Mỹ khẳng định : Chính
hành động hung hăng của Trung Quốc làm Biển Đông căng thẳng
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry họp báo cùng ngoại trưởng Úc Julie
Bishop tại Sydney, ngày 12/08/2014.
Reuters
Trọng Nghĩa RFI
Khẩu chiến Mỹ-Trung về Biển Đông vẫn tiếp diễn gay gắt sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Miến Điện. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào hôm nay, 12/08/2014, đã kêu gọi Trung Quốc hành xử như một đối tác có thiện chí. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phản bác cáo buộc của hãng tin chính thức Trung Quốc, theo đó Hoa Kỳ là kẻ gây rối ở Biển Đông.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ, chính các hành động hung hăng của
Trung Quốc là nguyên do gây bất ổn định.
Phát biểu từ nước Úc, nơi ông tham dự Đối thoại thường niên Mỹ-Úc
về an ninh và ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhắc lại quan điểm của
Hoa Kỳ là không hề tìm cách gây sự hay đối đầu với Trung Quốc.
Theo ông Kerry,
Washington hoan nghênh « sự vươn lên của Trung Quốc như một đối tác toàn cầu…,
một nền kinh tế cường thịnh, một thành viên tham gia một cách toàn diện và xây
dựng vào cộng đồng quốc tế ».
Trên cơ sở đó, Ngoại trưởng Mỹ xác định rằng Hoa Kỳ mong muốn là
Trung Quốc đóng góp một cách xây dựng vào việc giải quyết các vấn đề, « cho dù
là ở Biển Đông, hoặc đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên », cũng như đối
với các vấn đề khác mà hai bên phải đối phó.
Lời nhắc nhở Bắc Kinh là nên hành xử một cách có thiện chí được
ông John Kerry đưa ra một hôm sau khi Trung Quốc lớn tiếng tố cáo Mỹ là đã cố
tình khuấy động những mối căng thẳng tại Biển Đông.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Miến Điện vào tuần trước, Trung
Quốc đã bác bỏ một đề nghị của Mỹ, kêu gọi mọi bên tranh chấp ở Biển Đông «
đóng băng » - tức là đình chỉ các hoạt động khiêu khích trong khu vực.
Ngay sau hội nghị ASEAN Trung Quốc lập tức mở cuộc tấn công vào đề
nghị của Mỹ, với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào hôm qua đã công khai ám
chỉ rằng Mỹ có âm mưu gây hỗn loạn trong khu vực, trong lúc Tân Hoa Xã đích
danh cáo buộc Hoa Kỳ là kẻ gây rối, từ việc đưa ra những đề nghị « không xây
dựng » và « phản tác dụng », cho đến việc xúi giục Philippines và Việt Nam cứng
rắn chống Trung Quốc.
Tại Washington, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã
cực lực phản bác các lời tố cáo của Trung Quốc. Phát biểu với báo giới, bà Harf
khẳng định : « Hoa kỳ không phải là bên gây nên tình trạng bất ổn tại nơi đó
(tức là Biển Đông). Chính các hành động hung hăng mà Trung Quốc tiến hành đã
tạo ra tình hinh như vậy ».
Theo bà Marie Harf : « Tất cả những gì Mỹ đang làm đều nhằm mục
tiêu giảm căng thẳng, để mọi người để có thể giải quyết bất đồng bằng con đường
ngoại giao, chứ không phải là thông qua các biện pháp cưỡng chế hoặc gây mất ổn
định như ta thấy Trung Quốc làm càng lúc càng nhiều trong vài tháng vừa qua ».
Úc, Mỹ trấn an Trung
Quốc về việc thủy quân lục chiến Mỹ đến Darwin
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop phát biểu trong cuộc họp báo ngày
12/08/2014 tại Sydney, Úc.
Reuters
Thụy My RFI
Ngoại trưởng Úc Julie
Bishop hôm nay 12/08/2014 lên tiếng bảo vệ hiệp định triển khai 2.500 thủy quân
lục chiến Mỹ tại nước mình, cho rằng việc này không nhằm kiềm chế sức mạnh đang
lên của Trung Quốc đang gây căng thẳng trong khu vực. Hoa Kỳ cũng trấn an với
tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc và
mong muốn hợp tác với Bắc Kinh trong tinh thần xây dựng.
Bắc Kinh tỏ ra tức tối khi hiệp định trên được loan báo như một
phần của chiến lược « xoay trục » của Mỹ sang châu Á vào năm 2011. Nhưng bà
Bishop, tiếp đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck
Hagel tại Sydney hôm nay, khẳng định việc các thủy quân lục chiến luân phiên
đóng tại bắc Darwin là «
tiến triển tự nhiên » của liên minh Mỹ-Úc.
Ngoại trưởng Úc tuyên bố trước khi khai mạc Hội nghị tham vấn liên
bộ Úc-Mỹ (AUSMIN) : «
Hiệp định nhằm hỗ trợ một nền hòa bình lâu dài, ổn định và thịnh vượng trong
khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương ».
Bà Julie Bishop cho rằng
việc này không nhằm cản trở Trung Quốc, hiện đang tranh chấp chủ quyền trên
biển với nhiều nước láng giềng.
Trả lời đài phát thanh Úc, bà Julie Bishop nói rằng : « Hoa Kỳ tái cân bằng chiến lược
sang châu Á – Thái Bình Dương, nên đây là phương cách cùng hành động để hỗ trợ
phát triển kinh tế cũng như hòa bình và an ninh khu vực».
Ngoại trưởng Úc không muốn nói nhiều về khả năng tăng cường sự
hiện diện quân sự của Mỹ, ngoài số 2.500 thủy quân lục chiến và không quân,
nhưng các nhà phân tích cho rằng hai nước đồng minh có thể thỏa thuận tăng thêm
quân Mỹ tại Úc trong tương lai. Bà Bishop cho biết hai bên cùng bàn bạc cách
làm việc để bảo đảm lợi ích chung, trong đó có việc tăng cường cam kết tại châu
Á – Thái Bình Dương.
Hôm qua Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel nói rằng việc luân phiên đưa
thủy quân lục chiến đến Úc nhấn mạnh việc «
tái cân bằng » của Washington trong khu vực, với tư cách một cường
quốc Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay tuyên bố : « Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi
dậy của Trung Quốc như một đối tác toàn cầu, một nền kinh tế mạnh mẽ đầy hy
vọng, một thành viên tham gia tích cực trong cộng đồng quốc tế. Hoa Kỳ không tìm
kiếm xung đột và đối đầu, chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ nắm lấy cơ hội trước
mặt mình, trở thành một đối tác luôn hợp tác ».
No comments:
Post a Comment