rất muốn tăng cường hiện diện tại châu
Á-Thái Bình Dương, kể cả tại Đông Nam Á, nơi Nga đã có một đối tác truyền thống
là Việt Nam. Matxcơva lại sẵn sàng chiều đãi Manila hơn nữa vì như vậy sẽ lôi
kéo được một đồng minh của Mỹ về phía mình.
Thế nhưng, khả năng tăng cường quan hệ quân sự Nga-Philippines vẫn
nằm dưới dạng lý thuyết, hay nói đúng hơn là nguyện vọng của cả hai bên, còn
thực hiện đến đâu thì cần phải chờ xem, với dấu hiệu đầu tiên sẽ được ghi nhận
khi tổng thống Philippines công du Nga trong thời gian sắp tới đây.
Theo giới quan sát, việc tăng cường quan hệ quân sự, quốc phòng Nga-Philippines
hiện vấp phải giới hạn rất lớn về mặt kỹ thuật. Vũ khí mà Philippines quen sử
dụng đến nay là vũ khí Mỹ và phương Tây, nay nếu trang bị thêm vũ khí của Nga,
vấn đề tương tác giữa vũ khí mới và hiện có được đặt ra.
Mặt khác, còn vấn đề chi phí. Nga rất muốn bán tàu ngầm hay máy
bay cho Philippines, nhưng liệu Manila có ngân sách để nâng cấp quân đội của
mình hay không, khi biết rằng cho đến nay, hải quân Philippines chẳng hạn, chủ
yếu dùng loại tàu cũ của Mỹ được tân trang.
Chuyên san Nhật Bản The Diplomat, ấn bản ngày 05/01/2017, đã nêu
bật những vấn đề trên trong bài viết về quan hệ quân sự Nga - Philippines khi
cho rằng có lẽ phía Manila nhận thức rất rõ các giới hạn kể trên khi chỉ bàn
với Nga về các kế hoạch trao đổi nhân sự, kinh nghiệm, các cam kết, chứ không
thấy nói gì về vấn đề mua vũ khí.
Một giới hạn khác được The Diplomat nêu bật liên quan đến lãnh vực
chiến lược. Dẫu sao, đối với với ông Duterte, quan hệ với Nga không có ý nghĩa chiến
lược quan trong bằng quan hệ với các láng giềng như Malaysia hay Indonesia, mà
Duterte coi là thiết yếu trong việc giúp Philippines giải quyết các vấn đề an
ninh như cướp biển.
Matxcơva cũng không nặng ký bằng Bắc Kinh hay Tokyo, hai nước có
thể mang đến cho Philippines trợ giúp về kinh tế, hay cơ sơ hạ tầng, điều mà
Mátxcơva không làm được.
Tóm lại, sắp tới đây, người ta sẽ chứng kiến một bước nhảy vọt
trong quan hệ quốc phòng Nga-Philippines, do việc cả hai đều bắt đầu từ con số không.
Nhưng sau bước nhảy vọt đó, câu hỏi đặt ra là quan hệ sẽ tăng tiến ra sao.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment