Vì sao Mỹ công khai lo ngại về
Cam Ranh?
Lê QuỳnhBBC tiếng Việt
·
17 tháng 3 2015
Lo ngại của Hoa
Kỳ về việc Việt Nam đồng ý để Nga tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ từ cảng Cam
Ranh được công khai từ bài “độc quyền” của Reuters hôm 11/3.
Một ngày sau,
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận Washington không muốn Nga ra vào Vịnh Cam Ranh để
có hoạt động “có thể làm tăng căng thẳng trong vùng”. Kể từ đó, truyền thông và
chính phủ Nga đã có phản ứng bày tỏ “khó hiểu” và “kỳ lạ”.
Vì sao chính
phủ Hoa Kỳ quyết định lên tiếng công khai dù biết Việt Nam sẽ không hài lòng?
Câu trả lời có lẽ là Hoa Kỳ ngày càng lo ngại về khả năng khôi phục hiện diện
quân sự của Nga ở những vùng ảnh hưởng của Mỹ.
Từ khi Nga
chính thức rút khỏi Cam Ranh đầu thập niên 2000, lợi ích an ninh và quốc phòng
của Nga chủ yếu xoay quanh châu Âu và những nước từng thuộc Liên Xô cũ.
Nhưng mới đây,
điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Tướng John Kelly, Tư lệnh Bộ
chỉ huy khu vực Nam Mỹ, nói từ 2008, Nga bắt đầu tìm kiếm ảnh hưởng trở lại ở
châu Mỹ Latin.
Nga đang vận
động Cuba, Venezuela và Nicaragua “để tiếp cận căn cứ không quân và cảng”, theo
lời ông Kelly.
Ngay tại châu
Âu, kể từ khủng hoảng Ukraine, Mỹ và Nato cũng cáo buộc Nga tăng cường các hoạt
động biểu dương sức mạnh ở châu Âu.
Tháng 11, năm
ngoái, Bồ Đào Nha đuổi một tàu Nga ra khỏi vùng biển của họ. Còn đầu năm nay,
Anh nói máy bay của Nga đến gần không phận Anh trước khi không quân Anh đưa máy
bay ra “hộ tống”.
Trở lại câu
chuyện Cam Ranh, Đại tướng Vincent Brooks, Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa
Kỳ, nói Nga “khiêu khích” khi bay quanh cả khu vực lãnh thổ Guam thuộc Hoa Kỳ
tại Thái Bình Dương, và được tiếp liệu nhờ máy bay xuất phát từ Cam Ranh.
Ông Collin Koh
Swee Lean, từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Công nghệ
Nanyang, Singapore, nhận định có thể Mỹ buộc phải công khai câu chuyện Cam Ranh
để tăng sức ép với Việt Nam.
“Chắc chắn giới hoạch định chính sách ở Washington đã lường trước rủi ro khi nói ra, nhưng vẫn làm thế vì tình hình ở Tây Thái Bình Dương gây lo ngại.”
Đã phải đối phó
với Trung Quốc trên Biển Đông, Hoa Kỳ càng không muốn đối diện khả năng Nga gia
tăng đe dọa.
“Nếu hiện diện
quân sự của Nga được tăng cường, một phần nhờ được tiếp cận căn cứ của Việt
Nam, nó có thể làm phức tạp thêm hoạt động của Washington trong vùng,” ông
Collin Koh Swee Lean nói với BBC.
‘Vấn đề của Mỹ và Nga’
Đến giờ Việt
Nam chưa có tuyên bố chính thức. Tuy vậy, báo chí Việt Nam đưa tin về buổi gặp
với Đại sứ Nga tại Hà Nội hôm 13/3.
Được hỏi về vụ
Cam Ranh, Đại sứ Konstantin V. Vnukov tuyên bố quan hệ quân sự giữa Nga và Việt
Nam “mang tính chất tự chủ” và không nhằm chống lại nước thứ ba.
Giáo sư người
Úc Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, nhận xét có vẻ như Việt Nam “đang ngầm
ra chỉ dấu rằng các chuyến bay của chiến đấu cơ Nga là vấn đề giữa Nga và Mỹ”.
Ông cũng nói
với BBC rằng trước tranh cãi này, không rõ Việt Nam có được thông báo đầy đủ về
tính chất hoạt động của các tàu Nga tại Cam Ranh hỗ trợ chiến đấu cơ của Nga
hay không.
Việt Nam luôn
khẳng định chủ trương không hợp tác với nước ngoài để sử dụng Cam Ranh vào “mục
đích quân sự”. Chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam cũng khẳng định
không tham gia liên minh quân sự hay liên kết với nước khác để chống lại nước
thứ ba, không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài.
Với chủ trương
này, Việt Nam sẽ nói chuyện thế nào với Mỹ và Nga là câu hỏi thú vị. Tuy vậy,
một chuyên gia như ông Collin Koh Swee Lean không nghĩ rằng tranh cãi đủ để
Việt Nam nói ‘không’ với Nga.
Quan hệ Nga –
Việt “sâu sắc và rộng lớn hơn” so với quan hệ với Mỹ, ông chỉ ra.
“Nếu Việt Nam
rút lại quyền tiếp cận, nó có thể gửi đi tín hiệu sai lạc cho quốc tế và có thể
ảnh hưởng xấu vị trí của Việt Nam trong ASEAN.”
“Về lâu dài,
nhượng bộ Washington sẽ tạo ra tiền lệ xấu,” ông nói.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment