Bắc Kinh âm mưu dùng
điện hạt nhân để kiểm soát Biển Đông
Tàu Trung Quốc tại Đá Vành Khăn - Trường Sa, Biển ĐôngREUTERS
Ngay sau thông tin được báo Hồng Kông South China Morning Post
tiết lộ về việc Trung Quốc đã phát triển một nhà máy điện hạt nhân nhỏ đến mức
có thể đặt gọn bên trong một container tàu thủy, nhật báo Anh, The Independent,
ngày 16/10/2016, đã nêu bật mục tiêu của Bắc Kinh là tăng cường phương tiện
kiểm soát các đảo đang tranh chấp ở vùng Biển Đông.
Lò phản ứng hạt nhân bỏ túi
này, do Quân Đội Trung Quốc tài trợ một phần, sẽ được dùng để cung cấp điện cho
các cơ sở mới và lọc nước biển để có nước uống.
Vấn đề được tờ báo Anh nêu bật là lò phản ứng hạt nhân tí hon đó
lại được thiết kế theo mô hình từng được sử dụng cho những chiếc tàu ngầm thời
Xô Viết trong những năm 1970, mà một chuyên gia Anh đánh giá là «
về cơ bản không an toàn ».
Tờ báo Anh đã trích dẫn nhật báo Hồng Kông, cho biết là lò phản
ứng mới này được cho là loại nhỏ nhất từ trước tới nay được chế tạo cho nhu cầu
dân sự, do các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công Nghệ An Toàn Hạt Nhân, Viện Hàn
Lâm Khoa Học Trung Quốc, phát triển.
Trả lời tờ báo Hồng Kông, các nhà nghiên cứu này hy vọng rằng lò
phản ứng hạt nhân đầu tiên sẽ được đưa xuống Biển Đông trong vòng 5 năm tới
đây, và Trung Quốc có thể bán loại lò này cho các nước Châu Á, Châu Âu, Châu
Phi và Trung Đông.
Nữ giáo sư Hoàng Quần Anh (Huang Qunying) thuộc Viện Công Nghệ An
Toàn Hạt Nhân cho biết là một phần tài trợ là đến từ quân đội.
Dự án nghiên cứu lò phản ứng hạt nhân tí hon là bước mới nhất
trong mưu đồ tăng cường năng lực khống chế Biển Đông của Trung Quốc vì theo
tiết lộ của Hoàn Cầu Thời Báo, đầu năm 2016, Bắc Kinh cũng đã nghĩ đến việc xây
dựng 20 nhà máy điện nguyên tử nổi cỡ nhỏ để cung cấp điện năng và nước uống
cho các đảo trên Biển Đông đang ở trong tay Bắc Kinh.
Vấn đề an toàn ra sao ?
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã công nhận rằng công nghệ được sử
dụng tương đương với công nghệ lò phản ứng cho tàu ngầm thời Liên Xô. Có điều là
John Large, chuyên gia độc lập về hạt nhân đã cố vấn cho chính quyền Nga sau
tai nạn chìm tàu ngầm Kurks năm 2000, đã nêu bật tính chất không an toàn của
loại lò phản ứng Trung Quốc đang chế tạo «
vì về cơ bản loại lò này không an toàn » .
Ông Large giải thích thêm :
« Tàu ngầm Nga chạy bằng nguyên tử đã có thể đi cực nhanh, đạt tốc độ đến 45
hải lý/giờ, nhưng lại nổi tiếng trong tư cách vũ khí giết chết thủy thủ đoàn
bằng phóng xạ tỏa ra ».
Một nhà nghiên cứu Trung Quốc về môi trường biển, xin giấu tên,
trả lời tờ South China Morning Post cũng tỏ mối lo ngại : «
Nhiều loại cá và sinh
vật biển khác sẽ không chịu nổi hậu quả của việc lọc nước biển trên quy mô lớn
như vậy cũng như từ việc nước biển nóng lên vì lò phản ứng hạt nhân ».
Đối với chuyên gia này, trong trường hợp xẩy ra tai nạn hạt nhân,
những người Trung Quốc sống ở Hoa Lục, rất xa các đảo ở Biển Đông, có lẽ sẽ
không bị hậu quả ngay. Thế nhưng « chất phế thải nhiễm xạ sẽ thâm nhập vào các
loài cá, hải sản mà một ngày nào đó sẽ nằm trên bàn ăn chúng ta. Các dòng hải
lưu cũng sẽ mang chất thải nhiễm xạ đó đến những bờ xa xôi».
Nhà máy hạt nhân nổi an toàn đến mức độ nào ?
Trên trang mạng Eurasia, 8/10/2016, nhà nghiên cứu Julius Cesar I.
Trajano, thuộc viện Nghiên cứu Quốc tế RSISI, Singapore, cũng đã nêu bật vấn đề
an toàn cho các kiểu lò phản ứng nguyên tử nổi đó mà Trung Quốc muốn đặt ở Biển
Đông.
Đối với chuyên gia này, thật ra thì đó không phải là một ý tưởng
mới mẻ : Một nhà máy nổi như vậy đang được xây ở xưởng đóng tàu Saint
Petersburg tại Nga, và sẽ trở thành nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên thế
giới.
Kế hoạch của Matxcơva được đưa ra từ năm 2000, dự kiến hoàn thành
vào năm 2018, để sử dụng tại vùng Bắc Cực Nga. Còn nhà máy nổi nhỏ của Trung
Quốc thì dự kiến xây dựng năm 2017 với hy vọng hoạt động vào năm 2020.
Những người chủ trương loại nhà máy điện hạt nhân nổi này, đã nhấn
mạnh đến những mối lợi và tính chất an toàn như không làm ô nhiễm đất đai, dân
chúng không bị đe dọa nhiễm xạ trong trường hợp nhà máy bị tai nạn như trên đất
liền và cũng tránh được đe dọa khủng bố.
Nhà máy nổi trên biển thì cũng tránh
được những tai nạn như lò phản ứng bị chảy như ở Fukhushima. Những lò nhỏ lại
dễ triển khai và cũng dễ di dời khỏi những vùng sóng thần nguy hiểm.
Nguy hại đối với vùng Đông Nam Á
Thế nhưng, theo chuyên gia Trajano, mối nguy hại không ít, vì vấn đề ngăn chận phóng xạ lan tỏa
không dễ dàng như nhà máy trên đất liền. Xử lý tai nạn cũng không nhanh được.
Phóng xạ, chất phế thải có nguy cơ bị gió và các dòng hải lưu cuốn đi xa đến
các bờ đông dân cư như tai nạn nhà máy điện Fukushima đã cho thấy. Nhưng mối
nguy hại nghiêm trọng là nguồn hải sản bị nhiễm xạ, tác hại đến cuộc sống dân
cư Đông Nam Á.
Đông Nam Á là một vùng thường bị thiên tai, bão táp, sóng thần, hạ
tầng cơ sở lại yếu kém, và câu hỏi đặt ra là liệu nhà máy điện hạt nhân nổi của
Trung Quốc có chống chọi được hay không. Chuẩn mực an toàn hạt nhân của Trung
Quốc là mối lo ngại lớn đối với nhiều người, kể cả đối với chuyên gia hạt nhân
Trung Quốc.
Ông Trajano lưu ý là với ý định của Trung Quốc muốn đặt nhà máy
điện hạt nhân nổi ở Biển Đông và đang chuẩn bị triển khai thêm nhiều nhà máy
nữa ngoài khơi trong vùng, các quốc gia ASEAN cần phải đưa vấn đề tai nạn hạt
nhân trên biển thành một đề mục trong kế hoạch khẩn cấp xử lý tai nạn, thiên
tai của họ.
Hiện tại chỉ mới có một vài nước như Việt Nam, Indonesia và
Philippines là đã có chuẩn bị kịch bản tai nạn hạt nhân và có thực tập hiện
trường.
Đặc điểm địa lý của vùng Đông Nam Á khiến cho việc đặt nhà
máy điện hạt nhân nổi ngoài khơi, trong vùng không dễ dàng : vùng biển chung
quanh nhiều nước là vùng có tuyến hàng hải dầy đặc tàu thuyền qua lại đông đảo,
ở các eo biển giữa Indonessia, Malayssia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam…
Ngoài ra, cũng như các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền, nhà
máy điện nổi trên biển cũng phải xử lý chất thải, và lưu trữ một cách thận
trọng.
Xử lý nhiên liệu đã sử dụng cách nào để tránh nguy cơ phóng xạ
thất thoát khi ta không có nơi chứa chất thải phóng xạ ? Đây là điều không dễ
giải quyết.
Cho nên phải chở chất thải trở lại đất liền để trữ một cách an
toàn, không để nhiễm xạ trên biển. Việc chuyên chở này lại tạo thêm một khó
khăn và thách thức đối với các quốc gia trong vùng, chưa kể phải bảo đảm sao
cho các cơ sở hạt nhân, kể cả nhà máy điện nổi, không bị phá hoại, khủng bố.
Khi nhìn những thách thức về mặt an ninh trên biển của khu vực,
như tranh chấp chủ quyền, cướp biển, buôn lậu, tấn công tin học…, cần phải cân
nhắc xem là phải chăng nhà máy điện hạt nhân nổi nguy hiểm hơn là có lợi ?
Đối với tác giả bài phân tích, loại nhà máy điện hạt nhân này đang
được xem như phương án cho tương lai, nhưng giới hoạch định chính sách trong
khu vực phải xem xét kỹ lợi và hại, không thể qua loa trên vấn đề an ninh, an
toàn khi quyết định sử dụng loại nhà máy điện này.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment