Đăng ngày 09-03-2015 Sửa
đổi ngày 09-03-2015 15:12
Bắc Kinh không úp mở : Biển Đông là sân nhà của Trung Quốc
Trong một cuộc họp báo ngày 08/03/2015 tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng
Vương Nghị đã bác bỏ thẳng thừng những phản đối của nước khác về việc Trung
Quốc đang đẩy mạnh các công trình bồi đắp đảo nhân tạo tại vùng quần đảo Trường
Sa, nơi có tranh chấp với các láng giềng trong đó có Việt Nam.
Ông Vương Nghị đã không ngần ngại khẳng định : Biển Đông là « nhà » và là « sân » của Trung Quốc.
Dựa theo câu hỏi của Tân Văn Xã (China News Service) - hãng tin
chính thức thứ hai tại Trung Quốc sau Tân Hoa Xã - theo đó phải chăng là hoạt
động bồi đắp các bãi đá và rạn san hô của Trung Quốc ở Biển Đông báo hiệu một sự
thay đổi trong chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông và thậm chí đối với
cả các láng giềng, ông Vương Nghị đã tại khẳng định là chính sách Trung Quốc
không thay đổi.
Vấn đề là Ngoại trưởng Trung Quốc đã nhân dịp này đả kích các nước
đã phản đối Trung Quốc và nói thẳng Bắc Kinh có quyền làm tất cả những gì mình
muốn trong vùng lãnh thổ thuộc về mình. Giới quan sát đặc biệt ghi nhận lời
khẳng định rằng khu vực đang xây dựng là « nhà » và « sân » của Trung Quốc.
Theo bản tin tiếng Anh trên trang web của Bộ Ngoại Giao Trung
Quốc, ông Vương Nghị nói nguyên văn : « Chúng tôi không giống như một số quốc gia khác đã xây
dựng trái phép trong nhà của người khác. Và chúng tôi không chấp nhận những lời
chỉ trích từ người khác khi mà chúng tôi chỉ xây dựng các cơ sở trên sân riêng
của chúng tôi. »
Tuyên bố không úp mở của Ngoại trưởng Trung Quốc, tại một cuộc họp
báo quốc tế, về quan điểm từng bị tố cáo là Bắc Kinh muốn biến Biển Đông thành
ao nhà của mình, đã làm dấy lên nhiều chỉ trích. Trả lời phỏng vấn nhanh của
RFI qua email, Giáo sư Thayer, chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Úc. không che
giấu thái độ sửng sốt trước một tuyên bố vừa « thô bạo - brazen », vừa « ngạo
mạn - arrogant », vừa phản lịch sử vì chính Trung Quốc mới là nước chiếm đóng nhà
của người khác.
Thayer
: "Tôi vô cùng kinh ngạc khi đọc thấy ý kiến của Ngoại trưởng (Trung
Quốc). Đưa ra (vài hôm) trước ngày kỷ niệm 27 năm cuộc tấn công của Hải quân
Trung Quốc vào tàu hậu cần Việt Nam ở khu vực quanh Đá Gạc Ma (Johnson South
Reef) ngày 14 tháng 3 năm 1988. Nhận xét của ông Vương Nghị vừa thô bạo, vừa ngạo
mạn.
Cần phải nhớ lại rằng, vào thời điểm đó, không có sự hiện diện của
Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Hành động của Trung Quốc tấn công và tàn sát
64 thủy thủ Việt Nam phải bị coi là một hành vi xâm lược trắng trợn nhưng lại
không bị cộng đồng quốc tế trừng phạt. Tàu chiến Trung Quốc khi ấy đã được phái
đến nơi cùng với một hạm đội nhỏ mà nhiệm vụ trên danh nghĩa là thiết lập một
trạm quan sát nhân danh Ủy ban Liên chính phủ về Hải dương học của UNESCO.
Sau trận hải chiến, Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng các rạn san hô
và bãi ngầm khác trong quần đảo Trường Sa, một hành động được tiếp tục cho đến
ngày nay. Có tin là chỉ huy của đội tàu Trung Quốc đã bị khiển trách vì sử dụng
võ lực mà không được lệnh. Tuy nhiên, Trung Quốc đã hoàn toàn sẵn sàng khẳng
định chủ quyền trên các thực thể mà họ đã chiếm bằng vũ lực, vi phạm luật lệ
quốc tế. Trong thực tế, Trung Quốc đã chiếm « nhà của người khác ».
Tuyên bố của ông Vương Nghị là một ví dụ về việc Trung Quốc sử
dụng chiến tranh thông tin nhằm bóp méo sự thật lịch sử và luật pháp quốc
tế".
RFI : Đây có phải là lần đầu tiên mà một quan chức Trung Quốc cao
cấp như vậy cho rằng Biển Đông là « nhà » và « sân » - hay nói cách khác là «
ao nhà » - của Trung Quốc ?
Thayer :
"Nếu tôi nhớ không lầm thì đây là lần đầu tiên Trung Quốc mô tả các thực
thể địa lý ở Biển Đông như là « nhà » của họ. Cách dùng từ ngữ này cho thấy là
Trung Quốc đã leo thang trong hành động biện minh cho các hành động của họ,
chuyển từ việc khẳng định « chủ quyền lịch sử » đối với các đảo và « vùng biển
tiếp giáp », sang việc tuyên bố quyền sở hữu không hơn không kém đối với với
các thực thể như đảo đá, rạn san hô hay các bãi ngầm khác".
RFI : Với kiểu khẳng định như kể trên, liệu Trung Quốc có sẽ chủ
động hơn trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông COC với
ASEAN hay không ? Bởi vì điều đó có nghĩa chấp nhận « luật nước ngoài » trên
sân riêng của mình ?
Thayer :
"Dĩ nhiên Trung Quốc sẽ tiếp tục lôi kéo ASEAN vào một chuỗi các cuộc đàm
phán vô tận về một Bộ Quy tắc Ứng xử. Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng Bản
Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) phải được thực hiện tốt theo
như ý của Bắc Kinh trước đã. (Có điều) là Bản Hướng dẫn thực thi DOC đã được
thông qua từ 4 năm rồi, nhưng chưa hề có một hoạt động hợp tác nào được chấp
thuận hay bắt đầu.
Lời lẽ thô bạo của Ngoại trưởng Trung Quốc là nhằm mục đích cô lập
Philippines và Việt Nam, và hù dọa các thành viên ASEAN khác để buộc họ phục
tùng. Trung Quốc hy vọng là các thành viên « nhút nhát hay lo » của ASEAN sẽ
khuyên nhủ là phải tự kiềm chế, và việc tham khảo sẽ tiếp tục bất tận.
Thời gian đang đứng về phía Trung Quốc, với từng gàu cát lấy từ
biển lên cho phép họ mở rộng diện tích các đảo nhân tạo và tăng cường năng lực
kiểm soát – và cưỡng chế nếu cần - của Trung Quốc. Trung Quốc đang thay đổi « thực
tế trên hiện trường », qua đó làm cho bất kỳ quyết định nào của Tòa án Trọng
tài về đơn kiện của Philippines trở nên vô nghĩa".
__._,_.___
No comments:
Post a Comment