Sunday 22 June 2014

Ngô Nhân Dụng - Ảo tưởng ‘nước lớn’

Ngô Nhân Dụng - Ảo tưởng ‘nước lớn’

Thứ Bảy, ngày 21 tháng 6 năm 2014


Khi xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc bùng lên vì giàn khoan dầu HD-981, một nhà báo ngoại quốc đến Việt Nam tìm hiểu dư luận đã thuật lời Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nói, “Họ có máu xâm lăng, còn máu chúng tôi là kháng cự” (nhà báo thuật bằng tiếng Anh: Invasion is in their blood, and resistance is in our blood). Ông Nguyễn Quang A đúng là người Việt.

Tuần rồi thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) đi thăm vương quốc Anh, ông tuyên bố ở London (ngày 18 tháng 6, 2014) rằng, “Trong máu người Trung Hoa không có óc bành trướng” (bản tin tiếng Anh dịch là: Expansion is not in the Chinese DNA). Cụ Lý này không học lịch sử nước Tàu. Các sử gia Trung Quốc đều công nhận rằng khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc thì lãnh thổ của nước Tàu chưa lớn bằng một phần ba diện tích bây giờ. Nếu không bành trướng thì từ 2200 nay làm sao nước ông nó cứ lan rộng ra như vậy?
Nhưng phản bác những lời gian dối của Lý Khắc Cường không có nghĩa là phải nói ngược lại rằng người Trung Hoa có máu bành trướng. Máu huyết (DNA) của người dân miền Nam và Bắc Trung Quốc vốn khác nhau; cũng như họ khác máu huyết người Việt Nam. Hơn nữa, nếu để sống bình yên, no đủ, chắc không người dân nước nào muốn đi xâm chiếm nước khác. Các cuộc xâm lăng đều do bọn vua quan chủ trương, từ thời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Ðế cho đến thời Mao Trạch Ðông; dân chúng bình thường là những người bị hy sinh. Nhưng bọn vua quan luôn luôn tìm cách kích thích tự ái tập thể của người dân, khiến họ xông ra mặt trận chết cho đám vua quan hưởng thụ. Vua chúa nước Tàu vẫn tự nhận là “Thiên tử” theo mệnh Trời thúc đẩy dân chúng đi lính, ra trận, để bành trướng quyền hành của họ. Họ xưng tên là Ðại Hán, Ðại Ðường, Ðại Tống, Ðại Nguyên, Ðại Minh, Ðại Thanh. Lối đặt tên này khiến người dân có thể quên cảnh nghèo đói, quên cảnh bị đè nén, vì tưởng rằng họ cũng được chia sẻ chữ “Ðại” này. Dân Trung Hoa nuôi ảo tưởng là dân một “nước lớn,” danh giá hơn và có quyền ngồi trên các sắc dân “man di” ở chung quanh.
Chúng ta có thể hiểu được tại sao người dân dễ bị huyễn hoặc vì cái ảo tưởng đó. Con người rất dễ bị kích thích khiến ngã mạn tập thể trương phồng lên và bị mờ mắt. Coi các trận đá banh trong giải Túc Cầu Thế Giới (World Cup) chúng ta thấy khán các khán giả ủng hộ đội banh của mình có lúc như điên cuồng. Các lãnh tụ Phát Xít, quân phiệt, độc tài đều biết khai thác tâm lý đó.
Các lãnh tụ Trung Cộng vẫn tiếp tục con đường của các hoàng đế Trung Hoa. Mao Trạch Ðông tuyên truyền cho dân Trung Quốc nghĩ rằng họ dẫn đầu thế giới, dạy cả nhân loại làm cách mạng. Dân Trung Hoa đã từng điên cuồng theo một chủ nghĩa cộng sản do Mao biến chế từ sách vở Mác, Lê Nin, làm thành một đặc sản chỉ nước Tàu mới có. Mao tạo cho dân Trung Hoa ảo tưởng họ đang lãnh đạo một cuộc giải phóng cả thế giới. Trong cuốn Ðứng Vững Ngàn Năm, chúng tôi đã viết một chương về quan niệm Bình Thiên Hạ mà các hoàng đế Trung Hoa dùng để chinh phục các nước lân bang; để nhắc nhở rằng chủ nghĩa Mao Trạch Ðông cũng giống như vậy.
Ngày nay, các lãnh tụ Trung Cộng vẫn tiếp tục mê hoặc dân như vậy; thay thế chủ nghĩa cộng sản viển vông bằng tinh thần đề cao chủng tộc. Các quan chức Trung Cộng đã nhiều lần nói với đại diện của các nước Ðông Nam Á, tại các hội nghị ASEAN, rằng họ phải biết Trung Quốc là một “nước lớn,” còn họ chỉ là những “nước nhỏ.” Gieo vào đầu óc người dân Trung Hoa mối phân biệt “nước lớn,” “nước nhỏ” sẽ mê hoặc được họ, để quên cảnh tham nhũng, bất công diễn ra hàng ngày.
Một phụ nữ Việt Nam đang làm việc ở Trung Quốc trong tháng qua đã trở thành nạn nhân của ảo tưởng nước lớn của dân Trung Hoa, do bộ máy tuyên truyền cộng sản nhào nặn. Trên Nhật báo The New York Times, ngày 30 tháng 5 năm 2014, ký giả Didikirsten Tatlow thuật lài lời cô Thanhtu Dao (tên Việt Nam là Ðào Thanh Tú?) kể chuyện cô bị người Trung Hoa đe dọa và phỉ báng sau khi xảy ra vụ giàn khoan HD-981. Cô Ðào đang làm ở Thẩm Quyến, trong phòng trưng bày sản phẩm thương mại của một công ty Việt Nam. Cô viết truyện của mình gửi cho tòa báo. Ngay giữa tháng 5, nhiều người Trung Hoa đã ghé vào nạt nộ cô, nhắc nhở cô rằng Trung Quốc là một nước lớn, còn Việt Nam là một nước nhỏ. Trên thế giới không có nước nào dậy dân ăn nói như vậy. Các cầu thủ Tây Ban Nha khi gặp cầu thủ Chile có nói, “Nước tao lớn, nước mày nhỏ” hay không?
Không những thế, cô Ðào còn bị nhiều người Trung Hoa đến sỉ nhục. Một người đàn ông 60 tuổi chỉ mặt cô mắng rằng, “Mày, người Việt Nam mày phản bội Trung Quốc chúng tao!” Cô Ðào viết. Một phụ nữ đến gian hàng tôi hỏi, “Cô người Việt Nam phải không?” Cô trả lời, “Phải.” Hừm, sao cô trông giống người Trung Hoa mà cũng nói được cả tiếng Trung Hoa!” “Tôi học.” Bà kia lên giọng, “Người Việt Nam xấu, xấu lắm, mấy người dám khiêu khích một đại quốc như chúng tôi, Trung Quốc. Cô biết không? Ngay nước Mỹ cũng phải kính trọng nước chúng tôi!” Một người đàn ông Trung Hoa thì khoe rằng anh ta đã sang đánh Việt Nam năm 1979. Anh ta khoe đã đánh người Việt như thế nào. “Tôi đá đít bao nhiêu thằng lính Việt Nam. Cô biết không, chúng nó sợ tôi chết được.”
Cô Ðào tự nhận rằng cô đang bị đối xử như người thiểu số Uighur ở Tân Cương, cô sống những ngày “Uighur-Vietnamese days.” Tại hội chợ triển lãm Thẩm Quyến, một gian hàng bị dẹp bỏ sau khi người ta biết chủ nhân là một người Uighur, mặc dù đó cũng là một công dân Trung Quốc. Sau ngày các công ty Trung Hoa ở Bình Dương bị đốt phá, nhiều người Trung Hoa đã đi tìm người Việt để “trả thù.” Chuyện trả thù đã xảy ra ở Ðồng Quan, tỉnh Quảng Ðông.
Những người dân Trung Hoa trên đây bị các lãnh tụ huyễn hoặc không khác gì đám lính đi theo Mã Viện sang xâm chiếm nước ta vào thế kỷ thứ nhất. Không khác gì đám lính do Minh Thành Tổ sang chiếm nước ta vào thế kỷ 15. Tự ái tập thể của họ được khích động, một phần cũng là phản ứng sau khi nước Trung Hoa bị các nước Tây phương chèn ép nhục nhã.
Một cuốn sách biểu lộ nỗi bất mãn của người Trung Hoa, nhắm thúc đẩy tinh thần đề cao chủng tộc được xuất bản năm 2009, nhan đề là “Trung Quốc Không Vui” (Trung Quốc Bất Cao Hứng). Các tác giả Vương Tiểu Ðông, Tống Hiểu Quân, Hoàng Kỉ Tô, Tống Cường và Lưu Ngưỡng vào năm 1996 từng in cuốn “Trung Quốc Dám Nói Không” (Trung Quốc Năng Cấu Thuyết Bất). Họ bày tỏ nỗi uất ức về địa vị của nước họ trên trường quốc tế. Các tác giả trên đưa ra viễn kiến trong 30 năm tới, cho rằng Trung Quốc phải có chí lớn, đã đến lúc phải “thay Trời hành đạo!” 
Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam ngày nay vẫn chưa thoát khỏi thứ gông xiềng mà đảng cộng sản đã đặt vào cổ dân ta từ năm 1950. Cho nên, ngay trong việc tiếp đón Dương Khiết Trì vừa qua, cộng sản Việt Nam hoàn toàn bị Trung Cộng đưa vào thế thụ động. Trong lúc Dương Khiết Trì rời khỏi Việt Nam thì báo chí Trung Cộng mô tả như ông ta mới đi dạy cho người Việt Nam một bài học. Họ còn nói rằng sau khi được dạy dỗ, giới lãnh đạo Việt Nam đã thay đổi; bài trong Tân Hoa xã nói rằng, “Việt Nam và Trung Quốc đồng ý sẽ thu xếp các vấn đề song phương và không quốc tế hóa các xung đột ở Nam Hải.”
Báo chí Trung Cộng còn mô tả chuyến đi của Dương Khiết Trì không phải chỉ là một công tác ngoại giao mà còn mang tính chất giáo huấn. Ðài truyền hình CCTV nói rằng Dương Khiết Trì đã giúp cho việc bang giao giữa Trung Quốc và Việt Nam trở về con đường chính đáng như trong những năm trước đây.” Tạp chí Hoàn Cầu thì mô tả chuyến đi này là một quà tặng cho nước Việt Nam giúp người Việt “có thêm một cơ hội tự kiềm chế trước khi quá muộn.” Tờ báo này còn dùng hình ảnh bóng bẩy, nói Dương Khiết Trì làm công việc khuyên “đứa con đi hoang hãy trở về nhà.” 
Cô Ðào Thanh Tú là nạn nhân của một chính sách ngoại giao sai lầm từ khi đảng Cộng Sản Việt Nam tôn thờ chủ nghĩa Mao Trạch Ðông. Họ chọn tư tưởng Mao Trạch Ðông làm chỉ đạo; đón cố vấn Trung Cộng sang Việt Nam chỉ huy cuộc cải cách ruộng đất. Muốn thoát khỏi chủ nghĩa nước lớn của họ, phải thay đổi chế độ thì mới xóa bỏ tất cả gông xiềng quá khứ.


Song Chi - Lần thức tỉnh sau cùng?

Thứ Bảy, ngày 21 tháng 6 năm 2014


Bia chủ quyền Việt Nam ở đảo Song Tử Tây do chính phủ VNCH dựng ở đảo Song Tử Tây năm 1956, quần đảo Trường Sa, mới được nhà cầm quyền CSVN công nhận là “di tích lịch sử cấp quốc gia.” (Hình: Tuổi Trẻ)

Sau ngày 30 tháng 4, 1975, người dân miền Bắc nói chung và những đảng viên cộng sản nói riêng lần đầu tiên bước chân vào Sài Gòn và miền Nam, mới vỡ ra một sự thật.


Ðó là cuộc sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam khá hơn chế độ XHCN ở miền Bắc về rất nhiều mặt.

Kinh tế là cái đập vào mắt mọi người ngay lập tức và dễ nhìn ra nhất khi so sánh từ bộ mặt các đô thị cho tới nông thôn hai miền. Thu nhập, mức sống của người dân, số lượng, chất lượng, sự phong phú của các chủng loại sản phẩm, hàng hóa trong đời sống hàng ngày, rồi tổng sản lượng quốc gia, vị trí nền kinh tế của mỗi miền so với các nước trong khu vực...

Ðến chất lượng của nền giáo dục, y tế, thành tựu về văn hóa nghệ thuật xét trên tiêu chí tự do sáng tác, sự đa dạng, phong phú, hiện đại trong các tác phẩm. Quan trọng hơn là một môi trường sống tự do dân chủ được thể hiện từ tự do biểu tình phản đối Mỹ và chính quyền Sài Gòn, tự do báo chí, lập hội, lập đảng, tiếp nhận thông tin...

Trí thức miền Bắc nhận ra sự khác biệt này khi tiếp xúc với kho báo chí, sách vở, tư liệu, dịch thuật mênh mông đa chiều của chế độ miền Nam. Trước đó, người dân miền Bắc luôn được nghe đảng và nhà nước tuyên truyền rằng cuộc sống của đồng bào miền Nam vô cùng khốn khổ vì bị Mỹ ngụy kìm kẹp, đồng bào miền Nam đang rên xiết dưới gót giày ngoại xâm, phải hy sinh tất cả để giải phóng miền Nam...

Trước thực tế rành rành sau đất nước thống nhất, những “cái loa” của đảng lại tìm cách ngụy biện rằng đó chỉ là phồn vinh giả tạo, miền Nam giàu là do Mỹ viện trợ, chứ còn đời sống xã hội thì thối nát, toàn đĩ điếm, xì ke, tham nhũng...

Mặc dù vậy, trong lòng nhiều người, chắc chắn niềm tin vào đảng, vào nhà nước cộng sản đã giảm sút khá nhiều, thậm chí có những người thực sự thức tỉnh vì nhận ra mình, cha ông mình đã bị lừa.

Theo thời gian, những giá trị của VNCH đã từ từ, lặng lẽ hoặc công khai được phục hồi. Từ việc chuyển đổi mô hình từ kinh tế quốc doanh, tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường dù vẫn còn cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa,” bỏ ngăn sông cấm chợ, bỏ các mô hình làm chủ tập thể như hợp tác xã, nông trường...trở lại với tư nhân, tư hữu.

Từ việc một số lượng không nhỏ sách của miền Nam trước năm 1975 được cho in ấn, tái xuất bản, một số lượng lớn các ca khúc của miền Nam được phổ biến, trình diễn công khai (cần phải nói thêm rằng âm nhạc miền Nam chưa bao giờ hoàn toàn chết trong suốt 40 năm qua, ngay cả trong thời kỳ đầu khi bị lên án là đồi trụy, phản động... thì người dân vẫn lén lút nghe).

Trong đời sống hàng ngày nhiều thứ cũng dần dần xuất hiện trở lại. Chẳng hạn, việc cho phép cô giáo tiểu học, trung học rồi đến nữ sinh trung học lại được mặc áo dài, trang phục công sở nam mặc veston thắt cravate đi giày, nữ ăn mặc đẹp, lịch sự thay vì cung cách xuề xòa một thời được đề cao.

Cách xưng hô trong cơ quan công sở hành chính thay vì gọi “sếp,” gọi cấp trên là anh Hai, Chị Ba, chú Tư... thân mật theo kiểu gia đình đã trở lại thành ông/bà lịch sự.

Những từ ngữ trong giao dịch công sở, giấy tờ hành chính, trong giáo dục, bằng cấp... một thời cứ Việt hóa một cách thô thiển như “xưởng đẻ,” chiến sĩ gái, bài nói (diễn văn), các bạn nghe đài (quý thính giả), hát đôi (song ca), hát tốp hoặc tốp ca (hợp ca)... từ từ biến mất, “đổi mới thành cũ,” kể cả CMND cũng trở lại là thẻ căn cước...

Nhưng cái án nặng nề nhất mà chế độ VNCH bị đảng và nhà nước cộng sản “đóng đinh” bao năm là một chế độ ngụy quyền, tay sai bán nước, đã hằn thành nếp nghĩ trong đầu óc bao thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở miền Bắc trước đây cũng như người dân cả nước thời hậu chiến.

Ðối với những người dân lặng lẽ tìm cách mở mắt cho mình qua báo chí tư liệu “lề trái” trong và ngoài nước, từ lâu đã nhận ra nhiều sự thật phía sau “hào quang” chiến thắng và tính chính danh, chính nghĩa của đảng cộng sản trong cả hai cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ, sự thật về mối quan hệ Việt-Trung trong suốt bao nhiêu năm...

Thật ra, thông qua đường lối chính trị ngoại giao cho tới cách hành xử của phần lớn các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản, người dân VN cũng như thế giới không khó khăn gì để nhận ra đảng cộng sản hèn hạ, bạc nhược trước Trung Cộng như thế nào, thật sự là một cái đảng bán nước ra sao. Nhưng muốn thuyết phục tất cả những ai còn mơ hồ, hoặc vẫn còn chút niềm tin vào nhà cầm quyền VN thì phải có bằng chứng giấy trắng mực đen.

Và dần dần những bằng chứng đó đã bị lộ ra, từ chính “bạn vàng” Trung Quốc. Từ công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Ðồng, bản đồ, sách giáo khoa do nước VNDCCH phát hành công nhận Trường Sa-Hoàng Sa là của Trung Quốc...

Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ. Ðừng quên trong suốt bao nhiêu năm qua, giữa hai đảng hai nhà nước Việt-Trung đã có bao nhiêu bản ký kết, hiệp ước trong bí mật, rồi nào Hiệp định biên giới trên đất liền giữa Việt Nam-Trung Quốc 1999, Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ tháng 12 năm 2000, Hội nghị Thành Ðô 1990...

Không ai biết được hai bên đã ký kết thỏa thuận những gì, chỉ biết Ải Nam Quan, một nửa thác Bản Giốc, hàng trăm kilomet vuông dọc biên giới phía Bắc, hàng ngàn hải lý vuông lãnh hải thuộc vịnh Bắc Bộ...trở thành của Trung Cộng, do chính đảng và nhà nước cộng sản VN tự tay dâng cho giặc. Chưa kể một phần Trường Sa và nhiều địa điểm bị mất do Trung Cộng cưỡng chiếm qua các cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979, trận Gạc Ma 1988...

Và bây giờ, điều chua chát là nhà cầm quyền VN phải viện dẫn đến thực tế Hoàng Sa lúc bấy giờ đang thuộc quyền quản lý của chính quyền VNCH, bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ năm 1974, để “chạy tội” cho công hàm 1958.

Và bây giờ, trước lòng tham vô đáy, sự hung hăng ngang ngược của Trung Cộng, nhiều nước ở khu vực Ðông Á và Ðông Nam Á đều mong muốn được là đồng minh của Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc, kể cả Việt Nam, vẫn luôn tự hào đã đánh đuổi “đế quốc Mỹ xâm lược.”

Ai sai lầm, ai bán nước, câu trả lời đã quá rõ ràng. Chưa kể, nếu nói là một chế độ tay sai, đánh thuê, thì chính đảng Cộng sản Việt Nam còn tự hào thừa nhận “ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc,” chính đảng cộng sản cũng phải dựa vào lương thực, quân tranh quân dụng, tiền bạc, vũ khí, đạn dược, cố vấn, kể cả con người... của các nước XHCN anh em để có thể đánh Mỹ và VNCH.

Như thế là sau 39 năm, cái tiếng oan trong lịch sử “một chế độ tay sai, đánh thuê, bán nước” của chế độ VNCH đã được gột rửa, đối với những ai hiểu biết.

39 năm lâu hay là mau? Có thể gọi là mau nếu so với quãng đường lịch sử dài mấy ngàn năm của một quốc gia, nhưng riêng trong hoàn cảnh ngặt nghèo của Việt Nam, khi cơn ác mộng mất nước, bị lệ thuộc lâu dài vào Trung Cộng đang lơ lửng trước mắt và thời gian còn lại quá ít, thì mọi sự thật được bạch hóa đều trở nên quá chậm.

Dù sao, đối với tất cả những ai thức tỉnh trước sự thật về đảng Cộng Sản Việt Nam lần này, có lẽ sẽ là sự thức tỉnh sau cùng, và không bao giờ còn chút mơ hồ, lầm lẫn nào nữa. Bởi với một dân tộc có một lịch sử cay đắng “1000 năm nô lệ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày...” (ca khúc “Gia Tài Của Mẹ,” Trịnh Công Sơn), tội bán nước luôn luôn là tội lớn nhất, không thể tha thứ.

Với cái tội bán nước có bằng chứng, có quá trình, tiếp tục một cách lâu dài và đem lại quá nhiều hệ lụy cho đất nước, dân tộc, đảng và nhà nước cộng sản còn lý do nào để có thể tiếp tục độc quyền lãnh đạo đất nước?






No comments:

Post a Comment