Monday 23 May 2016

Nhật Ký Biển Đông: Trang Sử Mới Trong Bang Giao Việt-Mỹ


Nhật Ký Biển Đông: Trang Sử Mới Trong Bang Giao Việt-Mỹ

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Năm ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:

Tình hình thế giới:
                -theadvocate.com ngày 17/5/2016: “Văn phòng cảnh sát tại Baton Rouge , Tiểu Bang Louisiana cho biết một nhóm 10 trẻ vị thành niên đã cắt điện nhà của một người đàn bà, đe dọa đốt nhà và giết con bà vì cậu này nghe nói đã nợ nhóm này một số tiền.”
                Trẻ con bây giờ thông minh, đẹp đẽ nhưng sao hung dữ quá. Bốn, năm tuổi đã biết cầm súng giết người. Nữ sinh “ lứa tuổi ô-mai, đời chưa trang điểm, đầy mộng mơ” lấy ghế phang bạn như “đòn hội chợ”. Có lẽ tại phim ảnh, truyền hình, video, môn chơi (games) chăng? Kỹ nghệ giải trí là dụng cụ đầu độc con người ghê gớm nhất. Facebook, Twitter cũng là thảm họa. 

Cách đây gần 60 năm, hồi thập niên 1950, trẻ con tụi tôi cũng nghịch ngợm, câu cá, đánh khăng, đánh vụ, trèo me trèo sấu, phá làng phá xóm ghê gớm lắm nhưng có bao giờ dám nghĩ tới chuyện cãi lại hay đốt nhà người lớn đâu. Quan niệm “thai giáo” của nhà Phật có thể rất hữu lý. 

Khi đôi bạn trẻ nuôi dưỡng trong đầu những  ý tưởng bạo lực thì thế nào cũng sinh ra những đứa trẻ trong đầu chứa đầy chủng tử bạo lực. Khi gặp cơ duyên tức hoàn cảnh xấu thì các chủng tử đó như hạt giống sẽ nảy mầm và “đơm bông kết trái”. Do đó, để có một xã hội an lành cho mai sau, không làm điều xấu, không reo rắc bạo lực đã đành - mà không được “gây nhân” tức không nuôi dưỡng những chủng tử bất thiện trong đầu. 

Vì những chủng tử này chính là “nhân” sẽ tạo “quả” khi có điều kiện. Sẽ chỉ là một ảo tưởng cuồng điên khi con người mơ ước một xã hội an lành cho con cháu mai sau mà bây giờ chính mình lại nuôi dưỡng, reo rắc những tư tưởng, lời nói đầy hận thù, bạo lực và chia rẽ. Cũng giống như một người ngồi bên dòng sông, nguyện ước rằng con cháu mai sau sẽ được hưởng một dòng nước tươi mát. Nhưng vừa nguyện ước xong lại ném rác thối xuống lòng sông, rồi thản nhiên quay đi.

            -AP ngày 17/5/2016: “Thượng Viện Hoa Kỳ vừa thông qua đạo luật gọi là Quy Trách Nhiệm Cho Những Kẻ Trợ Giúp Khủng Bố (The Justice Against Sponsors of Terrorism Act) mở đường cho gia đình nạn nhân của biến cố 9/11 kiện chính quyền Ả Rập Sê-út để đòi bồi thưởng, bất chấp quốc gia này đe dọa bán đổ bán tháo hàng ngàn tỉ đô-la tiền công khố phiếu và chứng khoán của Hoa Kỳ.” Chưa biết phản ứng tiếp theo của Ông Vua Dầu Lửa Ả Rập như thế nào.

            -Washington Post ngày 17/5/2016: “Sau khi tiêu diệt Ô. Qaddafi năm 2011, điều mà Ô. Obama thú nhận đó là sai lầm tệ hại trong nhiệm kỳ của ông, đất nước Libya gần như chia đôi và lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo bắt rễ tại đây và chiếm khoảng 1 phần 10 diện tích vùng duyên hải. Hoa Kỳ đang tính tới chuyện trợ giúp vũ khí để chống lại Nhà Nước Hồi Giáo, nhưng không biết giao cho nhóm nào.” Đúng như lời Ô. Putin nói, Hoa Kỳ đang chống lại cái mà Hoa Kỳ đã tạo ra. Lơ mơ tình hình Libya rồi đây cũng sẽ thối nát như Iraq, Syria và Afghanistan. 

Hiện nay biệt kích Mỹ đã có mặt tại Libya để tìm cách tiêu diệt lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo Libya. 

Ngày 20/5/2016, Tướng Joseph Dunford -Tham Mưu Trưởng Liên Quân cho biết Hoa Kỳ đang từng bước thương thảo để gửi bộ binh vào Libya cho một kế hoạch lâu dài (a long-term U.S. military commitment) để chống lại Nhà Nước Hồi Giáo, một tin xấu cho Bà Clinton vì bà chủ trương tấn công lật đổ Ô. Gaddafi và đưa tới hậu quả ngày hôm nay. Thật là một thảm họa. 

Nếu không đem quân vào thì Libya sẽ xụp đổ như Iraq. Mà đem quân vào thì Hoa Kỳ cùng lúc mở bốn cuộc chiến ở Trung Đông (Iraq, Syria, Libya và Yemen) và cuộc chiến A Phú Hãn.

            -Miami Herald ngày 18/5/2016: “Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Victoria Nulands đang viếng thăm Nga và bà sẽ gặp Ô. Vladislav Surkov- cố vấn của Tổng Thống Putin để thảo luận về việc thi hành Thỏa Hiệp Minsk cho vùng đông Ukraine. Bà nói rằng chúng tôi muốn thi hành thỏa hiệp này càng sớm càng tốt và đây là thời điểm phải tiến hành gấp.”
            Đây là dấu hiệu Hoa Kỳ tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Ukraine – một cục nợ kéo dài hơn hai năm mà chẳng có lợi gì cho Hoa Kỳ cả. Nếu Thỏa Hiệp Minsk được thi hành đứng đắn, có thể Mỹ sẽ giải tỏa lệnh cấm vận Nga. Hiện nay một số quốc gia Âu Châu đã lên tiếng yêu cầu Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận vì nghĩ cho cùng dù có cấm vận thêm 100 năm nữa Nga vẫn không chết. Nếu chết thì đã chết rồi mà chỉ gây căng thẳng và thiệt thòi cho Âu Châu mà thôi.

-CNN Money ngày 18/5/2016: “Mỹ gia tăng thuế nhập cảng thép từ Hoa Lục dùng để chế tạo đồ điện, xe hơi và động cơ điện lên hơn 500%.” 

Hiện nay kỹ nghệ thép của Trung Hoa cũng lấn cả vào thị trường Anh Quốc -một quốc gia nổi tiếng về kỹ nghệ luyện thép và chế tạo cơ khí. Thế mới hay Trung Hoa là một thế lực đáng sợ- không phải chỉ về quân sự, tham vọng, mà cả về kinh tế nữa. Xin chớ coi thường Trung Quốc. Một quốc gia dân số 1.3 tỉ, với nền văn minh cổ đại mà tư tưởng, học thuật còn sống mãi tới ngày hôm nay, nếu biết phát triển đúng hướng sẽ làm thay đổi bộ mặt thế giới. Rồi đây hai Kênh Đào Nicaragua và Kra (Thái Lan) do Trung Quốc xây dựng, nếu hoàn tất sẽ làm thay đổi địa lý toàn cầu.

-Frontline ngày 18/5/2016: “Cựu Ngoại Trưởng Colin Powell nói rằng bài diễn văn của ông đọc trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm 2003 trình bày lý do mà bộ tham mưu của Tổng Thống Bush tiến hành cuộc chiến chống Iraq là một mối nhục/vết nhơ (blot) trong hồ sơ của ông. Bài diễn văn mô tả chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq nhưng tình báo sau đó xác nhận là chương trình này không hề có.”

Cùng với Ô. Colin Powell, Ô. Tony Blair- người cùng với Ô. Bush Con tổ chức cuộc chiến tranh Iraq đã lên tiếng xác nhận mình sai lầm. Nay chỉ còn Ô. Bush Con giữ im lặng. Trong một cuộc tranh luận của 17 ứng cử viên Cộng Hòa, Ô. Trump đã “chơi” Ô. Bush Em khi nói rằng Tổng Thống Bush Con là kẻ nói láo (a liar) về cuộc chiến Iraq khiến Ô. Bush Em thâm thù và thề sẽ không bao giờ bỏ phiếu hoặc ủng hộ (endorse) Ô. Trump. Theo đạo đức của Đông Phương, một bày tôi lương đống khi thấy “vua sai thì phải nói là vua sai”. Nay anh mình sai mà không dám nói thì làm sao có thể làm tổng thống cầm cân nảy mực cho 300 triệu dân được?

-Fox News ngày 18/5/2016: Ứng cử viên tổng thống Donald Trump vừa gặp cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao Henry Kissinger phục vụ dưới thời các Tổng Thống Nixon và Ford, chắc chắn để tham vấn về chính sách đối ngoại. Henry Kissinger dù trên 90 tuổi nhưng vẫn là một “kép độc” trong chính sách ngoại giao của thế giới. Ông vừa có cuộc gặp gỡ Tổng Thống Putin tại Điện Cẩm Linh. Kissinger có cái nhìn thấu suốt vào vấn đề. Ông đề nghị “phi liên kết” (Phần Lan Hóa) Ukraine để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và ông coi Nhà Nước Hồi Giáo nguy hiểm hơn là một chế độ độc tài tại Syria. Tôi không ưa “ông nội” này và nhiều người cũng không ưa ông ta, nhưng phải công nhận rằng đó là giải pháp hợp lý nhất để giải quyết vấn đề Ukraina và Syria.

Có lẽ ảnh hưởng bởi những lời khuyên của Ô. Kissinger, trong cuộc phỏng vấn ngày 20/5/2016 với đài truyền hình MSNBC, Ô. Trump nói rằng ông không  dùng giải pháp quân sự để lật đổ Tổng Thống Assad nhưng sẽ dùng binh lực để tiêu diệt Nhà Nước Hồi Giáo. Tôi ủng hộ chiến lược này của Ô. Trump. Phải tập trung nỗ lực để tiêu diệt ISIS/ISIL trước. Sau khi đất nước Syria ổn định, phối hợp với Nga để yêu cầu Ô. Assad mở rộng thành phần chính phủ, tạo đoàn kết dân tộc và từ từ xây dựng dân chủ. Cứ nhìn vào cuộc chiến Iraq và A Phú Hãn, Mỹ đổ vào đây 1600 tỉ đô-la, 4991 binh sĩ chết ở Iraq, 2326 chết ở A Phú Hãn để xây dựng thể chế dân chủ kiểu Tây Phương cho hai quốc gia này, nhưng Iraq và A Phú Hãn giờ đây nát như tương và tương lai chưa biết đi về đâu. Ô. Trump nhìn thấy vấn đề còn Ô. Obama và Bà Clinton không nhìn thấy những khó khăn và tổn thất của nước Mỹ. Theo Los Angeles Times ngày 20/5/2016, Quận Hạt Los Angeles có khoảng 4343 cựu chiến binh vô gia cư mà 2733 người sống trong thành phố. (The county has long had the largest concentration of homeless veterans in the country- 4,343 in the latest count. Two-thirds of them, or 2,733, live in the city.)

-Sputnix News ngày 18/5/2016: “Theo chân Miến Điện, các thỏa thuận về hợp tác quân sự giữa Nga và Thái Lan đã được ký kết vào ngày 18/5/2016  ở St. Petersburg bởi Thứ Trưởng Quốc Phòng Nga Anatoly Antonov và Bộ Trưởng Ngoại Giao Thái Lan Don Pramudwinai. Lễ ký các văn bản Nga-Thái đã được tổ chức sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai quốc gia.” Nhân cuộc họp bên lề Thượng Đỉnh Nga-ASEAN với Ô. Putin, Thủ Tướng Prayut chan-Ocha cho biết Thái Lan sẽ đổi gạo và cao-su để lấy trực thăng của Nga để bảo vệ rừng. Ngoài ra, vào ngày 13/5/2016, Thái Lan cho biết lục quân nước này đã ký hợp đồng mua 50 xe tăng MBT-3000 (VT- 4) của Trung Quốc. Rõ ràng Thái Lan theo chính sách ngoại giao quốc phòng đa phương để không lệ thuộc vào Mỹ.

-Tổng Hợp ngày 20/5/2016: Nga tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh Nga-ASEAN tại Khu Nghỉ Mát Sochi ở Hắc Hải từ 19-20/5/2016 để kỷ niệm 20 năm hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á. Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Nga-ASEAN đã thông qua Bản Tuyên Bố Sochi và tán thành kế hoạch hành động phát triển hợp tác đến năm 2020. Tổng Thống Vladimir Putin tuyên bố rằng văn kiện ghi rõ nhiệm vụ chung là đưa quan hệ hợp tác giữa Nga và ASEAN lên một mức mới có tầm chiến lược và chất lượng.”

Đời này kể cũng lạ, trước đây có ai thèm dòm ngó tới các nước chậm tiến Đông Nam Á đâu. Âu Châu, Nhật Bản, Do Thái là “cái rốn” của vũ trụ. Nào ngờ, do sự bành trướng của ông “Con Trời” Trung Quốc, Đông Nam Á trở thành trọng điểm chiến lược, ai chiếm được vùng này sẽ bá chủ thế giới. Chính vì thế mà “võ lâm nhị bá” như Mỹ-Nga, thậm chí cả Nhật Bản cũng trân trọng thỉnh mời và ân  cần tiếp đón “chưởng môn” các “bang phái” nhỏ này tại quốc gia mình không ngoài mục đích vỗ về, lôi kéo để gây thanh thế, đối phó với kẻ thù. 

ASEAN giờ đây “đắt giá” lắm đó nghe. Nếu biết đoàn kết và thống nhất được ý chí, sẽ là cơ hội ngàn năm một thuở để phát triển đất nước. Nhật Bản sẽ đổ 4 tỉ đô-la vào đây để xây dựng hạ tầng cơ sở, Nga đang thảo luận dự án xây dựng nhà máy lọc dầu tại Lào và từ đó đưa vàoViệt Nam, còn Mỹ thì chìa củ cà-rốt TPP (Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương) nhưng đang bị Ô. Trump và Bà Clinton hăm dọa xé bỏ.

-UPI ngày 19/5/2016: “Tòa Đại Sứ Nga tại Bình Nhưỡng cho biết tuần này Nga sẽ chở 2394 tấn bột mì và thực phẩm khác tới thành phố cảng Chongjin - khu luyện thép- để trợ giúp cho các trung tâm giữ trẻ Bắc Hàn hiện đang vẫn còn thiếu thốn thực phẩm nghiêm trọng.”

-AFP ngày 22/5/2016: “Trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi tới Miến Điện, Ngoại Trưởng John Kerry đã gặp gỡ Bà Suu Kyi - tổng thống Miến Điện trong thực tế (de facto) - đã ca ngợi những thành tựu mới nhưng thúc đẩy cải tổ mạnh mẽ hơn nữa. Trước chuyến viếng thăm này, Hoa Kỳ đã gỡ bỏ cấm vận lên 10 công ty quốc doanh/công quản/tự trị như một trừng phạt dưới chế độ quân nhân trước đây, nhưng vẫn còn giữ lại cấm vận về thương mại và đầu tư. “

Hiện nay Bà Suu Kyi đang bị áp lực từ phía Hoa Kỳ vể vấn đề người thiểu số Hồi Giáo Rohingya/Bengalis. Trước đây, bà là quán quân về nhân quyền của Miến Điện và được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình. Thế nhưng từ một người bị áp bức, nay trở thành lãnh đạo đất nước, bà đối đầu với thực tế. Miến Điện hiện đang phải đối phó với “vấn nạn” 1.3 triệu người Hồi Giáo Rohingya/Bengalis đã cư trú ở đây nhiều thế kỷ nhưng không thể nào hội nhập vào xã hội Miến Điện được.

 Cứ thử nhìn xem, xã hội Hoa Kỳ và Âu Châu là các “melting pot” (lò nấu chảy) với bao nhiêu là cơ hội tiến thân, làm giảu, văn hóa tiêu thụ cuốn hút hừng hực. Là nơi nghiền nát bản sắc của các dân tộc thiểu số để hòa tan và dòng chính. Thế nhưng các sắc dân Hồi Giáo vẫn giữ nguyên bản sắc và không thể nào…và không thể nào hòa nhập vào dòng chính (mainstream) được. Vậy thì Bà Suu Kyi phải làm sao đây? 

Nếu công nhận sắc dân này và ban bố quyền tự trị rộng rãi. Sớm muộn gì họ cũng sẽ đòi tự trị và tách riêng ra thành quốc gia. Nếu đàn áp hoặc trục xuất họ ra khỏi đất nước thì sẽ bị thế giới lên án- đặc biệt là Hoa Kỳ. Rồi sẽ là bao vây, cấm vận và có khi lật đổ. Trước đây Hoa Kỳ là ân nhân của bà. Nay vì quyền lợi quốc gia, Hoa Kỳ trở thành đối thủ của bà. Cho nên bà đã nói với Ô. John Kerry rằng “Chúng tôi không sợ hãi cấm vận, chúng tôi không sợ hãi chuyện cứ nhìn vào để soi mói. Chẳng chóng thi chầy, Hoa Kỳ sẽ thấy rằng đây không còn là thời điểm cấm vận nữa.” (We're not afraid of sanctions, we're not afraid of scrutiny," she said. "The time will come soon that the United States will know that this is no longer the time for sanctions.)

Thế mới hay thực tế sẽ giết chết lý tưởng. Giống như Bà Thái Anh Văn - trước áp lực của Trung Quốc đã không đề cập gì đến hai chữ “độc lập” trong diễn văn nhậm chức, cho dù bà đã thắng cử vì chiêu bài độc lập cho Đài Loan. Không biết rồi đây dân Đài Loan có biểu tình đòi truất phế bà vì đã phản bội họ hay không?

-New York Post ngày 22/5/2016: “Cựu Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Nga nay đã 85 tuổi, trong cuộc phỏng vấn với Sunday Times ở Luân Đôn đã nói rằng ông ủng hộ việc Tổng Thống Putin sát nhập Crưm/Crimea vào Nga và…nếu ông có cơ hội ông cũng sẽ làm như thế.”

-AFP ngày 22/5/2016: “Vào ngày hôm nay, cả ngàn người Thái xuống đường biểu tình để kỷ niệm hai năm ngày đảo chính. Họ nhảy múa, ca hát, đọc diễn văn và biểu ngữ đòi dân chủ- một biểu hiện chống đối lớn nhất kể từ khi quân đội lật đổ chính quyền dân cử năm 2014. Dưới sự canh chừng của vài chục cảnh sát, các người biểu tình trẻ cũng như già tụ tập một cách ôn hòa tại Công Viên Dân Chủ ở Bangkok khi sự phẫn nộ của dân chúng bắt đầu xuất hiện sau hai năm tương đối yên tĩnh dưới sự kiểm soát của quân đội.”

-Fox News ngày 22//5/2016: “Bà Susan Rice- Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của tổng thống nói với các sinh viên tốt nghiệp của Florida International University rằng sự hiện diện của quá nhiều người “Da Trắng, đàn ông và Đại Học Yale” trong Hội Đông An Ninh Quốc Gia đe dọa nền an ninh của Hoa Kỳ.” (National Security Advisor Susan Rice told graduates at Florida International University that the presence of too many "white, male, and Yale" staffers is posing a threat to the security of America.) Đây là lời tuyên bố khá nhức đầu của vị nữ cố vấn Da Đen giữ địa vị quan trọng nhất trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ. Xin để cho các vị đực rựa, Da Trắng và các bậc tốt nghiệp đại học danh tiếng Yale trả lời.

Tình hình Syria:
            -AP ngày 17/5/2016: “Nga đang tiến hành xây dựng một căn cứ quân sự mới tại Palmyra- miền trung của Syria nằm trong khu vực được bảo vệ vì có địa điểm khảo cổ được UNESCO ghi nhận là di sản của thế giới.” Hành động cho thấy Nga chủ trương ở lại Syria lâu dài chứ không rút quân như đã loan báo trước đây.

            - Washington Post ngày 19/5/2016: “Quân chính phủ và chí nguyện quân Hezbollah đã chọc thủng phòng tuyến của phiến quân ở đông Thủ Đô Damascus trong một cuộc tiến quân thần tốc, đe dọa phá vỡ thế giằng co giữa hai lực lượng chung quanh thủ đô trong nhiều năm. Không quân và hỏa tiễn đã dội hỏa lực vào vị trí phiến quân phía đông ngoại ô Ghouta, giúp quân chính phủ và chí nguyện quân tiến chiếm căn cứ địa Deir al-Asafir và những làng khác. Đây là một thắng lợi rất quan trọng của Ô. Assad.” Từ những đụng độ về quân sự này, chúng ta thấy tương lai Syria sẽ được giải quyết trên chiến trường chứ không thể qua bàn hội nghị.

            -Reuters ngày 20/5/2016: “Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu đề nghị phối hợp với liên minh do Hoa Kỳ cầm đầu, bắt đầu từ ngày 25/5/2016 để oanh kích phe phiến quân kể cả Mặt Trận Nusra (Nusra Front) là lực lượng không tôn trọng cuộc ngưng bắn. Thế nhưng Hoa Kỳ kiên quyết từ chối phối hợp hành quân chung với Nga cũng như với chính quyền Syria.”

            -AP ngày 21/5/2016: “Một chỉ huy Hoa Kỳ cao cấp nhất của vùng Trung Đông đã bí mật viếng thăm Syria để tận mắt chứng kiến những nỗ lực liên kết các đồng minh Ả Rập, Kurd và những tay súng tại địa phương hầu đánh bại Nhà Nước Hồi Giáo. Tướng Joseph Votel, người đứng đầu Bộ Chỉ Huy Hoa Kỳ trở thành giới chức quân sự cao cấp nhất tiến vào lãnh thổ Syria kể từ khi Hoa Kỳ bắt đầu chiến dịch chống Nhà Nước Hồi Giáo năm 2014. Tướng Votel bay vào vùng bắc Syria và ở đây khoảng 11 tiếng đồng hồ, gặp gỡ các cố vấn Mỹ, làm việc với các chiến binh người Ả Rập và tham khảo với những thủ lĩnh của Lực Lượng Dân Chủ Syria (Syrian Democratic Forces)- một cái dù che cho nhóm người Kurd và các chiến binh Ả Rập được Mỹ hỗ trợ.”
Thực tế Syrian Democratic Forces là tổ chức đấu tranh đòi độc lập trong liên bang Syria, họ chống lại Nhà Nước Hồi Giáo và Al-Nusra Front. Nếu được Hoa Kỳ hỗ trợ mạnh mẽ, đất nước Syria chắc chắn phải bị chia cắt ở phía Bắc.

Tình hình Biển Đông:
            -AFP ngày 15/5/2016: “Tổng thống đắc cử Phi Luật Tân nói rằng ông muốn có mối liên hệ thân thiện với Trung Quốc và xác nhận rằng ông sẽ mở cuộc đối thoại trực tiếp về tranh chấp lãnh thổ đã làm tổn hại tới quan hệ hai nước. Ô. Duterte cũng loan báo rằng Đại Sứ Trung Quốc tại Manila là một trong ba đại sứ ngoại quốc mà ông dự định gặp vào ngày 16/5/2016.” Chưa biết chính sách đối với Trung Quốc của tân tổng thống này ra sao. Chúng ta chờ xem.
Cũng theo AFP ngày 19/5/2016, Ô. Duterte đã cho tiến hành một cuộc gặp gỡ với lãnh tụ du kích cộng sản cao cấp với hy vọng chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần nửa thế kỷ. Ông Duterte cũng hứa dành cho phe cộng sản bốn bộ trong chính phủ và thả các tù nhân già yếu. Các phái viên của chính phủ sẽ tới Hà Lan để gặp gỡ nhóm này và chuẩn bị tài liệu cần thiết cho cuộc thương thảo chính thức và ông cam kết ân xá cho tù nhân chính trị. 

Nếu hai bên thật lòng thương thảo thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phi Luật Tân, Đảng Cộng Sản Phi Luật Tân trở thành một chính đảng trong sinh hoạt của quốc gia. Đây là một quyết định vô cùng táo bạo của tân tổng thống. Có lẽ ông này nhìn ra trông rộng, đoàn kết dân tộc để đối phó với các nhóm thánh chiến Hồi Giáo ở miền nam đang có khuynh hướng ngả theo lực lượng ISIS. Lịch sử thế giới chứng tỏ rằng, trước một thảm họa lớn hơn, dù thù nghịch cách mấy vẫn có thể liên minh, chẳng hạn Mao-Tưởng đã liên minh trong cuộc kháng chiến chống Nhật, Hoa Kỳ-CHLB Sô-viết đã liên minh để chống lại Phát-xít Đức.

Nhưng ông tổng thống đắc cử này lại “mó dái ngựa” khi theo Reuters ngày 22/5/2016, “Ô. Duterte đã mô tả Giáo Hội Công Giáo La Mã là một tổ chức đạo đức giả nhất của đất nước và ông sẵn sàng đối đầu với những giám mục cao cấp nhất của Phi Luật Tân để thảo luận về những sai trái (của giáo hội) trước khi nhậm chức vào tháng tới. Ông cho rằng các chức sắc của giáo hội đã làm giàu trên sự đóng góp của những người nghèo và không thèm đếm xỉa tới nguyên tắc tách biệt giữa giáo hội và chính quyền. 

Và cuộc bầu cử này chính là cuộc trưng cầu dân ý giữa ông và giáo hội.” (The Philippines' president-elect Rodrigo Duterte described the Catholic Church as the country's "most hypocritical institution" on Sunday and said he was ready to take on senior Filipino bishops to debate their wrongdoings before he takes office next month. He alleged church leaders had enriched themselves at the expense of the poor and shown disregard for the separation of church and state. Let this election be a referendum between me and the Catholic church..)
Ông Duterte được báo chí mệnh danh là “Ô. Trump ở Phương Đông”. Trong một đất nước mà 82.9% là tín đồ đạo Công Giáo La Mã mà ông này dám nói thế, không biết có sống nổi hay không? Hay lòng dân đã thay đổi khi các giám mục vận động chống lại ông nhưng cuối cùng ông đắc cử. (Bishops had campaigned against him, but public opinion was on his side, he said.)

            -AFP ngày 18/5/2016: “Ngũ Giác Đài cho biết hai phi cơ chiến đấu của Trung Quốc đã nghênh cản phi cơ thám thính của Mỹ một cách nguy hiểm trên không phận ở Biển Đông. Hai phi cơ  J-11 này chỉ bay cách máy bay tuần thám 15 mét.” Sau biến cố, Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ phải chấm dứt ngay việc tuần thám trên vùng biển tranh chấp. Chưa biết Hoa Kỳ phản ứng như thế nào. Có lẽ Hoa Kỳ cũng nên có phi cơ chiến đấu hộ tống phi cơ thám thính nhưng không biết Ô. Carter có dám làm hay không?  

            -Good Morning America ngày 23/5/2016: “Trong  cuộc họp báo chung với Chủ Tịch Trần Đại Quang của Việt Nam tại Hà Nội, Tổng Thống Obama nói rằng dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt lên Việt Nam từ 1975 sẽ gia tăng mối quan hệ bình thường giữa hai nước. Sự thay đổi này sẽ giúp Việt Nam có thể mua những thiết bị cần thiết cho tự vệ và chấm dứt những di sản của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. 


Nó cũng ghi đậm cam kết của Hoa Kỳ trong việc bình thường hóa bang giao đầy đủ với Việt Nam, bao gồm cả quan hệ quốc phòng mạnh mẽ với Việt Nam ở trong khu vực trong dài hạn. Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận không phải là một phản ứng đối với thái độ nằng nặc của Trung Quốc ở Biển Đông. Quyết định không nhắm vào Trung Quốc hay bất cứ toan tính nào. Nó dựa trên ước muốn của chúng tôi muốn hoàn tất một tiến trình đã kéo dài để tiến tới bình thường hóa ngoại giao với Việt Nam. 


Quyết định của tôi phản ảnh sự hữu hiệu trong việc thay đổi bản chất của mối liên hệ. Trong khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ, việc bán các loại vũ khí sẽ lệ thuộc vào những tiến bộ về nhân quyền của Việt Nam. Đây là lãnh vực mà chúng tôi (Việt-Mỹ) vẫn có những khác biệt.”


Vào 11 giờ 40 cùng ngày Ô. Obama và Ô.Trần Đại Quang - tân Chủ Tịch Nước đã chứng kiến đại diện Hàng Không Vietjet và Boeing ký kết hợp đồng đặt mua 100 máy bay B737 MAX 200, trị giá lên tới 11.3 tỉ đô-la.” Còn Ô. John Kerry bất ngờ đi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm trên đó có Đền Ngọc Sơn, qua những hình ảnh mà đài CBS truyền đi, ông được dân chúng Hà Nội bu quanh hoan hô nhiệt liệt, chúng ta thấy vấn đề không phải là những cọ sát, ân oán giang hồ trong quá khứ mà là cách đối xử với nhau ngày hôm nay.


Trong khi đó theo CNN, việc tháo bỏ lệnh cấm vận sẽ khiến Hoa Lục phùng mang trợn mắt (ruffle feathers) và đưa tới leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Nhưng theo ý kiến của tôi, từ 2006 tới nay, đã 10 năm rồi, Hoa Kỳ mới đầu nói “không đứng về phe nào” khiến Hoa Lục lấn lướt ở Biển Đông. 


Việc Hoa Kỳ do dự và quá thận trọng đã đưa tới gần như thảm họa ngày hôm nay. Bệnh nặng mà cứ xức dầu cù-là là đưa bệnh nhân tới nghĩa địa. Tôi nghĩ đây là hành động đúng của Hoa Kỳ đáng lý ra phải làm cách đây vài năm. Rồi đây trung Quốc cũng chẳng làm được gì cả, ngoài việc đe dọa suông. Khi Việt Nam mạnh lên ở Biển Đông, nó là rào cản tự nhiên ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Chiến lược Mỹ liên kết với Việt Nam là chiến lược đúng.

Tuy nhiên tình hình không đơn giản như người ta nghĩ, do hai yếu tố:

-Không giống như Phi Luật Tân hay Nhật Bản - Việt Nam có chung biên giới với Trung Quốc. Sự liên kết Việt-Mỹ sẽ giới hạn ở mức Việt Nam không trở thành mối đe dọa về an ninh choTrung Quốc.


-Hiện nay Việt Nam có mối liên hệ rất sâu đậm với Nga. Do đó việc liên kết Việt- mỹ sẽ như thế nào để không tổn hại tới quan hệ này. Trước chuyến thăm Việt Nam của Ô. Obama vài ngày, Ô. Nguyễn Xuân Phúc-tân thủ tướng của Việt Nam đã tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Nga-ASEAN và đã có cuộc hội kiến với thủ tướng và tổng thống Nga. 


Rồi tướng Ngô Xuân Lịch-tân bộ trưởng quốc phòng cũng viếng thăm Nga. Từ đó rộ lên lời đồn đoán  khi Ô. Viktor Ozerov - Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh của Hội Đồng Liên Bang Nga nói với Sputnik rằng vấn đề về sự khôi phục căn cứ hải quân Nga ở Vịnh Cam Ranh của Việt Nam đã đề ra, phía Việt Nam có sự hiểu biết thông cảm về vấn đề này. Trước đó, Đại sứ Việt Nam tại Nga Nguyễn Thanh Sơn nói với Sputnik rằng Việt Nam không phản đối Nga trở lại căn cứ quân sự Cam Ranh.


Theo tôi nghĩ, đây chỉ là quả bóng thăm dò. Vấn đề Nga trở lại Cam Ranh vô cùng phức tạp và tế nhị trong bối cảnh Việt Nam hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ và cần sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông. Công thức tốt nhất vẫn là Nga được ưu tiên ra vào Quân Cảng Cam Ranh với các dịch vụ sửa chữa, tiếp liệu và nghỉ ngơi cho binh sĩ như đang tiến hành hiện nay. Cam Ranh nên là một quân cảng quốc tế mà tàu chiến của các nước như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc Châu…đểu có thể ghé vào. Sẽ là một sai lầm lớn về chiến lược nếu Việt Nam đưa Nga trở lại Cam Ranh vào lúc này.

Tóm lại việc tháo bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí mở một trang sử mới trong bang giao Việt Mỹ,  chấm dứt mọi hệ lụy kéo dài dai dẳng hơn 40 năm. Tuy nhiên những bước tới trong quan hệ về quốc phòng giữa hai quốc gia sẽ là những bước vô cùng thận trọng mà cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều hiểu rất rõ. Khác với các chiến trường A Phú Hãn, Iraq, Syria, Lybia và Yemen- chỉ là các cuộc chiến khu vực. Một cuộc đụng độ quân sự tại Biển Đông sẽ nổ ra thế chiến với tất cả hậu quả thảm khốc của nó.

Đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc là trang sử gay go nhất trong lịch sử hơn 200 lập quốc của Hoa Kỳ. Bài toán khó ở chỗ- không thể phớt lờ sức mạnh và quyền lợi của Trung Quốc trên sân khấu chính trị toàn cầu. Nhưng làm thế nào để kiềm chế hay cân bằng sức mạnh đó - lại là bài toán gần như nan giải.
Đào Văn Bình
(California ngày 23/5/2016)
__._,_.___

Posted by: Binh Dao 

No comments:

Post a Comment