VIỆT NAM - TRUNG QUỐC -
Bài đăng : Chủ nhật 15 Tháng Sáu
2014 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 15 Tháng Sáu
2014
Việt-Trung đối thoại cấp cao trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông
Tàu Trung Quốc (T) dùng vòi rồng phun nước tấn công tàu Việt Nam tại Biển Đông
(DR)
RFI
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc phụ trách đối ngoại, ông Dương Khiết Trì, sẽ sang Việt Nam vào tuần tới trong khuôn khổ đối thoại thường niên về hợp tác song phương. Báo South China Morning Post, số ra ngày hôm nay, 15/06/2014, đã cho biết thông tin này.
Đây sẽ là quan chức Trung Quốc cao cấp nhất tới Việt Nam, vào lúc quan hệ giữa hai nước đang căng thẳng do việc Trung Quốc, kể từ đầu tháng Năm vừa qua, đã đưa giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
Bình thường ra, những sự kiện này thường được thông tin trước. Tuy nhiên, lần này, Bộ Ngoại giao của cả hai nước đều chưa thấy có thông báo gì.
Nguồn tin tại Việt Nam giải thích với South China
Morning Post là thời điểm chuyến đi của ông Dương Khiết Trì không phù hợp với tình hình hiện nay; chính phủ Việt Nam và Trung Quốc buộc phải tổ chức đối thoại thường niên theo lịch trình đã định và tránh không
gây ra những phản ứng từ phía công luận ở mỗi nước.
Theo tiến sĩ Trần Trường Thủy, thuộc Viện Biển Đông, Học viện Quan hệ quốc tế, ông Dương Khiết Trì tới Hà Nội tham dự vòng gặp gỡ cuối cùng trong khuôn khổ Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương và sẽ có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh.
Theo ông Thủy, “đây là cuộc gặp thông thường bàn về hợp tác, nhưng lần này, chủ đề chính sẽ tập trung vào những vấn đề ở Biển Đông”.
Ông Dương Khiết Trì và ông Phạm Bình Minh đã có
cuộc điện đàm gay gắt vào ngày 06/05, khi mới xẩy ra cuộc khủng hoảng. Ngoại trưởng Minh đã tố cáo Trung Quốc đưa giàn khoan cũng
như điều động các tàu, xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển của Việt Nam, trong khi đó, ông Dương nói rằng các “quấy nhiễu của Việt Nam đối với các hoạt động bình thường của các công ty Trung Quốc đã “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc”.
Theo các nguồn tin báo chí, Bắc Kinh đã bác bỏ hoặc không đáp lại những đề nghị của Hà Nội muốn có các cuộc đối thoại ở cấp cao hơn hai ông Dương Khiết Trì và Phạm Bình Minh.
Không rõ lần này, ông Dương Khiết Trì có các cuộc gặp với các quan chức cao cấp hơn Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hay
không.
Ủy ban chỉ đạo hợp tác Việt-Trung được thành lập năm 2006, họp hàng năm để thảo luận về những hồ sơ và các dự án hợp tác chính trong
quan hệ giữa hai nước. Năm ngoái, cuộc họp được tổ chức tại Bắc Kinh và ông Dương Khiết Trì là trưởng phái đoàn Trung
Quốc, còn đại diện phái đoàn Việt Nam là ông Nguyễn Thiện Nhân.
Tuy nhiên, các căng thẳng trước đây tại Biển Đông đã từng làm gián đoạn đối thoại. Ông Trương Minh Lượng (Zhang
Mingliang), chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc đại học Kị Nam, Quảng Châu, Quảng Đông (Jinan University –
Guangzhou), cho biết, cuộc gặp năm 2007 bị đình hoãn do căng thẳng song phương, sau khi các tàu tuần dương của Trung Quốc bắn cháy một tàu cá Việt Nam và làm một ngư dân thiệt mạng.
Ông Trương cho rằng, hiện nay không phải là thời điểm thuận lợi cho một cuộc gặp cấp cao, nhưng cả hai bên không muốn hủy bỏ chuyến đi này, bởi vì họ có những vấn đề phải giải quyết.
Báo South China Morning Post đã hỏi, nhưng cả Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Việt Nam đều không khẳng định chuyến đi của ông Dương Khiết Trì.
Theo tờ báo, nguồn tin từ Việt Nam cho biết Hà Nội có thể sẽ đưa tin về cuộc họp, khi ông Dương Khiết Trì có mặt tại Việt Nam. Dường như Việt Nam phải làm như vậy để tránh gây xôn xao
trong công luận, vốn đã bức xúc về bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tướng Phùng Quang Thanh, tại Đối thoại Shangri-la, khi
ông nói rằng “mọi việc đều tốt đẹp” trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment