Friday, 10 March 2017

Hồ sơ Bắc Triều Tiên : Mỹ bác bỏ đề nghị thỏa hiệp của Trung Quốc


 

Hồ sơ Bắc Triều Tiên : Mỹ bác bỏ đề nghị thỏa hiệp của Trung Quốc

RFI
media
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc bà Nikki Haley và đại sứ Nhật Koro Bessho (T) sau phiên họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về Bắc Triều Tiên ngày 08/03/2017.REUTERS/Shannon Stapleton

Trong cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày hôm qua, 08/03/2017 bàn về vụ Bắc Triều Tiên bắn tên lửa về phía biển Nhật Bản, đại diện của Hoa Kỳ đã bác bỏ đề nghị thỏa hiệp của Trung Quốc, theo đó, Washington và Seoul ngừng tập trận trên lãnh thổ Hàn Quốc, đổi lại, Bình Nhưỡng quay trở lại vòng đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đại sứ Mỹ cho rằng không nên đối thoại với Bắc Triều Tiên vì nước này cư xử không bình thường, không hợp lý.
Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau tường trình :
15 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hiện diện quanh dãy bàn xếp hình móng ngựa, nhưng trên thực tế, chỉ có Trung Quốc và Mỹ nắm giữ chìa khóa làm dịu tình hình.
Vài giờ trước cuộc họp, Bắc Kinh đã đề xuất với Washington một thỏa hiệp : Ngừng tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc và đổi lại, tái lập đối thoại với Bắc Triều Tiên nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này.
Câu trả lời của đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley rất rõ ràng : Không thể đối thoại với lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Bà nói với đại diện Trung Quốc rằng đó không phải là một con người có lý trí, ông ta hành xử không hợp lý. Hoa Kỳ đang xem xét hồ sơ Bắc Triều Tiên trong tương lai ra sao. Washington sẽ ra quyết định và sẽ có những hành động thích hợp.
Trước sự cứng rắn của Hoa Kỳ, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi) lên tiếng gần như đe dọa. Ông nói : Tình trạng bấp bênh sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng và tình hình có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát, làm bùng phát một cuộc xung đột trên quy mô lớn hơn, thậm chí một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Thế nhưng, khả năng hành động của Mỹ và Trung Quốc rất hạn hẹp và viễn cảnh một cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa khu vực dường như không có gì là chắc chắn cả.

Hải Quân Mỹ-Nhật tập trận ngoài khơi đảo Guam

Mai Vân
media
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và chiến hạm Nhật JS Fuyuzuki trong một cuộc tập trận chung hôm 18/10/2015AFP / Hải quân Mỹ
Trong năm ngày (06-10/03/2017), Hải Quân Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng tiến hành cuộc tập trận mang tên MultiSail 2017, ngoài khơi đảo Guam thuộc Mỹ ở vùng tây bắc Thái Bình Dương. Mục tiêu đề ra là nhằm hoàn thiện năng lực tương tác giữa Hải Quân hai nước trong bối cảnh quân đội Nhật đã chính thức được quyền tiếp ứng đồng minh Mỹ tại hải ngoại.
Bản thông cáo báo chí của Hải Quân Mỹ cho biết phía Mỹ đã cử tổng cộng 6 chiến hạm tham gia đợt diễn tập, bao gồm 5 khu trục hạm lớp Arleigh Burke (USS Stethem, USS Barry, USS Mustin, USS Fitzgerald, và USS McCampbell) và một tuần dương hạm được trang bị tên lửa lớp Ticonderoga. Phía Nhật gởi 2 tàu khu trục có tên lửa dẫn đường đến tham gia.
Theo Hải Quân Mỹ MultiSail là một cuộc tập trận nhằm cải thiện khả năng tương tác giữa hai quân đội Mỹ và Nhật Bản, rèn luyện năng lực phát hiện, định vị, theo dõi và tung lực lượng can thiệp trên biển, trên không, trên đất liền và dưới mặt nước.
Theo ghi nhận của báo Nhật Bản The Diplomat, từ một chương trình tập huấn đơn giản lúc ban đầu, với thời gian, MultiSail đã mở rộng thành một cuộc tập trận hải quân song phương quy mô và tinh vi, trong đó cả hai lực lượng hải quân thử nghiệm các thiết bị, chiến thuật và phương án tác chiến mới nhất, trong các lãnh vực từ bảo đảm an ninh hàng hải đến chống tàu ngầm và phòng không.
Việc tăng cường năng lực tương tác và phối hợp giữa Hải Quân Mỹ và Nhật Bản đã trở nên đặc biệt cần thiết trong bối cảnh kể từ tháng 12 năm 2016, tàu chiến Nhật Bản đã chính thức được quyền tham gia bảo vệ tàu hải quân Hoa Kỳ.
Cũng trong khuôn khổ tăng cường năng lực tác chiến giữa hai quân đội, vào ngày 06/03 vừa rồi, quân đội Mỹ-Nhật đã kết thúc một tháng tập trận đổ bộ tại Camp Pendleton và đảo San Clemente ở miền nam tiểu bang California (Hoa Kỳ).
Ngoài ra, Hải Quân Mỹ và Nhật Bản hiện đang cùng tham gia chương trình thường niên của Mỹ mang tên Đối Tác Thái Bình Dương (Pacific Partnership), nhằm rèn luyện năng lực trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai cho các nước ở khu vực Á Châu  Thái Bình Dương.
Trong năm nay, trong khuôn khổ chương trình Đối Tác Thái Bình Dương, các đơn vị Úc, Mỹ, Anh, Nhật và Hàn Quốc phụ trách việc đào tạo cho 3 nước chủ nhà năm nay là Sri Lanka, Malaysia và Việt Nam.

Hàn Quốc : Lãnh đạo Samsung lại phủ nhận mọi cáo buộc tham nhũng

MAI VÂN
media
Lee Jae Yong (G), phó chủ tịch Samsung trước khi bị thẩm vấn tại Seoul (ảnh chụp ngày 13/02/2017)©REUTERS/Jung Yeon-Je
Nhân phiên tòa đầu tiên mở ra tại Seoul vào hôm nay 09/03/2017, người thừa kế tập đoàn Samsung Lee Jae Yong đã phủ nhận mọi cáo buộc nhắm vào ông trong hồ sơ tham nhũng, lạm quyền đã khiến tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị Quốc Hội truất phế. Lee Jae Yong không có mặt trong phiên tòa này, nhưng có luật sư đại diện.
Lee Jae Yong đã bị tạm giam ngày 17/02, rồi bị truy tố với tội danh « tham nhũng, lạm dụng của công, che giấu tài sản ở nước ngoài và bội thệ ». 4 viên chức khác của Samsung cũng bị truy tố.
Theo hãng tin Pháp AFP, một luật sư của Samsung tuyên bố trước tòa là các nghi can đều « bác bỏ các cáo buộc » với lý do là một số lời tố cáo không có bằng chứng vững chắc, trong lúc một số bằng chứng nêu ra chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Lãnh đạo Samsung bị tố cáo là đã rót gần 40 triệu đô la tiền đút lót cho bà Choi Soon Sil, người bạn và cố vấn của tổng thống Park Geun Hye để đánh đổi lấy một số đặc quyền.
Theo AFP, đến dự phiên tòa sơ khởi hôm nay, có nhà báo, sinh viên và vài người về hưu. Một phụ nữ muốn đặt câu hỏi sau thông báo của luật sư biện hộ, nhưng không được thẩm phán cho phép và cuối cùng đã bị trục xuất ra ngoài.
Trong vụ tai tiếng tham nhũng lạm quyền này với nhân vật trung tâm, là bà Choi Soon Sil, một loạt lãnh đạo tập đoàn Hàn Quốc hàng đầu đã bị thẩm vấn, còn tổng thống Park Geun Hye thì bị Quốc Hội truất phế vào tháng 12 vừa qua. Theo dự kiến Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc sẽ đưa ra quyết định về vụ truất phế vào thứ Sáu 10/03 này.

Manila tố tàu Trung Quốc Xâm nhập vùng biển Philippines

Thanh Hà
media
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana trong cuộc họp báo tại tổng hành dinh quân đội, Manila, ngày 09/03/2017NOEL CELIS / AFP
Phát biểu trong khuôn khổ diễn đàn an ninh quốc gia, ngày 09/03/2017 bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, Delfin Lorenzana tuyên bố “rất lấy làm lo ngại” trước việc tàu khảo sát biển của Trung Quốc Xâm nhập hải phận Philippines. Năm 2016, tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã hoạt động tại khu vực Benham Rise, một vùng biển đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là thuộc chủ quyền của Philippines.
Benham Rise là một khu vực dưới biển rộng 13 triệu hecta và được xem là nơi giàu khí đốt. Năm 2012 Liên Hiệp Quốc công nhận Benham Rise thuộc chủ quyền của Philippines.
Dự diễn đàn an ninh quốc gia bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cho biết thêm, năm ngoái, trong vòng ba tháng, tàu của Trung Quốc đã ở lại khu vực Benham Rise. Tránh để tình trạng này tái diễn, ông Lorenzana đã ra lệnh cho Hải Quân Philippines “áp sát và hộ tống tàu” của nước ngoài ra khỏi lãnh hải của nước này.
Tuyên bố trên của bộ trưởng Quốc Phòng Lorenzana được đưa ra vào lúc Manila và Bắc Kinh đang trên đà cải thiện quan hệ sau vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại cả Trung Quốc và Philippines cùng khẳng định chủ quyền tại Benham Rise là Reed Bank (tức Bãi Cỏ Rong). Về câu hỏi tàu Trung Quốc hiện diện trong vùng biển của Philippines để làm gì, bộ trưởng Quốc Phòng Lorenzano trả lời một cách gián tiếp là Manila có được một số thông tin cho rằng các tàu của Trung Quốc đang “tìm kiếm địa điểm để đặt tàu ngầm”.
Philippines, Malaysia và Indonesia cùng tuần tra ở Biển Đông chống hải tặc
Ngoài ra cũng bộ trưởng Quốc Phòng Philippines thông báo, vào tháng Tư hay tháng Năm 2017, Manila sẽ cùng với Malaysia và Indonesia tuần tra chung ở Biển Đông chống hải tặc. Mục tiêu chính các bên là tổ chức Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf đang hoành hành ở miền nam Philippines. Abu Sayyaf hiện đang bắt giữ 31 con tin Philippines và ngoại quốc, trong đó có 6 người Việt Nam. Tuần trước bộ trưởng Lorenzana đã kêu gọi Việt Nam hợp tác với Philippines chống hải tặc và các vụ bắt con tin.

__._,_.___

Posted by: Binh Hoang 

No comments:

Post a Comment