Thư
số 95 gởi: Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
Phạm Bá Hoa
Nội dung thư này, tôi tổng hợp tin tức và tài liệu từ
trong nước và hải ngoại, liên quan đến Biển Đông & Đài Loan, hồ sơ Thương Mại,
và hồ sơ Nhân Quyền Việt Nam.
Thứ nhất. Hồ sơ Biển Đông.
1a. ASEAN - Trung Cộng
Ngày 24/7/2019, Trung Cộng công
bố “Sách Trắng Quốc Phòng”, với nội dung chính “Biển Đông là một phần không
thể thay đổi của chúng tôi, và chúng tôi vẫn thực hiện chủ quyền của mình để
xây dựng hạ tầng, và phối trí những năng lực phòng vệ cần thiết trên các đảo và
bãi đá ở Nam Hải” (tức Biển Đông đối với Việt Nam, và là Biển Tây đối với
Philippines).
Ngày 31/7/2019, trong cuộc họp
báo bên lề hội nghị ASEAN tại Bangkok, Thái Lan, Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương
Nghị phát biểu: “Bước tiến triển này đạt được là nhờ sự chân thành và quyết
tâm của tất cả các bên, nhằm tiến tới mục tiêu hoàn tất Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển
Đông (Anh ngữ là Code of Conduct, gọi tắt là COC) trong 3 năm”.
Ttham khảo trong Info.net ngày 29/4/2014. Theo Tiến
Sĩ Trần Công Trục (trong nước), thì các quốc gia khối ASEAN bắt đầu hình
thành “Bản Tuyên Bố Các Bên Về Ứng Xử Biển Đông (gọi tắt Anh ngữ là DOC) hồi
năm 1990. Mãi đến năm 2002, Trung Cộng mới đặt bút ký với ASEAN văn bản này,
nhưng vẫn chưa áp dụng, vì ASEAN muốn đạt đến COC sẽ là một văn kiện căn
bản và hiệu quả hơn cho hòa bình, an ninh, và ổn định Biển Đông. Căn bản của
COC dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công Ước Luật Biển. Đồng thời, nhấn mạnh
việc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển
theo Công Ước Luật Biển năm 1982.
Nay là năm 2019 -tức 29 năm sau bước khởi đầu- văn kiện
COC vẫn còn nằm ở đâu đó. Bởi vì Trung Cộng đòi phải có 3 điều căn bản
trong nội dung:
Một là, không dựa trên
Công Ước Luật Biển năm 1982.
Hai là, những cuộc tập
trận chung với những quốc gia bên ngoài Biển Đông, phải được sự đồng thuận của
các quốc gia tham gia COC.
Và ba là, không hợp tác
với các quốc gia bên ngoài Biển Đông để khai thác tài nguyên vùng biển này”.
Và điều quan trọng không kém, là Trung Cộng nhất quyết
chỉ chấp nhận đàm phán với từng quốc gia thành viên khối ASEAN, chớ không đàm
phán chung trong mội hội nghị của khối này.
Các quốc gia khối ASEAN không chấp nhận những
đòi hỏi đó, vì như vậy sẽ vô hiệu hóa phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế
là Trung Cộng không có chủ quyền trên Biển Đông, và sẽ làm mất ảnh hưởng của
Hoa Kỳ, Âu Châu, và Úc Châu đối với Biển Đông, ít nhất cũng là sự an toàn đường
hàng hải và đường hàng không ngang qua vùng biển này. Và mặc nhiên, cả khối
ASEAN bị Trung Cộng tách ra từng thành viên riêng rẻ, ít nhất cũng là trong mục
đích đạt đến một COC (hết phần tham khảo).
Theo Asian Nikkei Review ngày 14/8/2019, thì
Trung Cộng không chấp nhận phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế
hồi tháng 7/2016, nhưng Trung Cộng là một thành viên ký vào Công Ước Luật Biển
năm 1982 (UNCLOS), nên Trung Cộng không muốn bị nhìn là kẻ đứng ngoài pháp luật.
Vì vậy mà Trung Cộng muốn sử dụng COC như cách tự tách họ khỏi phán quyết của
tòa án về Biển Đông .
1b. Trung Cộng- Việt Cộng
Ngày 7/8/2019, tàu thăm dò địa chất HD8 rời Bãi Tư
Chính thì nhiều bình luận trên youtube cho rằng: “Vì Ngoại Trưởng Phạm Bình
Minh đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Cộng tại Hội Nghị ASEAN ngày 31/7/2019, trong
khi Ngoại Trưởng Trung Cộng là Vương Nghị đang ngồi nghe, nên Trung Cộng sợ phải
rút tàu HD8”.
Bình luận khác thì cho rằng: "Vì Hoa Kỳ cho
hàng không mẫu hạm và đoàn chiến hạm vào Biển Đông, nên Trung Cộng sợ đụng chạm
với Hoa Kỳ nên phải rút tàu HD8”.
Cũng có bình luận rằng: “Vì Hải Quân Việt Nam quyết
đưa chiến hạm Quang Trung có trang bị hỏa tiễn ra chiến đấu với Trung Cộng, nên
Trung Cộng phải rút HD8”. Và ..v..v...
Theo bản tin của IndoPacific-SCS-Info, thì Trung Cộng
vừa đưa tàu thăm dò địa chất HD8 với trọng tải 6.918 tấn trở lại Bãi Tư Chính,
đồng thời với tàu Hải Giám 45111 đến khu vực gần Lô 06.1 vùng biển Nam Côn Sơn,
phía Tây bắc Bãi Tư Chính.
Như vậy, cho thấy Trung Cộng rút tàu thăm dò địa chất
HD8 khỏi Bãi Tư Chính trong 6 ngày để có thời gian chuẩn bị cho HD8 sẳn sàng trở
lại bãi Tư Chính trong dài lâu để thực hiện bước kế tiếp. Vậy, bước kế tiếp là
gì?
Ngày 16/8/2019, người phát ngôn Bộ
Ngoại Giao Việt Cộng Lê Thị Thu Hằng, khi bị báo chí trong và ngoài nước hỏi
về việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Cộng trở lại bãi Tư Chính thuộc vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thì bà Hằng lặp lại tuyên bố
như lần trước, rằng: “Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền
tài phán của Việt Nam được xác định theo các qui định của Công Ước Liên Hiệp Quốc
về Luật Biển năm 1982. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói
trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán, các
quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS 1982 và luật
pháp Quốc Tế”.
Ngày 19/8/2019, người phát
ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Cảng Sảng nói rằng: “Tàu HD8 hoạt động
trong vùng biển thuộc chủ quyền tài phán của chúng tôi, yêu cầu các quốc gia có
liên quan phải tôn trọng”.
Ngày 31/8/2019 tàu thăm dò địa
chất HD8 và nhóm tàu bảo vệ của Trung Cộng tiến vào gần bờ biển Việt Nam, đang ở
vị trí cách đảo Phú Quý (Phan Thiết) khoảng 102 cây số. Chưa thấy họ hành động
gì, nhưng liệu, có phải đây là cách mà Trung Cộng tăng thêm áp lực với lãnh đạo
Việt Cộng chăng?
1c. Việt Cộng - Australia
Ngày 23/8/2019, trong cuộc họp
báo chung với Thủ Tướng Australia Scott Morrison nhân kết thúc chuyến
thăm Việt Nam của Thủ Tướng Australia, Thủ Tướng Việt Cộng CLMV Nguyễn
Xuân Phúc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến gần đây trên Biển Đông.
Đây là phát biểu chánh thức đầu tiên của nhóm lãnh đạo
đảng và nhà nước Việt Cộng, liên quan đến tàu thăm dò dầu khí HD8 của Trung Cộng
quay lai Bãi Tư Chính.
Các Anh nhìn vào tấm hình, để thấy Thủ Tướng Australia
nhìn Thủ Tướng Việt Cộng, trong khi Thủ Tướng Việt Cộng nghễnh đầu nhìn lên nóc
nhà. Từ sau tháng 4/1975 đến nay, văn hoá Việt Cộng đã tạo nên hàng lãnh đạo Việt
Cộng với những bằng thạc sĩ Việt Cộng, phó tiến sĩ Việt Cộng, tiến sĩ Việt Cộng,
mà ngay cả lịch sự tối thiểu cũng không có, kém xa học trò tiểu học trung học
thời Việt Nam Cộng Hòa với nền học vấn luôn bảo tồn văn hoá truyền thồng, thích
ứng với môi trường phát triển trên thế giới.
1d. Hoa Kỳ - Đài Loan
Ngày 16/08/2019, Hoa Kỳ đang duyệt
xét kế hoạch bán phản lực cơ tiêm kích F-16 trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan. Đây
là lô hàng “nặng ký” mà Trung Cộng phản đối kịch liệt.
Theo đại diện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói với Quốc Hội rằng:
“Hợp đồng bán vũ khí này sẽ đệ trình không chánh thức vào tối nay
-16/8/2019- Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện và Hạ Viện sẽ xem xét. Nếu được Quốc Hội
phê duyệt, thì đây là hợp đồng bán vũ khí lớn nhất cho Đài Loan trong những năm
gần đây”.
Đài Loan đã đề nghị mua 66 phản lực cơ tiêm kích F-16
do Hoa Kỳ sản xuất. Một số nhà Lập Pháp cho rằng đây là một thử nghiệm đối với
quyết tâm của Mỹ trong vấn đề Đài Loan.
Nhắc lại là ngày 8/7/2019, Bộ Ngoại Giao Hoa
Kỳ tuyên bố chấp thuận bán cho Đài Loan vũ khí tối tân gồm chiến xa hạng nặng
và hỏa tiễn Stinger với tổng trị giá là 2 tỷ 200 triệu mỹ kim, và chi tiết do Bộ
Quốc Phòng Hoa Kỳ loan báo. Quốc Hội Hoa Kỳ có thời gian 30 ngày để xem xét hợp
đồng mua bán này.
Thông tín viên Anne Corpet tường thuật rằng:
“Theo thông cáo của Bộ Quốc Phòng thì Hoa Kỳ đã chấp thuận bán cho Đài Loan
108 chiến xa Abrams M1A2, cùng với vũ khí chống chiến xa và vũ khí phòng không,
trong đó có 250 hỏa tiễn đất đối không Stinger. Quyết định này giúp quân
đội Đài Loan tối tân hóa quân dụng, mà không làm thay đổi căn bản tương quan lực
lượng quân sự trong khu vực.”
Ngay ngày hôm sau, Trung Cộng kêu gọi Hoa Kỳ “hãy
đình chỉ tức khắc tự án này để tránh tác hại đến bang giao giữa hai quốc gia”.
1e. Hoa Kỳ - Việt Cộng
Trong buổi tiếp xúc với báo chí tại Hà Nội chiều ngày
18/8/2019, Đại Tướng David L. Goldfein cho biết: “Việt Nam là chặng dừng
chân quan trọng của chúng tôi, và đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của
Không Quân Hoa Kỳ từ sau khi kết thúc chiến tranh. Trong chuyến viếng thăm này,
chúng tôi có các cuộc gặp viên chức cao cấp Việt Nam, nhất là với Trung Tướng
Lê Huy Vịnh, Tư Lệnh Quân Chủng Phòng Không & Không Quân. Tôi nhấn mạnh đến
Thông Điệp mà Tổng Thống Ngoại Trưởng Hoa Kỳ chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam trở
thành một quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh. Chuyến thăm còn có ý nghĩa đặc biệt
với cá nhân cả hai chúng tôi, vì thân phụ của hai chúng tôi đã có thời gian phục
vụ trong quân ngũ và từng tham chiến tại Việt Nam”.
Đại Tướng David Goldfein, đã trả lời câu
hỏi của VnExpress về phản ứng của Hoa Kỳ khi Trung Cộng đưa
tàu khảo sát địa chất quay lại bãi Tư Chính của Việt Nam, như sau: “Chúng
tôi muốn tôn trọng sự dẫn dắt của Việt Nam và tôn trọng quyền bảo vệ chủ quyền
lãnh thổ của Việt Nam. Điều chúng tôi có thể làm là hợp tác với chính phủ Việt
Nam. Từ đầu tháng 7/2019 sau khi tàu thăm dò địa chất HD8 của Trung Cộng vào
bãi Tư Chính của Việt Nam, Ngoại Trưởng chúng tôi đã phản đối mạnh mẽ, vì Hoa Kỳ
muốn các quốc gia đều có quyền tiếp cận vùng biển và không phận quốc
tế. Khi thực hiện các quy tắc chung, thì các quốc gia trong khu vực -trong đó
có Trung Cộng- sẽ trở nên an toàn và thịnh vượng”.
Trong khi Đại Tướng Brown Jr. khẳng định: “Hành
động của Trung Cộng ở Biển Đông đang đi ngược lại mục tiêu của Hoa Kỳ là bảo đảm
khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do. Trong một số trường hợp, hành động
của Trung Cộng gây ảnh hưởng đến chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc
gia ven Biển Đông. Và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục điều động phi cơ và chiến hạm hoạt động
vùng Biển Đông mà luật quốc tế cho phép”.
Ngày hôm sau -19/8/2019- Đại Tướng Goldfein và
Đại Tướng Brown Jr. gặp Tướng Lê Huy Vịnh, Tư Lệnh Quân Chủng Phòng Không &
Không Quân Việt Nam, cùng với một số lãnh đạo Việt Nam. Trao đổi quan điểm sẽ
bao gồm diễn biến hiện nay trên Biển Đông.
1f. Hoa Kỳ - Trung Cộng
Ngày 26/8/2019, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tố
cáo: “Hành động của Trung Cộng hoàn toàn trái ngược với chiến lược của Hoa Kỳ
về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng mở và tự do, giúp các quốc gia lớn nhỏ
trong vùng được bảo đảm an toàn chủ quyền, không bị quốc gia khác uy hiếp. Đồng
thời khuyến cáo Trung Cộng là sẽ không đạt được lòng tin của các nước láng giềng,
cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế, nếu Trung Cộng vẫn sử dụng chiến
thuật hiếp đáp các quốc gia nhỏ trong vùng”.
Ngày 27/8/2019, người phát ngôn
của Trung Cộng nói rằng: “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ trật tự thế giới
và tuân thủ luật pháp quốc tế, luôn thực thi các quyền hợp pháp của mình trong
khu vực dựa trên luật pháp quốc tế, và yêu cầu Hoa Kỳ tích cực góp phần xây dựng
các vấn đề quốc tế và khu vực”.
1g. Hội nghị G7
Ngày 26/8/2019, khối G7 chánh
thức lên tiếng: Hồ sơ Hong Kong. Ủng hộ quyền tự trị của
Hong Kong theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, đồng thời kêu gọi nhà cầm
quyền đặc khu Hong Kong hãy kiềm chế để tránh bạo lực gây thương vong. Khẳng định
sự tồn tại và tầm quan trọng của thỏa thuận Trung Cộng-Anh quốc hồi năm 1984. Hồ
sơ thương mại. Cam kết thương mại cởi mở và công bằng và ổn định nền kinh tế
thế giới. Đây là sự đoàn kết tuyệt vời giữa các nhà lãnh đạo G7”.
Tổng Thống Pháp Macron phát
hành bản Tuyên Bố Chung G7, vài giờ sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald
Trump loan báo rằng: ”Trung Cộng rất mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại
với Hoa Kỳ”.
Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron
nói rằng: “Hội nghị ba ngày của các nhà lãnh đạo G7 tại Pháp, lần đầu tiên
được tổ chức ít tốn kém nhất từ trước tới nay”. (trích bản tin Reuters
26/8/2019).
Khối G7 được thành lập vào những năm
1970, với mục đích chống đỡ mối đe dọa từ Nga Xô, đồng thời bảo đảm các nước
dân chủ giao dịch thương mại công bằng và thịnh vượng.
Ngày 25/8/2019, Tổng Thống
Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ Tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã loan
báo: “Hai bên đồng ý nguyên tắc về Hiệp Định Thương Mại Hoa Kỳ - Nhật Bản”.
Với thỏa thuận này, các giới chức Hoa Kỳ cho là có khoảng một nửa số hàng
nông sản Hoa Kỳ sẽ xuất cảng sang Nhật.
Tổng Thống Hoa Kỳ cũng loan báo rằng:
“Hoa Kỳ đang đàm phán về Hiệp Định Thương Mại với Liên Minh Châu Âu, trong
khi các bên liên quan sắp phê chuẩn Hiệp Định Thương Mại Hoa Kỳ - Mexico -
Canada (USMCA), một thỏa thuận thương mại ba bên thay thế cho Hiệp Định
Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA) mà các bên đã ký hồi năm 1994”.
Quyển “Sách Trắng Quốc Phòng“ mà Trung Cộng công bố,
như thêm xấp giấy trên hồ sơ cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của họ trên Biển
Đông Việt Nam chớ không có giá trị gì cả, vì phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Quốc
Tế ngày 12/7/2016 đã phủ nhận “chủ quyền lịch sử” của họ rồi.
Chính xác là Trung Cộng lấn át hiếp đáp các quốc gia vừa
nhỏ vừa nghèo trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhất là Việt Nam, tiếp theo
là Philippines, Indonesia, Malaysia, ..v..v... Đến mức mà trong hội nghị thượng
đỉnh G7 vừa qua, các thành viên cùng quan điểm cho rằng, Trung Cộng đã dùng cái
“chủ quyền lịch sử” mà họ dựng lên để từ đó Trung Cộng vươn cánh tay bám chặt
Biển Đông Việt Nam (Biển Tây Philippines) để khai thác tài nguyên trong lòng biển
và sâu dưới đáy biển này, ngang qua nội dung Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông mà
Trung Cộng buộc phải ghi vào đó, mặc dù Trung Cộng không phải là thành viên của
khối ASEAN. Vì theo Oilprice (oilprice.com), trang Web chuyên về tin tức
năng lượng, ngày 24/8/2019 có một bài viết như sau: “... Theo ước lượng
của Cục Khảo Sát Địa Chất Hoa Kỳ, thì trữ lượng dầu của Biển Đông vào khoảng 28
tỷ thùng. Từ đó đến nay, cùng với những cải tiến kỹ nghệ, ước lượng về trữ lượng
dầu khí ở Biển Đông có thể tăng thêm. Cũng vì vậy mà Trung Cộng là quốc
gia tự giành phần nhiều nhất...”
Tương tự như Ủy Hội Sông MéKong, mặc dù Trung Cộng nhất
định không đứng tên trong Ủy Hội này dù thượng nguồn sông Mékong chảy ngang
lãnh thổ của họ, nhưng Trung Cộng đã ép các quốc gia thành viên chấp nhận câu
văn trong Hiệp Định năm 1995 rằng: “Không một thành viên nào có quyền phủ
quyết khi có một hay nhiều dự án bị xem là tác hại đến quốc gia thành viên hạ
nguồn sông Mékong”. Chính Ngoại Trưởng Việt Cộng Nguyễn Mạnh Cầm lúc ấy, đã
ký vào Hiệp Định này, để từ đó “chỉ biết làm thinh” cho các quốc gia thượng nguồn
muốn xây bao nhiêu đập giữ nước cho họ thì cứ tự nhiên.
Chưa hết, ngay trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ Tướng
Australia ngày 23/8/2019 vừa qua, chính Thủ Tướng Australia chỉ trích Trung Cộng
gây bắt ổn Biển Đông -ám chỉ tàu đăm dò địa chất HD8 đang hoạt động tại Bãi Tư
Chính- sau đó Thủ Tướng Việt Cộng Nguyễn Xuân Phúc mới lên tiếng chỉ trích
Trung Cộng.
Lần này không thấy Ngoại Trưởng Việt Cộng lên tiếng
như hồi cuối tháng 7/2018, liệu có phải “chiếc ghế Ngoại Trưởng rung rinh” rồi
chăng?
Tại sao tàu HD8 quay lại Bãi Tư Chính, và vào sát đảo
Phú Quý? Tôi tin rằng, sự kiện Bãi Tư Chính hiện nay, mục đích của Trung Cộng
là gây sức mạnh ép lãnh đạo Việt Cộng hủy bỏ dự án công ty Rosneft của Nga mướn
giàn khoan Hakuryu-5 của công ty Nhật Bản (JDC), đang hoạt động tại lô 06.1
phía Nam Côn Sơn, mà lãnh đạo Việt Cộng đã gia hạn hoạt động đến hết ngày
15/9/2019, thay vì chấm dứt vào ngày 30/7/2019. Cũng có thể, Trung Cộng muốn
chiếm luôn bãi Tư Chính mà ba giàn khoan của Việt Cộng đã hoạt động từ năm 1995
chăng?
Cho dù mục đích gì đi nữa, rõ ràng là Trung Cộng chỉ
dùng miệng lưỡi hay những bản văn để nói cái gọi là chủ quyền lịch sử của họ
trên Biển Đông, nhưng khi vào hành động thì họ vẫn ngập ngừng, chỉ sử dụng sức
mạnh cộng với tính ngang ngược lấn lướt, chớ chưa dám hành động theo cách mà quốc
gia thật sự có chủ quyền hợp pháp và được tổ chức quốc tế công nhận.
Về phản ứng của Việt Cộng. Tôi tin rằng, lực lượng Việt
Cộng không thể nào dám đọ sức với lực lượng Trung Cộng trên Biển Đông mà trước
mắt là Bãi Tư Chính, cho dù Việt Cộng có phản lực cơ, tàu lặn, hỏa tiễn,
..v..v.., vì họ ôm chặt 4 tốt và 16 chữ vàng như một mệnh lệnh của lãnh đạo
Trung Cộng từ hơn 10 năm nay rồi. Với lại, lãnh đạo Trung Cộng luôn nhắc nhỡ
lãnh đạo Việt Cộng, mà gần nhất là ngày 8/7/2019, Chủ Tịch Quốc Hội Việt Cộng
Nguyễn Thị Kim Ngân có mặt tại Trung Cộng, để nghe Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận
Bình nhắc lại rằng: "... Việt Nam phải nhìn đại cục (cục bự) để
thăng tiến tình hữu nghị, và tăng cường hợp tác nhằm nâng cao bang giao (tôi
không dùng chữ quan hệ của Việt Cộng) giữa hai nước...”.
Thêm nữa. Sự kiện Bãi Tư Chính từ ngày 3/7/2019 đến
nay -1/9/2019- đã gần hai tháng, cái ông Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch nước Nguyễn
Phú Trọng, chưa có bất cứ phản ứng nào, cho dù Hội Nghị G7 đã chỉ trích Trung Cộng,
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã chỉ trích Trung Cộng, nhân khi đến thăm Việt Nam, Thủ
Tướng Australia cũng chỉ trích Trung Cộng. Và dù ông Trọng vẫn mạnh khỏe khi xuất
hiện tiếp nhận Quốc Thư do tân Đại Sứ Cộng Hòa Liên Bang Đức đệ trình. Lúc ấy,
tàu thăm dò địa chất HD8 Trung Cộng đang có mặt tại Bãi Tư Chính.
Thứ hai. Hồ sơ Thương Mại và Nhân Quyền
2a. Với hồ sơ áp thuế 10% trên trị giá 300 tỷ mỹ kim.
Ngày 13/8/2019, văn phòng Đại
Diện Thương Mại Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố, rằng: “Mức thuế bổ
sung 10% mà Hoa Kỳ áp dụng trên trị giá 300 tỷ mỹ kim hàng hóa Trung Cộng nhập
cảng vào Hoa Kỳ, thay vì bắt đầu từ ngày 1/9/2019, thì sẽ có hiệu lực từ
ngày 15/12/2019. Một số mặt hàng như điện thoại di động, máy tính xách tay,
máy chơi game, đồ chơi, màn hình máy tính và một số mặt hàng giày dép và quần
áo, sẽ không bị áp thuế mới cho đến ngày 15/12/2019. Trong khi một số sản phẩm
khác cũng được xóa khỏi danh sách áp thuế dựa trên các yếu tố liên quan đến: sức
khỏe, an toàn, an ninh quốc gia, ..v..v..“
Tuyên bố trên đây được công bố sau cuộc điện đàm tối
13/8/2019 (ngày giờ Bắc Kinh) giữa Ủy Viên Bộ Chính Trị Trung Cộng Phó Thủ Tướng
Quốc Vụ Viện/Trưởng đoàn đàm phán Lưu Hạc, với đại diện thương mại Hoa Kỳ
Robert Lighthizer và Bộ Trưởng Tài Chánh Steven Mnuchin.
Ngày 23/8/2019, Trung Cộng tuyên
bố sẽ áp một loạt thuế mới lên các hàng hóa nhập cảng từ Hoa Kỳ từ 5% lên 10%
trên 5.078 mặt hàng với trị giá khoảng 75 tỷ mỹ kim trong 2 đợt, 1/9/2019 và
15/12/2019, đây là hành động đáp trả Hoa Kỳ tăng thuế trên trị giá 300 tỷ mỹ
kim từ 15/12/2019 (trích bản tin CNBC).
Ngày 28/8/2019, văn phòng đại
diện thương mại Hoa Kỳ xác nhận rằng: “Tổng Thống Donald Trump quyết
định tăng thêm 5% thuế -thành 15%- lên hàng nhập cảng từ Trung Cộng trên trị gá
300 tỷ mỹ kim. Với áp thuế 15% này có hiệu lực từ 1/9/2019 trên trị giá
125 tỷ mỹ kim, với các mặt hàng: Đồng hồ thông minh + tai nghe Bluetooth + TV
màn hình phẳng + Giày dép. Và từ 15/12/2019 trên trị giá 175 tỷ mỹ kim,
với các mặt hàng: Đồng hồ + máy tính xách tay + đồ chơi + quần áo”.
Ngày 29/8/2019, ông Lương Nguyễn
dịch bản văn của ông Gao Feng, người phát ngôn của Bộ Thương Mại Trung Cộng,
xin tóm tắt như sau: “Chúng tôi quyết định từ chối sự leo thang của cuộc chiến
thương mại, sẵn sàng đàm phán và hợp tác để giải quyết vấn đề này với thái độ
bình tĩnh. Phái đoàn thương mại của Trung Cộng và Hoa Kỳ đã giữ liên lạc hiệu
quả. Cuộc đàm thoại công khai gần nhất của phái đoàn hai bên vào tối 23/8/2019
vừa qua, đã được xếp đặt trong vòng hai tuần tới là hai bên sẽ trực tiếp gặp
nhau trong tháng 9/2019”.
2b. Với hồ sơ Tân Cương
Gia đình Cô Elnigar Iltebir đến từ Tân Cương, quốc gia
tự trị của TrungCộng. Theo trangLinkedIn cá nhân, Cô Iltebir từng học
tại Đại học George Washington, và Khoa Chính Sách Công Kennedy viện đại học
Harvard. Năm 2015, Cô Iltebir nhận bằng Master Chuyên Ngành Chính Sách Kinh Tế
& An Ninh Quốc Gia viện đại học Maryland.
Foreign Policy cho biết,
là đã cố gắng liên lạc với Cô Iltebir và Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, để
yêu cầu bình luận về thông tin liên quan tới bổ nhiệm nữ học giả gốc Duy Ngô
Nhĩ này, nhưng không nhận được phản hồi. Viên chức từ Tòa Bạch Ốc cũng từ chối
trả lời câu hỏi về vấn đề này của tờThe Hill.
Tháng 7/2019, tại Hội Nghị Quốc
Tế cấp Bộ Trưởng về Tự Do Tôn Giáo diễn ra tại Washington D.C, Ngoại Trưởng
Hoa Kỳ Pompeo đã phát biểu rằng:
“Trung Cộng là nhà của một trong những cuộc khủng
hoảng nhân quyền tồi tệ nhất ở thời đại chúng ta. Đó thực sự là vết nhơ thế kỷ”.
Cũng hồi tháng 7/2019, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald
Trump, lần đầu tiên phát biểu về cách hành xử của chế độ Trung Cộng đối với người
Duy Ngô Nhĩ. Trong cuộc gặp đại diện của các nhóm tôn giáo bị đàn áp trên khắp
thế giới, Tổng Thống Donald Trump đã nói chuyện với Cô Jewher Ilham -con
gái của một học giả người Duy Ngô Nhĩ nổi tiếng-
Cô Ilham nói với Tổng Thống Hoa Kỳ, rằng:
”Cô đã không được gặp cha mình từ năm 2013, và hiện có khoảng từ 1.000.000 đến
3.000.000 người Duy Ngô Nhĩ đang bị Trung Cộng giam giữ trong các trại tập
trung”.
Tổng Thống Donald Trump hỏi: “Đó là ở
đâu tại Trung Cộng?” (ý hỏi trại giam ở vùng nào? PB Hoa)
Với vai trò mới trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ,
Cô Elnigar Iltebir đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chánh phủ Hoa Kỳ soạn
thảo và phổ biến nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, Tân
Cương, bằng cách áp lực thúc đẩy Trung Cộng nâng mức cảnh báo cao nhất đối với
những gì đang xảy ra tại Tân Cương, và ủng hộ các tổ chức xã hội dân sự tại Tân
Cương mà đã và đang bị quan chức Trung Cộng sách nhiễu (trích trong trithucvn).
2c. Với hồ sơ Hong kong
Ngày 19/8/2019, trong cuộc họp hằng
năm của đảng Cộng Hòa, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence nói rằng: “Hoa
Kỳ và Trung Cộng lên tiếng đe dọa nhau, sau khi Hoa Kỳ nói đến vấn đề Hong Kong
có thể sẽ đưa vào nội dung đàm phán thương mại với Trung Cộng, nếu Trung Cộng
dùng vũ lực đàn áp cuộc biểu tình của người dân Hong Kong”. Phó Tổng Thống
Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng: “Cơ hội để đạt được một thỏa thuận thương mại với
Trung Cộng có nguy cơ giảm đi, nếu luật pháp và nhân quyền ở Hong Kong bị vi phạm”.
CNN trích phát biểu tại Detroit Economic Club ngày
19/8/2019 của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence, theo đó« để Hoa Kỳ ký
một thỏa thuận với Trung Quốc, Bắc Kinh phải tôn trọng những cam kết của họ, bắt
đầu từ cam kết năm 1984 tôn trọng toàn vẹn các quyền của Hồng Kông thông qua
tuyên bố chung Anh - Trung Quốc ».
Tối 19/8/2019, Ngoại Trưởng
Hoa Kỳ Mike Pompeo, trả lời phỏng vấn của đài Fox News, đã nhấn mạnh rằng: “Chánh
phủ Hoa Kỳ nỗ lực để Trung Cộng giữ lời hứa là không vi phạm nhân quyền, vì
phong trào dân chủ đang diễn ra ở Hong Kong là cách để người dân đặc khu này được
giữ lại tự do dân chủ”.
Cùng ngày 19/8/2019, theo bản tin của
CNN trích lời phát biểu của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence tại Detroit
Economic Club, rằng: “Muốn Hoa Kỳ ký một thỏa thuận với Trung Cộng, thì
Trung Cộng phải tôn trọng toàn vẹn những cam kết của họ với Anh quốc hồi năm
1984 về một quốc gia hai chế độ trong 50 năm, thông qua bản Tuyên Bố Chung Anh
quốc - Trung Cộng”.
Tuyên bố của các lãnh đạo Hoa Kỳ đã làm Trung Cộng tức
giận. Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) trích bài Xã Luận của tờ Nhân Dân
Nhật Báo ngày 20/8/2019 như lời cảnh cáo: “Hoa Kỳ khuấy động vấn đề
Hong Kong, sẽ không mang lại lợi ích gì cho các cuộc đàm phán kinh tế và thương
mại giữa hai quốc gia. Đừng nghĩ rằng chúng tôi sẽ nhân nhượng, nếu Hoa Kỳ sử dụng
lá bài Hong Kong”.
Nhận định
Căn cứ vào bản chất của cộng sản nói chung và Trung Cộng
nói riêng, tôi không nghĩ là Trung Cộng thật lòng muốn đạt đến thỏa thuận với
Hoa Kỳ trong cuộc đối đầu thương mại, dù miệng họ nói muốn sớm kết thúc. Đó là
một trong những cách mà Trung Cộng sẽ kéo dài thời gian, để tìm mọi ngóc ngách
xấu xa chen vào cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ vào tháng 11/2020, với hy vọng
-dù rất mong manh- là ứng viên Donald Trump thất cử. Rơi vào trường hợp đó,
Trung Cộng sẽ một mình tung hoành ngang dọc Đông Tây Nam Bắc địa cầu, dĩ nhiên
Hoa Kỳ sẽ dưới tay họ.
Tôi không tin trường hợp đó thành sự thật như họ muốn,
mà kết thúc sẽ là ngược lại.
Thứ ba. Hồ sơ Nhân Quyền Việt Nam
Ngày 27/08/2019, Tổ Chức Nhân
Quyền Hoa Kỳ (Human Rights Watch) ra thông cáo với nội dung: “Yêu cầu
Australia thúc ép Việt Nam tôn trọng nhân quyền, nhân cuộc đối thoại nhân quyền
Australia - Việt Nam hằng năm lần thứ 16 sẽ diễn ra vào ngày 29/08 tại
Canberra, thủ đô Australia”. Human Rights Watch Hoa Kỳ ghi nhận rằng: “Bang
giao giữa Australia với Việt Nam đã được nâng lên hàng chiến lược từ năm 2018”.
Bà Elaine Pearson, Giám Đốc Phụ
Trách Nhân Quyền của Australia Úc nói trong bản Tuyên Bố rằng: “Bang giao
gần gũi với Việt Nam, đồng nghĩa với việc chính phủ Australia có trách nhiệm
công khai lên tiếng về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam. Tính đến
tháng 8/2019, Human Rights Watch ghi nhận có ít nhất 131 người đang bị tù giam ở
Việt Nam do đã thực thi các quyền tự do căn bản của mình, mà Tổ Chức Nhân Quyền
Hoa Kỳ yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho tất cả tù nhân
và những người đang bị tạm giam vì lý do chính trị”.
Bà Pearson kêu gọi chánh
phủ Australia, gây sức ép để Việt Nam sửa đổi Luật Tố Tụng Hình Sự, bộ luật mà
Human Rights Watch xem là bộ luật vi phạm nhân quyền, để tất cả các can phạm
hình sự được hỗ trợ pháp lý đúng theo quy định của luật pháp quốc tế”.
Kết luận
Tôi tin chắc rằng, không một người nào trên trái đất
này là hoàn hảo hết. Tổng Thống Donald Trump cũng vậy. Nhưng gần 3 năm qua, tôi
nhìn thấy Tổng Thống Donald Trump đã thành công trong nhiều việc mà ông đã làm
cho đất nước và người dân Hoa Kỳ, từ đó ảnh hưởng đến các quốc gia khác, trong
đó có Việt Nam chúng ta. Bởi vì, lần lượt các nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam
mà tôi gọi là Việt Cộng, họ là những nhóm lãnh đạo độc đảng + độc quyền + độc
tài + độc ác với người dân, nhưng vô cùng hèn hạ với những nhóm lãnh đạo Trung
Cộng, đến mức ngày nay trên đất nước Việt Nam đâu đâu cũng tràn ngập công nhân
-hay lính- Trung Cộng, với những sinh hoạt bẩn thỉu man khai của họ như thể Việt
Nam là đất nước của họ.
Tôi là người VIỆT NAM tị nạn cộng sản Việt Nam, và tôi
đã trở thành công dân Hoa Kỳ, nhưng không bao giờ quên quê hương cội nguồn của
mình là VIỆT NAM. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng, Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình
không còn cơ hội để đạt đến “Made in China từ năm 2025”, khi ông Donald Trump
tái đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ.
Các Anh phải nhận ra rằng, hiện nay Trung Cộng đang
trong tình thế nan giải với những hồ sơ chánh sau đây:
(1) Hồ sơ thương mại với Hoa Kỳ, đã mở rộng
đến hành động Trung Cộng ăn cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ + Trung Cộng buộc
các công ty Hoa Kỳ chuyển đến làm ăn tại Trung Cộng phải chuyển giao tài sản
trí tuệ cho họ thì họ mới cấp phép hoạt động + Trung Cộng sử dụng trí thức của
họ -dù có quốc tịch Hoa Kỳ- phải ăn cắp bí mật của các cơ quan nghiên cứu của
Hoa Kỳ chuyển về lục địa cho họ,..v..v..
(2) Gần 500 công ty ngoại quốc đã rút khỏi
Trung Cộng vì bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Trong khi thị
trường chứng khoán lục địa sút giảm đáng kể, khiến cho hằng loạt công ty Trung
Cộng phá sản, và cuộc sống của người dân Trung Cộng cũng bị ảnh hưởng giây chuyền.
(3) Hồ sơ Biển Đông. Trung Cộng tự giành chủ
quyền hơn 80% diện tích biển này từ năm 2009, và theo phán quyết của Toà Án Trọng
Tài Quốc Tế năm 2016, thì Trung Cộng không có chủ quyền gì trên Biển Đông cả,
nhưng Trung Cộng xem như không hay không biết, nên bị thế giới chỉ trích mạnh mẽ,
nhất là hành động của Trung Cộng tại Bãi Tư Chính từ đầu tháng 7/2019 đến nay,
(4) Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan, và bán cho Đài
Loan khối lượng vũ khí rất lớn mà là những vũ khí tối tân hiện nay, vì lãnh đạo
Đài Loan và người dân ra sức chống lại sức ép của Trung Cộng buộc Đài Loan phải
vào vòng tay họ.
(5) Hong Kong trong tình thế chưa có lối
thoát, vì bị ràng buộc bởi văn kiện ký với Anh quốc là “Trung Cộng là một quốc
gia với hai chế độ”, đến năm 2047 Hong Kong mới chánh thức vào vòng tay Trung Cộng.
Với tình hình hiện, và Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phát triển lên tiếng ủng hộ người
dân Hong Kong bảo vệ quyền dân chủ tự do của họ.
(6) Đập Tam Hiệp (hay Tam Điệp) trong nội bộ
Trung Cộng, nguy tan vỡ ngày càng gần đến thảm họa đối với khoảng 100 triệu dân
sinh sống dọc theo sông Dương Tử về phía Đông ra đến Thượng Hải...v..v....
Nhìn chung, nhờ có Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump, nhiều
quốc gia trên thế giới -nhất là các quốc gia phát triển- nhìn ra mặt trái của
lãnh đạo Trung Cộng mà kịp thời dừng lại, và bắt đầu quay lưng với họ
Các Anh có nhìn thấy hình ảnh những cuộc biểu tình của
người Hong Kong rồi chớ? Hong Kong chỉ hơn 7.000.000 dân, nhưng có đến
2.000.000 người tham gia biểu tình, và hình ảnh đó có làm cho Các Anh suy
nghĩ đến trách nhiệm từ Người Lính đến lãnh đạo các cấp, đối với dân
tộc khi bị chế độ cộng sản độc tài cai trị nghiệt ngã suốt 70 năm qua không?
Nếu không, chẳng lẽ trong người Các Anh chỉ
có trái tim Việt Cộng tàn bạo mà đảng gắn vào khi Các Anh
trở thành đảng viên thôi sao, còn trái tim VIỆT NAM nhân ái trong cơ thể khi
Các Anh chào đời đâu rồi?
Nếu có, các Anh hãy cùng đồng bào
mạnh mẽ vùng lên triệt hạ chế độ độc tài + độc quyền + độc ác Việt Cộng, rồi đồng
bào trong nước và hải ngoại cùng nhau vá lại mảnh giang sơn đã "rách loang
lỗ" bởi những Hiệp Ước của Việt Cộng giao đất giao biển cho Trung Cộng,
xóa tan những “vệt da beo trên da thịt quê hương” mà hiện nay là những làng mạc
có công nhân hay quân lính Trung Cộng mà người Việt bị cấm vào. Từ đó, bắt tay
xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, phát triển toàn diện, nhất là nền giáo dục
nhân bản, khoa học, thích ứng với văn hoá truyền thống Việt Nam. Dân tộc Việt
Nam hôm nay sẽ xứng đáng là thế hệ con cháu của dòng lịch sử oai hùng Việt
Nam, sẽ hãnh diện trước những người ngoại quốc đến du lịch Việt Nam, tìm hiểu nếp
sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới,
và mỗi khi cầm sổ “Thông Hành” (hộ chiếu) ra ngoại quốc mà ngẫng cao đầu giữa
thế giới văn minh lịch sự.
Đừng chần chờ nữa. Nhanh lên. Thời cơ chính trị đang đến
rồi đó .....
Các Anh nhớ rằng: "Khi
Liên Bang Sô Viết bắt đầu rung chuyển trên đà sụp đổ, người dân cùng kéo nhau
đi biểu tình, và hô to rằng: "Không có thế lực thù
địch nào từ bên ngoài hay bên trong có thể làm cho chế độ toàn trị của
chúng ta (Liên Xô) sụp đổ cả. Cái chế độ
phi nhân này, chỉ có chính chúng
ta từ lãnh đạo đến người dân,
ý thức được sự nhục nhã của đời sống vô đạo đức, và quyết định
tự tìm lại phẩm giá cho chính mình".
Và đừng bao giờ quên rằng: “Tự do, là nền tảng
cho sự thịnh vượng của đất nước. Dân chủ, là sự phát triển toàn diện và
bền vững. Và Dân Chủ Tự Do, phải chính chúng ta tranh đấu, vì Dân Chủ Tự
Do không phải là quà tặng". (trích trên internet).
Texas, tháng 9 năm 2019
Phạm Bá Hoa
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Virus-free. www.avast.com
|
__._,_.___
No comments:
Post a Comment