Thursday, 22 March 2018

HOA KỲ THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC ĐỐI PHÓ TRUNG QUỐC. CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ ĐÃ SẴN SÀNG CHƯA?



----- Forwarded Message -----
From: L. Nguy

HOA KỲ THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC ĐỐI PHÓ TRUNG QUỐC. CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ ĐÃ SẴN SÀNG CHƯA?
                                       Đại-Dương

Bài The China Reckoning đăng trên Tạp chí Foreign Affairs tháng 3 và 4-2018 đã nhìn nhận sự sai lầm của Hoa Kỳ khi đối phó với Trung Quốc từ nhiệm kỳ Tổng thống Richard Nixon (1969-1974) cho đến hết thời trị vì Barack Obama (2009-2017).
Sau Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ xây dựng những thiết chế và luật lệ góp phần tạo nên cấu trúc chính trị toàn cầu và Châu Á được chấp nhận rộng rãi như tự do thương mại, tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp, hợp tác quốc tế để xử trí thách đố toàn cầu.
Tuy nhiên, kỳ vọng của Hoa Kỳ muốn đưa Trung Quốc vào khuôn khổ trật tự toàn cầu đã hoàn toàn thất bại dù từng trao cho Bắc Kinh củ cà rốt thật ngon và chiếc roi doạ con nít.
Hoa Kỳ nói riêng và Tây Phương nói chung suy nghĩ và giải quyết mọi vấn đề dựa vào duy lý trong khi Trung Quốc duy ý.

   Trong lĩnh vực kinh tế

Năm 1967, Nixon viết trên Foreign Affairs: “Thế giới không thể an toàn khi Trung Quốc chưa thay đổi nên cần tác động đến các sự kiện”. Kể từ đó Hoa Kỳ hành động theo giả thuyết “tăng cường quan hệ thương mại, ngoại giao, văn hoá sẽ làm thay đổi nội bộ Trung Quốc và cách cư xử với bên ngoài của Bắc Kinh”.
Nghe ra rất hợp lý mà chẳng hợp ý Bắc Kinh nên mặt ngoài giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn cố tỏ ra an thân thủ phận, không thách đố Hoa Kỳ mà trong nội bộ gìn giữ và bảo vệ cẫn mật nền kinh tế tập quyền và chuyên chính vô sản.
Khi tham gia vào các định chế quốc tế, Trung Quốc bỏ qua điều bất lợi bằng cách biện minh đất nước ở vào giai đoạn đang phát triển hoặc do trình độ dân trí thấp.
Hoa Kỳ cấp quy chế tối huệ quốc (MFN) cho Trung Quốc trong thập niên 1990, cho vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, thiết lập đối thoại kinh tế cấp cao và đàm phán đầu tư song phương (2006). Cơ chế Đối thoại Kinh tế Toàn diện do Tập Cận Bình và Donald Trump đồng ý cũng chẳng mang lại kết quả cụ thể..
Do đó, thương mại hàng hoá giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc từ 8 tỉ USD năm 1986 lên mức 578 tỉ vào 2016, tăng hơn 30 lần.
Khi trở nên giàu có, Bắc Kinh đầu tư gấp đôi vào mô hình “tư bản nhà nước”, thúc đẩy các tập đoàn công nghệ hàng đầu lao vào lĩnh vực hàng không, robotics, không gian, hàng hải, vũ khí, chiến cụ, y sinh học trong kế hoạch “Made in China” vào năm 2035.
Các nhà hoạch định chính sách và những quản trị viên của doanh nghiệp Mỹ vẫn ngầm chấp nhận sự phân biệt đối xử tại thị trường Hoa Lục mà quyết đấu tranh để giành những nhượng bộ nhỏ nhoi từng chút một. Nhưng, càng ngày họ càng bị đẩy ra xa nên năm 2017, Phòng Thương mại Mỹ cho biết 8/10 doanh nghiệp không tin Bắc Kinh sẽ mở cửa thị trường Hoa Lục.
Do thuế doanh nghiệp 35% ở Hoa Kỳ so với mặt bằng 20% trong cộng đồng quốc tế cùng với trên 70,000 trang quy định cản trở hoạt động kinh doanh nên các tập đoàn đa quốc, kể cả các công ty nhỏ hơn cũng nhảy vào khai thác thị trường bao la và ít khắc khe về môi trường, luật lệ lao động như Trung Quốc.
Họ để lại một đất nước thiếu công ăn việc làm, cộng với nợ công vọt lên như hoả tiễn thời Tổng thống Barack Obama.
Vì thế, Tổng thống Trump đã khai chiến kinh tế với Trung Quốc khi hạ mức thuế doanh nghiệp xuống 21% và sử dụng hàng rào thuế quan để kéo các công ty Mỹ từ Hoa Lục phải hồi hương. Các công ty ngoại quốc từng đầu tư vào Hoa Lục cũng rục rịch chuyển sang Hoa Kỳ để tránh biện pháp thuế quan và được kinh doanh minh bạch, bình đẳng. Công ăn việc làm được trao lại cho người Mỹ, lợi tức của các công ty Mỹ lớn nhỏ phải đóng thuế cho quốc gia. Hàng hoá do Mỹ sản xuất đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên thị trường quốc tế. Dân Mỹ nuôi chính quyền thu gọn chứ không phải chính quyền đồ sộ nuôi dân đến mức mắc nợ như Chúa Chổm.
Châu Âu tức giận Trump vì tương lai hàng hoá của họ không còn lợi thế hơn Mỹ đã được tỉ phú George Soros hiến kế “hãy hạ thuế doanh nghiệp xuống 15 hoặc 12%. Thế thì ngân khố Châu Âu lấy tiền đâu mà điều hành đất nước!
Hãng tin DW của Đức ngày 15-02-2018 nhận định: “Địa vị của Trung Quốc như một siêu cường toàn cầu bất khả tranh cãi. Liên Âu đang đứng trước ngả ba đường giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”.
Tuy nhiên, Jan Gaspers đứng đầu Viện Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc ở Berlin đánh giá phát biểu của Tập Cận Bình tại Hội nghị An ninh Munich năm 2018: “chỉ là lời lẽ cường điệu, họ sẽ chẳng sống như đã nói”.
Bắc Kinh đã tặng cho các nhược tiểu Châu Á củ cà rốt có sâu trong ruột (viện trợ, cho vay để xây hạ tầng kinh tế, thuê đất kinh doanh), và cây gậy to (đe doạ tấn công quân sự) để nhâm nhi từng mãnh chủ quyền và quyền-chủ-quyền... Bài học Sri Lanca, Pakistan, Việt Nam, Phi Luật Tân chưa ráo mực.
Nhờ trữ tệ trên 3,000 tỉ USD mà Bắc Kinh mua đứt hoặc liên doanh với nhiều công ty kỹ thuật cao đang làm ăn phát đạt để tuần tự khống chế nền kinh tế các nước đang phát triển lẫn phát triển.
Như thế, toàn-cầu-hoá sẽ theo điều kiện do Trung Quốc đặt ra.

             Sang lĩnh vực quân sự

Bắc Kinh đẩy mạnh việc chế tạo, mua sắm chiến cụ, vũ khí tối tân để thực thi chính sách bành trướng, bá quyền cố hữu.
Hoạt động quân sự của Trung Quốc không đủ nghiêm trọng (để tránh Hoa Kỳ can thiệp) mà có thể tạo tâm lý nghi ngờ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh lẫn đối tác chiến lược, đặc biệt tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ đã cố tránh chạm trán quân sự với Trung Quốc nên Học giả Joseph Nye, Phụ trách Văn phòng Châu Á của Ngũ Giác Đài thời Bill Clinton giải thích: “Nếu đối đãi với Trung Quốc như kẻ thù thì chúng ta sẽ có kẻ thù tương lai”.
Thực tế, từ kiểu Hoa Kỳ nhượng bộ Trung Quốc mà ngày nay HK có kẻ thù hùng mạnh!
Bắc Kinh đã xây 7 đảo nhân tạo ở Spratly Islands (Trường Sa, Nam Sa), quân-sự-hoá toàn bộ Biển Nam Trung Hoa, đưa chiến đấu cơ J-20 (tương đương F-22) và J-31 (tương đương F-35) lẫn Su-35 do Nga chế tạo (Trung Quốc mua 24 chiếc) phối hợp tuần tiễu tác chiến trên Biển Nam Trung Hoa. Có thể Bắc Kinh đang chờ thời cơ để tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không.
Các lực lượng Hải Quân, Phòng vệ Duyên hải, Dân quân biển của Trung Quốc phối hợp chặt chẽ để bảo vệ “tuyên bố chủ quyền” của Bắc Kinh trên Biển Nam Trung Hoa.
Chính phủ Trump đã bố trí thường trực hai Hải đội Xung kích Hàng không mẫu hạm trên Biển Đông nhằm duy trì quyền tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế và đối phó cấp thời với mọi biến cố quân sự cũng như dân sự.
Siêu Hàng không mẫu Hạm Carl Vinson đang neo trong Vịnh Manila hôm 16-02-2018 để thăm thiện chí trên đường công tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cùng các đồng minh, đối tác chiến lược phát huy quyền tự do trên biển, cải thiện an ninh khu vực. Carl Vinson sẽ thăm Đà Nẵng vào tháng 3-2018.  
Khu trục hạm USS Hopper đã hải hành trong vùng 12 hải lý của Bãi cạn Scarborough do Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đang kiểm soát.
Lực lượng quân sự của Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng dày đặc trên Biển Nam Trung Hoa. Tuy nhiên, cuộc chiến tương lai mà hai bên đang nghiên cứu được Tổ hợp RAND trình bày trong báo cáo “Systems Confrontation and System Destruction Warfare: How the Chinese People’s Liberation Army Seeks to Wage Modern Warfare”.
Bản báo cáo cho biết Trung Quốc đang hoàn thiện “học thuyết đối đầu giữa hệ thống điều hành của kẻ thù chứ không phải giữa các quân đội”. RAND sẽ tập trung nghiên cứu: (1) Giải phóng quân Trung Quốc (PLA) biết được bao nhiêu về chiến tranh hệ thống. (2) Các hệ thống phụ của PLA phối hợp thế nào? (3) Xem xét các hệ thống điều hành chọn lọc của PLA.
Bộ Tứ Mỹ-Nhật-Úc-Ấn đang thảo luận khẩn cấp về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Trump công bố tại APEC 2017.
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tuyên bố kế hoạch tái cơ cấu Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, linh hoạt đến năm 2021, nhưng, căn bản vẫn theo nền tảng “quốc phòng toàn dân”.
Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu trước giới doanh nhân Phi Luật Tân và Trung Quốc và hôm 19-02-2018 “Bắc Kinh xây đảo nhân tạo để chống Mỹ chứ không nhắm vào các nước trong vùng … không để dân chết oan uổng, nếu Bắc Kinh muốn có thể biến Phi Luật Tân thành một tỉnh của Trung Quốc!”.
Phát ngôn viên của Duterte tuyên bố: “Trung Quốc xây đảo nhân tạo là tốt vì sẽ thuộc về Phi Luật Tân khi được yêu cầu” mà quên Bắc Kinh từng hứa tương tự với Hà Nội từ năm 1974, nhưng, tới nay Hoàng Sa vẫn do Trung Quốc chiếm giữ và mở rộng!
Không quốc gia nào trên Biển Đông Á (gồm Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa) có thể vô hại khi chiến tranh Mỹ-Trung bùng nổ, nên chuẩn bị trước sẽ chịu ít thiệt hại hơn.
Manila và Hà Nội không có hành động tự bảo vệ trước hành vi xâm lăng của Bắc Kinh thì đừng mong quốc tế cứu giúp.
Nhật Bản, Đại Hàn sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm và nghĩa vụ cùng với Hoa Kỳ nhằm bảo vệ và duy trì chủ quyền, an ninh quốc gia. Liên minh này dù có vài bất đồng ý kiến mà vẫn giải quyết trên căn bản tương nhượng vì họ đặt chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc lên hàng tối thượng. 
Chủ tịch Tập Cận Bình không còn che đậy chính sách bành trướng và bá quyền toàn cầu đã đặt thế giới trước nguy cơ bị thống trị.
Thời gian hành động đã điểm. Chẳng ai có thể đứng ngoài nếu muốn có một cộng đồng nhân loại biết tôn trọng lẫn nhau, cùng chia sẻ khó khăn và thành quả dựa vào luật pháp quốc tế được đa số chấp nhận và duy trì.

                                      Đại-Dương

Tài liệu tham khảo:
- The China Reckoning (Foreign Affairs)
- Could the United States Have Done – If Anything – To Prevent China's Rise? (Diplomat)
- Admiral warns US must prepare for possibility of war with China (Diplomat)
- As China takes 'center stage,' Europe stands at a crossroads (DW)
USS Carl Vinson arrives in Manila for port visit (Inquirer)


__._,_.___

Posted by: Mike Duong 

No comments:

Post a Comment