Saturday, 28 May 2016

Nhật : G7 quan ngại tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông


Nhật : G7 quan ngại tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông

mediaThủ tướng Shinzo Abe tại một cuộc họp báo trong thời gian diễn ra thượng đỉnh G7 tại Ise-Shima, Nhật Bản, ngày 27/05/2016.REUTERS/Issei Kato
Ngày 27/05/2016, trong thông cáo chung, lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu - G7, sau hai ngày họp thượng đỉnh tại Ise-Shima (Nhật Bản), cùng bày tỏ mối quan ngại về tình hình căng thẳng ngày càng nghiêm trọng trên biển Hoa Đông và Biển Đông.

Thông cáo nêu rõ: “Chúng tôi quan ngại về tình hình biển Hoa Đông và Biển Đông. Chúng tôi nhấn mạnh đến tầm quan trọng cơ bản của việc quản lý và xử lý các bất đồng một cách hòa bình”.

Tuy không nêu đích danh quốc gia nào, nhưng văn bản muốn nói đến các căng thẳng ngày càng nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây tại Biển Đông. Trung Quốc đã có những đòi hỏi chủ quyền quá đáng, gần như hầu hết diện tích vùng Biển Đông cũng như cho xây dựng bồi đắp cải tạo các bãi đá, bất chấp các phản đối của Việt Nam và Philippines, những quốc gia đang có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh.

Ngoài vùng Biển Đông, Trung Quốc còn có tranh chấp lãnh hải gay gắt với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông.

Đương nhiên, thông cáo chung này đã làm cho Trung Quốc “vô cùng bất bình”. Thông qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, bà Hoa Xuân Oánh, Bắc Kinh cho rằng “đề cập đến vấn đề Biển Đông và thổi phồng các căng thẳng trong thượng đỉnh G7 do Nhật Bản tổ chức là không có lợi cho sự ổn định. (…) Trung Quốc vô cùng bất bình về những gì Nhật Bản và G7 đã làm”.
Trước đó, ngày 26/05, Bắc Kinh cũng đã lên tiếng cảnh cáo G7 là không nên "xía" vào chuyện nước này, khi tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc lại “tự do lưu thông hàng hải” phải được tôn trọng.

Trung Quốc tiết lộ bước mới trong chiến lược thôn tính Hoàng Sa

mediaThành phố Tam Sa (theo tên gọi của Trung Quốc) trên quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông (Ảnh chụp ngày 27/07/2012)CHINA OUT AFP PHOTO
Báo chí Trung Quốc vào hôm nay 27/05/2016 đã tiết lộ : Bắc Kinh đã có kế hoạch biến vùng quần đảo Hoàng Sa mà họ đã đánh chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1974, thành một khu du lịch giải trí « tương tự như quần đảo Maldives » nổi tiếng ở Ấn Độ Dương. Theo hãng tin Pháp AFP, động thái này của Trung Quốc sẽ làm tình hình khu vực căng thẳng thêm lên.
Theo nhật báo Anh Ngữ China Daily, ông Tiêu Kiệt, thị trưởng của « thành phố Tam Sa », tên đơn vị được Bắc Kinh trao quyền quản lý Biển Đông, đã cho biết là Trung Quốc hy vọng sẽ biến khu vực quanh đảo Phú Lâm, hòn đảo chính ở vùng Hoàng Sa, thành nơi hút khách du lịch. Đó sẽ là những nơi « không có sự hiện diện của quân đội ».
Nhân vật này vẽ ra nhưng cảnh tượng như những chuyến bay du lịch trên biển, lướt sóng, câu cá, lặn dưới biển, hay dịch vụ đám cưới trên đảo. Tuy nhiên, ông Tiêu Kiệt cũng thừa nhận rằng việc này « sẽ rất khó khăn ».
Trong chiến lược khẳng định quyền kiểm soát hành chánh thực tế tại Hoàng Sa, Trung Quốc đã dùng đến vũ khí du lịch.
Ngay từ năm 2013, họ đã cho mở tuyến du lịch bằng đường thủy đến Hoàng Sa, với một du thuyền duy nhất. Một chiếc thứ hai sắp được đưa vào hoạt động. Theo quan chức Trung Quốc được AFP trích dẫn, cho đến nay, đã có khoảng 30.000 « du khách » Trung Quốc đi thăm Hoàng Sa theo kiểu này, với 16.000 người, riêng trong năm 2015.
Trung Quốc cũng dự định mở các đường bay thương mại thường xuyên giữa đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm, để đẩy mạnh tuyến du lịch này.
Mục tiêu chính trị của kế hoạch du lịch Hoàng Sa của Trung Quốc rất rõ khi tuyến du lịch chỉ dành riêng cho người Trung Quốc, trong lúc các quan chức chính quyền đã khuyến khích người dân thể hiện « tinh thần yêu nước » bằng cách đi du lịch Hoàng Sa.


Trung Quốc triển khai máy bay do thám không người lái ở đảo Phú Lâm

mediaMáy bay không người lái Trung Quốc trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (ảnh chụp từ trang Foxnews, 26/05/2016)Foxnews
Ngày 26/05/2016, hình ảnh vệ tinh cho thấy lần đầu tiên Trung Quốc triển khai một máy bay do thám không người lái ở đảo Phú Lâm. Thêm một dấu hiệu cho thấy căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.
Những hình ảnh vệ tinh của hãng Fox News cho thấy một máy bay do thám không người lái tầm xa, ký hiệu BZK-005, đang hiện diện trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, ở Biển Đông.
Máy bay do thám quân sự BZK-005 có thể hoạt động liên tục trong vòng 40 giờ. Cho đến thời điểm bị ghi hình, máy bay này không được trang bị tên lửa như những loại khác.
Trung Quốc đã bán máy bay quân sự không người lái, loại CH-4, cho Nigeria, Pakistan và Irak, khiến gia tăng quan ngại về việc phát triển nhanh công nghệ này. Tháng 12 năm 2015, Irak cho biết đã sử dụng thành công CH-4 chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech).
Hồi tháng Hai năm 2016, Bắc Kinh cũng đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, một hệ thống tương tự như S-300 mà Việt Nam nhập khẩu từ Nga.
Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, Peter Cook, ngày 26/05, đã không trả lời trực tiếp khi được hỏi về vấn đề này, nhưng cho biết có những quan ngại về những gì đang diễn ra ở Biển Đông.

Trong khi đó, theo The Guardian ngày 26/06/2016, lần đầu tiên, Bắc Kinh đã sẵn sàng đưa tàu ngầm có tên lửa hạt nhân ra Thái Bình Dương. Bắc Kinh cho rằng nước này không có lựa chọn nào khác khi Hoa Kỳ mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa.

Quan chức quốc phòng Trung Quốc không bình luận về thời điểm của lần tuần tra đầu tiên, nhưng khẳng định việc tuần tra là chắc chắn.

Vào tháng 03/2016, Hoa Kỳ tiết lộ kế hoạch triển khai hệ thống chống tên lửa đạn đạo ở Hàn Quốc và phát triển hệ thống tên lửa siêu thanh, đe dọa hệ thống phòng thủ mặt đất của Trung Quốc.
Trung Quốc đã phát triển công nghệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo hơn 30 năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện.

Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau, Trung Quốc đau đầu

mediaTổng bí thư đảng CS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (P) tiếp tổng thống Mỹ Barack Obama, Hà Nội, ngày 23/05/2016JIM WATSON / AFP

Quyết định bãi bỏ cấm vận vũ khí Việt Nam được tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo hôm 23/05/2016 tiếp tục được phân tích sôi nổi. Hãng tin Anh Reuters vào hôm nay 27/05 đã cho rằng : Chỉ bằng một ngón đòn dứt khoát, Mỹ và Việt Nam đã gây rắc rối cho chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông. Kể từ nay, Bắc Kinh sẽ phải nhức đầu đối phó với những thách thức chiến lược cả trước mắt lẫn lâu dài.

Trước mắt, theo Reuters, Trung Quốc sẽ không còn có thể tự do tung hoành tại Biển Đông như trước đây, vì Việt Nam sẽ có khả năng được trang bị bằng các loại radar và phương tiện dò tìm của Mỹ, cũng như các phi cơ trinh sát và máy bay do thám không người lái, cho phép Việt Nam giám sát tốt hơn và khi cần nhắm chính xác hơn vào các lực lượng Trung Quốc.

Còn trong dài hạn, cấm vận vũ khí Mỹ được bãi bỏ đã biến Việt Nam thành một tác nhân quan trọng trong chiến lược xoay trục qua châu Á của ông Obama. Các tập đoàn vũ khí của Mỹ sẽ có thể cạnh tranh với các nhà cung cấp Nga trong những hợp đồng lớn cho Việt Nam.

Ngoài ra, mong muốn từ lâu nay của Hải Quân Mỹ rất có thể sẽ được toại nguyện : Đó là được sử dụng Vịnh Cam Ranh, hải cảng tự nhiên tốt nhất trong vùng Biển Đông.

Bên cạnh đó, còn có triển vọng hợp tác chính trị và chia sẻ thông tin tình báo tốt hơn về các hành vi quyết đoán của Trung Quốc, ngay cả khi Việt Nam tránh không chính thức gia nhập bất kỳ một liên minh quân sự nào.

Chiến lược của Việt Nam : Bắt Trung Quốc phải trả giá đắt, nhưng tránh dồn ép
Kịch bản như được nêu ra ở trên hoàn toàn ăn khớp với các mục tiêu mà nhiều chiến lược gia quân sự của Việt Nam đã tiết lộ với hãng tin Anh, theo đó họ âm thầm nâng cao cái giá mà quân đội Trung Quốc vốn đang trên đường hiện đại hóa nhanh chóng sẽ phải trả nếu dám tấn công Việt Nam một lần nữa.

Việt Nam thừa hiểu rằng một cuộc chiến trong tương lai với người láng giềng khổng lồ của họ sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với cuộc chiến tranh đẫm máu ở vùng biên giới phía Bắc, khởi sự vào năm 1979 và kéo dài âm ỉ qua những năm 1980, hoặc là trận hải chiến Trường Sa vào năm 1988.

Theo ông Nguyễn Tông Trạch (Ruan Zongze), chuyên gia tại Viện Nghiên Cứu Quốc Tế, một trung tâm tham vấn thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Bắc Kinh đang theo dõi sát việc mua các loại vũ khí hiện đại và triển khai những gì ở Biển Đông.

Theo chuyên gia này, nguyên là một cán bộ ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh không loại trừ khả năng việc đó « tác động đến các vấn đề lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam ».

Còn ông Trương Bảo Huy (Zhang Baohui), một chuyên gia về an ninh Trung Quốc tại Đại học Lĩnh Nam ở Hồng Kông, thì cho rằng giới hoạch định chính sách Việt Nam dư biết là họ không bao giờ có thể thắng được quân đội Trung Quốc hiện đại, vì vậy Hà Nội vẫn sẽ phải dựa vào ngoại giao để giữ quan hệ ổn định với Bắc Kinh.

Theo Reuters, giới chức Hải Quân Hoa Kỳ cũng nhận thức rõ là Việt Nam cũng rất quan tâm đến việc không nên dồn ép Trung Quốc. Theo các nguồn tin báo chí quân sự của Việt Nam, tháng Ba vừa qua, khi Việt Nam mở một cảng quốc tế mới ở Cam Ranh cho lực lượng hải quân nước ngoài, Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên được chính thức mời ghé cảng.

Cho dù vậy, Hải Quân Mỹ chờ đợi là các chuyến ghé cảng Việt Nam sẽ được dần dần tăng lên. Theo các chuyên gia phân tích về an ninh, ngay cả một sự gia tăng nhỏ cũng có khả năng gây rối cho hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi họ đang tập trung xây dựng các cơ sở được dùng cả vào mục tiêu quân sự trên bẩy hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa.


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment