Friday, 15 July 2016

Cựu đô đốc Mỹ : Cần bảo vệ Scarborough của Philippines


Cựu đô đốc Mỹ : Cần bảo vệ Scarborough của Philippines

media
Bãi cạn san hô Scarborough ở Biển Đông (ảnh chụp 12/03/2016 do Planet Labs cung cấp)Reuters

Hoa Kỳ nên sẵn sàng sử dụng vũ lực để đối phó với việc Trung Quốc xâm chiếm một rạn san hô đang có tranh chấp ngoài khơi bờ biển của Philippines

Trên đây là khuyến cáo của ông Dennis Blair, một cựu chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, trong một phiên điều trần Quốc Hội vào ngày 13/07/2016, một ngày sau khi Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye bác bỏ yêu sách đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Theo ông Blair, mục tiêu không phải là để đối đầu với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp với Philippines, mà là để thiết lập một giới hạn cưỡng chế quân sự. Ông nói : « Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có một số ranh giới rõ ràng và sau đó khuyến khích Trung Quốc thỏa hiệp về một số mục tiêu của họ ».

Philippines là một đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng thỏa thuận giữa hai nước không nêu rõ ràng về việc liệu Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho quốc phòng của Philippines trong trường hợp tranh chấp lãnh thổ hay không.

Ông Blair, cũng từng là giám đốc tình báo quốc gia, nhận định Trung Quốc đã trở nên xa dần các nước láng giềng bằng các hành động hung hăng của mình ở Biển Đông, bao gồm cả việc cải tạo các bãi đá, xây dựng các đường bay và cảng biển ở quần đảo Trường Sa.

Ông khuyến cáo Hoa Kỳ nên có bước tiếp cận một cách cẩn thận sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế nhằm tạo cơ hội cho Bắc Kinh thay đổi đường lối.
Cũng có cùng quan điểm trên, ông Kurt Campbell, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và hiện là cố vấn về chính sách châu Á trong chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, nói : « Tôi nghĩ rằng theo thời gian, Trung Quốc sẽ bắt đầu điều chỉnh lập trường của mình, bởi vì họ sẽ nhận ra rằng điều này không nằm trong chiến lược lợi ích tốt nhất của mình ».
Tân đại sứ Mỹ tại Philippines vừa được tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, Sung Kim, cũng trong ngày 13/07/2016 cho biết Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Philippines mà theo ông không nên bị « cưỡng chế và gây áp lực thái quá ».


Biển Đông : Manila kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài

mediaNgoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ra thông cáo về phán quyết của Tòa Trọng Tài, trong cuộc họp báo tại Manila, Manila, ngày 12/07/2016REUTERS/Romeo Ranoco

Philippines hôm nay 14/07/2016 đòi hỏi Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) La Haye, theo đó, tuyên bố yêu sách của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp.

Trung Quốc giận dữ trước phán quyết, khẳng định sẽ không tuân thủ đồng thời cảnh báo các đối thủ về nguy cơ khu vực sẽ trở thành « chiếc nôi chiến tranh ».
Ban đầu Manila tránh đưa ra lời yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng bản án, vì tân tổng thống Rodrigo Duterte muốn xoa dịu quan hệ với người láng giềng hùng mạnh. Nhưng Philippines hôm nay đã phải cao giọng trong một thông cáo, nói rõ ý định của ngoại trưởng Perfecto Yasay trong hội nghị thượng đỉnh Âu-Á (ASEM) sẽ diễn ra trong hai ngày 15 và 16/7 tại Mông Cổ, với sự hiện diện của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố ngoại trưởng Yasay sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận tại ASEM, và nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng phán quyết mới đây của PCA.
Theo AFP, chỉ riêng việc đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng Tài ở Oulan-Bator là đủ để chọc giận Bắc Kinh, từ nhiều năm qua đã làm mọi cách ngáng chân Manila để vấn đề không trở thành đa phương. Hôm thứ Hai 11/7, Trung Quốc đã nói rằng chủ đề này không thể nằm trong chương trình nghị sự ASEM vì « không phù hợp ».
Nhưng Bắc Kinh có vẻ khá cô đơn, vì thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm nay trước khi lên đường đến Mông Cổ đã tuyên bố muốn nghe thảo luận về những bất đồng tại Biển Đông.
Trung Quốc yêu sách hầu như toàn bộ chủ quyền vùng biển - khoảng 2,6 triệu/3 triệu kilomet vuông - dựa trên bản đồ « đường 9 đoạn » tự vẽ trong thập niên 40, với lý lẽ là nước đầu tiên đã khám phá, đặt tên và khai thác Biển Đông.
Nhưng PCA hôm 12/7 khẳng định « đường lưỡi bò » Trung Quốc « không hề có cơ sở pháp lý », bác bỏ « quyền lịch sử », tuyên bố Bắc Kinh đã vi phạm chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế của Manila.
Hoa Kỳ và Úc đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết. Nhưng Bắc Kinh cảnh báo nguy cơ xung đột, nói rằng quyết định của Tòa Trọng tài là « một mảnh giấy lộn ». Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) biện luận : « Đừng để Biển Đông trở thành chiếc nôi của chiến tranh ». Trung Quốc cũng đe dọa thiết lập « vùng nhận dạng phòng không » (ADIZ) trên Biển Đông. Tờ China Daily hăm dọa : « Bắc Kinh buộc phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, kể cả các xung đột quân sự tiềm năng ».
Dưới thời tổng thống Benigno Aquino, người đã tiến hành kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực, quan hệ với Trung Quốc trở nên giá lạnh. Người kế nhiệm, Rodrigo Duterte nhiều lần nói rằng muốn sưởi ấm quan hệ và thu hút đầu tư Trung Quốc vào các dự án hạ tầng lớn, ngỏ ý muốn thảo luận trực tiếp. Tuy nhiên Bắc Kinh cho biết sẽ không bao giờ nhượng bộ về vấn đề chủ quyền.

Biển Đông : Mỹ đấu dịu các bên, sau phán quyết của Tòa Trọng Tài

mediaTuần duyên Philippines và Nhật cùng luyện tập chống cướp biển ở ngoài khơi Vịnh Manila, ngày 13/07/2016TED ALJIBE / AFP

Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/7 /2016 theo hướng phủ nhận hầu hết các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông đã được dư luận quốc tế rộng rãi ủng hộ và ghi nhận như một thắng lợi ngoại giao của Philippines trước Trung Quốc. 

Tuy nhiên, Washington đằng sau tuyên bố ủng hộ quyết định của Tòa, đã kín đáo nhắc nhở các nước có liên quan như Philippines, Việt Nam hay Indonesia cũng như một số quốc gia châu Á khác nên bình tĩnh hành động, không làm dấy lên căng thẳng trong khu vực.

Một quan chức Mỹ, giấu tên, hôm qua (13/07) cho biết quan điểm của Washington lúc này là các nước có liên quan cần phải kiềm chế để có thể đi đến giải quyết các vấn đề tranh chấp một cách có lý không bị cảm xúc lấn át.
Bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter, ngoại trưởng John Kerry và một số quan chức khác của chính quyền Mỹ đã trực tiếp gửi thư, điện hoặc thông qua các cơ quan đại diện Mỹ đến các nước liên quan trực tiếp và những nước có quan tâm nhiều đến quyết định vừa rồi của Tòa Trọng Tài. Nội dung thông điệp, theo quan chức Mỹ nói trên, « là kêu gọi tất cả mọi người trấn tĩnh, không nên có ý đồ tập hợp chống Trung Quốc, đó là điều có thể dẫn tới hiểu lầm là Hoa Kỳ đang tập hợp liên minh kiềm chế Trung Quốc ».

Hoa Kỳ có lý do để đưa ra thông điệp hòa dịu, bởi vì ngay sau khi Tòa ra phán quyết, ngoài phản ứng của Trung Quốc là bác bỏ thẳng thừng, một vài nước liên quan đã có những động thái có thể làm tình hình xấu đi. Trong đó có Đài Loan. Hiện Đài Bắc đang chiếm hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa là Ba Bình, mà họ đặt tên là đảo Thái Bình. Theo phán quyết của Tòa thì đó chỉ là một bãi đá và Đài Loan cũng không có « quyền lịch sử » nào ở Ba Bình. Ngay lập tức, hôm qua Đài Loan đã điều tàu chiến ra đảo. Bà tổng thống Thái Anh Văn còn lên tận chiến hạm giao nhiêm vụ bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của Đài Loan.

Philippines, nước đứng ra khởi kiện và là đồng minh của Mỹ, ngay sau khi có phán quyết thuận lợi, cũng đã giữ bình tĩnh, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, phản ứng có chừng mực.

Theo một quan chức Mỹ, nếu ông Benigno Aquino nổi tiếng cứng rắn với Bắc Kinh thì tân tổng thống Rodrigo Duterte hiện vẫn còn là một « ẩn số ». Trước khi có quyết định của Tòa Thường Trực, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfi Lorenzana cho biết đã trao đổi với người đồng cấp Mỹ Ashton Carter và được biết Hoa Kỳ và Trung Quốc đã cam kết với nhau phản ứng có chừng mực về phán quyết của Tòa. Ông Lorenzana bổ sung, Philippines hứa hành động tương tự.

Phản đối gay gắt phán quyết của Tòa, nhưng Bắc Kinh tiếp tục kêu gọi đàm phán với Manila và coi đây là lúc để đặt lại vấn đề « theo đúng hướng ». Ít nhiều thì đó cũng là một dấu hiệu chuyển biến đầu tiên.

Sau một ngày cao giọng lên án, chỉ trích phán quyết của Tòa, hôm nay tờ báo chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, Nhân Dân Nhật Báo khẳng định, Bắc Kinh đã cho thấy có thể giải quyết các vấn đề lãnh thổ qua đàm phán. Tờ báo dẫn chứng bằng hiệp định phân định biên giới trên biển trong vịnh Bắc Bộ đã ký được với Việt Nam, cũng như họ đang đàm phán với Hàn Quốc về vấn đề lãnh hải…

Tuy vậy, hôm qua, Bắc Kinh vẫn có một động thái xác quyết chủ quyền ở các khu vực họ đang chiếm giữ trên Biển Đông bằng việc đưa hai chiếc máy bay dân sự hạ cánh tại hai sân bay mà họ vừa xây dựng trên những đảo mới bồi đắp trong quần đảo Trường Sa. Một hành động bị Washington đánh giá là gây căng thẳng nhiều hơn là hòa dịu.

Giới phân tích chính trị đều nhận định phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực là một thất bại lớn của Trung Quốc trên trường ngoại giao quốc tế. Nhưng quyết định của Tòa chỉ có thể tạo đà để các bên tiến tới đàm phán giải quyết các tranh chấp. 

Các nước có liên quan cũng như có lợi ích trong khu vực đang nóng này cần bình tĩnh, tỉnh táo nhìn nhận thực chất vấn đề, không nên hành động thái quá và nhất là tránh làm dấy lên bầu không khí dân tộc chủ nghĩa. Điều đó có thể phá hỏng một phán quyết hoàn toàn mang ý nghĩa trung gian, hòa giải của Tòa La Haye.


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment