PHÂN
TÍCH -
Bài đăng : Thứ hai 01
Tháng Chín 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 01 Tháng Chín 2014
Nguy cơ sự phát triển của hải quân Trung Quốc gây tổn hại cho
thương mại thế giới
Hải quân Trung Quốc đe
dọa thương mại thế giới ?
AP
Đức Tâm
Các căng thẳng ở Biển Đông trong thời gian qua, với các vụ đối đầu
giữa tàu Trung Quốc và một số nước láng giềng nhỏ bé, trong các tranh chấp lãnh
thổ, tuy không gây lo ngại nhiều cho giới đầu tư phương Tây, nhưng một cuộc
xung đột trong khu vực rất có thể ảnh hưởng đến thương mại thế giới.
Theo tổ chức Hội nghị
Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD), trong năm 2010, khoảng 8,4 tỷ
tấn hàng hóa được vận chuyển qua khu vực Biển Đông, tức là gần bằng một nửa
tổng khối lượng chuyên chở hàng hóa toàn thế giới.
Bộ Thương mại Mỹ cho
biết, trong năm 2013, Hoa Kỳ xuất khẩu 79 tỷ đô la hàng hóa sang các nước trong
vùng Biển Đông và nhập khẩu 127 tỷ đô la từ những quốc gia này. Đô đốc hải quân
Mỹ Robert Willard thẩm định, nếu tính cả hàng hóa chỉ đi qua Biển Đông, tổng
giá trị hàng hóa được vận chuyển hàng năm qua vùng này lên tới 5,3 nghìn tỷ đô
la, trong số đó có 1,2 nghìn tỷ của Hoa Kỳ.
Chính vì thế, theo giáo
sư Peter Dutton, chuyên gia nghiên cứu chiến lược, phụ trách Viện nghiên cứu
hàng hải Trung Quốc, thuộc Học viện Hải Chiến Mỹ, được đài truyền hình CNBC
trích dẫn, các căng thẳng tại Biển Đông đặt ra vấn đề về rủi ro an ninh kinh tế
đối với toàn cầu. Một cuộc xung đột giữa Trung Quốc với một trong những nước
láng giềng nhỏ bé cũng có thể gây rối loạn đối với các tuyến vận tải hàng hải,
qua đó, ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Tuy không cho rằng xung đột có thể
xảy ra, nhưng vị giáo sư này thẩm định : « Một sự gián đoạn giao thông hàng hải
trong vòng 3 tuần cũng có thể gây ra tác động tác kể ». Cho dù tàu bè các nước
vẫn tiếp tục qua lại Biển Đông khi xảy ra xung đột, chi phí bảo hiểm « sẽ rất
cao ».
Lo ngại về an ninh kinh
tế còn xuất phát từ một yếu tố khác : Đó là chính sách kiểm soát Biển Đông của
Trung Quốc. Giáo sư Dutton nhận xét, trong những năm qua, Bắc Kinh đã tỏ rõ ý
định muốn kiểm soát tất cả các vùng biển, tuyến hàng hải mà họ cho rằng thuộc
vùng ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc. Xu hướng này ngược lại hoàn toàn với
chuẩn mực chung toàn cầu về tự do lưu thông ở đại dương. Ông nói : « Mối
lo ngại của chúng tôi là Trung Quốc định ra các quyền rộng rãi để kiểm soát các
vùng theo luật lệ của họ và giành quyền cấm các tàu bè quân sự nước ngoài qua
lại ». Nếu điều này xảy ra, thì các nước khác trong vùng cũng sẽ làm tương
tự. Mặt khác, Trung Quốc không có đủ khả năng để điều phối các hoạt động hàng
hải trong một vùng biển rộng lớn như vậy.
Một số nhà phân tích
không nghĩ rằng các tuyến giao thông hàng hải ở Biển Đông sẽ trở thành khu vực
tranh chấp. Ông Gary Li, chuyên gia về hàng hải, thuộc IHS Maritime nhận định,
khó có thể xảy ra rối loạn trên các tuyến hàng hải, vì « tất cả mọi người đều
cần các tuyến đường này, nhất là Trung Quốc ».
Chính vì thế, trước nguy
cơ đe dọa tự do lưu thông hàng hải, mỗi nước đều tính toán trong việc có nên
phản ứng hay không và phản ứng ra sao, để bảo vệ quyền lợi của mình. Các tính
toán này đã phần nào bị chi phối bởi một thực tế là trong những vụ đối đầu vừa
qua với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã không tỏ ra là một đồng minh luôn luôn đáng tin
cậy.
Những tính toán này được
thể hiện rõ trong vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu tại nơi mà Việt Nam khẳng
định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình, hồi đầu tháng Năm vừa qua. Cuối
cùng thì Việt Nam và Trung Quốc đều tìm cách làm dịu tình hình : Bắc Kinh tự
rút giàn khoan và Việt Nam cử đặc phái viên sang thương thảo.
Là một trong những bên
có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, Malaysia luôn tỏ ra kín
tiếng và theo giới chuyên gia, dường như Kuala Lumpur quyết định rằng quan hệ
kinh tế của họ với Trung Quốc là quan trọng hơn cả.
Đáng ngạc nhiên là phản
ứng của Philippines, kiện Trung Quốc ra trước tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc
cho dù Bắc Kinh đe dọa là bất kỳ nước nào kiện họ thì sẽ phải trả giá.
Trước phản ứng yếu ớt
của các nước Đông Nam Á, Trung Quốc sẽ từng bước củng cố các đòi hỏi chủ quyền
biển đảo và Bắc Kinh không làm việc này một cách nhanh chóng, ngay một lúc.
Theo nhận định của ông Zachary Abuza, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á, « Trung
Quốc làm theo kiểu cắt lát xúc xích, thôn tính từng hòn đảo, từng bãi đá. Đây
chính là điều đang xảy ra và không ai ngăn cản được ».
__._,_.___
No comments:
Post a Comment