Biển Đông:
Manila kiện Bắc Kinh, Trung Quốc tìm kiếm hậu thuẫn của Nga
Ngoại trưởng Vương Nghị (Trung Quốc), Sergei
Lavrov (Nga) và Sushma Swaraj (Ấn Độ) tại Matxcơva, ngày 18/04/2016.REUTERS/Maxim
Zmeyev
Trong bối cảnh Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye chuẩn bị ra
phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông, Bắc
Kinh nỗ lực vận động Matxcơva, tránh
“quốc tế hóa” những tranh chấp chủ quyền. Lợi ích chiến lược và
kinh tế vế với Trung Quốc đã thúc đẩy Matxcơva nghiêng về phía Bắc Kinh
Trong vòng một tuần lễ, ngoại trưởng Nga đã hai lần lên tiếng ủng
hộ giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp đàm phán và đồng
thuận song phương, tức là giữa Trung Quốc với từng nước có tranh chấp. Hôm
12/04/2016, lãnh đạo ngành ngoại giao Nga, Serguei Lavrov đã tuyên bố cần chấm
dứt các hành vi “quốc tế hóa” tranh chấp
Biển Đông.
Trong thông cáo chung kết thúc hội nghị ngoại trưởng ba nước Ấn Độ,
Nga và Trung Quốc, được tổ chức tại Matxcơva trong hai ngày 18-19/04/2016, các
bên lần đầu tiên công bố một bản thông cáo chung kêu gọi giải quyết vấn đề Biển
Đông bằng “đồng thuận” giữa các
nước liên quan.
Ngoại trưởng Vương Nghị tại Matxcơva tuyên bố : “Trung
Quốc và Nga cần phải cảnh giác trước những hành động lợi dụng hình thức trọng
tài ràng buộc”.
Theo giới phân tích, Trung Quốc đã lôi kéo Nga về phía mình trên
hồ sơ Biển Đông do Bắc Kinh ngày càng bị cô lập trên hồ sơ này. Quốc vụ khanh
bộ Ngoại Giao Anh, Hugo Swire, vừa tuyên bố là các nước cần tôn trọng phán quyết
của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye và Luân Đôn ủng hộ lập trường của
Washington trong việc buộc các nước có liên quan phải tuân thủ phán quyết của
tòa án quốc tế.
Trước đó, Liên Hiệp Châu Âu cũng đã đưa ra lập trường tương tự. Còn
tại hội nghị các ngoại trưởng của nhóm G7 tổ chức tại Hiroshima (Nhật Bản), bẩy
nước công nghiệp phát triển cũng đã mạnh mẽ lên án mọi hành động khiêu khích đe
dọa ổn định và hòa bình trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Nói cách khác, Trung Quốc đang chịu áp lực ngoại giao ngày càng
lớn, trong lúc Phlippines đã được đồng minh thân thiết nhất là Hoa Kỳ ủng hộ.
Mỹ không đối đầu với Trung Quốc, nhưng khẳng định bảo về quyền tự do lưu thông
hàng hải tại khắp mọi nơi. Đây cũng là lập trường của nhiều nước phương Tây,
Nhật Bản và kể cả Úc.
Nga cũng không công nhận vai trò của tòa án trọng tài
Về phía Nga, tuy không trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển
Đông nhưng Matxcơva đã đứng về phía Bắc Kinh do bản thân nước Nga của tổng
thống Putin cũng đang phải đối mặt với vụ kiện của một doanh nhân Ukraina ra trước
tòa án La Haye về quyền điều hành một sân bay dân sự của ông tại bán đảo
Crimée, sau khi vùng lãnh thổ này bị sáp nhập vào Nga. Matxcơva cũng từng tuyên
bố Tòa Án Trọng Tài Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền xét xử vụ việc.
Ngoài yếu tố chính trị và chiến lược, Trung Quốc còn là đối tác
kinh tế, quân sự, năng lượng hàng đầu của Nga trong lúc Matxcơva đang bị phương
Tây cấm vận. Nga vừa thông báo sẽ sớm chuyển giao cho Trung Quốc máy bay tiêm
kích Su-35 tối tân đầu tiên nội trong năm 2016.
Sau cùng, theo như ghi nhận của một chuyên gia Nga về quan hệ quốc
tế, trong chính sách đối ngoại của Matxcơva, Châu Á-Thái Bình Dương là trục ưu
tiên thứ ba, sau các nước thuộc cộng đồng Liên Xô cũ và Liên Hiệp Châu Âu.
Biển Đông: Nga-Ấn Độ-Trung Quốc kêu gọi đàm
phán song phương
Ba ngoại trưởng Vương Nghị (Trung Quốc), Sergei
Lavrov (Nga) và Sushma Swaraj (Ấn Độ) chụp ảnh chung trước cuộc họp thường niên
tại Matxcơva, ngày 18/04/2016.REUTERS/Maxim Zmeyev
New Delhi bất ngờ ủng hộ Bắc Kinh trên hồ sơ Biển Đông. Ấn Độ, Nga
và Trung Quốc chủ trương “không nên quốc tế hóa tranh chấp
về Biển Đông”. Đây là lần đầu tiên, cuộc họp cấp ngoại trưởng giữa
ba nước công bố thông cáo chung. Các bên trực tiếp đề cập đến tranh chấp chủ
quyền ở Biển Đông, một hồ sơ không trực tiếp liên quan đến Ấn Độ và Nga.
Hai ngày sau khi cuộc họp kết thúc tại Matxcơva, tờ The Diplomat
của Nhật Bản số ra ngày 21/04/2016 tiết lộ, trong bản thông cáo chung cuộc họp hôm
19/04/2016, ở điều khoản 21, ngoại trưởng Ấn Độ, Nga và Trung Quốc lưu ý : “Tất
cả những tranh chấp phải được giải quyết bằng con đường đối thoại giữa các bên
liên quan. Thể theo tinh thần này, bộ trưởng ba nước kêu gọi tôn trọng đầy đủ
các điều khỏan của Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển - UNCLOS, cũng như
Tuyên Bố Chung về Cách Ứng Xử - DOC liên quan đến khu vực Biển Đông, và nguyên
tắc thực thi DOC”.
Từ năm 2002, ngoại trưởng Nga, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tổ chức một
cuộc họp thường niên. Được tổ chức tại Matxcơva, trong hai ngày 18 và 19/04/2016,
đây là lần đầu tiên ngoại trưởng ba nước công bố bản tuyên bố chung kết thúc
cuộc họp.
Trong khi đó, như ghi nhận của báo The Diplomat, tại cuộc họp hồi năm
2015, New Delhi, Bắc Kinh và Matxcơva đã hoàn toàn im lặng về các tranh chấp
chủ quyền, cho dù Trung Quốc tới tấp xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa,
nơi có tranh chấp chủ quyền.
Vẫn theo tờ báo này, trong khóa họp lần thứ 14 giữa ngoại trưởng
ba nước, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga, các bên lên tiếng về Biển Đông vào lúc Tòa Án
Trọng Tài Thường Trực La Haye chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện
Trung Quốc vì bản đồ đường lưỡi bò ở Biển Đông.
Giới quan sát không ngạc nhiên trước việc Bắc Kinh đã thuyết phục
được Matxcơva đứng về phía Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông nhưng thái độ của
New Delhi đang gây nhiều nghi vấn.
Cho tới nay, Ấn Độ vẫn nghiêng về phía lập
trường các đối tác như Mỹ, Việt Nam, Philippines, Úc và Nhật Bản, các nước này vốn
ủng hộ quyền tự do lưu thông hàng hải. Thậm chí, tuần trước, trong tuyên bố
chung giữa bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Ấn Độ, New Delhi đã đặc biệt quan tâm tới
vấn đề “an ninh và quyền tự do lưu thông hàng hải, trong đó có
Biển Đông”.
Câu hỏi đặt ra đối với giới phân tích : Liệu quan điểm Mỹ-Ấn và
lập trường của New Delhi trong bản tuyên bố chung với Nga và Trung Quốc về Biển
Đông có mâu thuẫn hay đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một vấn đề ?
__._,_.___
No comments:
Post a Comment