Monday, 25 April 2016

Hòa bình rỗng tuếch của Obama trên Biển Đông


Hòa bình rỗng tuếch của Obama trên Biển Đông

Daniel Boone Chua, National Interest, 18-4-2016
Trần Ngọc Cư dịch
Mỹ không thể loại bỏ chiến tranh khỏi bàn nghị sự (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông – liên quan Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Philippines – đang gây bất ổn cho khu vực. 

Dù không có đòi hỏi chủ quyền tại đây, nhưng quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ gắn liền với hậu quả của cuộc tranh chấp này. Hạm đội Bảy của Mỹ đã và đang hoạt động trong vùng này từ thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời các tranh chấp trên biển có liên quan trực tiếp tới Philippines, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ. 

Trên thực tế, Hoa Kỳ không phải là một nước chỉ có quyền lợi ngoại biên trong vấn đề Biển Đông; Washington đóng một vai trò then chốt trong việc quyết định hướng đi của các cuộc tranh chấp tại đây. Cả các quan chức chính quyền lẫn các học giả đều khẳng định rằng các nước nhỏ có quyền lợi trong cuộc tranh chấp sẽ phải tùy thuộc vào một cam kết được cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ môi giới sắp đặt [brokered].

Mặc dù viễn ảnh giải quyết các tranh chấp Biển Đông tùy thuộc hoàn toàn vào quan hệ Mỹ-Trung, một thỏa hiệp do Washington và Bắc Kinh dàn dựng có thể gây ra nhiều rắc rối. Như Bilahari Kausikan, Đại sứ lưu động Singapore, nêu ra trong một bài diễn thuyết công khai vào tháng Ba 2016 là, những điều Bắc Kinh và Washington thoả thuận không nhất thiết có khả năng phục vụ quyền lợi của các quốc gia Đông Nam Á hay Nam Á. 

Hơn nữa, vùng biển tranh chấp chỉ là một trong những lãnh vực tranh chấp giữa hai đại cường này. Các nước ASEAN càng ngày càng lo ngại rằng Chính quyền Obama đã rơi vào chiếc bẫy duy trì hòa bình bằng bất cứ giá nào.

 Lối tư duy này không phải là một điều gì mới mẻ. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhận ra sai lầm này trong thời Chiến tranh Lạnh khi Tổng thống Dwight Eisenhower đi đến kết luận quan hệ Mỹ-Xô đặt cơ sở trên khẩu hiệu “không có giải pháp nào khác hơn thay thế cho hòa bình.” 

Bối cảnh ngày nay đã khác nhưng quan niệm trên vẫn còn nguyên vẹn. Vì chiến tranh có vẻ không còn là một công cụ chính sách có thể nghĩ đến, chí ít đây là điều mà Chính quyền Obama tin tưởng, do đó bất cứ một hành vi xâm lược nào mà không đưa đến chiến tranh đều được Chính quyền này chấp nhận. Tiếc thay, một tình trạng hòa bình mong manh như thế không những đe dọa quyền lợi của những đối tác nhỏ bé của Hoa Kỳ mà còn xói mòn uy tín của Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Khi Hoa Kỳ nhấn mạnh một cách khập khiễng về nỗ lực tránh chiến tranh và xung đột, một số kịch bản có thể diễn ra; vài kịch bản đã được khởi động. Một là, thái độ này của Mỹ khuyến khích Trung Quốc thay đổi nguyên trạng của cuộc tranh chấp và tạo ra một sự đã rồi [a fait accompli] về các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh. Vì phản ứng của Hoa Kỳ đối với việc Trung Quốc tăng cường cải tạo các đảo trên Biển Đông chỉ giới hạn trong phạm vi các tuyên bố và những hoạt động tự do hàng hải tránh khiêu khích [unprovocative freedom of navigation operations], Trung Quốc tiếp tục đẩy các giới hạn xa hơn được chừng nào hay chừng nấy. 

Cho đến nay, Washington chưa thể hiện một điều gì gọi là làm chậm bước tiến của Bắc Kinh trong việc cải tạo các đảo nhân tạo và triển khai các khí tài quân sự trong vùng biển tranh chấp. Càng ngày người ta càng thấy rõ hơn khả năng Bắc Kinh sẽ tuyên bố Vùng Nhận diện Phòng không trên Biển Đông.

Hai là, việc Mỹ muốn tránh né chiến tranh buộc các nước Đông Nam Á có đòi hỏi chủ quyền phải dựa vào sức mình là chính và lao vào xu thế chạy đua vũ trang trong khu vực. Việt Nam và Philippines đã bắt đầu cải tiến các lực lượng hải quân của mình. 

Trong khi đó, người ta còn thấy các cơ quan hải giám hay cảnh sát biển [của các nước tranh chấp] nâng cấp trang bị và gia tăng ngân sách. Những số liệu thống kê được Viện Nghiên cứu Hoà bình Stockholm công bố gần đây cho thấy trong năm 2015 chi tiêu quốc phòng tại châu Á và châu Đại Dương đã tăng 5,4 phần trăm so với gia tăng toàn cầu là 1 phần trăm. 

Mức gia tăng này gồm cả chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc, là nước đã châm ngòi cho đợt chi tiêu quân sự hào phóng của cả khu vực. Nếu chiếc ô an ninh của Mỹ không chịu bung ra trong dự kiến có những đám mây đen vần vũ, các quốc gia Đông Nam Á phải tự củng cố quân đội của mình.

Ba là, các cường quốc ở ngoài khu vực cảm thấy cần phải can thiệp trước khi Trung Quốc quyết đoán các đòi hỏi chủ quyền của mình thêm nữa. Australia và Nhật Bản, là những nước có lợi ích chính trị, kinh tế và chiến lược tại Biển Đông, gần đây đã công bố ý định triển khai một số khí tài quân sự và tham dự các cuộc tập trận với Philippines. 

Cũng gần đây, Nhật Bản đã tu chính Hiến pháp và tham gia với Hoa Kỳ và Philippines trong cuộc tập trận song phương quan trọng hàng năm, mang tên “Balikatan”, vào tháng Tư 2016. Sách trắng Quốc phòng Australia, công bố tháng Hai 2016, cho thấy mối quan tâm ngày một gia tăng của nước này về các diễn biến trên Biển Đông. Khi có thêm nhiều nước dính líu đến cuộc tranh chấp, thì tình hình càng trở nên phức tạp hơn, thậm chí càng khó đi đến một giải pháp cho vấn đề Biển Đông.

Điều có ý nghĩa nhất là, việc Washington thiếu nỗ lực trong vấn đề này có khả năng bào mòn uy tín của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương một cách vô phương cứu chữa. Mặc dù sự can dự của Nhật Bản và Australia vào cuộc tranh chấp hàng hải nằm trong quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng chủ trương đối đầu mới mẻ của họ tại Biển Đông phát xuất từ sự cận kề với các tranh chấp đang diễn ra tại đây. 

Nỗi lo sợ rằng Mỹ sẽ rút ảnh hưởng của mình ra khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương không phải là một điều bóng bảy mới mẻ trong tư duy chiến lược của Tokyo và Canberra. Mặc dù Lầu Năm Góc từng bác bỏ các báo cáo về những tiếng nói phản biện từ các vị tư lệnh thuộc Hạm đội Bảy, nhưng sự thật hiển nhiên vẫn là Chính quyền Obama đang thiếu một sách lược Biển Đông. Sự thể Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là một vết bẩn khác trong tính khả tín của Mỹ.

Với dự kiến Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai các khí tài quân sự và phát triển các căn cứ quân sự trên Biển Đông, cái giá phải trả cho thứ hòa bình rỗng tuếch này sẽ lên rất cao. Liệu Tổng thống Obama và các cố vấn của ông đã cân nhắc đầy đủ cái giá phải trả cho việc tránh né chiến tranh của họ chưa? 

Khi một nền hòa bình bấp bênh trở nên mong manh đến độ không thể duy trì được nữa và có vẻ sẽ gây ra nhiều tổn thất cao hơn một cuộc xung đột vũ trang, các nhà làm chính sách tại Washington không được loại bỏ hành động quân sự như một phương án lựa chọn. 

Cảnh báo của Kissinger trong một bài báo đăng trên tạp chí Foreign Affairs năm 1956 rất đáng ghi nhớ: “Nếu cụm từ ‘không có một phương án nào khác hơn thay thế cho hòa bình’ trở thành học thuyết được chấp nhận, tư duy này có thể dẫn đến một tình trạng tê liệt về chính sách [a paralysis of policy].” Hiện nay, Bắc Kinh có vẻ hiểu rõ lôgic này hơn cả Washington.

 D. B. C.
Daniel Wei Boon Chua là một học giả trong Chương trình Nghiên cứu Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), thuộc Đại Học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore.

Dịch giả gửi BVN.



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment