Saturday 5 August 2017

Chiến Tranh Trung-Ấn Có Thể Bùng Nổ? - Ai Sẽ Nắm Phần Thắng?

 

Mời bấm vào link:
Chiến Tranh Trung-Ấn Có Thể Bùng Nổ? - Ai Sẽ Nắm Phần Thắng?
Tuyết-Lan

Bạn thân mến,

Tuần này, thư này gửi đến Bạn một tin  kém vui là Tổng Thống Trump không được như ý trong nỗ lực bãi bỏ đạo luật Obamacare để thay thế một luật Bảo Hiểm Y Tế Toàn Dân tốt hơn, lý do vì có một số Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa “phản đảng” chạy theo đối phương “ăn cơm ta, nhưng lại chạy theo… tà” Bạn ạ! Cuộc bỏ phiếu đêm thứ Năm rạng sáng thứ Sáu kết quả 49 phiếu thuận, 51 phiếu chống trong đó có hai phiếu Cộng Hòa của TNS McCain (Arizona) và TNS Lisa Murkowski (Alaska).

Người ta nhận thấy rõ ràng là có vài đảng viên đảng Cộng Hòa đã “hư đốn” khi không bảo vệ Tổng Thống của đảng mình, chỉ lo làm chuyện phản phúc “ăn cây táo nhưng lại đi rào cây cam”, khác với đảng viên Dân Chủ luôn luôn bỏ phiếu NO đối với các dự luật của đảng Cộng Hòa. Các nhà bình luận chính trị cho rằng sự thất bại đối với việc bãi bỏ Obamacare sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các dân cử Cộng Hòa trong kỳ bầu cử Bán Kỳ 2018 sắp tới, các dân cử Cộng Hòa đã chẳng làm được điều gì cho cử tri của họ khi không hủy bỏ được đạo luật Y Tế mà đa số dân Mỹ bất mãn vì bị chính phủ Obama ép buộc phải tuân theo. Tổng Thống Trump cũng đã lên tiếng phê bình những dân cử Cộng Hòa không đồng ý bãi bỏ Obamacare, nói là họ sẽ lãnh hậu quả, có thể thất cử trong kỳ tới vì đã làm mất niềm tin của cử tri Cộng Hòa! Cử tri nào sẽ bỏ phiếu cho những Con Voi Phản Bội này nữa Bạn nhỉ? Buồn  và Chán thật Bạn ạ!

Bạn thân mến ơi, tuy chuyện bỏ phiếu tại Quốc Hội có phần buồn, nhưng chuyện tại Toà Bạch Ốc thì có tin vui. Đó là chuyện ông Anthony Scaramucci, Giám Đốc Truyền Thông mới toanh tại Toà Bạch Ốc, đang gây “sóng gió” khi công kích Giám Đốc Điều Hành Tòa Bạch Ốc Preibus cùng cố vấn Kế Hoạch Bannon và tuyên bố sẽ loại trừ những kẻ đã rò rỉ tin tức mật ra ngoài công luận. Anthony Scaramucci tỏ ra rất tự tin và hùng hổ khi bênh vực cung cách hành xử của Tổng Thống Trump. Scaramucci đề nghị nên loại hết những nhân viên của chính phủ Obama ra khỏi guồng máy chính quyền, để khỏi bị rò rỉ tin tức nội bộ một cách nguy hại.

Dư luận phê phán hành động của Scaramucci một cách gắt gao. Có người cho rằng Anthony Scaramucci sẽ không trụ được lâu! Chúng ta chỉ biết chờ xem thôi. Nhưng Tuyết-Lan lại rất lạc quan mà nhận định rằng biết đâu nhờ lối làm việc hùng hổ và liều mạng này của Scaramucci, mà Tòa Bạch Ốc sẽ được củng cố lại và chấm dứt chuyện rò rỉ tin tức cho báo chí khai thác, bàn ra tán vào… Cần có những người mạnh mẽ và cứng rắn như Giám Đốc Anthony Scaramucci để ngăn cản cái đám tay chân của Obama gài lại chuyên Phịa Tin & Xì Tin Giả cho đám “truyền thông bất lương” để hãm hại Tổng Thống Trump từ Bố đến Con, từ Chồng đến Vợ của đại gia đình Tổng Thống Trump Bạn ạ! Trong khi ở thời đại Obama, mọi chuyện êm ru bà rù, Đệ Nhất Phu Nhân Michelle vẫn mặc áo sát nách cùng Obama công du ngoại quốc, hai ái nữ vẫn bình thản ăn học cùng cưỡi Air Force One đi nghỉ mát và còn thản nhiên xài thử ma tuý nữa, có anh nhà báo CNN hoặc ABC, MSNBS nào dám xầm xì to nhỏ không?

Tuần này, Tuyết-Lan muốn mời Bạn thân mến lên máy bay trở về Châu Á, nơi hai con mãnh hổ Trung Cộng và Ấn Độ đang gầm gừ, nhe răng nguyên tử hù dọa nhau.
Một đài Truyền Hình của Nhà Nước Trung Cộng tuyên bố là nếu chiến tranh giữa Trung Hoa và Ấn Độ xẩy ra, lực lượng bộ binh và cơ giới Trung Cộng có thể chiếm Thủ Đô New Delhi của Ấn Độ trong vòng 48 giờ! Con cháu của Mao Xếnh Xáng nói thật, hay lại hù doạ nữa đây hở Bạn? Chúng ta chờ xem khi báo Trung Cộng hô hào “sẽ dạy cho Ấn Độ bài học thứ hai” khi gần một tháng nay, vấn đề biên giới Trung Cộng và Ấn Độ đã gia tăng, đầy căng thẳng và tranh chấp. Sự căng thẳng đã có lúc lên tới độ có thể xẩy ra xung đột quân sự.

Dù hai nước này đều mới chỉ lên giọng đe dọa và khiêu khích nhau, nhưng cũng đủ khiến cho thế giới lo ngại một cuộc chiến tranh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Một tờ báo ở thủ đô Delhi tường thuật là Trung Cộng cảnh báo là “đụng độ có thể leo thang đến cao điểm". Trong khi một tờ báo khác viết: "Trung Cộng đang chuẩn bị khả năng đối đầu trực diện". Tờ Global Times, phụ san của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Hoa, nhắc lại việc nước này đánh bại Ấn Độ vào năm 1962. Tờ báo này cũng dẫn lời tuyên bố của Trung Cộng nói nước này không sợ "chiến tranh" với Ấn Độ và sẵn sàng đối đầu lâu dài. Vẫn là luận điệu hăm doạ của kẻ xâm lăng xưa cũ, Bạn còn lạ gì phải không?

Nguyên nhân của cuộc tranh chấp biên giới mới này đã bùng lên hồi tháng 6, thời điểm Bắc Kinh bắt đầu xây dựng đường trên cao nguyên có tên Doklam (tiếng Ấn Độ), Trung Cộng gọi là Động Lãng là vùng đang tranh chấp… Từ xưa, Ấn Độ và Trung Hoa có đường biên giới chung dài 4,000 cây số, chưa được phân định rõ ràng vì toàn là núi cao hiểm trở.
Đây không phải là lần đầu tiên hai con mãnh hổ Châu Á này đối mặt với nhau ở biên giới, nơi các vụ đụng độ, xô xát lẻ tẻ giữa biên phòng hai nước vẫn thường xuyên xẩy ra. Năm 1967, khu vực này đã trải qua cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Cộng và Ấn Độ,   sau đó là thời kỳ căng thẳng dọc biên giới của tiểu bang Arunachal Pradesh (1986-1987) khi hai bên đưa quân đến sát biên giới. Theo chuyên gia chính trị Ajai Shukla, trong cuộc khủng hoảng ở Doklam lần này, New Delhi cho rằng Bắc Kinh đang thử thách cam kết của Ấn Độ với nước láng giềng Bhutan, bởi vì Trung Cộng luôn luôn bất mãn với mối quan hệ Ấn Độ-Bhutan tại ngã ba biên giới.

Ngày 18-7-2017, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, Lục Khảng ngang ngược yêu cầu quân Ấn Độ lập tức rút khỏi khu vực biên giới Doklam để tránh "tình hình căng thẳng có thể leo thang xa hơn". Cũng trong ngày 18-7, Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Cộng viết rằng Bắc Kinh sẵn sàng cho cuộc chiến tranh tổng lực lâu dài với Ấn Độ.
Bạn thân mến ơi, liệu Ấn Độ có đủ sức mạnh quân sự để đối phó chiến tranh tổng lực của Trung Cộng hay không? Theo báo Globalfirepower, quân đội Ấn Độ hiện có 4,2 triệu người (gồm cả quân chính quy lẫn lực lượng trừ bị). Nguồn ngân sách quốc phòng Ấn Độ được chia đều cho cả 3 binh chủng Lục Quân, Không Quân và Hải Quân. Ngoài ra, năng lực hạt nhân Ấn Độ cũng không thể xem thường.

Về Không Quân, các chiến đấu cơ Ấn Độ không chỉ tấn công trực diện kẻ thù, mà còn cung cấp mạng lưới trinh sát, do thám và hoạt động đặc biệt với 2,102 phi cơ, gồm 676 chiến đấu cơ, 857 máy bay vận tải và 666 trực thăng. Nổi bật nhất trong ngành Không Quân Ấn Độ là chiến đấu cơ Su-30MKI (Nga) và siêu vận tải cơ C-17 Globemaster III (mua từ Mỹ). Ấn Độ còn có hỏa tiễn đạn đạo BrahMos gắn trên chiến đấu cơ là vũ khí mạnh nhất do liên doanh Ấn Độ-Nga sản xuất. Hỏa tiễn này đạt tốc độ tối đa tới 3,000 km/giờ, tầm bắn 450km và có thể mang đầu đạn hạt nhân đối phương không thể đánh chặn.

Về Hải Quân, lực lượng hải quân Ấn Độ đứng thứ 5 trên thế giới với 295 tàu chiến. New Delhi có một hạm đội hùng hậu gồm tàu ngầm chiến thuật, tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm diesel-điện. INS Vikramaditya là Hàng Không Mẫu Hạm duy nhất của Ấn Độ mua từ Nga. New Delhi cũng đang đóng mới một Hàng Không Mẫu Hạm nội địa đầu tiên. Hạm đội Hàng Không Mẫu Hạm Ấn Độ là lực lượng nòng cốt bảo vệ quyền lợi của nước này ở Ấn Độ Dương, biển Ả Rập, vịnh Bengal và Biển Đông.

Về Lục Quân, Bộ Binh Ấn Độ là một trong những lực lượng đa năng nhất trên thế giới, là xương sống đối với đất nước có số dân 1,311 tỷ người (theo số liệu Thống Kê năm 2015).
Với 2 triệu binh sĩ chính quy được chia làm 35 sư đoàn và 13 quân đoàn. Theo đánh giá của Globalfirepower, sức mạnh Lục Quân Ấn Độ chỉ xếp sau Trung Cộng và Mỹ.
Tướng Bipin Rawat của Ấn Độ tuyên bố: “Lực lượng bộ binh đông đảo và hùng hậu đảm bảo khả năng chiến đấu đồng thời trên cả hai mặt trận trước Pakistan và Trung Cộng.”
Quân lực Ấn Độ có 4,426 xe tăng chiến đấu chủ lực, gồm cả loại T-90 hiện đại nhất (của Nga). T-90 của Ấn Độ được cho là có năng lực vượt trội hơn “vua tăng” Type 99 của Trung Công. T-90 phần nào chứng minh năng lực trên chiến trường Syria, còn Type 99 chưa từng tham chiến.

Ngoài ra, các binh sĩ Ấn Độ cũng được yểm trợ bởi 6,704 xe bọc thép tấn công, 290 khẩu pháo tự hành và 7,414 lựu phóng pháo 155mm, tầm bắn tối đa 45km. Ấn Độ hiện có 130 vũ khí hạt nhân, tầm bắn chiến thuật ngắn nhất 150km và xa nhất lên tới 8,000km.
Đáng chú ý nhất trong kho vũ khí hạt nhân Ấn Độ là hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa Agni-5. Agni-5 đủ sức mang theo đầu đạn hạt nhân 1,5 tấn. Hỏa tiễn này đủ khả năng bắn trúng mọi mục tiêu trong lãnh thổ Trung Cộng. Thống kê của tổ chức giám sát vũ khí vào tháng 7.2017 cho biết, Ấn Độ có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 7 trên thế giới.

Xem như vậy thì bằng cách nào quân Trung Cộng có thể tiến vào thủ đô Ấn Độ trong vòng 48 tiếng đồng hồ như đã khoác lác hở Bạn? Theo India Express, đài The International Spectator, truyền hình nhà nước Trung Cộng cũng tuyên bố lính Nhẩy Dù nước này có thể hiện diện ở New Delhi chỉ 10 giờ sau khi chiến tranh nổ ra!
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ chỉ cách đường kiểm soát thực tế (LAC) khoảng 321km. LAC là nơi ngăn cách giữa lãnh thổ Ấn Độ kiểm soát và nơi Trung Cộng kiểm soát. Đường kiểm soát thực tế ở các khu vực Jammu và Kashmir, Himachal Pradesh và Uttar Pradesh đều là vùng núi cao vài ngàn mét so với mặt nước.

Giới phân tích chiến thuật nhận định: rất khó để quân Trung Cộng tiến sâu vào lãnh thổ Ấn Độ một cách nhanh chóng do địa thế núi non. Đó là chưa nói đến sự chống trả mãnh liệt của quân Ấn Độ.
Có lẽ Trung Cộng cho rằng có xe tăng (chiến xa) thì tiến quân vào lãnh thổ địch rất dễ dàng chăng? Trung Cộng biết rõ là chiến xa và xe cơ giới ngày nay chỉ làm mồi cho hỏa tiễn và bom từ phi cơ oanh tạc… Trung Cộng quên rằng bắt đầu từ năm 2016, quân đội Ấn Độ đã tăng cường bộ binh dọc LAC, với chiến xa T-72 cắm chốt ở các địa điểm trọng yếu. Các sân bay được cải tiến cũng giúp chiến đấu cơ Ấn Độ tiếp viện cho biên giới hiệu quả hơn.
Ngoài ra hệ thống hỏa tiễn hành trình BrahMos, phóng từ mặt đất, với mục đích phòng thủ sẽ không “tha” cho các đoàn chiến xa hoặc phi cơ của Trung Cộng.

Do đó, lời tuyên bố “chiếm thủ đô New Delhi của Ấn Độ trong vòng 48 giờ” chỉ là ảo tưởng, hoàn toàn bất khả thi. Trừ phi, Trung Cộng dùng vũ khí nguyên tử tiêu diệt hết các cứ điểm phòng thủ của Ấn Độ. Trong trường hợp này, chắc chắn Ấn Độ sẽ không ngồi yên và sẽ đáp lại bằng vũ khí hạt nhân.
Một cựu tướng lãnh quân đội Ấn Độ, ông Gurmeet Kanwal nói: “Tuyên bố như vậy thật phi lý. Họ nói có thể đưa lực lượng bộ binh cơ giới đến New Delhi trong 48 giờ. Làm sao họ vượt qua dãy Himalaya nhanh như vậy?” Có lẽ họ dùng phép thuật tàng hình độn thổ Bạn ạ!
Cựu đại tá quân đội Ấn Độ Rohit Agarwal cho rằng “lực lượng bộ binh cơ giới và thiết giáp Trung Cộng xâm nhập khu vực vùng núi phía đông bắc Ấn Độ một cách nhanh chóng là điều không thể”.
“Khi nhắc đến bộ binh cơ giới, chúng ta phải nhìn vào địa hình. Đội quân đó sẽ đến từ đâu? Toàn bộ khu vực biên giới đông bắc Ấn Độ là vùng núi cao hiểm trở. Nếu họ sử dụng tuyến đường đó, đội quân cơ giới có thể xâm nhập như thế nào?”

Cựu đại tá Agarwal nói về lực lượng Nhẩy Dù Trung Cộng, khả năng các binh sĩ này nhẩy xuống New Delhi là điều có thể xảy ra. “Nhưng thủ đô Ấn Độ chắc chắn sẽ được bảo vệ bằng hỏa lực mạnh và xe tăng. Đơn vị lính Dù với trang bị gọn nhẹ nhẩy xuống New Delhi và bị chia cắt với các lực lượng khác chỉ là tự sát”.
Đúng là báo chí Trung Cộng khoác lác “vô sư vô sách” làm trò cười cho thiên hạ. Làm sao máy bay vận tải chở lính Nhẩy Dù có thể an toàn vào vùng trời thủ đô New Delhi khi ở đây có lực lượng Phòng Không dầy đặc? Ngoài ra, lính Dù nhẩy xuống New Delhi sẽ làm được gì?
Bạn có biết sức mạnh quân sự của Trung Cộng như thế nào không?
Trước hết, mặc dù là lực lượng có quân số đông đảo nhất thế giới nhưng quân đội Trung Cộng chỉ mới đang trong quá trình hiện đại hóa, với ngân sách quốc phòng $152 tỷ.

Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Cộng (PLA) thành lập năm 1972, bao gồm Lục Quân, Hải Quân, Không Quân, Pháo Binh và Cảnh Sát Vũ Trang là lực lượng nòng cốt bảo vệ Trung Cộng.
Trung Cộng có luật công dân từ 18 đến 49 tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Nhưng do số lượng người tình nguyện gia nhập PLA mỗi năm đều cao, nên Bắc Kinh không bắt buộc mọi công dân phải nhập ngũ.

Sau đây là đánh giá của báo Globalfirepower về năng lực quân sự Trung Cộng:

Về Không Quân
Không Quân Trung Cộng (KQTC) thành lập năm 1949 với 400,000 người, là lực lượng đông đảo nhất ở Châu Á. Binh chủng này hiện vẫn đang trong giai đoạn loại bỏ các máy bay cũ từ thế kỷ trước, để cải biến các chiến đấu cơ mới hiện đại và không chiến tốt hơn. KQTC có tổng cộng 2,955 máy bay, bao gồm 1,271 chiến đấu cơ, 782 máy bay vận tải và 912 trực thăng. Trung Cộng tự chế tạo các loại chiến đấu cơ nội địa như Shenyang J-11, J-31 và Chengdu J-10, J-20.
Nhưng các mẫu chiến đấu cơ hiện đại nhất của nước này đều mua từ Nga như Sukhoi Su-30MKK, Su-35. Trung Cộng cũng có phi đội ném bom chiến lược tầm xa Xian H-6K, H-8 và H-20. Đây là các máy bay ném bom Trung Cộng tự sản xuất dựa trên bản quyền thiết kế của Nga.

Các chuyên gia đánh giá, Trung Cộng không chỉ có số lượng chiến đấu cơ gấp đôi Ấn Độ, mà các phi đội máy bay này còn dễ dàng chiếm ưu thế ở khu vực biên giới phía tây với Ấn Độ nhờ các sân bay quân sự ở Tây Tạng, Tân Cương.
Nhưng các máy bay này cũng không thể tiến sâu vào lãnh thổ Ấn Độ vì phạm vi hoạt động hiệu quả hạn chế. Các chiến đấu cơ thế hệ 5 của Trung Cộng như J-20, J-31 đều là mẫu máy bay mới nhất mà Ấn Độ không có phiên bản đối trọng tương ứng.
Tuy nhiên, khi xẩy ra chiến tranh với Ấn Độ, Trung Cộng có chắc chắn là không gặp những bất trắc từ các sân bay Tây Tạng và Tân Cương hay không. Tây Tạng và Tân Cương là hai nước ngấm ngầm chống lại sự cai trị của Trung Cộng từ nhiều đời.

Về Hải Quân
Hải Quân Trung Cộng là binh chủng yếu nhất, bởi Bắc Kinh chỉ mới tập trung phát triển Hải Quân được hơn một thập kỷ qua.
Lực lượng chiến hạm Trung Cộng tuy đông đảo với 714 tàu, nhưng hầu hết đều đã lỗi thời. Bắc Kinh hiện chỉ có 5 tàu ngầm hạt nhân nhưng chỉ 4 tàu Loại 094 lớp Jin, lượng giãn nước 11.000 tấn là đủ khả năng tung đòn tấn công hạt nhân.
Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh nằm trong nhóm tác chiến tàu sân bay đầu tiên của Trung Cộng. Theo các chuyên gia, nếu chiến tranh với Ấn Độ nổ ra, khả năng Hàng Không Mẫu Hạm này trải qua hành trình ngàn hải lý đến Ấn Độ Dương là  điều bất khả thi.

Về Lục Quân
Lục Quân Trung Cộng hiện là lực lượng đông đảo nhất trên thế giới với 2,3 triệu quân chính quy. Quân đội Trung Cộng dày dạn kinh nghiệm chiến trường, từng trải qua nội chiến, Thế chiến thứ 2, chiến tranh Triều Tiên và các cuộc chiến tranh biên giới.

Phương tiện chiến đấu của Lục Quân cũng hết sức phong phú với 6,457 xe tăng chiến đấu chủ lực, đáng chú ý nhất là hơn 1,000 chiếc Loại 99 hiện đại nhất.
Trung Cộng cũng có 4,788 xe cơ giới bộ binh, 1,710 pháo tự hành, 6,246 phóng lựu và 1,770 ống phóng rocket.
Giống như trong chiến tranh biên giới Ấn Độ năm 1962, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không tận dụng ưu thế bộ binh trước quân đội Ấn Độ vì địa hình núi cao hiểm trở và các tuyến đường nối liền biên giới vẫn còn khá sơ sài.

Về Vũ khí hạt nhân
Theo thống kê của tổ chức kiểm soát vũ khí, Trung Cộng hiện có 270 vũ khí hạt nhân.
Loại hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Cộng có tầm bắn tới 15,000km, tốc độ tối đa 30,000 km/giờ và mang theo 10 đầu đạn hạt nhân.
Trung Cộng cũng vượt trội hơn Ấn Độ khi sở hữu các hệ thống đánh chặn hỏa tiễn đạn đạo, ngăn các mối đe dọa tầm xa bay đến lãnh thổ.
Các chuyên gia nhận định, đòn tấn công hạt nhân của Trung Cộng chắc chắn sẽ mạnh mẽ và gây thiệt hại nhiều hơn so với vũ khí hạt nhân Ấn Độ.

Ngoài ra, các tàu ngầm Trung Cộng cũng có thể phóng 90 quả tên lửa đạo đạo từ dưới mặt nước (SLBM), khiến Ấn Độ không có thời gian để kịp phản ứng.
Những đánh giá này chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, nếu xẩy ra chiến tranh với bất cứ nước nào, Trung Cộng cũng sẽ bất lợi. Bởi vì, Trung Cộng hiện có quá nhiều kẻ thù truyền kiếp. Những quốc gia này luôn ngấm ngầm chờ thời cơ để quật khởi. Đó là Tây Tạng, Tân Cương, Nhật Bản, Việt Nam, đặc biệt là Đài Loan luôn luôn nuôi chí giải phóng lục địa. Do đó, chắc chắn Trung Cộng chỉ hù dọa chứ chẳng dám động thủ. Lời đe dọa của Trung Cộng chỉ có thể làm cho Cộng sản Việt Nam sợ, chứ chẳng ai coi ra gì.

Trong tuần qua, tại hội nghị vế An Ninh ở Đại Học Quốc Gia Úc, một học giả Úc đặt câu hỏi rằng liệu Đô Đốc Swift có sẵn sàng ra lệnh tấn công hạt nhân Trung Cộng ngay tuần tới nếu Tổng Thống Mỹ Donald Trump ra lệnh hay không, ông Swift nói: “Câu trả lời là: Có”. (Theo ABC News). Hội nghị diễn ra sau cuộc tập trận chung giữa hai nước ở ngoài khơi Úc. Một tàu do thám Trung Cộng được xác định âm thầm theo dõi hoạt động tập trận của Mỹ-Úc từ phía đông bắc.

Đô Đốc Swift giải thích: “Mọi thành viên của quân đội Mỹ đều tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp trước mọi kẻ thù trong và ngoài nước. Họ tuân thủ mọi mệnh lệnh của cấp trên và Tổng Thống Mỹ”, lời này ám chỉ việc mọi binh sĩ quân đội đều phải trung thành với Tổng Thống Donald Trump Bạn ạ!

Thư đã dài, tạm ngưng ở đây Bạn nhé! Thân mến chào Bạn. Hẹn Bạn thư sau
Tuyết-Lan.

__._,_.___

Posted by: "Peoplevoiceonline .com" 

No comments:

Post a Comment