Sàn giao dịch bất động sản Biển Đông

Sàn giao dịch bất động sản Biển Đông

>

Monday 16 February 2015

Nhật Ký Biển Đông: Không Khéo Mỹ Sẽ Phá Nát Âu Châu


Nhật Ký Biển Đông: Không Khéo Mỹ Sẽ Phá Nát Âu Châu

Nhật Ký Biển Đông trong hai tuần đầu của Tháng Hai ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:


-The Street ngày 31/12015: Với tiêu đề “Việt Nam Đang Trở Thành Một ‘Tân Trung Quốc’ Do Công Ty Chế Tạo Nước Ngoài”  (Vietnam Is Becoming the 'New China' With Foreign Manufacturers”) tờ The Street viết, “Trong khi kinh tế  Hoa Lục trì trệ và lương công nhân ngày càng cao, Việt Nam trở thành điểm hội tụ/nơi làm ăn của các công ty chế tạo như Ford,và Toyota. 


Giờ đây vốn nước ngoài đang mở rộng thành giá trị cao, lắp ráp của ngành kỹ thuật. Hà Nội đang soạn thảo luật lệ để đem đem nhiều công ty như vậy vào trong nước.” The Street còn cho biết các công ty  như Intel đã điều hành một nhà máy lắp ráp trị giá 1 tỉ đô-la ở Sài Gòn năm 2010. Hãng Samsung đã đầu tư vào lãnh vực chế tạo 11 tỉ đô-la, còn Apple thì chế tạo điện thoại thông minh/smartphone ở Việt Nam.


-AFP: “Vào ngày Chủ Nhật 1/2/2015, Úc loan báo biếu Phi Luật Tân hai tàu đổ bộ đã không còn xử dụng sau sau khi đất nước đầy đảo nhỏ này chật vật với việc cứu trợ sau cơn bão Haiyan. Hai tàu này đã không còn xử dụng từ Tháng 11 và sẽ được tân trang với những thiết bị an toàn, hàng hải trước khi bàn giao cho Phi Luật Tân.


-CBS News: “Vào ngày Chủ Nhật 1/2/2015, Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ James Baker nói rằng việc Chủ Tịch Hạ Viện  John Boehner mời Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu nói chuyện tại Quốc Hội là vi phạm nguyên tắc ngoại giao.” Hiện nay một số dân biểu, thượng nghị sĩ Dân Chủ chống lại việc Thủ Tướng Netanyahu xuất hiện và đọc diễn văn trước lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ. Ô. Netanyahu đang phải chịu rất nhiều áp lực nội bộ đòi hủy bỏ cuộc nói chuyện vì sợ sẽ làm tổn thương tới quan hệ đồng minh chí cốt với Hoa Kỳ.

-NewsMax: Trong chương trình “Gặp Gỡ Báo Chí” (Meet the Press) ngày Chủ Nhật 1/2/2015, Robert Gates- Cựu Bộ Trướng Quốc Phòng Hoa Kỳ cho rằng “Những mục tiêu mà Hoa Kỳ theo đuổi đối với Nhà Nước Hồi Giáo ISIS và Nga là không thực tế …chúng ta đang đối phó với tình thế theo kiểu ngày qua ngày.”


-Next Big Future ngày 2/2/2015: “Bản thiết kế do Viện Thiết Kế và Khảo Cứu của Tổ Hợp Công Ty Đóng Tàu

quốc doanh Trung Quốc cho thấy Quân Đội Nhân Dân Trung Hoa (PLA) dự trù xây các căn cứ không quân lẫn

hải quân trên sáu đảo (bãi đá ngầm biến cải) mà họ kiểm soát được ở Biển Đông. Tin tức nói rằng Hoa Lục

đang xây một phi trường ở Đảo Đá Chữ Thập (Johnson South Reef) cách bờ biển phía bắc của Úc Đại Lợi

3,200km. Từ căn cứ này, phi cơ ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc với tầm hoạt động bán kinh 1,800km

có thể mở những cuộc oanh tạc Úc Đại Lợi. Theo tạp chí quốc phòng Japan Military Review ở Đông Kinh

(Tokyo), với chuỗi đảo biến cải này, Trung Quốc có thể kiềm chế các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Úc Châu.”


Cũng với chuỗi đảo này, Hoa Lục đã mở rộng chu vi phòng thủ và khả năng đến gần/tiếp cận của hải quân Hoa Kỳ để tấn công Hoa Lục càng lùi xa ra. Đó là chiến thuật phòng thủ từ xa của Trung Quốc. Sự hiện diện của các căn cứ không quân lẫn hải quân trên các đảo mới này tạo áp lực nặng nề lên Việt Nam và Phi Luật Tân. Không biết Mỹ phản ứng như thế nào  đây?


-Reuters: “Vào ngày Thứ Hai 2/2/2015, một tòa án ở Ai Cập đã kết án tử hình 183 thành viên của Đảng Huynh Đệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood) vì đã tham gia vào việc giết chết 16 cảnh sát đàn áp người biểu tình ở Kardasa sau khi quân đội đảo chính lật đổ chính quyền hợp pháp của Ô. Morsi Tháng 8, 2013. Đây là hảnh đổng đàn áp dai dẳng của chính phủ quân nhân chống lại đảng Huynh Đệ Hồi Giáo đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. “ Có thể đây chính là nguyên nhân khiến tình hình Ai Cập trở nên bất ổn với những vụ đánh bom và tấn công liên tiếp vào lực lượng chính phủ. 


Hiện nay đang có sự rạn nứt giữa Ai Cập và Hoa Kỳ vì theo Fox News, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thú nhận đã có cuộc gặp gỡ với các giới chức của Đảng Huynh Đệ Hồi Giáo tại Foggy Bottom, WA. DC. Xin nhắc lại, vào ngày 30/6/2012 khi Ô. Morsi đắc cử tổng thống, đích thân Ô. Obama đã gọi điện thoại chúc mừng và hứa hợp tác với Ô. Morsi để ổn định tình hình Ai Cập. Thế nhưng sau cuộc đảo chính của nhóm quân nhân, Ai Cập trở nên ngày càng bất ổn và chưa biết tương lai đi về đâu và không biết Ô. Obama sẽ giải quyết chuyện Ai Cập như thế nào.


-Voice of Russia ngày 3/2/2015: “Trong cuộc phỏng vấn của CNN, ông Obama thừa nhận rằng Hoa Kỳ đã làm trung gian trong vụ "chuyển giao quyền lực" ở Ukraina. Nói cách khác, nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận rằng cuộc đảo chính ở Ukraina hồi tháng 2 năm 2014, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và khiến cho nhiều người thiệt mạng, đã xảy ra với sự tham gia trực tiếp về mặt tổ chức và kỹ thuật của Hoa Kỳ.Cũng theo Voice of Russia, Hoa Kỳ đã bỏ vào 5 tỉ đô-la cho cuộc lật đổ này dưới các chương trình gọi là “phát triển dân chủ” và sự thành công của nó đã đưa đất nước Ukraina chia cắt và tan nát như ngày hôm nay. Thật ra nếu Hoa Kỳ có tốn kém 5 tỉ thì chẳng khác nào con sư tử rụng một sợi lông chân, nhưng các thành phần quốc gia cực đoan (Nationalists) nghe theo Mỹ để lật đổ chính quyền hợp pháp của Ô. Yanukovych - từ bỏ chính sách phi liên kết và rước NATO vào để kiềm chế Nga - phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước thảm cảnh hiện tại. 

Các  thành phần quốc gia cực đoan vì quá tin tưởng vào Mỹ và NATO cho nên đã quên đi mất Ukraina là một “Vùng trái độn” tức vùng an toàn của NATO lẫn của Nga. Nếu Nga chiếm trọn Ukraine thì NATO lâm nguy. Còn nếu Mỹ và NATO khống chế được Ukraina thì Nga lâm nguy. Ukraine là vùng luôn luôn có sự tranh giành ảnh hưởng giữa các siêu cường. Nếu các nhà lãnh đạo hay đảng phái chính trị Urkraina thật sự yêu nước thì phải theo chính sách Phi Liên Kết tức trung lập để giữ yên đất nước. Không hiểu định luật “Địa lý Chính Trị” (Geopolitics) - tức địa lý như thế nào thì chính trị như thế đó - mù quáng chạy theo ngoại bang làm tan nát đất nước là phản quốc chứ chẳng yêu  nước gì cả. Yêu nước là giữ yên đất nước để phát triển và không bao giờ để đất nước trở thành “bàn đạp”, “tiền đồn” hay “căn cứ phòng thủ từ xa” của bất cứ siêu cường nào. Hãy nhìn vào tấm gương Ấn Độ, một đất nước to lớn như thế mà còn phải theo chính sách “Phi Liên Kết” để giữ yên đất nước. Nếu Ấn Độ liên kết với Hoa Kỳ để chống Trung Quốc, chắc chắn Trung Quốc sẽ không để Ấn Độ yên. Ngược lại, nếu Ấn Độ liên kết với Trung Quốc để chống Hoa Kỳ, chắc chắn Mỹ sẽ đổ tiền đổ của vào đây để phá tan nát đất nước Ấn Độ, chưa kể cấm vận và bao vây quân sự.

-Business Insider ngày 3/2/2015: Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Nga Valery Gerasimov trong một cuộc họp với tất cả cấp chỉ huy các quân binh chủng đã truyên bố, “Chúng ta đã tiến tới bước đầu thương thảo với cấp chỉ huy quân sự của Ba Tây, Việt Nam, Cuba và Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (Bắc Hàn). Nếu những cuộc thương thảo thành công, chúng ta sẽ có những cuộc tập trận hải quân và không quân chung với họ và tập trận có bộ binh với Bắc Hàn.” Hiện nay Hoa Kỳ thường xuyên tập trận chung với Nam Hàn. Theo Business Insider, bất cứ việc hợp tác quân sự nào giữa Nga- Bắc Hàn sẽ làm tình hình Bán Đảo Triều Tiên căng thẳng thêm.

-The National Interest ngãy/2/2015: Với tiêu đề, “Trục Việt-Phi: Sản Phẩm Của Trung Quốc” (Made in China: A Vietnam-Philippines Axis) đã nhận định như sau, “Việt Nam và Phi Luật Tân dù từ lâu đã có những tranh chấp vể chủ quyền biển đảo -hiện đang tiến tới hợp tác chiến lược (strategic partnership).  Cùng lo lắng trước sự trỗi dậy của Hoa Lục, và đặc biệt những hành động hung hăng mỗi ngày mỗi gia tăng trong tham vọng lấn chiếm biển đảo, Việt Nam và Phi Luật Tân đã liên kết với nhau.”

 Đúng như dự đoán, Việt Nam và Phi Luật Tân đã gạt qua một bên những mâu thuẫn và tranh chấp biển đảo để cùng liên kết đối phó với kẻ thù chung. Đây là là sách lược ngoại giao khôn khéo đã có từ ngàn xưa. Việt-Phi đều hiểu rằng sau này khi “biển lặng gió êm” Phi Luật Tân và Việt Nam có thể nhờ Tòa Án Quốc Tế giải quyết những tranh chấp về chủ quyền biển đảo. Nhưng đối với Trung Quốc thì không thể làm thế. Việt-Phi đã tiến hành từng bước để đi tới hợp tác chiến lược như ngày nay, chẳng hạn như: Binh sĩ hai bên thăm viếng, uống bia, đánh bóng chuyền trên một hòn đảo còn đang tranh chấp, những cuộc thăm viếng của các vị nguyên thủ quốc gia, Việt Nam lên tiếng ủng hộ quan điểm và lập trường của Phi Luật Tân trong vụ kiện với Trung Quốc và mới đây ngày 25/11/2014 hai khu trục hạm tàng hình Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam đã ghé thăm Phi Luật Tân. Nếu như việc hợp tác tiến xa hơn trên lãnh vực an ninh như: tuần tra chung, chia xẻ tin tức tình báo, tập trận chung thì Hoa Lục sẽ vô cùng khó chịu…nhưng không thể làm gì hơn. Chính vì thế mà hai nhân vật cao cấp của Đảng Cộng Sản Trung Hoa là Dương Khiết Trì và Du Chính Thanh đã tới thăm Việt Nam để ve vãn. Nhưng ve vãn mà tiếp tục biến cải sáu bãi đá ngầm ở Biển Đông thành các căn cứ hải quân và không quân thì khác nào “đấm vào mặt người ta” cho nên Việt Nam vì là nước nhỏ- giống như các vua Đại Việt năm xưa vẫn phải tiếp đón sứ Tàu - cho nên vẫn cứ theo chiến thuật “lịch sự tiếp đón, cười cười, nói nói” nhưng khi “sứ Tàu” về rồi thì “Đường ta ta cứ đi” và “Nam quốc sơn hà nam đế cư”. Tin vào lời hứa của Trung Quốc thì “Đổ thóc giống ra mà ăn” như các cụ năm xưa đã dạy.
-VOA tiếng Việt ngày 6/2/2015: “Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh hôm qua (5/2) đã gặp ông Thomas Shannon, cố vấn Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du tới Việt Nam. Theo báo chí trong nước, ông Vịnh đã “đánh giá cao việc Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí với Việt Nam và đề nghị sớm dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận này”. Ngoài ra, quan chức cấp cao của quân đội Việt Nam cũng nói rằng nhiều lĩnh vực hợp tác, trong đó bao gồm an ninh biển, “đã có bước phát triển mới”.

-Voice of Russia ngày 6/2/2015: “Hôm thứ Sáu, các Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan và Trung Quốc đã thỏa thuận về việc mở rộng sự hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa hai nước, - một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thái Lan cho biết. Phía Thái Lan tỏ ra quan tâm với việc Trung Quốc đề nghị chuyển giao cho Thái Lan một số công nghệ quốc phòng, cũng như triển vọng Trung Quốc sẵn sàng cung cấp vũ khí công nghệ cao cho Thái Lan trong tương lai. Các bên đồng ý mở rộng việc thực hành tập trận chung và trao đổi các phái đoàn quân sự.”

 Đời có nhiều cái thật lạ lùng. Thái Lan là “đàn em” thân tín của Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam, đáng lẽ phải nương tựa vào quốc phòng Hoa Kỳ mới phải. Thế nhưng ngày nay Thái Lan lại nương tựa vào Hoa Lục-kẻ thù tiềm tàng của Mỹ. Trong khi Việt Nam- kẻ thù của Mỹ trước đây lại hợp tác toàn diện với Mỹ và nương tựa vào Nga để xây dựng kỹ nghệ quốc phòng chứ không dựa vào Trung Quốc - dù hai nước có chung một ý thức hệ chính trị. Thái Lan nổi tiếng vì chính sách ngoại giao “gió chiều nào theo chiều ấy”.

-Voice of Russia ngày 6/2/2015: “Ông John Kerry được ghi nhận là vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ kém cỏi nhất trong 50 năm lại đây. Minh chứng về điều đó là kết quả cuộc khảo sát do tạp chí Foreign Policy tiến hành, lấy ý kiến các nhà khoa học Mỹ trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. Theo cuộc thăm dò này, chính trị gia hiệu quả nhất ở cương vị đứng đầu cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ là ông Henry Kissinger, giữ chức vụ Ngoại trưởng trong những năm 1973 -1977. Henry Kissinger được 32,2% số phiếu bình chọn. Trong khi đó, chỉ có 0,3% số người được hỏi nêu ý kiến ủng hộ John Kerry.”

-NewsMax ngày 6/2/2015: Theo tờ Washington Post, Thượng Nghị Sĩ John McCain muốn ngăn chặn việc đưa một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ viếng thăm Trung Quốc. Lý do Ô. McCain đưa ra, “Tôi tin rằng điều đó sẽ gứi đi một tín hiệu sai lầm cho các đồng minh và các quốc gia hợp tác trong vùng bao gồm Nhật Bản, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam đang trông chờ sự lãnh đạo của Hoa Kỳ để đối đầu với việc Trung Quốc liên tục dùng sức ép để  tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông. 

Vào ngày 9/2/2015, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đột ngột loan báo hủy bỏ chuyến viếng thăm và giải thích rằng hành động viếng thăm sẽ khích lệ Hoa Lục dùng đường lối ngoại giao để giải quyết những tranh chấp chủ quyền biển đảo.

-AP (Washington) ngày 6/2/2015: “Vào ngày Thứ Sáu, Tổng Thống Obama đã phác thảo bản kế hoạch an ninh quốc gia cho hai năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông và cảnh báo việc Hoa Kỳ vươn quá xa (overreach) đối với những vấn đề quốc tế cho dù ông mô tả Hoa Kỳ là một lực lượng không thể thiếu vắng trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu như khủng bố, biến đổi khí hậu và đe dọa chiến tranh điện tử. “

Nhận định của Ô. Obama dường như quá trễ. Cả thế giới đều thấy nhưng bây giờ Ô. Obama mới thấy là Hoa Kỳ đã đơn phương can thiệp quá nhiều vào những vấn đề của thế giới cho dù những nơi đó hoặc những biến động đó chẳng liên hệ gì tới quyền lợi sinh tử của nước Mỹ. Hoa Kỳ giống như một ngôi sao bóng tròn trên sân cỏ. Vì quá giỏi cho nên anh chàng này cho mình có trách nhiệm với toàn trận đấu. Được giao nhiệm vụ đá ở hàng tiển đạo nhưng thấy hàng hậu vệ yếu kém quá cho nên chạy về cứu hàng hậu vệ. Nhưng sau khi đá ở hàng hậu vệ rồi lại thấy hàng trung tuyến “dở ẹc” cho nên lại chạy lên tiếp ứng. Nhưng khi đá ở hàng tiếp ứng rồi lại thấy tiền đạo không ai làm bàn cho nên lại chạy lên hàng tiền đạo. 

Nói tóm lại vì quá giói, quá tự tin cho nên ôm đồm, bao giàn hay bao đồng. Hay nói nôm na là “chuyện gì cũng vơ vào” cho nên cuối cùng “bở hơi tai”, mà chẳng được gì cả. Sau hơn một thập niên quá mệt mỏi với hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan hao tốn nhân mạng, của cái và để lại một tương lai mờ mịt cho hai quốc gia này. Nếu Hoa Kỳ rút đi mà Iraq và Afghanistan có tan nát thì cũng chẳng sao. Nhưng hệ quả của nó là cuộc chiến tranh chống khủng bố có thể kéo dài vô tận và có thể khiến nước Mỹ rỉ máu giống như căn bệnh ung thư. Hiện nay  Hoa Kỳ đang đe dọa chiến tranh với Nga- và có thể là chiến tranh nguyên tử cũng chỉ vì Ukraine - một nơi xa lắc xa lơ và chẳng liên hệ gì tới nền an ninh Hoa Kỳ và cũng đang “Xoay Trục” để chuẩn bị cho một cuộc thư hùng với Hoa Lục.

 Sức nào đảm đương nổi đây? Không khéo kiệt sức mà chết. Nếu không duyệt lại sách lược đối ngoại và sắp đặt thứ tự ưu tiên, cái nào làm trước, cái nào làm sau, cái nào tầm phào thì  bỏ qua đi cho đỡ mệt - thì Hoa Kỳ sẽ tự hại mình, tự sa lầy chứ chẳng ai hại được Hoa Kỳ. Xin nhớ cho dù là sức của Ông Trời thì cũng chỉ làm được một số chuyện chứ không thể làm tất cả mọi chuyện.

 Hình như người dân và lãnh đạo Hoa Kỳ có tâm lý kiêu ngạo là Hoa Kỳ có thể làm tất cả mọi chuyện trên cõi đời này. Chính cái tâm lý “leader of the world” đã làm hại Hoa Kỳ. Phụ họa thêm với nhận định của Tổng Thống Obama, Voice of Russia ngày 8/2/2015 đăng nhận định của nhà khoa học chính trị Israel Avigdor Eskin cho rằng Wasington sẽ thất bại khi tìm cách cố gắng áp đặt các nước khác sống theo lối sống của Mỹ, vì các nước đó không có gì xảy ra theo kiểu người Mỹ đang cố gắng thực hiện. Theo Eskin, "Mọi người đánh giá cao rất nhiều thứ mà họ nhìn thấy ở Mỹ. Nhưng khi Mỹ ra nước ngoài và bắt đầu ra lệnh cho các nước khác sống theo lối sống của họ thì Mỹ sẽ thất bại.”

-AP ngày 9/2/2015: Trong khi hình ảnh Ô. Putin bị bêu xấu ở Hoa Kỳ và Âu Châu thì Ai Cập lại trải thảm đỏ và Tổng Thống el Sisi đã ra tận phi trường để đế tiếp đón Ô. Putin. Xin nhớ Ai Cập là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở Trung Đông, nay theo chính sách ngoại giao đa phương để mở rộng hợp tác quân sự và thương mại với Nga. Điều này chứng tỏ Nga có tầm ảnh hưởng quốc tế chứ không phải chỉ là cường quốc khu vực như Ô. Obama đã từng mỉa mai. Mỗi năm Hoa Kỳ viện trợ quân sự cho Ai Cập khoảng 1.3 tỉ đô-la nhưng năm ngoái Ai Cập lại ký thỏa hiệp mua của Nga khoảng 3.5 tỉ đô-la vũ khí.

- AFP (Belarus) ngày 12/2/2015: “Cuộc chạy đua cho hội nghị Minsk kết thúc với thỏa thuân ngừng bắn giữa các phe ở Ukraina, nhưng Bà Merkel nói rằng các trở ngại vẫn còn đó. Còn Ô. Putin nói rằng hội nghị đã đạt những điểm chính. Theo thỏa thuận này, các bên sẽ rút hết vũ khí nặng ra khỏi vùng đang giao chiến và mở rộng vùng trái độn. Đây là cơ hội cuối cùng cứu vãn sự xụp đổ của Kiev trước những thất bại liên tiếp về quân sự trước phe ly khai.”

-AP (Washington) ngày 12/2/2015: “Một viên chức cao cấp chống khủng bố của Tòa Bạch Ốc thú nhận rằng tình báo Hoa Kỳ ngạc nhiên về sự xụp đổ của chính quyền Yemen do Mỹ hỗ trợ. Mới đây Ô. Obama khoe Yemen là một sự thành công, nay biến thành thảm họa.” Hiện giờ Anh, Mỹ đã phá hủy tòa đại sứ và di tản khỏi Yemen. Trong khi đó tình hình Libya nát như tương. Nhóm Nhà Nước Hồi Giáo IS là lực lượng mạnh nhất khống chế các thành phố Derna và Benghazi.

-BBC tiếng Việt ngày 13/2/2015: “Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhắc lại lời mời khi điện đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 13/2 việc chính phủ Mỹ mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ trong năm nay. Trước đó hôm 11/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm. Trong trao đổi, ông Tập mời ông Trọng sớm thăm lại Trung Quốc, trong khi ông Trọng cũng mời ông Tập thăm Việt Nam.” Những tin tức này cho thấy Việt Nam ở vào vị thế vô cùng quan trọng. Làm thế nào để cân bằng ảnh hưởng giữa Hoa Lục và Hoa Kỳ là chuyện vô cùng khó khăn. Có thể các nhà lãnh đạo Việt Nam theo sách lược hợp tác với Mỹ nhưng không liên minh quân sự với Mỹ để Việt Nam không trở thành mối lo về an ninh đối với Trung Quốc. Nếu Việt Nam trở thành mối đe dọa an ninh đối với  Hoa Lục thì Việt Nam lập tức trở thành một Ukraina thứ hai.

-AP (Poland) ngày 14/2/2015: “Nữ ứng cử viên tổng thống 35 tuổi của đảng cánh tả Ba Lan chỉ trích chính quyền Ba Lan có thái độ thù nghịch với Nga và nói rằng bà sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với Tổng Thống Putin.Trong một buổi tập họp tranh cử,  Bà Magdalena Ogorek tuyên bố bà không sao chịu nổi chuyện truyền thông Nga cứ liên tục nói Ba Lan là kẻ thù số một của Nga.”

Nhận Định:
Trong lúc Mỹ đang rối bời trăm chuyện, nào là: Chiến tranh chống khủng bố, cuộc chiến với ISIS, cuộc thương thảo với Iran có thể gây bất ổn chính trị trong nội bộ nước Mỹ và quan hệ đồng minh Do Thái, chiến lược “Xoay Trục” để đối phó với Hoa Lục, “cục xương mắc trong cổ họng” Syria, Libya và Bắc Hàn vẫn còn nguyên đó. Vào ngày 2/2/2015 NewsMax đưa tin: “Hoa Thịnh Đốn một lần nữa lại suy tính hỗ trợ quân sự cho Ukraina sau cuộc phản công dữ dội của phe ly khai do Nga hậu thuẫn nhưng các nhà phân tích gọi đây là hành động nguy hiểm và sợ rằng điều này chỉ giúp biện minh cho những âm mưu của Nga và đẩy Đông-Tây (Nga-Mỹ và NATO) vào cuộc chiến tranh tổng lực.” Còn theo International Business Times, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói rằng, “Tôi nghĩ rằng không ai trong chúng ta muốn can dự vào cuộc chiến ủy nhiệm với Nga. Đó không phải là mục tiêu. Mục tiêu của chúng ta là làm thay đổi thái độ của Nga. Hiện chưa có quyết định nào cả. Tôi đang nói tới sự kiện, dĩ nhiên, là chúng ta có quyền suy tính về một loạt các biện pháp.”

Lo sợ trước viễn ảnh Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraina, Tổng Thống Hollande và Thủ Tướng Merkel đã hối hả tiến hành cuộc họp thượng đỉnh ở Moscow với Tổng Thống Putin vào hôm Thứ Sáu 6/2/2015 kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Vào ngày 9/2/2015,  Bà Merkel đã bay qua Mỹ thuyết trình cho Ô. Obama kế hoạch chấm dứt chiến cuộc ở Ukraina vừa mới bùng phát. Bà Merkel cho rằng  việc viện trợ vũ khí cho Ukraina không giải quyết được vấn đề. Còn cơ quan giám sát OSCE (Organisation of Security and Co-operation in Europe) nói rằng nếu viện trợ vũ khí cho Ukraine sẽ làm tình hình trở nên tệ hại hơn. 

Trong cuộc họp báo chung tại Tòa Bạch Ốc, Ô. Obama nói rằng ông đang chịu áp lực rất lớn từ phe Cộng Hòa, chưa quyết định việc gửi vũ khí tới trợ giúp cho Ukraina. Hiện nay có rất nhiều nguồn tin được đưa ra. Các chuyên viên an ninh Hoa Kỳ dự trù viện trợ cho Kiev một khối lượng vũ khí trị giá khoảng 3 tỉ đô-la để đánh bại phe nổi dậy. Nếu Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho Ukraina, Nga sẽ coi đây là hành vi gây chiến và sẽ cung cấp vũ khí cho Iran để tấn công Saudi Arabia- một đồng minh thân cận nhất cũa Mỹ tại bán đảo Ả Rập.

Theo ý kiến riêng của tôi, nếu Mỹ viện trợ vũ khí cho Ukraina thì Mỹ sẽ phải mở cuộc chiến trực tiếp với Nga và không sao dừng lại được và có nguy cơ nổ ra chiến tranh nguyên tử nếu Nga thất thế. Chỉ giải pháp quốc tế bảo đảm quy chế “phi liên kết” cho Ukraina và gia tăng quyền tự trị cho Miền Đông hoặc “liên bang hóa” Ukraina mới có thể chấm dứt cuộc chiến và tạo ổn định lâu dài cho toàn vùng.
Trong cuộc đối đầu giữa Mỹ-NATO và Nga, mới thoạt nhìn người ta tưởng Nga bị cô lập một cách thảm hại như Ô. Obama mô tả trong thông điệp liên bang, nhưng thực tế không phải vậy vì tình hình thế giới biến chuyển vô cùng phức tạp mà chính Mỹ cũng không lường hết được. 

Theo Business Insider ngày 3/2/2015: Với tiêu đề “Nga đang tìm cách liên minh với một thành viên của kẻ thù lớn nhất của mình” (Russia is looking to make an ally within its biggest enemy) tờ báo này viết, “Vào ngày Thứ Ba, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hy Lạp Panos Kammenos và cũng là người có quan điểm thẳng thừng chống lại việc liên minh với Âu Châu gọi là “Eurosceptic” (*) loan báo rằng Nga đã mời ông tới Mosxcow để gặp gỡ Bộ Trưởng Quốc Phòng Sergi Shoygu. Điều thú vị ở đây là Hy Lạp là một trong 28 thành viên của NATO, trong khi Nga coi NATO là mối đe dọa lớn nhất.” Tưởng cũng nên nhắc lại đây. Chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, tân Thủ Tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã có cuộc hội kiến với Đại Sứ Nga tại Hy Lạp. Hy Lạp tuyên bố sẽ cùng với Cyprus làm trung gian tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraina.

            Vào ngày 8/2/2015, Business Insider viết: “ Tổng Thống Anastasiades của Cyprus thông báo đất nước ông sẵn sàng cho phép Nga mở căn cứ không quân và hải quân. Thỏa hiệp chính thức về hợp tác quân sự giữa hai quốc gia dự trù ký kết vào ngày 15/2/2015.” Cũng theo Business Insider, “Hy Lạp và Cyprus là hai quốc gia Âu Châu không đồng ý tăng thêm cấm vận kinh tế Nga. Tổng Thống Anastaisiades nói rằng Cyprus không muốn quan hệ giữa Cyprus và Nga trở nên tồi tệ hơn. Đây là dấu hiệu cảnh báo (red flag) cuối cùng cho Âu Châu về chinh sách đối đầu với Nga “
Do yếu tố địa lý và lịch sử, quan hệ giữa Âu Châu và Nga không đơn thuần giống như quan hệ giữa Mỹ và Nga. Mới đây nhất, vào ngày 8/2/2015, phát biểu trước quốc hội Pháp, cựu Tổng Thống Sarkozy nói, “Chúng ta có chung một nền văn minh với Nga. Lợi ích của nước Mỹ trước nước Nga không phải là lợi ích của Châu Âu và Nga.

 Chúng ta không muốn chiến tranh lạnh trở lại giữa Châu Âu và Nga.” Khi chiến tranh nổ ra, Mỹ chỉ tốn vũ khí, còn Âu Châu là bãi chiến trường, tàn phá và đổ nát. Chính vì thế giữa Âu Châu và Hoa Kỳ có hai lối suy nghĩ khác nhau. Vào ngày 9/2/2015, tờ Fiscal Times đi bài báo với tựa đề, “Mặt trận thứ hai ở Ukraina: Giờ đây Obama và Kerry đối đầu với Âu Châu”  (Ukraine's Second Front: Obama and Kerry Are Now at War With Europe) cho thấy sự bất đồng quan điểm sâu sắc giữa Mỹ và Âu Châu vể vấn đề Ukraina.

Âu Châu coi cấm vận như một thứ vũ khí buộc Nga phải tương nhượng, nhưng Mỹ lại muốn nhân cơ hội này kiềm chế và làm suy yếu Nga. Khi Mỹ theo đuổi chính sách kiềm chế và làm suy yếu Nga tức thế giới trở về thời kỳ Chiến Tranh Lạnh- cơn ác mộng của Âu Châu kéo dài hơn 40 năm. Sự khác biệt về mục tiêu và quyền lợi giữa Âu Châu và Mỹ ở chỗ đó. Nếu Mỹ cứ tiếp tục lôi kéo và ép Âu Châu vào trong liên minh chống Nga, có thể Âu Châu sẽ tan nát vì chia rẽ.

Ngoài ra, một số quốc gia Âu Châu có thể đã nhận thấy rằng mặc dù Nga là mối đe dọa cho Âu Châu
nhưng khi Nga xụp đổ hoặc suy yếu thì lúc đó Mỹ sẽ bá chủ thế giới và Âu Châu có thể trở thành “nô lệ” cho Mỹ không biết chừng. Khi thế giới không còn một ai có thể dám chống lại Mỹ nữa thì Mỹ muốn làm gì thì làm. Sự hiện hữu của một nước Nga mạnh có lợi cho Âu Châu hơn là có hại vì lúc nào Mỹ cũng cần Âu Châu trong liên minh NATO. Còn khi Nga bị diệt rồi thì : “Phi điểu tận, lương cung tàng. Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh”. Nói ra thì nghịch lý nhưng sự thật của thế giới “ô trọc” này là như vậy.

 Chẳng hạn, hiện giờ Mỹ rất cần Phi Luật Tân và Việt Nam. Nhưng nếu sự đối đầu với Hoa Lục gây nguy hiểm cho Mỹ, Mỹ sẽ tìm cách thỏa hiệp. Việc Ô. Obama mời Ô. Tập Cận Bình thăm Mỹ như một quốc khách vào ngày rất gần đây chứng tỏ Mỹ chỉ muốn “cân bằng lực lượng” chứ không muốn đối đầu với Hoa Lục. Các học giả cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ thảo luận nhiều nội dung nhạy cảm, nhưng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không chọn một mối quan hệ đối đầu lúc này. Nếu một thỏa hiệp đạt được với Hoa Lục, chẳng hạn như Minh Ước Thượng Hải 1972, lúc đó Mỹ sẽ không cần Việt Nam và Phi Luật Tân nữa và sẽ bỏ rơi không thương tiếc.

Đứng về mặt lý luận mà nói, sách lược bành trướng của Hoa Lục ở Biển Đông dù gây nguy hiểm cho Việt Nam và Phi Luật Tân nhưng lại tạo cơ hội cho Mỹ nhảy vào “hợp tác, giúp đỡ”. Do kinh nghiệm lịch sử để lại, các quốc gia Đông Nam Á như Nam Dương, Mã Lai, Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam mặc dầu “đi” với Mỹ nhưng theo chính sách ngoại giao đa phương để phòng ngừa nếu Mỹ “quất ngựa Truy Phong” thì vẫn còn đường sống. Sự kiện Mỹ nghe lén các “đồng minh” Âu Châu cho thấy Mỹ cũng luôn luôn cảnh giác các ông/bà “bạn vàng” của mình xem họ có chung thành hay phản bội lại mình. 

Chính trị thế giới tức tranh bá đồ vương muôn đời là lãnh vực đầy âm mưu, thủ đoạn và tàn bạo nhất. Lảm chính trị mà ngu ngơ như “con nai vàng ngơ ngác” thì đất nước “chết không kịp ngáp”. Phải nhìn xa trông rộng. Dĩ nhiên phải biết nhận diện kẻ thù, nhưng cũng còn phải nhìn thấu rõ tim gan người mà mình đang hợp tác (partner) hay đồng minh chí cốt (staunch ally) của mình nữa, cũng giống như Phạm Lãi đang phò Câu Tiễn nhưng biết trước rằng khi thành công thì mình nên bỏ Câu Tiễn mà đi.

Đào Văn Bình
(California ngày 15/2/2015)

(*) Quan điểm chống lại việc liên kết chặt chẽ với Âu Châu



__._,_.___

Posted by: Binh Dao

No comments:

Post a Comment

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List