Thursday, 28 April 2016

Ảnh hưởng việc Nga hậu thuẫn cho Trung Quốc về Biển Đông

Ảnh hưởng việc Nga hậu thuẫn cho Trung Quốc về Biển Đông
Nguyễn Ngọc Bảo
        Cùng tác giả:
Vụ “Panama Leaks”
Chống công an bạo hành tại Việt Nam
Khả năng điều hành của Bộ Tứ mới
        xem tiếp
Vào ngày 12/4/2016 vừa qua, Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga Sergey Lavrov đã tuyên bố tại Mạc Tư Khoa, trước khi đi công du Trung Quốc, Nhật Bản và Mông Cổ rằng Nga không muốn quốc tế hoá vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Nga cũng cho biết mọi quốc gia liên hệ đến vấn đề Biển Đông đều phải tuân thủ nguyên tắc không dùng võ lực và cần tìm kiếm các giải pháp chính trị và ngoại giao ôn hòa. 
Ông Lavrov cũng kêu gọi các đệ tam quốc gia (ám chỉ Hoa Kỳ) ngưng can thiệp vào Biển Đông, đồng thời đề nghị Trung Quốc và Khối ASEAN tiến hành thương thuyết nhằm đạt đến thỏa thuận chung. 

Lời tuyên bố chính thức của Nga với nội dung hậu thuẫn rất rõ cho lập trường của Trung Quốc không phải là một vấn đề gì mới lạ, khi người ta xét qua các tương quan rất căng thẳng hiện nay giữa Nga và Hoa Kỳ, đặc biệt là cuộc thử gân giữa khu trục hạm Hoa Kỳ Donald Cook và phi cơ chiến đấu Nga SU-24 trên Biển Baltic. Mối căng thẳng này bắt nguồn từ việc Nga đã có những bất đồng lớn với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) về vấn đề Ukraine, các quốc gia thành viên NATO ven bờ biển Baltic giáp ranh với Nga (Estonia, Latvia and Lithuania), Syria. 


Chiến đấu cơ Nga Sukhoi SU-24 bay qua khu trục hạm Hoa Kỳ Donald Cook trên Biển Baltic hôm 12-4-2016. Ảnh: AFP
Sau khi xâm chiếm bán đảo Crimea ngày 18/3/2014, công khai ủng hộ phe đòi tự trị trong vùng Ukraine phía Đông, với sự xâm nhập và tham chiến của một số đơn vị quân đội Nga, gởi quân đội qua tham chiến tại Syria, nhằm hỗ trợ cho chế độ Assad, chính sách Phục Hồi Lại Tư Thế của Nga trên chính trường thế giới của Tổng Thống Nga Putin đã gia tăng tình trạng căng thẳng với Hoa Kỳ. 
Để đối phó lại Hoa Kỳ đã hỗ trợ quân sự cho quân đội Ukraine, cũng như gởi một lữ đoàn với quân trang, quân cụ, võ khí nặng đến trú đón thường xuyên tại vùng biển Baltic. Đồng thời Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đã ban hành các biện pháp chế tài Nga như phong tỏa tài sản, trương mục ngân hàng, dịch vụ ngân hàng bán dầu hỏa của hơn 30 thành phần lãnh đạo cao cấp nhất của Nga trong vòng đại thân cận của Putin. Cũng như ngăn cấm không cho các ngân hàng, các công ty mua bán giao dịch với Nga trả cho Nga bằng tiền Mỹ Kim. 

Việc này đã làm cho Nga khốn đốn trong 2 năm qua. Thứ nhất là lượng dự trữ Mỹ Kim suy giảm nặng nề (từ 500 tỷ MK xuống còn 387 tỷ MK, mất 22%) khiến cho nền kinh tế Nga bị khựng lại (kinh tế suy thoái 3,7% trong 2015). Thứ hai là mức xuất cảng dầu hỏa (một nguồn lợi quan trọng của Nga) suy giảm 5,5% liên tục trong 2 năm 2014-2015, do sự sản xuất và xuất cảng dầu trở lại của 2 nước Ba Tư và Irak, cũng như sự suy giảm của mức nhập cảng dầu của Hoa Kỳ (vì mức sản xuất dầu schiste nội địa gia tăng), khiến cho giá dầu hỏa đã luôn ở mức thấp (dưới 40 MK một thùng dầu) từ hơn 1 năm nay. Do đó, việc Nga tuyên bố ủng hộ cho lập trường và các hành động trên Biển Đông của Trung Quốc là một việc dễ hiểu, nhằm trả đũa lại thái độ của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên sự hậu thuẫn này của Nga đối với Trung Quốc không làm thay đổi tình hình đang càng ngày càng bất lợi cho Trung Quốc.
Thứ nhất, vấn đề quốc tế hóa Biển Đông đã trở thành một thực tế hiển nhiên trong dư luận thế giới, trên báo chí, truyền thông, trên mạng Internet (khoá chữ Biển Đông tăng hơn 100% trong vòng 1 năm qua trên Internet; south china sea news, dispute, philippines,...). 
Các trang mạng chuyên về chính trị, bang giao thế giới luôn có tin tức, bình luận và còn cho Biển Đông là mầm mống của một Thế Chiến Thứ Ba trong tương lai gần. Trung Quốc đã phải bỏ tiền ra mua bồi bút để viết lại một số bài phản bác, bảo vệ lập trường của Trung Quốc. Trong lúc dư luận Phi, Nhật Bản đều quyết liệt phản đối hành động hiếu chiến của Trung Quốc. Không còn mấy ai tin vào hình ảnh trổi dậy trong hòa bình của Trung Quốc.
Thứ hai, Liên minh giữa Úc, Nhật, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Phi Luật Tân đã trở thành một thực tế trên Biển Đông, với các căn cứ quân sự mới của Hoa Kỳ tại Phi, các cuộc tập trận chung giữa hải quân Nhật, Phi, Hoa Kỳ. 

Indonesia và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền quần đảo Natuna.
Ấn Độ hỗ trợ huấn luyện quân sự và khả năng kiểm báo của Việt Nam. Trong lúc Nam Dương, Mã Lai đe đọa sẽ kiện Trung Quốc, tăng cường hải quân phòng thủ các quần đảo bị Trung Quốc nhắm tới (quần đảo Natuna).





Thứ ba, Hoa Kỳ bày tỏ thái độ và hành động quân sự đối đầu công khai với âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Gần nhất với việc thiết lập 5 căn cứ tại Phi, dồn trú quân thường xuyên và bày tỏ quan tâm khi Trung Quốc bắt đầu nhắm tới bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough) tại Biển phía Động Phi Luật Tân; cũng như cho khu trục hạm, các Hạm Đội Tấn Công (Carrier Strike Group) của hải quân Hoa Kỳ (mới nhất, Hạm Đội Tấn Công chung quanh Hàng Không Mẫu Hạm J.Stennis) tiến hành quyền tự do lưu chuyển trên hải phận quốc tế, tuần hàng ngay trong vùng hải phận cận 20 hải lý các đảo do Trung Quốc xâm chiếm tại Trường Sa. 

Thứ tư, Nhật Bản ngày càng bày tỏ thái độ đối đầu công khai với Trung Quốc, sau khi bất chấp các lời cảnh giác của Bắc Kinh là không nên nêu vấn đề Biển Động trong Hội Nghị G-7 tại Nhật vừa qua.Thông qua tuyên bố của G-7 tuy không đích danh nêu tên Trung Quốc, nhưng đã nêu rõ là phản đối vấn đề quân sự hóa Biển Đông, và yêu cần tôn trọng Luật Biển UNCLOS 1982 về quyền tự do lưu hành trên hải phận quốc tế. 
Nhật gia tăng mạnh ngân sách quốc phòng, cũng như tối tân hóa hải quân và không quân, ra lệnh quân đội truy đuổi các chiến hạm và phi cơ Trung Quốc vi phạm không, hải phận Điếu Ngư. Đồng thời tập trận chung với Phi, cung cấp tầu tuần duyên cho CSVN.

Cuộc họp của các Ngoại trưởng G7 (Hoa Kỳ, Canada, Ý, Liên Hiệp Âu Châu, Pháp, Nhật Bản và Anh Quốc) diễn ra tại Hiroshima, Nhật Bản ngày 10-11 Tháng Tư vừa qua.

Thứ năm, việc Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration) tại The Hague sắp sửa ra phán quyết sau cùng về đơn kiện Trung Quốc của Phi về đường lưỡi bò 9 điểm vào tháng 6 này. Phán quyết này có nhiều xác xuất sẽ thuận lợi cho lập trường của Phi. 

Lúc đầu Trung Quốc xem thường hiệu lực của phán quyết và nhất định không tham dự phiên tòa. Sau khi bị ASEAN, Nhật, Úc, Ấn Độ lên tiếng phản đối các hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc và hợp tác của Hoa Kỳ, Trung Quốc mới nhìn ra giá trị pháp lý các phán quyết của Tòa, và đang tìm mọi cách để làm giảm tầm hiệu lực của phán quyết, cũng như ra sức chiêu dụ Phi đàm phán song phương.

Thứ sáu, đối với Cộng sản Việt Nam, việc Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc, không thay đổi sự lệ thuộc hoàn toàn của lãnh đạo CSVN vào Trung Quốc, cũng như thái độ chống đối Trung Quốc của đa số tầng lớp dân chúng Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền và sự tồn vong của dân tộc.

Tóm lại, qua các yếu tố trên, người ta chắc chắn là sự hậu thuẫn của Nga cho Trung Quốc chỉ về mặt lý thuyết, không có tầm ảnh hưởng gì nhiều trước tình trạng bị cô lập của Trung Quốc trên trường quốc tế và hình ảnh hiếu chiến hoàn toàn trái ngược với luận điệu Trổi Dậy Trong Hòa Bình mà các lãnh đạo Trung Quốc thường rêu rao.
Thông Tin Đức Quốc -  http://www.ttdq.de/node/2752
__._,_.___
________________________________________
Posted by: ly vanxuan

No comments:

Post a Comment