Đăng
ngày 01-01-2015
Năm 2015 Biển Đông sẽ tiếp tục bị Trung Quốc khuấy động
Tàu
Trung Quốc (trái) dùng vòi rồng phun nước tấn công tàu Việt Nam tại Biển Đông
trong vụ giàn khoan HD-981.DR
Trong các dự đoán về
tình hình châu Á năm 2015 vừa bắt đầu, bi quan nhất vẫn là các nhận định về
Biển Đông, được cho là sẽ tiếp tục bị các tranh chấp giữa Trung Quốc và các
láng giềng, đặc biệt là với Philippines và Việt Nam, khuấy động. Theo ghi nhận
của hầu hết các nhà phân tích, tương tự như trong năm 2014, Trung Quốc sẽ tiếp
tục vai trò kẻ gây rối tại Biển Đông.
Trong bài viết trên báo
mạng Nhật Bản The Diplomat công bố hôm qua, 31/12/2014, Biển Đông tiếp tục được
xếp vào trong số 10 diễn biến tại Đông Nam Á cần phải theo dõi trong năm 2015,
nhất là trong bối cảnh một nước trực tiếp can dự vào tranh chấp Biển Đông là
Malaysia lên làm chủ tịch luân phiên ASEAN, đồng thời bắt đầu nhiệm kỳ Ủy viên
không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
The Diplomat :
Một năm đầy sóng gió ở Biển Đông
Theo tác giả Prashanth
Parameswaran, năm 2015 rất có thể sẽ tiếp tục là một năm đầy sóng gió, nếu căn
cứ vào xu thế hiện nay : « Với những gì đã xảy ra trong vài năm qua, thì
chớ dại bỏ Biển Đông ra khỏi danh sách (những sự kiện cần chú ý), mặc dù rất
khó dự đoán chính xác sự việc sẽ diễn biến ra sao ».
Đối với chuyên gia này, trong
số hai vấn đề cần đặc biệt theo dõi, trước hết phải xem các nước Đông Nam Á
trong khối ASEAN - cả các nước có tranh chấp lẫn không có tranh chấp - điều
chỉnh phản ứng của họ ra sao trước chiến lược càng lúc càng rõ ràng của Trung
Quốc, vừa bành trướng trên biển bằng cách dần dần thay đổi nguyên trạng Biển
Đông, vừa gắn chặt mình vào khu vực Đông Nam Á trên bình diện kinh tế.
Một diễn biến thứ hai
cần chú ý là phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye (Hà Lan)
về vụ kiện của Philippines nhắm vào Trung Quốc, sớm nhất là sau ngày 16/06/2015
là thời hạn chót mà Tòa án đã dành cho Bắc Kinh để trả lời luận chứng bổ sung
mà Tòa đã yêu cầu Manila phải nộp trước ngày 15/03/2015.
Phán quyết của cơ chế
trọng tài của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển có thể ảnh hưởng đến các diễn biến
trên hiện trường, đặc biệt là đến việc các bên sử dụng công cụ pháp lý để tìm
giải pháp cho các tranh chấp đang diễn ra.
Trung tâm nghiên
cứu Mỹ CSIS : Biển Đông vẫn là điểm nóng
Dự đoán của The Diplomat
cũng không khác gì so với nhận xét của một loạt chuyên gia Mỹ về Biển Đông.
Trong tạp chí của nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á châu thuộc Trung tâm
Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington, số ra ngày 23/12/2014,
rất nhiều chuyên gia phân tích tên tuổi về Biển Đông đều không một chút nghi
ngờ là Biển Đông sẽ tiếp tục là một điểm nóng trong năm 2015.
Bà Bonnie Glaser cho
rằng bãi Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), ở vùng quần đảo Trường Sa đối tượng tranh
chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc nhưng hiện do
Philippines kiểm soát rất có thể trở thành điểm nóng.
Trên bãi cạn này có xác
một chiếc tàu cũ do Hải quân Philippines cố tình cho mắc cạn vào năm 1999 để
làm chỗ đóng quân cho một toán lính Thủy quân lục chiến làm nhiệm vụ canh gác.
Trong năm 2014, lực lượng Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn không cho
Philippines mang vật liệu xây dựng đến nơi để gia cố chiếc tàu.
Trong tình hình đó,
chuyên gia Glaser thẩm định rằng, trong trường hợp mà chiếc tàu bị rệu rã và
tuột khỏi bãi cạn này, lực lượng Trung Quốc có thể thừa dịp tiến chiếm luôn bãi
cạn này, và vấp phải sự chống đối của hải quân Philippines.
Vùng Biển Đông cũng có
nguy cơ bị khuấy động do việc Trung Quốc đưa giàn khoan trở lại. Theo giáo sư
Chu Phong (Zhu Feng), vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào hoạt động trong
vùng biển gần Việt Nam vào năm 2014 đã tạo ra căng thẳng cùng cực giữa Bắc Kinh
và Hà Nội, trước khi tình hình tạm lắng dịu.
Tuy nhiên trong năm
2015, theo ông Chu Phong, « Trung Quốc có khả năng di chuyển giàn khoan dầu
trở lại vùng biển tranh chấp, chắc chắn Việt Nam sẽ lại quấy rối hoạt động giàn
khoan dầu của Trung Quốc ». Chu kỳ trả đũa lẫn nhau đó sẽ chỉ có thể chấm
dứt khi hai bên đạt được thỏa thuận chính trị về việc cùng khai thác dầu trong vùng
biển tranh chấp ở Biển Đông.
Có điều là, theo giáo sư
Chu Phong, trước mắt chưa thấy được một thỏa thuận như vậy ở chân trời.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment