Thursday 26 April 2018

Chỉ có chiến tranh với Mỹ mới có thể ngăn cản Trung Quốc độc chiếm biển Đông




From: giao tran

Chỉ có chiến tranh với Mỹ mới có thể ngăn cản Trung Quốc độc chiếm biển Đông
RFA 2018-04-23


Image result for Đô đốc Philip Davidson điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ở Washington DC hôm 17/4/2018


   Đô đốc Philip Davidson điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ở Washington DC hôm 17/4/2018






      
Chỉ có chiến tranh mới có thể ngăn cản được Trung Quốc độc chiếm biển Đông. Đó là phát biểu của Đô đốc Philip S. Davidson, người được đề cử làm Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ trước Quốc hội Mỹ hôm 17/4.
Trong bản viết tay đệ trình lên Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ trước hôm ra điều trần, Đô đốc Davidson cảnh báo về sự gia tăng hiện diện quân sự của Trung Quốc tại vùng nước đang tranh chấp, bao gồm những căn cứ quân sự bí mật trên các đảo. Ông nói rằng đây là một bước tiến của Trung Quốc nhằm hướng tới việc thống trị toàn bộ khu vực Biển Đông, nơi đang có tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Đô đốc Davidson viết rằng, một khi đã chiếm được Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ vươn dài tầm ảnh hưởng của mình ra hàng ngàn miles về phía nam. Quân đội Trung Quốc có thể sẽ sử dụng những căn cứ ở đây để thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Các lực lượng được triển khai tới những căn cứ mà Trung Quốc lập nên tại đây có thể là bàn đạp đè bẹp một cách dễ dàng các lực lượng quân sự của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Để nhấn mạnh cho tầm quan trọng của nhận định trong bài viết, Đô đốc Davidson nói Trung Quốc hiện đã đủ khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống và chỉ có chiến tranh với Mỹ mới ngăn cản được điều này.
Trung Quốc hiện đòi chủ quyền đến 90% diện tích biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò được nước này vẽ ra trên biển, đòi chủ quyền vùng nước lịch sử.
Từ đầu năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành xây lấp các đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp và xây dựng các căn cứ quân sự, triển khai vũ khí ra các đảo này, làm dấy lên lo ngại về việc quân sự hóa khu vực biển Đông của Trung Quốc.
Kể từ đầu tháng 4 tới nay, Trung Quốc đã liên tiếp tổ chức 4 cuộc tập trận trong khu vực.
Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa khu vực Biển Đông.
Hôm 23/3, một tàu khu trục của Mỹ là tàu USS Mustin đã tiếp cận Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa do Trung Quốc kiểm soát trong hoạt động thường xuyên của chương trình Tự do Hàng hải (Fonops) mà Mỹ vẫn tiến hành ở Biển Đông kể từ năm 2015 trở lại đây.
---oo---

   Trung Quốc lắp đặt thiết bị điện tử tại Trường Sa để phá sóng radar và viễn thông

                  RFA 



Image result for Ảnh chụp đá Vành Khăn từ vệ tinh của công ty DigitalGlobe vào ngày 31 tháng 10 năm 2017.

Ảnh chụp đá Vành Khăn từ vệ tinh của công ty DigitalGlobe vào ngày 31 tháng 10 năm 2017.

 Courtesy of CSIS/AMTI 

   Trung Quốc lắp đặt thiết bị điện tử phá tín hiệu viễn thông và sóng radar trên hai đảo nhân tạo mà Bắc Kinh lập nên tại Quần đảo Trường Sa. Đây là bước đáng kể trong hoạt động quân sự hóa dần dần mà Trung Quốc thực hiện tại khu vực chiếm đóng ở Biển Đông.

Một quan chức Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết như vừa nêu và tờ Wall Street Journal loan đi ngày 9 tháng tư. Thông tin được củng cố bởi ảnh vệ tinh do Công ty DigitalGlobe chụp được vào tháng qua và cung cấp cho Wall Street Journal.

Tin còn dẫn nguồn tình báo Mỹ nói rõ thiết bị điện tử phá tín hiệu viễn thông và sóng radar như vừa nêu được lắp đặt trong vòng 90 ngày qua trên hai đảo nhân tạo Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn ở Biển Đông.

Vị quan chức Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ phát biểu rằng trong khi Trung Quốc luôn nói việc xây dựng đảo nhân tạo là nhằm bảo đảm an toàn trên biển, hỗ trợ hàng hải, tìm kiếm - cứu nạn, bảo vệ nguồn cá và những chức năng phi quân sự khác, thì thiết bị điện tử phá tín hiệu viễn thông và sóng radar chỉ là sử dụng cho mục đích quân sự.

Tin vừa nêu được đưa ra vào khi quân đội Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận tại khu vực Biển Đông mà Hoa Kỳ cho là có qui mô lớn nhất tính đến nay. Trong đợt tập trận này có sự tham gia của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cũng như không quân và các đơn vị mặt đất.

Tại ba trong số 7 đảo nhân tạo tiền tiêu mà Trung Quốc bồi lấp lên tại quần đảo Trường Sa, gồm Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi, nay có tổng cộng chừng 3 ngàn thước đường băng, các vòm chứa chiến đấu cơ, boongke trữ đạn dược, doanh trại và những cầu cảng nước sâu cho tàu neo đậu.

Tại quần đảo Hoàng Sa cách Trường Sa chừng 500 dặm về phía bắc, từ năm 2016, Trung Quốc đã cho bố trí tên lửa đất đối không HQ-9, chiến đấu cơ J-11B.

Tướng Kim Nhất Nam thuộc Đại Học Quốc Phòng Quốc Gia Trung Quốc được dẫn lời rằng những cuộc diễn tập của Bắc Kinh tại Biển Đông không hề liên quan gì đến việc Hoa Kỳ đưa 3 hàng không mẫu hạm đến khu vực này. Đó là chiếc USS Theodore Roosevelt đến Singapore vào ngày 2 tháng 4; rồi USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, Việt Nam vào đầu tháng 3 vừa qua sau đó tập trận chung với phía Nhât Bản ngay tại Biển Đông. Hiện nay hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đang ở Nhật Bản.

Ông tướng Kim Nhất Nam cho rằng các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đến trong khu vực tạo cho Trung Quốc cơ hội nghiên cứu về hoạt động cũng như hệ thống radar và các tín hiệu điện tử của chúng.

Tướng Kim Nhất Nam còn thách thức liệu Hoa Kỳ có dám khai hỏa tấn công Trung Quốc hay không.

 

 


__._,_.___


Posted by: Truc Chi


No comments:

Post a Comment