Monday 28 August 2017

Trung Quốc bị nghi đứng sau tai nạn tàu chiến Mỹ ở Singapore



 

Trung Quốc bị nghi đứng sau tai nạn tàu chiến Mỹ ở Singapore

Trọng Thành
Image result for USS John S. McCain, căn cứ hải quân Mỹ ở Changi, Singapore,
Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương, trả lời báo giới về vụ tai nạn tàu USS John S. McCain, căn cứ hải quân Mỹ ở Changi, Singapore, ngày 22/08/2017.REUTERS/Calvin Wong
Vụ chiến hạm Hoa Kỳ USS John S. McCain bị đâm thủng ngay tại vùng biển ngoài khơi Singapore, hôm thứ Hai 21/08/2017, gây chấn động. Đây là vụ tai nạn lớn thứ tư của tàu chiến Mỹ từ đầu năm đến nay. Nhiều người nghi ngờ năng lực của Hải Quân Mỹ, tuy nhiên vai trò của Bắc Kinh trong vụ việc này cũng là câu hỏi được đặt ra. Báo Úc The Australian hôm nay, 25/08, có bài : « Trung Quốc bị nghi đằng sau vụ tai nạn tàu chiến Mỹ ».
Báo Úc dẫn lời một cựu sĩ quan Hải Quân Hoàng Gia Anh, xin ẩn danh, ghi nhận một hiện tượng mà ít người để ý, đó là hoạt động của một tàu chở dầu Trung Quốc, mang tên Guang Zhou Wan, vào thời điểm xảy ra vụ đâm tàu. Các hình ảnh về giao thông hàng hải được ghi lại vào thời điểm đó, cho thấy tàu chở dầu Trung Quốc đã có những chuyển động đáng ngờ, trước khi tai nạn xảy ra.
Một video được Vessel Finder - một trang mạng chuyên theo dõi giao thông hàng hải - cung cấp, cho thấy tàu Trung Quốc đổi hướng bất ngờ, ngay trước khi tàu chở dầu Liberia (thuộc sở hữu của một công ty Hy Lạp, đã đâm vào tàu Mỹ) đột ngột quay ngoắt 90 độ, đâm thẳng vào tàu Mỹ. Việc tàu Liberia đổi hướng 90 độ có thể được giải thích theo ít nhất là hai cách, theo viên sĩ quan. Có thể chiếc tàu này đã đổi hướng vì « hoảng hốt » khi thấy tàu chiến Mỹ di chuyển từ hướng đối diện, nhưng cũng có thể chính con tàu này đã chủ động đâm thẳng vào sườn chiếc tàu Mỹ.
Nhận xét về đoạn video này, cựu chỉ huy Hải Quân Anh lưu ý : « Nếu bạn quan sát chuyển động của tàu Trung Quốc từ đầu, bạn có thể thấy tàu Trung Quốc bám sát đúng theo lộ trình của chiếc Alnic MC. Rồi, ngay trước khi chiếc tàu này quay đầu, tàu Trung Quốc đã chuyển hướng về phía phải… đúng vào lúc vụ va chạm xảy ra ».
Viên cựu sĩ quan hải quân cho rằng có thể « lộ trình » của hai tàu Mỹ và tàu Liberia đã bị đánh cắp, và tàu Trung Quốc « có thể đã » đóng một vai trò trong vụ đụng tàu nói trên. Hiện tại còn thiếu thông tin để đưa ra kết luận, đặc biệt là khi mà trong đoạn video nói trên không có lộ trình chính xác của tàu chiến Mỹ, do Vessel Finder chỉ là một trang mạng theo dõi hàng hải thương mại dân sự.
Trong khi đó, một cựu sĩ quan khác có một quan điểm khác, ông cho rằng tai nạn xảy ra là do tàu Mỹ đã có một động thái bất thường gây rối loạn giao thông vào thời điểm này.
Vẫn theo báo Úc, hiện tại Hải Quân Mỹ không loại trừ các nguyên nhân do phá hoại, bao gồm cả tấn công tin học, tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, chưa có bằng chứng rõ ràng nào để chứng minh cho giả thuyết về một âm mưu tấn công táo tợn như trên.
Vụ đụng tàu ở vùng biển Singapore là vụ đụng tàu thứ hai gây chết người, và ít nhất là tai nạn thứ tư của Hải Quân Mỹ từ đầu năm đến nay. Dù nguyên nhân gì đi chăng nữa, tai nạn nói trên làm gia tăng nghi ngờ vào năng lực của Hải Quân Mỹ, đúng vào lúc Hoa Kỳ đang phải tăng cường lực lượng tại khu vực Đông Bắc Á để sẵn sàng đối phó với đe dọa Bắc Triều Tiên, và liên tục thực hiện nhiều chuyến tuần tiễu bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Cơ hội « tuyệt vời » cho tuyên truyền Trung Quốc
Một loạt các vụ tai nạn tàu chiến Mỹ được báo chí Nhà nước Trung Quốc đăng tải rộng rãi, và được đưa ra như các bằng chứng cho thấy « sự hung hăng » và « những khuyết tật » của Hải Quân Mỹ. Trả lời AFP, ông James Char, một chuyên gia về an ninh khu vực, tại Đại học Nanyang, Singapore, nhận xét là : « Đứng từ quan điểm của Trung Quốc, đây là cơ hội tuyệt vời để tuyên truyền ». Vụ đâm tàu vừa xảy ra càng khiến quan điểm chống Mỹ của Trung Quốc có thêm trọng lượng, Bắc Kinh hy vọng thuyết phục được các nước châu Á là « đừng nên tin cậy vào Mỹ » để bảo đảm an ninh cho mình.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, các sự việc này cho thấy khả năng chiến đấu và chất lượng chỉ huy của Mỹ đã « suy yếu đồng loạt ». Tờ báo có tiếng thân cận với ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc bảo đảm là công chúng tại Trung Quốc hoan nghênh các vụ này, bởi họ « tức giận » trước các hoạt động quân sự của Mỹ trong vùng.
Một chuyên gia Nhật về chính trị quốc tế, tại Đại học Takushoko, cũng thừa nhận là các vụ đụng tàu không để lại những hệ quả cụ thể đáng kể về mặt quân sự, « các tổn thất về tâm lý », về niềm tin là lớn. Điều này lại càng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh Tokyo và Seoul lo ngại về các bảo đảm quân sự từ phía đồng minh Hoa Kỳ.
Hạm đội 7 : Thiệt hại nặng đối với hệ thống phòng thủ tên lửa
Về phần mình, giới quân sự Mỹ ắt hẳn đang xem xét kỹ lưỡng về những nguyên nhân và hệ quả của các tai nạn vừa qua, đặc biệt là vụ tàu USS John S. McCain bị đâm.
Taskandpurpose.com, một trang mạng của các cựu binh Mỹ, nhận xét : « Bi kịch USS McCain để lại một hệ quả khủng khiếp đối với hệ thống phòng vệ tên lửa Mỹ ».
Hai tàu USS John S. McCain và USS Fitzgerald, gặp nạn ở biển Nhật Bản hồi giữa tháng 6/2017, do đụng phải một tàu hàng Philippines nằm trong số tám khu trục hạm lớp Arleigh Burke, tức thế hệ tàu chiến hiện đại nhất của Mỹ, mà Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ phụ trách khu vực Thái Bình Dương được trang bị. Các tàu chiến lớp này sở hữu hệ thống tên lửa đạn đạo phòng vệ Aegis, có khả năng đánh chặn các tên lửa tầm trung, loại hỏa tiễn mà Bắc Triều Tiên đang dùng để đe dọa các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Việc hai khu trục hạm nói trên phải tạm thời ngừng hoạt động rõ ràng làm suy yếu rõ rệt khả năng tác chiến của Hạm Đội 7, đặc biệt trong lĩnh vực lá chắn tên lửa.
Nguyên nhân sâu xa : Huấn luyện không đủ ?
Military.com, một trang mạng chuyên về quân sự, của các quân nhân Mỹ tại chức cũng như về hưu, thì truy tìm các nguyên nhân căn bản dẫn đến một loạt tai nạn tàu chiến Mỹ ở Thái Bình Dương những tháng gần đây.
Nguyên nhân đầu tiên được các chuyên gia nêu ra là Hải Quân Mỹ đứng trước quá nhiều nhiệm vụ phải đáp ứng. 276 tàu chiến phải thực hiện tổng cộng 355 nhiệm vụ trên toàn cầu Số lượng tàu hạn chế đồng nghĩa là ít thời gian cho việc nghỉ ngơi, cũng như tập huấn. Thủy thủ đoàn thường xuyên phải làm việc với nhịp độ căng thẳng.
Tuy nhiên, tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại các vùng biển Thái Bình Dương, nơi Hải Quân Mỹ đang phải đối phó một loạt thách thức khẩn cấp. Một báo cáo hồi 2015 của Cơ Quan Kiểm Toán Chính Phủ Mỹ (Government Accountability Office/GAO), cho biết cụ thể là tàu chiến Mỹ - đồn trú tại Nhật Bản – dành đến 67% thời gian hoạt động cho các chiến dịch, phần còn lại cho các hoạt động bảo dưỡng, mà hoàn toàn không có thời gian cho các hoạt động tập huấn. Trong lúc các tàu đồn trú tại Mỹ giành đến 60% thời gian cho các hoạt động bảo dưỡng và huấn luyện.
Thiếu huấn luyện hiển nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc xử trí hiệu quả trước các tình huống trên thực địa, đặc biệt trong bối cảnh có đến 100 trên tổng số 300 thủy thủ của mỗi chiến hạm là người mới, theo quy chế luân chuyển thường niên của Hải Quân Mỹ.
Trả lời Military.com về tai nạn đầu tuần tại Singapore, ông Jerry Hendrix, một thuyền trưởng hồi hưu và chuyên gia thuộc một trung tâm nghiên cứu về an ninh (Center for a New Americain Security), nhấn mạnh đến tính chất phức tạp của vùng eo biển Singapore, tuyến đường hàng hải được coi là tấp nập nhất thế giới, đồng thời nêu thêm một lý do quan trọng khác. Đó là chỉ huy hạm đội Mỹ, ông Joseph Aucoin, người vừa bị cách chức, xuất thân là phi công của hải quân, chứ không phải là sĩ quan tác chiến trên tàu, điều chắc chắn làm hạn chế khả năng xử lý các tình huống phức tạp.


__._,_.___

Posted by: Truc Chi 

No comments:

Post a Comment