Ảnh Tập Cận Bình (T) cạnh ảnh Mao Trạch Đông trên đường phố Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 26/02/2018.REUTERS/Aly Song
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Le Figaro hôm nay
24/04/2018, David Shambaugh, một trong những chuyên gia Mỹ giỏi nhất về Trung
Quốc, tỏ ra lo ngại về việc đảng Cộng Sản toàn quyền khống chế xã hội, đồng thời
cảnh báo về nguy cơ xảy ra chiến tranh với Đài Loan.
Ông David Shambaugh, giáo sư khoa học chính trị ở George
Washington University là tác giả của nhiều cuốn sách về Trung Quốc. Năm 2015,
ông đã gây tranh cãi khi cho đăng một bài báo trên Wall Street Journal,
dự báo sự suy tàn của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Nay Tập Cận Bình đã nắm trọn quyền lực chính trị chưa từng thấy, với
nhiệm kỳ trọn đời qua việc sửa đổi Hiến Pháp hồi tháng Ba. Tân hoàng đế đỏ nay
thách thức Donald Trump, giương móng vuốt đe dọa châu Á. Từ Washington, giáo sư
Shambaugh phân tích cho đặc phái viên Le Figaro về sự đảo lộn nhanh
chóng đã gây bất ngờ cho nhiều chuyên gia.
Ông có ngạc nhiên về sự tập trung quyền lực vào tay Tập Cận Bình ?
Tôi ngạc nhiên về việc tập trung hóa và cá nhân hóa quyền lực. Tập
Cận Bình đã đưa Trung Quốc quay lại với chế độ chúa tể thời Mao Trạch Đông. Quá
trình định chế hóa dần dần mà chúng ta đã chứng kiến trong những thập niên gần
đây đã bị một con người duy nhất xóa bỏ. Ông Tập lập ra nhiều ủy ban mà ông là
lãnh đạo, phải báo cáo trực tiếp cho ông. Tư tưởng Tập Cận Bình thì được ghi
vào Hiến Pháp. Thật là đáng sợ !
Ông ta có thể tiến xa hơn không ?
Việc sùng bái cá nhân lãnh tụ, vốn đã nặng nề, sẽ còn đi xa hơn nữa.
Tập Cận Bình đã trở thành "người cầm lái vĩ đại", người lãnh đạo dân
tộc, nhưng vẫn chưa được thần thánh hóa như Mao. Trái với thời kỳ Cách mạng văn
hóa, vẫn còn có các định chế, nhưng bị Tập thống trị.
Có thể giải thích như thế nào về việc nắm trọn quyền lực như vậy ?
Tập Cận Bình tìm tòi trong mô hình xô-viết. Ông ta có tầm nhìn, biết
sẽ đi đến đâu, và muốn rằng bộ máy cũng tuân theo răm rắp. Ông coi Đảng như là
quân đội. Tập không tin vào sự đa dạng, nhưng vào sự tập trung hóa để đạt được
mục tiêu. Ông ta muốn đưa Trung Quốc đi theo kiểu mẫu Liên Xô thập niên 50 và
60, khi cha của ông là Tập Trọng Huân (Xi Zhongsun, phó thủ tướng bị Mao thanh
trừng năm 1962) còn nắm quyền.
Ông Tập muốn đi đến đâu, và mục tiêu của ông là gì ?
Tập Cận Bình rất tự tin vào bản thân và về Trung Quốc. Ông nghiên
cứu kỹ tình hình quốc tế, và nhìn thấy cơ hội mang tính chiến lược. Tập theo
dân tộc chủ nghĩa. Trong kỳ họp Quốc Hội mùa thu vừa rồi, ông tuyên bố rằng
Trung Quốc là một cường quốc và cần phải được thế giới tôn trọng. Tập Cận Bình
thúc đẩy một chính sách đối ngoại mang tính bành trướng, bằng chứng là chính
sách Con đường tơ lụa mới, với việc tăng cường quân sự và nâng tầm nền kinh tế.
Ông có nghĩ là Tập Cận Bình sẽ ra tay đối với Đài Loan ?
Nguy cơ là khá cao. Tập Cận Bình muốn đẩy Đài Loan vào cái thế phải
đầu hàng. Ông ta vận dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, hạn chế đầu tư, du
lịch, đồng thời siết chặt gọng kềm ngoại giao đối với đảo quốc này.
Hoa Kỳ sẽ làm gì ?
John Bolton, tân cố vấn an ninh của tổng thống Donald Trump là một
người bạn của Đài Loan. Tôi dự đoán rằng ông ấy sẽ thách thức Trung Quốc. Ông
Bolton có khả năng dẫm lên các lằn ranh đỏ mà Bắc Kinh vạch ra - chủ yếu là đe
dọa sẽ hành động nếu các chiến hạm Mỹ thăm Đài Loan, hoặc hợp tác quân sự. John
Bolton sẽ cho Tập Cận Bình thấy là ông ta đã lầm to. Quý vị cứ theo dõi hồ sơ
này đi, trong tương lai sẽ bùng nổ đó !
Còn Biển Đông, một bất đồng khác với Washington thì sao ?
Trung Quốc đã xây dựng được các đảo nhân tạo tại Biển Đông, và sẽ
không thối lui. Cuộc chơi đã kết thúc. Tuy nhiên tính biến động của hồ sơ Đài
Loan chưa được đánh giá đúng mức. Tôi rất quan ngại.
Ông phân tích như thế nào về chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Kim
Jong Un, theo lời mời của Tập Cận Bình ?
Trung Quốc lo cho lợi ích của bản thân mình, không muốn bị gạt ra
ngoài lề tiến trình. Tuy nhiên Tập Cận Bình và Kim Jong Un không phải là một «
cặp đôi » hạnh phúc.
Ông có cho rằng chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ
xảy ra ? Ai sẽ thiệt hại nhiều hơn ?
Bắc Kinh sẽ trả đũa, nhưng tôi không tin rằng sẽ leo thang. Trung
Quốc sẽ bị thiệt nhiều hơn Hoa Kỳ, vì rất cần xuất khẩu được hàng hóa để duy
trì tăng trưởng. Một cuộc xung đột sẽ làm yếu đi khả năng nâng cấp nền kinh tế
của Trung Quốc, do chính quyền bị buộc phải dùng ngân sách để hỗ trợ cho việc
làm và tăng trưởng để bù đắp lại các thị trường bị mất, thay vì nhắm vào chất
lượng.
Tôi không cho rằng các tập đoàn đa quốc gia Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Tình hình của các công ty ngoại quốc tại Trung Quốc đã xấu rồi, khó thể tệ hại
hơn nữa. Thị trường Trung Quốc là một giấc mơ từ một thế kỷ qua, và vẫn sẽ là một
giấc mơ ! Nhưng một cuộc xung đột sẽ không dẫn đến việc nền kinh tế Trung Quốc
bị sụp đổ, vì dựa trên những cơ sở vững chắc. Bắc Kinh có thể bù đắp được những
thiệt hại nội bộ, và nếu cần thiết thì đóng cửa với thế giới.
Hồi năm 2015, ông dự báo rằng chế độ Trung Quốc sẽ suy sụp. Ông đã
lầm lẫn chăng ?
Từ ngữ được dùng làm tít là « crack up » (sụp đổ), là chọn
lựa của các biên tập viên Wall Street Journal. Tôi chưa bao giờ dự báo
chế độ Trung Quốc sẽ « sụp đổ », nhưng là sự « suy tàn » chậm chạp
của nó, và giờ đây tôi vẫn nhấn mạnh như thế. Hệ thống ấy sẽ không sụp đổ,
nhưng Trung Quốc không mạnh như người ta vẫn tưởng.
Tôi rất ấn tượng trước nghịch lý : giữa sự tự tin của Tập Cận Bình
trong đối ngoại, và sự hoang tưởng của ông ta trong đối nội – mà ông xử sự theo
cách phòng ngự. Ông Tập bị ám ảnh bởi sự sụp đổ của Liên Xô cũ. Ông ta gây áp lực
lên chế độ, với các vụ thanh trừng và chiến dịch chống tham nhũng, gây rất nhiều
bất bình. Chúng ta không nghe thấy những tiếng nói phản biện, nhưng những tiếng
nói này thực sự hiện diện. Tôi dự đoán Trung Quốc sẽ suy tàn trong mười, hoặc
hai mươi năm nữa.
Hai mươi năm tới, Tập Cận Bình vẫn còn đó ?
Vâng, có lẽ thế.
Người ta đã chứng kiến việc đàn áp tàn bạo tất cả những tiếng nói
đối lập. Xã hội Trung Quốc còn chấp nhận tình trạng này bao lâu nữa ?
Đó là một câu hỏi quan trọng. Trung Quốc là một xã hội chất chứa đầy
xung đột, bất bình đẳng tột độ và những thách thức dân số quan trọng, trong đó
có tình trạng lão hóa. Tôi cảm thấy một xã hội không thể chấp nhận sống vĩnh viễn
trong một Nhà nước toàn trị. Người Trung Quốc chẳng phải là ngu. Họ sẽ rời khỏi
đất nước. Sự tính toán của Đảng là phải dựa dẫm vào chủ nghĩa dân tộc.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment