Nhật Ký Biển Đông: Mỹ Phải Thay Đổi
Chính Sách Đối Với Phi Luật Tân
Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng
Mười ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình thế giới:
-Reuters & CNBC ngày 1/10/2016: “Tờ Nhân Dân Nhật Báo- cơ quan ngôn luận
của Đảng Cộng Sản Trung Hoa cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ phải trả giá cho quyết định
đặt hệ thống lá chắn hỏa tiễn (THAAD) tại Nam Hàn. Nếu Hoa Kỳ và Nam Hàn gây
nguy hại cho quyền lợi an ninh chiến lược trong vùng, bao gồm cả Trung Quốc thỉ
họ sẽ phải trả giá và nhận sự phản công thích đáng.”
Đây là lời cảnh báo nghiêm trọng của Hoa Lục. Hệ thống lá chắn hỏa tiễn (THAAD)
nếu được bố trí tại Nam Hàn, nói là để ngăn ngừa cuộc tấn công từ Bắc Hàn nhưng
thực chất đe dọa nền an ninh của Hoa Lục và Nga. Nếu Mỹ và Nam Hàn quyết định tiến
hành, theo tôi nghĩ, Nga và Trung Quốc sẽ kích thích Bắc Hàn tiến hành cuộc
Chiến Tranh Triều Tiên lần thứ hai. Thảm họa không phải cho Mỹ hay cho Bắc Hàn
mà cho Nam Hàn. Nếu Bắc Hàn có hy sinh một triệu người thì cũng không ăn thua
gì. Nhưng Nam Hàn sẽ là một thảm họa vì “Công chúa đứt tay đã kêu la thảm
thiết. Còn ăn mày có đổ ruột cũng không sao”. Nam Hàn phải nên suy tính hết
sức cẩn thận.
-UPI ngày 5/10/2016: “Thủ Tướng Haider al-Abadi của Iraq cảnh cáo Thổ
Nhĩ Kỳ là sự hiện diện quân sự của Thổ tại Iraq có thể đưa tới cuộc chiến khu
vực - vì sau cuộc chiến Mosul có thể tạo ra một khoảng trống quyền lực tại đây.
Ô. Haider al-Abadi nói rằng sự hiện diện của binh sĩ Thổ bên trong Iraq là đe
dọa chủ quyền lãnh thổ và nói thêm rằng liên minh quốc tế do Hoa Kỳ chỉ huy
cũng lên án hành động này.”
-Washington
Post ngày 6/10/2016: “Thủ tướng Hung Gia Lợi nói rằng động cơ giúp các quốc gia
Trung Âu phát triển là phải thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc
để mở rộng mối liên hệ kinh tế. Thủ Tướng Viktor Orban nhắc lại sự khinh thường
của ông đối với việc xuất cảng dân chủ của Tây Phương và rằng chúng ta phải
thông cảm lẫn nhau và không có nhu cầu buộc họ phải thay đổi. Ông cũng nói thêm
rằng Hung Gia Lợi tôn trọng hệ thống chính trị của Hoa Lục và không chấp nhận
bất cứ giới hạn nào trong các quan hệ.”
-UPI ngày 9/10/2016: “Nga đã di
chuyển hỏa tiễn Iskander mang đầu đạn nguyên tử tới Kaliningrad - một vùng lãnh
thổ hải ngoại nằm trên bờ Biển Baltic sát biên giới với Ba Lan và Lithuania.
Đại diện của NATO đã nói với Hãng Thông Tấn Đức rằng NATO coi đây như hành động
gây hấn với các quốc gia hội viên của họ.” Tình hình thế giới nguy hiểm quá!
- Reuters ngày 11/10/2016: “Thổ Nhĩ Kỳ
và Nga đã ký thỏa thuận xây dựng một đường dẫn khí đốt lớn dưới biển và cam kết
tiến tới một lập trường chung về cuộc chiến tại Syria, thúc đẩy bình thường hóa
ngoại giao gần một năm sau khi Thổ bắn rơi một máy bay của Nga.”
-CNBC
ngày 12/10/2016: “Tổng Thống Nga Putin chỉ trích cuộc đấu khẩu kịch liệt về sự
lãnh đạo của ông trong cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ và phản công những
cáo buộc là Nga đã đứng đằng sau việc đánh cắp những dữ kiện của cuộc tranh cử.
Trả lời câu hỏi của đài truyền hình CNBC tại hội thảo đầu tư VTB Banks, Ô.
Putin nói rằng những vụ tai tiếng (do
Wikileak tung ra) liên quan đến những tài liệu tranh cử không nằm trong lợi
ích của Nga, đồng thời nói thêm những ứng viên tranh cử đã khai thác những mối
liên hệ với Nga để mong thắng cử.”
-Reuters
ngày 13/10/2016: “Ba Tư gửi hai chiến hạm tới Vịnh Aden vào ngày hôm nay, thiết
lập sự hiện diện quân sự của mình ngoài khơi Yemen nơi Mỹ vừa phóng hỏa tiễn
hành trình để tấn công lực lượng Houthi được Ba Tư hỗ trợ.” Cũng tin Reuters
ngày hôm nay, Nga đã hoàn tất việc giao hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300 cho
Ba Tư.
-CNS
News ngày 13/10/2016: “Ai Cập sẽ tổ chức tập trận chung với Nga tại ven bờ Địa
Trung Hải-một dấu hiệu rạn nứt xa hơn giữa Tổng Thống el-Sisi và các lãnh đạo
Hồi Giáo thuộc hệ phái Sunni đã liên kết với nhau để chống lại Nga vì Nga ủng
hộ chế độ của Ô. Assad.”
Hiện
nay Ai Cập vẫn “đi” với Mỹ nhưng lại “đi” với Nga theo chính sách ngoại giao đa
phương của các nước nhỏ muốn cân bằng ảnh hưởng giữa các siêu cường.
-Huffington Post ngày 13/10/2016: “Một nhân vật quốc gia cực đoan của Nga, Ô. Vladimir Zhirinovsky cảnh báo rằng người Mỹ hãy bầu cho Ô. Donald Trump để tránh cuộc chiến tranh nguyên tử. Nếu Bà Clinton đắc cử, Nga và Mỹ sẽ bị lôi kéo vào Đệ III Thế Chiến.” Hiện nay một số đài truyền hình của Nga đã đặt câu hỏi với khán giả là họ đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh nguyên tử chưa? Và nếu điều đó xảy ra, mọi người cần biết chỗ nào là hầm tránh bom giữa lúc căng thẳng Nga-Mỹ gia tăng vì cuộc chiến Syria.
Mỹ muốn cứu vãn sự tồn tại của Aleppo- thủ đô trong thực
tế của phiến quân bằng biện pháp quân sự. Còn Nga và Syria muốn dứt điểm Aleppo
để chỉ còn phải đối đầu với ISIS. Cũng có tin Nga đã yêu cầu các viên chức có
con cái du học ở ngoại quốc phải quay trở về quê hương – một biện pháp có thể
để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh sắp tới với Mỹ và NATO. Nếu Mỹ oanh kích
các phi trường và căn cứ quân sự của Syria, chắc chắn Nga không ngồi yên để
nhìn đồng minh của mình chết. Biện pháp duy nhất của Nga là tấn công các chiến
hạm hay các căn cứ quân sự của Mỹ…và như thế Đệ III Thế Chiến bùng nổ.
Tạp Chí
Ngoại Giao (Foreign Policy
Magazine) ngày 14/10/2016 đi bài viết có tựa đề “Chính Sách Của Hoa Kỳ Đối
Với Nga Đã Thất Bại” (America’s Russia Policy Has Failed) trong đó nói rằng, “Vị tổng thống sắp tới cần
chấp nhận quan niệm rằng Mạc Tư Khoa không thể bị đánh bại hay kiềm chế trong
bối cảnh đa cực, toàn cầu hóa của trật tự thế giới đang xuất hiện. Hoa Kỳ cần
phải can dự bằng cách cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh môt cách bao quát.” (The next president needs to accept that Moscow
cannot simply be defeated or contained in the emerging multipolar, globalized
world order. It must be engaged through a comprehensive balance of cooperation
and competition.)
Tình hình Syria:
-Business Insider ngày 4/10/2016: “Vào ngày 3/10/2016 là ngày Nga và Mỹ đình chỉ
các cuộc đối thoại về Syria, Nga đã triển khai hệ thống hỏa tiễn chống hỏa tiễn
SA-23 Gladiator tại Syria. Hệ thống hỏa tiễn này có thể khai hỏa hai hỏa tiễn
một lúc- một để đánh chặn hỏa tiễn hành trình Tomahaw- một để đánh chặn các hỏa
tiễn đạn đạo tầm trung.”
Không có gì ngạc nhiên về phản ứng
của Nga tại Syria. Việc triển khai này có thể để ngăn ngửa một cuộc tấn công
quân sự của Mỹ vào lực lượng của Ô. Assad bằng cách cho khai hỏa các hỏa tiễn
hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ hay từ các khu trục hạm tại Địa Trung Hải. Trong cuộc
chiến tranh Vùng Vịnh, hệ thống phòng thủ và các đài chỉ huy của Saddam Hussein
đã tan như xác pháo chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ vì không có hệ thống đảnh
chặn các hỏa tiễn Tomahaw của Mỹ.
-Reuters ngày 5/10/2016: “Quân đội Syria nói rằng bất cứ ai còn ở lại phía đông
của Aleppo có cơ hội để họ di tản, nếu không sẽ phải gánh chịu số phận đã an
bài. Thông báo được đưa ra vào ngày 5/10/2016 sau khi quân chính phủ đã cắt đứt
đường tiếp tế vào phía đông của thành phố và quân đội cũng biết chính xác về vị
trí và kho vũ khí, đồng thời thúc giục các phiến quân hạ vũ khí và dời bỏ vị trí.
Trong khi đó Bộ Quốc Phòng Nga nói rằng Hoa Kỳ nên suy nghĩ cẩn thận về hậu quả
nếu họ oanh kích vào vị trí của quân chính phủ bởi vì có binh sĩ của Nga đóng
tại đây.”
-AFP ngày 7/10/2016: “Lực lượng của chính phủ Syria đã tiến vào bên trong
Aleppo - khu vực trung tâm của thành phố - tạo chiến thắng lớn chỉ vài giờ sau
khi loan báo sẽ giảm bớt các cuộc oanh kích.”
-Mashable ngày 7/10/2016: “Vladimir Putin đã xuất hiện ở Nữu Ước, hay ít ra
hình của ông ta đã ở đó. Một biểu ngữ khổng lồ vẽ hình tổng thống Nga đang đứng
trước lá cờ Nga và Syria được treo trên cầu Manhattan mang một dòng chữ duy
nhất: Kẻ đem lại hòa bình.” (Vladimir Putin showed up in New York
on Thursday. Or at least a poster of him did. A huge banner bearing an image of
the Russian president, standing in front of the Russian and Syrian flags, had
just one word on it —"peacemaker.")
-Ruters ngày 9/10/2016: “Ngoại Trưởng
Nga Lavrov nói rằng Nga đã có đầy đủ phương tiện để bảo vệ tất cả những gì
thuộc Nga ở Syria nếu Mỹ quyết định ném bom trải thảm các phi trường quân sự
của chính phủ Syria. Ô. Lavrov còn nói thêm, những hành động hung hăng của Mỹ
mới đây đã đe dọa nền an ninh của Nga.” Liệu Mỹ có liều lĩnh mở một cuộc chiến
với Nga để lật đổ Ô. Assad hầu xây dựng dân chủ cho Syria theo kiểu Iraq,
Libya, A Phú Hãn, trong lúc đang phải đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông?
Theo CNS News.com ngày 9/10/2016, một cố vấn cao cấp của lãnh đạo tối cao Ba Tư
cảnh cáo rằng bất cứ một cuộc tấn công nào của Hoa Kỳ vào lực lượng của chính
phủ Syria sẽ là tự sát.
Tình hình Biển Đông:
-VnPlus ngày 2/10/2016: “Nhân cuộc họp không chính thức giữa Bộ Trưởng Quốc
Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter và bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN tại Hạ Uy Di,
Ô. Carter khẳng
định chiến lược “Tái Cân Bằng Lực Lượng” của Hoa Kỳ sẽ được tiếp tục thực hiện
trong nhiệm kỳ của tân tổng thống. Những cam kết của Hoa Kỳ đối với Châu Á-Thái
Bình Dương vẫn được triển khai. Còn Tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam cho
rằng quan hệ giữa ASEAN và Hoa Kỳ và các người hợp tác ngoài khu vực có vai trò
quan trọng đối với hòa bình, an ninh và phát triển. Do đó, tăng cường đối thoại
ASEAN-Hoa Kỳ, nhất là đối thoại không chính thức để tham vấn, tăng cường hiểu biết
về chính sách cũng như các ưu tiên của nhau là rất quan trọng. “
Khác hẳn với Phi Luật Tân lăm le “đuổi Mỹ”, Việt Nam luôn luôn khẳng định vai
trò giữ gìn an ninh và ổn định tại Biển Đông của Hoa Kỳ và đề cao sự hợp tác
Hoa Kỳ-ASEAN. Đây là lý do tại sao ba tổng thống Mỹ ghé thăm Việt Nam và liên
tục các chiến hạm Hoa Kỳ ghé Cam Ranh.
-Reuters ngày 2/10/2016: “Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte đã thành khẩn xin lỗi
cộng đồng người Do Thái và nói rằng việc ông nhắc tới Cuộc Thảm Sát Do Thái
(Holocaust) trong lúc thảo luận về cuộc chiến chống ma túy nhằm tấn công lại
những người đã ví ông với Hitler.”
-VOV ngày 6/10/2016: “Tổng Thống Ba Tư
Rouhani đã thực hiện chuyến công du Việ Nam. Trong cuộc hội đàm với Ô. Trần Đại
Quang, hai bên khẳng định quyết tâm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mức
2 tỷ Mỹ Kim trong thời gian tới, đồng thời nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho
doanh nghiệp/các nhà kinh doanh hai nước hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực có
thế mạnh, như năng lượng, thông tin và truyền thông, nông nghiệp-thủy sản, khoa
học-công nghệ, ngân hàng; mở rộng hợp tác văn hóa-giáo dục, du lịch. Tổng Thống
Hassan Rouhani nhấn mạnh, Việt Nam có thể là cửa ngõ để Ba Tư tiến vào hợp tác
với các nước ở khu vực ASEAN và Iran sẽ là cửa ngõ để Việt Nam tiến tới hợp tác
với khu vực Trung Đông.”
Sau thỏa thuận hạt nhân và được Mỹ tháo
bỏ lệnh cấm vận, không như các quốc gia Trung Đông co cụm trong thế giới Hồi
Giáo, Ba Tư “bung” ra ngoài qua những chiến dịch ngoại giao vươn tận tới Nam Mỹ
và ngày nay tới Việt Nam. Chỉ trong năm, mười năm nữa thôi, Ba Tư sẽ nổi bật
lên như một cường quốc mới.
-Reuters (Hà Nội) ngày 13/10/2016: “Vào ngày hôm nay, Việt Nam khẳng định sẽ
không cho phép bất cứ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự trên đất nước mình sau
khi có tin thứ trưởng quốc phòng Nga nói rằng Nga đang xem xét việc mở lại các
căn cứ quân sự ở Việt Nam và Cuba.”
Như tôi đã nói từ lâu, trong tình thế hiện tại, Việt Nam có đầy đủ khả năng
phòng thủ biển đảo nhưng lại không đủ khả năng ngăn chặn Hoa Lục thiết lập Vùng
Nhận Dạng Phòng Không hoặc phong tỏa hải lộ chiến lược thông quá Biển Đông cho
nên rất cần và phải cần sự hiện
diện của Mỹ tại Biển Đông.
-Nếu Việt Nam cho phép Nga đặt căn cứ
quân tại Cam Ranh tức Việt Nam phá vỡ quan hệ Hợp Tác Toàn Diện với Mỹ từ đó có
thể trở thành “kẻ thù” của Mỹ. Chắc chắn Việt Nam không muốn điều này xảy ra.
-Nếu Việt Nam cho phép Mỹ thiết lập căn
cứ quân sự tại Cam Ranh, lập tức an ninh của Trung Quốc bị đe dọa. Lúc đó Việt
Nam trở thành “tiền đồn” của Mỹ cho nên sẽ không sống yên với Trung Quốc. Chắc
chắn Việt Nam cũng không muốn điều này xảy ra.
Do đó, chiến lược tối hảo, ít ra trong giai đoạn này là:
-Tăng
cường sức mạnh hải quân, không quân và hệ thống phòng thủ bờ biển.
-Một
phần của Cam Ranh sẽ trở thành “Quân Cảng Quốc Tế” để các tàu chiến Mỹ, Nhật,
Nga, Úc Châu, Âu Châu, Ấn Độ, Ba Tư…có thể ghé thăm…mà không một ai buồn lòng
cả.
-Hoan
nghênh sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Biển Đông cho mục đích hòa bình, ổn định
cho khu vực đồng thời bảo vệ hải lộ chiến lược cho cả thế giới.
Nhưng, trên đời này bao giờ cũng phải
có chữ “nhưng”. Nếu Hoa Lục lấn tới ở
Biển Đông hoặc thiết lập Vùng Nhận Dạng Phòng Không, Việt Nam có thể cho phép
tàu chiến Mỹ đóng tại các hòn đảo như Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Trường Sa
Lớn v.v…theo như sách lược “Ba
Không Một Có” đang được bàn tính ở Việt Nam. Trước nguy cơ lớn thì phải
quyền biến. Cứng nhắc có khi chết.
-Reuters ngày 13/10/2016: “Chủ Tịch
Tập Cận Bình đã tới Căm Bốt trong chuyến công du hai ngày, ca ngợi mối liên hệ
mật thiết giữa hai bên qua việc Căm Bốt đứng về phe với Bắc Kinh trong vấn đề
Biển Đông.
Hai bên đã ký 31 thỏa thuận về kinh tế bao gồm khoản cho vay khoảng
237 triệu Mỹ Kim sau cuộc hội kiến với Thủ Tướng Hunsen. Ông Tập Cận Bình cũng
cam kết thúc đẩy việc xây hệ thống xe lửa tốc hành và phi trường Siem Reap cho
Căm Bốt cũng như cung cấp thêm 500 học bổng.”
Năm 2012 Ô. Obama cũng đã ghé Căm Bốt
nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN. Trước đó Bà Clinton (lúc đó là ngoại trưởng) cũng đã
lên tiếng cảnh báo Căm Bốt chớ ngả về tay Trung Quốc nhưng cuối cùng Mỹ không
có sách lược cụ thể nào để ngăn cản xu hướng thân Tàu của Kampuchia và Thái
Lan, ngoại trừ đe dọa trừng phạt về nhân quyền. Chính sách “cây gậy và củ
cà-rốt” của Mỹ cuối cùng chỉ còn cây gậy.
Nhận Định:
Theo Reuters ngày 1/10/2016, “Ô.
Duterte dự trù viếng thăm Bắc Kinh, hội đàm với Chủ Tịch Tập Cận Bình và Thủ
Tướng Lý Khắc Cường từ 19-21/10/2016. Theo nguồn tin từ các giới chức ngoại
giao và thương mại tại Manila, khoảng vài chục thương gia sẽ tháp tùng Ô.
Duterte để xúc tiến những thỏa thiệp đang được thương thảo để cải thiện mối
bang giao giữa hai nước. Chuyến công du của Ô. Duterte có thể làm thay đổi quan
hệ đồng minh Mỹ-Phi ở Đông Á sau khi ông đưa ra những lời bình luận gây khó
chịu cho Hoa Kỳ và hành động tích cực ve vãn đối thủ chính của Hoa Thịnh
Đốn. Zhao Jianhua- Đại Sứ Trung Quốc tại Phi Luật Tân trong một cuộc tiếp tân
tại tòa đại sứ nói rằng, kể từ khi Tổng Thống Duterte nhậm chức, Trung Quốc và
Phi Luật Tân đã có những sự qua lại thân thiện và nó đưa tới những kết quả tích
cực ngày hôm nay và rằng những đám mây đã tan đi, mặt trời đã hé rạng ở chân
trời và sẽ rực sáng trong một chương mới của mối liên hệ song phương.”
Nghe những lời nói đầy “hoa mỹ”của
ông đại sứ Tàu này, chắc ông đại sứ Mỹ tại Manila sẽ “điên lên”. Không thể
tưởng tượng được Phi Luật Tân- một cựu thuộc địa của Hoa Kỳ từ 1898 và là “đệ
tử” của Mỹ từ 1946, nay lại có thể ngả theo Trung Quốc - đối thủ chính của Mỹ
trên vũ đài chính trị thế giới. Nguyên do tại đâu và lỗi tại ai?
A) Có thể Ô. Duterte tính toán điên
rồ và theo đuổi một chiến lược ngoại giao đầy phiêu lưu.
B) Có thể do chính lỗi của Hoa Kỳ.
Hiện nay báo chí Mỹ chỉ lên tiếng bình phẩm, chê bai cách ăn nói lỗ mãng của Ô.
Duterte nhưng lại không “chẩn bệnh” chính người Mỹ.
1) Kể từ khi Ô. Obama tuyên bố sách lược
“Xoay Trục”, nhiều nhà bình luận trên thế giới đã nói rằng Hoa Kỳ đã gửi đi một
tín hiệu “mù mờ” (mixed signal) rồi sau đó thấy hai
chữ “Xoay Trục” mạnh quá lại
đổi thành “Tái Cân Bằng Lực Lượng”
(Rebalance Power). Sở dĩ thái
độ của Hoa Kỳ “mù mờ” là vì Hoa Kỳ vừa hợp tác chiến lược với Hoa Lục lại vừa
muốn kiềm chế Hoa Lục. Hai mục tiêu này trái chống, mâu thuẫn với nhau.
2) Mỗi khi Hoa Lục lấn tới như bồi
đắp các bãi đá ngầm thành đảo và biến nó thành căn cứ quân sự, Hoa Kỳ
phản ứng bằng cách đem tàu chiến vào nhưng lại nói rằng hai bên trao đổi tin
tức và tránh đụng độ. Rồi Hoa-Mỹ thường xuyên tập trận chung về hải quân, các
tàu chiến thăm viếng lẫn nhau. Vào ngày 20/7/2015, theo AP, vị tân
Tư Lệnh Thái Bình Dương Scott Swift đã tiến hành bảy giờ bay thám thính trên
phi cơ do thám P-8 Poseidon mới nhất của Hoa Kỳ, gây phản ứng tức giận từ phía
Hoa Lục. Cho nên sau đó Đô Đốc Swift lại nói rằng ông chỉ tham dự chuyến bay
thám thính thường lệ mà thôi. Rồi vào
ngày 21/7/2015, ông lại tuyên bố tại Đông Kinh (Tokyo) – mà theo AP có vẻ như
muốn làm lành với Trung Quốc, “Chúng tôi có nhiều điểm tương đồng hơn là những
gì chúng tôi làm trong việc cạnh tranh.” (We have much more in common than we
do in competition). Một vị tư lệnh, đích thân bay thám thính trên một
vùng đang tranh chấp và là điểm nóng của thế giới tức đi “thị sát mặt trận” để về có kế hoạch
hành quân tiêu diệt địch. Nhưng khi về nhà lại nói “vuốt đuôi”, yếu xìu, chứng tỏ thế
lúng túng của Mỹ khi đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông.
3)
Về Bãi Cạn Scarborough: Vào năm 2014, Phi Luật Tân và Hoa Lục tranh chấp chủ
quyền tại đây. Mỹ đứng ra làm trung gian để hai bên cùng rút đi. Phi Luật Tân
tuân thủ và ra lệnh rút hết tàu thuyền của mình, nhưng tàu Trung Quốc vẫn ở lại
và như thế Bãi Cạn Scarborough lọt vào tay Trung Quốc mà Mỹ cũng không có bất
kỳ hành động nào, ít ra lên án Trung Quốc bội hứa. Sự kiện này cũng giống như
năm 1974 Hoa Kỳ đã làm ngơ để Hoa Lục chiếm Hoàng Sa từ tay VNCH như “món
quà” tặng để củng cố chiến lược bình thường hóa ngoại giao với Đặng Tiểu Bình
của cặp bài trùng Nixon-Kissinger để đối đầu với Nga. Theo ABC News ngày
11/10/2016, Ô. Duterte nói rằng ông không hủy bỏ hiệp ước an ninh hỗ tương với
Mỹ nhưng đặt câu hỏi về tầm mức quan trọng của nó và những cuộc tập trận chung
chỉ có lợi cho Hoa Kỳ.
Ông Duterte nói đúng. Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ
tại Phi không bảo đảm chủ quyền biển đảo cho Phi. Nếu Hoa Lục cứ từ từ gặm nhấm
hết biển đảo của Phi Luật Tân thì Hoa Kỳ vẫn cứ làm ngơ, ngoại trừ Hoa Lục mở
một cuộc tấn công quy mô xâm lấn Phi Luật Tân. Do đó hiệp ước an ninh Mỹ-Phi
chỉ dùng để làm cảnh. Điều này đã được chính Ô. Obama nói ra khi ông thăm viếng
Phi Luật Tân vào ngày 28/4/2014 và các chiến lược gia Hoa Kỳ cũng công khai nói
rằng Hoa Kỳ sẽ không mở cuộc chiến với Hoa Lục chỉ vì một vài bãi đá ngầm ở
Biển Đông. Vậy thì Phi Luật Tân cũng như Việt Nam phải tự bảo vệ những hòn đảo
của mình, đừng mong chờ Mỹ can thiệp.
4)
Ngay sau khi Toà Trọng Tài Thường Trực Hague phán quyết tuyên bố chủ quyền về
Đường Lưỡi Bò của Trung Quốc bất hợp pháp, bề ngoài Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân
thủ luật pháp quốc tế, nhưng bên trong lại âm thầm vận động các quốc gia Đông
Nam Á không làm mạnh kẻo “mất mặt”
Trung Quốc. Mình là “đại ca” đứng đầu sóng ngọn gió cứ “xìu xìu ển ển” mà lại kêu gọi đàn
em (ASEAN) đoàn kết lại để diệt thù…thì sớm muộn đàn em cũng sẽ bỏ đi. Chúng ta
thấy Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry rồi Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Susan Rice bay
qua Tàu họp liên miên. Chính Mỹ không muốn đụng độ với Tàu làm sao có thể
xúi các nước nhỏ đụng độ với Tàu? Anh khôn tôi cũng khôn chứ?
5) Là thuộc địa của Mỹ từ 1898 và độc
lập vào năm 1946 từ đó trở thành “đồng minh” nhưng thực tế là đàn em thân tín của
Mỹ. Cho tới năm 1975, ít ra là 118 năm, Mỹ không hề xây dựng một nền kỹ
nghệ cơ khí độc lập cho Phi Luật Tân mà chủ yếu là khai thác tài nguyên thiên
nhiên, cho nên Phi Luật Tân ngày nay vẫn là quốc gia thuộc loại kém nhất Đông
Nam Á, thậm chí phải nhập cảng cả triệu tấn gạo từ Việt Nam.
6) Hiệp Định Hợp Tác Xuyên Thái Bình
Dương (Trans-Pacific Partnership)
do Mỹ chủ xướng bao gồm 12 quốc gia: Úc, Brunei, Gia Nã Đại, Chí Lợi, Nhật Bản, Mã Lai, Mễ Tây Cơ, Tân
Tây Lan, Peru, Tân Gia Ba, Mỹ và Việt Nam, nhưng không có Nam Dương, Thái Lan
và Phi Luật Tân. Không hiểu tại sao Mỹ loại người đàn em thân tín của mình ra
khỏi một thỏa hiệp mậu dịch to lớn như thế? Có thể vì thế mà người dân Phi Luật
Tân bất bình và Ô. Duterte là người nói lên tiếng nói của họ chăng? Hiện nay,
dù bị Hoa Kỳ, Âu Châu và Liên Hiệp Quốc cảnh báo về việc giết người bừa bãi
trong chiến dịch tiêu diệt ma túy, 92% dân chúng vẫn ủng hộ Ô. Duterte.
7) Theo International Business Times vào ngày
2/10/2016, “Ô. Duterte đã than phiền với Nga và Trung Quốc là Hoa Kỳ đã coi
thường ông và một viên chức Trung Quốc đã hồi đáp lại rằng Phi chẳng lợi ích gì
khi đi theo Mỹ. Khi gặp nhau bên lề Thượng Đỉnh ASEAN mới đây tại Lào, Thủ
Tướng Nga Dmitry Medvedev đã đồng ý về điều này khi Ô. Duterte đưa ra việc ông
chống đối bộ tham mưu của Tổng Thống Obama.”
Một khi Phi Luật Tân “ngả vào tay” Trung Quốc,
Ngân Hàng ĐầuTư và Hạ Tầng Cơ Sở (AIIB) do Trung Quốc quản trị sẽ “rót” vài tỉ
đô-la vào đây thì như câu châm ngôn của Hoa Kỳ “Ai chi tiền, người đó là ông chủ “
thì cục diện Á Châu thay đổi hoàn toàn.
Theo tôi, Hoa Kỳ nên kiên nhẫn với Ô. Duterte cũng như đã từng kiên nhẫn với Ô.
Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ. Ô. Obama nên gửi Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Susan Rice hay
Phó Tổng Thống Joe Biden tới Phi Luật Tân để “vuốt ve” Ô. Duterte một tí. Ngày
xưa khi thế nước yếu, các hoàng đế Trung Hoa cũng phải nhún nhường, chẳng hạn
Hán Nguyên Đế đã phải gả nàng Chiêu Quân cho vua Hung Nô để giữ yên đất nước.
Hiện nay tình thế vô cùng bất
lợi cho Mỹ. Thái Lan, Căm Bốt đã ngả vào tay Hoa Lục, nay tới phiên Phi Luật
Tân. Ngày 6/10/2016, Al Azeera đi bài báo với tựa đề , “Phải chăng Hoa Kỳ đang
để mất hết đồng minh truyền thống Á Châu vào tay Hoa Lục?” (Is the US. losing traditional
allies in Asia to China?)
Mỹ
phải gấp rút thay đổi toàn bộ chính sách với Phi Luật Tân, từ kinh tế, tài
chính, ngoại giao, quân sự và phải bổ nhiệm một ông đại sứ thật khéo léo trong
tình thế vô cùng bấp bênh của mối quan hệ Mỹ-Phi. Và cũng xin nhớ cho “nhân quyền” là con dao hai lưỡi,
được lý tưởng nhưng sẽ mất hết đồng minh. Vào ngày 6/10/2016, theo Reuters,
ngoại trưởng của Phi Luật Tân đã đưa ra lời tuyên bố thật nảy lửa, “Tổng thống
của Phi Luật Tân của chúng tôi muốn giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích lệ thuộc
vào Hoa Kỳ là nước không bảo đảm giúp đỡ khi chủ quyền của Phi bị đe dọa. Ngoại
Trưởng Perfecto Yasay đã bộc lộ sự ủng hộ mạnh mẽ lập trường cứng rắn của
Tổng Thống Duterte chống lại Hoa Kỳ và nói thêm chúng tôi buộc phải tái chấn
chỉnh lại chính sách ngoại giao để không phải tuân theo mệnh lệnh và quyền lợi
của Hoa Kỳ.” Còn Tổng Thống Duterte nói rằng, “Nếu Hoa Kỳ và Âu Châu cảm thấy
không hài lòng với chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của ông, họ có thể ngưng
sự trợ giúp cho Phi Luật Tân.” (The
president of the Philippines wants to liberate his country from a
"shackling dependency" on the United States which can not guarantee
its help when Philippine sovereignty is under threat, its foreign minister
said. Foreign Affairs Secretary Perfecto Yasay, in the most forceful show of
accord from a top official with President Rodrigo Duterte's tough anti-American
stance, said the president was "compelled to realign" Philippine
foreign policy and not submit to U.S. demands and interests. Duterte
said the United States and European Union should withdraw their assistance to
the Philippines if they were unhappy with his crackdown.)
Rồi vào ngày 7/10/2016, bộ trưởng
quốc phòng Phi Luật Tân loan báo ngưng các chuyến tuần tra chung với Hoa Kỳ tại
Biển Đông và trong tương lai sẽ trục xuất 100 lính biệt kích Mỹ đang đóng
ở nam Phi Luật Tân để giúp lực lượng địa phương theo dõi nhóm phiến quân Hồi
Giáo Abu Sayyaf, chấm dứt 65 liên minh
quân sự với Mỹ. Thế mới hay
muôn sự trên cõi đời này đều vô thường, không có gì vĩnh cửu cả. Khi “người yêu bỏ ta đi” thì có thể
người yêu phản bội nhưng cũng có thể ta đối xử quá tệ bạc với người yêu chăng?
Nếu
Phi Luật Tân “ngả” vào tay Trung Quốc, sẽ là một thảm họa cho Hoa Kỳ và sau đó
cho Nhật Bản và Việt Nam.
Nếu Hoa Lục có thêm vây cánh ở Phi Luật Tân thì
chuyện khống chế hải lộ chiến lược thông quá Biển Đông nằm trong tầm tay. Lúc
đó Mỹ hoặc thúc thủ hoặc phải mở cuộc chiến tranh tổng lực để giành lại quyền
bá chủ Biển Đông. Nhưng liệu Mỹ có dám mở một cuộc chiến tranh tổng lực với
Trung Quốc, trong khi đã dính líu vào năm cuộc chiến ở năm quốc gia Hồi Giáo (Iraq, A Phú Hãn, Syria, Libya và
Yemen) và đang căng thẳng với Nga qua các vấn đề Syria và Ukraina. Còn Bắc
Hàn lúc nào cũng đe dọa cho Mỹ thưởng thức món “bom nguyên tử”.
Chúng
ta chờ chuyến đi Bắc Kinh của Ô. Duterte xem hai bên thỏa hiệp và cam kết những
gì. Đây là bài học cay đắng - không phải riêng cho Ô. Obama - mà toàn bộ
các nhà lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ- phải xét lại cách đối xử với các nước nhỏ
trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và Nga đang dần dần hồi phục
sức mạnh của thời kỳ Sô-Viết.
Đào Văn Bình
(California ngày
14/10/2016)
__._,_.___
No comments:
Post a Comment