Saturday, 10 September 2016

Obama nói gì về Biển Đông tại Asean?


Obama nói gì về Biển Đông tại Asean?

  • 8 tháng 9 2016
Ông Obama phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Asean
Tổng thống Mỹ đưa chủ đề tranh chấp tại Biển Đông vào nghị trình thượng đỉnh trong vùng.
Thông điệp của ông Obama được đưa ra trong bối cảnh giới lãnh đạo trong vùng nhóm họp tại thủ đô Vientiane của Lào không qui kết trách nhiệm cho việc Trung Quốc bành trướng lãnh thổ tại khu vực có tranh chấp tại Biển Đông, theo báo Asahi của Nhật.

“Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo rằng những tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, kể cả trong vùng Nam Hải (Biển Đông),” ông Obama nói trong bài phát biểu khai mạc tại phiên họp với giới lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean).
Ông nói rằng phán quyết của tòa trọng tài quốc tế vào ngày 12 tháng 7 là có tính “ràng buộc” và “đã giúp làm rõ các quyền hàng hải trong khu vực.”

Asean tổ chức một hội nghị thượng đỉnh riêng biệt trong ngày thứ Năm với các cường quốc thế giới, bao gồm cả Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ đưa ra chỉ trích nhẹ lời đối với hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, theo bản thảo tuyên bố chung.
EPA
Hoa Kỳ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông và ông Obama đã nhắc lại chủ đề này tại đây.
Đề cập đến phán quyết tòa trọng tài bác bỏ các tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc, ông Obama nói: “Tôi nhận thấy điều này làm tăng căng thẳng nhưng tôi cũng mong được thảo luận cách có tính xây dựng để chúng ta có thể cùng nhau giảm căng thẳng, thúc đẩy ngoại giao và ổn định trong khu vực.”
Bản thảo tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh nói rằng Asean và các đối tác “tái khẳng định tầm quan trọng cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do đi lại trong vùng biển và vùng trời ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).”
“Một số nhà lãnh đạo vẫn hết sức quan ngại về các diễn biến gần đây tại Biển Nam Trung Hoa … Chúng tôi tái khẳng định về tầm quan trọng đối với các bên liên quan nhằm giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, theo nguyên tắc chung được luật pháp quốc thừa,” bản thảo tuyên bố chung viết.


Obama giã từ châu Á vào lúc chính sách xoay trục còn dở dang

mediaTổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo tại Thượng đỉnh ASEAN, Vientiane, Lào, ngày 08/09/2016.

Ngày 08/09/2016, tại Vientiane, tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn bảo vệ các nỗ lực « tái cân bằng » chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ hướng qua châu Á cho dù đó là ngày ông kết thúc chuyến đi châu Á cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, với tranh chấp Biển Đông vẫn âm ỉ.

Phải nói là vòng công du châu Á lần này của ông đã khởi đầu cũng như kết thúc với những điểm không hay chút nào.
Đến Trung Quốc tham dự thượng đỉnh G20 tuần qua, nhân viên của ông đã phải tranh cãi với viên chức an ninh Trung Quốc ở sân bay về quyền tiếp cận của giới truyền thông, rồi tại Lào là vấn đề hủy bỏ cuộc gặp với tân tổng thống Philippines vì đã thóa mạ ông trước đó.

Lúc nhỏ từng sống tại Indonesia với người mẹ của mình, ông Barack Obama, đã nói với một nhóm « thủ lĩnh » trẻ là việc ông nhấn mạnh đến châu Á trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông mang tính chất cá nhân. Thế nhưng, phát biểu trước các lãnh đạo Đông Nam Á ở Lào hôm 08/09, ông cho đấy cũng là « chìa khóa mở ra một tương lai hòa bình và trù phú cho thế giới » và nêu hy vọng là người thay thế ông ở Nhà Trắng vào năm tới đây sẽ tiếp tục thúc đẩy theo hướng này.
Chính sách xoay trục qua châu Á của tổng thống Mỹ thường bị xem là một phản ứng nhằm đối phó với các hành vi thị uy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Phát biểu nhân một cuộc họp báo ở Vientiane, ông Obama đã cho rằng những người Mỹ chỉ trích chính sách đó đã sai lầm khi nói rằng chiến lược xoay trục thất bại. Lý do là theo ông thấy thì các lãnh đạo châu Á chỉ muốn Mỹ hiện diện nhiều hơn và lâu bền hơn trong khu vực.

Tuy nhiên, tại các hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Đông Nam Á tại Lào, tình hình căng thẳng đã hiện rõ. Các nhà lãnh đạo đã giảm nhẹ các bất đồng trên vấn đề Biển Đông trong một tuyên bố với lời lẽ thận trọng, chỉ cho biết là một vài người trong số họ đã « quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây » trong vùng biển được cho là điểm nóng bất ổn nhất trong khu vực hiện nay.
Trung Quốc, Đài Loan cùng 4 thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nơi hàng năm có đến hơn 5 nghìn tỷ đô la hàng hóa qua lại.

Tuyên bố cũng không đề cập đến phán quyết tháng 07/2016 của một tòa án ở La Haye xác định tính chất bất hợp pháp của một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp, cũng như không thừa nhận yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ Biển Đông.
Tại Vientiane, Obama đã tuyên bố thẳng thừng với hội nghị rằng phán quyết trọng tài, mà Trung Quốc từ chối công nhận, mang tính chất « ràng buộc ».

Phát biểu với các phóng viên báo chí sau cuộc họp, tổng thống Mỹ xác nhận : « Chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của việc các bên tranh chấp phải tôn trọng những bước đi mà họ đã nhất trí, trong đó có việc tôn trọng luật pháp quốc tế, không quân sự hóa khu vực tranh chấp, và không lấn chiếm các đảo không có người ở, rạn san hô và bãi ngầm ».
Về phần mình, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối nhiều lần điều mà họ cho là các nước bên ngoài khu vực « can thiệp » vào Biển Đông, ý muốn nói đến Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã nói với các phóng viên tại Lào là có hai nước mà ông không nêu tên, đã có hành động « không thích hợp » khi nêu vấn đề phán quyết trọng tài trong hội nghị thượng đỉnh.

Trong năm 2015, Trung Quốc đã gây lo ngại nơi các nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh trên Biển Đông, cũng như nơi các cường quốc ngoài khu vực như Hoa Kỳ và Nhật Bản, khi nạo vét các rạn san hô để bồi đắp thành các đảo nhân tạo, rồi xây dựng sân bay và cảng biển trên đó.

Philippines, một đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ, hôm 07/09, cũng đã khiến tình hình liên quan đến Biển Đông căng thẳng thêm trước cuộc họp giữa thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các nhà lãnh đạo ASEAN. Phái đoàn Philippines đã công bố hình ảnh và bản đồ chứng tỏ điều mà họ cho là Trung Quốc đã tăng số lượng tàu gần bãi cạn Scarborough, mà Trung Quốc đã mặc nhiên lấn chiếm năm 2012.

Bộ Quốc Phòng Philippines đã bày tỏ nỗi « quan ngại sâu sắc » trước việc Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng cơ sở tại đấy. Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila dĩ nhiên đã phủ nhận cáo buộc trên, cho rằng Bắc Kinh chỉ duy trì một sự hiện diện nhất định của một dơn vị tuần duyên làm nhiệm vụ thực thi pháp luật mà thôi.
Động thái tố cáo Trung Quốc của Philippines được đưa ra sau khi Manila gây căng thẳng với Hoa Kỳ, với việc tổng thống Philippines công khai lên tiếng thóa mạ đồng nhiệm Mỹ, kéo theo việc hủy bỏ một cuộc họp tay đôi giữa hai tổng thống.

Tuy vậy, tại Vientiane, hai ông Obama và Duterte đã có một số dấu hiệu giảm nhiệt vào tối 07/09 khi trò chuyện với nhau một thời gian ngắn, và nói bông đùa với nhau khi chuẩn bị vào ghế ngồi dự tiệc chiêu đãi của nước chủ nhà.
Trong tư cách tổng thống Mỹ, Obama đã thực hiện 11 chuyến đi thắm châu Á, nhưng các chuyến công du này thường hay bị các sự kiện tại Mỹ hay tại các nơi khác trên thế giới khuấy động.

Ngoài ra, ông cũng không hoàn thành được cao vọng là thúc đẩy được việc phê chuẩn hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, để làm nòng cốt cho chiến lược xoay trục qua châu Á. Triển vọng Quốc Hội Mỹ phê chuẩn TPP ngày càng mờ nhạt, trong lúc cả hai ứng cử viên tổng thống chính đều lên tiếng chống lại hiệp định này.

Cho dù vậy, tại Lào, ông Obama vẫn không chịu thúc thủ : « Tôi đã từng nói trước đây và tôi sẽ nói một lần nữa : Thất bại trong việc thúc đẩy TPP... sẽ gây nên mối hoài nghi về tư thế lãnh đạo của nước Mỹ. Đối với tôi, TPP quan trọng cho cả khu vực lẫn Hoa Kỳ ».



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment