Những
ẩn số và biến số trên bàn cờ Biển Đông
Nguyễn Quang Duy
“Ai kiểm soát Biển Đông sẽ thống trị châu Á, và bất cứ ai thống
trị châu Á sẽ thống trị thế giới.” (Alexander
Vuving, “Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông”, Đại sử ký Biển Đông, 21/2/2016).
Trong báo cáo “Asia-Pacific
Rebalance 2025: Capabilities, Presence, and Partnerships”, CSIS, January 19,
2016), các chuyên gia CSIS đã cảnh báo rằng Trung Quốc trỗi dậy là “thách
thức chính” đối với Mỹ, và “đến
năm 2030 thì Biển Đông hầu như sẽ trở thành cái ao của Trung Quốc” (“by
2030 the South China Sea will be virtually a Chinese lake”). Liệu
Việt Nam và Mỹ có muốn điều đó không, và có thể làm gì để ngăn chặn điều đó?
Biển Đông lại nổi sóng
Đầu tháng
5/2014, Trung Quốc kéo dàn khoan khổng lồ HD891 vào vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam tại Biển Đông, tạo ra khủng hoảng và bước ngoặt trong quan hệ
Việt-Trung. Nếu sự kiện đó là “tập một” trong chiến lược giàn khoan (oil rig
offenssive) thì những gì đang diễn ra có thể là “tập hai”, nhằm từng bước biến
Biển Đông thành cái ao của Trung Quốc (nếu Mỹ và các nước khác hành động quá ít
và quá chậm). Ngày 16/6/2017, Trung Quốc lại thông báo giàn khoan HD981 “sẽ
hoạt động ngay gần cửa vịnh Bắc Bộ trong 3 tháng…”
Trong
khi HD891 tiếp tục di chuyển xuống phía Nam thì Trung Quốc triển khai khoảng 40
tàu hải giám (và máy bay Y8) tại khu vực quanh bãi Tu Chính (Vanguard
Bank) để ngăn cản Việt Nam triển khai dự án khai thác dầu Cá
Rồng Đỏ (lô 136-3) cách Vũng Tàu khoảng 450km (trong vùng đặc quyền
kinh tế Việt Nam), do PetroVietnam hợp tác với Talisman (nay là Repsol của Tây
Ban Nha). Theo Carl Thayer (UNSW) có
khả năng xảy ra đụng độ trong những ngày tới. Lê
Hồng Hiệp (ISEAS) cũng nhất trí: “Nếu
Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình và tiếp tục thăm dò, thì đương
nhiên sẽ xảy ra đụng độ với Trung Quốc”.
Biển
Đông lại nổi sóng và kịch bản cũ dường như đang được lặp lại, nhưng trong một
bối cảnh mới khó dự đoán hơn, vì có nhiều ẩn số và biến số. Theo
Bill Hayton (BBC, 26/6/2017), tướng Phạm Trường Long đã đến Tây Ban Nha trước
khi đến Việt Nam (có lẽ để yêu cầu chính phủ Tây Ban Nha ép Repsol bỏ cuộc). Chưa
biết Việt Nam sẽ nhượng bộ hay sẽ thách thức Trung Quốc. Lúc này có thể Trung
Quốc chưa sẵn sàng làm liều, vì họ còn đang bận chuẩn bị Đại hội Đảng 19 (vào
cuối năm nay) và đang triển khai chiến dịch lấy lòng người (Charm Offensive) để
quảng cáo cho quốc sách “Một vành đai, Một con đường”.
Trong khi đó,
dư luận Việt Nam (và quốc tế) đang ồn ào về sự kiện tướng Phạm Trường Long (phó
chủ tịch quân ủy TW) và phái đoàn quân sự cấp cao Trung Quốc đến Hà Nội
(18/6/2017) đã đột ngột bỏ về. Tại sao tướng Long đến rồi lại đột ngột bỏ về?
Nguyên nhân gì làm quan hệ Việt-Trung căng thẳng? Liệu có dẫn đến xung đột hay
không? Ý nghĩa của hợp tác chiến lược Viêt-Mỹ/Việt-Nhật? Và những biến số trên
bàn cờ Biển Đông?
Để làm rõ các
câu hỏi đó, cần đặt chúng trong bối cảnh mới. Quan hệ Viêt-Trung có nhiều vấn
đề, nhưng tranh chấp Biển Đông vẫn là then chốt nhất, vì nó không chỉ liên quan
đến quan hệ song phương Việt-Trung (như Trung Quốc muốn) mà còn liên quan đến
nhiều nước khác ngoài ASEAN, đặc biệt là tam giác Mỹ-Trung-Nhật. Những biến
chuyển trong quan hệ Viêt-Mỹ và Việt-Nhật gần đây đã tác động trực tiếp đến
quan hệ Việt-Trung.
Tại sao Phạm Trường Long đột ngột bỏ về?
Sau hai chuyến
đi Mỹ và Nhật (liền nhau) của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với kết quả đạt được
về kinh tế và an ninh, chắc chắn Trung Quốc khó chịu và phản ứng. Tại sao lần
này Bắc Kinh lại cử tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong) chứ không phải Dương
Khiết Trì hay Trương Cao Lệ (như lần trước)? Có lẽ vì vấn đề cốt lõi trong
chuyến đi Mỹ và Nhật của Thủ tướng Phúc là hợp tác quốc phòng. Tuy vấn đề
thương mại (ký được hợp đồng $8 tỷ với Mỹ) cũng quan trọng, nhưng không quan
trọng bằng thỏa thuận về quốc phòng.
Về điểm này, tôi tán thành nhận xét của Lê Hồng Hiệp: “đáng
chú ý là nội dung về hợp tác quốc phòng giữa hai bên, Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng
như Việt Nam và Nhật Bản, được nêu bật, đặc biệt là trong tuyên bố chung giữa
Việt Nam và Hoa Kỳ, hai bên thảo luận việc để tàu sân bay của Hoa Kỳ vào cảng
Cam Ranh. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến cho Trung Quốc không cảm thấy
thoải mái, và rõ ràng là Trung Quốc muốn gây sức ép để Việt Nam không nghiêng
quá gần về phía Hoa Kỳ hay Nhật Bản, vì Hoa Kỳ và Nhật Bản là những đối thủ
cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong khu vực này”. (ISEAS,
June 20, 2017).
Hà
Nội có biết trước là Bắc Kinh sẽ phản ứng không? Chắc chắn là biết. Nhưng Việt
Nam bị mắc kẹt (như “catch- 22”) giữa hai nước lớn, nên buộc phải cân
bằng quan hệ trong tam giác Mỹ-Trung-Việt. Tuy không muốn làm mất lòng Trung
Quốc, nhưng Việt Nam phải tăng cường hợp tác với Mỹ và Nhật vì lợi ích sống còn
(cả kinh tế và an ninh). Vì vậy, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phải đi thăm
Trung Quốc (11-15/5/2017) trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm Mỹ
(29-31//2017). Đó là nước cờ “ngoại giao phòng ngừa” để cân bằng quan hệ
với hai nước lớn, nhưng có thể không đủ để xoa dịu Bắc Kinh, vì lợi ích cốt lõi
của hai bên khác nhau tới mức không thể dung hòa. Xã
luận Thời báo Hoàn Cầu chỉ trích Việt Nam ngay khi tướng Long đến Hà Nội. Họ
lớn tiếng kẻ cả khuyên ta “chọn bạn mà chơi”, ám chỉ Việt Nam không được
xích lại quá gần Mỹ và Nhật (Global Times, May 18, 2017).
Ngày 18/6/017, thượng
tướng Phạm Trường Long cùng một đoàn sỹ quan cao cấp gồm tư lệnh mặt trận Phía
Nam (Viên Dự Bách), Phó Tổng tham mưu trưởng Liên quân (Thiệu Nguyên Minh),
Tham mưu trưởng Lục quân (Lưu Chấn Lập), Phó Tư lệnh Hải quân (Lưu Nghị), Phó
Chính ủy Không quân (Tống Côn), và Đại sứ Hồng Tiểu Dũng, đã đến Hà Nội. Tướng
Long đã gặp các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam. Đây
là lần đầu tiên từ sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn
(3/2016), Trung Quốc cử một đoàn quân sự cấp cao như vậy đến Việt
Nam, chắc không phải vô cớ.
Theo New
York Times (21/6/ 2017), Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông
báo chương trình Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ 4 đã
bị hủy vì “những
lý do liên quan đến sắp xếp” giữa hai nước. Nhưng nguyên nhân thực sự là
tướng Long “đã
tỏ ra giận dữ trong hội đàm kín” về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và
hoạt động ngoại giao tích cực của Việt Nam với Mỹ và Nhật vừa qua. Tướng Long
đã cắt ngắn chuyến thăm và rời Việt Nam tối 18/6 mà không công bố nguyên nhân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tránh né không giải thích, trong khi
báo chí chính thống của Việt Nam không đưa tin. Trong hội đàm chính thức với
Việt Nam, tướng Long nhấn mạnh “toàn
bộ các đảo ở Biển Nam Hải đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời thượng cổ”.
Báo chí chính thống của Việt Nam cũng không đưa tin. (Vào lúc đó các báo đài
bận kỷ niệm “ngày báo chí cách mạng” 21/6).
Nguyên nhân căng thẳng Viêt-Trung
Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước sức ép to
lớn và thách thức nan giải, cả về kinh tế lẫn an ninh, buộc chính phủ phải đổi
mới thể chế và điều chỉnh chiến lược nước lớn sang tư thế “tái cân bằng tích
cực” (pro-active rebalancing). Muốn duy trì tính chính danh của chế độ trước
cộng đồng quốc tế và cộng đồng dân tộc, khi dân chúng đã mất lòng tin và bất
bình (vì kinh tế xuống dốc, ô nhiễm môi trường, chiếm dụng đất đai, vi phạm
nhân quyền, và phụ thuộc Trung Quốc), Đảng buộc phải tuyên bố thúc đẩy tái cơ
cấu kinh tế (nghị quyết TW5) chống tham nhũng và điều chỉnh quan hệ với các
nước lớn, để tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Có ba nhóm vấn đề chính cần tháo gỡ. Thứ nhất,
kinh tế tiếp tục suy thoái và tụt hậu, ngân sách thâm hụt (thu không đủ chi) vì
nợ công quá lớn và nợ nước ngoài đến hạn, nếu không tái cơ cấu kinh tế một cách
thực chất thì không thể chặn được đà này. Thứ hai, sau khi Mỹ rút khỏi TPP thì
Việt Nam bị hẫng hụt, nếu không đổi mới thể chế và tăng cường hợp tác quốc tế
(với Mỹ, Nhật và EU) thì không thể duy trì được tăng trưởng. Thứ ba, hầu như ai
cũng muốn thoát Trung, vì đất nước phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về kinh
tế và chính trị nên ngày càng rủi ro và nguy hiểm cho độc lập và chủ quyền quốc
gia. Nếu không điều chỉnh quan hệ với các nước lớn đồng thời tăng cường nội lực
thì không thể thoát Trung được.
Nếu
Trung Quốc muốn “trùm chăn” từng nước láng giềng bằng quan hệ song phương để dễ
bắt nạt thì các nước (ASEAN) phải tung chăn ra và liên kết lại để cùng đối phó
(tại Biển Đông). Tuy Trung Quốc có thể dễ dàng bẻ gãy từng chiếc đũa, nhưng khó
lòng bẻ gãy cả bó đũa. Nếu bó đũa ASEAN còn yếu, họ càng phải tăng cường liên
kết ngoài ASEAN (với Mỹ, Nhật, Ấn, Úc). Xung
quanh chuyến đi Mỹ và Nhật của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có những động thái
mới đáng chú ý, được phản ánh trong nội dung Tuyên Bố Chung.
Ngày
22-25/5/2017, Mỹ chuyển giao cho Cảnh sát Biển Việt Nam một tàu tuần duyên (lớp Hamilton,
trọng tải 3250 tấn) và 6 xuồng tuần tra tốc độc cao (trong số 18 chiếc đã thỏa
thuận). Ngày 2/6/2017, khu trục hạm USS John S. McCain đã đến
Cảng Quốc tế Cam Ranh trong khi TNS John McCain dẫn đầu phái đoàn Ủy ban Quân
lực Thượng viện (cùng Hạ viện Mỹ) đang thăm Việt Nam, đã gặp Chủ tịch nước Trần
Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô
Xuân Lịch. Sau đó TNS McCain đã đến Cam Ranh thăm tàu USS John S. McCain. Đó là
một sự kiện mang ý nghĩa tượng trưng cao. Ngày 11-15/6/2017, tàu USS
Coronado (LCS 4) lại đến Cảng Quốc tế Cam Ranh để thực hiện chương
trình bảo dưỡng dự phòng viễn dương trong khuôn khổ “chuyến
thăm kỹ thuật”. Một ngày không xa, người ta có thể thấy tàu sân bay Mỹ cập
Cảng quốc tế Cam Ranh.
Ngày 20/5/2017, tàu
sân bay trực thăng JS Izumo (tàu chiến lớn nhất của Nhật) đã
đến Cảng quốc tế Cam Ranh để tham gia chương trình “Đối tác Thái Bình Dương
2017” (PP17) tại Khánh Hòa. Cùng đến Cam Ranh để tham gia
chương trình PP17 còn có tàu khu trục JS
Sazanami của Nhật và tàu vận tải cao tốc USNS Fall River của
Mỹ. Ngày 13/6/2017, tàu tuần dương JS Echigo của Nhật lại đến
cảng Tiên Sa, Đà Nẵng để tham gia chương trình huấn luyện chung với Bộ tư lệnh
Cảnh sát Biển Vùng 2 về phối hợp hoạt động trên biển. Nói cách khác, những hoạt
động hợp tác hải quân nói trên là một sự răn đe đối với Trung Quốc.
Liệu căng thẳng có dẫn đến xung đột?
Việt Nam bị sức ép phải duy trì tốc độ tăng
trưởng nên buộc phải tăng cường khai thác dầu khí tại Biển Đông, mặc nhiên sẽ
đụng chạm tới cái mà Trung Quốc coi là lợi ích của họ. Trung Quốc sẽ tìm mọi
cách ngăn cản các hoạt động này của Việt Nam. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu
mâu thuẫn Việt-Trung tăng lên khi Việt Nam tiếp tục khai thác dầu khí, và tăng
cường hợp tác hải quân với Mỹ và Nhật, qua hai chuyến đi của ông Phúc. Có lẽ
đây là nguyên nhân chính làm quan hệ Viêt-Trung căng thẳng, và làm tướng Long
bỏ về sớm. Tuy đây là “một chuyện chưa từng có tiền lệ” (theo lời ông
Nguyễn Vinh Quang, cựu phó Đại sứ VN tại Trung Quốc), nhưng có thể Bắc Kinh đã
tính toán từ trước, chứ không phải ngẫu nhiên.
Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm
lục địa của mình là một việc chính đáng, không làm phức tạp thêm tình hình vì
Việt Nam có chủ quyền ở đó theo Luật Biển của LHQ. Nhưng nếu Trung Quốc phản
đối và ngăn cản bằng vũ lực thì họ sẽ thách thức quan hệ Việt-Trung, tạo ra
khủng hoảng mới, ngang bằng (thậm chí lớn hơn) vụ khủng hoảng giàn khoan tháng
5/2014. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, chắc cả hai bên đều không muốn xảy
ra xung đột (vì chưa sẵn sàng). Nhưng liệu trong thời gian tới, hai bên có thể
ngăn chặn được xung đột hay không, vẫn là một câu hỏi khó đoán (vì còn nhiều ẩn
số và biến số). Nhưng cả hai bên đều không thể nhượng bộ, vì phải giữ thể diện
và lợi ích cốt lõi. Tuy lần này chưa xảy ra bạo loạn (như tháng 5/2014), nhưng
khó kiềm chế được người dân biểu tình chống Trung Quốc.
Trong trường hợp Việt Nam rút các tàu thăm dò của mình về thì vô
hình trung thừa nhận khu vực đó có tranh chấp, và như vậy phải từ bỏ lợi ích
sống còn của mình cho Trung Quốc. Nếu Trung Quốc bỏ qua vụ này, thì vô hình
trung họ chấp nhận “một tiền lệ nguy hại cho chiến lược Biển Đông của Trung
Quốc” (theo Alexander Vuving). Chính vì phải giữ thể diện và lợi ích quốc gia
mà hai bên khó hóa giải được mâu thuẫn. Nếu Trung Quốc đưa lực lượng Hải giám
(và giàn khoan HD891) tới áp đảo, mà Việt Nam vẫn không chịu lùi bước, thì xác
xuất rủi ro xung đột rất cao. Nếu Trung Quốc dấn tới, họ sẽ thách thức không
chỉ Việt Nam mà còn nhiều nước khác trong và ngoài khu vực có lợi ích về tự do
hàng hải ở Biển Đông. Vấn đề là thái độ phản ứng của Mỹ và Nhật thế nào? Tuy họ
chia sẻ với Việt Nam về tầm nhìn chiến lược tại Biển Đông, nhưng họ chưa phải
là đồng minh chiến lược, mặc dù lợi ích chiến lược của chính họ cũng khó cho
phép họ làm ngơ. Hàng năm lưu lượng hàng hóa đi qua Biển Đông là hơn $5,000 tỷ
(bằng gần một nửa thương mại quốc tế), trong đó riêng Mỹ chiếm $1,200 tỷ.
Nếu
Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình và tiếp tục thăm dò dầu khí tại dự án Cá
Voi Xanh (lô 118) và Cá Rồng Đỏ (lô 136-3), thì có
thể xảy ra đụng độ với Trung Quốc.
Từ sau vụ khủng hoảng giàn khoan (5/2014),
quan hệ Việt-Trung đã tốt hơn. Việt Nam vừa cảnh giác, vừa cố gắng cải thiện
quan hệ với Trung Quốc, đồng thời tăng cường hợp tác với các đối thủ chiến lược
của Trung Quốc là Mỹ, Nhật, và lôi kéo sự quan tâm của EU và các nước khác tới
Biển Đông. Quan trọng hơn, các sáng kiến hợp tác quốc phòng cụ thể giữa Việt
Nam với Mỹ và Nhật cũng được nêu bật trong các tuyên bố chung trong hai chuyến
đi Mỹ và Nhật mới đây của Thủ tướng Phúc. Các tuyên bố này nhấn mạnh lập trường
cứng rắn của Việt Nam với Mỹ và Nhật về Biển Đông Mỹ và Nhật bắt đầu chuyển
giao cho Việt Nam tàu tuần duyên và xuồng tuần tra, và giúp Việt Nam nâng cao
năng lực hàng hải. Những động thái nói trên chắc làm Bắc Kinh tức giận và phản
ứng.
Cho dù lý do thực sự làm tướng Long bỏ về là cố ý (hay bị “mời về”) thì sự
cố đó không phải là một tín hiệu tốt cho quan hệ hai nước. Vì vậy trong thời
gian tới có thể xảy ra một làn sóng căng thẳng mới trong quan hệ Việt-Trung.
Theo
Carl Thayer, nếu tướng Long khẳng định “Nam Hải (Biển Đông) là lãnh thổ
Trung Quốc từ thời xa xưa” và yêu cầu Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí tại
mỏ Cá Voi Xanh và Cá Rồng Đỏ, thì chắc Việt Nam sẽ
coi tuyên bố và yêu cầu đó là “quá khích” (inflammatory). Lãnh đạo
Việt Nam chắc sẽ từ chối và phản ứng bằng cách khẳng định lại chủ quyền của
mình tại Biển Đông. Alexander Vuving cũng nhận định: “có thể cả hai phía đều
tính toán sai” và cả hai quốc gia “đều
quyết tâm chứng tỏ cho phía bên kia thấy quyết tâm của mình về chủ quyền”.
Dù sao, việc tướng Long đột ngột bỏ về tối 18/6 là một dấu hiệu bất thường làm
sóng gió đang nổi lên trong quan hệ Viêt-Trung (“China Cancels Military
Meeting With Vietnam Over Territorial Dispute”, Mike Ives & Jane
Perlez, New York Times, 21/6/2017).
Ý nghĩa hợp tác chiến lược
Trong bối cảnh
Việt Nam tăng cường hợp tác toàn diện với Mỹ, dự án hợp tác PetroVietnam và
Exxon Mobil đã ký (1/2017) để khai thác mỏ Cá Voi Xanh (lô
118) vừa có ý nghĩa kinh tế to lớn (trị giá $10 tỷ) vừa có ý nghĩa chiến lược
phòng vệ (hedging). Trước đây, Exxon Mobil không sợ Trung Quốc, thì
bây giờ Exxon Mobil càng không sợ, vì Ngoại trưởng Rex Tillerson vốn là CEO của
tập đoàn Exxon Mobil. Trung Quốc chỉ có thể bắt nạt Việt Nam chứ không bắt nạt
được Mỹ và Exxon Mobil. Điều đáng chú ý là mỏ khí Cá Voi Xanh cách
Đà nẵng (bán đảo Sơn Trà) có 88km, và giáp gianh “đường lưỡi bò” của Trung
Quốc.
Cùng với cam kết của Mỹ và Nhật giúp Việt Nam tăng
cường năng lực hải quân, quyết tâm triển khai dự án dầu khí Cá Voi
Xanh và Cá Rồng Đỏ, cũng như ý định đưa tàu sân bay Mỹ đến
Cảng Quốc tế Cam Ranh là các vấn đề rất nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Trung-Việt,
nhất là trong bối cảnh hiện nay có những tin đồn về thỏa thuận ngầm giữa Việt
Nam và Mỹ về căn cứ Cam Ranh. Có lẽ đây là ẩn số quan trọng nhất trong hợp tác
chiến lược Việt-Mỹ.
Tuy chưa rõ hai bên đã đạt được thỏa thuận hay
chưa, nhưng nhiều người tin rằng Việt Nam sớm muộn cũng phải cho Mỹ thuê căn cứ
Cam Ranh như một giải pháp tình huống có ý nghĩa răn đe và phòng vệ chiến lược
(strategic hedging and deterence) bên cạnh ý nghĩa kinh tế (trong lúc ngân sách
gần trống rỗng). Tiếp theo chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta
đến Cam Ranh (3/6/2012) như bước khởi đầu, các chính khách Mỹ và chiến hạm Mỹ
đã liên tiếp tới Cam Ranh trong mấy năm qua. Quan trọng nhất là Tổng thống
Obama đã tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí trong chuyến thăm Việt Nam (23-2/5/2016),
mở ra triển vọng hợp tác chiến lược Viêt-Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng
Việt-Trung tăng lên, vấn đề Mỹ thuê căn cứ Cam Ranh dường như chỉ là vấn đề
thời gian và giá cả cụ thể mà thôi.
Câu chuyện Mỹ thuê Cam Ranh trở nên nhạy cảm và
bí ẩn trong chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ngày 4/6/2017, Reuters
đưa tin Podesta Group là công ty môi giới giữa Chính phủ Việt Nam với Chính
quyền Trump (với tiền công là $30.000/tháng) đã kín đáo thừa nhận hai bên đã ký
kết “một thỏa thuận quan trọng”. Thỏa thuận đó không phải về thương mại vì
không có mặt Bộ trưởng Bộ Thương mại, nhưng lại có mặt Thứ trưởng Bộ Quôc phòng
(tướng Nguyễn Chí Vịnh) và Bộ trưởng Bộ Công An (tướng Tô Lâm).
Có một số hiện tượng đáng lưu ý. Hội nghị TW5
lẽ ra họp vào tháng 3/2017 nhưng đã hoãn đến tháng 5/2017 (phải chăng để chờ
ông Trump khẳng định?) Ngày 21/5/2017, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Trump sẽ
tiếp Thủ tướng Phúc ngày 31/5/2017. Liệu ông Trump có mời ông Phúc sang thăm
không nếu TW5 không thông qua phương án cho thuê Cam Ranh? Một điểm nữa đáng
chú ý là trong vụ khủng hoảng con tin Đồng Tâm, có tin Podesta Group đã nhắn
tin cho Hà Nội rằng ông Trump sẽ không mời ông Phúc sang thămnếu xảy ra đàn áp
bằng bạo lực, và nếu vậy thì ông Phạm Bình Minh cũng không nên đi
Mỹ.
Trước khi ông Phúc lên đường thăm Mỹ, Reuters
lại đưa tin chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phúc là
kết quả của một cuộc “thương lượng ngầm” với Mỹ. Tuyên bố Chung có một đoạn
tích cực về Biển Đông: “Tổng
thống Donald Trump của Hoa Kỳ nhấn mạnh là nước Mỹ sẽ tiếp tục cho tàu và máy
bay di chuyển và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. Một
đoạn khác về song phương: “chính
phủ Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác hữu nghị với Hoa Kỳ theo
hướng thực chất, toàn diện, ổn định và lâu dài trên cơ sở tôn trọng thể chế
chính trị của nhau”. Trong câu trên không thấy cụm từ “toàn
vẹn lãnh thổ” như mọi khi để ám chỉ chính sách “Ba không” (không có căn cứ
quân sự nước ngoài).
Có một chi tiết quan trọng khác là trong khi
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng
(31/5/2017) thì đồng thời tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng
Quốc phòng Ngô Xuân Lịch gặp TNS John McCain (Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng
viện). Ngày hôm sau, không phải vô cớ mà TNS John McCain bay đi Cam Ranh, đến
thăm chiến hạm USS John S.McCain đang đậu tại Cảng Quốc tế Cam Ranh. Ngày
5/6/2017, phái đoàn John McCain về đến Mỹ đã ra thông cáo: “Chúng
tôi hy vọng sự hiện diện của USS John S. McCain là biểu tượng cho sự hòa giải
giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như nhắc nhở các đồng minh và kẻ thù của chúng ta về
cam kết lâu dài của Mỹ tại khu vực”.
Những nghịch lý tại Biển Đông
Theo Báo cáo Asia-Pacific Rebalance 2025, muốn
đối phó hiệu quả với sự trỗi dậy hung hăng của Trung quốc hiện nay (đặc biệt là
tại Biển Đông), Mỹ phải kết hợp cả ba yếu tố là “tham dự” (engagement), “răn
đe” (deterrence) và “trấn an” (reassurance). Đó là một chiến lược đúng, nhưng
hơi muộn, vì chưa kịp triển khai thì chính quyền Trump đã thay thế chính quyền
Obama, với những bước đi chập chững gây bất an và bất định cho khu
vực.
Chính sách ngoại giao đổi chác của ông Trump
làm đồng minh Châu Á bất an, lo ngại Mỹ sẵn sàng thỏa hiệp với Trung Quốc (để
kiểm soát Bắc Triều Tiên), nên không sẵn sàng chống lại sự trỗi dậy hung hãn
của Trung Quốc. Nếu ông Trump không sẵn sàng thách thức những đòi hỏi ngang
ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông, thì các nước khu vực có thể bị xô đẩy ngả theo
Bắc Kinh. Philippines từng là đồng minh gắn bó nhất của Mỹ ở khu vực, nay cũng
công khai tách khỏi Mỹ để ngả theo Trung Quốc. Nhưng “tuần trăng mật”
của Donald Trump và Tập Cận Bình từ sau Mar A Lago Summit đã tàn, vì hợp tác
Mỹ-Trung về vấn đề Triều Tiên hầu như chỉ là ảo tưởng, làm Washington thất vọng
vì không có kết quả thực chất.
Trong khi đó, Trung Quốc vận dụng “Binh pháp
Tôn tử” (và cờ vây), tiếp tục triển khai “Tam chủng Chiến pháp” (three-warfare
doctrine) kết hợp chiến tranh tâm lý với truyền thông và pháp lý. Tuy Trung
Quốc không muốn xung đột với Mỹ, nhưng lại gây căng thẳng tối đa tại Biển Đông
(như trò “brinkmanship”). Thứ nhât, Mỹ là mối lo lớn nhất của Trung Quốc, nên
họ gây căng thẳng để hù dọa Mỹ không dám can thiệp vào khu vực này. Nếu xung
đột nhỏ với Việt Nam hay Philippines xảy ra thì Trung Quốc dễ dàng bắt nạt đối
phương và coi đó là việc nội bộ (song phương), không liên quan đến Mỹ. Thứ hai,
Trung Quốc cũng không muốn Nhật, Úc, Ấn Độ can thiệp vào Biển Đông (cùng với
Mỹ) vì một liên minh như vậy (Mỹ-Nhât-Úc-Ấn) là mối lo thứ hai của của Trung
Quốc. Nếu vô hiệu hóa được hai mối lo trên, Trung Quốc dễ dàng cô lập, bắt nạt
và phân hóa ASEAN (như đang diễn ra hiện nay).
Bị Trung Quốc phân hóa nên ASEAN đang đánh mất
vai trò, trong khi Mỹ sao nhãng. Đó là thời cơ tốt nhất để Trung Quốc bắt nạt
nước láng giềng Việt Nam (claimant) hay Singapore (ASEAN coordinator). Theo
Alexander Vuving, đây là “cơ hội ngàn vàng” để Trung Quốc lấp chỗ trống quyền
lực, nhằm thay thế vai trò lãnh đạo khu vực của Mỹ. Trung Quốc triển khai chiến
lược lấn sân từng bước, thay đổi thực địa tại Biển Đông bằng cách xen kẽ chiến
dịch lấy lòng người (Charm Offensive) bằng một đợt dùng sức mạnh để cưỡng chế
(coercion) Đó là chính sách “cái gậy và củ cà rốt” tuy cổ truyền nhưng
vẫn có tác dụng (nhất thời).
Hiện
nay, Việt Nam được coi như lá bài chủ chốt giúp Mỹ ngăn chặn tham vọng bá quyền
của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, nhất là sau khi Philippines đã ngả
theo Bắc Kinh. Hợp tác chiến lược Việt-Mỹ là cơ sở thiết yếu cho quan hệ đối
tác chiến lược, giúp tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực, và tăng cường vai
trò của Việt Nam trong ASEAN. Mỹ
và các đồng minh/đối tác trong khu vực cần lập ra một liên minh trên thực
tế (de facto coalition) theo khuôn khổ “đối tác an ninh khu vực” (regional
security partnership).
Về
lâu dài, lợi ích an ninh của Việt Nam (cũng như ASEAN) gắn liền với “tứ giác
Mỹ-Nhật-Úc-Ấn” (bên cạnh cộng đồng ASEAN). Một liên minh “defacto” như vậy có
thể chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác hải quân và hàng hải để nâng cao năng
lực an ninh quốc phòng. Thông qua chuyển giao trang thiết bị/huấn luyện/tập
trận chung, liên minh này có thể giúp các nước khu vực (như Việt Nam) từng bước
tham gia tuần tra Biển Đông (FONOPs). Chỉ có như vậy mới có thể giúp các nước
ASEAN tự tin, đoàn kết và “thoát Trung”.
Mấy lời cuối
Cuộc chiến “mèo vờn chuột” trên Biển Đông đang
gia tăng. Lực lượng Hải giám hùng hậu của Trung Quốc như “hạm đội dân quân
biển” ngày càng hung dữ. Những vụ tàu Hải giám Trung Quốc đâm tàu Kiểm ngư
Việt Nam còn gia tăng, có thể dẫn đến xung đột trên biển rất nguy hiểm, dễ rơi
vào bẫy Trung Quốc. Trong khi lực lượng hải quân Việt Nam (hay Mỹ và Nhật)
không thể trực tiếp can thiệp, thì “hạm đội dân quân biển” của Trung
Quốc tung hoành bắt nạt lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát Biển còn nhỏ yếu của
Việt nam Người Việt tuy giỏi đánh du kích (trong rừng) nhưng Biển Đông không
giống rừng Trường Sơn.
Nhưng điều đáng lo ngại nhất không phải ta
thua vì thiếu tàu chiến hay máy bay, mà sợ “quân đội nhân dân” đánh mất lòng
tin của dân, không còn “trung với nước, hiếu với dân”. Lâu nay
“quân đội chuyên nghiệp” của ta quá mải mê làm kinh tế để làm giàu, bận chiến
đấu tại trận địa Đồng Tâm hay sân golf Tân Sơn Nhất, nên các nhóm lợi ích quân
đội tham nhũng không thua kém ai, làm quân đội mất sức chiến đấu. Trong khi
Trung Quốc quyết liệt chống tham nhũng và cải tổ quân đội, thì chúng ta đã làm
gì? Nay lời kêu gọi “quân đội thôi làm kinh tế” để tâp trung
bảo vệ tổ quốc, nghe như một khẩu hiệu yếu ớt và muộn màng. Nhưng thà “muộn
còn hơn không”, vì đã đến lúc “đổi mới hay là chết” (do “cùng
tắc biến”).
Mỹ và Nhật đã bắt đầu chuyển giao cho Cảnh sát
Biển Việt Nam một số tàu tuần duyên/tuần tra và tăng cường huấn luyện/tập trận
trên biển, nhưng điều này còn quá ít và quá chậm (too little too late) trước
tình thế cấp bách hiện nay. Tàu tuần duyên (lớp Hamilton) mà Mỹ vừa chuyển giao
cho Việt Nam chưa hoạt động được trước tháng 11/2017 (vì cần 6 tháng huấn luyện
sau khi chuyển giao). Có nhiều hệ quả do chính sách “đi dây” cân bằng thụ động
của Việt Nam, cũng như chủ trường “lãnh đạo từ phía sau” (leading from
behind) của ông Obama, tuy “xoay trục” nhưng “vừa đái vừa run” như “tiếng
kèn ngập ngừng” (uncertain trumpet). Mỹ đã để Trung Quốc cướp mất bãi cạn
Scarborough của Philippines, nên đã làm cho ông Duterte mất lòng tin vào
Washington, đã quyết định bỏ Mỹ để ngả theo Trung Quốc.
Tuy Mỹ vẫn tuần tra Biển Đông (FONOP) nhưng
bằng cách “đi qua vô hại” (innocent passage), làm Trung Quốc coi thường
Ông Tập Cận Bình đã “nắn gân” và qua mặt ông Obama. Mấy năm qua Trung Quốc đã
ráo riết “thay đổi thực địa” và quân sự hóa Biển Đông như cắt
lát salami, nên đã chiếm được thế thượng phong. Theo Carl Thayer, “Biển
Đông nay là cái ao của Trung Quốc”. Nhưng cái giá phải trả là Trung
Quốc đang đẩy Việt Nam vào tay người Mỹ, như trước đây họ đã đẩy Việt Nam vào
tay người Nga. Vì vậy, Cam Ranh cũng như Cá Voi Xanh là những
ẩn số và biến số có thể làm thay đổi cuộc chơi (game changers).
Dù sao tôi vẫn tin trong trời đất và thế gian
này luôn có quy luật “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Cái gì không thể
xấu hơn được nữa thì sẽ tốt lên. Trong mọi chuyện xảy ra trên đời này, luôn có
quy luật “hệ
quả không định trước” (unintended consequences).
NQD. 27/6/2017
Tác giả gửi
cho viet-studies ngày 27-6-17
__._,_.___
No comments:
Post a Comment