Nhật Ký Biển Đông: Ả Rập - Ngòi Nổ
Của Trung Đông?
Nhật Ký
Biển Đông hai tuần đầu Tháng Giêng ghi nhận những chuyển biến quan trọng như
sau:
Tình hình thế
giới;
Trong hai tuần qua tin tức rộ lên những căng thẳng Nga-Mỹ-NATO. Nga đã đụng độ
với Mỹ qua vụ Edward Snowden, Ukraina, cấm vận, nay lại đem quân vào Syria
tranh giành ảnh hưởng với Mỹ tại Trung Đông. Bề ngoài là hợp tác chống khủng
bố, nhưng bên trong Nga-Mỹ đang tìm cách triệt hạ nhau. Mũi nhọn mà Mỹ chĩa vào
Nga là NATO.
Theo Business Insider ngày 11/1/2016, Tổng Thống Putin nói rằng
NATO tiến hành bành trướng về phía đông, cho phép các nước thuộc Liên Bang
Sô-viết cũ như Estonia, Latvia và Lithuania gia nhập tổ chức này. Đây là do
tham vọng của Mỹ muốn một chiến thắng toàn vẹn lên Liên Bang Sô-viết sau
khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt năm 1991.
(NATO
embarked on an "expansion to the east," allowing the post-Soviet
Baltic states — Estonia, Latvia and Lithuania — to join the organization. This
resulted from the US' desire for "complete victory over the Soviet
Union" after the Cold War ended in 1991, Putin claimed.)
Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Đức
BILD, Tổng Thống Putin nói rằng ông ”sẵn sàng hợp tác với NATO trở lại. Nhưng
nếu người ta không chịu hợp tác thì cũng không sao. Chúng tôi sẽ từ giã.” Còn
đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Ô. Putin nói rằng Nga sẽ đề kháng nếu quyền lợi và
an ninh bị Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO nhưng NATO
không bị tấn công do đó không cần phải bảo vệ Thổ. Rắc rối giữa Nga và Thổ
không liên quan gì tới NATO.”
Lời nói này có ý nghĩa như một sự cảnh báo, nếu
cần Nga sẽ tấn công Thổ mà NATO không thể can thiệp vào.
Không biết để đánh lửa Nga hay để thoa dịu, ngày 4/1/2016 AFP loan
tin Ngũ Giác Đài và NATO nói rằng “không
có lý do gì để Nga coi Hoa Kỳ là mối đe dọa an ninh cho chính mình” sau khi Mạc Tư Khoa
lần đầu tiên ấn hành một tài liệu nêu rõ Hoa Thịnh Đốn và NATO là mối đe dọa an
ninh cho Nga. Tài liệu về an ninh quốc gia mới nhất của Nga do Tổng Thống Putin
ký vào giữa đêm giao thừa tân niên 2016 đã chỉ đích danh Hoa Kỳ và sự bành
trướng của liên minh NATO. Còn tài liệu an ninh quốc gia từ năm 2009 của Nga
không hề nêu tên Hoa Kỳ và NATO. Ngày 12/1/2016, một giới chức cao cấp của Bộ
Quốc Phòng Hoa Kỳ nói rằng NATO không thể chiều theo ý của Nga để giới hạn hệ
thống hỏa tiễn phòng vệ vì sự đe dọa của Bắc Hàn.
Theo tôi, lời biện minh này
không thuyết phục. Hỏa tiễn của Bắc Hàn chỉ có thể đe dọa Nam Hàn và Nhật Bản chứ
làm sao đe dọa Hoa Kỳ, nhất là Âu Châu ở rất xa? Với khối lượng hỏa tiễn siêu
âm khổng lồ Đông Phong của Hoa Lục có khả năng bắn tới Cựu Kim Sơn mà Mỹ chưa
la hoảng, huống hồ một số hỏa tiễn ít oi của Bắc Hàn sao lại khiến cả NATO và
Mỹ lo lắng đến nỗi thiết trí hệ thống lá chắn hỏa tiễn toàn cõi Âu Châu? Hơn
thế nữa, Bắc Hàn chưa bao giờ tuyên bố Âu Châu là kẻ thù của mình.
Nếu Nga coi Hoa Kỳ và NATO là mối đe dọa an ninh
cho mình thì cuộc chạy đua vũ trang sẽ diễn ra và thế giới sẽ chứng kiến cuộc
tranh giành ảnh hưởng khốc liệt giống như cuộc Chiến Tranh Lạnh trước đây. Với
việc ban hành tài liệu an ninh quốc gia mới này, Nga không còn tin cậy Hoa Kỳ
và chấp nhận chính sách đối đầu. Chắc chắn Nga sẽ liên kết chặt chẽ với Trung
Quốc, Ba Tư để đối đầu với Mỹ và mở rộng tầm ảnh hưởng vào khu vực “sân sau”
của Mỹ ở Nam Bán Cầu cũng như Đông Nam Á. Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei
Shoigu cho biết ba sư đoàn mới sẽ được thành lập trong năm nay ở khu vực phía
đông đất nước. Những đơn vị này được hình thành vào đúng thời điểm NATO đang
tăng cường xây dựng quân đội ở Trung Âu và Đông Âu.
-Reuters (Mạc Tư Khoa) ngày 6/1/2016: “Bộ Ngoại
Giao Nga nói rằng nếu tin tức về việc thử bom khinh khi của Bắc Hàn thành công
thì đây là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.” Bom-H mạnh hơn Bom- A
nguyên tử và có thể gắn trên đầu hỏa tiễn. Một số các nhà nghiên cứu vũ khí và
cả Tòa Bạch Ốc còn nghi ngờ vể sự thử quả bom này. Hoa Kỳ sẽ triển khai loại
máy bay WC-135 Constant Phoenix để đo chất phóng xạ ở một nơi gần Bắc Hàn. Có
lẽ Bắc Hàn là xứ duy nhất không sợ bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới và
ngay cả Trung Quốc nữa vì Trung Quốc không hài lòng về việc Bắc Hàn thủ đắc vũ
khí nguyên tử. Theo AFP ngày 9/1/2016 Mỹ đã cho một pháo đài bay B-52 bay trên
không phận Nam Hàn như một hình thức thị uy và lực lượng Mỹ tại Nam Hàn được
đặt trong tình trạng báo động cao nhất để đối phó với những khiêu khích của Bắc
Hàn. Trong khi đó Bắc Kinh hoàn toàn im lặng tức không đồng ý mà cũng không
phản đối.
-International Business Times ngày 8/1/2016: ”Hy
Lạp cáo buộc bốn máy bay Thổ Nhĩ Kỳ có vũ trang đã bay trên những hòn đảo đang
còn tranh chấp ở về phía đông bắc Biển Aegean. Lời cáo buộc này đã làm tăng
thêm mối thù hận kéo dài cả thế kỷ giữa hai quốc gia láng giềng cùng là thành
viên của NATO.”
-Reuters ngày 8/1/2016: “Cựu tổng thống Yemen
hiện đang cầm đầu phe phiến quân Houthis nói rằng ông không muốn thương lượng
với chính quyền của Tổng Thống Hadi khiến cho không ai biết tương lai của cuộc
hòa đàm sẽ tái tục vào cuối tháng này để chấm dứt cuộc chiến ở Yemen.” Phe
phiến quân Houthis hiện đang kiểm soát Thủ Đô Hanaa từ Tháng Ba, 2015.
-AP ngày 11/1/2016: “Thủ Tướng Aleksandar Vucic
của Serbia trong cuộc họp báo chung nói rằng Serbia sẽ giữ vị thế trung lập về
quân sự nhưng sẽ không cho phép trở thành mục tiêu dễ dàng (cho kẻ thù). Serbia
là đồng minh truyền thống của Nga đang mong muốn gia nhập Liên Hiệp Âu Châu
nhưng đang vật lộn với sự chống đối của phe thân Nga. Cho tới bây giờ, Serbia
đã từ chối áp lực của EU áp đặt cấm vận lên Nga. Hiện nay Nga sẵn sàng cung cấp
hệ thống phòng không S-300 cho Serbia đề đối phó với cựu thù Croatia là thành
viên của NATO.”
-AP (Istanbul) ngày 12/1/2016: “Một người Syria
đã cho nổ một trái bom tự sát tại khu vực di tích lịch sử nổi tiếng với du
khách tại Istanbul, giết chết 10 người, tối thiểu 9 người là du khách Đức và
làm bị thương 15 người khác.” Không hiểu sao chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lại ra lệnh
cấm tất cả các phương tiện truyền thông không được phép loan tải tin tức liên
quan đến cuộc đánh bom khủng bố này kể cả các trang thông tin điện tử. Nhưng chỉ
ngày sau, một cuộc đánh bom xe lại diễn ra tại một đồn cảnh sát khiến sáu người
chết trong đó có ba em bé. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một cuộc pháo kích dữ dội
vào vị trí quân Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria và Iraq để trả thù sau một thời gian
rất dài từ chối tham gia liên minh chống khủng bố do Mỹ cầm đầu.
-Washington Post ngày 13/1/2016: “Nga sẽ cung
cấp vũ khí cá nhân cho Afghanistan vào tháng tới, một sự mở rộng vai trò của
mình trong lúc Hoa Kỳ giảm bớt các hoạt động quân sự và Taliban và những nhóm
cực đoan khác dường như đang lấn lướt.”
-AFP ngày 14/1/2016: “Một cuộc xả súng và đánh
bom tự sát do nhóm Nhà Nước Hồi Giáo thực hiện theo kiểu Paris làm rung chuyển
Thủ Đô Jakarta của Nam Dương.
Tình hình Biển
Đông:
Lại dậy
sóng với việc Hoa Lục đưa máy bay đáp thử xuống phi trường nằm trên các hòn đảo
tân tạo và vi phạm không phận của Việt Nam.
-Reuters (Hà Nội) ngày 3/1/2016: “Việt Nam lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền
và thỏa thuận xây dựng lòng tin (giữa hai bên) mới đây khi Trung Quốc cho máy
bay đáp xuống đường băng xây dựng trên Đảo Đá Chữ Thập mới vừa được bồi đắp.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam nói rằng Đảo Đá Chữ Thập là một phần lãnh
thổ thuộc Quần Đảo Trường Sa của Việt Nam.” Thế nhưng bất chấp sự phản đối từ
Việt Nam, Phi Luật Tân, Hoa Kỳ và Nhật Bản, ngày 6/1/2016, Hoa Lục lại cho hai
máy bay dân sự đáp xuống hỏn đảo nhân tạo này.
Nói tóm lại, sau khi Ô. Obama “Xoay Trục”
về Á Châu do Hoa Lục trỗi dậy mạnh quá. Mỹ mới đầu nói “không đứng về phe nào”
sau phản đối, rồi lại phản đối, nhưng Hoa Lục vẫn cứ làm. Theo tôi, tới thời
điểm này, Hoa Lục thắng lớn ở Biển Đông. Chắc chắn một ngày không xa, Hoa Lục
sẽ bố trí hệ thống phòng không trên các đảo này. Từ việc xây dựng được sáu hòn
đảo nhân tạo, Hoa Lục đã mở rộng chu vi “phòng
thủ từ xa” và tiến dần ra biển lớn là Thái Bình Dương. Xu thế này khó ai
ngăn cản được.
Cái nguy khốn là trong vùng, không một quốc gia nào có sức mạnh
hải quân tương đương để kiềm chế Hoa Lục trong khi Mỹ thì ở xa. Trong khi đó
Nga cần liên kết với Hoa Lục để đối đầu với Mỹ cho nên giữ vị thế trung
lập - tức không theo mà cũng không chống. Việt Nam chỉ có khả năng phòng thủ
chứ không có khả năng tấn công hoặc ngăn chặn hải quân Trung Quốc trên biển.
Chỉ có Mỹ làm được chuyện đó, nhưng Mỹ không làm thì số phận của Đông Nam Á sẽ
phó thác cho Trời.
-Economic Times ngày 4/1/2016: “Ấn Độ sẽ có được
chỗ bám/đầu mối ở Biển Đông khi một trạm theo dõi vệ tinh được thiết lập ở Việt
Nam (HCM City) sớm đưa vào hoạt động và nối kết với những trạm đã có sẵn ở các
nước láng giềng như Nam Dương giữa lúc tham vọng của Hoa Lục gia tăng ở khu
vực.”
-AFP ngày 7/1/2016: “Ngoại Trưởng Anh Philip
Hammond trong cuộc gặp gỡ ngoại trưởng Phi Luật Tân tại Manila nói rằng bất cứ
dự tính nào nhằm hạn chế tự do lưu thông tại vùng tranh chấp ở Biển Đông đều là
dấu hiệu báo nguy (red flag).”
- AFP ngày 8/1/2016:
“Lần thứ hai, Việt Nam phản kháng Hoa Lục, tố cáo láng giềng phương bắc đe dọa
hòa bình sau khi Hoa Lục cho máy bay đáp thử xuống phi đạo nằm trên hòn đảo tân
tạo thuộc khu vực tranh chấp ở Biển Đông.” Vào ngày 9/1/2016, cơ quan hàng
không dân sự Việt Nam cáo buộc Hoa Lục đe dọa an toàn hàng không trong khu vực
do việc tiến hành những chuyến bay không thông báo trên không phận của những
bãi đá ngầm đang còn tranh chấp. Trong khi đó Hoa Lục nói rằng họ không cần
thông báo cho phía Việt Nam vì những chuyến bay này phù hợp với Công Ước Quốc
Tế Về Hàng Không Dân Sự.
-Chicago
Tribune ngày 11/1/2016: ”Bộ Quốc Phòng và Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản vừa quyết
định máy bay tuần thám P-3C quay trở về sau những hoạt động chống cướp biển
ngoài khơi Somalia, sẽ ưu tiên ghé vào những căn cứ của những quốc gia nhìn ra
Biển Đông, trong đó có Phi Luật Tân và Việt Nam (Cam Ranh).”
-Reuters ngày 13/1/2016:
“Phi Luật Tân đã đề nghị cho Hoa Kỳ sử dụng tám căn cứ là nơi Hoa Kỳ có thể xây
dựng cơ sở quân sự, tồn trữ quân dụng và đồ tiếp liệu qua thỏa hiệp an ninh mới
giữa lúc căng thẳng ở Biển Đông mỗi lúc mỗi gia tăng.”
Như vậy chỉ một
vài năm nữa thôi, chúng ta sẽ thấy hình ảnh rộn ràng, hối hả, tấp nập của tàu
chiến, tàu ngầm, phi cơ chiến đấu Mỹ ra vào các quân cảng, các phi trường ở Phi
Luật Tân…giống như hình ảnh năm xưa ở các nơi như Subic Bay, Clark Air Base…như
thời chiến tranh Việt Nam. Nhưng lính Mỹ tới Phi Luật Tân ngày hôm nay không
phải để đánh Việt Nam mà là đối phó với Hoa Lục.
Chưa biết cuộc thư hùng kinh
thiên động địa này diễn ra như thế nào. Tôi vẫn duy trì quan điểm cho rằng nếu
một cuộc thư hùng Hoa-Mỹ diễn ra ở Biển Đông thì Phi Luật Tân sẽ là mặt trận
chính chứ không phải Việt Nam vì Việt Nam- dù mạnh như thế nào đi nữa - cũng
không phải là mối đe dọa về an ninh đối với Trung Quốc.
Nhưng sự hiện diện quân
sự khổng lồ của Mỹ tại Phi Luật Tân sẽ là mối đe dọa trước mắt và lâu dài cho Trung
Quốc. Lịch sử thế giới dạy rằng, nếu cho ngoại bang đóng quân tại đất nước mình,
nhất thời “có thể” giữ gìn được an ninh…nhưng đất nước sẽ biến thành “tiền đồn”
tức là nơi gánh chịu bom đạn trút xuống với tổn thất cao nhất. Thế nhưng Phi
Luật Tân không còn lựa chọn nào khác (no choice) vì Phi Luật Tân quá yếu không
có khả năng tự bảo vệ. Cho nên lời dạy của Thượng Tướng Trần Quang Khải có thể
coi như một thứ “Kinh Hộ Quốc” của dân tộc Việt Nam:
Thái bình nghi nỗ lực.
Vạn cổ thử giang san.
(Thái bình phải lo xây dựng, tăng cường binh
bị thì đất nước mới vững bền muôn thuở.)
-The National Interest ngày 13/1/2016: “ Theo Reuter’s Siva
Govindasamy, Việt Nam vừa
thương thảo với các nhà chế tạo phi cơ chiến đấu như Saab JAS-39E/F Gripen NG,
Eurofighter Typhoon, Lockheed Martin F-16 Fighting Falcon and the Boeing
F/A-18E/F Super Hornet. Họ cũng rất thích phi cơ chiến đấu loại nhẹ F/A-50 của
Nam Hàn hợp tác chế tạo với Lockeed để đối phó với Trung Quốc.”
Tình
hình Syria:
-AP ngày 6/1/2016: “Theo một tài liệu mà AP mới có được, tình huống tốt nhất
cho việc chuyển tiếp chính trị ở Syria của bộ tham mưu của Ô. Obama, trong đó
không hề có dự định Ô. Assad phải từ bỏ quyền hành trước Tháng Ba 2017- tức kéo
dài hơn hai tháng sau khi nhiệm kỳ của Ô. Obama chấm dứt.”
-AFP ngày
9/1/2016: “Bộ trưởng ngoại giao Syria nói rằng chính quyền của ông vẫn đang chờ
danh sách nhóm đối lập sẽ tham dự hòa đàm tại Geneve tháng này. Sau khi gặp gỡ
phái viên LHQ Staffan de Mistura tại
Damascus, Ngoại Trưởng Walid Muallem xác nhận rằng Syria sẽ tham dự hòa đàm tổ
chức vào 25/1/2016.”
-Sputnik News ngày 9/1/2016: “Đơn vị vận tải
thuộc Lực lượng Không quân-Vũ trụ Nga đã hoàn thành hơn 280 chuyến bay với mục
đích củng cố cơ sở hạ tầng của Phi Trường Hmeymim ở Syria, vận chuyển tới đó 14
nghìn tấn hàng - như Đại tá Igor Klimov đại diện cơ quan thông tin báo chí của
Bộ Quốc phòng nói với các phóng viên.”
-AFP ngày 12/1/2016: “Được sự yểm trợ của các chiến binh Li-băng Hezbollah và
những cuộc không kích dữ dội của Nga, quân đội Syria đã tiến vào Thị Trấn Salma
nằm ở vùng duyên hải Tỉnh Latakia. Nguồn tin cho biết quân đội chính phủ đã
băng qua khu rừng rậm và núi đá cheo leo để tiến vào Salma là căn cứ địa của
phiến quân. Sau khi Salma thất thủ, quân chính phủ tiếp tục chiếm thêm một số
lãnh thổ của phiến quân ở vùng tây bắc.”
Như vậy
dù cuộc hòa đàm sẽ diễn ra vào 25/1/2016, những cuộc giao tranh dữ dội vẫn tiếp
diễn để “lấn đất, giành dân” hầu tranh thắng trên bàn hội nghị.
- AFP
ngày 13/1/201116: “Tòa Bạch Ốc cho biết hôm nay, Tổng Thống Obama và Tổng Thống
Puitn đã nói chuyện với nhau qua điện thoại và thảo luận về cuộc khủng hoảng
Ukraine và Syria đồng thời kêu gọi toàn cầu phản ứng mạnh mẽ về việc Bắc Hàn
thử bom khinh khí. Điện Kremlin mô tả cuộc nói chuyện là thẳng thắn và nghiêm
chỉnh. “
Sau cuộc nói chuyện bên lề G-20 tại Thổ
Nhĩ Kỳ, đây là lần thứ hai Ô. Obama nói chuyện với Ô. Putin. Đây là dấu hiệu
tốt nhưng chắc chắn bất đồng vẫn còn đó.
Nhận Định:
Ngày
2/1/2016, Saudi Arabia tuyên bố đã xử bắn và chém đầu 47 người bị kết tội
khủng bố trong đó có tù nhân thuộc nhóm al-Qaida và một giáo sĩ Shiite nổi
tiếng Sheikh Nimr al-Nimr khiến gây ra làn sóng phản đối chính quyền của sắc
dân thiểu số Shiite tại miền đông vương quốc Ả Rập này. Ba Tư và nhóm dân
quân Shiite ở Iraq đã đã lên tiếng tố cáo và coi đây là cuộc trả thù những
người biểu tình yêu cầu cải cách tại Saudi Arabia. Đoàn biểu tình ở Thủ Đô
Tehran đã tràn vào tòa đại sứ Saudi Arabia. Cuộc chống đối hiện lan rộng từ Ba
Tư, Pakistan, tới Li-băng, Kashmir,
Ấn Độ.
Trong khi đó các quốc gia vùng Vịnh như United Arab Emirates, Bahrain,
Qatar, Kuwait, Yemen và Sudan lại bênh vực. AP ngày 10/1/2016 cho biết Tướng
Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Hồi Quốc nói rằng Hồi Quốc sẽ phản ứng trước bất
cứ đe dọa nào về sự toàn vẹn lãnh thổ của Saudi Arabia. Ô. Tướng Sharif đưa ra
lời tuyên bố này sau khi gặp gỡ Phó Thái Tử Mohammed bin Salman- Bộ Trưởng Quốc
Phòng Ả Rập Sê-út tại doanh trại Rawalpindi gần thủ đô.” Lời tuyên bố này cho
thấy, nếu cuộc xung đột Ba Tư -Ả Rập Sê-út nổ ra sẽ lan rộng trên quy mô toàn
vùng Trung Đông.
Hoa Kỳ
không lên án Saudi Arabia vi phạm nhân quyền nhưng cảnh báo vụ hành quyết có thể
gây thêm
xung đột
giáo phái trong khu vực. Ngày 12/1/2016 Saudi Arabia ra lệnh bắt giam Bà Samar Badaw người được Bà
Michelle Obama và Hilary Clinton trao giải thưởng Phụ Nữ Can Đảm Của Thế Giới
năm 2012.
Saudi Arabia là đồng minh chí cốt của Mỹ tại Trung Đông hiện đang
cầm đầu Liên minh Ả Rập Sunni hỗ trợ cho chính phủ Yemen chống lại phiến quân
Southis thuộc hệ phái Shiite và liên minh 34 quốc gia chổng khủng bố. Tin mới
nhất cho biết Saudi Arabia, Qatar, Bahrain,
Kuwait đã cắt đứt bang giao với Ba Tư. Thế nhưng chỉ một ngày sau,
đại sứ Ả Rập Sê-út tại Liên Hiệp Quốc lại nói rằng họ sẵn sàng nối lại mối bang
giao với Ba Tư khi nào Ba Tư ngưng can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước
khác.
Trong
khi đó, theo Reuters ngày 5/1/2016, Tổng Thống Ba
Tư Hassan Rouhani cho rằng Saudi Arabia không thể che giấu “tội ác” giết hại
giáo sỹ Hồi giáo dòng Shi’ite Nimr al-Nimr bằng việc cắt đứt quan hệ với
Tehran.” Ngày
7/1/2016, Ba Tư cáo buộc liên minh do Ả Rập Sê-út cầm đầu đã oanh kích tòa đại
sứ của họ tại Thủ Đô Saaa, Yemen. Tuy nhiên không có dấu hiệu thiệt hại nào
được ghi nhận.”
Hoa Kỳ hiện đang lo lắng vì cuộc khủng hoảng nếu
kéo dài sẽ bất lợi cho chính sách ngoại giao và vị thế của Hoa Kỳ tại Trung
Đông. Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đã gọi điện thoại cho các bộ trưởng ngoại
giao Ả Rập Sê-út và Ba Tư yêu cầu hai bên dịu lại.
Còn Nga tuyên bố sẵn
sàng làm trung gian hỏa giải. Các nhà đầu tư thì lo rằng căng thẳng giữa Ả Rập
Sê-út và Ba Tư có thể gây gián đoạn lượng sản xuất dầu. Con số mới nhất cho
biết hai quốc gia này sản xuất khoảng 13 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.
Business
Insider ngày 4/1/2016, trong bài viết nhan đề “Saudi Arabia đang gặp khó khăn nghiêm
trọng và họ biết điều đó” (Saudi Arabia
is in serious trouble, and they know it) Ian Bremmer, chủ tịch của Eurasia
Group nói rằng, “Vương Quốc Ả Rập Sê-út” gặp thách thức lớn hơn trên mặt trận
kinh tế, cô lập lớn hơn ở khu vực và toàn cầu và vây phủ bởi vấn kề truyền ngôi
cho Hoàng Tử Mohammed bin Salman 30 tuổi gây nhiều tranh cãi.”
Trong khi đó
vương quốc Ả Rập này có chi phí quốc phòng tương đương với Nga và Anh.
Business
Insider ngày 1/1/2016 cho biết Saudi Arabia chi 25% ngân sách cho quốc phòng
tức khoảng 80 tỉ đô-la, gấp đôi số chi phí dành cho y tế và phát triển xã hội.
Ả Rập
Sê-út quá giàu lại là đồng minh chí cốt của Mỹ nhưng ảnh hưởng của Mỹ đối với vương
quốc này không rõ rệt. Âu Châu, Nhật Bản, Úc Châu, Gia Nã Đại…Mỹ bảo một
cái là nghe răm rắp. Thế nhưng vương quốc này ỷ có thế mạnh tài chính và vị trí
chiến lược cho nên cứ làm bừa, Mỹ nhiều khi phải nhắm mắt làm ngơ cũng giống
như Thổ Nhĩ Kỳ ngày hôm nay.
Dù
là đồng minh của Mỹ nhưng Ả Rập Sê-Út vẫn “chơi” với Nga. Truyền hình CNBC ngày
6/1/2016 cho biết, trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, Bộ Trưởng Ngoại Giao Adel
al-Jubeir nói rằng Ả Rập Sê-út muốn liên hệ, trao đổi thương mại và đầu tư với
Nga tốt hơn. Và chúng tôi coi Nga như một cường quốc lớn.
Chúng tôi đều là
thành viên của G-20 nhưng chúng tôi lại có ít thương mại, rất ít đầu tư và
chúng tôi muốn thay đổi điều đó. Sở dĩ Ả Rập Sê-út chơi với Nga là để nhờ Nga
kiềm chế Ba Tư.
Hiện nay
Saudi Arabia có tham vọng lãnh đạo khối Ả Rập theo hệ phái Sunnis trên toàn thế
giới và thường có những hành động khó lường và dường như rất hiếu chiến. Tham
vọng này chắc chắn gặp sự đối kháng của Ba Tư, Iraq và Syria thuộc hệ phái Shiite.
Nếu chiến tranh nổ ra giữa Ba Tư và Saudi Arabia thì -song song với cuộc chiến
chống ISIS/ISIL/Deash tại Iraq và Syria lại là một cuộc chiến khốc liệt hơn
trên quy mô toàn Trung Đông và có thể toàn thế giới…kéo theo sự can dự của Hồi Quốc,
Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar.
Đau đầu nhất là Mỹ rồi đến Nga và người mừng hết lớn là lực
lượng Nhà Nước Hồi Giáo. Nếu Mỹ ủng hộ Saudi Arabia trong cuộc tranh chấp này
thì lập tức trở thành kẻ thù của hệ phái Shiite trên toàn thế giới. Vừa đối đầu
với khủng bố, vừa đối đầu với Nhà Nước Hồi Giáo nay lại đối đầu với khối Hồi Giáo
Shiite sẽ là một thảm họa cho Hoa Kỳ. Chính vì thế mà một số nhà bình luận đã
khuyên Hoa Kỳ chớ dính vào cuộc tranh chấp này.
Cho đến
ngày hôm nay, Hoa Kỳ cũng như Nga rất dè dặt có lẽ đang làm trung gian để “lò thuốc súng Trung Đông” này không
bùng nổ. Reuters ngày 7/1/2016 cho biết, Phó Thái Tử Mohammed bin Salman của Ả
Rập Sê-út nói rằng một cuộc chiến với Ba Tư sẽ là khởi đầu của một thảm họa và
Ả Rập Sê-út không cho phép điều đó xảy ra.
Hy vọng
Ả Rập Sê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư cho thế giới chúng ta một chút yên bình để tập
trung nỗ lực đối phó với Nhà Nước Hồi Giáo.
Đào Văn Bình
(California ngày
15/1/2016)
__._,_.___
No comments:
Post a Comment