Tuesday, 9 June 2015

Ấn Độ khởi động cơ chế đối thoại an ninh cấp cao với Nhật và Úc


Đăng ngày 08-06-2015

Ấn Độ khởi động cơ chế đối thoại an ninh cấp cao với Nhật và Úc

media
Thủ tướng Ấn Độ Modi tại Dhaka ngày 05/06/2015. So với thủ tướng tiền nhiệm, ông Modi không ngại đụng chạm Trung Quốc.Reuters

Sau nhiều năm ngần ngại do sức ép của Trung Quốc, ngày 08/06/2015 Ấn Độ đã chính thức khai trương một cơ chế đối thoại an ninh cấp cao ba bên cùng với Úc và Nhật Bản. Chương trình nghị sự cuộc họp đầu tiên này bao gồm hợp tác an ninh, tập trận Hải quân hỗn hợp, tăng cường quan hệ quân sự. Vấn đề Biển Đông cũng nằm trong phạm vi thảo luận.

Theo thông tin được báo mạng Ấn Độ The Economic Times tiết lộ, cuộc họp ba bên khai mạc tại New Delhi diễn ra ở cấp thứ trưởng ngoại giao với sự tham dự của Quốc vụ khanh Ấn Độ phụ trách đối ngoại S. Jaishankar, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki và Quốc vụ khanh Úc về ngoại giao và thương mại, Peter Varghese.

Đối thoại ba bên Ấn-Nhật-Úc sẽ tập trung thảo luận về các diễn biến mới nhất về tình hình an ninh trong môi trường kinh tế của khu vực, cũng như những gì đang diễn ra tại Biển Đông, nhất là các hoạt động của Trung Quốc đang rầm rộ bồi đắp đảo nhân tạo tại các khu vực tranh chấp với các láng giềng.

Vấn đề hợp tác an ninh, đặc biệt trong lĩnh vực hải quân, được cho là sẽ đứng đầu chương trình nghị sự. Các nguồn tin từ phía Hải quân Ấn Độ cho biết là ba nước đã mở đàm phán sơ bộ về vấn đề này, và một cuộc tập trận chung Ấn-Nhật-Úc sắp tới đây rất có thể sẽ được tổ chức. Trong quá khứ, Ấn Độ đã từng tỏ rõ ý muốn mở tập trận chung với Nhật Bản và Úc.

Theo The Economic Times, chính quyền Ấn Độ trước đây của liên minh UPA do đảng Quốc đại lãnh đạo, đã rất ngần ngại trong việc hình thành cơ chế đối thoại an ninh ba bên với Nhật và Úc, vì không muốn phật ý Trung Quốc. 

Bắc Kinh đã cực lực phản đối New Delhi sau khi Ấn Độ, Nhật Bản và Úc tham gia một cuộc họp 4 bên cùng với Mỹ vào năm 2007, nhân một cuộc tập trận chung của 4 nước.

Tuy nhiên, từ khi Đảng BJP của Thủ tướng Modi lên cầm quyền, chính quyền Ấn Độ đã có thái độ dứt khoát hơn và đã xúc tiến việc hình thành cơ chế đối thoại ba bên Ấn-Nhật-Úc về an ninh ở cấp Thứ trưởng ngoại giao.

Trong lãnh vực tập trận chung cũng vậy. Nếu chính phủ Ấn Độ tiền nhiệm đã ngần ngại trong việc tổ chức các cuộc tập trận Hải quân đa phương, sau khi cuộc tập trận Malabar 2007 tại Vịnh Bengal, với sự tham gia của cả Nhật lẫn Úc, bị Trung Quốc phản đối, chính quyền đương nhiệm của ông Modi đã có thái độ kiên quyết hơn.

Hiện có rất nhiều dấu hiệu cho thấy là cuộc tập trận Malabar trong tương lai sẽ được đa phương hóa, trong lúc Ấn Độ sẽ tích cực tham gia các cuộc thảo luận chúng về an ninh, quân sự và quốc phòng với các quốc gia đồng quan điểm.


Đăng ngày 04-06-2015

Ấn-Mỹ ký thỏa thuận quốc phòng cho 10 năm tới

media
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter (P) và đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar ký thỏa thuận, New Delhi, 03/06/2015.REUTERS/Adnan Abidi

Đến thăm Ấn Độ ngay sau khi rời Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter vào hôm qua, 03/06/2015, đã ký kết với đồng nhiệm Ấn Độ một thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng, đồng thời đúc kết hai đề án hợp tác khác trong lãnh vực thiết bị quân sự. 

Đà tăng cường hợp tác quân sự Mỹ-Ấn diễn ra vào lúc hai bên không che giấu mối quan ngại về các diễn biến xấu tại Biển Đông do các hành động xây dựng của Trung Quốc tại vùng Trường Sa.

Theo hãng tin Pháp AFP, ông Ashton Carter đã có một cuộc tiếp xúc tại New Delhi với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và sau đó đã ký kết một hiệp ước khung về chiến lược quốc phòng, quy định hợp tác giữa hai bên trong vòng 10 năm tới đây. Hiệp ước này đã được hai nước đồng ý nhân chuyến thăm New Delhi vào tháng Giêng vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Hãng thông tấn Ấn Độ PTI, cho biết thêm là thỏa thuận hợp tác mới giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ tập trung trên nhiều địa hạt từ bảo đảm an ninh biển, chia sẻ thông tin tình báo, cho đến đẩy mạnh tập trận chung và hợp tác chế tạo khí tài quân sự.

Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar, ông Carter cũng đã đúc kết hai dự án hợp tác quốc phòng song phương về đồng sản xuất thiết bị bảo hộ thế hệ mới cho binh sĩ nhằm chống vũ khí sinh hóa, và chế tạo máy phát điện dùng trên chiến trường.

Như để phản bác trước những lời chỉ trích cho rằng hai đề án hợp tác trên quá nhỏ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã xác định rằng hai bên đang « nỗ lực hướng tới hợp tác trong các dự án lớn hơn như động cơ máy bay và công nghệ tàu sân bay ».
Một tuyên bố chung sau cuộc họp xác nhận quyết tâm Mỹ-Ấn trong việc « mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ quốc phòng song phương... đồng thời xem xét lại các động lực an ninh hiện hữu và mới nổi trong khu vực ».

Vấn đề an ninh mà hai bên hiện rất quan tâm là hồ sơ Biển Đông, với cuộc khẩu chiến gay gắt đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh về hành động phá vỡ nguyên trạng Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành. Mỹ rất hy vọng là Ấn Độ có thể trở thành một đối tác đóng một vai trò chiến lược lớn hơn trong khu vực.

Theo giới phân tích, Hoa Kỳ và Ấn Độ như đã gửi một tín hiệu đến Trung Quốc khi quyết định tăng cường hợp tác quân sự. 

Trong một động thái mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã khởi đầu chuyến công du Ấn Độ hôm 02/06 vừa qua bằng việc đi thăm Visakhapatnam, nơi đặt Bộ Tư lệnh của lực lượng Hải quân Ấn Độ phụ trách cả khu vực Biển Đông và eo biển Malacca.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh

No comments:

Post a Comment