Biển Đông :
John McCain trách chính quyền Mỹ thiếu quyết tâm
Thượng nghị sĩ John McCain.REUTERS/Joshua Lott
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain ngày
04/01/2016, lại chỉ trích chính quyền Obama về thái độ thiếu quyết đoán trong
đối sách chống Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo vị Thượng nghị sĩ rất có uy tín này,
việc Washington chậm tiếp tục các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng
hải bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mới của Trung Quốc tại
Trường Sa đã khuyến khích tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Trả lời hãng tin Anh Reuters, Thượng nghị sĩ John McCain nhận định
rằng thái độ thụ động của Mỹ đã cho phép Trung Quốc tiếp tục « theo
đuổi các tham vọng lãnh thổ » trong khu vực, và gần đây nhất là
việc cho phi cơ hạ cánh xuống phi đạo trên Đá Chữ Thập, vùng quần đảo Trường Sa
ngày 02/01/2016.
Đối với ông McCain, việc Mỹ không tiến hành thêm các chiến dịch
tuần tra vào năm 2015 rất « đáng thất vọng, cho dù không đáng
ngạc nhiên. »
Theo ông McCain, chính quyền Obama hoặc là « không
đảm đương được tính chất phức tạp của quy trình ra quyết định liên ngành trong
địa hạt an ninh quốc gia », hoặc là « quá
sợ rủi ro trong việc làm những điều cần thiết nhằm bảo vệ trật tự dựa trên các
quy tắc luật pháp tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương ».
Ngay sau chiến dịch tuần tra đầu tiên do chiếc khu trục hạm USS
Lassen thực hiện ngày 27/10/2015, các giới chức Mỹ từng tuyên bố là sẽ có những
chiến dịch kế tiếp. Mọi người chờ đợi là sẽ có một chiến dịch thứ hai trước
cuối năm 2015, tuy nhiên, chính quyền Mỹ sau đó đã xác định rằng cuộc tuần tra
kế tiếp chỉ diễn ra vào đầu năm 2016, lúc nào thì chưa rõ.
Theo hãng Reuters, một quan chức quốc phòng Mỹ cao cấp xin giấu
tên đã xác nhận rằng chắc chắn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra vì
quyền tự do hàng hải gần các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Mỹ đang cân
nhắc thời điểm thích hợp.
Trong một lá thư đề ngày 21/12/2015 gởi Thượng nghị sĩ McCain, Bộ
trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng nhắc lại quan điểm của Washington là sẽ
tiếp tục cho tàu và phi cơ tiến vào bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho
phép.
Đây không phải là lần đầu tiên Thượng nghị sĩ John McCain phê
pháncChính quyền Obama là quá mềm yếu trong việc chống lại những hành động coi
thường luật lệ của Trung Quốc tại Biển Đông.
Vào năm ngoái chính ông cùng với 3
Thượng nghị sĩ có uy lực khác tại Thượng viện Mỹ đã gởi thư ngỏ yêu cầu chính quyền
Mỹ phải có chính sách rõ ràng hơn về Biển Đông. Những đề nghị trong bức thư
được cho là đã được chính quyền Obama thực hiện sau đó.
Biển Đông : Bắc Kinh bắt đầu thực hiện ý đồ
quân sự hóa Trường Sa ?
Đảo Đá Chữ Thập- Fiery Cross Reef- Trường Sa.
Ảnh vệ tinh của Viện CSIS chụp được ngày 03/09/2015Reuters
Ngày 02/01/2016, lần đầu tiên Trung Quốc cho một phi cơ dân sự hạ
cánh trên phi đạo mà họ vừa xây xong trên Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa - Biển
Đông. Theo giới quan sát và chuyên gia phân tích được hãng tin Reuters trích
dẫn, sự kiện trên cho thấy là cơ sở của Bắc Kinh trong khu vực tranh chấp đang
hoàn thành đúng tiến độ.
Trong thời gian sắp tới, các chuyến bay quân sự Trung Quốc chắc
chắn sẽ đến hiện trường để thực hiện ý đồ quân sự hóa khu vực, bất chấp phản
đối của các láng giềng và cộng đồng quốc tế.
Một cách cụ thể là với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng trong
vùng biển đang tranh chấp, Trung Quốc sẽ có thể áp đặt một vùng nhận dạng phòng
không, làm tăng tình hình căng thẳng với các bên tranh chấp khác, cũng như với
Hoa Kỳ trong một trong những khu vực được cho là sẽ thuộc diện bất ổn nhất trên
thế giới.
Trung Quốc đã bắt đầu cho xây phi đạo trên ba trong số 7 hòn đảo
nhân tạo mà họ rốt ráo bồi đắp từ hơn một năm nay, và sự kiện phi cơ Trung Quốc
hạ cánh trên Đá Chữ Thập ngày 02/01/2016 không phải là một bất ngờ. Phi đạo trên
Đá Chữ Thập dài hơn 3.000 mét, một chiều dài đủ để tiếp nhận các loại oanh tạc
cơ tầm xa, phi cơ vận tải và các chiến đấu cơ hiện đại nhất của Trung Quốc.
Ý nghĩa chiến lược của phi đạo, và các cơ sở trên Đá Chữ Thập và
các đảo nhân tạo khác của Trung Quốc tại Trường Sa rất lớn, vì cho phép Bắc
Kinh hiện diện ngay ở trung tâm vùng biển khu vực Đông Nam Á, điều mà từ trước
đến nay Trung Quốc chưa làm được.
Tân Hoa Xã, hãng tin chính thức của Trung
Quốc đã thản nhiên xác nhận rằng sân bay trên Đá Chữ Thập sẽ cắt giảm « đáng
kể » thời gian đi lại giữa quần đảo Trường Sa và Trung Hoa lục địa.
Như thông lệ, Bắc Kinh luôn luôn lớn tiếng cho rằng các công trình
ở Trường Sa chủ yếu nhằm mục tiêu dân sự và hòa bình, và chuyên bay thử nghiệm của
một phi cơ dân sự đến Đá Chữ Thập mới đây chỉ nhằm kiểm tra xem phi đạo trên đó
có đạt chuẩn mực của ngành hàng không dân dụng hay không.
Tuyên bố cuối tuần qua của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Hoa Xuân Oánh như kể trên đã không lừa được ai. Theo ông Leszek Buszynski, nhà nghiên
cứu thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của Đại học
Quốc gia Úc, sau các chuyên bay dân sự, chắc chắn sẽ là các chuyên bay quân sự.
Trả lời Reuters, chuyên gia này dự báo : « Một khi Trung Quốc đã
thử nghiệm phi đạo với một số phi cơ dân sự, bước tiếp theo sẽ dùng đến các
chiến đấu cơ như SU-27 và SU-33. Và các máy bay này sẽ đặt căn cứ thường trực
tại đấy… ».
Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông
Nam Á Singapore Yusof Ishak, còn dự báo là tình hình khu vực sẽ căng thẳng hơn
nữa khi Trung Quốc sử dụng các cơ sở mới để triển khai lực lượng sâu hơn vào
vùng Biển Đông.
Kể cả khi không công khai tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không,
Bắc Kinh vẫn cần phải bảo vệ các sân bay mới và các cơ sở khác của họ trong
vùng, và như vậy sẽ mặc nhiên áp đặt một vùng phòng không.
Theo một số quan chức Mỹ và khu vực, Trung Quốc hiện đang hoàn tất
một loạt các cảng biển, nhà kho, nhà ở trên các đảo nhân tạo, và ngay trên Đá
Chữ Thập, sẽ có những trạm radar cảnh báo sớm cũng như trạm thông tin liên lạc
quân sự.
Đối với chuyên gia Storey : « Khi
các cơ sở này đi vào hoạt động, các hành vi cảnh cáo máy bay quân sự và dân sự
của các nước khác sẽ trở thành thói quen », và các điều đó là «
tiền thân của một vùng nhận dạng phòng không, hoặc là một vùng phòng không
không tuyên bố chính thức nhưng được áp đặt trong thực tế ». Và dĩ
nhiên là tình hình sẽ trở nên căng thẳng hơn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 04/01/2015 đã xác
định rằng trước mắt, Bắc Kinh không có kế hoạch tuyên bố một vùng nhận dạng
phòng không ở Biển Đông.
Tuy nhiên, giới chức quân sự trong khu vực xác nhận rằng trong
thời gian qua, phi cơ của họ đã nhận được ngày càng nhiều các thông điệp cảnh
cáo từ phía Trung Quốc qua hệ thống vô tuyến, trong đó có cả các thông điệp đến
từ các trạm đặt trên Đá Chữ Thập.
Trong một bài trả lời phỏng vấn của RFI vào cuối năm 2015, Giáo sư
Carlyle Thayer, chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Úc từng dư báo rằng trong
năm 2016, « Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng và củng cố các cơ
sở hạ tầng trên bảy hòn đảo nhân tạo của họ ».
Điểu cần theo dõi là
các hoạt động quân sự hóa các đảo đó, chẳng hạn như « đặt
radar tầm xa, hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, pháo binh, thiết bị
chiến tranh điện tử và cầu cảng cho tàu khu trục ».
Với việc thử nghiệm phi đạo trên Đá Chữ Thập, có thể nói là Trung
Quốc đã bắt đầu tiến trình quân sự hóa đó.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment