Friday, 14 August 2015

Giành Lại Thế Chủ Động ở Biển Đông

Giành Lại Thế Chủ Động ở Biển Đông


Đại Tá Michael W. “Starbaby” Pietrucha

5 tháng 8, 2015
 

Làm thế nào để Hoa Kỳ và đồng minh phản công lại sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông 

(Ghi chú của người dịch: bản lược dịch này dùng từ ngữ “Biển Đông” để phù hợp với độc giả người Việt thay vì “Biển Nam Hải / South China Sea” mà tác giả dùng)

Vào ngày 26 tháng Năm, Văn phòng Thông tin Quốc Vụ Viện Trung Quốc phát hành tài liệu Chiến Lược Quân Sự Trung Quốc phiên bản tiếng Anh. Điều đáng lưu ý trong tài liệu này là việc công khai chuyển hóa quân đội Trung Quốc sang thế “phòng thủ tích cực”. Trong các điểm quan trọng là việc nhấn mạnh giành thế chủ động chiến lược, một trong tám công tác chiến lược của quân đội Trung Quốc.

Đây không phải là một diễn biến mới, tuy nhiên những hoạt động gần đây trên Biển Đông cho thấy Trung Quốc đã nắm bắt thế chủ động chiến lược tại vùng biển này. Cách bố trí lực lượng trong vùng cũng cho thấy là Trung Quốc sẽ không từ bỏ thế chủ động này. Nếu Hoa Kỳ có phản ứng thụ động thì càng cho Trung Quốc thấy sự hữu hiệu của thế trận, trong khi đó các giải pháp ngăn chặn cố hữu vừa có tính cách khiêu khích không cần thiết và nhiều phần không hữu hiệu. Một chiến lược toàn diện, hiện đại hóa và tiếp cận dài hạn đặt trọng tâm vào các quốc gia đối tác và không lực Hoa Kỳ có thể tạo cơ hội để Hoa Kỳ tháo gỡ sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông và ngăn ngừa lấn chiếm trong tương lai.

Chiến lược đề nghị có ba yếu tố: lập quan hệ phòng thủ mới, xây lực không quân và hải quân của quốc gia đối tác, và hiện đại hóa lực lượng oanh tạc tầm xa.

Địa Dư

Bất cứ thảo luận nào về Biển Đông phải bắt đầu với địa dư. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như trên toàn thể Biển Đông với cái gọi là bản đồ 9 đoạn. Bản đồ này bao phủ lấy toàn bộ các đảo, đá ngầm, san hô, bãi cạn.Trung Quốc và các quốc gia tranh chấp trong vùng chia nhau chiếm đóng các địa điểm này. Một số điểm được bồi đắp thành các đảo nhân tạo với căn cứ quân sự, có luôn cả sân bay.

Tuy giới truyền thông ồn ào về các đảo nhân tạo được quân sự hóa này, chúng có những bất lợi tương tự như hàng không mẫu hạm mà lại chẳng có được yếu tố di động của hàng không mẫu hạm. Quân đội Nhật đã nhận ra điều này trong Thế Chiến Thứ Hai, các lực lượng quân sự trên đảo bị tập trung vào một không gian chật hẹp với vật liệu, đạn dược, nhiên liệu giới hạn. Về khía cạnh quân sự, căn cứ trên đảo nhỏ rất dễ bị cô lập, rất khó phòng thủ và lực lượng quân sự rất dễ bị tấn công. Tuy nhiên trong thời bình thì các căn cứ quân sự này lại hữu hiệu để gia tăng khả năng của Trung Quốc theo dõi, ra tay và đe dọa các quốc gia láng giềng. Thách đố ở đây là làm sao vô hiệu hóa tác động của chúng trong thời bình.

Biển Đông được điều khiển bởi các vùng đất chung quanh nó. Không có tập hợp căn cứ trên các đảo nhỏ nào có thể điều khiển được Biển Đông. Việt Nam, các đảo Borneo, Luzon và Palawan chi phối về mặt địa dư. Về phía nam của Hoàng Sa, Việt Nam và Phi Luật Tân có vị trí thuận lợi hơn trên Biển Đông so với đất liền Trung Quốc hoặc đảo Hải Nam. Các quốc gia với vùng lãnh thổ đáng kể gần đó, như Nam Dương, Mã Lai, Việt Nam, Phi Luật Tân và Brunei có tiềm năng làm giảm bớt một số lợi thế của quân đội Trung Quốc – nhưng chỉ trong trường hợp họ chế ngự được các đơn vị quân đội Trung Quốc.

Một Cấu Trúc Phòng Thủ Mới

Nếu muốn kiềm chế tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông chúng ta phải thay đổi cấu trúc phòng thủ trong vùng. Chỉ có bốn quốc gia có vị trí chế ngự Biển Đông: Trung Quốc, Việt Nam, Mã Lai và Phi Luật Tân. Trung Quốc có quân đội hùng mạnh nhất nhưng với vị trí địa dư kém nhất. Chính sách ngăn chận của Hoa Kỳ có thể được cải thiện rất nhiều với sự tham gia tích cực của một hay nhiều quốc gia láng giềng quan trọng này. Ngay cả khi không có căn cứ quân sự Hoa Kỳ trong vùng nhưng với mối quan hệ phòng thủ vững chắc và thế quân sự cải thiện của các quốc gia đối tác có thể dựng lên một tường thành chống lại bá quyền Trung Quốc.

Việt Nam với ách đô hộ ngàn năm của Trung Quốc trong lịch sử, và còn là nạn nhân gần đây của sự xâm lược Trung Quốc vào năm 1979. Việt Nam còn bị thiệt hại nhân mạng nhiều hơn ai hết trong sự xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông. Với vị trí thuận lợi trên Biển Đông, đòi hỏi chủ quyền Hoàng Sa và có nhiều căn cứ tốt, Việt Nam là quốc gia “ăn tiền” nhất để cải thiện mối quan hệ phòng thủ, dầu cho phép hay không cho Hoa Kỳ sử dụng căn cứ quân sự. Tuy nhiên viễn ảnh hợp tác quân sự hiện thời khá giới hạn vì Điều luật 22 CFR 126.1 cấm viện trợ vũ khí sát thương cho Việt Nam. Bỏ lệnh cấm này đối với các hệ thống vũ khí trên biển cho phép gia tăng - tuy còn giới hạn - mối quan hệ phòng thủ với Việt Nam. Thượng nghị sĩ John McCain đã thông báo dự định đệ nạp luật tháo gỡ giới hạn CFR 126.1 đối với Việt Nam.

Mã Lai, hiện thời đã có quan hệ hợp tác an ninh với Hoa Kỳ, kiểm soát phía nam Biển Đông từ đảo Borneo. Trên đảo Borneo có 7 sân bay quân sự quan trọng, đáng giá hơn bất cứ sân bay trên đảo nào của Trung Quốc. Không quân Hoàng gia Mã Lai dùng các loại phi cơ hiện đại của Hoa Kỳ, Nga và Âu châu bao gồm nhiều vai trò khác nhau. Từ góc cạnh phi hành, Mã Lai có một Không Quân tuy nhỏ nhưng đầy khả năng.

Phi Luật Tân là quốc gia duy nhất trong ba quốc gia quanh Biển Đông có ký hiệp ước phòng thủ hỗ tương với Hoa Kỳ từ 1961. Rất tiếc là Không Quân Phi Luật Tân chỉ còn là một bóng mờ của lực lượng mà Hoa Kỳ giúp xây dựng sau cuộc chiến Việt Nam. Mặc dầu có kế hoạch hiện đại hóa 20 năm, Không Quân Phi Luật Tân mất khả năng sử dụng chiến đấu cơ cách đây mười năm và bị tình trạng thiết bị cũ kỹ, hạ tầng kém cõi, hệ thống quân sự xuống cấp, tinh thần suy sút. Tóm lại, không lực Phi chỉ là một lực lượng an ninh nội bộ và Phi Luật Tân hoàn toàn phụ thuộc vào Hoa Kỳ cho việc phòng thủ bên ngoài.

Chiến Lược Con Chồn (Wolverine)

Tiến trình xây dựng sức mạnh của đối tác địa phương để chống cự lại đối thủ bá quyền trong vùng thường được gọi là chiến lược “con nhím” (hedgehog). Con nhím là một thách đố đối với con thú nào muốn xơi tái nó. Con nhím không phải là không thể ăn thịt được, nhưng khó quá và không đáng bỏ công so với các chọn lựa khác. Trong khi đó con chồn là một con vật dữ dằn, hiểm độc chẳng những khó xơi tái mà còn nguy hiểm khi đến gần và tốt nhất là nên tránh xa. Chiến lược “Con Chồn” nhằm cải thiện khả năng phản công trên không và trên biển của các quốc gia đối tác. Đây là một phần chìa khóa để vô hiệu hóa thế chủ động của Trung Quốc.

Trung Quốc đã ký kết vào Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhưng lại cho rằng nó không áp dụng vào Biển Đông. Cho đến nay không quốc gia nào trong vùng kháng cự lại sự xâm lấn của Trung Quốc bằng vũ lực. Điều này chỉ có thể thay đổi nếu các quốc gia trong vùng đủ mạnh để khiến cho sự lấn chiếm của Trung Quốc phải trả giá cao hoặc bị đẩy lùi. Không lực từ các căn cứ trên đất liền là lực quyết định vì Việt Nam, Phi Luật Tân và Mã Lai đều có tiềm năm chiếm thượng phong trên không trong vòng 200 hải lý từ bờ biển, trong khi đó Trung Quốc phải điều động phi cơ từ khoảng cách xa hơn. Nếu các quốc gia quanh Biển Đông có khả năng không lực và hải lực mạnh, chẳng những họ có thể chống cự được sự lấn chiếm của Trung Quốc mà còn có thể chiếm lại và gây tổn thất cho các hành động xâm lấn của Trung Quốc.

Vai trò của Hoa Kỳ xây dựng khả năng tác chiến trên không và trên biển cho các quốc gia đối tác là điều cực kỳ quan trọng nhưng vào thời điểm này lại không khả thi. Hoa Kỳ không có hệ thống không lực hoặc hải lực nào vừa túi tiền, chuyển giao được cho các đối tác trong vùng để mua, điều hành và quản trị với số lượng vừa đủ. Trong thập niên 70, Không Quân Hoa Kỳ có cung cấp cho các không quân trên thế giới một số phi cơ. Nay chúng đã cũ và sắp sửa hết thời hạn phục vụ. Hoa Kỳ lại không có nhiều chọn lựa để cung ứng. Các loại phi cơ F-16, F-18, F-15E quá đắt tiền. Nếu tìm cách áp dụng chiến lược Con Chồn chúng ta lại thiếu công cụ - Hoa Kỳ gặp khó khăn trong việc cung cấp vũ khí, huấn luyện hữu hiệu, và quan trọng hơn hết - một mối quan hệ dài hạn để giúp quân đội bạn trở thành một đồng minh then chốt.

Để có thể thực hiện Chiến Lược Con Chồn thành công, chúng ta phải giải quyết khả năng cố vấn không lực và chọn ra những loại phi cơ thích hợp. Quan trọng hơn hết, chúng ta phải kèm theo nỗ lực cố vấn bằng một cam kết dài hạn tựa như Chương trình Colombia tuy mất cả một thập niên, nhưng kết quả là một không quân thiện chiến của Colombia.

Oanh Tạc Cơ

Yếu tố cuối cùng là một lực lượng oanh tạc cơ hiện đại có tầm xa, bao gồm các loại LRS-B, B-2 và B-52J cập nhật. Với khoảng cách rộng lớn trong vùng Thái Bình Dương và với tầm hoạt động xa của hỏa tiễn Trung Quốc đòi hỏi căn cứ oanh tạc cơ ở bên ngoài vùng. Oanh tạc cơ có thể hoạt động từ các căn cứ quân sự của Không Quân Hoàng Gia Anh tại Tindall hoặc Diego Garcia. B-52J có thể bay trực tiếp đến Biển Đông không cần tiếp tế nhiên liệu trên không từ lãnh thổ của Hoa Kỳ như Wake, Guam hay ngay cả từ Hawaii.

Các oanh tạc cơ có khả năng cô lập các đảo quân sự bằng cách bao vây bằng thủy lôi. Các căn cứ quân sự xây trên các đảo nhân tạo khó có thể củng cố bằng hầm dưới đất. Với sự tập trung lực và vật liệu trên một đảo nhỏ hẹp, việc oanh tạc tiêu hủy các căn cứ này sẽ có tác động lớn.

Kết Luận

Sự lấn chiếm đều đặn của Trung Quốc trên Biển Đông đặt Hoa Kỳ và các quốc gia đối tác trong vùng ở thế bất lợi. Tiến trình tiệm tiến của Trung Quốc dựa nhiều vào vị trí thuận lợi và hăm dọa vũ lực. Hành vi của Trung Quốc không ai làm gì được là vì các quốc gia trong vùng không có các giao kết phòng thủ và vì sự chênh lệch về tương quan lực lượng. Tuy nhiên, Việt Nam, Mã Lai và Phi Luật Tân có lợi thế đáng kể về địa dư hơn Trung Quốc ở chỗ mỗi quốc gia có thế thượng phong trên một phần của Biển Đông. Cả ba quốc gia hợp lại, được trang bị thích đáng và được Hoa Kỳ hỗ trợ có thể trở thành một lực đối trọng với Trung Quốc trên Biển Động.

Kết hợp của các mối quan hệ phòng thủ cải thiện cùng với khả năng không lực và hải lực do Hoa Kỳ xây dựng được hỗ trợ bởi lực lượng oanh tạc cơ tầm xa của Không Quân Hoa Kỳ đòi hỏi đầu tư về thời gian và nguồn lực đáng kể, nhưng gánh nặng này không rơi một mình vào Hoa Kỳ. Để tái quân bằng vùng Thái Bình Dương, một chiến lược tiếp cận mạnh mẽ là điều cần thiết trong nỗ lực của Hoa Kỳ ngăn chận Trung Quốc và trấn an các đối tác tại Á Châu rằng Hoa Kỳ không chỉ nói miệng. Không lực là một thành phần chủ lực trong chiến lược này và phù hợp với những thách đố trên Biển Động

Về tác giả: Đại Tá Michael W. “Starbaby” Pietrucha là giảng viên về chiến tranh điện tử cho các chiến đấu cơ F-4G, F-15E. Ông từng phục vụ tại Iraq và Afghanistan. Quan điểm của bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ảnh chính sách chính thức hoặc lập trường của Bộ Không Quân hoặc Chính quyền Hoa Kỳ.

Nguồn: The Diplomat

Trần Thi lược dịch
__._,_.___

Posted by: ly vanxuan 

No comments:

Post a Comment