Monday 24 April 2017

Trung Quốc: Từ siêu cường hàng hải đến đại cường hải quân ?.

 

Trung Quốc: Từ siêu cường hàng hải đến đại cường hải quân ?.

media
Ảnh minh họa : cảng Djibouti.Nigel Pavitt/Getty Images

Tuần báo Pháp Courrier International ngày 02/02/2017 đã đăng phóng sự điều tra của nhật báo Anh Financial Times về chiến lược trở thành bá chủ trên biển của Trung Quốc qua hai bước : làm chủ về mặt kinh tế, thương mại rồi áp đặt quyền thống trị bằng Hải Quân. RFI đã giới thiệu phần đầu của bài phóng sự nói về việc Trung Quốc đã thành công trong việc trở thành siêu cường thế giới về hàng hải. Phần hai hôm nay sẽ đề cập đến cách thức Trung Quốc biến ưu thế hàng hải thành sức mạnh quân sự.

Như báo Financial Times đã phân tích, ưu thế hàng hải của Trung Quốc thể hiện rõ nhất qua quyền kiểm soát hàng chục thương cảng lớn nhỏ trải rộng trên thế giới, nhưng tại những vị trí chiến lược. Quyền kiểm soát các hải cảng này cho phép Trung Quốc dễ dàng dùng các cơ sở đó cho mục tiêu quân sự.

Chuyên gia Ấn Độ Abhijit Singh, thuộc viện nghiên cứu Observer Research Foundation tại New Delhi đã vạch trần ý đồ này khi thẩm định rằng những cơ sở mà Trung Quốc thiết lập ở các cảng nước ngoài, về hình thức thì nhằm mục tiêu dân sự, nhưng tất cả đều có thể được điều chỉnh nhanh chóng để dùng vào mục tiêu quân sự.
Ngoài các cơ sở có sẵn, Trung Quốc đã không ngần ngại thiết lập các cơ sở mới, bồi đắp một loạt đảo nhân tạo trên nền của các bãi đá và rạn san hô như ở Biển Đông. Theo nhật báo Anh, các cơ sở này đóng một vai trò lớn trong chiến lược hải quân của Bắc Kinh.
Tuy Trung Quốc cố giảm nhẹ tầm quan trọng các mục tiêu chiến lược này, nhưng ở Bắc Kinh, người ta luôn nhấn mạnh trên sự cần thiết tăng cường an ninh trên biển.

Một bài viết năm 2015 trên một tờ báo thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc, còn tiến thêm một bước khi kêu gọi Trung Quốc « sử dụng tất cả những phương tiện ngoại giao, kinh tế trong tay để thiết lập những điểm hậu cần tiếp liệu và căn cứ quân sự tại những nơi có tính chất chiến lược, để bảo vệ những tuyến hàng hải chiến lược ».
Trong thực tế, những đề nghị này của giới khoa học đang được thực hiện. Các khoản đầu tư vào các cảng thường được biện minh bằng chiến lược « Một vành đai, một con đường », một đề án lớn mà ông Tập Cận Bình bảo vệ để làm sống lại những con đường thương mại thời xa xưa gọi là « Con đường tơ lụa », thúc đẩy đầu tư, trao đổi thương mại giữa hơn 60 quốc gia châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu.

Vị trí chiến lược ở Nam Á và Ấn Độ Dương
Trong chiến lược này, Financial Times ghi nhận Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự tại Nam Á và Ấn Độ Dương qua những đề án cảng lúc đầu thuần thương mại.
Tờ báo nêu ví dụ Cảng Gwadar ở Pakistan được mô tả như là một yếu tố then chốt của hành lang kinh tế 54 tỷ đô la, nối liền Pakistan với Trung Quốc.

Ban đầu cam kết của Trung Quốc chỉ giới hạn ở việc tài trợ và xây dựng cảng, nhưng vào năm 2015, Pakistan đã nhượng cảng lại cho một tập đoàn Trung Quốc - China Overseas Ports Holding Company - mà hợp đồng chỉ kết thúc vào 2059.

Trung Quốc cho đến nay luôn khẳng định rằng đó chỉ là một đề án thuần túy thương mại. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn nói rằng việc chuyển nhượng đó là một « hoạt động thương mại » nhằm tạo điều kiện cho « hợp tác hữu nghị giữa hai nước ». Phía Pakistan, qua lời bộ trưởng Kế Hoạch Ahsan Iqbal, vào tháng 11/2016, trả lời báo Financial Times, cũng nhấn mạnh rằng « sẽ không có sự hiện diện quân sự Trung Quốc » tại cảng Gwadar.

Nhưng một viên chức ngoại giao Pakistan, đã giải thích : « Với sự phát triển của Gwadar, việc các tàu Trung Quốc qua lại, thương thuyền cũng như tàu chiến, sẽ gia tăng trong khu vực. Dù không có dự án xây dựng một căn cứ Hải Quân Trung Quốc thường trực, nhưng quan hệ hai bên đang mở rộng qua lãnh vực biển ».
Theo Financial Times, kịch bản Gwadar đang được tái hiện ở một vùng đất xa hơn về phía Tây, tại Djibouti, bên bờ một eo biển hẹp vùng Sừng Châu Phi.
Lúc đầu thì mối quan tâm của Bắc Kinh ở đây có vẻ thuần túy thương mại với việc tập đoàn nhà nước CMG - China Merchants Group, đầu tư vào cảng container của Djibouti năm 2012, mở đường cho một khoản đầu tư lớn 9 tỷ đô la bao gồm việc xây dựng một bến cảng cho tàu chở khí hóa lỏng, một bến cảng đón gia súc và một khu hậu cần.

Nhưng vào năm ngoái, 2016, Trung Quốc công khai thừa nhận là đầu tư ở Djibouti có một tầm vóc mới, với việc xây dựng cảng Hải Quân đầu tiên của Trung Quốc ở hải ngoại, cho phép sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ít ra cho đến năm 2026, với một đạo quân có thể lên đến 10.000 người. Trong khi đó thì truyền thông chính thức Trung Quốc vẫn gọi căn cứ hải quân này là « trung tâm hậu cần ».
Sức mạnh tài chính : Vũ khí uy hiếp
Theo các nhà phân tích, thật ra rất khó cưỡng lại một Trung Quốc nắm trong tay những phương tiện tài chính hùng mạnh. Một ví dụ điển hình là Sri Lanka.
Sau khi lên nắm quyền năm 2015, tổng thống Sri Lanka, Maithripala Sirisena, đã cố đình chỉ một đề án xây dựng ở Colombo « một thành phố cảng » trị giá 1,4 tỷ đô la do các tập đoàn Trung Quốc đứng thầu.
Tổng thống Sirisena đã rất bất bình trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, thấy rõ qua vụ một tàu ngầm và một tàu chiến Trung Quốc đã đột nhiên ghé cảng container ở Colombo vào cuối năm 2014. Phần cảng này là do một tập đoàn nhà nước Trung Quốc nắm giữ.

Theo ông Brahma Chellaney, giáo sư về chiến lược ở Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị Delhi, điều trên đã chứng minh cho khả năng một đề án kinh tế có thể nhanh chóng biến thành quân sự.
Sau khi tổng thống Sirisena tỏ thái độ chống đối, Bắc Kinh đã lập tức gây sức ép, bắt bí bằng các khoản nợ to lớn của Sri Lanka với các ngân hàng Trung Quốc. Tháng 7 vừa qua, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị viếng thăm chính thức Sri Lanka, mang theo thông điệp không khoan nhượng. Theo một viên chức Colombo xin giấu tên, ông Vương Nghị đã nói thẳng : « Hoặc là chính quyền Sirisena cố thúc đẩy đề án, hoặc là Trung Quốc hoàn toàn bỏ rơi Sri Lanka ».

Vì nợ Trung Quốc 8 tỷ đô la, chính phủ Sri Lanka đã phải lùi bước, và một tháng sau đã phải ký thỏa thuận với tập đoàn cảng Trung Quốc CHEC - China Harbour Engineering Company - mở đường cho việc tiếp tục lại công trình sau 18 tháng gián đoạn.
Cũng trong khuôn khổ vụ việc này, một tập đoàn khác của Trung Quốc đã chiếm đa phần vốn của một cảng khác, Hambantota, ở phía nam của Sri Lanka, với 1 tỷ đô la.
Điều đó đã cho phép Trung Quốc có thêm một cảng hiện đại ở vùng Ấn Độ Dương, với hạ tầng cơ sở do một tập đoàn xây dựng Trung Quốc đảm trách với tín dụng Trung Quốc.
Những vùng khác quanh Ấn Độ Dương cũng trở nên quan trọng trong cái nhìn của Trung Quốc muốn thống trị mặt biển : Theo một thỏa thuận quân sự song phương với Seychelles, tàu Trung Quốc có thể sử dụng cảng của Seychelles như địa bàn để tuần tra chống hải tặc.
Ở Maldives, chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2014, đã chính thức đưa chuỗi đảo nhỏ chỉ có 350.000 dân này, vào chương trình « Một vành đai, một con đường », với những cam kết đầu tư vào hạ tầng cơ sở.

Châu Âu không ngoài tầm nhắm
Trung Quốc đã không bỏ lỡ một dịp nào để mở rộng mạng lưới cảng, nắm lấy cơ hội ở Hy Lạp, bị nợ nần chồng chất, thâu tóm cảng Pirée, tăng cường hiện diện tại châu Âu.
Trung Quốc đã đầu tư và nắm đa số phần vốn của một trong những cảng lớn nhất châu Âu này vì hai mục tiêu : thương mại và chiến lược.
Khi thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tiếp đón vào đầu năm 2015 các sĩ quan cao cấp của Hải Quân Trung Quốc cùng một chiến hạm, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho là ông Tsipras ủng hộ việc bán cảng cho công ty Trung Quốc. Không đầy một năm sau, cảng được nhượng với giá 420 triệu đô la.

Financial Times ghi nhận là quan chức Trung Quốc lúc đó rất phấn khởi vì nhớ lại việc chính quyền Bắc Kinh bị hoàn toàn bất ngờ và bị động vào năm 2011 khi phải di tản 36.000 người lao động Trung Quốc khỏi Libya và đã phải nhờ đến thương thuyền Hy Lạp trợ giúp.

Một viên chức Trung Quốc xin giấu tên đã nhận định : « Nếu tình trạng đó tái diễn, thì chúng tôi sẽ được chuẩn bị tốt hơn. Có thể sử dụng tàu chiến Trung Quốc để di tản người đến cảng Pirée của chúng tôi. »


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment